2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015
2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024 2025
Bài viết chọn lọc năm 2009
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Tuần 1

Xe Austin mà Thích Quảng Đức dùng để đến nơi tự thiêu nay được trưng bày tại chùa Thiên Mụ ở Huế

Thích Quảng Đức, thế danh Lâm Văn Tức, (1897 - 11 tháng 6 năm 1963) là một hòa thượng phái Đại thừa, người đã tẩm xăng tự thiêu tại một ngã tư đông đúc ở Sài Gòn vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Tấm ảnh chụp hòa thượng tự thiêu đã được truyền đi khắp thế giới và gây nên sự chú ý đặc biệt tới chính sách của chế độ Ngô Đình Diệm. Phóng viên Malcolm Browne đã giành Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới năm 1963 nhờ một bức hình chụp cảnh Thích Quảng Đức tự thiêu, và nhà báo David Halberstam, một người sau được trao giải Pulitzer, cũng đã có bản tường thuật sự kiện. Sau khi chết, thi hài của Thích Quảng Đức đã được hỏa táng lại, nhưng trái tim của ông thì vẫn còn nguyên. Đây được coi là biểu tượng của lòng trắc ẩn, dẫn đến việc giới Phật tử suy tôn ông thành một vị Bồ tát, làm tăng sức ảnh hưởng của vụ tự thiêu lên dư luận.

Hành động của Thích Quảng Đức đã làm tăng sức ép của quốc tế đối với chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn tới việc tổng thống Diệm phải tuyên bố đưa ra một số cải cách nhằm xoa dịu giới Phật tử. Tuy nhiên, những cải cách như đã hứa đó lại được thực hiện một cách chậm chạp hoặc không hề được thực hiện, khiến tình hình càng trở nên xấu hơn. Khi phong trào phản kháng vẫn tiếp tục dâng cao, Lực lượng đặc biệt trung thành với cố vấn Ngô Đình Nhu, em trai tổng thống, đã tiến hành nhiều cuộc tấn công bố ráp chùa chiền trên cả nước. Lực lượng này đã lấy được trái tim của Thích Quảng Đức, gây thiệt hại ở diện rộng cùng chết chóc. Một số nhà sư khác cũng đã tự thiêu theo gương Thích Quảng Đức. Cuối cùng, cuộc đảo chính quân sự vào tháng 11 đã lật đổ chính quyền và giết chết anh em Ngô Đình Diệm. Hành động tự thiêu của Thích Quảng Đức được coi như một bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng Phật giáo Việt Nam, dẫn tới việc xóa bỏ nền Đệ nhất Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam.

Tuần 2

Hai cầu thủ Cesc Fàbregas và Anderson đang tranh bóng trong một trận đấu thuộc Giải bóng đá ngoại hạng Anh.

Bóng đá, còn gọi là túc cầu hay đá banh, là môn thể thao đồng đội được chơi giữa hai đội với nhau, mỗi đội có 11 cầu thủ trên sân. Trò chơi này dùng một quả bóng và thường được chơi trên sân cỏ hình chữ nhật với hai khung thành ở hai đầu sân. Mục tiêu của trò chơi là ghi điểm bằng cách đưa bóng vào khung thành của đội đối địch. Ngoại trừ thủ môn, các cầu thủ khác đều không được cố ý dùng tay hoặc cánh tay để chơi bóng. Đội chiến thắng là đội ghi được nhiều bàn thắng hơn khi kết thúc trận đấu.

Bóng đá được chơi ở đẳng cấp chuyên nghiệp trên thế giới. Hàng triệu người đến sân vận động để xem các trận thi đấu có đội bóng mà họ yêu thích, và hàng triệu người khác theo dõi qua tivi nếu không thể đến sân vận động. Ngoài ra, còn rất nhiều người chơi môn thể thao này ở đẳng cấp nghiệp dư.

Theo một cuộc khảo sát công bố vào năm 2001 của FIFA, tổ chức quản lý bóng đá trên thế giới, có hơn 240 triệu người thường xuyên chơi bóng đá ở hơn 200 quốc gia. Luật chơi đơn giản và dụng cụ thi đấu ít tốn kém giúp cho trò chơi này phát triển mạnh mẽ. Ở nhiều nước, bóng đá có vai trò quan trọng trong cuộc sống của người hâm mộ, trong cộng đồng địa phương hay cả quốc gia; do đó có thể nói đây là môn thể thao phổ biến nhất thế giới.

Tuần 3

Bức tượng Nữ thần Tự do

Chủ nghĩa tự do là một hệ tư tưởng, quan điểm triết học, và truyền thống chính trị cho rằng tự do là giá trị chính trị cơ sở. Chủ nghĩa tự do có nguồn gốc từ phong trào Khai sáng ở phương Tây, nhưng thuật ngữ này mang nhiều nghĩa khác nhau trong các giai đoạn khác nhau. Như tại Mỹ, khái niệm chủ nghĩa tự do có ý nói đến chủ nghĩa tự do mới trong khi ở các nơi khác nó vẫn mang ý nghĩa ban đầu của chủ nghĩa tự do cổ điển.

Một cách khái quát, chủ nghĩa tự do nhấn mạnh đến quyền cá nhân. Nó tìm kiếm một xã hội có đặc điểm là tự do tư tưởng cho mỗi cá nhân, hạn chế quyền lực, pháp trị, tự do trao đổi tư tưởng, một nền kinh tế thị trường hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tự do, và một hệ thống chính phủ minh bạch trong đó các quyền của công dân được bảo vệ. Trong xã hội hiện đại, người theo chủ nghĩa tự do ủng hộ một nền dân chủ tự do có bầu cử công bằng và công khai mà mọi công dân đều được hưởng quyền bình đẳng trước pháp luật và có cơ hội thành công như nhau.

Nhiều người theo chủ nghĩa tự do mới ủng hộ sự can thiệp nhiều hơn của nhà nước đến thị trường tự do, thường dưới hình thức các đạo luật chống phân biệt, phổ cập giáo dụcđánh thuế lũy tiến. Triết lý này thường được mở rộng sang cả niềm tin rằng chính phủ phải có trách nhiệm tạo ra phúc lợi chung, trong đó có cả trợ cấp thất nghiệp, nhà ở cho người không nơi cư trú và chăm sóc y tế cho người ốm. Những hoạt động và sự can thiệp mang tính công cộng như trên không được sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển hiện đại, một chủ nghĩa nhấn mạnh đến tự do doanh nghiệp tư nhân, quyền sở hữu tài sản của cá nhân và tự do khế ước; các nhà tự do cổ điển cho rằng bất bình đẳng kinh tế là điều tự nhiên diễn ra từ sự cạnh tranh của thị trường tự do và không phải là lý do để dựa vào đó mà có thể vi phạm quyền sở hữu tài sản cá nhân.

Tuần 4

Tân Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama

Barack Obama (sinh ngày 4 tháng 8 năm 1961 tại Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ) là tổng thống thứ 44 và đương nhiệm của Hoa Kỳ. Ông đánh bại Thượng nghị sĩ John McCain trong kỳ tổng tuyển cử ngày 4 tháng 11 năm 2008 để trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên thắng cử chức vụ này. Trước đó, Obama là Thượng nghị sĩ đại diện cho Illinois đến khi ông từ chức.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Columbia và Trường Luật của Đại học Harvard, nơi ông từng là chủ nhiệm của tờ tạp chí Harvard Law Review, Obama nhận công việc của một chuyên viên tổ chức cộng đồng và luật sư tập sự chuyên ngành luật nhân quyền, trước khi đắc cử vào Thượng viện của Tiểu bang Ilinois và phục vụ tại đây từ năm 1997 đến 2004. Sau thất bại khi tranh cử vào Viện Dân biểu Hoa Kỳ trong năm 2000, Obama tuyên bố chiến dịch tranh cử cho Thượng viện vào tháng 1 năm 2003. Sau chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử sơ bộ trong tháng 3 năm 2004, ông được mời đọc diễn văn tại Đại hội Đảng Dân chủ Toàn quốc vào tháng 7 năm 2004. Tháng 11 năm 2004, Obama đắc cử vào Thượng viện Hoa Kỳ với 70% phiếu bầu, trở thành thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Phi thứ năm trong lịch sử Hoa Kỳ và là người Mỹ gốc Phi duy nhất phục vụ trong Thượng viện vào lúc đó.

Obama tuyên bố tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 từ tháng 2 năm 2007 và được Đảng Dân chủ chọn làm ứng cử viên đại diện với ứng cử viên phó tổng thống liên danh Joe Biden tại Đại hội Đảng Dân chủ Toàn quốc. Ông là người Mỹ gốc Phi đầu tiên được một chính đảng quan trọng tại Hoa Kỳ chọn lựa cho cuộc đua vào Nhà Trắng. Thắng cử với 53% số phiếu phổ thông và 365 phiếu đại cử tri, Obama đánh bại đối thủ chính là ứng cử viên Cộng hòa John McCain, người nhận 46% số phiếu phổ thông và 163 phiếu đại cử tri. Ông nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2009.

Tuần 5

Bích chương cổ động Kế hoạch Marshall tại châu Âu

Kế hoạch Marshall (Marshall Plan) là một kế hoạch trọng yếu của Hoa Kỳ nhằm tái thiết và thiết lập một nền móng vững chắc hơn cho các quốc gia Tây Âu, đẩy lui chủ nghĩa cộng sản sau Thế chiến thứ hai. Mang tên chính thức “Kế hoạch phục hưng Châu Âu”, nhưng Kế hoạch Marshall thường được gọi theo tên của Ngoại trưởng Mỹ George Marshall, người đã khởi xướng và ban hành kế hoạch. Kế hoạch Marshall là thành quả lao động của các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong đó ghi nhận sự đóng góp đặc biệt của William L. ClaytonGeorge F. Kennan.

Kế hoạch tái thiết được phát triển tại cuộc họp mặt của các quốc gia Châu Âu ngày 12 tháng 7 năm 1947. Kế hoạch Marshall đề ra việc viện trợ tương đương cho Liên Xô và đồng minh của họ, nhưng không được chấp nhận. Kế hoạch được thực thi trong vòng 4 năm, kể từ tháng 7 năm 1947. Trong thời gian đó, có khoảng 17 tỷ đô la Mỹ viện trợ kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật để giúp khôi phục các quốc gia châu Âu tham gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nhiều quốc gia châu Âu đã nhận được viện trợ trước khi có Kế hoạch Marshall, kể từ năm 1945, cùng với các điều kiện chính trị kèm theo.

Cho tới khi kết thúc dự án, nền kinh tế của các quốc gia nằm trong Kế hoạch, ngoại trừ Tây Đức, đã phát triển vượt mức trước chiến tranh. Trong vòng hai thập kỷ tiếp đó, nhiều vùng ở Tây Âu tiếp tục đạt được mức tăng trưởng và phồn vinh chưa từng có trước đó. Kế hoạch Marshall cũng được xem là một trong các thành tố của quá trình hội nhập Châu Âu, vì nó xóa bỏ hàng rào thuế quan và thiết lập các cơ quan điều phối kinh tế tầm cỡ lục địa.

Tuần 6

Chân dung William III của Sir Godfrey Kneller

William III hoặc William xứ Orange (14 tháng 11 năm 16508 tháng 3 năm 1702) là Hoàng thân Orange, từ năm 1672 là Tổng đốc các tỉnh lớn của Cộng hòa Hà Lan, rồi được tôn làm Vua Anh, Scotland, và Ireland kể từ năm 1689. Là một thành viên của Nhà Orange-Nassau, William III trị vì Anh, Scotland, và Ireland sau cuộc Cách mạng Ving quang, khi nhạc phụ của ông, James II của Anh, bị phế truất. William đồng trị vì với vợ, Mary II, cho đến khi Mary băng hà ngày 28 tháng 12 năm 1694. Ông là “William II” ở Scotland, và là “William III” ở Anh và Ireland. Tại Bắc Ireland và Scotland, người ta còn gọi ông là “Vua Billy”.

Là tín hữu Kháng Cách, William tham gia các cuộc chiến chống Louis XIV của Pháp, một quân vương Công giáo đầy quyền lực, trong bối cảnh châu Âu đang bị chia cắt bởi các thế lực Công giáo và Kháng Cách. Phần lớn là nhờ thanh danh ấy mà William được tôn làm vua nước Anh nơi có nhiều người luôn e sợ một sự phục hồi ảnh hưởng Công giáo do những nỗ lực của James đem cựu giáo trở lại vương quốc này. Chiến thắng của William III tại mặt trận Boyne khi ông đánh bại James II năm 1690 vẫn được Hội Orange ở Bắc Ireland kỷ niệm cho đến ngày nay. Thời trị vì của William nổi bật với sự khởi đầu của giai đoạn chuyển đổi quyền lực từ thể chế cai trị độc đoán của dòng họ Stuart sang thể chế tập trung nhiều quyền lực hơn cho Quốc hội dưới triều Hanover.

