Trung Quốc bản thổ
Trung Quốc bản thổ (tiếng Anh: China proper) hay Mười tám tỉnh (tiếng Anh: Eighteen Provinces)[1] từng là một thuật ngữ được các tác giả phương Tây sử dụng thời nhà Thanh để thể hiện một sự phân biệt giữa phần lõi và các vùng biên thùy Trung Quốc ổn định từ thời nhà Tần đến nhà Minh. Trung Quốc bản thổ không có phạm vi cố định do có nhiều thay đổi hành chính, văn hóa và ngôn ngữ trong lịch sử Trung Quốc. Có định nghĩa coi Trung Quốc bản thổ là khu vực ban đầu của nền văn minh Trung Hoa ngày nay, tức Trung Nguyên; trong khi lại có định nghĩa là gồm phạm vi "Mười tám tỉnh" (lãnh thổ nhà Minh ổn định, trước 1644) nhà Thanh. Dù Trung Nguyên hay Minh thì cũng chưa gồm Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, Mãn Châu, Thanh Hải, đảo Đài Loan.
Nguồn gốc của khái niệm
sửaKhông rõ thời điểm khái niệm "Trung Quốc bản thổ" đã xuất hiện trong thế giới phương Tây là khi nào. Theo Harry Harding, khái niệm này có thể được đề cập đến từ năm 1827.[2] Song từ năm 1795, William Winterbotham đã đưa khái niệm này vào sách của ông. Khi miêu tả đế quốc Trung Hoa dưới thời nhà Thanh, Winterbotham đã phân chia cương vực đế quốc này thành ba phần: Trung Quốc bản thổ, Tartary Trung Hoa, và các nước triều cống cho Trung Quốc. Ông đã chấp thuận các ý kiến của Du Halde và Grosier và nghi ngờ rằng tên gọi "China" xuất phát từ thời nhà Tần (và đây cũng là triều đại đã ấn định biên giới phía Bắc và mở rộng xuống phía Nam cho Trung Quốc bản thổ).[3]
Tuy nhiên, khi đưa vào thuật ngữ Trung Quốc bản thổ, Winterbotham vẫn sử dụng hệ thống 15 tỉnh đã lỗi thời của nhà Minh, tức hệ thống mà nhà Thanh vẫn sử dụng cho đến năm 1662. Mặc dù nhà Minh cũng đã có 15 đơn vị hành chính địa phương căn bản, Winterbotham đã sử dụng các tên gọi tỉnh Giang Nam (江南), tỉnh này được gọi là Nam Trực Lệ (南直隶) vào thời nhà Minh và được đổi tên thành Giang Nam vào năm 1645, năm thứ hai sau khi nhà Thanh thay thế nhà Minh. Hệ thống 15 tỉnh đã dần được thay thế bằng hệ thống 18 tỉnh từ năm 1662 đến 1667. Việc sử dụng hệ thống 15 tỉnh và tên gọi Giang Nam đã thể hiện rằng Trung Quốc bản thổ có thể đã xuất hiện từ năm 1645 đến 1662 và khái niệm này có thể là được dùng để xác định lãnh thổ Trung Quốc của nhà Minh trước đây sau khi bị người Mãn chinh phục.
Vào thế kỷ 19, thuật ngữ "Trung Quốc bản thổ" thỉnh thoảng cũng được các quan lại Trung Hoa sử dụng khi họ giao thiệp bằng tiếng ngoại. Ví dụ, đại sứ nhà Thanh tại nước Anh Tăng Kỉ Trạch (曾紀澤) đã sử dụng nó trong một bài viết tiếng Anh mà ông xuất bản vào năm 1887.[4]
Phạm vi
sửaKhông có phạm vi cố định cho Trung Quốc bản thổ, vì nó được sử dụng để thể hiện sự tương phản giữa vùng lõi và vùng ngoại biên của Trung Quốc trên các mặt về lịch sử, hành chính, văn hóa và ngôn ngữ.
Quan điểm lịch sử
sửaMột cách để suy nghĩa về Trung Quốc bản thổ là tham khảo về các triều đại xưa của người Hán. Nền văn minh Trung Hoa phát triển từ một vùng gốc tại Trung Nguyên, và mở rộng ra trong vài ngàn năm, chinh phục và đồng hóa những dân tộc xung quanh, hoặc lại trở thành đối tượng bị chinh phục và bị ảnh hưởng. Một số triều đại như nhà Hán và nhà Đường thậm chí đã mở rộng lãnh thổ đến tận vùng Trung Á, trong khi các triều đại còn lại như nhà Tấn và nhà Tống thì lại bị buộc phải từ bỏ Trung Nguyên trước các đối thủ đến từ vùng Đông Bắc và Trung Á.
