Nhà Thanh

triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc
(Đổi hướng từ Đời Thanh)

Nhà Thanh hay Trung Hoa Đại Thanh quốc, Đại Thanh Đế Quốc,[c] còn được gọi là Mãn Thanh (chữ Hán: 满清, tiếng Mông Cổ: Манж Чин Улс),[d]triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc.

Đại Thanh
Tên bản ngữ
  • 大清
    Dà Qīng
    ᡩᠠᡳᡳᠴᠩ
    ᡤᡠᡵᡠᠨ

Quốc ca"Củng Kim Âu"
(1911–1912)
Lãnh thổ do nhà Thanh kiểm soát vào năm 1890 được thể hiện bằng màu xanh lá cây đậm.
Lãnh thổ do nhà Thanh kiểm soát vào năm 1890 được thể hiện bằng màu xanh lá cây đậm.
Tổng quan
Thủ đôThẩm Dương
(1636–1644)[a]
Bắc Kinh
(1644–1912)[b]
Thành phố lớn nhấtBắc Kinh
Ngôn ngữ chính thứcQuan thoại, Tiếng Mãn, Tiếng Mông Cổ, Tiếng Tạng, Tiếng Sát Hợp Đài,[1]Phương ngữ Hán ngữ
Tiếng Latinh (dùng trong thương mại)
Tôn giáo chính
Phật giáo, Tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, Nho giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, Shaman giáo, Kitô giáo, các tôn giáo khác
Chính trị
Chính phủQuân chủ chuyên chế
Danh sách hoàng đế Nhà Thanh 
• 1636–1643
Hoàng Thái Cực (thành lập)
• 1644–1661
Thuận Trị
(đầu tiên ở Bắc Kinh)
• 1661–1722
Khang Hi (lâu nhất)
• 1723–1735
Ung Chính
• 1736–1796
Càn Long
• 1796–1820
Gia Khánh
• 1821–1850
Đạo Quang
• 1851–1861
Hàm Phong
• 1862–1875
Đồng Trị
• 1875–1908
Quang Tự
• 1908–1912
Phổ Nghi (cuối cùng)
Nhiếp chính 
• 1643–1650
Đa Nhĩ Cổn
• 1908–1911
Tái Phong
Tổng lý đại thần 
• 1911
Dịch Khuông
• 1911–1912
Viên Thế Khải
Lịch sử
Thời kỳChâu Á
• Dưới thời Hậu Kim
1616–1636
• Triều đại thành lập
1636
1644
1687–1759
1839–1842
1856–1860
1894–1895
10 tháng 10 năm 1911–12 tháng 2 năm 1912
12 tháng 2 năm 1912
Địa lý
Diện tích 
• 1700[2]
8.800.000 km2
(3.397.699 mi2)
• 1790[2]
14.700.000 km2
(5.675.702 mi2)
• 1860[2]
13.400.000 km2
(5.173.769 mi2)
Kinh tế
GDP  (danh nghĩa)Ước lượng 1820[3]
• Tổng số
Tăng 228.6 triệu USD (tỷ giá 1990) (hạng 1)
• Bình quân đầu người
Giảm 600 USD (tỷ giá 1990)
Đơn vị tiền tệVăn
Lượng
Tiền thân
Kế tục
Nhà Hậu Kim
Đại Thuận
Nam Minh
Hãn quốc
Chuẩn Cát Nhĩ
Trung Hoa
Dân Quốc
Nhà Thanh
Tên tiếng Trung
Tiếng Trung清朝
Đại Thanh
Tiếng Trung
Tên tiếng Mông Cổ
Kirin Mông CổДайчин Улс
Chữ Mông Cổ ᠳᠠᠢᠢᠴᠢᠩ
ᠤᠯᠤᠰ
Tên tiếng Mãn
Bảng chữ cái tiếng Mãn ᡩᠠᡳ᠌ᠴᡳᠩ
ᡤᡠᡵᡠᠨ
AbkaiDaiqing gurun
MöllendorffDaicing gurun

Nguồn gốc của người Mãn Châu là người Nữ Chân, hoàng tộc Ái Tân Giác La là một bộ tộc của Kiến Châu Nữ Chân, thuộc sự quản lý của Kiến Châu vệ của nhà Minh. Kiến Châu vệ là một vệ sở được nhà Minh thiết lập tại Đông Bắc Trung Quốc, thuộc đơn vị hành chính biên phòng triều Minh, từng thuộc sự quản lý của Nô Nhi Càn Đô ty, mà Ái Tân Giác La thị nhiều đời là Đô chỉ huy sứ của Kiến Châu tả vệ. Năm 1616, một người Nữ Chân là Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã dựng quốc xưng Hãn, thành lập nhà nước "Đại Kim" (chữ Hán: 大金; bính âm: Dà Jīn) ở vùng Đông Bắc Trung Quốc – sử sách gọi là Hậu Kim để phân biệt với nhà Kim cũng của người Nữ Chân từng tồn tại vào thế kỷ 12-13; đóng đô ở Hách Đồ A Lạp – còn gọi là "Hưng Kinh". Đến năm 1636, người thừa kế Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Hoàng Thái Cực xưng Đế ở Thịnh Kinh, đổi quốc hiệu thành Đại Thanh (chữ Hán: 大清; bính âm: Dà Qīng), lúc ấy, lãnh thổ chỉ dừng lại ở vùng Đông Bắc Trung Quốc và khu vực Mạc Nam, nhưng cũng đã gây đe dọa lớn với nhà Minh, vốn đã rút lui về phía nam Vạn Lý Trường Thành. Năm 1644, Lý Tự Thành xuất quân đánh chiếm Bắc Kinh, nhà Minh diệt vong. Cùng năm đó, Ngô Tam Quế vốn là tướng tàn dư của nhà Minh, vì để đối kháng Lý Tự Thành mà đã đầu hàng nhà Thanh. Quân Thanh dễ dàng tiến qua Sơn Hải quan, đánh bại Lý Tự Thành, chính thức dời đô về Bắc Kinh, cũng mở động một cuộc nam hạ quy mô lớn. Trong vòng thời gian mấy chục năm sau, nhà Thanh lần lượt tiêu diệt thế lực đối địch còn sót lại như tàn dư nhà Minh ở Hoa Bắc, quân Đại Thuận của Lý Tự Thành, Đại Tây của Trương Hiến Trung, Nam Minh và nhà nước Minh Trịnh của Trịnh Thành Công; thống nhất toàn bộ Trung Quốc. Nhà Thanh chinh phục và trở thành triều đình cai trị lãnh thổ của: Trung Quốc bản thổ (1644-1662), đảo Đài Loan (1683), Ngoại Mông (1691), Tây Tạng (1751), Tân Cương (1759); hoàn thành cuộc chinh phục của người Mãn Châu. Vào giai đoạn cực thịnh cuối thế kỷ 18, nhà Thanh kiểm soát lãnh thổ rộng tới 13 triệu km2 (lãnh thổ Trung Quốc ngày nay rộng 9,6 triệu km2), là thời kỳ mà lãnh thổ Trung Quốc đạt mức rộng lớn nhất trong lịch sử. Trải qua ba đời Hoàng đế Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, quốc lực của nhà Thanh cùng với kinh tế, văn hóa đều được khôi phục và phát triển mạnh mẽ, thống trị lãnh thổ rộng lớn và các phiên thuộc, sử gọi "Khang - Càn thịnh thế", là thời kỳ phát triển đỉnh cao của nhà Thanh, là một trong những thời kỳ huy hoàng nhất của các vương triều phong kiến trong lịch sử Trung Quốc.[7][8][e]

Trong thời gian trị vì, nhà Thanh đã củng cố quyền quản lý hòa bình của họ đối với Trung Quốc, hoà nhập và hòa hợp văn hoá của các dân tộc thiểu số với văn hoá Trung Quốc, và xã hội Trung Quốc đã đạt tới tầm ảnh hưởng cao nhất của Đế quốc Trung Hoa. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự của Thanh đã suy giảm trong thế kỷ 19 và phải đối mặt với sức ép từ bên ngoài, nhiều cuộc nổi loạn bên trong và những thất bại trong chiến tranh, khiến nhà Thanh tàn tạ từ sau nửa cuối thế kỷ 19. Việc lật đổ triều Mãn Thanh sau cuộc Cách mạng Tân Hợi khi hoàng hậu nhiếp chính khi ấy là Hiếu Định Cảnh hoàng hậu, đối mặt với phản kháng của phong trào cách mạng Tân Hợi nên bà buộc phải thoái vị nhân danh vị hoàng đế Mãn Thanh cuối cùng là Phổ Nghi ngày 12 tháng 2 năm 1912. Tàn dư của chế độ Mãn Thanh cũng đã bị tiêu diệt tại vùng Tân CươngTây Tạng của Trung Quốc cũng vào năm 1912.

Tại đất tổ là vùng Mãn Châu, tàn dư nhà Thanh của cựu hoàng đế Phổ Nghi thiết lập Mãn Châu Quốc nhưng thực chất chỉ là chính phủ bù nhìn của Nhật Bản, tồn tại đến năm 1945 thì người Nga (Liên Xô) tiêu diệt quân Nhật ở vùng Mãn Châu tại Thế chiến 2, Mãn Châu Quốc cũng bị diệt vong và Mãn Châu quay trở về Trung Quốc.

Quốc hiệu

Nguồn gốc tên gọi

Năm 1616, Nỗ Nhĩ Cáp Xích thành lập chính quyền Hậu Kim, đến năm 1636 thì Hoàng Thái Cực đổi quốc hiệu thành "Đại Thanh". Sau khi nhập quan, Đại Thanh trở thành một trong ba hoàng triều thống nhất Trung Quốc đặt chữ "Đại" vào quốc hiệu chính thức, sau Đại NguyênĐại Minh.[14] Lý do Hoàng Thái Cực đổi quốc hiệu không hề được sử liệu ghi chép chính xác, theo đó cũng có những giải thích cạnh tranh về ý nghĩa của Qīng (có nghĩa là "rõ ràng" hoặc "tinh khiết"). Tên có thể đã được chọn để phản ứng với tên của nhà Minh (), bao gồm các yếu tố "nhật" () và "nguyệt" (), cả hai đều gắn liền với yếu tố hỏa của hệ thống hoàng đạo Trung Quốc. Từ Thanh (, qīng) bao gồm "thủy" () và "thanh"[f] (), cả hai nghĩa liên kết với nhau là "thủy thanh" có nghĩa là nước xanh. Cách viết này sẽ là ẩn dụ cho cuộc chinh phạt của quân Thanh tiêu diệt nhà Minh là thất bại của lửa bởi nước.[15] Hình ảnh về "nước" của tên mới cũng có thể có những liên quan đến đạo Phật về sự sáng suốt và giác ngộ và kết nối với Bồ tát Văn-thù-sư-lợi. "Thanh" cũng là tên của một số dòng sông ở Mãn Châu, tại một trong số đó Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã giành chiến thắng quan trọng vào năm 1619.[16] Cũng có thể xuất phát từ tên tiếng Mãnᠳᠠᠢᠼᠢᠨ(Daičin), có thể bắt nguồn từ một từ tiếng Mông Cổ có nghĩa là "người thiện chiến, chiến binh",[17][18] và "Đại Thanh quốc" nghĩa là "thượng quốc" hoặc "quốc gia thiện chiến",[19][20] tuy nhiên quan điểm này vẫn còn gây tranh cãi, bởi có học giả đã khảo chứng từ ngôn ngữ và tài liệu lịch sử và chỉ ra rằng, những sách được biên soạn bởi những người thống trị nhà Thanh hoàn toàn không sử dụng cách nói này.[g]

Cải tạo từ "Trung Quốc"

 
Văn chương Trung Quốc (中國) trong một cuốn sách giáo khoa tiếng Trung, tiếng Mãn và tiếng Mông Cổ (song ngữ) được xuất bản trong triều đại nhà Thanh; đoạn văn hiển thị ở trên có nội dung: "Đất nước Trung Quốc của chúng tôi nằm ở Đông Á... Trong 5000 năm, văn hóa phát triển (ở đất nước Trung Quốc)... Vì chúng tôi là người Trung Quốc, làm sao chúng tôi không yêu Trung Quốc."

Sau khi chinh phục Trung Quốc bản thổ, Mãn Thanh thường gọi nhà nước của họ là Trung Quốc (tiếng Trung: ; bính âm: Zhōngguó, tiếng Mãn: ᡩᡠᠯᡳᠮᠪᠠᡳ
ᡤᡠᡵᡠᠨ
, chuyển tả: dulimbai gurun).[22][23] Các hoàng đế đã đánh đồng các vùng đất của Thanh quốc (bao gồm Đông Bắc Trung Quốc, Tân Cương, Mông Cổ, Tây Tạng và các khu vực khác) là Trung Quốc trong cả hai tiếng Trung Quốc và tiếng Mãn Châu, xác định Trung Quốc là một quốc gia đa sắc tộc, và từ chối ý tưởng rằng Trung Quốc chỉ có nghĩa là khu vực người Hán. Các hoàng đế nhà Thanh tuyên bố rằng cả người Hán và không phải người Hán đều là một phần của Trung Quốc. Họ đã sử dụng cả Trung Quốc và "Thanh" để chỉ triều đại của mình trong các tài liệu chính thức. "Tiếng Trung Quốc" (Dulimbai gurun i bithe) bao gồm tiếng Trung Quốc, tiếng Mãn và tiếng Mông Cổ và "người Trung Quốc" (tiếng Trung: 中國之人; Hán-Việt: Trung Quốc chi nhân; bính âm: Zhōngguó zhī rén; tiếng Mãn: Dulimbai gurun i niyalma) đề cập đến tất cả các đối tượng của đế quốc.[24]

Năm 1689, khi Khang Hy ký kết Điều ước Nerchinsk (Ni Bố Sở) với Nga, lần đầu tiên sử dụng "Trung Quốc" như là tên quốc gia chính thức, đối ứng với "Nga",[h][25] từ Trung Quốc này chính là để chỉ Đế quốc Đại Thanh bao quát cả Mông CổĐông Bắc Trung Quốc.[26] Khi nhà Thanh đã chinh phục Dzungaria vào năm 1759, họ tuyên bố rằng vùng đất mới đã bị thôn tính vào "Trung Quốc" (Dulimbai Gurun) trong đài tưởng niệm tiếng Mãn.[27] Phiên bản tiếng Mãn của Hiệp ước Kyakhta (1768), một hiệp ước với Đế quốc Nga liên quan đến quyền lực hình sự đối với kẻ cướp, được gọi là người từ nhà Thanh là "người từ trung quốc (Dulimbai Gurun)".[28] Đến nay, khái niệm "Trung Quốc" chính là từ khái niệm "Trung Quốc" mà nhà Thanh đắp nặn ra.

Lịch sử

Sự thành lập nước Hậu Kim và triều đại nhà Thanh của người Mãn Châu

Nhà Thanh là một triều đại do người Mãn Châu thành lập, một dân tộc thiểu số du mục[29] ở một số nước Đông Á hiện nay. Vốn là những người du mục bán khai, người Mãn Châu dần chiếm ưu thế tại vùng hiện ở phía đông nam Nga. Quốc gia Mãn Châu được Nỗ Nhĩ Cáp Xích (Nurhaci) thành lập vào đầu thế kỷ 17. Ban đầu chỉ là một nước chư hầu của nhà Minh, ông tự tuyên bố mình là hoàng đế của nước Hậu Kim năm 1616. Cùng năm ấy, ông phát triển các nguồn tài nguyên kinh tế, con người của đất nước cũng như kỹ thuật bằng cách thu nhận những người Hán sống tại vùng Mãn Châu.

Năm 1625, Nỗ Nhĩ Cáp Xích lập thủ đô tại Thẩm Dương (tiếng Mãn: Mukden), nhưng năm sau ông phải chịu một thất bại quân sự lớn đầu tiên trước một vị tướng nhà Minh là Viên Sùng Hoán. Nỗ Nhĩ Cáp Xích chết năm đó. Một trong những thành tựu lớn nhất của ông là việc tạo lập hệ thống Bát Kỳ, theo đó mọi người dân Mãn Châu đều thuộc một trong tám "Kỳ", đó vừa là các đơn vị dân sự vừa mang tính chất quân sự. Các Kỳ được đặt tên như vậy bởi vì mỗi nhóm được phân biệt bởi một lá cờ khác nhau.

Người kế tục Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Hoàng Thái Cực tiếp tục tiến hành công việc dựa trên các nền móng được cha để lại, sáp nhập các kỳ của người Hán đầu tiên vào quân đội của mình. Hoàng Thái Cực cũng chấp nhận việc áp dụng nhiều cơ cấu chính trị kiểu nhà Minh vào đất nước mình, nhưng luôn giữ ưu thế của người Mãn Châu trong các cơ cấu đó thông qua một hệ thống định mức phân bổ. Khi Lâm Đan Hãn, vị đại hãn cuối cùng của người Mông Cổ, chết trên đường tới Tây Tạng năm 1634, con trai ông Ngạch Triết (Ejei) đã đầu hàng người Mãn Châu và trao lại ngọc tỉ truyền quốc của hoàng đế nhà Nguyên cho Hoàng Thái Cực.

Năm 1636 Hoàng Thái Cực đổi quốc hiệu thành Đại Thanh, có nghĩa là thanh khiết, biểu hiện những tham vọng đối với vùng Mãn Châu. Cái tên Thanh được lựa chọn bởi vì tên của nhà Minh (明) được cấu thành từ các ký hiệu của chữ nhật (日, mặt trời) và nguyệt (月, Mặt Trăng), đều liên quan tới hỏa mệnh. Chữ Thanh (清) được cấu thành từ chữ căn bản là thủy (水, nước) và từ chỉ màu xanh (青), cả hai đều là mệnh thủy. Trong thuyết Ngũ hành, thì thủy khắc được hỏa, ám chỉ việc nhà Thanh sẽ đánh tan toàn bộ nhà Minh. Trong một loạt những chiến dịch quân sự, Hoàng Thái Cực đã khuất phục được vùng Nội MôngTriều Tiên trước khi tiếp tục chiếm quyền kiểm soát vùng Hắc Long Giang[30].

Chiếm Trung Nguyên cùng toàn bộ xứ sở Trung Quốc, nhà Thanh tuyên bố Thiên mệnh Trung Hoa trên khắp thiên hạ.

Bắc Kinh đã bị một liên minh những lực lượng nổi loạn do Lý Tự Thành[31] cầm đầu vào cướp phá. Nhà Minh chính thức kết thúc khi Minh Tư Tông Chu Do Kiểm (Sùng Trinh Đế), vị hoàng đế cuối cùng của nhà Minh treo cổ tự tử tại Môi Sơn cạnh Tử Cấm Thành. Sau khi chiếm Bắc Kinh vào tháng 4 năm 1644, Lý Tự Thành dẫn đầu một đội quân mạnh gồm 600.000 người chiến đấu với Ngô Tam Quế, vị tướng chỉ huy lực lượng đồn trú 100.000 lính bảo vệ Sơn Hải Quan[32] (山海關) của nhà Minh.

Sơn Hải Quan là cửa ải có vị trí trọng yếu ở phía đông bắc Vạn lý trường thành cách Bắc Kinh năm mươi dặm về phía đông bắc và trong nhiều năm lực lượng đồn trú tại đây luôn phải chiến đấu ngăn chặn người Mãn Châu bên ngoài thủ đô Bắc Kinh. Sau khi Lý Tự Thành chiếm được Bắc Kinh, giết cha và cướp thiếp của Ngô Tam Quế, Ngô Tam Quế đã quyết định mở cổng thành đầu hàng nhà Thanh, liên minh với Đa Nhĩ Cổn, khi ấy đang làm nhiếp chính cho Hoàng đế Thuận Trị mới 6 tuổi nối nghiệp Hoàng Thái Cực vừa mất năm trước.

Liên minh này đánh bại các lực lượng nổi loạn của Lý Tự Thành trong trận chiến ngày 27 tháng 5 năm 1644, sau đó đánh chiếm kinh đô Bắc Kinh. Quá trình tiêu diệt các lực lượng trung thành với nhà Minh (nhà Nam Minh), những kẻ nhòm ngó ngôi báu và những nhóm vũ trang cát cứ khác kéo dài thêm 17 năm nữa. Vị vua cuối cùng của nhà Minh, Vĩnh Lịch, chạy trốn tới Miến Điện, tức Myanmar hiện nay, nhưng bị bắt và giao lại cho lực lượng viễn chinh của nhà Thanh do Ngô Tam Quế cầm đầu. Vĩnh Lịch bị hành quyết tại tỉnh Vân Nam đầu năm 1662.

Khang Hy và sự củng cố quyền lực

 
Hoàng đế Khang Hi (khoảng 1662 - 1722)

Hoàng đế Khang Hy (1661 - 1722) lên ngôi khi mới 8 tuổi. Trong những năm cầm quyền đầu tiên ông được bà của mình là Hiếu Trang Thái Hoàng Thái Hậu giữ quyền nhiếp chính trợ giúp rất nhiều.

Người Mãn Châu nhận ra rằng việc kiểm soát "Thiên mệnh" là một nhiệm vụ hết sức to lớn. Sự rộng lớn của lãnh thổ Mãn Châu đồng nghĩa với việc triều đình chỉ có đủ quân đội để đồn trú tại những thành phố chính và xương sống của mạng lưới phòng ngự dựa chủ yếu vào những người lính nhà Minh đã đầu hàng.

Hơn nữa, các tướng lĩnh nhà Minh đã đầu hàng trước đó cũng được lựa chọn theo mức độ đóng góp vào việc thành lập nhà Thanh, được phong tước trở thành các lãnh chúa phong kiến (藩王 - phiên vương), và được quyền cai quản những vùng đất rộng lớn ở phía nam Trung Quốc. Người đứng đầu số đó là Ngô Tam Quế (吳三桂), được trao các tỉnh Vân Nam và Quý Châu, trong khi các vị tướng khác như Thượng Khả Hỷ (尚可喜) và Cảnh Trọng Minh (耿仲明) được giao cai quản các tỉnh Quảng ĐôngPhúc Kiến. Ba người này được người Trung Quốc gọi chung bằng cái tên Tam Phiên.

Sau một thời gian, ba vị lãnh chúa này và những vùng đất đai của họ cai quản dần trở thành hình thức tự trị. Cuối cùng, vào năm 1673, Thượng Khả Hỷ thỉnh cầu Khang Hy, bày tỏ ước vọng muốn được trở về quê hương Liêu Đông (遼東) và chỉ định con trai làm người kế nhiệm. Vị hoàng đế trẻ cho phép ông ta về nghỉ nhưng từ chối trao chức vụ cho người con trai. Trước sự kiện đó, hai vị tướng kia cũng quyết định xin về hưu để thử phản ứng của Khang Hy, cho rằng ông ta sẽ không dám liều xúc phạm đến họ. Hành động này mang lại kết quả trái ngược với mong đợi của họ khi vị hoàng đế trẻ tuổi lừa phỉnh họ bằng cách chấp nhận các yêu cầu và đoạt lại ba vùng đất đó cho triều đình.

