Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2009/Tuần 10
| ||||
Thế vận hội Mùa hè 1896, tên chính thức “Thế vận hội Mùa hè lần thứ I”, là sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức tại thành phố Athena, thủ đô của Hy Lạp, từ ngày 6 đến 15 tháng 4 năm 1896. Đây chính là kỳ Thế vận hội đầu tiên được tổ chức trong thời kỳ hiện đại. Hy Lạp cổ đại vốn là cái nôi của phong trào Olympic, do đó Athena được coi như sự lựa chọn thích hợp để tổ chức cho kỳ Thế vận hội hiện đại đầu tiên. Thành phố này được nhất trí chọn làm thành phố chủ nhà trong một hội nghị do Pierre de Coubertin, một nhà sư phạm và sử gia người Pháp, tổ chức tại Paris vào ngày 23 tháng 6 năm 1894. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng được thành lập nhân hội nghị này. Mặc dù gặp phải nhiều trở ngại và thoái trào nhưng Thế vận hội Mùa hè 1896 vẫn được ghi nhận là một kỳ Olympic thành công, nhờ những cuộc tranh tài thể thao có quy mô lớn nhất từ trước cho tới thời điểm đó. Sân vận động Panathinaiko, sân vận động lớn đầu tiên trên thế giới thời hiện đại, đã chật cứng bởi lượng khán giả đông nhất vào lúc đó. Nước chủ nhà Hy Lạp đạt được thành tích nổi bật nhờ chiến thắng trong môn marathon của Spiridon Louis. Vận động viên thành công nhất trong kỳ Thế vận hội là đô vật và vận động viên thể dục dụng cụ người Đức Carl Schuhmann, người đã giành được tới 4 huy chương vàng. Trong kỳ thế vận hội đầu tiên này không có nữ vận động viên nào tham dự. Sau kỳ Thế vận hội, một số nhân vật cấp cao, trong đó có Vua Georgios I của Hy Lạp cùng một số vận động viên người Mỹ, kiến nghị với Coubertin và IOC rằng tất cả những kỳ Thế vận hội sau nên được tổ chức tại Athena. Tuy nhiên 4 năm sau, Thế vận hội Mùa hè 1900 lại được tổ chức tại thành phố Paris của Pháp và ngoại trừ kỳ Thế vận hội 1906 không được IOC công nhận chính thức, phải 108 năm sau, Athena của Hy Lạp mới được tổ chức sự kiện này lần thứ hai vào năm 2004. |