Tuần 7

Giấc mơ danh vọng (tên gốc: Dreamgirls) là một bộ phim ca nhạc Mỹ của đạo diễn Bill Condon được công chiếu lần đầu vào năm 2006, do hai hãng DreamWorks Pictures cùng Paramount Pictures hợp tác sản xuất và phát hành. Bộ phim được chiếu ra mắt tại ba roadshow đặc biệt bắt đầu vào ngày 15 tháng 12 năm 2006, phát hành chính thức trên toàn nước Mỹ vào 25 tháng 12 năm 2006. Dreamgirls đã giành tổng cộng 3 giải Quả cầu vàng năm 2007, trong đó có giải Phim xuất sắc nhất thuộc thể loại Hài kịch hay Nhạc kịch, đồng thời cũng chiến thắng ở hai hạng mục tại lễ trao giải Oscar lần thứ 79.

Chuyển thể từ vở nhạc kịch Broadway cùng tên năm 1981, Dreamgirls kể về cuộc đời của Effie White, Deena Jones và Lorrell Robinson, ba cô gái trẻ đã thành lập một nhóm tam ca ở thành phố Detroit, Michigan mang tên “The Dreamettes”. Nhờ sự giúp đỡ của nhà quản lý thu âm Curtis Taylor, Jr., Dreamettes đã dần trở nên nổi tiếng khi là nhóm hát bè cho ca sĩ nhạc soul James “Thunder” Early. Mâu thuẫn xảy ra giữa các thành viên khi Curtis chuyển nhóm hát này thành một ban nhạc theo xu hướng pop, với tên gọi mới “The Dreams”, và đặc biệt khi đưa Deena lên thay thế Effie ở cả vai trò ca sĩ hát chính lẫn vị trí người tình của Taylor.

Bộ phim có sự tham gia của những ngôi sao như Jamie Foxx, Beyoncé Knowles, Eddie Murphy, và Jennifer Hudson, người đã nhận giải Oscar cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai diễn Effie White. Nhà sản xuất của phim là Laurence Mark; kịch bản đã được Bill Condon chuyển thể từ kịch bản gốc của Tom Eyen và các ca khúc do Eyen cùng Henry Krieger sáng tác. Bốn ca khúc mới, do Krieger viết nhạc và nhiều người khác soạn lời, đã được đưa thêm vào trong phim.

Tuần 8

Takahashi Rumiko (phiên âm Hán Việt: Cao Kiều Lưu Mỹ Tử) là một trong những mangaka (người sáng tác truyện tranh Nhật Bản) xuất sắc cũng như giàu có nhất Nhật Bản hiện nay. Mặc dù là phụ nữ, nhưng bà thừa nhận thích đọc và viết các tác phẩm manga dành cho nam thiếu niên (Shōnen manga) hơn là các tác phẩm dành cho nữ thiếu niên (Shōjo manga), nguyên do từ thuở nhỏ bà đã đọc và làm quen với các shōnen manga thông qua tạp chí Shōnen Sunday. Các shōnen manga của bà như Inu Yasha, Một nửa Ranma, Mezon Ikkoku, Urusei Yatsura… nhanh chóng được nhiều độc giả ưa thích và đã làm nên sự thành công cũng như nổi tiếng của bà. Tính đến năm 2008, đã có hơn 170 triệu ấn phẩm của Takahashi được bán ra trên toàn thế giới. Bà cũng đã đoạt hai Giải thưởng Manga Shogakukan (Shogakukan Manga Award): giải thưởng năm 1981 dành cho Urusei Yatsura và giải thưởng năm 2002 dành cho Inu Yasha.

Với bề dày thành tích như trên, độc giả đã gán tặng Takahashi Rumiko biệt danh “công chúa manga”. Một điều đặc biệt là “Takahashi đã dành trọn cuộc đời mình cho manga” và đến nay bà vẫn chưa lập gia đình.

Tuần 9

Điện Capitol

Washington, D.C. là thành phố thủ đô của Hoa Kỳ, được thành lập vào ngày 16 tháng 7 năm 1790. Mang tên chính thức “District of Columbia”, có nghĩa “Đặc khu Columbia”, thành phố này còn thường được gọi là “Washington”, “the District”, hoặc đơn giản hơn “D.C.”

Thành phố Washington ban đầu là một đô thị tự quản riêng biệt bên trong Lãnh thổ Columbia cho đến khi một đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ năm 1871 có hiệu lực kết hợp thành phố và lãnh thổ này thành một thực thể duy nhất được gọi là Đặc khu Columbia. Đó là lý do tại sao thành phố này trong khi có tên gọi chính thức là Đặc khu Columbia lại được biết với tên gọi là Washington, D.C., có nghĩa là thành phố Washington, Đặc khu Columbia. Thành phố nằm bên bờ bắc sông Potomac và có ranh giới với tiểu bang Virginia ở phía tây nam và tiểu bang Maryland ở các phía còn lại. Tuy đặc khu này có dân số 591.833 người nhưng do nhiều người di chuyển ra vào từ các vùng ngoại ô lân cận nên dân số thực tế lên đến trên 1 triệu người trong suốt tuần làm việc. Vùng đô thị Washington, bao gồm cả thành phố, có dân số 5,3 triệu người là vùng đô thị lớn thứ 8 tại Hoa Kỳ.

Điều một trong Hiến pháp Hoa Kỳ có nói đến việc lập ra một đặc khu liên bang, không phụ thuộc vào bất cứ tiểu bang nào, để phục vụ như thủ đô vĩnh viễn của quốc gia. Các trung tâm của ba ngành trong chính phủ liên bang Hoa Kỳ cùng nhiều đài tưởng niệm và bảo tàng quốc gia đều nằm trong đặc khu. Washington, D.C. là nơi tiếp nhận 173 đại sứ quán ngoại quốc cũng như các tổng hành dinh của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, và Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO). Ngoài ra còn có tổng hành dinh của các cơ quan khác như các liên đoàn lao động, các nhóm vận động hành lang, và các hội đoàn nghiệp vụ cũng đặt tại nơi đây.

Tuần 10

Biểu trưng chính thức của Thế vận hội Mùa hè lần thứ I

Thế vận hội Mùa hè 1896, tên chính thức “Thế vận hội Mùa hè lần thứ I”, là sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức tại thành phố Athena, thủ đô của Hy Lạp, từ ngày 6 đến 15 tháng 4 năm 1896. Đây chính là kỳ Thế vận hội đầu tiên được tổ chức trong thời kỳ hiện đại. Hy Lạp cổ đại vốn là cái nôi của phong trào Olympic, do đó Athena được coi như sự lựa chọn thích hợp để tổ chức cho kỳ Thế vận hội hiện đại đầu tiên. Thành phố này được nhất trí chọn làm thành phố chủ nhà trong một hội nghị do Pierre de Coubertin, một nhà sư phạm và sử gia người Pháp, tổ chức tại Paris vào ngày 23 tháng 6 năm 1894. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng được thành lập nhân hội nghị này.

Mặc dù gặp phải nhiều trở ngại và thoái trào nhưng Thế vận hội Mùa hè 1896 vẫn được ghi nhận là một kỳ Olympic thành công, nhờ những cuộc tranh tài thể thao có quy mô lớn nhất từ trước cho tới thời điểm đó. Sân vận động Panathinaiko, sân vận động lớn đầu tiên trên thế giới thời hiện đại, đã chật cứng bởi lượng khán giả đông nhất vào lúc đó. Nước chủ nhà Hy Lạp đạt được thành tích nổi bật nhờ chiến thắng trong môn marathon của Spiridon Louis. Vận động viên thành công nhất trong kỳ Thế vận hội là đô vật và vận động viên thể dục dụng cụ người Đức Carl Schuhmann, người đã giành được tới 4 huy chương vàng. Trong kỳ thế vận hội đầu tiên này không có nữ vận động viên nào tham dự.

Sau kỳ Thế vận hội, một số nhân vật cấp cao, trong đó có Vua Georgios I của Hy Lạp cùng một số vận động viên người Mỹ, kiến nghị với Coubertin và IOC rằng tất cả những kỳ Thế vận hội sau nên được tổ chức tại Athena. Tuy nhiên 4 năm sau, Thế vận hội Mùa hè 1900 lại được tổ chức tại thành phố Paris của Pháp và ngoại trừ kỳ Thế vận hội 1906 không được IOC công nhận chính thức, phải 108 năm sau, Athena của Hy Lạp mới được tổ chức sự kiện này lần thứ hai vào năm 2004.

Tuần 11

Di truyền học là một bộ môn sinh học, nghiên cứu về tính di truyềnbiến dị ở các sinh vật. Kể từ thời tiền sử, thực tế về việc các sinh vật sống thừa hưởng những đặc tính từ bố mẹ đã được ứng dụng để tăng sản lượng cây trồng và vật nuôi, thông qua quá trình sinh sản chọn lọc hay chọn lọc nhân tạo. Tuy nhiên, di truyền học hiện đại, tìm hiểu về quá trình di truyền, chỉ được ra đời vào giữa thế kỷ 19 với những công trình của Gregor Mendel. Dù không hiểu về nền tảng vật chất của tính di truyền, Mendel vẫn nhận biết được rằng sinh vật thừa kế những tính trạng theo một cách riêng rẽ - mà trong đó những đơn vị cơ bản của di truyền được gọi là gene.

Các gene tương ứng với những vùng nằm trong ADN, một cao phân tử được cấu thành từ bốn loại đơn phân nucleotide; chuỗi những nucleotide này mang thông tin di truyền ở sinh vật. ADN trong điều kiện tự nhiên có dạng chuỗi xoắn kép, trong đó nucleotide ở mỗi chuỗi liên kết bổ sung với nhau. Mỗi chuỗi lại có thể hoạt động như một khuôn để tổng hợp một chuỗi bổ sung mới - đó là cách thức tự nhiên tạo nên những bản sao của gene mà có thể được di truyền lại.

Chuỗi nucleotide trong gene có thể được phiên mãdịch mã trong tế bào để tạo nên chuỗi các axít amin, hình thành protein; trình tự của các axít amin trong protein cũng tương ứng với trình tự của các nucleotide trong gene. Trình tự này được biết với tên mã di truyền. Nó xác định cách thức gập xoắn trong cấu trúc ba chiều của phân tử protein; cấu trúc này tiếp đó quy định nên chức năng của protein. Những protein sẽ thực hiện hầu hết các chức năng cần thiết cho sự sống của tế bào. Một thay đổi nhỏ của gene trong phân tử ADN cũng sẽ dẫn đến thay đổi trình tự axít amin, thay đổi cấu trúc và chức năng của protein, và điều này có thể tác động không nhỏ lên tế bào cũng như toàn bộ cơ thể sống.

Tuần 12

Các vùng chiến sự chính trong Chiến tranh biên giới Việt-Trung, 1979

Chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979 là cuộc chiến ngắn nhưng bạo liệt khi Trung Quốc đem quân đánh vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc vào ngày 17 tháng 2 năm 1979. Được phía Việt Nam gọi là Chiến tranh biên giới phía Bắc, 1979, phía Trung Quốc gọi là Chiến tranh phản kích tự vệ trước Việt Nam (Đối Việt tự vệ phản kích chiến), và nhiều nhà nghiên cứu coi là một phần của Chiến tranh Đông Dương lần 3, Chiến tranh biên giới Việt - Trung xuất phát từ quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai quốc gia và ý đồ “dạy cho Việt Nam một bài học” của Đặng Tiểu Bình, kéo dài trong chừng một tháng với thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho cả hai phía. Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc hoàn thành rút quân vào ngày 18 tháng 3 năm 1979, sau khi chiếm được các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn vùng biên. Mục tiêu của Trung Quốc buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia không thành, nhưng cuộc chiến để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Xung đột vũ trang tại biên giới còn tiếp diễn thêm 10 năm. Hơn 13 năm sau, quan hệ ngoại giao Trung-Việt được chính thức bình thường hóa.

Tuần 13

Kate Winslet và Jim Carrey, hai diễn viên chính của Eternal Sunshine of the Spotless MindKate Winslet và Jim Carrey, hai diễn viên chính của Eternal Sunshine of the Spotless Mind

Eternal Sunshine of the Spotless Mind là một bộ phim tâm lý của điện ảnh Hoa Kỳ công chiếu tháng 3 năm 2004. Bộ phim được thực hiện bởi đạo diễn người Pháp Michel Gondry dựa theo kịch bản của Charlie Kaufman với dàn diễn viên chính gồm Jim Carrey, Kate Winslet, Kirsten Dunst, Mark Ruffalo, Elijah WoodTom Wilkinson. Eternal Sunshine nói về câu chuyện của đôi tình nhân Joel Barish (Carrey) và Clementine Kruczynski (Winslet), gặp nhiều bất đồng trong cuộc sống, họ quyết định tới công ty Lacuna Inc. xóa bỏ kí ức về người kia để rồi lại thấy không thể sống thiếu nhau và phải tìm mọi cách để giữ lại hình ảnh của người mình yêu trong trí nhớ. Sau khi ra mắt khán giả Eternal Sunshine đã nhận được nhiều lời khen ngợi, đặc biệt là về kịch bản sáng tạo của Kaufman cùng diễn xuất của hai ngôi sao Jim Carrey và Kate Winslet. Với tác phẩm này, Kaufman đã được trao Giải Oscar cho kịch bản gốc hay nhất còn Kate Winslet trở thành nữ diễn viên trẻ nhất có được 4 đề cử Oscar cho hạng mục diễn xuất.