Thấy mình bị tước đoạt quyền lực, Ngô Tam Quế cho rằng ông ta không còn lựa chọn nào khác ngoài cách làm loạn. Ngô Tam Quế cùng Cảnh Trọng Minh và con trai Thượng Khả Hỷ là Thượng Chi Tín (尚之信) thành lập liên minh. Cuộc nổi dậy diễn ra sau đó kéo dài tám năm. Ở thời phát triển mạnh nhất, lực lượng nổi dậy đã tìm cách mở rộng tầm kiểm soát của mình về hướng bắc tới tận sông Trường Giang (長江). Dù vậy, cuối cùng triều đình nhà Thanh tiêu diệt được cuộc nổi dậy và kiểm soát được toàn bộ miền nam Trung Quốc. Trong lịch sử Trung Quốc, sự kiện này được gọi là Loạn Tam Phiên.

Để củng cố đế chế, Khang Hy đích thân chỉ huy một loạt các chiến dịch quân sự tấn công Tây Tạng, người Dzungar; và sau này, ông đánh cả Đế quốc Nga, nhưng phần lớn bị Pyotr I tấn công dữ dội cho tới chân Vạn lý trường thành. Ông dàn xếp một cuộc hôn nhân giữa con gái mình với vị Khả Hãn Mông Cổ là Chuẩn Cát Nhĩ nhằm tránh một cuộc xung đột quân sự. Các chiến dịch quân sự của Gordhun chống lại nhà Thanh đã chấm dứt, giúp tăng cường sức mạnh đế chế. Đài Loan cũng bị các lực lượng nhà Thanh chinh phục năm 1683 từ tay con trai của Trịnh KinhTrịnh Khắc Sảng (鄭克塽,) (cháu nội Trịnh Thành Công, người đã đoạt lại quyền kiểm soát Đài Loan từ tay thực dân Hà Lan). Tới cuối thế kỷ 17, Trung Quốc đạt tới đỉnh cao quyền lực của mình kể từ thời nhà Minh.

Khang Hi cũng cho phép nhiều nhà truyền giáo thuộc các Giáo hội Thiên chúa tới Trung Quốc để truyền đạo. Dù họ không đạt được mục đích cải đạo cho đa số dân Trung Quốc, Khang Hi vẫn cho họ sống yên ổn tại Bắc Kinh.

Thịnh trị thời Ung Chính và Càn Long

 
Bình của người hành hương, sứ cảnh lam. Nhà Thanh, giai đoạn Càn Long thế kỷ 18.

Hai giai đoạn trị vì của Hoàng đế Ung Chính (trị vì 1722 - 1735) và con trai ông Hoàng đế Càn Long (trị vì 1735 - 1796) đánh dấu đỉnh cao phát triển quyền lực nhà Thanh. Trong giai đoạn này, nhà Thanh cai quản 13 triệu km2 lãnh thổ.

Sau khi Khang Hy qua đời vào mùa đông năm 1722, con trai thứ tư của ông là Ung Thân vương (雍親王) Dận Chân lên nối ngôi trở thành Hoàng đế Ung Chính. Ung Chính là một nhân vật gây nhiều tranh cãi bởi vì có những lời đồn đại về việc ông cướp ngôi, và trong những năm cuối cùng thời Khang Hy, ông đã tham gia vào nhiều cuộc tranh giành quyền lực chính trị với các anh em của mình.

Ung Chính là một nhà cai trị chăm chỉ và quản lý đất nước mình bằng bàn tay sắt. Bước đầu tiên của ông nhằm tăng cường sức mạnh triều đình là đưa hệ thống thi cử quốc gia trở về các tiêu chuẩn trước đó. Năm 1724 ông đàn áp thẳng tay những trao đổi tiền bất hợp pháp, vốn bị các quan chức triều đình lợi dụng để kiếm chác. Những người vi phạm vào luật mới về tài chính đều bị cách chức hay trong những trường hợp nghiêm trọng, sẽ bị hành quyết.

Ung Chính rất tin tưởng vào các vị quan người Hán, và đã chỉ định nhiều người được ông che chở vào những chức vụ quan trọng. Một trong những trường hợp điển hình là Niên Canh Nghiêu đã được phong làm người chỉ huy chiến dịch quân sự tại Thanh Hải, thay cho người em trai của Ung Chính là hoàng tử Dận Trinh (胤禵). Tuy nhiên, những hành động kiêu ngạo của Niên khiến ông mất chức năm 1726.

Trong thời gian cai trị của Ung Chính, sức mạnh của đế quốc được củng cố và đạt tới mức cao nhất trong lịch sử Trung Quốc. Nhiều vùng đất ở phía tây bắc được sáp nhập vào lãnh thổ quốc gia. Một lập trường cứng rắn hơn được thực hiện nhằm mục đích loại bỏ các quan lại tham nhũng, và Ung Chính là người đã lập ra Quân Cơ Xứ (軍機處), trên thực tế là một bộ máy nhằm đảm bảo sự yên ổn của triều đình.

Hoàng đế Ung Chính mất năm 1735. Con trai thứ tư ông, Bảo Thân Vương (寶親王) Hoằng Lịch lên nối ngôi trở thành Hoàng đế Càn Long. Càn Long nổi tiếng là một vị tướng có tài. Nối ngôi ở tuổi 24, Càn Long đích thân chỉ huy một cuộc tấn công quân sự gần Tân CươngMông Cổ. Các cuộc nổi loạn và khởi nghĩa tại Tứ Xuyên và nhiều vùng ở phía nam Trung Quốc cũng được dẹp yên.

Khoảng bốn mươi năm kể từ khi Càn Long lên ngôi, chính phủ nhà Thanh đối mặt với tình trạng tham nhũng nặng nề trở lại. Hòa Thân một vị quan trong triều, là kẻ tham nhũng nhất vương quốc. Ông ta đã bị con trai Càn Long, Hoàng đế Gia Khánh (1796 - 1820) buộc phải tự sát.

Mở rộng đế chế

Sau khi chiếm Trung Hoa của nhà Minh, các hoàng đế nhà Thanh đã từng bước mở rộng đế chế của mình thông qua các cuộc chiến tranh và sáp nhập. Họ đã chiếm thêm được Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan, một phần Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan ngày nay và cùng với Mông Cổ, Triều Tiên trước đó vào đế chế của mình. Họ đã thất bại trước nước Đại ViệtMiến Điện khi tiến xuống Đông Nam Á vào nửa sau thế kỷ 18, cho tới khi Đế quốc Nga xâm chiếm Trung Á vào thế kỉ 19.

Nổi loạn, bất ổn và áp lực ngày càng tăng

Một quan điểm thông thường về Trung Quốc ở thế kỷ 19 cho rằng đây là giai đoạn mà sự kiểm soát của nhà Thanh suy yếu đi và sự thịnh vượng cũng sút giảm. Quả vậy, Trung Quốc phải chịu đựng nhiều cuộc xung đột xã hội, đình đốn kinh tế và sự bùng nổ dân số đặt ra những vấn đề lớn đối với việc phân phối lương thực.

Các nhà sử học đã đưa ra nhiều sự giải thích cho những sự kiện trên, nhưng ý tưởng căn bản cho rằng quyền lực nhà Thanh, sau một thế kỷ, đã phải đối mặt với những vấn đề bên trong và áp lực bên ngoài khiến cho hình mẫu chính phủ, tình trạng quan liêu và hệ thống kinh tế của Trung Quốc thời ấy không sao giải quyết nổi:

  • Trước tiên, nhà Thanh phải đối mặt với khó khăn giống như những triều đại trước: giai cấp địa chủ không ngừng gia tăng thôn tính ruộng đất và bóc lột, khiến cho phần lớn nông dân tự canh phá sản, mất đi ruộng đất, trở thành tá điền hoặc lưu dân, bị buộc phải chấp nhận những điều kiện hà khắc, chấp nhận mức tô càng nặng nề hơn trước. Bởi thế, tình trạng bần cùng hoá giai cấp nông dân trở nên phổ biến, đẩy họ vào hoàn cảnh đói rét vô cùng bi thảm. Thời Càn Long, tình trạng địa chủ thôn tính ruộng đất đã cực kỳ nghiêm trọng, "trong 10 người thì 1-2 kẻ sở hữu đất đai, 3-4 người không có ruộng để cày, còn tá điền thì chiếm đến 4-5 người". Một số lượng lớn nông dân bị ép phải rời bỏ quê hương, trở thành lưu dân, lưu lạc tha hương. Chỉ riêng thành Bắc Kinh đã có 10 vạn ăn mày. Triều đình nhà Thanh đối với vấn đề này không một kế sách khả thi, số lượng dân đói, dân lưu lạc ngày càng tăng, mâu thuẫn giai cấp xã hội ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ kinh tế vì thế dẫn tới đấu tranh chính trị, cung cấp điều kiện xã hội ngày càng chín muồi cho các cuộc khởi nghĩa nông dân. Tả Tông Đường đã đánh giá về tình hình kinh tế các tầng lớp ở nông thôn như sau: "Trong 10 người thì giàu có bất quá được 1, 2 kẻ, còn lại đều lao động bần khổ, hoặc làm giấy, hoặc trồng khoai thay lương, năm được mùa còn phải mua ngũ cốc tiếp hoang, năm mất mùa lấy đâu ra no đủ?" Các tổ chức phản kháng như Bạch Liên giáo, Thiên Địa hội, Niệm đảng, Bái Thượng đế giáo... đã thừa cơ mở rộng lực lượng, tổ chức khuyên răn dẫn dắt dân đói, dân lưu lạc tham gia đấu tranh phản Thanh nhằm tìm con đường sống.
  • Sau 150 năm hòa bình, nhà Thanh gặp vấn nạn bùng nổ dân số: Thời kì đầu nhà Thanh, do chiến tranh khiến dân số sụt giảm nhiều, triều đình tiến hành chính sách khuyến khích sinh sản, từ "tư sinh nhân đinh, vĩnh bất gia phú" thời Khang Hy tới "than đinh nhân mẫu" thời Ung Chính đều xoá bỏ thuế đầu người, cổ vũ khuyến khích nhân dân sinh đẻ. Xã hội ổn định, không có chiến tranh, kinh tế từng bước phát triển, việc du nhập các loại cây lương thực mới (ngô, khoai lang) đã cung cấp điều kiện thuận lợi cho việc tăng sức sinh sản. Vậy là dân số tăng lên nhanh chóng, trong vòng 100 năm từ năm Càn Long thứ 6 (1741) tới năm Đạo Quang thứ 20 (1840), dân số từ 140 triệu tăng vọt lên tới 410 triệu, tăng gần 3 lần, hiện tượng này trước đó chưa từng xảy ra. Nhà Thanh là xã hội phong kiến nông nghiệp lấy nông nghiệp làm nền tảng quốc gia, việc sản xuất của cải vật chất cơ bản dựa vào nông nghiệp. Nhưng diện tích đất đai canh tác thì không thể tăng thêm, nên bình quân đất canh tác tính trên đầu người ngày càng giảm. Tới giữa thời Càn Long, bình quân đất canh tác còn được 4,25 mẫu/người, vẫn đủ để người nông dân nuôi sống gia đình. Đến giữa những năm Gia Khánh - Đạo Quang, bình quân đất canh tác đã giảm xuống còn 2,19 mẫu, người nông dân đã vô cùng khốn quẫn, khó duy trì nổi sinh kế của gia đình, giá lương thực cao vọt, giá mỗi thạch gạo chưa tới 1.000 quan tiền thời Khang Hy nay lên tới 3.000 quan tiền. Đến lúc Hàm Phong lên ngôi (năm 1851), bình quân đất canh tác tính trên đầu người chỉ còn 1,78 mẫu, nông dân không có đất canh tác phải lưu lạc đầy rẫy, gia nhập giang hồ cướp của.
  • Nhà Thanh từ giữa thời Càn Long chứng kiến sự tha hóa, hủ bại của đội ngũ quan lại: Đại học sĩ Hòa Thân chuyên quyền, công khai ăn hối lộ, bẻ cong luật pháp, mua quan bán tước nhưng lại được Càn Long dung túng. Trào lưu thanh chính nghiêm minh nơi quan trường chính trị thời Khang HyUng Chính đã thay đổi, sa ngã xuống vũng bùn hủ bại tham lam. Quan lại "lấy việc ăn uống mỹ sắc làm tri kỷ, liêm sỉ cốt ở danh tiếng, cướp lợi lộc là hiền tài, nghiên cứu nghĩa lý là mê hoặc". Hoàng đế Gia Khánh sửa sai bằng cách nghiêm trị Hòa Thân, vua Đạo Quang thì đề cao tiết kiệm, nhưng tệ nạn tham nhũng đã tích tụ bao năm qua đã không cách nào trừ bỏ được. Quan lại địa phương tự đặt ra luật lệ, cướp đoạt tại chỗ, việc lại trị ngày càng sa sút. Chương Học Thành chỉ ra, thời Gia Khánh – Đạo Quang, khoản tiền mà quan lại địa phương ăn hối lộ, gấp mười lần, thậm chí gấp trăm lần trước kia, "nhà cửa, đồ dùng xa hoa hơn chư hầu thời xưa rất nhiều, kẻ trên người dưới tranh nhau lợi, kẻ giàu sang làm điều ác mà chẳng bị truy cứu, người nghèo khó có oan mà không nói được".
  • Thời Đạo Quang còn phải đối mặt với sự xâm lấn của các cường quốc thực dân phương Tây. Trước tiên là việc nhập lậu thuốc phiện lan tràn cả nước. Tiền bạc chảy ra ngoài, nguồn bạc thiếu thốn, nạn thiếu tài chính lộ rõ. Theo thống kê, trong khoảng thời gian trước chiến tranh nha phiến 10 năm, số nha phiến nhập lậu lên tới 23,8 triệu thùng, trung bình mỗi năm 2,4 triệu thùng, trung bình mỗi năm Trung Quốc tiêu tốn 16,3 triệu lạng bạc cho thuốc phiện. Sau chiến tranh nha phiến năm 1841, nhà Thanh phải bồi thường chiến phí, lại phải chấp nhận cho phương tây tự do buôn thuốc phiện, tình hình tài chính của Thanh triều càng thêm tồi tệ. Theo tấu trình của Trác Bỉnh Điềm, từ năm 1840 đến năm 1849, các khoản chi ngoại ngạch "đã hơn 70 triệu lạng". Tổng cộng trong giai đoạn 1830 – 1848, trong khoảng thời gian 19 năm, tổng số bạc chảy ra ngoài đã đạt tới hơn 120.200.000 lạng, nhiều hơn 3 lần thu nhập tài chính trong một năm của triều đình (hơn 40 triệu lạng). Quốc khố cạn kiệt, khi vua Đạo Quang qua đời, ngân khố của bộ Hộ chỉ còn 9.000.000 lạng bạc. Không chỉ vậy, thuốc phiện còn đầu độc nhân dân Trung Quốc, khiến sức khỏe người dân sa sút, đầu óc trở nên mê muội, nhiều gia đình tan cửa nát nhà vì nghiện thuốc phiện, đó là thiệt hại không thể đo đếm bằng tiền.

Đối diện với suy thế, nhiều nhà trí thức có đầu óc nhạy bén như Lâm Tắc Từ, Cung Tự Trân đã sớm nhận ra nguy cơ họa loạn với đất nước. Họ thấy xã hội rối ren, ngày càng thêm loạn, các thế lực phản Thanh đang nhanh chóng tụ tập lực lượng. "Gió tích đủ thì sẽ thành bão", một cuộc chiến loạn long trời lở đất đã sắp nổ ra. Họ chủ trương "biến pháp", sau này có Ngụy Nguyên đề xuất "biến cổ", hướng đến mục tiêu chấn hưng Thanh triều, thực hiện cải cách trong lòng chế độ. Nhưng tất cả đề xuất của họ đều không được triều đình tiếp thu.

Cuộc khởi nghĩa Thái bình thiên quốc vào giữa thế kỷ 19 là kết quả của hàng loạt mâu thuẫn xã hội đã tích tụ suốt 150 năm, nay tới lúc phải bùng nổ. Đây là ví dụ đầu tiên phản ánh tư tưởng chống Mãn Châu đe dọa sự ổn định của nhà Thanh, một hiện tượng còn tăng thêm trong những năm sau này. Tuy nhiên, số lượng thương vong kinh khủng của cuộc khởi nghĩa này - tới 30 triệu người - và sự tàn phá nghiêm trọng các vùng đất rộng lớn ở phía nam đất nước vẫn còn bị che mở bởi một cuộc xung đột khác. Dù không đẫm máu bằng, nhưng thế giới ảnh hưởng của thế giới bên ngoài qua những tư tưởng và kỹ thuật của nó đã có một ảnh hưởng rất lớn và cuối cùng mang lại tác động có tính cách mạng đối với một triều đình nhà Thanh đang ngày càng suy yếu và dao động.

Một trong những vấn đề lớn ở thế kỷ mười chín của Trung Quốc là cách thức đối phó với các nước khác bên ngoài. Trước thế kỷ mười chín, Đế chế Trung Quốc là cường quốc bá chủ châu Á. Theo học thuyết đế quốc của họ, hoàng đế Trung Quốc có quyền cai trị toàn bộ "thiên hạ". Tùy theo từng giai đoạn và từng triều đại, họ hoặc cai trị trực tiếp các vùng lãnh thổ xung quanh hoặc buộc các nước đó phải nộp cống cho mình.

Các nhà sử học thường đưa ra quan niệm cơ bản của đế chế Trung Quốc, "đế chế không biên giới", khi đề cập tới thực trạng trên. Tuy nhiên, trong thế kỷ mười tám, các đế chế châu Âu dần mở rộng ra khắp thế giới, khi các nước châu Âu phát triển các nền kinh tế hùng mạnh dựa trên thương mại hàng hải. Mặt khác, đế chế Trung Quốc rơi vào tình trạng tù hãm sau nhiều thế kỷ dẫn đầu thế giới.

Tới cuối thế kỷ mười tám, các thuộc địa của châu Âu đã được lập nên ở gần Ấn Độ và trên những hòn đảo hiện là các vùng thuộc Indonesia, trong khi Đế chế Nga đã sáp nhập các vùng phía bắc Trung Quốc. Ở thời các cuộc chiến tranh Napoleon, Anh Quốc từng muốn thành lập liên minh với Trung Quốc, gửi các hạm đội tàu tới Hồng Kông mang theo quà tặng gửi tới vị Hoàng đế, gồm nhiều vật phẩm được chế tạo bởi những kỹ thuật và phong cách nghệ thuật mới nhất của châu Âu thời kỳ đó. Khi các phái đoàn Anh nhận được một lá thư từ Bắc Kinh giải thích rằng Trung Quốc không cảm thấy ấn tượng trước những thành tựu của châu Âu và cho rằng triều đình Trung Quốc sẵn lòng nhận sự kính trọng của vua George III nước Anh, chính phủ Anh cảm thấy bị xúc phạm và từ bỏ mọi kế hoạch nhằm thiết lập các quan hệ với nhà Thanh.

 
Cờ nhà Thanh, 1889-1912
 
Carte de l'Empire chinois et du Japon, 1833, Conrad Malte-Brun, 1837.

Khi các cuộc chiến tranh Napoleon chấm dứt năm 1815, thương mại thế giới tăng trưởng nhanh chóng, và bởi vì dân số đông đảo của Trung Quốc là một thị trường vô hạn cho hàng hóa châu Âu, thương mại giữa Trung Quốc và các thương gia châu Âu phát triển trong những năm đầu của thế kỷ mười chín. Khi thương mại tăng trưởng, sự thù nghịch cũng gia tăng giữa các chính phủ châu Âu và nhà Thanh.

Năm 1793, nhà Thanh chính thức cho rằng Trung Quốc không cần tới các hàng hóa châu Âu. Vì thế, các lái buôn Trung Quốc chỉ chấp nhận dùng bạc làm vật trao đổi cho hàng hóa của họ. Nhu cầu to lớn của châu Âu đối với các hàng hóa Trung Quốc như , trà, và đồ sứ chỉ có thế được đáp ứng khi các công ty châu Âu rót hết số bạc họ có vào trong Trung Quốc. Tới cuối những năm 1830, các chính phủ AnhPháp rất lo ngại về các kho dự trữ kim loại quý của họ và tìm cách đưa ra một phương thức trao đổi mới với Trung Quốc - và cách tốt nhất là đầu độc Trung Quốc bằng thuốc phiện. Khi nhà Thanh tìm cách cấm buôn bán thuốc phiện năm 1838, Anh Quốc đã tuyên chiến với Trung Quốc.

Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất cho thấy sự lạc hậu của quân đội Trung Quốc. Dù có quân số áp đảo so với người Anh, kỹ thuật và chiến thuật của họ không thể so sánh với các cường quốc kỹ thuật thời ấy. Hải quân nhà Thanh, gồm toàn các tàu gỗ không phải là đối thủ của các tàu chiến bọc thép chạy hơi nước của Hải quân Hoàng gia Anh. Binh sĩ Anh sử dụng súng có rãnh xoắnpháo binh vượt trội dễ dàng tiêu diệt các lực lượng nhà Thanh trên chiến trường.

Việc nhà Thanh đầu hàng năm 1842 đánh dấu một tai họa mang tính quyết định và nhục nhã của Trung Quốc. Hiệp ước Nam Kinh, buộc họ phải trả khoản bồi thường 21 triệu lạng bạc và nhượng đảo Hồng Kông cho Anh Quốc. Nó cũng cho thấy tình trạng bất ổn định của chính phủ nhà Thanh và khiến cho nhiều cuộc khởi nghĩa chống chế độ diễn ra.

Các cường quốc phương tây, chưa hài lòng với Hiệp ước Nam Kinh, chỉ miễn cưỡng hỗ trợ nhà Thanh trong việc tiêu diệt các cuộc nổi dậy Thái bình thiên quốc và cuộc khởi nghĩa Niệm Quân. Thu nhập của Trung Quốc giảm sút rõ rệt trong thời gian chiến tranh khi nhiều vùng đất canh tác rộng lớn bị hủy hoại, hàng triệu người thiệt mạng và số lượng binh lính đông đảo cũng như trang bị vũ khí cho họ để chiến đấu.

Năm 1854, Anh Quốc tìm cách đàm phán lại Hiệp ước Nam Kinh, thêm vào các điều khoản cho phép các thương gia người Anh đi lại trên sông ngòi Trung Quốc và lập một đại sứ quán thường trực của họ tại Bắc Kinh. Điều khoản cuối cùng này xúc phạm tới chính quyền nhà Thanh và họ đã từ chối ký kết, gây ra một cuộc chiến tranh khác giữa hai bên. Cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ hai chấm dứt với một thất bại nặng nề khác của Trung Quốc, khiến cho Nhà Thanh phải ký Hiệp ước Thiên Tân với Đế quốc Anh

Nhà Thanh suy yếu và sự cai trị của Từ Hy Thái Hậu

 
Trong bức tranh này, Trung Quốc bị ví như miếng bánh đang bị Anh, Đức, Nga, Pháp, và Nhật chia nhau

Cuối thể kỷ 19, một nhà lãnh tụ mới xuất hiện là Từ Hy Thái Hậu. Xuất thân chỉ là một phi tần của Hàm Phong (1850-1861), nhưng nhờ sinh ra Thái tử Tái Thuần nên sau khi Hàm Phong chết và vị hoàng tử nhỏ tuổi lên ngôi lấy hiệu là Đồng Trị, Từ Hy đã ngấm ngầm tiến hành cuộc đảo chính để tước quyền nhiếp chính của đại thần Túc Thuận theo di chiếu của tiên hoàng. Bà nắm quyền nhiếp chính và trở thành người đứng đầu không chính thức của Trung Hoa suốt 47 năm. Bà còn được biết tới bởi sự nhúng tay vào chính sự kiểu "Thùy liêm thính chính" (垂簾聽政-tức can thiệp chính trị từ sau hậu đài).