Nhà Minh là triều đại cuối cùng của người Hán. Triều đại này quản lý 15 đơn vị hành chính, trong đó có 13 tỉnh (布政使司, bố chính sứ ti) và hai khu vực "trực lệ". Sau khi nhà Thanh của người Mãn chinh phục Trung Hoa, triều đình nhà Thanh đã quyết định tiếp tục sử dụng hệ thống hành chính của nhà Minh để quản lý vùng đất cũ của Minh, song không áp dụng tại các lãnh địa khác của nhà Thanh là Mãn Châu, Mông Cổ, Tân Cương và Tây Tạng. 15 đơn vị hành chính từ thời Minh đã trải qua nhiều cải cách nhỏ và cuối cùng trở thành Mười tám tỉnh (一十八行省, Mười tám hành tỉnh hay 十八省 Mười tám tỉnh). Mười tám tỉnh này được các nguồn phương Tây ban đầu gọi là Trung Quốc bản thổ.
Có một số khác biệt nhỏ giữa phạm vi của Trung Quốc thời nhà Minh và phạm vi của Mưới tám tỉnh thời nhà Thanh: ví dụ, một số bộ phận của Mãn Châu trước đây đã thuộc sở hữu của tỉnh Liêu Đông nhà Minh nhưng quân Thanh đã chinh phục chúng trước phần còn lại của Trung Hoa và không đưa khu vực này vào một tỉnh nào của Trung Quốc bản thổ, tuy nhiên nó được tách ra vào năm 1885. Khác còn là Đài Loan là vùng đất mới được nhà Thanh giành được, và hòn đảo được gộp vào tỉnh Phúc Kiến, một tỉnh của Trung Quốc bản thổ. Phần phía đông của Kham thuộc Đại Tây Tạng được gộp vào Tứ Xuyên, còn nhiều nơi nay là phía bắc Myanmar được gộp vào Vân Nam.
Gần cuối thời nhà Thanh, có một nỗ lực để mở rộng hệ thống các tỉnh của Trung Quốc bản thổ ra các phần còn lại của đế quốc. Đài Loan trở thành một tỉnh riêng biệt vào năm 1885; song lại nhượng cho Nhật Bản vào năm 1895. Tân Cương được tái tổ chức thành một tỉnh vào năm 1884. Mãn Châu bị chia thành ba tỉnh Phụng Thiên, Cát Lâm và Hắc Long Giang vào năm 1907. Cũng có thảo luận về lập tỉnh tại Tây Tạng, Thanh Hải, Nội Mông và Ngoại Mông, song những đề xuất đó đã không được thực hiện, và các khu vực này nằm ngoài hệ thống tỉnh của Trung Quốc bản thổ khi nhà Thanh sụp đổ vào năm 1912.
Các tỉnh thời nhà Thanh là:
Mười tám tỉnh | |
---|---|
Các tỉnh được lập thêm cuối thời Thanh | |
|
Một số nhà cách mạng tìm cách lật đổ quyền cai trị của nhà Thanh với mong muốn thiết lập ra một nhà nước độc lập bên trong giới hạn của Mười tám tỉnh, được chứng tỏ bằng lá cờ 18 sao mà họ sử dụng. Còn những người khác thì ủng hộ việc thay thế toàn bộ triều Thanh bằng một nước cộng hòa mới, được chứng tỏ bằng lá cỡ ngũ sắc mà họ sử dụng. Một số nhà cách mạng, như Trâu Dung (鄒容), đã sử dụng thuật ngữ tương đương với Trung Quốc bản thổ là Trung Quốc bản bộ (中国本部), gần tương ứng với Mười tám tỉnh.[5] Khi nhà Thanh sụp đổ, chiếu thoái vị của hoàng đế nhà Thanh chính thức truyền lại toàn bộ đế quốc cho Trung Hoa Dân Quốc, và chính sách chính yếu của nước cộng hòa là Ngũ tộc cộng hòa, Ngũ tộc đề cập đến người Hán, Mãn, Mông Cổ, Hồi (các dân tộc theo Hồi giáo nói chung) và người Tạng. Cờ năm sọc trở thành quốc kỳ, và Trung Hoa Dân Quốc tự nhìn nhận mình là nhà nước duy nhất của cả năm khu vực dưới quyền cai quản của nhà Thanh. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được thành lập vào năm 1949 và thay thế Trung Hoa Dân Quốc tại đại lục, vẫn tiếp tục tuyên bố ranh giới cơ bản này, với chỉ ngoại lệ chính là công nhận Mông Cổ (Ngoại Mông) và Tannu Uriankhai (nay là Cộng hòa Tuva của Nga) độc lập. Do vậy, thuật ngữ Trung Quốc bản thổ không còn được sử dụng nhiều tại Trung Quốc.