Tuần 14

Selena Quintanilla-Pérez (16 tháng 4 năm 1971 – 31 tháng 3 năm 1995), thường được biết đến với nghệ danh Selena, là một nữ ca sĩ người Mỹ từng được mệnh danh là “Nữ hoàng nhạc Tejano”. Selena đã phát hành album đầu tiên khi cô chỉ mới 12 tuổi. Cô đã giành giải “Giọng ca nữ của năm” tại lễ trao giải thưởng nhạc Tejano năm 1987 và ký kết một hợp đồng thu âm với hãng đĩa EMI vài năm sau đó. Danh tiếng của Selena lên cao trong suốt những năm đầu của thập niên 1990, đặc biệt tại những quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.

Selena càng gây được nhiều sự chú ý tại Bắc Mỹ sau khi cô bị Yolanda Saldívar, người quản lý câu lạc bộ những người hâm mộ, bắn chết vào ngày 31 tháng 3 năm 1995 ở tuổi mới 23. Ngày 12 tháng 4 năm 1995, hai tuần sau cái chết của cô, George W. Bush, khi đó là thống đốc bang Texas, đã chọn ngày sinh nhật cô làm "ngày Selena" tại bang nhà. Warner Brothers đã sản xuất một bộ phim phỏng theo cuộc đời của Selena do Jennifer Lopez thủ vai chính vào năm 1997. Tháng 6 năm 2006, một viện bảo tàng và một bức tượng bằng đồng đã được khánh thành để tưởng nhớ Selena và được hàng trăm người hâm mộ tới thăm hằng tuần.

Tuần 15

Đại lộ Champs-Élysées, một trong những điểm thu hút du khách

Du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của thành phố Paris. Vị trí địa lý, vai trò trung tâm chính trị, văn hóa đã giúp Paris trở thành một điểm đến hấp dẫn từ rất lâu trong lịch sử. Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, thành phố đã nhiều lần tổ chức các triển lãm thế giới, đánh dấu cho việc ngành du lịch bắt đầu trở nên quan trọng đối với nền kinh tế thành phố. Trong thời kỳ phồn vinh này, Paris cũng đã xây dựng thêm nhiều công trình, khách sạn, cửa hàng… góp phần cho sự phát triển của du lịch thành phố ngày nay.

Đón khoảng 30 triệu du khách mỗi năm, Paris là một trong những điểm đến thu hút nhất. Bên cạnh du lịch giải trí, thành phố còn là địa điểm thường xuyên của các hội nghị, cũng là nơi tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm quan trọng. Những công trình kiến trúc nổi tiếng, các bảo tàng với những hiện vật giá trị, các khu phố in đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, những trung tâm mua sắm… tất cả đã khiến du khách không ngừng tìm đến với “kinh đô ánh sáng”. Những công trình, địa điểm vùng ngoại ô cùng góp phần làm Paris thêm hấp dẫn.

Ngành du lịch thành phố hiện nay cũng phải đối mặt với sự canh tranh từ nhiều đô thị lớn khác, đặc biệt là LondonRoma. Nhiều khách du lịch đánh giá Paris là một thành phố đắt đỏ và kém hiếu khách. Mặc dù vậy, trong một cuộc điều tra của Văn phòng du lịch Paris vào mùa hè năm 2008, hầu như tất cả các du khách được hỏi đều cho biết họ sẽ quay lại thành phố này trong tương lai.

Tuần 16

Alan Moore, tác giả nội dung WatchmenDave Gibbons, họa sĩ minh họa của Watchmen

Watchmen là một loạt truyện tranh gồm 12 tập do Alan Moore sáng tác nội dung, minh họa bởi Dave Gibbons và tô màu bởi John Higgins. Loạt truyện này được nhà xuất bản DC Comics phát hành lần đầu trong hai năm 1986, 1987 và sau đó đã được tái bản nhiều lần dưới dạng truyện một tập.

Moore sử dụng cốt truyện của Watchmen để phản ánh những mối lo âu đương thời của xã hội cũng như đưa ra phản đề về các nhân vật siêu anh hùng trong truyện tranh Mỹ. Watchmen lấy bối cảnh là xã hội Hoa Kỳ giai đoạn từ sau Thế chiến thứ hai tới những năm 1980 trong đó nhờ sự trợ giúp của các siêu anh hùng, nước Mỹ đã giành chiến thắng trong chiến tranh Việt NamRichard Nixon nhờ đó đã giữ vị trí tổng thống Hoa Kỳ cho tới năm 1985. Nước Mỹ lúc này đang cận kề một cuộc chiến tranh hạt nhân với Liên Xô còn các hoạt động của các siêu anh hùng không phục vụ cho chính phủ thì đã bị đưa ra ngoài vòng pháp luật. Cốt truyện của Watchmen tập trung vào sự phát triển tính cách và những xung đột trong cuộc sống của các nhân vật siêu anh hùng xoay quanh cuộc điều tra về cái chết của một siêu anh hùng hoạt động cho chính phủ.

Watchmen sau khi ra đời đã được cả giới xuất bản truyện tranh và báo chí đánh giá cao, nó được giới phê bình đánh giá là tác phẩm hàng đầu của truyện tranh Mỹ. Tác phẩm này đã được chuyển thể thành một bộ phim cùng tên của đạo diễn Zack Snyder công chiếu vào tháng 3 năm 2009.

Tuần 17

Alan Moore, tác giả nội dung WatchmenDave Gibbons, họa sĩ minh họa của Watchmen

Watchmen là một loạt truyện tranh gồm 12 tập do Alan Moore sáng tác nội dung, minh họa bởi Dave Gibbons và tô màu bởi John Higgins. Loạt truyện này được nhà xuất bản DC Comics phát hành lần đầu trong hai năm 1986, 1987 và sau đó đã được tái bản nhiều lần dưới dạng truyện một tập.

Moore sử dụng cốt truyện của Watchmen để phản ánh những mối lo âu đương thời của xã hội cũng như đưa ra phản đề về các nhân vật siêu anh hùng trong truyện tranh Mỹ. Watchmen lấy bối cảnh là xã hội Hoa Kỳ giai đoạn từ sau Thế chiến thứ hai tới những năm 1980 trong đó nhờ sự trợ giúp của các siêu anh hùng, nước Mỹ đã giành chiến thắng trong chiến tranh Việt NamRichard Nixon nhờ đó đã giữ vị trí tổng thống Hoa Kỳ cho tới năm 1985. Nước Mỹ lúc này đang cận kề một cuộc chiến tranh hạt nhân với Liên Xô còn các hoạt động của các siêu anh hùng không phục vụ cho chính phủ thì đã bị đưa ra ngoài vòng pháp luật. Cốt truyện của Watchmen tập trung vào sự phát triển tính cách và những xung đột trong cuộc sống của các nhân vật siêu anh hùng xoay quanh cuộc điều tra về cái chết của một siêu anh hùng hoạt động cho chính phủ.

Watchmen sau khi ra đời đã được cả giới xuất bản truyện tranh và báo chí đánh giá cao, nó được giới phê bình đánh giá là tác phẩm hàng đầu của truyện tranh Mỹ. Tác phẩm này đã được chuyển thể thành một bộ phim cùng tên của đạo diễn Zack Snyder công chiếu vào tháng 3 năm 2009.

Tuần 18

PSG ăn mừng chiến thắng Cúp quốc gia Pháp 2006

Paris Saint-Germain là một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp tại Paris, thủ đô nước Pháp. Tiền thân là câu lạc bộ đa thể thao Stade Saint-Germain, Paris Saint-Germain chính thức được thành lập năm 1970 và hầu như liên tục thi đấu tại Giải vô địch bóng đá quốc gia Pháp. Câu lạc bộ của “kinh đô ánh sáng” này còn được gọi phổ biến bằng những cái tên PSG hay Paris SG.

Từ khi tham dự giải Hạng nhất nước Pháp, Paris Saint-Germain đã hai lần giành ngôi vô địch vào những năm 1986 và 1994. Câu lạc bộ cũng 6 lần giữ vị trí á quân, trong đó có mùa bóng 1992–1993, Paris Saint-Germain từ chối chức vô địch sau khi Olympique Marseille bị tước danh hiệu vì scandal. Với các giải đá cúp, câu lạc bộ có nhiều thành tích hơn với 7 lần đoạt cúp Quốc gia, 3 lần giành cúp Liên hoàn và 2 Siêu cúp nước Pháp. Trên đấu trường châu Âu, thành tích lớn nhất mà Paris Saint-Germain đạt được là chiếc cúp C2 vào năm 1996, cũng là chiếc cúp C2 duy nhất mà bóng đá Pháp có được trong lịch sử.

Đại diện cho “kinh đô ánh sáng”, trang phục thi đấu của Paris Saint-Germain mang hai màu xanh, đỏ chủ đạo, cũng chính là màu cờ của thành phố Paris. Sân nhà của câu lạc bộ có cái tên Công viên các Hoàng tử nằm tại Quận 16, kế bên khu rừng Boulogne, với sức chứa 48.712 chỗ ngồi. Hiện nay, Paris Saint-Germain thuộc sở hữu của hai quỹ đầu tư Colony Capital và Butler Capital Partners cùng ngân hàng Hoa Kỳ Morgan Stanley. Sébastien Bazin, đại diện cho quỹ đầu tư Colony Capital, giữ cương vị chủ tịch câu lạc bộ từ tháng 2 năm 2009. Mùa giải 2008–2009, Paris Saint-Germain tham gia giải Vô địch nước Pháp dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Paul Le Guen.

Tuần 19

Vệ tinh Io

Iovệ tinh tự nhiên nằm phía trong cùng trong số bốn vệ tinh Galileo của Sao Mộc và với đường kính 3.642 kilômét, là vệ tinh lớn thứ tư bên trong hệ Mặt Trời. Nó được đặt theo tên Io, người nữ tư tế của Hera và sau đó trở thành tình nhân của thần Zeus.

Được Galileo Galilei phát hiện năm 1610, cùng với các vệ tinh loại Galile khác, Io đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của thiên văn học ở thế kỷ 17 và 18. Sự khám phá này đã khiến mô hình Copernicus về hệ Mặt Trời được chấp nhận rộng hơn, sự phát triển các định luật chuyển động của Kepler và việc đo lần đầu tiên vận tốc ánh sáng. Trước kia, từ Trái Đất, Io chỉ được quan sát là một chấm ánh sáng nhỏ, cho tới tận cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 con người mới xác định các đặc điểm bề mặt của nó ở tỷ lệ lớn, như vùng cực đỏ sẫm và các vùng xích đạo sáng. Năm 1979, hai tàu vũ trụ Voyager đã phát hiện Io là một thế giới hoạt động địa chất mạnh, với nhiều đặc trưng núi lửa, nhiều ngọn núi lớn, và một bề mặt trẻ không có dấu hiệu hố va chạm rõ rệt. Tàu vũ trụ Galileo đã thực hiện nhiều chuyến bay ngang ở cự ly gần trong thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, thu thập dữ liệu về kết cấu bên trong và thành phần bề mặt của Io. Những chuyến phi hành đó đã phát hiện ra mối quan hệ giữa quyển từ của Sao Mộc và vệ tinh Io cũng như sự tồn tại của một vành đai bức xạ có trung tâm trên quỹ đạo Io. Việc khám phá Io vẫn tiếp tục trong những tháng đầu năm 2007 với chuyến bay ngang qua ở cự ly xa của tàu vũ trụ hướng tới Sao Diêm Vương là New Horizons.

Tuần 20

Quốc kỳ Indonesia

Cộng hòa Indonesia là một quốc gia nằm trên hai lục địa ở Đông Nam ÁChâu Đại Dương. Indonesia gồm 17.508 hòn đảo, và với dân số ước tính khoảng 237 triệu người, đứng thứ tư trên thế giới về dân số.

Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới; tuy nhiên trong Hiến pháp Indonesia không hề đề cập tới tôn giáo này. Indonesia là một quốc gia theo thể chế cộng hòa với một bộ máy lập pháp và tổng thống do dân bầu. Indonesia có chung biên giới trên đất liền với Papua New Guinea, Đông TimorMalaysia. Các nước láng giềng khác là Singapore, Philippines, Úc, và lãnh thổ Ấn Độ Đảo Andaman và Nicobar. Thủ đô Jakarta cũng đồng thời là thành phố lớn nhất của quốc gia này.

Quần đảo Indonesia đã từng là một vùng thương mại quan trọng ít nhất từ thế kỷ 7, khi Vương quốc Srivijaya có hoạt động thương mại với Trung QuốcẤn Độ. Những vị vua cai trị địa phương dần tiếp thu văn hóa, tôn giáo và các mô hình chính trị Ấn Độ từ những thế kỷ đầu tiên sau Công Nguyên, và các vương quốc Hindu giáo và Phật giáo đã bắt đầu phát triển. Lịch sử Indonesia bị ảnh hưởng bởi các cường quốc nước ngoài muốn nhòm ngó các nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ. Các nhà buôn Hồi giáo đã đưa tới Đạo Hồi, và các cường quốc Châu Âu đã tranh giành để độc chiếm lĩnh vực thương mại trên các hòn đảo Hương liệu Maluku trong Thời đại Khám phá. Sau ba thế kỷ rưỡi dưới ách thực dân Hà Lan, Indonesia đã giành được độc lập sau Thế chiến thứ hai. Từ đó lịch sử Indonesia rơi vào cảnh biến động với các nguy cơ từ các thảm hoạ thiên nhiên, nạn tham nhũng và chia rẽ cũng như một quá trình dân chủ hóa, và các giai đoạn thay đổi kinh tế nhanh chóng.