Tới những năm 1860, triều đình nhà Thanh đã tiêu diệt được các cuộc nổi dậy nhờ sự hỗ trợ của lực lượng dân quân do tầng lớp quý tộc tổ chức. Sau đó, chính phủ Thanh tiếp tục giải quyết vấn đề hiện đại hoá, từng được đưa ra trước đó với Phong trào tự cường. Nhiều đội quân hiện đại được thành lập gồm cả Hạm đội Bắc Hải; tuy nhiên Hạm đội Bắc Hải đã bị tiêu diệt trong Chiến tranh Trung Nhật (1894-1895), khiến cho ngày càng xuất hiện nhiều kêu gọi cải cách sâu rộng hơn nữa. Đầu thế kỷ 20, nhà Thanh rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục theo đuổi cải cách, họ sẽ khiến giới quý tộc bảo thủ mất lòng, nếu ngăn cản việc đó họ lại khiến những người theo đường lối cách mạng tức giận. Nhà Thanh tìm cách đi theo con đường trung dung, nhưng việc này lại khiến tất cả các bên cùng bất mãn.

Mười năm trong giai đoạn cai trị của Hoàng đế Quang Tự (1875 - 1908) là những năm nhà Thanh cố gắng tiến hành biến pháp và cải cách nhằm phát triển đất nước. Năm 1898 Quang Tự nỗ lực tiến hành Cuộc cải cách 100 ngày (百日維新, Bách nhật duy tân), còn được biết dưới cái tên "Mậu Tuất biến pháp" (戊戌變法), đưa ra các luật mới thay thế cho các quy định cũ đã bị bãi bỏ. Những nhà cải cách, với đầu óc tiến bộ hơn như Khang Hữu Vy được tin tường và những người có đầu óc thủ cựu như Lý Hồng Chương bị gạt bỏ khỏi các vị trí quan trọng. Nhưng các ý tưởng mới đã bị Từ Hy dập tắt, Quang Tự bị nhốt trong cung. Từ Hy chỉ tập trung vào việc củng cố quyền lực của riêng mình. Tại buổi lễ sinh nhật lần thứ 60, bà đã chi 30 triệu lạng bạc để trang trí và tổ chức, số tiền đã định dùng để cải tiến vũ khí cho Hạm đội Bắc Hải.

Khủng hoảng tài chính

Sau khi điều ước Nam Kinh năm 1842, nhà Thanh ngày càng chịu nhiều khủng hoảng. Thuốc phiện nhập vào ồ ạt mà không được ngăn cấm, thứ nhì là lụa sa, vải nhập khẩu khiến vải nội địa không thể cạnh tranh nổi. Từ năm 1890, số lượng sa, vải nhập khẩu mỗi năm lên đến 1 vạn vạn lượng, so với 60 năm về trước gia tăng 80%. Tiền dùng để mua hàng đều lấy từ xuất khẩu lương thực, nhưng lương thực thường không đủ nên nạn đói xảy ra, vùng Hoa Bắc nghèo khổ lại càng nặng nề. Trà, tơ vốn là nguồn xuất khẩu lớn; từ năm 1880 bị Ấn Độ và Nhật sản xuất nhiều, trà bị cạnh tranh nên trước kia chiếm đến 54% lượng xuất khẩu lúc này bị giáng xuống chỉ còn 18%; riêng tơ cũng bị giảm nhiều.

Nạn đói kém do hạn hán, lụt lội xảy ra rất nhiều tại phương bắc. Năm 1877-1878 thiên tai xảy ra tại các tỉnh Sơn Tây, Hà Nam, số người chết vô số kể. Từ năm 1855, sông Hoàng Hà tại phía đông tỉnh Hà Nam bị vỡ; dòng sông trước kia chảy qua phía bắc tỉnh Giang Tô, đổi sang tỉnh Sơn Đông; sông mới hẹp nước chảy khó khăn, nên đê thường bị vỡ. Tháng 9/1887, vỡ đê tại Trịnh Châu [Hà Nam], nước chảy vào các sông Giả Lỗ, Hoài khiến vùng phía đông Hà Nam, phía bắc An Huy bị thiệt hại nặng. Tháng 1/1889, bắt đầu chặn dòng, hậu quả hơn 1 triệu người chết, tiêu tốn ngân khoản 10 triệu lượng. Cùng năm đó cho đến năm sau, tại tỉnh Sơn Đông lại có thêm hai lần vỡ đê. Từ năm 1892-1898, đê vỡ thường xuyên, nhà cửa trôi dạt, người và súc vật chết vô số; khu vực bị thiên tai riêng tỉnh Sơn Đông có đến 60 châu, huyện; tỉnh Trực Lệ đến 26 châu, huyện. Vào các năm 1888, 1890, 1892, 1893, 1896, sông Vĩnh Định liên tục bị vỡ đê, chỗ bị vỡ từ 10 trượng đến hơn 100 trượng; khu vực bị thiên tai tại tỉnh Trực Lệ lên đến 26 châu, huyện. Năm 1899, tại các tỉnh Trực Lệ, Sơn Đông, Sơn Tây, cùng phía bắc Giang Tô bị hạn hán lâu, thực phẩm thiếu thốn, khiến người nghèo phải đem con đi bán.

Chính phủ nhà Thanh vơ vét cũng là nguyên nhân khiến nhân dân chịu thống khổ. Triều đình phải vơ vét do chi tiêu gia tăng, nguồn tài chính kiệt quệ. Tài chính kiệt quệ do bởi nhiều năm chiến loạn, cung đình tiêu xài nhiều, chẩn tế cho các thiên tai, nhu cầu bởi chính sách đổi mới, và quan trọng nhất là tiền bồi thường cho nước ngoài. Từ năm 1895 trở về trước, mỗi năm phải trả nợ và tiền lời khoảng 3-4 trăm vạn lượng, còn có thể gắng sức gánh vác được. Sau chiến tranh Giáp Ngọ (1894) tiền vay về chi phí chiến tranh khoảng 1.200 vạn lượng, tiền bồi thường cho Nhật khoảng 2.600 vạn lượng, tất cả đều phải vay, mỗi năm phải trả 2.300 vạn lượng. Do vậy phải khấu trừ tiền dưỡng liêm, tăng thuế ly kim, thuế ruộng; tăng các sắc thuế về gạo, trà, muối, đường, thuốc phiện, thuốc lá, rượu và quyên thu các thương gia, nhưng cũng không đủ. Năm 1898, phát hành Chiêu tín cổ phiếu, 10.000 vạn lượng, bằng mọi cách áp lực dân phải mua, nhưng chỉ thu được không quá 1000 vạn lượng. Căn cứ báo cáo của bộ Hộ mỗi năm tiền trả nợ ngoại quốc, tiền quân vụ, dương vụ [cải cách thuyền binh], tiền tiêu của trung ương và địa phương, tổng cộng gần 100 triệu lượng, nhưng thu nhập quốc khố chỉ có 80 triệu lượng, số tiền thiếu hụt khoảng 20 triệu lượng.

Lãnh thổ bị xâu xé

Viễn Đông là khu vực trọng điểm để các nước tư bản chủ nghĩa giành giật. Trong quá trình các nước lớn ở phương Tây liên tục mở rộng xâm lược ra nước ngoài, vùng biên giới Trung Quốc ngày càng bị uy hiếp nghiêm trọng. Nhật, Mỹ đưa quân xâm lược Đài Loan; Nga, Anh nhòm ngó Tân Cương; nước Anh rình mò Vân Nam, Tây Tạng, Pháp đe dọa Quảng Tây - Quảng Đông, tất cả đã tạo nên những nguy cơ mới ở vùng biên giới Trung Quốc, nguy cơ ngoại xâm đến từ tứ phía.[33]

Ở vùng biên giới Tây Bắc, Điều ước Bắc Kinh năm 1860 đã khiến nhà Thanh mất hàng trăm nghìn km2 lãnh thổ phía bắc và tây bắc. Tháng 10 năm 1864, Sa hoàng Nga lại cưỡng bức chính phủ Thanh ký "Ghi nhớ vể việc thăm dò vùng biên giới Tây Bắc" giữa hai nước Trung – Nga, tổng cộng đã chiếm 910.000 km2 lãnh thổ Ngoại Mãn Châu ở phía tây bắc của Trung Quốc.

Năm 1864, người Hồi ở Tân Cương do ảnh hưởng cuộc đấu tranh chống lại nhà Thanh của người Hồi vùng Thiểm Cam đã phát động cuộc đấu tranh chống lại nhà Thanh trên quy mô lớn. Năm 1865, nước Khiết Hãn Đan đã cử A Cổ Bách mang quân tiến vào Tân Cương, chiếm được Ca Thận Cát Nhĩ. Sau hai năm, A Cổ Bách tuyên bố thành lập "nước Triết Đức Nhĩ" (gồm bảy thành quốc), tự coi là Hãn. Năm 1870, A Cổ Bách đã khống chế toàn bộ vùng nam Tân Cương và một bộ phận của bắc Tân Cương. Nước Anh muốn dùng Ấn Độ làm bàn đạp xâm chiếm Tây Tạng, nhòm ngó Tân Cương. Năm 1874, nước Anh cùng A Cổ Bách chính thức ký điều ước thừa nhận chính quyền A Cổ Bách, cung cấp vũ khí đạn dược với điều kiện được những đặc quyền buôn bán, đóng quân, lập lãnh sự quán trong khu vực A Cổ Bách thống trị.

Những năm 1870, nước Pháp đã dùng vũ lực chiếm Việt Nam, láng giềng của Trung Quốc. Tháng 12 năm 1883, quân Pháp bất ngờ tấn công vào Trung Quốc ở biên giới Trung – Việt. May nhờ có tướng Phùng Tử Tài anh dũng kháng cự, trải qua cuộc chiến đấu ác liệt, giành đại thắng ở trấn Nam Quan, mới có thể bảo vệ được vùng Lưỡng Quảng khỏi họa ngoại xâm bởi thực dân Pháp.

Năm 1867, chính phủ Mỹ mượn cớ bảy thủy thủ trên tàu La Phật bị nạn ở Đài Loan, ngang nhiên đưa hai chiến hạm cùng 181 thủy quân lục chiến đổ bộ lên phía nam đảo Đài Loan, tấn công nhân dân tộc Cao Sơn ở đây.

Từ những năm 1870 trở đi, Nhật Bản đã trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất xâm lược đảo Đài Loan. Năm 1875, Nhật Bản huy động hơn 3.000 hải lục quân do Tây Hương Tùng Đạo chỉ huy ngang nhiên tấn công Đài Loan. Tháng 5, quân Nhật đổ bộ lên đất liền ở phía nam đảo. Người dân Đài Loan kháng cự quyết liệt. Ngày 31 tháng 10, hai bên Trung – Nhật ký "Chuyên ước về Đài Loan" (còn gọi là "Chuyên ước Bắc Kinh") có ba khoản, quy định Trung Quốc "thưởng" cho Nhật Bản 500.000 lượng bạc, coi đó là điều kiện để quân Nhật rút khỏi Đài Loan. Chuyên ước còn gọi nhân dân tộc Cao Sơn ở Đài Loan đã từng "gây ra thiệt hại cho dân của Nhật Bản", Nhật Bản xâm lược Đài Loan là "nghĩa cử bảo vệ cho dân". Sau đó, Nhật Bản đã dựa vào điều này yêu cầu Trung Quốc thừa nhận Lưu Cầu là nước phụ thuộc Nhật Bản, đến năm 1879 chính thức thôn tính Lưu Cầu, lật đổ Quốc vương, đổi Lưu Cầu thành huyện Xung Thằng (nay là Okinawa).

Do bị các nước xâm chiếm lãnh thổ nên diện tích của nhà Thanh từ 13,1 triệu km2 vào năm 1790 đã tụt xuống còn 11,5 triệu km2 vào năm 1870.

Chiến tranh Pháp - Thanh

Với việc Hồng Kông rơi vào tay người Anh từ sau Chiến tranh nha phiến, con đường giao thương mà Pháp lựa chọn là thông qua phía bắc Việt Nam đến các tỉnh phía tây nam Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc thời nhà Thanh không chịu từ bỏ quyền kiểm soát và chi phối Việt Nam. Căng thẳng Pháp-Thanh đẩy lên cao trào sau khi quân Thanh đánh úp lực lượng Pháp trong trận Bắc Lệ, cách Lạng Sơn gần 30 km vào tháng 6/1884.

Sau hai thất bại trong 2 cuộc Chiến tranh nha phiến, triều đình nhà Thanh dưới thời Từ Hi Thái Hậu bắt đầu quan tâm tới việc hiện đại hóa quân sự. Nhà Thanh khi đó sở hữu hạm đội Nam Dương với quy mô khá hùng hậu nhất. Lực lượng chủ lực của hạm đội được đặt ở Thượng Hải, trong đó tàu tuần dương Kaiji được đánh giá mạnh nhất trong khu vực. Tổng cộng cả hạm đội có 20 tàu chiến, trong đó có 5 tàu vỏ sắt và 2 tàu vỏ thép lượng giãn nước 2.200 tấn. Thiết giáp hạm Jinou trong hạm đội còn được châu Âu gọi là "cơn ác mộng". Đến tháng 7/1884, hạm đội Nam Dương được bổ sung thêm hai tàu tuần dương vỏ thép do Đức đóng mới, khởi hành từ Đức vào tháng 3/1884.

Tháng 8/1884, hạm đội hùng hậu của Pháp bao gồm 7 tàu chiến và 2 tàu phóng lôi nổ súng tấn công các tàu Trung Quốc cách Phúc Châu vài km. Trận đánh diễn ra chỉ vỏn vẹn 30 phút các tàu chiến Pháp đánh chìm 9 tàu chiến của nhà Thanh, bao gồm cả tàu được vũ trang hạng nặng.

Ngày hôm sau, tàu chiến Pháp pháo kích và phá hủy công xưởng quân Thanh. Tới ngày 25 tháng 8, hạm đội Pháp hướng ra biển, trên đường đi họ bắn phá và dễ dàng tiêu diệt tất cả các pháo lũy của nhà Thanh bố trí dọc theo bờ sông. Trong suốt quãng thời gian diễn ra chiến dịch, hải quân Pháp chỉ để một tàu tuần dương ở ngoài khơi Thượng Hải, giám sát hoạt động của hạm đội Nam Dương. Trên thực tế, hạm đội mạnh nhất của nhà Thanh khi đó án binh bất động, thậm chí không chặn đường tàu tuần dương Pháp khi nó rút khỏi khu vực.

Sau trận Phúc Châu, hải quân Pháp tiếp tục tiến lên phía bắc, phong tỏa eo biển Đài Loan. Để phá vòng vây của quân Pháp, nhà Thanh điều hạm đội Nam Dương khởi hành từ Thượng Hải. Nhưng vì mâu thuẫn nội bộ trong chính quyền Thanh Triều mà lực lượng chặn đánh hải quân Pháp chỉ có 5 tàu chiến, bao gồm 3 tàu tuần dương. Tới mãi tận giữa tháng 2 năm 1885, hạm đội quân Thanh mới đến vịnh Thạch Phổ và chạm trán hạm đội Pháp. Hạm đội Pháp với ưu thế vượt trội về hỏa lực khiến các tàu chiến quân Thanh rút lui. Hai tàu nhỏ hơn không chạy kịp bị tàu chiến Pháp đánh chìm. 3 tàu tuần dương còn lại chạy về được đến Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang thì bị hải quân Pháp phong tỏa và không có bất kỳ một đóng góp quân sự gì cho tới khi chiến tranh kết thúc. Trận đánh này cũng kết thúc xung đột Pháp-Thanh trên biển.

 
Quân Thanh do Phùng Tử Tài chỉ huy phản công chiếm ải Nam Quan

Tuy thất bại trên biển, nhưng trên bộ, quân Thanh giành được một chiến thắng lớn ở Trận Lạng Sơn (1885). Quân Thanh dưới sự lãnh đạo của vị tướng dũng cảm, giàu kinh nghiệm là Phùng Tử Tài đã đánh thắng quân Pháp. Trong trận Lạng Sơn, Phùng Tử Tài dẫn đầu quân lính giết được nhiều quân địch, trải qua cuộc chiến đấu ác liệt, giành đại thắng ở trấn Nam Quan, thừa thắng đánh Lạng Sơn, tình thế cuộc đấu tranh chống Pháp có nhiều thuận lợi. Dọc đường chạy tháo thân, quân Pháp đã vứt cả súng đại bác, hòm đạn, quẳng cả đồ đạc, hành lý xuống sông, đốt giấy tờ sổ sách, đập vỡ cả máy điện tín. Thanh Sử Cảo quyển 527 chép: "Ngày 9 tháng 1 năm Quang Tự thứ 11 (1885), quân Pháp đánh Trấn Nam quan, bắn vỡ cửa quan rồi đi. Ngày 13 tháng 2 chiếm lại Lạng Sơn, quân Pháp đều tháo chạy. Phùng Tử Tài tiến quân đánh Lạp Mộc, đánh ép vào Lang Giáp, Vương Hiếu Kỳ tiến quân tới Quý Môn quan, lấy lại được hết vùng biên giới năm trước. Dân Việt Nam lập ra năm đại đoàn Trung nghĩa hơn hai vạn người, đều dùng cờ xí của quân Phùng. Tây Cống cũng nghe tiếng liên lạc, từ khi thông hải đến nay, Trung Quốc đánh nhau với nước ngoài chỉ có trận này là thắng lớn, là công của Tử Tài vậy"

Quân Pháp đại bại khiến Chính phủ Jules Ferry ở Paris bị đổ, nhưng cuối cùng triều Thanh bạc nhược đã ký kết hiệp ước nhằm chấm dứt chiến tranh. Kể từ ngày 9 tháng 6 năm 1885 (ngày ký Hiệp ước Thiên Tân mới), nhà Thanh chính thức thừa nhận quyền đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam. Nhà Thanh không những bị tổn hại uy tín, tổn thất hạm đội Phúc Kiến, để cảng Phúc Châu bị phá hủy, kéo theo tổn thất về kinh tế nặng nề lên tới 100 triệu lạng bạc và phải bồi thường Pháp chiến phí 20 triệu lạng bạc. Vậy là nhà Thanh đang trên đà thắng bỗng nhiên phải chịu thua thiệt.

Chiến tranh Nhật - Thanh

Cuối thế kỷ 19, Trung Quốc dưới thời nhà Thanh suy yếu từng bước bị phương Tây xâu xé. Đế quốc Nhật Bản cũng bắt đầu nhòm ngó, nước này muốn đánh chiếm Triều Tiên (khi đó là một chư hầu dưới sự bảo trợ của nhà Thanh). Nhật Bản đã áp đặt Hòa ước Giang Hoa lên Triều Tiên, ép Triều Tiên phải tự mở cửa cho người Nhật và ngoại thương và tuyên bố độc lập khỏi Trung Quốc trong quan hệ đối ngoại.

Mặc dù Quân đội Bắc Dương - Lục quân Bắc DươngHạm đội Bắc Dương – được trang bị tốt nhất và tượng trưng cho quân đội Thanh hiện đại, song tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng làm xói mòn sức mạnh quân đội. Các quan lại nhà Thanh biển thủ công quỹ một cách có hệ thống, thậm chí ngay cả trong giai đoạn chiến tranh. Kết quả là, Hạm đội Bắc Dương không có nổi một chủ lực hạm nào sau khi nó được thành lập vào năm 1868. Việc mua sắm vũ khí dừng lại vào năm 1891, khi ngân sách được Từ Hy Thái hậu chuyển sang xây dựng Di Hòa Viên ở Bắc Kinh. Hậu cần gặp khó khăn lớn do việc xây dựng tuyến đường sắt Mãn Châu đã bị đình lại. Sĩ khí của quân đội Thanh nói chung rất thấp vì thiếu lương và uy thế, việc sử dụng thuốc phiện, và lãnh đạo kém góp phần vào những cuộc thất bại nhục nhã của quân Thanh trong cuộc chiến, ví dụ như việc bỏ đồn Uy Hải Vệ được trang bị tốt và hoàn toàn có thể phòng ngự.

Hạm đội Bắc Dương của nhà Thanh được trang bị mạnh với 78 chiến thuyền được nhập khẩu từ phương Tây, tổng lượng giãn nước 83.900 tấn, xét về số lượng thì vượt trội so với hạm đội Nhật. Ấy thế nhưng do chỉ huy và huấn luyện kém, hạm đội này đã bị Nhật Bản tiêu diệt hoàn toàn. Ở trên bộ cũng vậy, quân Nhật đánh thắng quân Thanh như chẻ tre, chẳng mấy chốc đã chiếm toàn bộ Triều Tiên.

Hòa ước Mã Quan ký ngày 17 tháng 4 năm 1895 theo đó nhà Thanh công nhận sự độc lập hoàn toàn của Triều Tiên, nhượng lại bán đảo Liêu Đông (ngày nay là phía Nam tỉnh Liêu Ninh) cho Nhật Bản "vĩnh viễn". Thêm vào đó, Thanh phải trả cho Nhật Bản 200 triệu lượng bạc bồi thường chiến phí. Nhà Thanh cũng ký hiệp ước thương mại cho phép tàu của Nhật tiến vào sông Trường Giang, mở các nhà máy gia công ở các cảng theo điều ước và mở thêm bốn bến cảng nữa cho ngoại thương. Tuy vậy, các nước phương Tây đã can thiệp buộc Nhật phải từ bỏ bán đảo Liêu Đông để đổi lấy 30 triệu lạng bạc (450 triệu yen).

Đây là một đòn chí mạng vào nhà Thanh và truyền thống cổ truyền Trung Quốc. Trước kia nhà Thanh thua Anh, Pháp đều là các nước phương Tây ở xa tới. Còn Nhật Bản vốn là một nước láng giềng, mà Trung Quốc từ lâu luôn xem là một chư hầu nhỏ bé và kém cỏi, thì nay đã đánh bại chính Trung Quốc. Các nước phương Tây thấy sự yếu kém của nhà Thanh nên sau đó cũng tham gia xâu xé Trung Quốc. Trước tiên là Đế quốc Đức mượn cớ hai Giáo sĩ truyền đạo bị giết ở Sơn Đông, xuất binh chiếm lĩnh vịnh Giao Châu. Một tháng sau, nước Nga lại xuất binh chiếm lĩnh Đại Liên và cảng Lữ Thuận, khống chế vùng Đông Bắc Trung Quốc. Nước Pháp thì đem quân tới Vân Nam và Lưỡng Quảng; Nhật Bản lại chiếm cứ Phúc Kiến; nước Anh lại cưỡng bức phải cho thuê cảng, mở rộng phạm vi quản lý Cửu Long. Trong vài năm, đế quốc Đại Thanh liên tiếp bị mất đất.