Mười tám tỉnh dưới thời nhà Thanh vẫn tồn tại, song ranh giới giữa chúng đã thay đổi chút ít. Bắc Kinh và Thiên Tân đã tách khỏi Hà Bắc (đổi tên từ Trực Lệ), Thượng Hải tách khỏi Giang Tô, Trùng Khánh tách khỏi Tứ Xuyên, Ninh Hạ tách khỏi Cam Túc, và Hải Nam tách khỏi Quảng Đông. Quảng Tây nay là một khu tự trị. Các tỉnh được thành lập vào cuối thời nhà Thanh vẫn được giữ: Tân Cương trở thành một khu tự trị, còn ba tỉnh Mãn Châu nay có ranh giới biến đổi khá lớn, trong đó Phụng Thiên được đổi tên thành Liêu Ninh.
Quan điểm dân tộc
sửaTrung Quốc bản thổ thường được liên hệ với người Hán (tên gọi của người Hoa Hạ có từ thời nhà Hán), dân tộc chiếm đa số và có ảnh hưởng nhất tại Trung Quốc, và phạm vi của tiếng Hán, một yếu tố quan trọng giúp thống nhất người Hán.
Tuy nhiên, các khu vực của người Hán nay không tương ứng với Mười tám tỉnh thời nhà Thanh. Phần lớn vùng tây nam Trung Quốc, như nhiều khu vực tại Vân Nam, Quảng Tây và Quý Châu có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, như người Choang, người Bạch, người Thổ Gia, người Miêu, hay Bố Y. Người Hán nay chiếm đa số ở ngoài bản thổ tại Đài Loan, hầu hết Mãn Châu, phần lớn Nội Mông, nhiều phần tại Tân Cương và phân bố rải rác tại Tây Tạng, là kết quả do sự khuyến khích di cư vào cuối thời Thanh, Trung Hoa Dân Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Dân tộc Hán không hoàn toàn đồng nhất với những người nói tiếng Hán. Nhiều dân tộc phi Hán, như người Hồi và người Mãn nay chỉ sử dụng tiếng Hán song không nhận mình là người Hán. Bản thân tiếng Hán là một thực thể phức hợp, và có thể được mô tả là một hệ gồm các ngôn ngữ có quan hệ với nhau hơn là một ngôn ngữ đơn nhất nếu tiêu chí hiểu lẫn nhau được sử dụng, chính vì vậy tiếng Quan Thoại (1 loại tiếng Hán phổ thông hiện đại) được áp dụng làm ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc từ thời nhà Minh đến nay.
Xem thêm
sửaChú thích
sửa- ^ “Glossary -- China. Library of Congress Country Studies”. Thư viện Quốc hội Mỹ.
Used broadly to mean China within the Great Wall, with its eighteen historic provinces. Divisible into two major, sharply contrasting regions, north China and south China. The dependencies on the north and west--Manchuria (now usually referred to as northeast China), Mongolia, Xizang (Tây Tạng), and Xinjiang or Chinese Turkestan--were known in the imperial era as Outer China.
- ^ Harding, Harry (1993). "The Concept of 'Greater China': Themes, Variations, and Reservations", in The China Quarterly, 1993, pp. 660–686.
- ^ Winterbotham, William (1795). An Historical, Geographical, and Philosophical View of the Chinese Empire..., London: Printed for, and sold by the editor; J. Ridgway; and W. Button. (pp. 35–37: General Description of the Chinese Empire → China Proper→ 1. Origin of its Name, 2. Extent, Boundaries, &c.)
- ^ Marquis Tseng, "China: The Sleep and the Awakening", The Asiatic Quarterly Review, Vol. III 3 (1887), p. 4.
- ^ Zou, Rong (1903). “Chapter 4”. The Revolutionary Army.
Tham khảo
sửa- Du Halde, Jean-Baptiste (1736). The General History of China. Containing a geographical, historical, chronological, political and physical description of the empire of China, Chinese-Tartary, Corea and Thibet..., London: J. Watts.
- Grosier, Jean-Baptiste (1788). A General Description of China. Containing the topography of the fifteen provinces which compose this vast empire, that of Tartary, the isles, and other tributary countries..., London: G.G.J. and J. Robinson.
- Darby, William (1827). Darby's Universal Gazetteer, or, A New Geographical Dictionary.... Illustrated by a... Map of the United States (p. 154),. Philadelphia: Bennett and Walton.
Liên kết ngoài
sửa- China The Catholic Encyclopedia
- Photographic survey of Outer China