Tuần 21

2 euro kỷ niệm là những tiền kỷ niệm euro đặc biệt được các quốc gia thành viên của khu vực đồng euro đúc và phát hành từ năm 2004 dùng làm tiền pháp định tại tất cả các quốc gia thành viên khu vực đồng euro. Những đồng xu này thường để kỷ niệm các sự kiện lịch sử hoặc để thu hút sự chú ý vào những sự kiện quan trọng đặc biệt đang diễn ra.

Vào năm 2009, đã có 69 mẫu thiết kế (phiên bản) của đồng kỷ niệm 2 được đúc—sáu phiên bản vào năm 2004, tám phiên bản vào năm 2005, bảy phiên bản vào năm 2006, 20 loại năm 2007 (gồm mười ba phiên bản của đồng thông thường), 10 vào năm 2008, 18 vào năm 2009 (gồm cả 16 phiên bản của đồng thông thường). Người ta đã lên kế hoạch đúc thêm ít nhất 6 mẫu thiết kế nữa vào năm 2009. Những đồng kỷ niệm 2 € đã trở thành vật sưu tập. Không nên nhầm lẫn tiền kỷ niệm 2 € với các tiền kỷ niệm (giá trị in trên mặt lớn hơn 2 €), được quy định chính thức là “tiền sưu tập” và thường được làm từ kim loại quý.

Tuần 22

Vệ tinh Callisto

Callisto là vệ tinh lớn thứ hai của Sao Mộc, được Galileo Galilei phát hiện năm 1610. Trong hệ Mặt Trời, Callisto là vệ tinh lớn thứ ba, sau Ganymede cũng của Sao Mộc và vệ tinh Titan của Sao Thổ. Tuy kích thước bằng 99% Sao Thủy nhưng do có khối lượng riêng nhỏ, khối lượng của Callisto chỉ bằng một phần so với Sao Thủy. Trong số 4 vệ tinh lớn của Sao Mộc mà Galilei đã phát hiện từ thế kỉ 17, Callisto có khoảng cách với Sao Mộc xa nhất, trung bình 1.880.000 km. Callisto cũng không tạo ra với 3 vệ tinh lớn còn lại hệ quỹ đạo cộng hưởng. Dưới sức hút cực lớn của một “hành tinh khí khổng lồ” như Sao Mộc, một mặt của Callisto luôn luôn hướng về phía Sao Mộc, giống như Mặt Trăng luôn chỉ quay một mặt về phía Trái Đất. Tàu thám hiểm Galileo khi nghiên cứu Sao Mộc và các vệ tinh của nó đã chỉ ra rằng, rất có thể ớ phía dưới lớp bề mặt băng đá 1.000 km là một đại dương.

Callisto có một bầu khí quyển rất mỏng với sự xuất hiện của CO2, các nguyên tử oxy, và một tầng điện ly khá dày. Ngày nay, người ta cho rằng Callisto được hình thành từ sự tích tụ rất chậm chạp các vật chất trong vành đai của Sao Mộc vào buổi đầu của hệ Mặt Trời. Tốc độ hình thành thấp và thiếu đi năng lượng sinh ra do ma sát giữa các lớp vật chất, Callisto không bị phân lớp một cách hoàn toàn mà chỉ bị phân lớp một phần. Chính sự phân lớp một phần đó có thể đã tạo ra cho Callisto một lõi đá nhỏ và một lớp nước dày từ 100 đến 150 km dưới lớp bề mặt.

Với sự tồn tại của một đại dương, mặc dù ở sâu dưới lớp bề mặt, Callisto có thể có sự sống. Một số tàu thám hiểm đã nghiên cứu vệ tinh này, từ Pioneer 10Pioneer 11 tới GalileoCassini. Trong tương quan với Sao Mộc và các vệ tinh của nó, Callisto có thể là nơi thích hợp nhất cho những chuyến thám hiểm và khai phá trong tương lai của con người.

Tuần 23

USS Missouri (BB-63)

USS Missouri (BB-63) là một thiết giáp hạm thuộc lớp Iowa của Hải quân Hoa Kỳ và là chiếc tàu chiến thứ tư của Hải quân Mỹ mang cái tên này nhằm tôn vinh tiểu bang Missouri. Missouri là chiếc thiết giáp hạm cuối cùng mà Hoa Kỳ chế tạo, và là địa điểm ký kết văn kiện đầu hàng vô điều kiện của Đế quốc Nhật Bản, chấm dứt Thế chiến thứ hai.

Missouri được đặt hàng vào năm 1940 và được đưa vào hoạt động vào tháng 6 năm 1944. Tại Mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai, nó tham gia các trận đánh Iwo JimaOkinawa cũng như nả đạn pháo xuống các hòn đảo chính quốc Nhật Bản. Sau thế chiến, Missouri tham gia chiến tranh Triều Tiên từ năm 1950 đến năm 1953. Nó được cho ngừng hoạt động vào năm 1955 và được đưa về hạm đội dự bị Hải quân Mỹ, nhưng sau đó được đưa trở lại hoạt động và được hiện đại hóa vào năm 1984 như một phần của kế hoạch 600 tàu chiến Hải quân, và đã tham gia chiến đấu năm 1991 trong chiến tranh vùng Vịnh.

Missouri nhận được tổng cộng mười một ngôi sao chiến đấu cho các hoạt động trong Thế chiến thứ hai, chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh vùng Vịnh, và cuối cùng được cho ngừng hoạt động vào ngày 31 tháng 3 năm 1992, nhưng vẫn được giữ lại trong Đăng bạ Hải quân cho đến khi tên nó được gạch bỏ vào tháng 1 năm 1995. Đến năm 1998 nó được trao tặng cho hiệp hội “USS Missouri Memorial Association” và trở thành một tàu bảo tàng tại Trân Châu Cảng, Hawaii.

Tuần 24

Một đoàn tàu với hình Đôrêmon

Phim Đôrêmon là loạt phim hoạt hình được sản xuất dựa trên bộ truyện tranh cùng tên của Fujiko F. Fujio, được phát sóng trên kênh Nippon TV năm 1973 và TV Asahi từ năm 1979. Phim đã có hơn 1950 tập với ba giai đoạn trình chiếu: giai đoạn 1973, 1979-2005 và giai đoạn từ 2005 đến nay.

Lấy bối cảnh xã hội Nhật Bản kéo dài từ thập niên 1970 cho đến ngày nay trong một khu phố nhỏ ở Tokyo, phim phản ánh tình bạn của nhóm Đôrêmon - Nôbita - Xuka - Chaien - Xêkô cũng như quan hệ với gia đình, họ hàng, thú nuôi trong nhà. Nhiều yếu tố khoa học viễn tưởng cũng được tác giả đưa vào phim thông qua các bảo bối, gợi lên niềm say mê khám phá khoa học trong khán giả nhỏ tuổi. Song song với loạt phim hoạt hình ngắn, nhà sản xuất còn cho ra mắt những tập phim dài đều đặn vào tháng 3 mỗi năm kể từ năm 1980 cho đến nay (trừ năm 2005). Khác với những tập phim ngắn về những mẩu chuyện hài hước, vui nhộn của nhóm bạn Nôbita - Đôrêmon, các phim dài thường mang đậm màu sắc phiêu lưu; các nhân vật quen thuộc thực hiện các chuyến du ngoạn đến những xứ sở nguy hiểm, kỳ quái vì vậy họ phải xiết chặt tình đoàn kết để vượt qua hiểm nguy [ Đọc tiếp ] .

Tuần 25

Humphrey Bogart và Ingrid Bergman.

Casablanca là một bộ phim tâm lý Mỹ của đạo diễn Michael Curtiz được công chiếu năm 1942. Dàn diễn viên của phim gồm hai ngôi sao hàng đầu của HollywoodHumphrey BogartIngrid Bergman cùng các diễn viên Paul Henreid, Claude Rains, Conrad Veidt, Sydney GreenstreetPeter Lorre. Lấy bối cảnh giai đoạn đầu Thế chiến thứ hai, Casablanca đề cập tới số phận của những người do cuộc chiến mà phải mắc kẹt lại tại thành phố biển Casablanca, Maroc lúc này thuộc quyền quản lý của chính quyền Vichy Pháp thân Đức Quốc xã. Trung tâm của bộ phim là Rick Blaine (do Bogart thủ vai), một chủ quán bar bị giằng xé bởi lựa chọn khó khăn giữa tình yêu của anh dành cho Ilsa Lund (do Bergman thủ vai) và trách nhiệm giúp cô cùng chồng là Victor Laszlo (do Henreid thủ vai), một lãnh tụ kháng chiến người Tiệp Khắc thoát khỏi Maroc để tới Hoa Kỳ.

Mặc dù là một bộ phim có đầu tư lớn với dàn diễn viên nhiều ngôi sao cùng đội ngũ sản xuất tên tuổi, không ai trong đoàn làm phim tin rằng nó sẽ trở thành một sản phẩm vượt trội so với hàng chục bộ phim Hollywood khác được sản xuất cùng năm. Được đưa ra rạp công chiếu sớm nhằm tận dụng sự kiện quân Đồng minh tấn công Bắc Phi, bộ phim được coi là một thành công về doanh thu cũng như về mặt nghệ thuật khi giành được ba giải Oscar trong đó có giải quan trọng Phim hay nhất. Trải qua thời gian, bộ phim tiếp tục được đánh giá cao và nó được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Hollywood với nhiều câu thoại, hình tượng nhân vật và phần nhạc phim đã trở thành mẫu mực trong lịch sử điện ảnh. Hơn 60 năm sau ngày công chiếu đầu tiên, Casablanca vẫn thường xuyên đứng ở nhóm đầu trong các bảng xếp hạng những bộ phim hay nhất trong lịch sử.

Tuần 26

Vệ tinh Europa

Europa là vệ tinh thứ sáu, tính theo quỹ đạo từ trong ra ngoài, của Sao Mộc. Europa được Galileo GalileiSimon Marius phát hiện năm 1610. Hai nhà khoa học này có thể đã phát hiện ra vệ tinh này đồng thời và độc lập nhau. Trong số 4 vệ tinh lớn của Sao Mộc được phát hiện trong năm 1610, Europa là vệ tinh nhỏ nhất.

Europa có đường kính 3.100 km, nhỏ hơn Mặt Trăng một chút. Trong Hệ Mặt Trời, Europa là vệ tinh lớn thứ 6 và là vệ tinh nhỏ nhất trong nhóm Galileo, sau 3 vệ tinh lớn hơn của Sao Mộc, Titan của Sao ThổMặt Trăng của Trái Đất. Mặc dù vậy, Europa vẫn có khối lượng lớn hơn tổng cộng những vệ tinh nhỏ hơn trong hệ Mặt trời cộng lại. Cấu tạo của Europa chủ yếu là đá silicate và có thể có lõi bằng sắt. Bề mặt của Europa được tạo thành từ những kiến tạo địa chất gần đây, có nhiều vết nứt và vỉa đá. Europa có rất ít hố thiên thạch. Bề mặt trẻ và rất mịn của Europa khiến các nhà khoa học tin rằng bên dưới lớp ngoài cùng là một lớp nước. Và rất có thể trong đại dương ngầm này đang ẩn giấu sự sống ngoài Trái Đất mà chúng ta đang tìm kiếm. Nhiệt năng sản sinh ra do ma sát giữa các lớp vật chất của Europa dưới tác động của Sao Mộc đủ để giữ cho đại dương này luôn đủ ấm để không bị đóng băng và duy trì những hoạt động địa chất ở lớp vỏ ngoài của nó.

Tuần 27

Vệ tinh Europa

Europa là vệ tinh thứ sáu, tính theo quỹ đạo từ trong ra ngoài, của sao Mộc. Europa được Galileo GalileiSimon Marius phát hiện năm 1610. Hai nhà khoa học này có thể đã phát hiện ra vệ tinh này đồng thời và độc lập nhau. Trong số 4 vệ tinh lớn của sao Mộc được phát hiện trong năm 1610, Europa là vệ tinh nhỏ nhất.