Cuộc chiến cũng đã hé lộ sự thiếu hiệu quả của triều đình, các chính sách, sự tham nhũng trong hệ thống hành chính và sự mục nát của nhà Thanh (điều đã được nhận rõ từ hàng thập kỷ trước đó). Tình cảm bài ngoại công khai tăng lên và sau này lên tới đỉnh điểm trong cuộc khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn 5 năm sau đó. Trong suốt thế kỷ 19, nhà Thanh không thể ngăn ngừa được sự xâm phạm lãnh thổ của nước ngoài — điều này cùng với lời kêu gọi cải cách và nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn sẽ là nhân tố chủ chốt dẫn đến cuộc cách mạng năm 1911 và sự sụp đổ của nhà Thanh năm 1912.

Phong trào diệt Tây dương và Nghĩa Hòa Đoàn

Thiên tai và nhân họa là hai yếu tố ảnh hưởng đến sự sống còn của người dân, nhưng nhân họa là tối quan trọng. Nhân họa, thứ nhất do quan bắt đóng thuế nặng; thứ hai do người Tây phương hà hiếp, cạnh tranh hàng hóa, cướp công ăn việc làm, rồi đến tiền bồi thường chiến tranh cho ngoại quốc gây nên thuế khoá nặng. Do mối oán kết tập bởi người Tây dương, việc các nhà truyền giáo xâm nhập Trung Quốc, càng gây giận dữ trực tiếp đến người dân. Người dân coi người Tây phương là mối họa chính, họ nghĩ quét sạch Tây phương thiên hạ sẽ thái bình; giáo sĩ và giáo dân là kẻ thù trực tiếp.

Vào năm 1885, giáo dân tại Trùng Khánh gây hấn với các thí sinh, số thí sinh tử thương 30 người, dân chúng nổi giận đốt giáo đường, Trung Quốc phải bồi thường 20 vạn lượng. Năm 1890, Dư Đống Thần, tại Đại Túc [Trùng Khánh] phía đông Tứ Xuyên, lãnh đạo đánh phá giáo đồ, phần lớn thành phần tham gia thuộc Ca Lão hội, hương đoàn; hạch tội rằng 30 năm ròng Tây dương khinh rẻ Trung Quốc, giáo sĩ truyền giáo không tuân pháp luật.

Từ năm 1898-1899, các nước phương Tây xâu xé Trung Quốc hết sức mãnh liệt, thì sự động loạn trong nước cũng hết sức nghiêm trọng, xảy ra suốt các tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, Hà Nam, An Huy, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông; ở nhưng Tứ Xuyên, Quảng Tây, Trực Lệ và Sơn Đông là nặng nhất. Tại Tứ Xuyên vẫn do Dư Đống Thần lãnh đạo, tái khởi sự vào năm 1898, đồ đảng của Dư Đống Thần ước 1 vạn người, trực tiếp quấy nhiễu hơn 10 châu thuộc phía đông tỉnh Tứ Xuyên; gián tiếp ảnh hưởng hơn 30 châu. Họ truyền hịch văn chỉ trích Tây dương với các tội trạng như:

"Thuyền bè Tây dương thông thương tại biển, Gia Tô truyền đạo, chiếm đoạt sinh kế làm ruộng, nuôi tằm; phế luân thường đạo vua tôi, dùng nha phiến độc hại trung thổ, lấy dâm xảo khuynh loát lòng người. Mê hoặc nhân dân ta, khinh mạn triều đình ta, nắm quan phủ, chiếm nơi đô hội, lừa đảo lấy tiền bạc, coi tính mệnh trẻ em rẻ như quả dưa, nợ đòi nặng như gò núi. Đốt Hoàng cung, diệt thuộc quốc của ta. Đã chiếm Thượng Hải, lại cắt Đài Loan, lập cảng tại Giao Châu [Sơn Đông], muốn cắt đất nước ta ra từng mảnh. Từ xưa đến nay, Di Địch hoành hành, chưa hề xảy ra như ngày hôm nay".

Tứ Xuyên nhiều núi bao quanh, liên lạc với bên ngoài không dễ nên ảnh hưởng của Dư Đống Thần chỉ hạn chế trong một vùng. Riêng Nghĩa Hoà đoàn khởi sự tại đông bắc thì tình thế khác hẳn, cuối cùng tạo thành biến cố to lớn tại Trung Quốc.

Sơn Đông là khu vực Thiên Chúa giáo hoạt động sớm nhất, giáo dân toàn tỉnh khoảng 8 vạn người, phần lớn tại phía tây Sơn Đông, ven hai bên bờ Vận Hà. Vào năm 1888, nước Đức nắm quyền bảo hộ tôn giáo tại Sơn Đông, giáo sĩ càng hoành hành, cưỡng chiếm đất đai, bao che án kiện, bênh vực bọn xấu, tự tiện thu thuế; nhân dân trong cảnh nằm trên dao thớt, các quan phủ cũng bị hiếp chế. Các giáo sĩ của Thiên Chúa giáo đã đem hết khả năng giúp nước Đức chiếm Giao Châu Loan, còn thường xuyên doạ dẫm quan phủ, áp bức nhân dân, làm quần chúng tức giận cao độ, nó trực tiếp dẫn tới sự bùng nổ của cuộc vận động Nghĩa Hoà Đoàn. Năm 1895, quân Nhật đánh Uy Hải Vệ, chiếm cứ trong 3 năm, dày xéo các vùng Đăng Châu, Lai Châu. Năm 1897, Giao Châu Loan cùng các thành trì phụ cận bị người Đức chiếm cứ. Năm 1898, người Nhật đi, người Anh lại đến; 2 cảng nam bắc Sơn Đông đều do ngoại quốc chiếm.

Lúc đầu Nghĩa Hoà quyền lưu hành tại vùng ven bờ Vận Hà, là nơi giáo đồ tụ tập, nên gây ra sự tranh chấp. Lý Bỉnh Hoành nhậm chức Tuần phủ Sơn Đông [1895-1897] coi Nghĩa Hoà quyền là nghĩa dân, nên số người theo càng đông, có các tên riêng như Đại Đao hội, Hồng Đăng Chiếu, tự cho là "luyện Nghĩa Hòa quyền có thể tránh pháo súng... hưng đại Thanh, diệt Dương giáo". Mùa xuân năm 1899, khí thế Nghĩa Hoà đoàn dấy lên, đến nơi thì giết giáo dân, phá giáo đường; treo cờ màu đỏ vàng với hàng chữ "Thần lực Nghĩa Hoà đoàn, quét sạch tà giáo, diệt Tây Dương".

Sau khi bị trấn áp của Viên Thế Khải năm 1899, Nghĩa Hoà đoàn chạy lên phía bắc, dọc đường phát tán yết thị "Đạo Thiên Chúa và nhà thờ Gia Tô huỷ báng thần thánh, trên thì lừa vua tôi Trung Hoa, dưới thì áp bức nhân dân, thần và dân đều giận... Bọn ta luyện tập được Nghĩa Hoà thần quyền, sẽ bảo hộ trung nguyên, xua đuổi giặc Tây dương". Bắc Kinh là nơi Công sứ ngoại quốc trú đóng, vua tôi Trung Quốc trực tiếp chịu sự khinh nhờn của ngoại quốc; Thiên Tân là chốn tập trung của người Tây dương, dân Trung Hoa thường bị đàn áp; cả hai nơi là mục tiêu chính của Nghĩa Hoà đoàn.

Hành động của Nghĩa Hoà đoàn và những người dân ủng hộ tuy mang tính mê tín, nhưng động cơ thì không thể mạt sát. Đó là sự phản kháng tự phát của nhân dân trước mối họa đất nước bị xâm chiếm, bị ngoại bang giày xéo trong khi triều đình thì hủ bại và bạc nhược.

Liên quân 8 nước xâm phạm

Trước tháng 5/1900, Từ Hy Thái hậu chưa có quyết tâm liều thắng bại với Tây phương. Sau khi Nghĩa Hòa đoàn xuất hiện, nhiều tôn thất quý tộc, các quan trụ cột triều đình thấy vui mừng, đều cho rằng Nghĩa Hòa đoàn là nghĩa dân trung quân ái quốc, có pháp thuật đích xác, lòng người tại ngoài kinh thành đều hướng đến họ. Từ Hy bảo "Các quân Mãn, Hán đều thông đồng với chúng nó [Nghĩa Hoà đoàn], do đó không dám nói việc đánh dẹp", lời nói này xét ra đúng sự thực.

Vào ngày 9/6/1900, Từ Hy mệnh Đổng Phúc Tường mang quân vào đóng trong kinh thành; Đổng Phúc Tường nói "Phụng mệnh Thái hậu tiêu diệt quân Tây dương, mệnh Nghĩa Hoà đoàn làm tiên phong, quân ta tiếp ứng". Đại đội nghĩa Hoà đoàn hùng dũng tiến vào kinh thành, nơi nơi đều thiết lập thần đàn, dăng cao biểu ngữ "Phụng chỉ Nghĩa Hoà đoàn", " Nghĩa Hoà Thần quyền" hoặc "Trợ Thanh diệt Dương, thế thiên hành đạo"

Ngày 12/6, bộ hạ của Đổng bắt đầu đốt phá, quấy nhiễu các khu giáo dân, cùng các tiệm bán hàng cho người Tây dương, khiến ánh lửa cháy ngút trời, suốt đêm la giết. Đến ngày 13, số giáo dân bị giết ở Bắc Kinh là hơn 300 người. Tình hình tại Thiên Tân tương đồng, cục điện báo và hải quan đều bị phá huỷ, giáo dân phải chạy đi tỵ nạn.

Năm 1901, sau khi Đại sứ Đức bị ám sát, Liên quân tám nước (八國聯軍) cùng tiến vào Trung Quốc lần thứ hai. Ngày 16/6, Từ Hy cử hành hội nghị triều đình hơn 100 người; hai phái phản đối và ủng hộ Nghĩa Hoà đoàn cùng tranh biện. Một trong những người phản đối là Tổng thự Viên Sưởng cho rằng "Nghĩa Hoà đoàn chính là dân làm loạn, không thể nào dựa được. Từ xưa tới nay chưa bao giờ có chuyện nhờ những bọn như vậy mà thành việc lớn". Từ Hy bác rằng "Pháp thuật không dựa được, nhưng lòng người lại không dựa được ư! Ngày hôm nay Trung Quốc suy nhược đến cùng cực, chỗ dựa chỉ còn nhân tâm mà thôi, nếu để nhân tâm mất đi, lấy gì mà dựng nước?"

Vào 8 giờ sáng ngày 17/6, liên quân đánh chiếm pháo đài tại Đại Cô; 3 giờ chiều cùng ngày, chiếu ban hội nghị khẩn cấp tại Ngự Tiền, Từ Hy tuyên dụ:

"Mới đây Tây dương đòi 4 điều: thứ nhất, chỉ rõ một địa điểm để Hoàng đế cư trú; thứ hai, thay mặt thu tiền lương tại các tỉnh; thứ ba, thay mặt nắm binh quyền trong nước... Hôm nay đánh nhau do tại họ, nước mất tại trước mắt, nếu cứ chắp tay mà nhường, ta không còn mặt mũi thấy liệt Thánh; nếu đợi mất, hãy đánh một trận rồi mất không hơn hay sao?"

Từ Hy nói với các Đại thần rằng "Chuyện ngày hôm nay, các Đại thần đã nghe rồi; ta vì giang sơn xã tắc, bất đắc dĩ tuyên chiến. Sự việc không biết được như thế nào, nếu như sau cuộc chiến, giang sơn xã tắc không giữ được; các vị ngày hôm nay tại đây, biết sự khổ tâm của ta, đừng quy lỗi riêng cho ta bảo Hoàng thái hậu làm mất 300 năm thiên hạ Đại Thanh".

Trong cuộc họp vào ngày 19/6, Từ Hy biểu thị tối hậu quyết tâm, hạn Công sứ các nước phải ra khỏi kinh đô trong 24 giờ, mệnh Dụ Lộc triệu tập Nghĩa Hoà đoàn trợ giúp quan quân chống cự Tây dương. Sáng ngày 20 triệu tập Quân cơ đại thần tuyên bố khai chiến. Ngày 21/6 hạ chiếu tuyên chiến, đả kích kịch liệt về việc 30 năm nay Trung Quốc bị ngoại bang áp bức:

"...Khinh nhục quốc gia ta, xâm lấn đất đai ta, dày xéo dân ta, hạch sách của cải; triều đình càng nhường nhịn, bọn chúng càng hung hoành, ngày càng quá quắt, không gì không làm. Nhỏ thì áp bức nhân dân, lớn thì khinh mạn thần thánh, con dân nước ta cùng chung lửa hận, ai mà chịu cam tâm; đó là do lai tại sao nghĩa dũng đốt giáo đường, giết giáo dân. Triều đình vẫn không gây hấn, che chở như trước... Bọn chúng không biết cảm khích, lại còn buông tuồng đòi hỏi chèn ép... công nhiên đòi ta phải rút khỏi pháo đài Đại Cô. Trong sự giao thiệp với lân quốc hàng ngày, ta chưa từng thất lễ với họ; bọn chúng tự xưng là nước có giáo hoá lại vô lễ hoành hành, chuyên dựa vào binh mạnh, khí giới sắc bén... Trẫm nay khóc cáo tiên miếu, khẳng khái thề với quân dân, so với việc cẩu thả mong sống còn, lưu nhục đến vạn cổ; chi bằng ra tay đánh dẹp, nhất quyết thư hùng. Qua mấy ngày triệu kiến Đại thần, bàn mưu đồng lòng, các tỉnh gần kinh kỳ như Sơn Đông, nghĩa dũng tụ tập không dưới mấy chục vạn, cho đến các nhi đồng cũng có thể cầm qua bảo vệ xã tắc. Chúng dùng mưu xảo trá, ta dựa vào lẽ trời; chúng dựa vào sức lực hung hãn, ta dựa vào nhân tâm. Nhân dân ta lấy nhân nghĩa làm giáp trụ, lấy lễ nghĩa làm khí giới, người người liều chết với giặc; với đất đai hơn 22 tỉnh, dân cư hơn 400 triệu, không khó dẹp sự hung dữ của các ngươi, để biểu dương uy thế quốc gia."

Thư tuyên chiến trình bày sự thực, lời văn bi tráng, có được phần nào sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Tiếc rằng việc tuyên chiến của Từ Hy không xét kỹ đến thời thế, làm liều một mất một còn, tuyên chiến cùng lúc với nhiều nước nên thế thua đã rõ.

Sau khi tuyên chiến, hàng loạt địa phương diễn ra việc người dân truy sát giáo dân, giáo sĩ vì cho đó là tay sai của quân Tây dương. Thống kê cả nước số giáo sĩ bị giết khoảng 250 người, phần lớn người nước Anh, tiếp đến các nước Mỹ, Pháp, Hà Lan, số giáo dân nhà bị phá, người bị giết có đến hàng vạn.

Tại Thiên Tân, ngày 17/6, pháo đài Đại Cô mất, quân Thanh và Nghĩa Hoà đoàn vây đánh tô giới Thiên Tân. Lực lượng liên quân tại Đại Cô, trước hết giải vây tô giới Thiên Tân, chiếm cục cơ khí, rồi tấn công thành Thiên Tân. Vũ Vệ quân chống cự trong 9 ngày, Niếp Sĩ Thành tử trận; Mã Ngọc Côn đánh tô giới cũng thua; Thiên Tân đến ngày 14/7 bị địch vây hãm. Ở Thiên Tân, các chiến sỹ Nghĩa Hoà Đoàn và quân xâm lược chiến đấu quyết liệt, một bộ phận quân Thanh do ảnh hưởng của Nghĩa Hoà Đoàn cũng tham gia chiến đấu bảo vệ Thiên Tân. Cuối cùng, Thiên Tân thất thủ nhưng Nghĩa Hoà Đoàn cũng đã tiêu diệt được hơn 1.000 quân địch, giáng cho chúng một đòn nặng. Liên quân càng hung tàn, tử thi chồng chất, phòng ốc bị phá huỷ 8-9 phần 10. Sau đó các nước phân chia khu vực chiếm lãnh, càn quét không dừng, số đông phụ nữ bị ô nhục. Ngày 30 tháng 7, tạm thi hành "Quản lý trong ngoài quận thành địa phương sự vụ nha môn" thì việc sống chết, cướp đoạt tự ý thi hành.

Sau khi Thiên Tân thất thủ, ngày 4/8, liên quân 8 nước hành quân đánh chiếm Bắc Kinh, cánh bên trái gồm 8.000 quân Nhật, 3.000 quân Anh, 2.000 quân Mỹ; cánh bên phải 4.000 quân Nga, 800 quân Pháp; quân Áo, Ý khoảng mấy chục người, tổng cộng 18.000 người. Quân Đức không giữ được vị trí trọng yếu, tạm không tham gia. Ngày mồng 5, liên quân chiếm Bắc Thương [Thiên Tân], đánh bại quân Tống Khánh, Mã Ngọc Côn. Ngày mồng 6, chiếm Dương Thôn (Thiên Tân), Tổng đốc Dụ Lộc tự tử. Ngày 9-10 chiếm trấn Hà Tây Vụ [Thiên Tân], Vũ vệ quân Bang biện Lý Bỉnh Hoành tự vẫn. Ngày 14/8, liên quân trên đường tiến vào Bắc Kinh, giải vây cho Sứ quán, tính thời gian bị vây tổng cộng 55 ngày.

Vào năm 1860, quân Tây dương vào chiếm Bắc Kinh trong 18 ngày, mối tai hại chưa quá lớn. Lần này quân số đông, thời gian đến 13 tuần, việc cướp đoạt, báo thù, giết chóc có hệ thống. Ngày 23/8 quân Đức bắt đầu đến nơi, sau đó hơn một tháng viên Tư lệnh Đức Von Waldersee (Ngoã Đức Tây) đến, cư trú trong Tử Cấm thành, hành vi rất tàn ác. Quân Đức khoảng 20.000, quân Nhật 22.000; Nga, Anh quân mỗi nước 20.000; quân Pháp 15.000, quân Mỹ 7.000, Ý 2.000, Tỷ Lợi Thì 600, quân Áo 140; tổng cộng hơn 100.000. Nghĩa Hoà đoàn và quân Thanh tan vỡ, những người dân buôn chết không biết bao nhiêu. "Trên đường thi thể khắp nơi, nhiều quân Thanh đốt lửa tự thiêu, hoặc đóng cửa tự tử; đại ước trong cấm thành, một trăm nhà thì còn lại không đến mươi nhà", đó là lời kể của người Trung Hoa. Riêng người Nhật miêu tả như sau "Phố xá huỷ hoại khoảng 2 hoặc 3/10, phụ nữ bị người ta làm nhục, liên quân đốc suất quân sĩ càn quét cướp phá. Vàng, bạc, châu ngọc thì không cần phải nói; ngoài ra sách, tranh vẽ, y phục, xe, ngựa, những vật bán ra tiền đều bị dân, hoặc quân lính lấy. Các nơi trong thành thấy thây đàn ông mặc triều phục, thi thể phụ nữ mặc quần hồng, y phục trong nội cung". Người Tây phương cũng chép tương tự; những bảo vật tại Di Hoà viên bị liên quân cướp đoạt, chuyển vận không ngừng cả tháng đến Thiên Tân. Quân Nhật thì đã lấy mất số tiền 300 vạn lượng lưu tại bộ Hộ.

Chỉ một thời gian ngắn, nhà Thanh đã để mất Bắc Kinh, Từ Hy cùng với Hoàng đế Quang Tự chạy trốn tới Tây An. Bà khóc nói với viên Tri huyện Ngô Vĩnh về hoàn cảnh trải qua, viên này ghi lại một cách sinh động qua quyển sách "Canh Tý tây thú túng đàm" như sau: "Suốt ngày đi đến mấy trăm lý... không được ăn uống, đã lạnh lại đói... tối hôm qua ta và vua ngồi trên chiếc phản, dựa lưng vào nhau, chờ cho đến sáng".

Liên quân bất thường hành quân tại Bắc Kinh và Thiên Tân. Tướng Von Waldersee và 2 vạn quân Đức tích cực ra tay; sau tháng 10 hợp với quân Anh, Pháp, Ý tiến công Bảo Định tại phía tây nam Bắc Kinh, giết viên Án sát Đình Ung; phía nam và trung tỉnh Trực Lệ cũng chịu cảnh dày xéo. Một cánh quân hướng tây bắc, chiếm Trương Gia Khẩu (Hà Bắc); một cánh quân theo hướng đông nam, tiến tới biên giới tỉnh Sơn Đông; lại còn đạo quân Pháp đánh Sơn Tây, uy hiếp Tây An. Từ tháng 12/1900 cho đến tháng 4/1901, liên quân xuất quân 46 lần, trong đó 35 lần do quân Đức đơn độc hành động. Giáo dân người Trung Quốc kết thành đội, cướp phá bốn phương, xưng là "Phụng mệnh phục cừu", đây là lệnh của các giáo sĩ Công giáo nhằm trợ giúp cho quân ngoại xâm.

Để đòi bồi thường chiến phí, Liên quân đưa ra một danh sách những yêu cầu đối với chính phủ nhà Thanh, gồm cả một danh sách những người phải bị hành quyết khiến cho Lý Hồng Chương, thuyết khách số một của Từ Hi, buộc phải đi đàm phán và Liên quân đã có một số nhượng bộ đối với các yêu cầu của họ.

Hòa ước 7 tháng 9 năm 1901 buộc nhà Thanh phải xử tử các quan lại ủng hộ Nghĩa Hòa đoàn, cung cấp cho binh lính ngoại quốc đóng tại Bắc Kinh, bồi thường chiến phí 67 triệu bảng Anh (tương đương với 450 triệu lạng bạc), tức nhiều hơn tiền thuế của triều đình trong một năm, trả trong 39 năm cho liên minh 8 nước[34]

Sự sụp đổ của triều đại Mãn Thanh

Quân đội nhà Mãn Thanh vào giữa thế kỷ 19 có phẩm chất tướng lãnh ngày càng xuống thấp và nạn lính ma tăng cao. Trong cuộc chiến chống lại Thái Bình Thiên quốc, nhà Thanh phải chấp nhận để nhiều đội quân kiểu mới ra đời để cứu vãn như Tương quân của Tăng Quốc Phiên, Sở quân của Tả Tông Đường, Hoài quân của Lý Hồng Chương và đạo quân đánh thuê nước ngoài Thường Thắng quân... Điều này dẫn tới việc vào cuối thế kỷ 19, Nhà Thanh không còn một quân đội quốc gia mà phải tận dụng dân quân và quân đội địa phương, vốn thiếu trung thành với triều đình trung ương. Các sĩ quan trung thành với cấp trên của họ và hình thành những bè phái dựa trên vị trí địa lý. Các đơn vị quân đội tuyển quân ngay tại tỉnh đó. Chính sách này là nhằm giảm sự hiểu nhầm phương ngữ nhưng lại khuyến khích khuynh hướng cát cứ, địa phương hóa. Nhà Thanh đã đi vào vết xe sụp đổ của nhà Hánnhà Đường trong quá khứ.

