Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2014/01
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Thuyết tương đối rộngThuyết tương đối rộng là lý thuyết hình học của lực hấp dẫn do nhà vật lý Albert Einstein công bố vào năm 1916 và hiện tại được coi là lý thuyết miêu tả hấp dẫn thành công của vật lý hiện đại. Thuyết tương đối tổng quát thống nhất thuyết tương đối hẹp và định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, đồng thời nó miêu tả lực hấp dẫn (trường hấp dẫn) như là một tính chất hình học của không gian và thời gian, hoặc không thời gian. Đặc biệt, độ cong của không thời gian có liên hệ chặt chẽ trực tiếp với năng lượng và động lượng của vật chất và bức xạ. Liên hệ này được xác định bằng phương trình trường Einstein, một hệ phương trình đạo hàm riêng phi tuyến. Nhiều tiên đoán và hệ quả của thuyết tương đối rộng khác biệt hẳn so với kết quả của vật lý cổ điển, đặc biệt khi đề cập đến sự trôi đi của thời gian, hình học của không gian, chuyển động của vật thể khi rơi tự do và sự lan truyền của ánh sáng. Những sự khác biệt như vậy bao gồm sự giãn thời gian do hấp dẫn, thấu kính hấp dẫn, dịch chuyển đỏ do hấp dẫn của ánh sáng, và sự trễ thời gian do hấp dẫn. Mọi quan sát và thí nghiệm đều xác nhận các hiệu ứng này cho tới nay. [ Đọc tiếp ] |
SMS Bayern (1915)SMS Bayern là chiếc dẫn đầu cho lớp thiết giáp hạm Bayern được Hải quân Đế quốc Đức chế tạo trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Chiếc tàu chiến được hạ thủy vào tháng 2 năm 1915 và đưa ra hoạt động vào tháng 7 năm 1916, quá trễ để tham gia trong trận Jutland. Dàn pháo chính của nó bao gồm tám khẩu 38 cm (15 in) trên bốn tháp pháo nòng đôi, là một sự cải tiến đáng kể so với mười khẩu pháo 30,5 cm (12,0 in) trên lớp König dẫn trước. Con tàu được dự định trở thành hạt nhân của một hải đội chiến trận thứ tư cho Hạm đội Biển khơi Đức, bao gồm bốn chiếc cùng lớp. Tuy nhiên cuối cùng chỉ có thêm Baden được hoàn tất; hai chiếc còn lại bị hủy bỏ khi sự ưu tiên được chuyển sang đóng các tàu ngầm U-boat. Do chỉ được đưa vào phục vụ trễ trong chiến tranh, Bayern chỉ có những hoạt động giới hạn. Chiến dịch đầu tiên mà con tàu tham gia là một cuộc tiến quân vào Bắc Hải bị hủy bỏ vào ngày 18-19 tháng 8 năm 1916, chỉ một tháng sau khi nó được ra vào hoạt động. Con tàu cũng tham gia Chiến dịch Albion tại vịnh Riga, nhưng chỉ không lâu sau khi Đức bắt đầu tấn công vào ngày 12 tháng 10 năm 1917, Bayern trúng phải thủy lôi và bị buộc phải rút lui để sửa chữa. Nó bị lưu giữ cùng với hầu hết Hạm đội Biển khơi tại Scapa Flow vào tháng 11 năm 1918 sau khi Thế Chiến I kết thúc. Vào ngày 21 tháng 6 năm 1919, Đô đốc Ludwig von Reuter ra lệnh đánh đắm hạm đội; Bayern chìm lúc 14 giờ 30 phút. Đến tháng 9 năm 1934, con tàu được cho nổi trở lại và được kéo đến Rosyth, nơi nó được tháo dỡ. [ Đọc tiếp ] | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Nguyên tửNguyên tử là đơn vị cơ bản của vật chất chứa một hạt nhân ở trung tâm bao quanh bởi đám mây điện tích âm các electron. Hạt nhân nguyên tử là dạng gắn kết hỗn hợp giữa các proton mang điện tích dương và các neutron trung hòa điện (ngoại trừ trường hợp của nguyên tử hiđrô, với hạt nhân ổn định chỉ chứa một proton duy nhất không có neutron). Electron của nguyên tử liên kết với hạt nhân bởi tương tác điện từ và tuân theo các nguyên lý của cơ học lượng tử. Tương tự như vậy, nhóm các nguyên tử liên kết với nhau bởi liên kết hóa học dựa trên cùng một tương tác này, và tạo nên