Europa có đường kính 3.100 km, nhỏ hơn Mặt Trăng một chút. Trong Hệ Mặt Trời, Europa là vệ tinh lớn thứ 6 và là vệ tinh nhỏ nhất trong nhóm Galileo, sau 3 vệ tinh lớn hơn của sao Mộc, Titan của sao ThổMặt Trăng của Trái Đất. Mặc dù vậy, Europa vẫn có khối lượng lớn hơn tổng cộng những vệ tinh nhỏ hơn trong hệ Mặt trời cộng lại. Cấu tạo của Europa chủ yếu là đá silicate và có thể có lõi bằng sắt. Bề mặt của Europa được tạo thành từ những kiến tạo địa chất gần đây, có nhiều vết nứt và vỉa đá. Europa có rất ít hố thiên thạch. Bề mặt trẻ và rất mịn của Europa khiến các nhà khoa học tin rằng bên dưới lớp ngoài cùng là một lớp nước. Và rất có thể trong đại dương ngầm này đang ẩn giấu sự sống ngoài Trái Đất mà chúng ta đang tìm kiếm. Nhiệt năng sản sinh ra do ma sát giữa các lớp vật chất của Europa dưới tác động của sao Mộc đủ để giữ cho đại dương này luôn đủ ấm để không bị đóng băng và duy trì những hoạt động địa chất ở lớp vỏ ngoài của nó.

Tuần 28

Palais Bourbon nhìn từ phía sông Seine

Palais Bourbon là tên thường gọi của tòa nhà Quốc hội Pháp hiện nay, công trình nằm bên bờ sông Seine, thuộc Quận 7 thành phố Paris. Được Công tước phu nhân Louise Françoise de Bourbon – con gái vua Louis XIV của Pháp – cho xây dựng từ năm 1722, Palais Bourbon tiếp tục được người cháu nội là Thân vương Louis V Joseph xứ Condé mở rộng trong nhiều năm. Tới thời kỳ Cách mạng Pháp, cung điện được chọn làm trụ sở của quốc hội và giữ vai trò này hầu như liên tục đến tận ngày nay.

Bên cạnh chức năng quan trọng, Palais Bourbon còn là một công trình kiến trúc nổi tiếng. Mặt ngoài cung điện phía sông Seine với hàng 12 cây cột là tác phẩm của kiến trúc sư Bernard Poyet thời Đệ nhất đế chế. Họa sĩ Eugène Delacroix cũng từng nhiều năm trang trí cho các căn phòng của Palais Bourbon. Sau nhiều lần tu sửa và mở rộng, toàn bộ cung điện hiện nay chiếm một diện tích 124 nghìn mét vuông, phục vụ khoảng 3 ngàn người làm việc. Thư viện của Palais Bourbon, được thành lập dưới thời Cách mạng, cũng là nơi lưu trữ nhiều tài liệu giá trị, trong đó có những bản thảo của Jean-Jacques Rousseau và tài liệu gốc của vụ án xử Jeanne d'Arc.

Cùng với một số công trình khác hai bên bờ sông Seine, Palais Bourbon nằm trong quần thể kiến trúc đã được UNESCO công nhận di sản thế giới vào năm 1991.

Tuần 29

Ganymedevệ tinh lớn nhất của sao Mộc và cũng là vệ tinh lớn nhất trong hệ Mặt Trời. Ganymede quay một vòng quanh sao Mộc hết hơn 7 ngày. Tính theo khoảng cách đến sao Mộc, Ganymede là vệ tinh đứng thứ 7 trong tất cả các vệ tinh và đứng thứ 3 trong 4 vệ tinh lớn của Sao Mộc, tức 4 vệ tinh Galile. Ganymede tham gia vào hiện tượng cộng hưởng quỹ đạo với EuropaIo theo tỉ lệ 1: 2: 4 (Ganymede quay 1 vòng quanh Sao Mộc trong thời gian Europa quay 2 vòng và Io quay 4 vòng). Ganymede to hơn sao Thủy nhưng do mật độ thấp nên nó chỉ nhẹ bằng một nửa sao Thủy.

Vệ tinh Ganymede có thành phần chủ yếu từ đá silicate và băng đá. Ganymede được phân lớp đầy đủ thành các lớp riêng biệt với một lõi nóng chảy giàu sắt. Các nhà khoa học tin rằng giữa các lớp băng của Ganymede là một biển nước muối dày nằm sâu 200 km trong lòng vệ tinh. Bề mặt của nó có 2 kiểu địa hình chính. Vùng tối màu có vô số những hố thiên thạch, được hình thành 4 tỉ năm trước và chiếm 1/3 diện tích bề mặt vệ tinh. Phần còn lại là vùng sáng màu hơn có nhiều những rặng núi và đường rãnh hình thành muộn hơn một chút. Nguyên nhân của những vết đứt gãy địa tầng xuất hiện trên vùng sáng của Ganymede có thể là từ những hoạt động địa chất sinh ra từ nhiệt ma sát do biến dạng của Ganymede dưới lực hấp dẫn từ sao Mộc.

Tuần 30

Nữ diên viên Emma Watson

Emma Charlotte Duerre Watson hay Emma Watson (sinh ngày 15 tháng 4 năm 1990) là một diễn viên người Anh. Cô được biết tới nhiều nhất qua vai diễn Hermione Granger, một trong ba vai chính của loạt phim Harry Potter, chuyển thể điện ảnh từ bộ tiểu thuyết của nữ nhà văn J. K. Rowling. Trước khi được chọn vào vai Hermione ở tuổi lên 9, Watson chưa từng diễn xuất chuyên nghiệp mà chỉ tham gia một số vở kịch của trường. Từ năm 2001 đến 2009, cô cùng hai bạn diễn Daniel RadcliffeRupert Grint đã đóng trong 6 tập phim Harry Potter bắt đầu từ Harry Potter và Hòn đá Phù thủy, cả ba sẽ tiếp tục tham gia hai phần cuối của loạt phim chuyển thể từ tập truyện cuối cùng Harry Potter và Bảo bối Tử thần. Vai Hermione đã đem lại cho Watson một số giải thưởng cùng số tiền hơn 10 triệu bảng Anh.

Trong năm 2007, Watson còn tham gia vào hai dự án ngoài Harry Potter, cô đóng vai chính trong bộ phim truyền hình Ballet Shoes và lồng tiếng cho phim hoạt hình The Tale of Despereaux. Ballet Shoes được phát sóng ngày 26 tháng 12 năm 2007 với lượng khán giả ước tính 5,2 triệu người còn The Tale of Despereaux được công chiếu năm 2008.

Tuần 31

Trang bìa tập Mấy vần thơ xuất bản lần đầu tiên (1935)

Thế Lữ (6 tháng 10 năm 19073 tháng 6 năm 1989) là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm Thơ mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng và máu (1934). Trở thành thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn kể từ khi mới thành lập (1934), ông hầu hết hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian là thành viên của nhóm, đồng thời cũng đảm nhận vai trò một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong hóaNgày nay.

Từ năm 1937, hoạt động của Thế Lữ chủ yếu chuyển hướng sang biểu diễn kịch nói, trở thành diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch, trưởng các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ, hoạt động cho đến sau Cách mạng tháng Tám. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm kịch kháng chiến trong những năm Chiến tranh Đông Dương. Sau Hiệp định Genève, ông tiếp tục hoạt động sân khấu, trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957–1977). Ông được coi là một người tiên phong, không chỉ trong phong trào Thơ mới, trong lĩnh vực văn chương trinh thám, kinh dị, đường rừng, mà còn là người có đóng góp rất lớn trong việc chuyên nghiệp hóa nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam. Thế Lữ đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1984 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000.

Tuần 32

Trang bìa tập Mấy vần thơ xuất bản lần đầu tiên (1935)

Thế Lữ (6 tháng 10 năm 19073 tháng 6 năm 1989) là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm Thơ mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng và máu (1934). Trở thành thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn kể từ khi mới thành lập (1934), ông hầu hết hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian là thành viên của nhóm, đồng thời cũng đảm nhận vai trò một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong hóaNgày nay.

Từ năm 1937, hoạt động của Thế Lữ chủ yếu chuyển hướng sang biểu diễn kịch nói, trở thành diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch, trưởng các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ, hoạt động cho đến sau Cách mạng tháng Tám. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm kịch kháng chiến trong những năm Chiến tranh Đông Dương. Sau Hiệp định Genève, ông tiếp tục hoạt động sân khấu, trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957–1977). Ông được coi là một người tiên phong, không chỉ trong phong trào Thơ mới, trong lĩnh vực văn chương trinh thám, kinh dị, đường rừng, mà còn là người có đóng góp rất lớn trong việc chuyên nghiệp hóa nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam. Thế Lữ đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1984 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000. [ Đọc tiếp ]

Tuần 33

Đá phiến dầu cháy

Đá phiến dầu là một loại đá trầm tích hạt mịn giàu chất hữu cơ và chứa một lượng lớn kerogen có thể chiết tách các loại hydrocacbon lỏng. Các nhà địa chất không xếp nó vào nhóm đá phiến sét, và hàm lượng kerogen cũng khác so với dầu thô. Kerogen đòi hỏi cần phải xử lý nhiều hơn để có thể sử dụng được so với dầu thô, các quá trình xử lý tốn nhiều chi phí so với sử dụng dầu thô cả về mặt tài chính và tác động môi trường. Sự tích tụ đá phiến dầu diễn ra trên khắp thế giới, đa số là ở Hoa Kỳ. Ước tính lượng tích tụ này trên toàn cầu đạt khoảng 2,8 đến 3,3 ngàn tỷ thùng có thể thu hồi.

Quá trình nhiệt phân hóa học có thể biến đổi kerogen trong đá phiến dầu thành dầu thô tổng hợp. Nung đá phiến dầu ở một nhiệt độ đủ cao sẽ tạo ra hơi, quá trình này có thể chưng cất để tạo ra dầu đá phiến giống dầu mỏ và khí đá phiến dầu có thể đốt được. Các ngành công nghiệp cũng có thể đốt trực tiếp đá phiến dầu như là một nguồn nhiên liệu cấp thấp để phát điện và sưởi ấm, và cũng có thể dùng nó như là nguyên liệu thô trong hóa học và sản xuất vật liệu xây dựng.

Đá phiến dầu được chú ý đến như là một nguồn năng lượng khi mà giá dầu thô thông thường tăng cao và cũng là một lựa chọn đối với các khu vực phụ thuộc vào năng lượng cung cấp từ bên ngoài. Việc khai thác và xử lý đá phiến dầu liên quan đến các vấn đề môi trường như: sử dụng đất, chất thải, sử dụng nước, quản lý nước thải, phát thải khí nhà kínhô nhiễm không khí. EstoniaTrung Quốc đã phát triển mạnh các ngành công nghiệp đá phiến dầu, bên cạnh đó Brazil, Đức, IsraelNga cũng sử dụng đá phiến dầu. [ Đọc tiếp ]

Tuần 34

Lá cờ Mỹ đầu tiên cắm trên đỉnh Suribachi do tiểu đoàn 2 trung đoàn 28 ngày 23 tháng 2 năm 1945

Trận Iwo Jima (19 tháng 226 tháng 3 năm 1945) là trận đánh thuộc mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai giữa MỹĐế quốc Nhật Bản tại đảo Iwo Jima. Đây là một trong những trận đánh ác liệt nhất của chiến trường Thái Bình Dương và kết quả sau một tháng giao tranh, quân Mỹ đã chiếm được Iwo Jima với thương vong khủng khiếp của cả hai bên tham chiến. Cũng từ đây, người Mỹ đã biến hòn đảo thành một căn cứ không quân để tấn công các trung tâm công nghiệp trọng điểm trên lãnh thổ Nhật Bản bằng các máy bay ném bom hạng trungkhu trục cơ yểm trợ.

Iwo Jima cũng là trận đánh đầu tiên của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản. Do đó, quân Mỹ đã phải đối đầu với một hệ thống phòng ngự dày đặc cùng với các công sự kiên cố, trận địa pháo được ngụy trang, địa đạo dưới mặt đất và sức chống trả ngoan cường của người Nhật dựa vào các hang động tự nhiên và địa hình núi đá hiểm trở. Núi Suribachi, điểm cao nhất trên hòn đảo và cũng là một vị trí phòng thủ quan trọng, bị lính thủy đánh bộ đánh chiếm vào ngày 23 tháng 2 và bức ảnh 6 lính thủy đánh bộ cắm cờ trên đỉnh Suribachi với tên gọi “Raising the Flag on Iwo Jima” đã trở thành biểu tượng cho trận đánh. Tuy nhiên, phải đến ngày 16 tháng 3, hòn đảo mới chính thức được phía Mỹ tuyên bố an toàn.

Trận Iwo Jima cũng đã làm nên tên tuổi của vị tướng người Nhật có nhiệm vụ bảo vệ hòn đảo là đại tướng Kuribayashi Tadamichi. Bối cảnh trận đánh đã được dựng thành nhiều bộ phim nổi tiếng, trong đó gần đây là hai bộ phim Flags of Our Fathers (Ngọn cờ cha ông) và Letters from Iwo Jima (Những bức thư từ Iwo Jima) của đạo diễn Clint Eastwood. [ Đọc tiếp ]

Tuần 35

Tháp Rùa và hồ Hoàn Kiếm

Hà Nội là thủ đô, đồng thời là thành phố đứng đầu Việt Nam về diện tích và thứ hai về dân số với 6,449 triệu người. Thuộc đồng bằng sông Hồng trù phú, nơi đây đã sớm trở thành một trung tâm chính trị và tôn giáo ngay từ những buổi đầu của lịch sử Việt Nam. Năm 1010, Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên của nhà Lý, quyết định xây dựng kinh đô mới ở vùng đất này với cái tên Thăng Long. Trong suốt thời kỳ của các triều đại , Trần, , Mạc, kinh thành Thăng Long là nơi buôn bán, trung tâm văn hóa, giáo dục của cả miền Bắc. Khi Tây Sơn rồi nhà Nguyễn lên nắm quyền trị vì, kinh đô được chuyển về Huế và Thăng Long bắt đầu mang tên Hà Nội từ năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng. Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương và được người Pháp xây dựng, quy hoạch lại. Trải qua hai cuộc chiến tranh, Hà Nội là thủ đô của miền Bắc rồi nước Việt Nam thống nhất và giữ vai trò này cho tới ngày nay.