Tới đầu thế kỷ 20, hàng loạt các vụ náo động dân sự xảy ra và ngày càng phát triển. Từ Hi và Hoàng đế Quang Tự cùng mất năm 1908, để lại một khoảng trống quyền lực và một chính quyền trung ương bất ổn. Phổ Nghi, con trai lớn nhất của Thuần Thân Vương, được chỉ định làm người kế vị khi mới hai tuổi, và Thân Vương trở thành người nhiếp chính. Tiếp theo sự kiện này, Tướng Viên Thế Khải bị gạt khỏi chức vụ của mình. Tới giữa năm 1911 Thuần Thân Vương lập ra "Chính phủ gia đình hoàng gia", một hội đồng cai trị của Chính phủ Hoàng gia hầu như gồm toàn bộ các thành viên thuộc dòng họ Ái Tân Giác La. Việc này khiến các quan lại cao cấp như Trương Chi Động tỏ thái độ bất mãn.

 
Phổ Nghi: Hoàng Đế cuối cùng của Nhà Thanh

Cuộc Khởi nghĩa Vũ Xương diễn ra vào ngày 10 tháng 10 năm 1911 dẫn đến cuộc Cách mạng Tân Hợi, và tiếp sau đó là sự tuyên bố thành lập một chính phủ trung ương riêng biệt, Trung Hoa Dân Quốc, tại Nam Kinh với Tôn Dật Tiên làm lãnh đạo lâm thời. Nhiều tỉnh bắt đầu "ly khai" khỏi quyền kiểm soát của nhà Thanh. Chứng kiến tình trạng này, Chính phủ Thanh dù không muốn cũng buộc phải đưa Viên Thế Khải trở lại nắm quân đội, kiểm soát Bắc Dương quân của ông, với mục tiêu nhằm tiêu diệt những người cách mạng. Sau khi lên giữ chức Tể tướng (內閣總理大臣 Nội các tổng lý đại thần) và lập ra chính phủ của riêng mình, Viên Thế Khải còn tiến xa nữa khi buộc triều đình phải cách chức nhiếp chính của Thuần Thân Vương. Việc cách chức này sau đó được chính thức hoá thông qua các chỉ thị của Hiếu Định Cảnh hoàng hậu.

 
Thanh Đế Thoái Vị Chiếu Thư (1912) chấm dứt chế độ quân chủ ở Trung Quốc

Khi Thuần Thân Vương đã buộc phải ra đi, Viên Thế Khải và các vị chỉ huy bên trong Bắc dương quân của mình hoàn toàn nắm quyền chính trị của triều đình nhà Thanh. Ông cho rằng không có lý do gì để tiến hành một cuộc chiến tranh gây nhiều tốn phí, đặc biệt khi nói rằng chính phủ nhà Thanh chỉ có một mục tiêu thành lập một nền quân chủ lập hiến.

Tương tự như vậy, Chính phủ của Tôn Dật Tiên muốn thực hiện một cuộc cải cách dân chủ, vừa hướng tới lợi ích của nền kinh tế và dân chúng Trung Quốc. Với sự cho phép của Hiếu Định hoàng hậu, Viên Thế Khải bắt đầu đàm phán với Tôn Dật Tiên, người đã cho rằng mục tiêu của mình đã thành công trong việc lập ra một nhà nước cộng hòa và vì thế ông có thể cho phép Viên Thế Khải nhận chức vụ Tổng thống của nền Cộng hoà. Năm 1912, sau nhiều vòng đàm phán, Hiếu Định đưa ra một chiếu chỉ tuyên bố sự thoái vị của vị ấu vương, Phổ Nghi. Nhà Thanh đến đây kết thúc sau 12 triều vua, truyền được 295 năm (trong đó có 267 năm là triều đại chính thống của toàn Trung Hoa).

Sự sụp đổ của nhà Thanh năm 1912 đánh dấu sự kết thúc của hơn 2000 năm phong kiến Trung Quốc và sự khởi đầu của một giai đoạn bất ổn kéo dài, không chỉ đối với quốc gia mà ở một số mặt còn đối với cuộc sống của người dân. Tình trạng lạc hậu rõ rệt về chính trị và kinh tế cộng với sự chỉ trích ngày càng tăng về văn hoá Trung Quốc dẫn tới sự ngờ vực về tương lai của họ.

Lịch sử hỗn loạn của Trung Quốc từ sau thời nhà Thanh ít nhất cũng có thể được thấu suốt một phần trong nỗ lực nhằm tìm hiểu và khôi phục lại những mặt quan trọng của văn hoá lịch sử Trung Quốc và tích hợp nó với những ý tưởng mang nhiều ảnh hưởng mới đã xuất hiện trong thế kỷ đó. Nhà Thanh là khởi nguồn của nền văn hoá vĩ đại đó, nhưng những sự hổ thẹn họ phải gánh chịu cũng là một bài học cần quan tâm.

Chính trị

Chính quyền

 
Trung Quốc thời nhà Thanh năm 1882
 
Viên Thế Khải một chính trị gia và tướng lĩnh lão luyện

Bộ máy hành chính quan trọng nhất của nhà Thanh là Đại hội đồng, là một cơ quan gồm hoàng đế và các quan lại cao cấp. Nhà Thanh có đặc trưng bởi một hệ thống chỉ định kép, theo đó mỗi vị trí trong chính phủ trung ương đều có một người Hán và một người Mãn Châu cùng quản lý. Ví dụ, ở thời Hoàng đế Càn Long các thành viên của gia đình ông được phân biệt bởi một loại trang phục với biểu tượng hình tròn ở phía sau lưng, trong khi người Hán chỉ được mặc trang phục với một biểu tượng hình vuông; điều này có nghĩa là bất kỳ người lính nào trong cung đều có thể dễ dàng phân biệt các thành viên gia đình hoàng gia mà chỉ cần quan sát từ phía sau.

Đối với Mông Cổ, Tây Tạng và Đông Turkestan, giống như các triều đại trước đó, nhà Thanh vẫn giữ quyền kiểm soát đế quốc với việc hoàng đế kiêm vai trò Hãn Mông Cổ, người bảo trợ của Phật giáo Tây Tạng và người bảo vệ cho Hồi giáo. Tuy nhiên, chính sách của nhà Thanh đã thay đổi với việc thành lập tỉnh Tân Cương năm 1884. Để đối phó với các hành động quân sự của Anh và Nga tại Tân Cương và Tây Tạng, nhà Thanh đã phái các đơn vị quân đội tới và họ đã đương đầu khá tốt với quân Anh.

Sự từ bỏ địa vị của hoàng đế Thanh đương nhiên dẫn tới tình trạng tranh cãi về địa thế của các lãnh thổ tại Tây Tạng và Mông Cổ. Quan điểm của những người theo chủ nghĩa quốc gia Tây Tạng và Mông Cổ thời ấy cũng như hiện tại cho rằng bởi vì họ đã trung thành với nhà Thanh thì khi nhà Thanh từ bỏ vị thế của mình họ không còn bổn phận gì nữa đối với nước Trung Hoa mới. Lập trường này bị Trung Hoa Dân Quốc và sau này là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bác bỏ dựa trên các yêu sách của họ cho rằng trên thực tế các vùng này từng là các vùng đất thuộc các triều đại Trung Quốc từ trước cả nhà Thanh.

Bất kỳ thuộc sắc tộc nào, người Hán, người Mãn Châu, người Mông Cổ hay những nhóm thiểu số khác, tất cả họ đều đã thành lập lên các triều đại với tính chất Hán trung tâm (Sino-centric), và cho rằng lịch sử cũng như tính chính thống của các lãnh thổ này đều là một phần của đế quốc Trung Quốc trong hơn hai ngàn năm qua. Các cường quốc phương Tây chấp nhận lý thuyết sau này, một phần với mục đích tránh tranh cãi với Trung Quốc.

Quan liêu

 
Các bình nhà Thanh, tại Bảo tàng Calouste Gulbenkian, Lisbon

Hệ thống hành chính của nhà Thanh dựa trên hệ thống trước đó của nhà Minh. Ở tình trạng phát triển nhất, chính phủ Thanh tập trung quanh Hoàng đế với tư cách là người cầm quyền tối cao chỉ huy sáu bộ, mỗi bộ do hai Thượng thư (尚書, Shángshù) đứng đầu và được hỗ trợ bởi bốn Thị lang (侍郎, Shílāng). Tuy nhiên, không giống như hệ thống của nhà Minh, chính sách căn bản của nhà Thanh quy định rằng việc chỉ định chức vụ được phân chia giữa quý tộc Mãn Châu và quan lại Hán, những người đã vượt qua các kỳ thi tuyển ở mức độ cao nhất của nhà nước.

Hầu như trong toàn bộ thời gian tồn tại của nhà Thanh, bộ máy quan lại của Hoàng đế đều có sự hiện diện của Quân Cơ Xứ (軍機處), một cơ quan chuyên trách các vấn đề quân sự và tình báo, nhưng sau này nó lại chịu trách nhiệm giám sát mọi bộ của chính phủ. Các vị quan quản lý Quân Cơ Xứ nắm luôn vai trò Tể tướng, và một vài người trong số họ từng được chỉ định làm người đứng đầu Quân Cơ Thủ Phụ (軍機首輔). Sáu bộ và các lĩnh vực quản lý của họ như sau:

Lại bộ (吏部) - Quản lý nhân sự hành chính cho mọi chức vụ dân sự - gồm cả đánh giá, bổ dụng, và thải hồi. Bộ này cũng chịu trách nhiệm lập 'danh sách danh dự'.

Hộ bộ (户部) - Dịch nghĩa theo từ Trung Quốc, "hộ" (户- 'hú') có nghĩa là 'gia đình'. Hầu như trong toàn bộ thời cai trị của nhà Thanh, nguồn thu chính của chính phủ có từ thuế do các chủ đất đóng và các khoản phụ khác từ độc quyền nhà nước như các vật dụng gia đình thiết yếu là muối và trà. Vì thế, với ưu thế áp đảo của trồng trọt ở thời nhà Thanh, 'gia đình' là gốc cơ bản của nguồn tài chính quốc gia. Bộ này chịu trách nhiệm thu thuế và quản lý tài chính cho chính phủ.

Lễ bộ (禮部) - Bộ này chịu trách nhiệm mọi vấn đề liên quan tới nghi thức lễ tân tại triều đình, gồm cả không chỉ những lễ thờ cúng tổ tiên định kỳ và nhiều vị thánh thần khác của Hoàng đế—với tư cách "Thiên tử" (天子 - con trời), để đảm bảo sự hoạt động trơn tru của đế chế—mà còn chịu trách nhiệm cả vấn đề tiếp đãi các sứ đoàn từ các nước tới nộp cống. Quan niệm Trung Quốc về lễ (礼), theo Khổng Tử dạy, được coi là một phần của giáo dục.

Từng có quan niệm rằng một học giả phải "tri thư, đạt lễ" (知書達禮) có nghĩa là phải học rộng và cư xử đúng lễ nghi. Vì thế, một chức năng khác của bộ này là giám sát các hệ thống thi cử dân sự trên toàn quốc để lựa chọn quan lại. Bởi vì dân chủ là một vấn đề chưa từng được biết tới ở thời tiền Cộng hòa tại Trung Quốc, các triết lý Khổng Tử mới coi các cuộc thi cử của nhà nước là con đường để chính thống hóa một chế độ bằng cách cho phép nhân tài tham gia vào chính quyền độc đoán và khép kín trước đó.

Binh bộ (兵部) - Không giống thời nhà Minh trước đó, vốn kiểm soát toàn bộ các lĩnh vực quân sự, Binh bộ nhà Thanh có quyền lực rất hạn chế. Đầu tiên các Kỳ binh (quân chủ lực) nằm dưới quyền quản lý trực tiếp của Hoàng đế và các hoàng tử người Mãn Châu và Mông Cổ, khiến cho bộ này chỉ có quyền lực đối với các lộ quân địa phương. Hơn nữa, các chức năng của bộ hầu như chỉ đơn thuần là hành chính - các chiến dịch và các đợt diễn tập quân sự được chỉ huy và giám sát bởi Hoàng đế, đầu tiên thông qua hội đồng quản lý người Mãn Châu và sau này là Quân Cơ Xứ (軍機處).

Hình bộ (刑部) - Hình bộ xử lý mọi vấn đề pháp luật, gồm cả giám sát các tòa án và nhà tù. Bộ luật hình sự nhà Thanh khá yếu kém so với các hệ thống luật pháp hiện đại hiện nay, bởi vì nó không có sự phân biệt giữa các nhánh hành pháp và lập pháp trong chính phủ. Hệ thống pháp luật có thể mâu thuẫn, và khá nhiều khi tỏ ra độc đoán, bởi vì Hoàng đế cai trị bằng nghị định và là người đưa ra phán quyết cuối cùng đối với mọi vấn đề luật pháp.

Các hoàng đế có thể (và đã) đảo ngược các phán quyết của các tòa án cấp dưới tùy theo từng lúc. Sự công bằng trong đối xử cũng là một vấn đề dưới hệ thống phân biệt chủng tộc do chính phủ Mãn Châu áp dụng đối với cộng đồng đa số người Hán. Để giảm bớt các vấn đề không thỏa đáng đó và giữ cho dân chúng sống yên ổn, nhà Thanh áp dụng một hệ thống luật hình sự rất khắc nghiệt đối với người Hán, nhưng không tới mức nghiêm khắc quá đáng như ở các triều đại trước đó.

Công bộ (工部) - Công bộ xử lý mọi dự án xây cất của triều đình gồm các cung điện, đền đài và sửa chữa các đường thủy cũng như các kênh tiêu lũ. Họ cũng chịu trách nhiệm đúc tiền.

Ngoài sáu bộ kể trên, có một Lý Phiên Viện (理藩院, Lǐfànyuán) và đây là cơ quan chỉ riêng có ở nhà Thanh. Cơ quan này ban đầu chịu trách nhiệm điều hành quan hệ với các đồng minh Mông Cổ. Khi đế chế mở rộng thêm, nó nhận thêm các công việc hành chính đối với tất cả các nhóm thiểu số sống trong và ngoài đế chế, gồm cả những tiếp xúc đầu tiên với Nga - khi ấy còn được coi là một quốc gia triều công. Cơ quan này hoạt động như một bộ thực sự và vị quan đứng đầu cũng có mức hàm tương đương. Tuy nhiên, ban đầu những ứng cử viên lãnh đạo nó chỉ là người thuộc dân tộc Mãn Châu và Mông Cổ.

Dù Lễ bộ và Lý Phiên Viện có một số trách nhiệm chung trong ngoại giao, chúng vẫn không được sáp nhập vào nhau. Điều này xuất phát từ quan điểm truyền thống của đế quốc coi Trung Quốc là trung tâm của thế giới và mọi người nước ngoài đều là những kẻ mọi rợ chưa khai hóa không xứng đáng có tư cách ngoại giao tương đương với họ. Chỉ tới năm 1861—một năm sau khi thua trận trong "Chiến tranh nha phiến lần thứ hai" trước liên minh Anh-Pháp—chính phủ nhà Thanh mới lùi bước trước sức ép của nước ngoài và lập ra một bộ ngoại giao thực sự được gọi theo một cái tên dài lê thê là "Tổng lý các quốc sự vụ nha môn" (總理各國事務衙門), hay nói gọn là "Tổng lý nha môn" (總理衙門)).

Ban đầu cơ quan này được dự định tạm thời sử dụng các viên chức thuyên chuyển từ Quân Cơ Xứ (軍機處) theo kiểu làm việc bán thời gian. Tuy nhiên, khi việc giải quyết vấn đề với những người nước ngoài ngày càng phức tạp và thường xuyên, cơ quan ngày càng mở rộng và trở nên quan trọng, và càng có ưu thế khi được sử dụng tiền thu từ thuế hải quan. Dù triều đình nghi ngờ về mọi thứ liên quan tới nước ngoài, văn phòng này đã trở thành một trong những bộ có nhiều quyền lực nhất bên trong chính phủ nhà Thanh.

Quân sự

Những sự khởi đầu và sự phát triển đầu tiên

Sự phát triển của hệ thống quân đội nhà Thanh có thể được chia ra làm hai giai đoạn rõ rệt trước và sau cuộc khởi nghĩa Thái bình thiên quốc (1850 - 64). Ban đầu quân đội nhà Thanh dựa theo hình thức Bát Kỳ Mãn Châu do Nỗ Nhĩ Cáp Xích phát triển thành một cách thức tổ chức xã hội Mãn Châu căn cứ trên tổ chức các nhóm bộ tộc. Tổng cộng có tám nhóm bộ tộc được gọi là Kỳ (cờ), mỗi kỳ có một màu chủ đạo riêng biệt. Thứ tự ưu tiên của các kỳ như sau: Chính Hoàng (Vàng), Tương Hoàng (Vàng có viền, ví dụ Vàng viền đỏ), Chính Bạch (Trắng), Chính Hồng (Đỏ), Tương Bạch (Trắng viền), Tương Hồng (Đỏ viền), Chính Lam (Xanh) và Tương Lam (Xanh viền). Chính Hoàng kỳ, Tương Hoàng Kỳ và Chính Bạch kỳ thường được gọi là "Thượng Tam Kỳ" (上三旗) và nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hoàng đế.

 
Quân Thanh tấn công người Hồi giáo ở Tân Cương Thế kỷ XVIII

Chỉ những người Mãn Châu thuộc Thượng Tam Kỳ mới được đích thân Hoàng đế lựa chọn vào đội bảo vệ riêng của mình. Những kỳ còn lại được gọi là 'Hạ Ngũ Kỳ' (下五旗) và được chỉ huy bởi các hoàng tử người Mãn Châu trực hệ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích theo chế độ cha truyền con nối, và thường được gọi theo nghi thức là 'Thiết mạo tử vương' (鐵帽子王 - Các hoàng tử mũ sắt) hay các 'Hòa Thạc' (和硕). Họ cùng nhau tạo thành một hội đồng quản lý quốc gia Mãn Châu cũng như bộ tư lệnh quân đội có tên gọi là Hòa Thạc Bội Cần.

Năm 1730 Hoàng đế Ung Chính thành lập Quân Cơ Xứ (軍機處, Junjichu) ban đầu để chỉ huy trực tiếp các hoạt động hàng ngày của quân đội nhưng dần dần Quân Cơ Xứ lãnh một số trách nhiệm hành chính và quân sự khác của quân đội và chịu trách nhiệm tập trung hóa quyền lực vào triều đình. Tuy nhiên, các Hòa thạc vẫn tiếp tục đóng vai trò có ảnh hưởng to lớn trong các hoạt động chính trị và quân sự của triều đình nhà Thanh cũng như công việc cai trị của Hoàng đế Càn Long.

Khi quyền lực nhà Thanh mở rộng về phía bắc Vạn lý trường thành trong những năm cuối triều nhà Minh, hệ thống các Kỳ được con trai và là người thừa kế của NurhachiHoàng Thái Cực phát triển thêm các kỳ Mông Cổ và các kỳ Hán. Khi họ kiểm soát được những vùng lãnh thổ cũ của nhà Minh, các Kỳ đội có quy mô khá nhỏ đó được tăng cường bởi Lục doanh quân (綠營兵 lục doanh binh) vốn có quân số lớn gấp ba các Kỳ. Lục doanh quân là các đội quân người Hán.

Các đội quân này được điều khiển bởi một Ban chỉ huy gồm cả các đô thống Lục doanh quân và Kỳ binh. Các Kỳ và Lục doanh là quân thường trực, được chính phủ trả lương. Ngoài ra, các quan lại địa phương từ mức tỉnh trở xuống tới mức xã vẫn giữ một lực lượng dân quân không chính quy làm các nhiệm vụ cảnh sát và cứu nạn. Các đội dân quân đó thường nhận được một khoản lương nhỏ hàng năm lấy từ kho bạc địa phương cho hoạt động của mình. Họ ít khi được huấn luyện quân sự và nếu có được huấn luyện thì cũng không được coi là đội quân chiến đấu.

Tới cuối đời Minh, lực lượng của nhà Thanh vào khoảng 120.000 binh sĩ (278 ngưu lục), cộng thêm 24.000 (120 ngưu lục) binh sĩ Mông Cổ và 33.000 (165 ngưu lục) binh sĩ người Hán.

Trước khi chiếm được trung nguyên, quân Mãn Châu đã khai thác tối đa sức mạnh kỵ binh vì họ quen thuộc với việc cưỡi ngựa bắn cung, trong khi người Hán chỉ cố gắng phát huy phương pháp giữ thành bằng tường cao hào sâu, dùng thần công có thể bắn xa để cố thủ. Thế nhưng kể từ năm 1629, khi người Mãn Châu chiếm được một số thành phố thì tình hình bắt đầu chuyển biến. Một trong bốn thị trấn họ mới chiếm được là Vĩnh Bình (永平) là nơi có một đội thợ quen với phương pháp đúc súng của người Bồ Đào Nha, chỉ hai năm sau họ đã đúc được khoảng 40 khẩu thần công theo mẫu của người Âu châu cộng thêm một số pháo thủ do họ huấn luyện.

Quân Thanh đem vũ khí mới thử nghiệm tại Đại Lăng Hà (大凌河) là một địa điểm quan trọng nối liền biên cảnh với đại quân nhà Minh đóng ở phía nam trường thành. Quân Thanh do Hoàng Thái Cực (皇太極) chỉ huy đã chiếm được Đại Lăng Hà, lấy được vô số khí giới. Mười năm sau, khi chiếm được Tùng San (松山) và Cẩm Châu (錦州), quân Thanh lại thu được 2.000 khẩu pháo lớn nhỏ nhưng quan trọng hơn nữa họ đã dụ hàng được hai danh tướng nhà Minh là Hồng Thừa Trù (洪承疇) và Tổ Đại Thọ (祖大壽). Tổ Đại Thọ lại chính là cậu của tổng binh Ngô Tam Quế, người cầm đại quân trấn thủ Sơn Hải Quan, cửa ải huyết mạch giữa Trung Hoa và Mãn Châu.

Hòa bình và trì trệ

Các Kỳ đội được phân chia theo dòng dõi dân tộc, có nghĩa theo người Mãn Châungười Mông Cổ. Dù vẫn có một nhánh thứ ba gồm những kỳ binh người Hán từng theo người Mãn Châu trước khi nhà Thanh được thành lập, những kỳ binh Hán không bao giờ được chính phủ đối xử bình đẳng so với hai nhánh kia vì việc họ gia nhập muộn hơn và vì dòng giống Hán Trung Quốc của họ. Chuyên môn quân sự của họ - chủ yếu trong bộ binh, pháo binh và công binh, cũng bị coi là xa lạ so với truyền thống sử dụng kị binh của những người du mục Mãn Châu.