phân tử. Một nguyên tử chứa số hạt electron bằng số hạt proton thì trung hòa về điện tích, trong khi số electron nếu nhiều hoặc ít hơn thì nó mang điện tích âm hoặc dương và gọi là ion. Nguyên tử được phân loại tuân theo số proton và neutron trong hạt nhân của nó: số proton xác định lên nguyên tố hóa học, và số neutron xác định đồng vị của nguyên tố đó. Tên gọi nguyên tử hóa học mà nay gọi đơn giản là "nguyên tử" là những đối tượng rất nhỏ với đường kính chỉ khoảng vài phần mười nano mét và có khối lượng rất nhỏ tỷ lệ với thể tích của nguyên tử. Chúng ta có thể quan sát nguyên tử đơn lẻ bằng các thiết bị như kính hiển vi quét chui hầm. [ Đọc tiếp ] |
Sao Hải VươngSao Hải Vương là hành tinh thứ tám và xa nhất tính từ Mặt Trời trong Hệ Mặt Trời. Nó là hành tinh lớn thứ tư về đường kính và lớn thứ ba về khối lượng. Sao Hải Vương có khối lượng cao hơn 17 lần khối lượng của Trái Đất và lớn hơn khối lượng của Sao Thiên Vương, xấp xỉ bằng 15 lần của Trái Đất. Sao Hải Vương quay trên quỹ đạo quanh Mặt Trời ở khoảng cách trung bình 30,1 AU, bằng khoảng 30 lần khoảng cách Trái Đất - Mặt Trời. Đặt tên theo vị thần biển cả của người La Mã, nó có ký hiệu thiên văn là ♆, cách điệu cây đinh ba của thần Neptune. Sao Hải Vương là hành tinh đầu tiên được tìm ra bằng tính toán lý thuyết hơn là bởi quan sát thực tế. Do sự thay đổi không lường trước của quỹ đạo Sao Thiên Vương khiến nhà thiên văn Alexis Bouvard kết luận rằng quỹ đạo của nó bị ảnh hưởng bởi nhiễu loạn trong tương tác hấp dẫn với một hành tinh chưa từng biết. Sau đó vào ngày 23 tháng 9 năm 1846, nhà thiên văn Johann Galle thông báo phát hiện ra Sao Hải Vương nằm lệch 1 độ so với vị trí tiên đoán của nhà thiên văn Urbain Le Verrier. Người ta cũng khám phá ra ngay sau đó vệ tinh lớn nhất, Triton, trong khi 12 vệ tinh còn lại chỉ được phát hiện tận trong thế kỷ 20. Cho tới nay, tàu không gian Voyager 2 là tàu duy nhất bay qua Sao Hải Vương vào ngày 25 tháng 8 năm 1989. [ Đọc tiếp ] | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
SMS GoebenSMS Goeben là chiếc thứ hai thuộc lớp tàu chiến-tuần dương Moltke của Hải quân Đế quốc Đức. Nó được hạ thủy vào năm 1911 và được đặt tên theo August Karl von Goeben, vị tướng Phổ từng phục vụ trong cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ. Cùng với con tàu chị em Moltke, Goeben là một phiên bản mở rộng tương tự như thiết kế của chiếc tàu chiến-tuần dương Đức Von der Tann trước đó, nhưng có vỏ giáp được tăng cường và được bổ sung thêm một tháp pháo. So với đối thủ Anh đương thời, lớp Indefatigable, Goeben cùng với con tàu chị em Moltke lớn hơn đáng kể và có vỏ giáp tốt hơn. Nhiều tháng sau khi được đưa ra hoạt động vào năm 1912,Goeben cùng với tàu tuần dương hạng nhẹ Breslau hình thành nên Hải đội Địa Trung Hải (Đức) để tuần tra tại đây trong giai đoạn các cuộc Chiến tranh Balkan. Khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ vào ngày 28 tháng 7 năm 1914, Goeben và Breslau lẫn tránh lực lượng hải quân Anh tại Địa Trung Hải và đi đến Constantinople. Hai con tàu được chuyển cho Đế quốc Ottoman vào ngày 16 tháng 8 năm 1914, và Goeben trở thành soái hạm của Hải quân Ottoman như là chiếc Yavuz Sultan Selim, vốn thường được gọi tắt là Yavuz. Đến năm 1936 nó được chính thức đổi tên thành TCG Yavuz. Nó từng đưa di hài của Mustafa Kemal Atatürk từ Istanbul đến İzmit vào năm 1938. Yavuz tiếp tục là soái hạm của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi nó ngừng hoạt động vào năm 1950. [ Đọc tiếp ] |