Sau đợt mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8 năm 2008, Hà Nội hiện nay có diện tích 3.324,92 km², gồm một thị xã, 10 quận và 18 huyện ngoại thành. Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế của cả quốc gia. Năm 2007, GDP của thành phố tăng khoảng 12,1%, tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 4 tỷ đô la, tổng thu ngân sách khoảng 45.709 tỷ đồng. Hà Nội cũng là một trung tâm văn hóa, giáo dục với những nhà hát, bảo tàng, các làng nghề truyền thống, những cơ quan truyền thông cấp quốc gia và các trường đại học lớn.

Nhưng cũng giống như Thành phố Hồ Chí Minh, việc dân số tăng quá nhanh cùng quá trình đô thị hóa không được quy hoạch tốt đã khiến Hà Nội trở thành một thành phố chật chội, ô nhiễmgiao thông nội ô thường xuyên ùn tắc. Nhiều di sản kiến trúc của thành phố đang dần biến mất, thay thế bởi những ngôi nhà ống nằm lộn xộn trên khắp các con phố. Hà Nội còn là một thành phố phát triển không đồng đều với nhiều khu vực ngoại thành lạc hậu, nơi người dân vẫn chưa có được những điều kiện sinh hoạt thiết yếu. [ Đọc tiếp ]

Tuần 36

Thư viện Quốc gia Phápthư viện quan trọng nhất, đồng thời là cơ quan giữ chức năng lưu chiểu xuất bản phẩm của Pháp. Với vai trò thư viện quốc gia, đây cũng là nơi sưu tầm và lưu trữ những di sản thư tịch, đồng thời đảm nhiệm chức năng biên soạn, phát hành thư mục quốc gia. Thư viện Quốc gia Pháp ngày nay bao gồm 5 địa điểm và 2 trung tâm bảo quản tài liệu, trong đó địa điểm chính mang tên François-Mitterrand nằm ở Quận 13, Paris, còn địa điểm lịch sử Richelieu vẫn nằm trong trung tâm thành phố. Năm 2008, ngân sách của thư viện lên đến 280,6 triệu euro với tổng số nhân viên khoảng 2.500 người.

Thư viện Quốc gia Pháp có lịch sử bắt đầu vào năm 1368, khi vua Charles V cho thành lập thư viện cá nhân đặt trong cung điện Louvre. Năm 1537, François I ghi một dấu ấn quan trọng trong lịch sử thư viện khi ban hành chiếu dụ Montpellier, bắt buộc tất cả những ấn phẩm xuất bản tại Pháp phải có một bản sao lưu giữ trong thư viện hoàng gia ở lâu đài Blois. Thế kỷ 17, nhờ Jean-Baptiste Colbert, thư viện có những bước tiến mạnh mẽ và đạt đến giai đoạn hoàng kim trong suốt những năm của thế kỷ 18. Trở thành thư viện quốc gia vào thời kỳ Cách mạng, thư viện không ngừng đón nhận những bộ sưu tập sách được đưa về từ khắp Paris và nước Pháp, rồi từ cả những quốc gia láng giềng. Sự phát triển liên tục của bộ sưu tập tài liệu đã đẩy thư viện vào giai đoạn khó khăn tiếp theo vì thiếu không gian lưu trữ. Năm 1988, sau những cuộc tranh luận kéo dài, Tổng thống François Mitterrand quyết định xây dựng một thư viện mới. Trải qua 5 năm xây dựng, thư viện François-Mitterrand được khánh thành vào năm 1996, mang cái tên tưởng nhớ tới vị tổng thống đã khai sinh công trình. [ Đọc tiếp ]

Tuần 37

Trái Đất nhìn từ tàu Apollo 17

Trái Đất là hành tinh thứ ba tính từ Mặt Trời, đồng thời cũng là hành tinh lớn nhất trong các hành tinh đất đá của hệ Mặt Trời xét về bán kính, khối lượng và mật độ vật chất. Trái Đất, còn được biết với các tên “Thế giới”, “Hành tinh xanh” hay “Địa Cầu”, là ngôi nhà của hàng triệu loài sinh vật, trong đó có con người, và cho đến nay đây là nơi duy nhất tồn tại sự sống được biết đến trong vũ trụ. Hành tinh này được hình thành cách đây 4,55 tỷ năm và sự sống xuất hiện trên bề mặt Trái Đất trong 1 tỷ năm trước. Kể từ đó, sinh quyển của Trái Đất đã có những đóng góp quan trọng trong quá hình thành và phát triển của bầu khí quyển và các điều kiện vô cơ khác, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phổ biến của các vi sinh vật ưa khí, ví dụ như tầng ôzôn—cùng với từ trường của Trái Đất—đã ngăn chặn các tia phóng xạ có hại. Các đặc điểm vật lý của Trái Đất cũng như lịch sử địa lý hay quỹ đạo, cho phép sự sống tồn tại trong thời gian qua. Người ta hy vọng rằng Trái Đất còn có thể hỗ trợ sự sống thêm 1,5 tỷ năm nữa, sau đó kích thước của Mặt Trời sẽ tăng lên và tiêu diệt hết sự sống.

Bề mặt Trái Đất được chia thành các mảng kiến tạo. Chúng di chuyển từ từ trên bề mặt Trái Đất trong hàng triệu năm qua. Khoảng 71% bề mặt bị Trái Đất bao phủ bởi các đại dương nước mặn, phần còn lại là các lục địa và các đảo. Lõi của Trái Đất vẫn hoạt động được bao bọc bởi lớp manti rắn dày, lớp lõi ngoài lỏng tạo ra từ trường và lõi sắt trong rắn. [ Đọc tiếp ]

Tuần 38

Ozu Yasujirō

Ozu Yasujirō (12 tháng 12, 1903 – 12 tháng 12, 1963) là một đạo diễn và biên kịch của điện ảnh Nhật Bản. Trong sự nghiệp 40 năm trải dài từ thời kỳ phim câm đến giai đoạn hoàng kim của điện ảnh Nhật những năm 1950, Ozu đã cho ra đời hơn 50 bộ phim bao gồm cả phim câm, phim nói đen trắng và phim màu trong đó người ta hiện chỉ còn lưu giữ được hơn 30 phim vì nhiều phim thuộc thời kỳ phim câm của đạo diễn đã bị thất lạc và không thể tìm lại.

Nếu như ở giai đoạn đầu sự nghiệp, các tác phẩm của Ozu thể hiện ảnh hưởng của điện ảnh Mỹ thì từ năm 1932 với Umarete wa mita keredo, đạo diễn đã dần hình thành phong cách làm phim riêng của mình với đề tài chính là cuộc sống của giới bình dân hoặc tầng lớp sinh viên. Sau chiến tranh, bộ phim Banshun do ông thực hiện năm 1949 đã đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp đạo diễn khi Ozu bắt đầu tập trung thực hiện những bộ phim về đề tài gia đình với nội dung giản dị, sâu sắc, vừa có dấu ấn truyền thống Nhật Bản, vừa mang tính thời đại. Ozu thường được biết tới với phong cách sử dụng các góc quay tĩnh, đặt thấp cùng phần bối cảnh đơn giản nhưng tinh tế, ông là một đạo diễn nổi tiếng khắt khe và thường chọn một số diễn viên quen thuộc của ông như Hara Setsuko hay Ryu Chishu để đảm nhận những vai chính. Cùng với Kurosawa Akira, Mizoguchi Kenji và Naruse Mikio, Ozu được coi là biểu tượng của nền điện ảnh Nhật Bản, nhiều tác phẩm của ông được coi là những kiệt tác của Nhật Bản nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung như Umarete wa mita keredo, Chichi ariki hay Tokyo monogatari. [ Đọc tiếp ]

Tuần 39

Ozu Yasujirō

Ozu Yasujirō (12 tháng 12, 1903 – 12 tháng 12, 1963) là một đạo diễn và biên kịch của điện ảnh Nhật Bản. Trong sự nghiệp 40 năm trải dài từ thời kỳ phim câm đến giai đoạn hoàng kim của điện ảnh Nhật những năm 1950, Ozu đã cho ra đời hơn 50 bộ phim bao gồm cả phim câm, phim nói đen trắng và phim màu trong đó người ta hiện chỉ còn lưu giữ được hơn 30 phim vì nhiều phim thuộc thời kỳ phim câm của đạo diễn đã bị thất lạc và không thể tìm lại.

Nếu như ở giai đoạn đầu sự nghiệp, các tác phẩm của Ozu thể hiện ảnh hưởng của điện ảnh Mỹ thì từ năm 1932 với Umarete wa mita keredo, đạo diễn đã dần hình thành phong cách làm phim riêng của mình với đề tài chính là cuộc sống của giới bình dân hoặc tầng lớp sinh viên. Sau chiến tranh, bộ phim Banshun do ông thực hiện năm 1949 đã đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp đạo diễn khi Ozu bắt đầu tập trung thực hiện những bộ phim về đề tài gia đình với nội dung giản dị, sâu sắc, vừa có dấu ấn truyền thống Nhật Bản, vừa mang tính thời đại. Ozu thường được biết tới với phong cách sử dụng các góc quay tĩnh, đặt thấp cùng phần bối cảnh đơn giản nhưng tinh tế, ông là một đạo diễn nổi tiếng khắt khe và thường chọn một số diễn viên quen thuộc của ông như Hara Setsuko hay Ryu Chishu để đảm nhận những vai chính. Cùng với Kurosawa Akira, Mizoguchi Kenji và Naruse Mikio, Ozu được coi là biểu tượng của nền điện ảnh Nhật Bản, nhiều tác phẩm của ông được coi là những kiệt tác của Nhật Bản nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung như Umarete wa mita keredo, Chichi ariki hay Tokyo monogatari. [ Đọc tiếp ]

Tuần 40

Thành phố Paris hiện sở hữu một hệ thống gồm hơn 136 bảo tàng, trong đó có 14 bảo tàng thuộc Hiệp hội bảo tàng quốc gia và 14 bảo tàng do chính quyền thành phố quản lý. Là một trung tâm của nghệ thuật từ nhiều thế kỷ, Paris lưu giữ rất nhiều những tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng, từ Leonardo da Vinci, Raffaello, Delacroix tới Monet, Van Gogh, Matisse, Picasso. Các bảo tàng nơi đây cũng trưng bày những bộ sưu tập hiện vật giá trị về lịch sử, khoa học, khảo cổ hay các nền văn minh, đến từ khắp nơi trên thế giới. Không ít bảo tàng ở Paris còn được dành cho những lĩnh vực đa dạng và độc đáo như thời trang, sân khấu, thể thao hay mỹ phẩm, ẩm thực.

Những bảo tàng đầu tiên của Paris được thành lập vào thời kỳ Cách mạng Pháp. Trong giai đoạn này, nhiều tài sản hoàng gia trở thành tài sản quốc gia, và Louvre mở cửa ngày 10 tháng 8 năm 1793, có thể xem như bảo tàng đầu tiên của Paris, cũng là bảo tàng đầu tiên của nước Pháp. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thời kỳ Belle Époque, hàng loạt những bảo tàng mới ra đời ở Paris, trong đó không ít bảo tàng xuất phát từ những bộ sưu tập cá nhân do các nhà hảo tâm di tặng. Những thập niên gần đây, thành phố vẫn tiếp tục xây dựng thêm các bảo tàng mới. Quai Branly mở cửa từ năm 2006, là bảo tàng lớn mới nhất của Paris hiện nay. [ Đọc tiếp ]

Tuần 41

USS Nevada (BB-36)

USS Nevada (BB-36), chiếc tàu chiến thứ hai của Hải quân Hoa Kỳ được đặt theo tên của tiểu bang thứ 36 của Hoa Kỳ, là chiếc dẫn đầu trong số hai chiếc thiết giáp hạm thuộc lớp Nevada; chiếc tàu chị em với nó chính là chiếc Oklahoma. Được hạ thủy vào năm 1914, Nevada là một cú nhảy vọt trong kỹ thuật tàu chiến hạng nặng, với bốn trong trong số các đặc tính của nó hiện diện trên tất cả các thiết giáp hạm Mỹ sau này: tháp pháo với ba khẩu súng chính, súng phòng không, thay thế than bằng dầu làm nhiên liệu, và nguyên tắc “tất cả hoặc không có gì” khi thiết kế vỏ giáp. Các đặc tính này làm cho Nevada trở thành chiếc thiết giáp hạm “Siêu Dreadnought” đầu tiên của Hải quân Mỹ.