Sau khi hoàn thành công cuộc chinh phục, các vai trò quân sự của kỳ binh Hán nhanh chóng bị Lục doanh quân thâu tóm. Các Kỳ binh Hán hoàn toàn chấm dứt tồn tại sau khi Hoàng đế Ung Chính cải cách lại các Kỳ nhằm mục tiêu giảm chi phí triều đình. Các nguồn gốc quân sự-xã hội của hệ thống Kỳ binh có nghĩa là dân cư bên trong mỗi nhánh của hệ thống Kỳ binh cùng như các nhánh phụ của nó tuân theo hệ thống cha truyền con nối và cứng nhắc. Chỉ trong những hoàn cảnh đặc biệt được sự đồng ý theo nghị định triều đình việc di chuyển xã hội giữa các kỳ mới được thực hiện.

Trái lại Lục doanh quân ban đầu được dự định xây dựng trở thành một lực lượng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong những giai đoạn hòa bình lâu dài ở Trung Quốc từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19, việc tuyển dụng lính từ các cộng đồng nông nghiệp đã giảm sút, một phần vì lập trường chống đối của tầng lớp trí thức Khổng giáo mới với nghề binh. Nhằm giữ vững sức mạnh, Lục quân bắt đầu biến đổi, dần trở thành một chế độ kiểu cha truyền con nối.

Lực lượng Kỳ binh đông đảo tới gần 200.000 ngàn quân của người Mãn Châu được chia thành; một nửa được chỉ định vào Cấm Lữ Bát Kỳ (禁旅八旗, Jìnlǚ Bāqí) đóng quân tại Bắc Kinh. Họ vừa đóng vai trò đội quân đồn trú của chính phủ nhà Thanh vừa là lực lượng chiến đấu. Số còn lại được chia vào nhiệm vụ canh gác các thành phố quan trọng ở Trung Quốc. Họ được gọi là Trú Phòng Bát Kỳ (駐防八旗, Zhùfáng Bāqí).

Tầng lớp cai trị Mãn Châu, nhận thức rõ số lượng nhỏ nhoi của mình so với người Hán, đã áp dụng một chính sách nghiêm ngặt về phân biệt nguồn gốc giữa người Mãn Châu và Mông Cổ với người Hán vì sợ rằng sẽ bị người Hán đồng hoá. Chính sách này được áp dụng trực tiếp tới các đội quân Kỳ đồn trú, đa số họ chiếm giữ một vùng có tường bao kín xung quanh bên trong các thành phố đồn trú của họ. Bên trong các thị trấn chật hẹp như Thanh Châu (青州), một thị trấn pháo đài mới được xây dựng làm nơi sinh sống cho quân Kỳ đồn trú và gia đình họ.

Bắc Kinh là thủ đô của đế chế, Nhiếp chính Dorgon (Đa Nhĩ Cổn) buộc toàn bộ dân Trung Quốc phải dời đi sống tại các khu ngoại thành phía nam sau này được gọi là "Ngoại Thành" (外城, wàichéng). Thành phố có tường bao ở phía bắc được gọi là "Nội thành" (内城, nèichéng) được phân chia cho Bát Kỳ Mãn Châu còn lại, mỗi Kỳ chịu trách nhiệm canh gác khu của mình bên trong Nội Thành bao quanh khu dinh thự Tử Cấm Thành (紫禁城, Zǐjìnchéng).

Chính sách bố trí quân đội các Kỳ làm quân đồn trú tại các địa phương không phải để bảo vệ mà là để ngăn chặn sự lo ngại của người Mãn Châu thông qua việc nô dịch hóa dân chúng bằng lợi thế kỵ binh của họ. Vì thế, sau một thế kỷ hòa bình và hiếm khi được huấn luyện trên chiến trường, các Kỳ binh Mãn Châu dần đánh mất khả năng chiến đấu. Thứ hai, trước cuộc chinh phục, các Kỳ binh Mãn Châu là một 'công dân' quân đội, và các thành viên của nó là các nông dân và người chăn thả gia súc Mãn Châu bị buộc phải đi lính cho đất nước trong thời gian chiến tranh.

Quyết định của nhà Thanh buộc các Kỳ binh phải trở thành một lực lượng chuyên nghiệp khiến cho nhà nước phải chu cấp cho mọi nhu cầu của họ, và với sự tham nhũng xảy ra từ binh lính cho đến sĩ quan khiến họ càng nhanh chóng biến chất không còn đáp ứng được yêu cầu của một đội quân chiến đấu. Điều tương tự cũng xảy ra trong Lục doanh quân. Ở thời bình, việc đi lính chỉ đơn giản là để kiếm thêm một khoản thu nhập. Các binh sĩ và chỉ huy đều không quan tâm tới việc huấn luyện mà chỉ chăm chú vào việc kiếm tiền. Tham nhũng tăng lên khi chỉ huy các đơn vị địa phương đề xuất tài chính và trang bị dựa trên các con số đã được thổi phồng lên để bỏ túi phần chênh lệch. Khi khởi nghĩa Thái bình thiên quốc nổ ra trong thập kỷ 1850, triều đình nhà Thanh mới muộn màng nhận ra rằng Kỳ binh và Lục doanh quân không thể giúp họ dẹp tan nội loạn cũng như bảo vệ đất nước khỏi quân xâm lược.

Chuyển biến và hiện đại hoá

Sự thất bại của Trung Hoa trong những cuộc chiến tranh với nước ngoài đã làm cho sĩ phu thức tỉnh. Cũng như nhiều quốc gia Á Đông thời kỳ đó, nhiều nho sĩ Trung Hoa đã yêu cầu Thanh đình cải cách về quân sự, chính trị cũng như xã hội.

Hai người đi đầu trong việc hoạch định một chính sách mới là Ngụy NguyênPhùng Quế Phương. Ngụy Nguyên đưa ra những biện pháp nhan đề Trù Hải Thiên (Kế Hoạch Phòng Thủ Duyên Hải) năm 1842 đại lược như sau:

  • Cải cách quân đội bằng cách học hỏi cách chế tạo vũ khí, đóng tàu của người phương Tây. Ngoài ra phải đãi ngộ xứng đáng, trả lương hậu hĩ để có được những binh sĩ ưu tú
  • Tập trung phòng thủ trên đất liền và dụ địch vào trong các thủy đạo để tiêu diệt tại một khu vực đã sắp xếp trước
  • Liên minh với nhiều nước để họ kiềm chế lẫn nhau và mượn tay kẻ thù này tiêu diệt kẻ thù kia
  • Mở cửa cho người ngoại quốc vào buôn bán

Phùng Quế Phương là học trò của Lâm Tắc Từ. Lúc ở Thượng Hải đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng chủ nghĩa tư bản. Năm 1861 ông đã viết quyển sách "Hiệu lư bân" kháng nghị chủ trương học tập khoa học tự nhiên và kỹ thuật sản xuất của các nước tư bản như thiên văn, lịch pháp, công cụ sản xuất va các mặt tri thức khác, mong muốn thông qua biện pháp cải lương chính trị để đưa Trung Quốc tiến lên con đường tư bản. Ông đi sâu hơn vào những cải cách chính trị và xã hội trong đó ông nhấn mạnh:

  • Học hỏi và tự chế tạo những vũ khí cần thiết, thúc đẩy người học về kỹ thuật để thoát ra khỏi những đe dọa của nước ngoài.
  • Cải cách giáo dục để đào tạo nhân tài bao gồm nhiều lãnh vực kỹ thuật và khoa học khác đồng thời biến cải kỹ nghệ quốc phòng
  • Cải cách cách huấn luyện binh sĩ, đào tạo những lực lượng nhỏ nhưng tinh nhuệ hơn là duy trì một đội quân khổng lồ nhưng kém cỏi
  • Áp dụng lý thuyết Thể Dụng, duy trì tinh thần Khổng Mạnh nhưng áp dụng kỹ thuật mới.

Trịnh Quan Ứng, một thương nhân nổi tiếng: chủ trương khai thác mỏ quặng, xây dựng đường sắt, xuất bản báo chí, lập trường học, yêu cầu thành lập nghị viện và xây dựng chế độ quân chủ lập hiến.

Những quan điểm mới đó sau này được phát động để trở thành một phong trào dưới cái tên Dương Vụ Vận Động. Tuy nhiên những vận động có tính chất "lửa rơm" đó không đi đến đâu vì chỉ do nhiệt huyết sĩ phu mà không phải là những chương trình được nghiên cứu chu đáo và áp dụng một cách quy củ. Những cải cách quân sự vẫn chỉ hời hợt bề ngoài nên không thành công. Về sau, để đối phó với những tổ chức nổi dậy, nhiều đơn vị quân sự địa phương được thành lập và ít nhiều mang lại những sinh khí mới như Tương quân của Tăng Quốc Phiên, gia tăng lưu động tính, nhấn mạnh vào đức tính của quân sĩ, Hoài quân của Lý Hồng Chương, sử dụng vũ khí phương Tây, Sở quân của Tả Tông Đường nhấn mạnh vào vai trò hệ thống tiếp liệu.

Cải cách trong quân đội

Đầu cuộc khởi nghĩa Thái bình thiên quốc, các lực lượng nhà Thanh chịu một loạt các thất bại nặng nề dẫn tới việc mất thủ đô hành chính địa phương tại Nam Kinh (南京) 1853. Quân khởi nghĩa giết toàn bộ quân đồn trú Mãn Thanh và gia đình họ sống tại thành phố và biến nó làm thủ đô của họ. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, lực lượng viễn chinh của Thái bình thiên quốc xâm nhập về phía bắc tới tận các vùng ngoại ô Thiên Tân (天津), nơi được coi là vùng trung tâm của đế quốc.

Trong tình trạng tuyệt vọng, triều đình lệnh cho một vị quan Trung Quốc là Tăng Quốc Phiên (曾國藩) tổ chức lại lực lượng dân quân tại các vùng và các địa phương (Đoàn Dũng, 團勇 và Hương Dũng, 鄉勇) thành một lực lượng thường trực để chống lại quân Thái Bình. Chiến lược của Tăng Quốc Phiên dựa trên giới quý tộc địa phương để xây dựng lên một tổ chức quân sự mới từ các tỉnh đang bị quân Thái Bình đe dọa trực tiếp.

Lực lượng mới này được gọi là Sương quân (湘軍), được đặt tên theo vùng đất nơi họ được thành lập. Sương quân là một hỗn hợp giữa dân quân địa phương và quân đội thường trực. Họ được huấn luyện chuyên nghiệp, nhưng lĩnh lương từ ngân khố địa phương. Sương quân và lực lượng sau này là Hoài quân (淮軍) được các vị quan đồng triều với Tăng Quốc Phiên cùng người 'học trò' là Lý Hồng Chương thành lập (hai quân này thường được gọi chung là Dũng Doanh (勇營).

Trước khi thành lập và chỉ huy Hoài quân, Tăng Quốc Phiên chưa từng có kinh nghiệp quân sự. Là một vị quan được giáo dục theo kiểu cổ điển, kế hoạch thành lập Hoài quân của ông được thực hiện theo kinh nghiệm lịch sử - tướng nhà Minh là Thích Kế Quang (戚繼光) vì thấy sự yếu kém của quân đội triều đình đã quyết định thành lập đội quân 'riêng' của mình nhằm chống lại quân cướp biển Nhật Bản ở giữa thế kỷ 16. Học thuyết của Thích Kế Quang dựa nhiều vào các tư tưởng Tân Khổng giáo ràng buộc tính trung thành của quân đội với cấp chỉ huy trực tiếp và vào vùng đất nơi họ được thành lập.

Việc này đầu tiên tạo cho quân đội một số tinh thần đoàn kết. Tuy nhiên, cần phải chỉ ra rằng quân đội của Thích Kế Quang là một giải pháp tình thế cho một vấn đề cụ thể - chiến đấu chống lại cướp biển, cũng như Tăng Quốc Phiên dự định thành lập Hoài quân để chống quân khởi nghĩa Thái Bình. Tuy nhiên theo hoàn cảnh, hệ thống Dũng binh trở thành một cơ cấu thường trực bên trong quân đội nhà Thanh và cùng với thời gian nó lại gây ra những vấn đề cho chính phủ trung ương.

Đầu tiên hệ thống Dũng binh báo hiệu sự kết thúc ưu thế của người Mãn Châu bên trong thể chế quân đội nhà Thanh. Dù các Kỳ và Lục doanh quân làm lãng phí các nguồn tài nguyên cần thiết cho bộ máy hành chính của nhà Thanh, từ đó các cơ cấu Dũng binh trên thực tế đã trở thành lực lượng số một của chính phủ Thanh. Thứ hai, các đơn vị Dũng binh được tài trợ từ nguồn tài chính của các tỉnh và tuân theo sự chỉ huy của các tướng lĩnh địa phương.

Sự thay đổi này khiến cho quyền lực của chính phủ trung ương có phần giảm sút. Nghiêm trọng hơn cả là khi các Cường Quốc Châu Âu bắt đầu xâm nhập vào Trung Quốc. Tuy nhiên, dù có những ảnh hưởng tiêu cực các biện pháp này tỏ ra rất cẩn thiết ở thời điểm nguồn thu từ các tỉnh đã bị quân khởi nghĩa chiếm không còn tới được ngân khố triều đình. Cuối cùng, cơ cấu chỉ huy của Dũng binh tạo thuận lợi cho các chỉ huy quân sự của nó có cơ hội phát triển quan hệ với nhau vì khi được thăng chức và dần dần triều đình nhà Thanh đã có một chút nhượng bộ họ.

Tới cuối những năm 1850 Trung Quốc đã bắt đầu suy sụp. Thậm chí các nhân tố bảo thủ nhất bên trong triều đình nhà Thanh cũng không thể không nhận thấy sự yếu kém quân sự của triều đình đối lập với sự hùng mạnh của quân đội "rợ" nước ngoài đang dần áp chế họ - Năm 1860 trong cuộc Chiến tranh nha phiến lần thứ hai thủ đô Bắc Kinh bị chiếm và Cung điện mùa hè (Cũ) bị một liên minh nhỏ của Anh Pháp với số lượng chừng 25.000 quân cướp phá.

Dù Trung Quốc tự kiêu hãnh rằng chính họ là người phát minh ra thuốc súng, và súng ống từng được sử dụng trong chiến tranh ở Trung Quốc từ thời nhà Tống, sự xuất hiện của các loại vũ khí hiện đại từ cuộc Cách mạng công nghiệp ở châu Âu như súng có rãnh xoắn (1855), súng máy (1885), và các tàu chiến chạy bằng hơi nước (những năm 1890) khiến quân đội, hải quân Trung Quốc được huấn luyện kiểu cổ điển và trang bị các loại vũ khí thô sơ mất ưu thế hoàn toàn. Nhiều lời kêu gọi 'Tây phương hoá' và hiện đại hóa các loại vũ khí hiện dùng trong quân đội - đa phần từ phía Hoài quân mang lại rất ít kết quả. Một phần bởi vì họ thiếu vốn, nhưng chủ yếu bởi vì thế lực chính trị trong triều đình nhà Thanh không muốn thực hiện điều đó thông qua các biện pháp cải cách.

Kinh tế

Quan đốc thương biện

Nhờ những hoạt động đó, Trung Quốc bước đầu có những cơ sở công nghiệp hiện đại. Sau đó xuất hiện nhiều xí nghiệp do nhà nước quản lý, tư nhân điều hành, nhà nước và tư nhân cùng làm gọi là quan đốc thương biện. Những thương nhân người Quảng Đông như Đường Đình Canh, Từ Nhuận, Trịnh Quan Ứng, đều hoạt động mãi biện cho các công ty nước ngoài như Dent & Co., Jardin Matheson nên tích lũy được tiền bạc trước khi tham gia kinh doanh riêng. Tài sản của Từ Nhuận đạt đến 1800 vạn lạng bạc vào năm 1883 trong đó 65% tài sản là thuộc về bất động sản tại Thượng Hải, được mệnh danh là "vua địa ốc".

Trước năm 1870 hoạt động vận tải hàng hải tại Trung Quốc bị chi phối bởi công ty Russel & Co của Mỹ. Nhận thấy vấn đề đó đạo đài Thượng Hải là Đinh Nhữ Xương (về sau là Giám đốc Giang Nam công xưởng, đô đốc hạm đội hải quân Bắc Dương) cùng với Lý Hồng Chương bàn tính giành lại quyền tự chủ trong hoạt động hàng hải. Năm 1863 Đinh Nhữ Xương dự định thành lập công ty hàng hải dùng tàu thuyền Trung Quốc và được hưởng mức thuế thấp, chủ trương khuyến khích thương nhân bỏ vốn và đóng các tàu hơi nước.

Sau khi vượt qua trở ngại về tài chính năm 1872, Lý Hồng ChươngThịnh Tuyên Hoài cùng xây dựng Cục Kinh doanh Tàu biển (Luân thuyền chiêu thương cục) tại Thượng Hải có tính chất dân dụng do thương nhân Đường Đình Thục, Từ Nhuận, Trịnh Quan Ứng góp vốn và tham gia quản lý thực hiện chở lương thực từ Giang Nam đến Thiên Tân, đặt nền móng cho ngành vận tải hàng hải của Trung Quốc.

Lúc đầu Chiêu Thương cục có 3 chiếc tàu với lượng vốn 20 vạn lạng bạc, sau 4 năm hoạt động tăng lên 33 chiếc, tổng lượng hàng vận chuyển là 23.967 tấn, lợi nhuận hàng năm đạt 30 vạn lạng bạc.

Do lượng vốn ban đầu hạn chế nên trong quá trình kinh doanh những người quản lý kêu gọi vốn góp thêm đạt tới 100 vạn lạng bạc, trong đó Từ Nhuận chiếm tới 50% cổ phần. Năm 1877, Chiêu Thương cục mua lại Công ty tàu thủy Thượng Hải do người Mỹ góp vốn, tiếp nhận 17 chiếc tàu. Khi Đường Đình Thục chuyển đến làm quản lý mỏ than Khai Bình năm 1884, Từ Nhuận lên thay, mua lại Công ty tàu thủy Kỳ xương (Mỹ) có quy mô lớn nhất Đông Á mở rộng phạm vi kinh doanh, độc quyền kinh doanh vận tải vùng Trường Giang.

Đường Đình Thục còn quản lý Công ty Hàng hải Liên hợp thành lập năm 1868. Đường Đình Thục liên kết với Trịnh Quan Ứng mở 2 ụ tàu hơi nước ở Phật SơnQuảng Châu. Khai bình môi khoáng thành lập năm 1877 tại phía bắc Thiên Tân có sản lượng lên tới 70 vạn tấn/năm do thương nhân Đường Đình Thục quản lý với số vốn 150 vạn lạng bạc, Cục Điện báo Thiên Tân, Cục Điện báo Nam Bắc, Cục Đường sắt Bắc Dương Quan ở Sơn Hải Quan, Tân Du thiết lộ, Công ty Than đá và Sắt Hán Dã Bình Giang Tây thành lập năm 1889 dưới sự kết hợp của mỏ sắt Đại dã và mỏ than Bình Hương, Ngân hàng Công thương Trung Quốc được thành lập năm 1897 tại Thượng Hải, Công ty Xi măng Đường Sơn Khải Tân tại Thiên Tân thành lập năm 1892 đưa Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á sản xuất xi măng.

Trước đó ngành bảo hiểm hàng hóa của Trung Quốc do các công ty nước ngoài thực hiện. Để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm, năm 1875 Từ Nhuận đã thành lập Công ty bảo hiểm đầu tiên của Trung Quốc là Công ty Bảo hiểm hàng hải Nhân Hòa với số vốn 50 vạn lạng bạc. Đến năm 1878 lại thành lập thêm Công ty bảo hiểm hàng hải và cháy Ký hòa với số vốn 50 vạn lạng bạc. Đến năm 1886, Từ Nhuận sáp nhập 2 công ty đó thành Công ty Bảo hiểm Nhân Kỳ Hòa, đặt nền móng cho ngành kinh doanh bảo hiểm Trung Quốc.

Ngoài ra Từ Nhuận còn góp vốn vào hoạt động khai mỏ. Với 15 vạn lạng bạc chiếm 10% số vốn của mỏ than Khai Bình, Từ Nhuận đảm nhận chức giám đốc, khuyến khích sử dụng nhiều máy móc nhập từ Anh, thuê kỹ sư Anh, dùng công nghệ mới để khai thác than, số nhân công người Quảng Đông đã lên tới 5000 người. Sản lượng của mỏ than Khai Bình nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thị trường Thiên Tân, cạnh tranh với than nhập khẩu. Mỏ than Khai bình cung cấp nhiên liệu cho hạm đội hải quân Bắc dương và các cơ sở địa phương. Để phục vụ cho việc vận chuyển than, đường sắt Thiên Tân được xây dựng. Các doanh nghiệp phụ trợ cho than đá và xi măng cũng được thành lập trong khu vực.

Chi nhánh Quảng Châu của Mỏ than Khai Bình do Trịnh Quan Ứng (1842-1922) làm quản lý. Trịnh Quan Ứng tham gia dịch thuật bộ luật kinh doanh của Anh ban hành tại Hương Cảng năm 1865 sang tiếng Hoa. Năm 1880 Trịnh Quan Ứng mở nhà máy dệt tại Thượng Hải, nhờ Dung Hoằng lúc đó làm Phó lãnh sự tại Mỹ tuyển dụng kỹ sư người Mỹ. Năm 1881 Trịnh Quan Ứng đầu tư 65000 lạng bạc thành lập Công ty Khai hoang Đường Cô Thiên Tân làm tiền đề cho việc sản xuất giấy 10 năm sau. Trịnh Quan Ứng còn tham gia quản lý tuyến đường sắt Quảng ChâuHán Khẩu và đến năm 1905 thành lập Phòng thương mại Quảng Châu. Về sau Trịnh Quan Ứng tái cơ cấu lại Luân thuyền chiêu thương cục cho phù hợp với luật thương mại.

Từ Nhuận còn đầu tư vào mỏ đồng Bình Tuyền, mỏ vàng Hà Long ở Nghi Xương, mỏ bạc Cổ Sơn Tây, mỏ bạc Tam Sơn, mỏ bạc Thiên Hoa (Quảng Đông), mỏ bạc Đàn Châu, mỏ vàng Kiến Bình (Nhiệt Hà), mỏ than Cẩm Châu, mỏ than Quế Trì (An Huy).

Bên cạnh các hoạt động doanh thương Từ Nhuận còn đóng góp vào các hoạt động xã hội, thành lập Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, Đồng văn thư cục, gửi du học sinh sang Mỹ. Nhiều người trong số đó về sau đều có những đóng góp cho sự phát triển của đất nước như nhà chính trị Đường Thiệu Nghi, nhà ngoại giao Lương Như Hạo, nhà kỹ sư Thiên Hựu, Hiệu trưởng trường Đại học Thanh Hoa, Đường Quốc Ân. Trong việc xây dựng và phát triển nền công nghiệp cận đại của Trung Quốc, công lao của Thịnh Tuyên Hoài rất lớn, được xem như người cha của nền công nghiệp cận đại. Ngoài ra còn phải kể đến các thương nhân như Đường Đình Thục, Đường Đình Canh, Từ Nhuận "vua trà Trung Quốc" và "vua địa ốc".

Lý Hồng Chương thành lập Cục Điện báo năm 1882 và giao cho trợ thủ là Thịnh Tuyên Hoài quản lý và góp phần lớn số vốn trong Điện báo cục thực hiện xây dựng đường dây điện tín giữa Thiên Tân và Thượng Hải. Tới năm 1901 Điện báo cục đã xây dựng 14000 dặm đường dây điện tín giữa các thành phố, thị trấn. Năm 1876, Bưu điện Đại Thanh được thành lập. Trong thời gian 1872 – 1885 có tới 90% dự án hiện đại hóa sản xuất được thực hiện dưới sự bảo trợ của Lý Hồng Chương. Có tới 75 cơ xưởng sản xuất và 33 mỏ than và khoáng sản được thành lập.

Các lĩnh vực công nghiệp ứng dụng phương pháp kỹ thuật mới. Năm 1853 nhà thuốc Lão Đức ở Thượng Hải đã chế được thuốc tây, nhà máy xà phòng Mỹ Tra làm được xà phòng. Năm 1876, nhà máy Đạm thủy Đài Loan bắt đầu dùng máy móc đào than. Năm 1878, dùng phương pháp Tây phương đế khai thác dầu. Năm 1861, người Anh dùng máy kéo tơ. Năm 1889, Cục dệt vải Thượng Hải sử dụng kỹ thuật Tây phương để dệt vải. Năm 1892 Cục dệt vải Hồ Bắc cũng có xưởng dệt quy mô lớn.

Năm 1881, kỹ thuật chế tạo giấy bằng máy được du nhập, năm 1890 nhà máy giấy Long Chương được thành lập tại Thượng Hải, năm 1882 kỹ thuật chế tạo da được nhập vào. Năm 1880 tại Thượng Hải bắt đầu sản xuất hộp quẹt, năm 1891 sản xuất thuốc lá cuốn bằng máy. Năm 1864 nhà máy khí than Thượng Hải ra đời, năm 1881 có nhà máy nước, năm 1882 có nhà máy bóng đèn điện. Trước năm 1880, điện báo đã được đưa vào Trung Quốc, năm 1872 đường dây điện tín giữa Hồng KôngThượng Hải được khai thông.

Ngành in ấn dùng kỹ thuật in của phương Tây. Năm 1872 Nhân dân Nhật báo ở Thượng Hải đã nhập máy in bánh xe. Năm 1873, Cục in ấn được thành lập. Năm 1906 máy in cuốn chạy điện được nhập vào Trung Quốc. Phương pháp in thạch nhập vào năm 1876, kỹ thuật karô nhập vào đầu thời kỳ Quang Tự.

Thông thương vụ đại thần Tam Khẩu Sùng Hậu đề nghị phát triển thủy lợi ở miền đông Trực lệ, và tuần phủ Giang Tây Thẩm Bảo Trinh đề nghị thay đổi phương pháp thu thuế đất ở Giang Tây, đều nhằm giảm gánh nặng cho dân.

Mặc dầu còn có nhiều hạn chế nhưng những hoạt động của phái Dương Vụ trên thực tế đã kích thích phần nào chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc phát triển.

Bên cạnh đó các nước Âu Mỹ cũng cho xây nhiều bệnh viện. Năm 1844, Anh xây dựng bệnh viện ở Thượng Hải, sau đó ở Bắc Kinh, Thẩm Dương. Mỹ cũng xây bệnh viện ở Thượng Hải, Sán Đầu. Các tổ chức giáo hội xây dựng khoảng 70 bệnh viện.

Lĩnh vực dân sinh

Năm 1888 Lý Hồng Chương lập Tổng y viện trực thuộc Hải quân Bắc dương, có Tây y học đường, bệnh viện thực hành, kho thuốc, bổ nhiệm một người Anh làm Y quan. Các tổ chức giáo hội mở trường y ở Trung Quốc có Quảng Châu Hạt Cát Y Học viện năm 1899, Thượng Hải Thần đán Y Học viện năm 1903, Bắc Kinh Hiệp Hòa Y Học viện năm 1906, Tứ Xuyên Thành Đô Hoa Tây Hiệp Hòa Đại học Y Học Viên năm 1910.

Năm 1902, Công ty nước sạch Thiên Tân hoạt động, năm 1904 Thiên Tân có Công ty Xe điện của Bỉ hoạt động.

Năm 1895, Thịnh Tuyên Hoài thành lập trường Trung Tây học đường ở Thiên Tân.

Khoa học và kỹ thuật

Phong trào Tây Dương vụ

Những người hăng hái thực hiện những biện pháp canh tân đều là các quan lại đã trải qua cuộc nội dậy Thái bình thiên quốc cho rằng muốn chống cự với phương Tây thì phải có tàu bè như họ, súng ống như họ, quân đội phải luyện tập theo lối của họ. Vài người Mãn như Cung Thân Vương Dịch Hân, Quế Lương nghĩ đến việc tự cường, bàn với Văn Tường, Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương, Tả Tông Đường, Quách Sùng Đào về sau có Tăng Kỷ Trạch, Tăng Quốc Thuyên, Trương Chi Động... hình thành Dương vụ phái. Họ cùng có chung chủ trương "tân chính", kêu gọi "tự cường" bằng cách học tập phương Tây, trong đó khẩu hiệu "Trung học vi thể, Tây học vi dụng" được phái này xem là tư tưởng chỉ đạo Họ đồng ý với nhau rằng "muốn tự cường thì việc luyện binh là quan trọng nhất, mà muốn luyện binh thì trước hết phải chế tạo vũ khí giới".

Ngày 13 tháng 1 năm 1861 vua Hàm Phong ra chỉ dụ thừa nhận phong trào Dương Vụ, khuyến khích tự lực tự cường, làm theo phương Tây để tăng cường quyền lực và phát triển kinh doanh. Phong trào Tây dương vụ ra đời, do Cung thân vương Dịch Hân, em vua Hàm Phong giữ chức Nghị chính vương kiêm Quân cơ xứ lĩnh bang đại thần khởi xướng. Phong trào kéo dài từ 1860 – 1895 với mốc khởi đầu là việc thành lập Tổng lý các quốc sự vụ nha môn tháng 1 năm 1861.

Năm 1862, họ giao cho Lý Hồng Chương thi hành.

Năm 1861, Tổng đốc Lưỡng giang Tăng Quốc Phiên thành lập An khánh quân giới cục tại tỉnh An huy.

Năm 1862, Tuần phủ Giang tô Lý Hồng Chương và Tăng Quốc Phiên đồng sáng lập Cục pháo binh và Tổng cục chế tạo cơ khí Giang Nam ở Thượng Hải, Cục làm pháo Tây dương ở Tô châu, Cục cơ khí Kim lăng ở Nam kinh.

Năm 1866, Tổng đốc Mân Triết Tả Tông Đường mở Cục thuyền Mã Vĩ ở Phúc Kiến, do Thuyền chính đại thần Thẩm Bảo Trinh làm Giám đốc, đặt nền móng cho hải quân Trung Quốc. Tả Tông Đường là người đã mở xưởng đóng tàu đầu tiên ở Trung Quốc tại Phúc Kiến mang tên Mã Vĩ, và cũng đã thành lập học viện hải quân đầu tiên khi ông làm tổng đốc ở đây.

Khi chuyển đến vùng tây bắc giữ chức Tổng đốc Thiểm Cam, Tả Tông Đường đề xuất lên triều đình nhiều chủ trương chính sách thúc đẩy kinh tế văn hóa vùng Tân Cương có tác dụng tích cực đối với việc khai phá vùng biên giới, thành lập các cơ sở sản xuất kiểu mới ở vùng tây bắc như: Lan Châu cơ khí chức ni cục (là xưởng dệt len cơ khí đầu tiên của Trung Quốc dùng máy móc của Đức, thành lập năm 1878), Tổng cục tơ tằm A Khắc Tô, Lan Châu chế tạo cục thành lập năm 1871, Tây An cơ khí cục thành lập năm 1869.

Năm 1867 tại Thiên Tân Sùng Hậu Thông thương vụ đại thần Tam khẩu mở 2 cơ khí cục chuyên sản xuất cơ khí quân dụng, sau đó năm 1872 Luân thuyền chiêu thương cục mở chi nhánh tại đây, năm 1877 mỏ than Khai bình được đưa vào khai thác, năm 1888 tuyến đường sắt Thiên Tân - Đường Sơn hoàn thành, năm 1896 Bưu điện Đại Thanh hoạt động tại đây, năm 1903 thành lập Tổng cục Công nghệ Trực lệ. Tả Tông Đường là người đã mở xưởng đóng tàu đầu tiên ở Trung Quốc tại Phúc Kiến mang tên Mã Vĩ, và cũng đã thành lập học viện hải quân đầu tiên khi ông làm tổng đốc ở đây.

Tổng cục chế tạo Giang Nam

Năm 1865 đạo đài Thượng Hải Đinh Nhữ Xương, cựu tướng lĩnh Hoài quân được bổ nhiệm làm Giám đốc Cục chế tạo cơ khí Giang Nam (về sau được cử làm đô đốc hạm đội hải quân Bắc dương). Lúc đầu kinh phí mua sắm máy móc chỉ có 25 vạn lạng bạc (35 vạn USD) được lấy từ nguồn thu thuế quan tại Thượng Hải. Tổng cục chế tạo cơ khí Giang Nam mua các máy móc của Mỹ gồm lò nấu, máy hơi nước, động cơ, máy đục, máy vặn ốc đủ các loại máy móc để chế tạo súng trường và pháo, thủy lôi, đạn dược, máy móc đóng tàu, là xí nghiệp quân sự lớn nhất do phái Dương vụ thành lập, về quy mô là một trong những công xưởng quân sự lớn nhất châu Á lúc bấy giờ.

Đến giữa năm 1867 mỗi ngày công xưởng sản xuất 14 khẩu súng trường và hàng trăm thùng đạn, cung ứng cho mặt trận Thiểm Cam của Tả Tông Đường. Đến năm 1873 mới sản xuất được 4200 khẩu súng trường Remington. Năm 1874 sản xuất được 110 đại bác theo kiểu của cơ xưởng Amstrong (Anh) với các loại cỡ nòng 120 mm, 170 và 200 mm. Về sau Lý Hồng Chương cho áp dụng kỹ thuật của Đức thay cho của Anh, dùng nhiều sản phẩm của hãng Krupp.

Năm 1861, nhà khoa học Từ Thọ (1818 – 1888) người Vô Tích, Giang tô đã nghiên cứu chế tạo tàu hơi nước, đến năm 1862 chế tạo thành công tàu Hoàng cốc là chiếc tàu hơi nước đầu tiên của Trung Quốc được làm bằng gỗ. Máy móc chủ yếu là bánh chuyển động bằng hơi nước, xi lanh dài 2 thước, đường kính dài 1 thước, chiều dài của tàu là 55 thước, nặng 25 tấn, vận tốc đạt 6 hải lý/giờ. Năm 1868 Từ Thọ đến làm việc tại Quảng phiên viện quán (nhà phiên dịch của Tổng cục chế tạo Giang Nam) lần lượt dịch 13 loại thư tịch khoa học Tây phương như "Khí cơ phát nhẫn", "Doanh trận đề yếu", "Tây nghệ tri tân".

Năm 1868, chiếc tàu đầu tiên của nhà máy tàu thuyền Giang Nam là Huệ Cát được hạ thủy. Đến năm 1876 Giang Nam công xưởng cho hạ thủy 7 chiếc tàu hơi nước, trong đó chiếc tàu lớn nhất có tải trọng 2800 tấn. Quy mô của Giang Nam công xưởng vượt xa xưởng đóng tàu Yokosuda của Nhật mãi đến năm 1887 mới bắt đầu sản xuất tàu cỡ lớn.

Năm 1869, nhà máy chế tạo tàu thuyền Mã Vĩ (Phúc châu) bắt đầu đóng loại tàu mới, sử dụng máy móc và kỹ thuật cơ khí của Pháp do Thẩm Bảo Trinh nguyên tuần phủ Giang tây làm Giám đốc. Kinh phí ban đầu là 40 vạn lạng bạc (55 vạn đô la) được huy động từ các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang, Quảng Đông. Trong thời gian 1866 – 1874 chi phí của xưởng lên tới 540 vạn lạng bạc (750 vạn đô la). Số nhân công của xưởng Mã Vĩ lúc cao nhất đạt tới 3000 công nhân, quy mô lớn hơn Giang Nam chế tạo cơ khí chế tạo tổng cục.

Năm 1890 Tổng cục chế tạo cơ khí Giang Nam bắt đầu lập xưởng luyện thép, có lò 15 tấn mỗi ngày luyện được 3 tấn, đó là lò luyện thép (lò thường) đầu tiên của Trung Quốc. Năm 1892 quy mô của Giang Nam công xưởng đạt tới diện tích 73 acre đất, 1974 nhà xưởng và 2982 công nhân. Máy móc của công xưởng có 1037 máy, sản xuất ra 47 loại sản phẩm dưới sự giám sát của kỹ thuật viên nước ngoài. Đến những năm 1890 hoạt động của 3 cục quân giới trên đã có những thành tích nổi bật; các kiểu đạn pháo do Tổng cục chế tạo Giang Nam chế tạo ra đã tiếp cận được với vũ khí nhập khẩu của phương Tây. Cục cơ khí Thiên Tân nổi tiếng với các sản phẩm cơ khí quân dụng.

Kinh phí xây dựng 3 cục cơ khí Giang Nam, Thiên Tân, Kim lăng lên tới 2454 vạn lạng bạc, chiếm 50% chi phí cho công nghiệp quân sự của nhà Thanh.

Ngoài ra còn có các công xưởng quân khí khác được xây dựng ở Tây An (Thiểm Tây, năm 1869), Lan Châu (Cam Túc, năm 1871), Quảng Châu (năm 1874), Hồ Nam và Sơn Đông (năm 1875), Thành Đô (Tứ Xuyên, năm 1877), Cát Lâm (năm 1881), Bắc Kinh (năm 1883), Vân Nam (năm 1884), Hàng Châu và Đài Loan (năm 1885). Các trường quân sự cũng được thành lập: năm 1867 trường hải quân được thành lập ở Phúc Châu (Phúc Kiến), Thiên Tân (Trực Lệ) năm 1880, Hoàng Phố (Quảng Đông) năm 1887, Nam Kinh (Giang Tô) năm 1890, Yên Đài (Sơn Đông) năm 1903.

Kinh phí xây dựng 3 cục cơ khí Giang Nam, Thiên Tân, Kim lăng lên tới 2454 vạn lạng bạc, chiếm 50% chi phí cho công nghiệp quân sự của nhà Thanh. Đến những năm 1890 hoạt động của 3 cục quân giới trên đã có những thành tích nổi bật; các kiểu đạn pháo do Tổng cục chế tạo Giang Nam chế tạo ra đã tiếp cận được với vũ khí nhập khẩu của phương Tây. Cục cơ khí Thiên Tân nổi tiếng với các sản phẩm cơ khí quân dụng.

Về sau công cuộc Tây dương vụ được Tổng đốc Hồ quảng Trương Chi Động và Bộ trưởng Giao thông Thịnh Tuyên Hoài tiếp tục thực hiện, hai người thành lập nhiều xí nghiệp, riêng Thịnh Tuyên Hoài còn bỏ vốn đầu tư trong nhiều cơ sở kinh doanh.

Khi đến Quảng Đông nhậm chức tổng đốc Lưỡng quảng, Trương Chi Động cho xây dựng Quảng Đông quân giới cục, thành lập trường lục quân Quảng Đông, Cục dệt vải và Xưởng luyện thép Quảng Đông. Trong thời gian này Trương Chi Động cho thành lập Giang Nam tự cường quân là lực lượng lục quân kiểu mới sớm nhất Trung Quốc lúc bấy giờ theo biên chế quân đội phương Tây.

Lúc được thuyên chuyển đến Hồ bắc Trương Chi Động cho di dời toàn bộ thiết bị của xưởng súng pháo Quảng Đông và cho xây dựng thành xưởng súng pháo Hán dương, Xưởng dệt tứ cục Hồ bắc bao gồm dệt vải, kéo sợi, ươm tơ, chế biến gai, Thư viện Lưỡng Hồ, lập kế hoạch xây dựng đường sắt Lô Hán (sau đổi tên là Kinh Hán, xây dựng từ năm 1896, hoàn thành năm 1905) nối liền hai miền nam bắc.

Công binh xưởng Hán Dương

Công binh xưởng Hán Dương được xây dựng năm 1894 từ nguồn kinh phí của hạm đội Nam Dương là nhà máy sản xuất vũ khí đầu tiên có quy mô lớn với hệ thống kỹ thuật lớn nhất. Công xưởng có diện tích 40 acre. Tháng 8 năm 1895 tại đây bắt đầu sản xuất súng trường M1888 của Đức, và súng trường Mauser, và đạn dược với sản lượng 13000 băng/tháng. Đến năm 1900 công binh xưởng Hán dương đã cung cấp cho lực lượng Nghĩa hòa đoàn hơn 3000 súng trường và 1 triệu băng đạn. Đến năm 1904 công binh xưởng Hán dương đã đạt sản lượng 50 súng trường T88 và 12000 băng đạn mỗi ngày, sản xuất ra súng bộ binh kiểu Hán dương gọi là Hán dương tạo.

Năm 1893 ở Hồ bắc xây dựng nhà máy thép Hán dương, lò cao cận đại hóa của Trung Quốc bắt đầu sản xuất vào tháng 5 năm 1894. Nhà máy có 4 lò cao đều mua trang thiết bị nước ngoài, trình độ kỹ thuật tương đối tiên tiến so với thế giới lúc đó. Tháng 2 năm 1908 nhà máy thép Hán dương cùng mỏ sắt Đại dã hợp nhất với nhà máy luyện khoáng và mỏ Bình hương (Giang tây), trở thành một xí nghiệp liên hợp gang thép đầu tiên có quy mô lớn hiện đại nhất châu Á lúc bấy giờ, đạt tới sản lượng 113 ngàn tấn gang và 50 ngàn tấn thép năm 1910.

Thua trận trong cuộc Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất năm 1894 - 1895 là một bước ngoặt đối với triều đình nhà Thanh. Nhật Bản, một nước từ lâu bị người Trung Quốc coi là quốc gia mới của những kẻ cướp biển, đã đánh bại một cách thuyết phục Hạm đội Bắc Hải mới được hiện đại hóa của nước láng giềng to lớn khiến triều đình nhà Thanh phải mất mặt.

Khi đã đánh bại Trung Quốc, Nhật Bản trở thành nước châu Á đầu tiên gia nhập vào hàng ngũ các cường quốc trước đó chỉ gồm các nước phương Tây. Thất bại này là một sự sửng sốt đối với triều đình nhà Thanh đặc biệt khi họ chứng kiến hoàn cảnh xảy ra của nó chỉ ba thập kỷ sau khi Nhật Bản tiến hành các cuộc Minh Trị cải cách biến nước này có khả năng ganh đua với các nước phương Tây về các thành quả kinh tế và kỹ thuật của họ.

Cuối cùng vào tháng 12 năm 1894 chính phủ nhà Thanh đưa ra một số bước kiên quyết nhằm cải cách thể chế quân sự và đào tạo lại một số đơn vị đã được lựa chọn nhằm tây phương hóa trình độ tác chiến, vũ khí và chiến thuật của họ. Các đơn vị đó được gọi là Tân thức lục quân (新式陸軍 Quân đội kiểu mới). Kết quả thành công nhất của việc này là Bắc Dương Quân (北洋軍) nằm dưới sự giám sát và điều khiển của cựu chỉ huy Hoài Quân, vị tướng người Hán Viên Thế Khải (袁世凱), người đã tận dụng vị trí của mình để trở thành một Tổng thống Cộng hòa độc tài và cuối cùng thành một vị hoàng đế trong thời gian ngắn của Trung Quốc.

Xã hội

Tư bản nước ngoài xâm nhập

Điều ước Nam Kinh mở đường cho tư bản nước ngoài tràn vào Trung Quốc. Năm 1845 nước Anh mở tuyến đường thủy từ thủ đô Luân Đôn (Anh) đến Trung Quốc, sau đó xây dựng ụ tàu ở Quảng Châu (Quảng Đông) để sửa chữa tàu thuyền, đó là hoạt động công nghiệp đầu tiên của tư bản nước ngoài hình thành ở Trung Quốc. Ít lâu sau các thương nhân Anh, Mỹ cũng mở xưởng sửa chữa tàu và lập ụ tàu ở Thượng Hải, Hạ Môn, Phúc Châu, về sau tư bản nước ngoài lũng đoạn ngành hàng hải của Trung Quốc. Trong thời gian từ năm 1862 đến 1875 số vốn của thương nhân Anh và Mỹ đầu tư trong ngành hàng hải lên tới 256 vạn lạng bạc.

Sau khi điều ước Ái huy được ký kết năm 1858 thương nhân Nga được quyền hoạt động ở Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 1863 các thương nhân Nga mở xưởng chế biến chè tại Hán Khẩu (Hồ Bắc), Cửu Giang (Giang Tây), Phúc Châu (Phúc Kiến) cạnh tranh mạnh với ngành sản xuất chè truyền thống của Trung Quốc. Hán Khẩu trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu chè của Trung Quốc, năm 1865 số lượng chè xuất khẩu tại Hán Khẩu là 1400 tấn, đến năm 1875 đã tăng lên 11000 tấn, tức tăng lên 8 lần.

Năm 1862 các thương nhân Anh mở xưởng ươm tơ tại Thượng Hải, sau đó thương nhân Pháp và Mỹ cũng tham gia sản xuất trong ngành này. Các xưởng ươm tơ của tư bản nước ngoài đã phá hoại ngành ươm tơ thủ công nghiệp truyền thống của Trung Quốc. Bên cạnh đó tư bản nước ngoài còn mở những xí nghiệp làm đường, chế biến bột, thuộc da.

Sự hình thành chủ nghĩa tư bản dân tộc

Sau chiến tranh thuốc phiện do sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản ngoại quốc nên công nghiệp dân doanh của Trung Quốc bắt đầu sử dụng máy móc để sản xuất. Năm 1861, thương nhân Phúc Châu mua máy móc nước ngoài để làm chè khối. Năm 1862 hiệu buôn gạo Hồng thịnh ở Thượng Hải bắt đầu dùng máy xát gạo. Năm 1880 thương nhân Nam Hải (Quảng Đông) mở xưởng ươm tơ máy. Các cơ sở công nghiệp quy mô nhỏ đó là bước đầu của ngành công nghiệp kiểu mới do thương nhân làm.

Thương nhân, địa chủ, quan liêu bỏ vốn vào công nghiệp kiểu mới trở thành tiền thân của giai cấp tư sản Trung Quốc. Thương nhân chuyển thành giai cấp tư sản đó là lớp dưới của giai cấp tư sản vì điều kiện khó khăn nên công nghiệp của họ phát triển chậm. Còn địa chủ và quan liêu biến thành giai cấp tư sản là lớp trên vì họ có đặc quyền về chính trị và kinh tế nên công nghiệp của họ phát triển tương đối nhanh. Đối với việc cải cách xã hội giai cấp tư sản lớp dưới có yêu cầu tương đối mạnh.