Nevada đã phục vụ trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới: trong những tháng cuối cùng của Thế chiến thứ nhất, Nevada đặt căn cứ tại vịnh Bantry, Ireland để bảo vệ các đoàn tàu vận tải đi và đến nước Anh. Trong Thế chiến thứ hai, nó là một trong những thiết giáp hạm bị kẹt lại bên trong vịnh khi Hải quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Nó là chiếc thiết giáp hạm duy nhất di chuyển được trong cuộc tấn công, khiến cho nó trở thành “điểm sáng duy nhất trong ngày ảm đạm và suy sụp đó” của nước Mỹ. Dù vậy, nó vẫn bị đánh trúng một quả ngư lôi và ít nhất sáu trái bom trong khi di chuyển ra khỏi nơi neo đậu hàng thiết giáp hạm, buộc nó phải tự mắc cạn gần bờ. Sau khi được trục vớt và hiện đại hóa tại xưởng hải quân Puget Sound, Nevada phục vụ trong việc hộ tống các đoàn tàu vận tải tại vùng biển Đại Tây Dương, và yểm trợ hỏa lực cho nhiều cuộc tấn công đổ bộ tại Normandie và tại miền Nam nước Pháp; trong trận Iwo Jimatrận Okinawa tại mặt trận Thái Bình Dương. [ Đọc tiếp ]

Tuần 42

Hình ảnh thiết giáp hạm Yamato bị tấn công ngày 7 tháng 4 năm 1945

Cuộc hành quân Ten-Go là cuộc tổng phản công của Hải quân Đế quốc Nhật Bản nhằm vào lực lượng Đồng Minh tại Okinawa. Đây cũng là trận đụng độ không hải cuối cùng giữa hải quân Nhật và Mỹ tại mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai. Một số tên gọi khác được sử dụng cho cuộc hành quân này là Cuộc hành quân Heaven OneTen-ichi-gō.

Tháng 4 năm 1945, Đệ nhị hạm đội hải quân Nhật bao gồm thiết giáp hạm lớn nhất thế giới Yamato, cùng tuần dương hạm hạng nhẹ Yahagi và 8 khu trục hạm đã thực hiện một cuộc tổng phản công của hải quân Nhật ở Okinawa, nhưng thực chất là một chuyến đi tự sát để bảo tồn danh dự Hải quân Đế quốc Nhật Bản theo truyền thống võ sĩ đạo. Tuy nhiên, trước khi đến được Okinawa, chỉ trong 2 giờ, những máy bay Mỹ xuất phát từ các hàng không mẫu hạm đã đánh chìm Yamato, Yahagi cùng 4 khu trục hạm khác vào ngày 7 tháng 4 năm 1945. Cùng lúc đó, để phối hợp với cuộc hành quân này, người Nhật đã cho xuất phát nhiều Kamikaze từ phi trường cực nam Kyūshū tấn công hạm đội Mỹ tại Okinawa gây hư hại cho một số tàu chiến Mỹ.

Trận đánh này đã chứng tỏ sức mạnh vượt trội của không, hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương cũng như uy lực nổi trội của hàng không mẫu hạm so với thiết giáp hạm không có sự che chở của không lực. Thất bại trong cuộc hành quân này đã đánh dấu thất bại của Hải quân Nhật cũng như báo hiệu giờ tàn của Đế quốc Nhật Bản trong cuộc chiến. [ Đọc tiếp ]

Tuần 43

North American P-51D Mustang Tika IV thuộc Liên đội Tiêm kích 361, sơn ký hiệu tấn công trong Trận Normandie

North American P-51 Mustang là một kiểu máy bay tiêm kích Hoa Kỳ một chỗ ngồi tầm xa được đưa vào sử dụng trong không lực các nước Đồng Minh vào các năm giữa của Đệ nhị thế chiến. Chiếc P-51 trở nên một trong những kiểu máy bay nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất trong cuộc chiến tranh.

Được thiết kế, chế tạo và bay thử chỉ trong vòng 117 ngày, P-51 thoạt tiên phục vụ cho Không quân Hoàng gia Anh như một máy bay tiêm kích-ném bom và trinh sát, trước khi chuyển sang vai trò máy bay tiêm kích hộ tống ném bom bên trên lãnh thổ Đức, giúp duy trì ưu thế trên không của phe Đồng Minh từ đầu năm 1944. Nó cũng tham gia ở mức độ hạn chế chống lại Đế quốc Nhật Bản trên Mặt trận Thái Bình Dương. Mustang bắt đầu tham gia Chiến tranh Triều Tiên như là máy bay tiêm kích chủ yếu của lực lượng Liên Hợp Quốc, nhưng nhanh chóng được bố trí lại trong vai trò tấn công mặt đất sau khi bị vượt qua bởi những máy bay tiêm kích phản lực đời đầu. Tuy vậy, nó vẫn được giữ lại phục vụ trong một số lực lượng không quân cho đến đầu những năm 1980.

Sau Đệ nhị thế chiến và Chiến tranh Triều Tiên, nhiều chiếc Mustang được chuyển sang sử dụng dân sự, đặc biệt là trong các cuộc đua hàng không. Danh tiếng Mustang đạt đến mức mà, vào giữa những năm 1960, nhà thiết kế John Najjar của hãng xe Ford đã đề nghị cái tên máy bay tiêm kích đó cho mẫu xe thể thao Ford Mustang. [ Đọc tiếp ]

Tuần 44

Thiết giáp hạm Yamato trong thời gian chế tạo

Lớp thiết giáp hạm Yamato là những thiết giáp hạm của Hải quân Đế quốc Nhật Bản được chế tạo và hoạt động trong Thế chiến thứ hai. Với trọng lượng rẽ nước khi đầy tải lên đến 72.000 tấn, những con tàu thuộc lớp này là những chiến hạm lớn nhất, nặng nhất và trang bị vũ khí mạnh nhất từng được chế tạo. Lớp này mang hải pháo lớn nhất từng được trang bị trên một tàu chiến: chín khẩu pháo 460 mm, mỗi chiếc có thể bắn đạn pháo nặng 1.360 kg đi một khoảng cách 42 km. Hai thiết giáp hạm thuộc lớp này YamatoMusashi được hoàn tất, trong khi chiếc thứ ba Shinano được cải biến thành một tàu sân bay đang khi được chế tạo.

Do mối đe dọa của tàu ngầm và tàu sân bay Mỹ, cả Yamato lẫn Musashi đều trải qua hầu hết thời gian hoạt động của nó tại các căn cứ hải quân ở Brunei, Truk và Kure, nhiều lần được huy động để đối phó các cuộc không kích của Mỹ xuống các căn cứ Nhật Bản, trước khi tham gia Hải chiến vịnh Leyte, trong thành phần Lực lượng Trung tâm của Đô đốc Kurita. Musashi bị đánh chìm trên đường đi đến chiến trường bởi máy bay từ các tàu sân bay Mỹ. Shinano bị đánh chìm mười ngày sau khi được đưa vào hoạt động vào tháng 11 năm 1944 bởi tàu ngầm Mỹ Archer-Fish, trong khi Yamato bị đánh chìm vào tháng 4 năm 1945 trong Chiến dịch Ten-Go. [ Đọc tiếp ]

Tuần 45

Thiết giáp hạm Yamato trong thời gian chế tạo

Lớp thiết giáp hạm Yamato là những thiết giáp hạm của Hải quân Đế quốc Nhật Bản được chế tạo và hoạt động trong Thế chiến thứ hai. Với trọng lượng rẽ nước khi đầy tải lên đến 72.000 tấn, những con tàu thuộc lớp này là những chiến hạm lớn nhất, nặng nhất và trang bị vũ khí mạnh nhất từng được chế tạo. Lớp này mang hải pháo lớn nhất từng được trang bị trên một tàu chiến: chín khẩu pháo 460 mm, mỗi chiếc có thể bắn đạn pháo nặng 1.360 kg đi một khoảng cách 42 km. Hai thiết giáp hạm thuộc lớp này YamatoMusashi được hoàn tất, trong khi chiếc thứ ba Shinano được cải biến thành một tàu sân bay đang khi được chế tạo.

Do mối đe dọa của tàu ngầm và tàu sân bay Mỹ, cả Yamato lẫn Musashi đều trải qua hầu hết thời gian hoạt động của nó tại các căn cứ hải quân ở Brunei, Truk và Kure, nhiều lần được huy động để đối phó các cuộc không kích của Mỹ xuống các căn cứ Nhật Bản, trước khi tham gia Hải chiến vịnh Leyte, trong thành phần Lực lượng Trung tâm của Đô đốc Kurita. Musashi bị đánh chìm trên đường đi đến chiến trường bởi máy bay từ các tàu sân bay Mỹ. Shinano bị đánh chìm mười ngày sau khi được đưa vào hoạt động vào tháng 11 năm 1944 bởi tàu ngầm Mỹ Archer-Fish, trong khi Yamato bị đánh chìm vào tháng 4 năm 1945 trong Chiến dịch Ten-Go. [ Đọc tiếp ]

Tuần 46

Tokyo Mew Mew còn được biết với tên tiếng AnhMew Mew Power, là một manga dành cho thiếu nữ do Yoshida Reiko đảm nhiệm phần nội dung và Ikumi Mia minh họa. Trên kênh BiBi, bộ phim có tên tiếng Việt là Chú mèo Tokyo. Manga Tokyo Mew Mew được đăng trên tạp chí Nakayoshi từ tháng 9 năm 2000 đến tháng 2 năm 2003 và sau đó được nhà xuất bản Kodansha phát hành trong 7 tập tankōbon từ tháng 4 năm 2003 đến tháng 5 năm 2004. Nội dung của Tokyo Mew Mew xoay quanh 5 cô gái vô tình mang trong người ADN của những sinh vật bị đe dọa tuyệt chủng, vì vậy họ có khả năng biến thành dạng siêu nhân "Mew Mew". Nhiệm vụ của nhóm Mew Mew - lãnh đạo bởi Momomiya Ichigo - là phải bảo vệ Trái Đất trước cuộc xâm lăng của những người ngoài hành tinh.

Tokyo Mew Mew nhanh chóng được chuyển thể thành 52 tập phim anime bởi hãng Studio Pierrot. Anime được phát sóng lần đầu ở Nhật Bản từ ngày 6 tháng 4 năm 2002 đến ngày 29 tháng 3 năm 2003 trên các kênh TV Aichi và TV Tokyo. Phần 2 của Tokyo Mew Mew - kéo dài hai tập - Tokyo Mew Mew a la Mode được đăng trên tạp chí Nakayoshi từ tháng 4 năm 2003 đến tháng 2 năm 2004. Một nhân vật mới xuất hiện trong Tokyo Mew Mew a la Mode: Shirayuki Berī, cô trở thành người lãnh đạo tạm thời cho nhóm Mew Mew khi Momomiya Ichigo đi vắng. Hai game video đã được sản xuất dựa trên manga và anime Tokyo Mew Mew: một game giải đố và phiêu lưu dành cho hệ máy Game Boy Advance và một game nhập vai console dành cho hệ máy PlayStation. [ Đọc tiếp ]

Tuần 47

Pháo đài bay B-17 Flying Fortress

Boeing B-17 Flying Fortress là kiểu máy bay ném bom hạng nặng 4 động cơ được phát triển cho Không lực Lục quân Hoa Kỳ và được đưa vào sử dụng vào cuối những năm 1930. Cạnh tranh cùng với Douglas và Martin trong một hợp đồng chế tạo 200 máy bay ném bom, thiết kế của hãng Boeing vượt trội hơn cả hai đối thủ và vượt xa những yêu cầu của Không lực. Cho dù Boeing bị mất hợp đồng do máy bay nguyên mẫu bị rơi, Không lực Mỹ vẫn bị ấn tượng bởi thiết kế của Boeing và đặt hàng 13 chiếc B-17. B-17 Flying Fortress tiếp tục được đưa vào sản xuất và được xem là chiếc máy bay lớn đầu tiên sản xuất hàng loạt, lần lượt trải qua nhiều phiên bản cải tiến từ B-17A đến B-17G.

B-17 được Không lực Mỹ sử dụng chủ yếu trong các chiến dịch ném bom chiến lược chính xác ban ngày vào các mục tiêu công nghiệp, quân sự và dân sự của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Các đơn vị Mỹ là Không Lực 8 đóng tại Anh và Không Lực 15 đóng tại Ý góp phần bổ sung cho nhiệm vụ ném bom khu vực ban đêm của Bộ chỉ huy Không quân Ném bom thuộc Không quân Hoàng gia Anh trong chiến dịch Pointblank, giúp đạt được ưu thế trên không trên các thành phố, nhà máy và chiến trường Tây Âu chuẩn bị cho Trận chiến Normandy. B-17 cũng tham gia, với quy mô hạn chế hơn, tại Mặt trận Thái Bình Dương, không kích vào tàu bè và sân bay Nhật Bản. [ Đọc tiếp ]

Tuần 48

Frank Lampard

Frank James Lampard, Jr. (sinh 1978) là cầu thủ bóng đá người Anh hiện đang thi đấu cho câu lạc bộ Chelsea FCđội tuyển Anh. Vị trí của anh là tiền vệ trung tâm và cũng chơi ở vị trí tiền vệ công. Hiệu suất ghi bàn của anh không thua kém gì một tiền đạo. Hiện nay, Lampard đang nắm giữ một số kỷ lục như 164 trận liên tiếp xuất hiện trong đội hình xuất phát ở Giải bóng đá ngoại hạng Anh, tiền vệ ghi bàn nhiều nhất cho Chelsea, tiền vệ thứ hai trong lịch sử Giải bóng đá ngoại hạng Anh ghi được hơn 100 bàn, sau Matthew Le Tissier. Anh là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất thế giới với thành tích đứng nhì trong hai cuộc bầu chọn Cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFAQuả bóng vàng châu Âu vào năm 2005. Mùa giải 2007-08, anh được bầu là Tiền vệ xuất sắc nhất năm của Cúp các đội vô địch bóng đá quốc gia châu Âu.