Lúc mới ra đời, tư sản dân tộc Trung Quốc đã phải chịu hai tầng áp chế của tư sản nước ngoài và thế lực phong kiến trong nước. Một công sứ Anh đã từng nói "việc Trung Quốc sản xuất bằng máy móc sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Anh". Mặt khác nhà Thanh cũng sợ công nghiệp phát triển sẽ tập trung nhiều nhân dân lao động làm lung lay nền thống trị phong kiến của mình. Vì vậy tư sản ngoại quốc và phong kiến trong nước có thái độ thù địch với tư bản dân tộc, do đó tư bản dân tộc Trung Quốc phát triển rất khó khăn và chậm chạp. Trong thời gian 1904 – 1908 có 227 công ty được thành lập nhưng trong số đó chỉ có 72 doanh nghiệp có số vốn lớn hơn 100.000 lạng bạc.

Công nghiệp dệt phát triển rất nhanh chóng, số vốn từ năm 1881 – 1895 tăng gấp 22 lần lên tới 18.047.544 đô la, các nhà máy dệt chủ yếu tại Thượng Hải và Vũ Hán (Hồ Bắc). Tại Vũ Hán có cục dệt vải Hồ Bắc. Tại Thượng Hải có cục dệt Hoa Tân, Hoa Thịnh, nhà máy sợi Dụ Nguyên. Trương Kiển (1853 – 1926) một trong những nhà doanh nghiệp tiên phong trong hoạt động công thương thời kỳ đó, mở xưởng dệt Đại Sinh ở Nam Thông (Giang Tô), các công ty khai khẩn chăn nuôi Thông Hải, công ty tàu thủy Đại Đạt, công ty bột mì Phục Tân, ngân hàng thực nghiệp Hoài Hải.

Văn hóa

Những nỗ lực của các nhà cai trị Mãn Châu, từ khi bắt đầu cai trị, đã bị đồng hóa vào văn hóa Trung Quốc đã tạo ra thái độ chính trị và văn hóa Nho giáo bảo thủ mạnh mẽ trong xã hội chính thức và kích thích một thời kỳ tuyệt vời của việc thu thập, biên mục và bình luận về các truyền thống của quá khứ.

Văn học

Cuộc chinh phạt Trung Quốc bản thổ của người Mãn, người từ vùng Đông Bắc Trung Quốc, người thiết lập triều đại nhà Thanh vào năm 1636, đã không phá vỡ sự tiếp nối của các xu hướng chính trong văn học truyền thống[i]. Chủ nghĩa cổ xưa thống trị văn học như trước đây, và thơ văn xuôi xuất sắc và các bậc thầy thời trung cổ tiếp tục được viết, nhiều tác phẩm đối nghịch với bản gốc về vẻ đẹp cổ xưa và nhịp điệu. Mặc dù sự khéo léo trong văn chương là tuyệt vời, sự sáng tạo thực sự là rất hiếm.

Thơ và văn xuôi phi hư cấu

Trong lĩnh vực từ (詞) viết, nhà thơ người Mãn thế kỷ 17 Nạp Lan Tính Đức rất nổi tiếng, nhưng thậm chí ông còn lạc lõng với sự bắt chước có ý thức của các người mẫu Nam Tang trừ khi được truyền cảm hứng từ sự rộng lớn của không gian mở và vẻ đẹp của thiên nhiên. Trong văn xuôi phi hư cấu, Kim Thánh Thán tiếp tục hình thức tiểu luận quen thuộc.

Văn xuôi viễn tưởng

Bồ Tùng Linh tiếp tục truyền thống lãng mạn văn xuôi bằng cách viết bằng Cổ Văn (tiếng cổ điển ngôn ngữ) một loạt 431 câu chuyện quyến rũ của người lạ và siêu nhiên có tựa đề Liêu trai chí dị. Bộ sưu tập này, được hoàn thành vào năm 1679, gợi nhớ đến truyền thống truyện văn học đầu tiên, vì nó chứa một số câu chuyện Đường được kể lại với sự tô điểm và thay đổi nhỏ để phân định các nhân vật một cách thực tế hơn và để làm cho cốt truyện có thể xảy ra hơn. Những sinh vật siêu nhiên truyền thống như cửu vĩ hồ, giả sử trong những câu chuyện này hình dạng con người tạm thời trong vỏ bọc của những người phụ nữ xinh đẹp, lần đầu tiên trong tiểu thuyết Trung Quốc được nhân hóa và đáng yêu. Mặc dù có vẻ thành công của những câu chuyện này, tác giả đã sớm nhận ra những hạn chế của phong cách cổ văn đối với việc viết tiểu thuyết và tiến hành sản xuất một cuốn tiểu thuyết bản địa trong số một triệu từ, Tỉnh thế nhân duyên truyện. Câu chuyện dài về một con chuột chù và người chồng sợ vợ của cô đã được kể mà không có bất kỳ gợi ý nào về giải pháp cho những vấn đề của hôn nhân không hạnh phúc. Không chắc chắn về phản ứng của các đồng nghiệp của mình đối với việc sử dụng tiếng địa phương làm phương tiện văn học, Bố Tùng Linh đã có cuốn tiểu thuyết Trung Quốc dài nhất này của trường cũ được xuất bản dưới bút danh.

Ngô Kính Tử đã châm biếm văn học thế kỷ 18 trong một kiệt tác hiện thực, Nho lâm ngoại sử (khoảng năm 1750), 55 chương lỏng lẻo xâu chuỗi lại với nhau theo kiểu lãng mạn hư cấu. Không giống như Bố Tùng Linh, người mà ông vượt xa cả về lời kể và tính cách, ông chấp nhận tiếng bản địa làm phương tiện duy nhất của mình để viết tiểu thuyết.

Được biết đến nhiều hơn và được đọc rộng rãi hơn là Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần, một cuốn tiểu thuyết về mối tình tay ba và sự sụp đổ của một đại gia đình, cũng được viết bằng tiếng bản địa và là tác phẩm xuất sắc đầu tiên của tiểu thuyết Trung Quốc với một kết thúc bi thảm. Bởi vì các mô tả dài về các cuộc thi thơ, làm gián đoạn câu chuyện kể, có vẻ mệt mỏi, đặc biệt đối với độc giả không phải người Trung Quốc, chúng đã bị xóa phần lớn trong các bản dịch phương Tây. Tuy nhiên, một số nhà phê bình phương Tây đã coi nó là một trong những tiểu thuyết hay nhất thế giới.

Kịch

Trong kịch, truyền kỳ của nhà Minh được tiếp tục một cách xứng đáng bởi một số nhà thơ hàng đầu của trường phái thông thường, mặc dù toàn bộ các tác phẩm kịch tính của họ đã thất bại trong việc thu hút quần chúng. Đến cuối thế kỷ 18, các bộ phim truyền hình dân gian của nhiều địa phương bắt đầu trở nên phổ biến, cuối cùng hội tụ tại các rạp chiếu phim Bắc Kinh và tạo ra những gì được coi là phim truyền hình Bắc Kinh, một sản phẩm tổng hợp tiếp tục làm hài lòng khán giả lớn ở Trung Quốc.

Nghệ thuật thủ công

 
Một chiếc bình gốm từ thời Càn Long

Đồ thủ công trang trí từ chối các thiết kế ngày càng lặp đi lặp lại, mặc dù các kỹ thuật, đáng chú ý là chạm khắc ngọc bích, đạt đến trình độ cao. Nhiều kiến ​​trúc còn tồn tại; mặc dù nó thường được hình thành rất lớn, nhưng nó có xu hướng tạo ra khối lượng trơ ​​với sự trang trí quá mức

Sứ thể hiện sự tinh thông kỹ thuật cao ngay cả với sự xóa sạch gần như toàn bộ bất kỳ dấu vết nào của bàn tay thợ gốm. Trong số những đổi mới của thời kỳ này là sự phát triển của các loại men màu như màu đỏ đồng, được gọi là thổi hồng của người Trung Quốc và màu đỏ nâu, của người Pháp và hai loại đồ sứ được sơn, được biết đến ở châu Âu với tên famille vertefamille rose, từ màu xanh lá cây và màu hồng chủ yếu của chúng.

Âm nhạc

Trong âm nhạc, sự phát triển đáng chú ý nhất của triều đại có lẽ là sự phát triển của kinh kịch, hay opera Bắc Kinh, trong nhiều thập kỷ vào cuối thế kỷ 18. Phong cách này là sự pha trộn của một số truyền thống nhà hát âm nhạc trong khu vực, sử dụng nhạc cụ đệm tăng lên đáng kể, thêm sáo, đàn luýtvỗ tay, một số trống, nhạc cụ hơi, chũm chọechiêng, một trong số đó được thiết kế như để tăng lên nhanh chóng trong cao độ khi bị tấn công, tạo ra hiệu ứng âm điệu trượt trượt của nhóm đã trở thành một đặc điểm quen thuộc của thể loại này. Kinh kịch—có nguồn gốc thực sự ở nhiều vùng chứ không phải ở Bắc Kinh, sử dụng ít giai điệu hơn so với các hình thức khác mà lặp lại chúng với lời bài hát khác nhau. Nó được cho là đã đạt được tầm vóc vì sự bảo trợ của Từ Hi Thái hậu, nhưng từ lâu nó đã rất phổ biến với người dân.

Thế phả nhà Thanh

Thế phả quân chủ nhà Thanh
quá kế
Thanh Thủy Tổ
Bố Khố Lý Ung Thuận
Phạm Sát
Thanh Triệu Tổ
Mạnh Đặc Mục
Sung Thiện
Thỏa LaTích Bảo Tề Thiên Cổ
Thanh Hưng Tổ
Phúc Mãn
Thanh Cảnh Tổ
Giác Xương An
?–1583
Thanh Hiển Tổ
Tháp Khắc Thế
?–1583
Thanh Thái Tổ
Nỗ Nhĩ Cáp Xích
1559–1616–1626
Trang Thân vương
Thư Nhĩ Cáp Tề
1564–1611
Lễ Thân vương
Đại Thiện
1583–1648
Thanh Thái Tông
Hoàng Thái Cực
1592–1626–1643
Duệ Thân vương
Đa Nhĩ Cổn
1612–1650
Dự Thân vương
Đa Đạc
1614–1649
Trịnh Thân vương
Tế Nhĩ Cáp Lãng
1599–1655
Khắc Cần Quận vương
Nhạc Thác
1599–1639
Dĩnh Thân vương
Tát Cáp Lân
1604–1636
Túc Thân vương
Hào Cách
1609–1647
Trang Thân vương
Thạc Tắc
1627–1654
Thanh Thế Tổ
Phúc Lâm
1638–1643–1661
Thuận Thừa Quận vương
Lặc Khắc Đức Hồn
1619–1652
Thanh Thánh Tổ
Huyền Diệp
1654–1661–1722
Thanh Thế Tông
Dận Chân
1678–1723–1735
Di Thân vương
Dận Tường
1686–1730
Thanh Cao Tông
Hoằng Lịch
1711–1735–1796
Thanh Nhân Tông
Ngung Diễm
1760–1796–1820
Khánh Hi Thân vương
Vĩnh Lân
1766–1820
Thanh Tuyên Tông
Mân Ninh
1782–1820–1850
Đôn Thân vương
Miên Khải
1795–1838
Thụy Thân vương
Miên Hân
1805–1828
Bối tử
Miên Đễ
1811–1849
Bất nhập bát phân
Phụ quốc công
Miên Tính
1814–1879
Thanh Văn Tông
Dịch Trữ
1831–1850–1861
Cung Thân vương
Dịch Hân
1833–1898
Thuần Thân vương
Dịch Hoàn
1840–1891
Đôn Thân vương
Dịch Thông
1831–1889
Thụy Quận vương
Dịch Chí
1827–1850
Khánh Thân vương
Dịch Khuông
1838–1917
Thanh Mục Tông
Tái Thuần
1856–1861–1875
Thanh Đức Tông
Tái Điềm
1871–1875–1908
Thuần Thân vương
Tải Phong
1883–1951
Đoan Quận vương
Tái Y
1856–1922
Thanh Cung Tông
Phổ Nghi
1906–1908–1912–1967
Phổ Tuấn
1885–1942


Xem thêm

Ghi chú

  1. ^ tiếng Trung: 盛京; bính âm: Shèng Jīng; tiếng Mãn: ᠮᡠᡴ᠋ᡩᡝᠨ, Möllendorff: Mukden, Abkai: Mukden, kinh đô của Hậu Kim từ 1625; kinh đô thứ hai từ sau 1644.
  2. ^ tiếng Trung: 北京; bính âm: Běi Jīng; tiếng Mãn: ᠪᡝᡤᡳᠩ, Möllendorff: Beging, Abkai: Beging, kinh đô chính thức.
  3. ^ Đại Thanh là quốc hiệu chính thức, xuất hiện trong một số văn bản như Điều ước Nam Kinh; "Đại Thanh quốc" xuất hiện trong Hiệp ước Tân Sửu; "Đại Thanh Đế quốc" lần đầu tiên xuất hiện trong Hiệp ước Shimonoseki và các văn bản như Khâm định hiến pháp đại cương; "Trung Hoa Đại Thanh quốc" xuất hiện trong Hiệp ước Thiên TânHiệp ước Vọng Hạ. Nhưng trong các hiệp ước, chính phủ nhà Thanh thường tự xưng "Trung Quốc", tức chỉ chính phủ nhà Thanh, như khoản 2 của Công ước giữa Anh và Trung Quốc về việc tôn trọng Tây Tạng: "Nhà nước Anh quốc đồng ý không chiếm đóng lãnh thổ Tây Tạng và không can thiệp vào mọi hoạt động chính trị ở Tây Tạng. Nhà nước Trung Quốc cũng hứa sẽ không cho phép các nước ngoài khác can thiệp vào Tây Tạng và mọi hoạt động quản trị nội bộ của Tây Tạng". Hay như trong Điều ước Nam Kinh: "Bất cứ người Trung Quốc nào đang sống ở thị trấn của Anh,... Sau khi hàng hóa được trả ở một cảng nhất định theo luật, thương nhân Trung Quốc được phép vận chuyển chúng đi khắp thế giới, và con đường thông qua hải quan sẽ không tăng thuế, chỉ Theo các quy tắc định giá, cứ hai lần thì có một số lần tăng thuế...". Mà lúc ấy, các quốc gia phương Tây cũng sử dụng từ "China" (hay các từ tương ứng theo từng quốc gia, như "Chine" trong tiếng Pháp) để gọi triều Thanh. Sau khi nhà Thanh bị lật đổ, Đế quốc Nhật Bản cũng từng gọi Trung Hoa Dân Quốc là "China Cộng hòa quốc" trong một khoảng thời gian dài, mãi đến sau Thế chiến thứ 2 mới thay đổi. Ngoài ra, trong tác phẩm "Bảo tỷ thời Thanh" do Bảo tàng Cố cung phát hành[4] cũng có ghi nhận Ngọc tỷ "Đế quốc Đại Thanh" đã từng được sử dụng.
  4. ^ Là cách gọi dân gian, có khi chứa nghĩa xấu.[5] Năm 1956, Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ban hành "Thông báo của Quốc vụ viện về việc không sử dụng xưng hô "Mãn Thanh" trong các bài viết, báo và tạp chí", nó cũng thường được sử dụng bởi truyền thông của Mông Cổ.[6]
  5. ^ Có học giả nhận định rằng, vì nhà Thanh phổ biến chính sách văn tự ngục và「thủ sùng Mãn Châu[9][10], nên Khang Càn thịnh thế cũng không mang nghĩa thịnh thế thực sự[11], cũng có học giả cho rằng, học thuật thời Thanh có giá trị cực lớn đối với học thuật Trung Quốc, như "Tập dật học" thời Thanh đã sửa chữa và phục hồi không ít các văn hiến, tác phẩm cổ đại đã thất truyền.[12] Văn nhân thời Thanh tôn sùng thực học, chú trọng tinh thần khảo biện và khảo chứng, đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của Hán học.[13]
  6. ^ "thanh" ở đây có nghĩa là "xanh"
  7. ^ Từ "Đại Thanh toàn thư", "Ngự chế Thanh văn giám" đến "Ngũ thể Thanh văn giám" và "Mãn Mông văn giám", bên trong hoàn toàn không có từ miêu tả liên quan, trong ngôn ngữ Mông Cổ xưa cũng không có cách dùng này.[21]
  8. ^ Trong văn bản tiếng Mãn của Điều ước Nerchinsk, cũng chọn dùng xưng hô "Trung Quốc đích Chí Thánh Hoàng đế" hoặc "Trung Quốc đích Đại Thánh Hoàng đế" tiếng Mãn: ᡩᡠᠯᡳᠮᠪᠠᡳ
    ᡤᡠᡵᡠᠨ ‍‍ᡳ
    ᡝᠨᡩᡠᡵᡳᠩᡤᡝ
    ᡥᡡᠸᠠᠩᡩᡳ
    , Abkai: Dulimbai Gurun-i enduringge xôwangdi.
  9. ^ Tuy nhiên, trong thời kỳ nghiên cứu văn học của thế kỷ 18, tuy nhiên, nhiều cuốn sách nghi ngờ về tình cảm chống Mãn đã bị phá hủy, và nhiều nhà văn đã bị cầm tù, lưu đày hoặc bị xử tử

Chú thích

  1. ^ Elliott (2001), tr. 290–291.
  2. ^ a b c Taagepera, Rein (tháng 9 năm 1997). “Expansion and Contraction Patterns of Large Polities: Context for Russia” (PDF). International Studies Quarterly. 41 (3): 500. doi:10.1111/0020-8833.00053. JSTOR 2600793. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 7 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2020.
  3. ^ Maddison (2007), tr. 44.
  4. ^ “BabelStone: Seals: Precious Seals of the Qing Dynasty”. BabelStone. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 6 năm 2016. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2016.
  5. ^ Từ Anh Hoa. 遥远的绿荫. Quyển 2008. Văn học Mãn tộc.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  6. ^ “Манж Чин гүрний 200 жилийн дарлалаас гарч, эрх чөлөөгөө тунхагласан өдөр”. chuhal.mn. 29 tháng 12 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2016.
  7. ^ Trương Hiểu Minh (ngày 3 tháng 3 năm 2011). Chinese Furniture: Exploring China's Furniture Culture (ấn bản thứ 3). Nhà xuất bản Đại học Cambridge. tr. 22. ISBN 9780521186469.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết) Quản lý CS1: ngày tháng và năm (liên kết)
  8. ^ William J. Duiker (2018). The Essential World History. Jackson J. Spielvogel. Wadsworth Publishing. tr. 411. ISBN 978-1133606581.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết) Quản lý CS1: khác (liên kết)
  9. ^ Lưu Tiểu Manh (2008), tr. 206.
  10. ^ Chu Mẫn (2008). 首崇满洲——清朝的民族本位思想 ["Thủ sùng Mãn Châu" - tư tưởng dân tộc chuẩn mực của triều đại nhà Thanh]. Thương Tang.
  11. ^ Tiễn Mục (ngày 27 tháng 4 năm 2018). “第五講 清代” [Quyển 5: đời Thanh]. 中國歷代政治得失 [Những được - mất trong chính trị của Trung Quốc]. Đông đại. ISBN 9789571931579.Quản lý CS1: ngày tháng và năm (liên kết)
  12. ^ Lương Khải Siêu (1998). 清代學術概論 [Đại cương về học thuật thời Thanh]. Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải. ISBN 9787532523054.
  13. ^ Trương Lập Văn (2004). 中国学术通史 [Trung Quốc học thuật thông sử]. Quyển thời Thanh. Nhà xuất bản Nhân dân. ISBN 9787010042756.
  14. ^ Chu Quốc Trinh (thời Minh) (tháng 11 năm 2012). “「國號」” [Quốc hiệu]. 湧幢小品 [Dũng tràng tiểu phẩm]. Quyển 2. Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải. ISBN 9787532563173. 國號上加大字,始於大元,我朝因之。......其言大漢大唐大宋者,乃臣子及外夷尊稱之詞。"除此以外,辽朝金朝大順大西等亦曾在国号上加大字,但它们皆非中国历史上的大一统王朝。
  15. ^ Từ Tuấn (2000), tr. 308-313.
  16. ^ Crossley (1997), tr. 212–213.
  17. ^ Elliott (2001), tr. 402, chú thích 118.
  18. ^ Viện nghiên cứu Mông Cổ học Đại học Nội Mông Cổ (1999), tr. 1122.
  19. ^ Bảo Minh. “大清国号词源词义试探” [Thăm dò về ý nghĩa từ nguyên của quốc hiệu Đại Thanh] (bằng tiếng Trung). 大连: Học viện Dân tộc Đại Liên. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2021.
  20. ^ Trương Thế Minh (13 tháng 5 năm 2006). “传统考据与跨语际分析:对一个世纪性学术争论问题的求解私见” (bằng tiếng Trung). Bắc Kinh: Sở nghiên cứu Thanh sử, Đại học Nhân dân Trung Quốc. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 6 năm 2019.
  21. ^ Trần Minh; Chu Hán Dân (ngày 1 tháng 12 năm 2017). Lý Cần Phác (biên tập). 原道 [Nguyên đạo]. Tập 33. Nhà xuất bản Đại học Hồ Nam. ASIN B07BN7X88T. ISBN 978-7566714794.Quản lý CS1: ngày tháng và năm (liên kết)
  22. ^ Hoàng Hưng Đào (4 tháng 11 năm 2010). “满人早期对中国尊称"天朝" 入关后自称"中国" [Ban đầu người Mãn tôn Trung Quốc là thiên triều, sau khi nhập quan thì tự nhận là Trung Quốc]. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 10 năm 2010. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2020.
  23. ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1764), Quyển 56: Triều cống: 夫 对远人颂述朝廷, 或称天朝, 或称中国, 乃一定之理.
  24. ^ Zhao (2006), tr. n 4, 7–10, and 12–14.
  25. ^ Từ Tuấn (2000), tr. 27.
  26. ^ Zhao (2006), tr. 3–30.
  27. ^ Elliott (2001), tr. 503.
  28. ^ Cassel (2012), tr. 44 and 205.
  29. ^ Crossley (1997), tr. 3.
  30. ^ Ebrey (2010), tr. 220.
  31. ^ Con số chính xác về lực lượng của Li Zicheng trong trận chiến Sơn Hải quan đang bị tranh cãi. Một số nguồn chính, chẳng hạn như lịch sử của triều đình nhà Thanh và nhà Minh (tiếng Trung: 《清世祖實錄》, 《明史》), chú thích 200.000.
  32. ^ Spence (2012), tr. 32.
  33. ^ Kaske (2008), tr. 235.
  34. ^ Summary accounts can be found in Spence, In Search of Modern China, pp. 230–235; Keith Schoppa, Revolution and Its Past, pp. 118–123; and Immanuel Hsu, Ch 16, "The Boxer Uprising," The Rise of Modern China (1990).

Tham khảo

Tiếng Việt
Tiếng Anh

Đọc thêm

Liên kết ngoài

Tiền nhiệm
Nhà Minh
Triều đại Trung Quốc
1644–1912
Kế nhiệm
Trung Hoa Dân Quốc
(xem thêm Chính phủ Bắc Dương)