Lampard bắt đầu sự nghiệp tại West Ham United vào năm 1994, nơi cha anh từng thi đấu. Bắt đầu từ mùa giải 1998-99, anh mới bắt đầu có mặt trong đội hình chính thức của West Ham và có được chiếc cúp vô địch UEFA Intertoto năm 1999. Năm 2001, anh chính thức chuyển đến thi đấu cho Chelsea với giá 11 triệu bảng Anh và hiện nay anh vẫn đang gắn bó cùng câu lạc bộ. Tại Chelsea, Lampard đã giành được hai chức vô địch Giải bóng đá ngoại hạng Anh, Cúp FACúp Liên đoàn bóng đá Anh trong đó gần đây nhất là danh hiệu vô địch cúp FA năm 2009. Tháng 8 năm 2008, anh đã gia hạn hợp đồng với câu lạc bộ thành London thêm 5 năm nữa, thời hạn đến hết mùa giải 2013-2014 và trở thành một trong những cầu thủ được trả lương cao nhất tại Giải bóng đá ngoại hạng Anh. [ Đọc tiếp ]

Tuần 49

Frank Lampard

Frank James Lampard, Jr. (sinh 1978) là cầu thủ bóng đá người Anh hiện đang thi đấu cho câu lạc bộ Chelsea FCđội tuyển Anh. Vị trí của anh là tiền vệ trung tâm và cũng chơi ở vị trí tiền vệ công. Hiệu suất ghi bàn của anh không thua kém gì một tiền đạo. Hiện nay, Lampard đang nắm giữ một số kỷ lục như 164 trận liên tiếp xuất hiện trong đội hình xuất phát ở Giải bóng đá ngoại hạng Anh, tiền vệ ghi bàn nhiều nhất cho Chelsea, tiền vệ thứ hai trong lịch sử Giải bóng đá ngoại hạng Anh ghi được hơn 100 bàn, sau Matthew Le Tissier. Anh là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất thế giới với thành tích đứng nhì trong hai cuộc bầu chọn Cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFAQuả bóng vàng châu Âu vào năm 2005. Mùa giải 2007-08, anh được bầu là Tiền vệ xuất sắc nhất năm của Cúp các đội vô địch bóng đá quốc gia châu Âu.

Lampard bắt đầu sự nghiệp tại West Ham United vào năm 1994, nơi cha anh từng thi đấu. Bắt đầu từ mùa giải 1998-99, anh mới bắt đầu có mặt trong đội hình chính thức của West Ham và có được chiếc cúp vô địch UEFA Intertoto năm 1999. Năm 2001, anh chính thức chuyển đến thi đấu cho Chelsea với giá 11 triệu bảng Anh và hiện nay anh vẫn đang gắn bó cùng câu lạc bộ. Tại Chelsea, Lampard đã giành được hai chức vô địch Giải bóng đá ngoại hạng Anh, Cúp FACúp Liên đoàn bóng đá Anh trong đó gần đây nhất là danh hiệu vô địch cúp FA năm 2009. Tháng 8 năm 2008, anh đã gia hạn hợp đồng với câu lạc bộ thành London thêm 5 năm nữa, thời hạn đến hết mùa giải 2013-2014 và trở thành một trong những cầu thủ được trả lương cao nhất tại Giải bóng đá ngoại hạng Anh. [ Đọc tiếp ]

Tuần 50

Chiến dịch Barbarossa là mật danh của Đức quốc xã đặt cho một chiến dịch lớn trong Chiến tranh thế giới thứ hai do quân đội Đức quốc xã tiến hành nhằm vào Liên bang Xô viết. Chiến dịch này ban đầu có tên là "Kế hoạch Otto". Ngày 18 tháng 12 năm 1940, tên của nó được đích thân Hitler đổi thành "Kế hoạch Barbarossa" lấy theo biệt hiệu của Hoàng đế La Mã Thần thánh Friedrich I. Chiến dịch được bắt đầu vào sáng ngày 22 tháng 6 năm 1941 trên toàn bộ tuyến biên giới phía Tây của Liên Xô và kết thúc vào đầu tháng 2 năm 1942 trước cửa ngõ Moskva. Mục đích của Kế hoạch Barbarossa nhằm nhanh chóng chiếm đóng phần lãnh thổ của Liên Xô nằm ở phía Tây đường ranh giới nối liền giữa hai thành phố Arkhangelsk và Astrakhan.

Về mặt chiến thuật, quân Đức đã giành được một số chiến thắng lớn trong toàn chiến dịch và đã chiếm đóng một số vùng kinh tế quan trọng nhất của Liên Xô, chủ yếu là ở Ukraina. Vào cuối tháng Giêng năm 1942, Hồng quân Xô Viết đã đẩy lùi đợt tấn công mạnh nhất của quân đội Đức quốc xã. Chiến dịch này đánh dấu sự phá sản của phương châm đánh nhanh thắng nhanh trước mùa đông 1941-1942 của Hitler. Thất bại của quân Đức và đồng minh phe Trục trong chiến dịch này là một trong những bước ngoặt lịch sử, dẫn tới sự suy yếu rồi thất bại hoàn toàn của phe Trục trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Sự thất bại của Chiến dịch Barbarossa kéo theo những chiến dịch mới của Hitler nhằm tấn công Liên Xô, tất cả đều thất bại như việc tiếp tục bao vây Leningrad, chiến dịch Nordlicht và trận Stalingrad, cùng với những trận đánh khác trên những vùng lãnh thổ của Liên Xô bị Đức chiếm đóng. [ Đọc tiếp ]

Tuần 51

Suleiman I (1494–1566) là vị vua thứ 10 và trị vì lâu dài nhất của đế quốc Ottoman, từ năm 1520 đến khi qua đời năm 1566.

Suleiman trở thành một vị vua lỗi lạc của châu Âu vào thế kỷ XVI, là người làm nên sự tột đỉnh vinh quang của nền quân sự, chính trị và kinh tế của đế quốc Ottoman. Ông chinh phạt các vùng đất Thiên Chúa giáo như Beograd, Ródos và phần lớn Hungary, cho đến khi vây hãm Viên thất bại năm 1529. Ông còn thôn tính phần lớn vùng Trung Đông trong các cuộc chiến với Ba Tư, và một phần lãnh thổ rộng lớn ở Bắc Phi xa về phía Tây đến tận Algérie. Dưới triều đại ông, hải quân Ottoman làm chủ phần lớn các vùng biển từ Địa Trung Hải tới Biển ĐỏVịnh Ba Tư.

Suleiman đích thân cải tổ lại luật pháp về xã hội, giáo dục, thuế má và hình phạt đối với kẻ phạm tội. Bộ luật của ông được chính quyền Ottoman áp dụng trong nhiều thế kỷ sau đó. Không những là một thi sĩ và một thợ kim hoàn; ông còn là một nhà bảo trợ lớn của nền nghệ thuật, chính ông đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên một thời kì vàng son của nền mỹ thuật, văn học và kiến trúc của đế quốc Ottoman. Suleiman nói được 4 thứ tiếng: Ba Tư, Ả Rập, Serbia và Chagatay.

Suleiman đã phá vỡ truyền thống vốn có của đế quốc khi ông cưới Roxelana, một phụ nữ trong hậu cung và phong bà làm Hürrem Sultan; những âm mưu trong triều và quyền lực lớn khiến cho bà trở nên nổi danh. Con trai của Suleiman và Roxelana là Selim II lên kế vị năm 1566, khi ông qua đời sau 46 năm trị vì. [ Đọc tiếp ]

Tuần 52

Galileo Galilei (1564 – 1642) là một nhà thiên văn học, vật lý học, toán họctriết học người Ý, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng khoa học. Các thành tựu của ông gồm những cải tiến cho kính thiên văn và các quan sát thiên văn sau đó, và ủng hộ Chủ nghĩa Copernicus. Galileo đã được gọi là "cha đẻ của việc quan sát thiên văn học hiện đại", "cha đẻ của vật lý hiện đại", và "cha đẻ của Khoa học hiện đại". Stephen Hawking đã nói, "Galileo, có lẽ hơn bất kỳ một người riêng biệt nào, chịu trách nhiệm về sự khai sinh khoa học hiện đại."

Sự chuyển động của các vật thể tăng tốc đều, được dạy ở hầu hết trong các khóa học về vật lý của các trường trung học và cao đẳng, đã được Galileo nghiên cứu trong chủ đề về chuyển động học. Những đóng góp của ông trong thiên văn học quan sát gồm vệc xác nhận các tuần của Sao Kim bằng kính thiên văn, phát hiện bốn vệ tinh lớn nhất của Sao Mộc, được đặt tên là các vệ tinh Galileo để vinh danh ông, và sự quan sát và phân tích vết đen Mặt Trời. Galileo cũng làm việc trong khoa học và công nghệ ứng dụng, cải tiến thiết kế la bàn.

Sự bênh vực của Galileo dành cho Chủ nghĩa Copernicus đã gây tranh cãi trong đời ông. Quan điểm địa tâm đã là thống trị từ thời Aristotle, và sự tranh cãi nảy sinh sau khi Galileo trình bày thuyết nhật tâm như một minh chứng khiến giáo hội Công giáo Rôma cấm tuyên truyền nó như một sự thực đã được chứng minh, vì nó chưa được chứng minh theo kinh nghiệm ở thời điểm ấy và trái ngược với ý nghĩa của Kinh thánh. Galileo cuối cùng buộc phải từ bỏ thuyết nhật tâm của mình và sống những ngày cuối đời trong cảnh bị quản thúc tại gia theo lệnh của Toà án dị giáo La Mã. [ Đọc tiếp ]

Tuần 53

Enceladusvệ tinh lớn thứ 6 của sao Thổ. Nó được nhà thiên văn học William Herschel phát hiện vào năm 1789. Trước những năm 1980 (thời điểm 2 tàu vũ trụ Voyager bay ngang qua Enceladus), người ta biết rất ít về vệ tinh này ngoài việc nó có nước trên bề mặt. Enceladus có đường kính khoảng 500 km, bằng 1/10 kích thước của Titan, vệ tinh lớn nhất của sao Thổ. Nó là thiên thể phản xạ ánh sáng mạnh nhất trong hệ Mặt trời (gần như 100%). Tàu Voyager 1 phát hiện thấy quỹ đạo của Enceladus nằm trong vùng dày đặc nhất của vành đai phân tán E. Vành đai này được cho là vật chất được phát tán từ cực Nam của Enceladus. Tàu Voyager 2 thì cho thấy vệ tinh này mặc dù rất nhỏ nhưng lại có một địa hình phức tạp: từ những bề mặt cổ xưa nhiều miệng hố thiên thạch cho đến những vùng trẻ mới được kiến tạo gần đây. Một số vùng có bề mặt mới được tạo ra trong khoảng 100 triệu năm trước đây.

Tàu Cassini hiện đang quay quanh sao Thổ đã cung cấp cho chúng ta thêm nhiều dữ liệu mới về Enceladus. Trong năm 2005, Cassini đã bay rất gần Enceladus, chụp ảnh và phân tích chi tiết bề mặt cũng như môi trường trên Enceladus. Một số trong các dữ liệu thu thập được đã giúp chúng ta trả lời những câu hỏi đã đặt ra sau lần khám phá đầu tiên bởi tàu Voyager, một số lại khiến chúng ta đặt ra những câu hỏi mới. Cụ thể, Cassini phát hiện thấy những cột vật chất chứa nước phun lên từ cực nam của vệ tinh. Cùng với việc phát hiện thấy sự thất thoát nhiệt và bề mặt rất mịn, ít hố thiên thạch của vùng cực nam, người ta khẳng định được rằng Enceladus hiện vẫn có những hoạt động địa chất. Điều này có thể giải thích được bởi Enceladus là vệ tinh của một hành tinh khí khổng lồ. Những hành tinh như vậy thường có một hệ thống vệ tinh với quỹ đạo phức tạp. Một số trong các vệ tinh này cộng hưởng quỹ đạo với nhau, chúng không ổn định hoặc có độ dẹt quỹ đạo nhất định. Vì vậy lực hấp dẫn của hành tinh lên các vệ tinh này luôn thay đổi, gây ra sự ma sát giữa các lớp vật chất của vệ tinh, cung cấp nhiệt lượng cho hoạt động địa chất của vệ tinh. [ Đọc tiếp ]