Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2012/01
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Đà LạtĐà Lạt là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc vùng Tây Nguyên, Việt Nam. Từ xa xưa, vùng đất này vốn là địa bàn cư trú của những cư dân người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho. Cuối thế kỷ 19, khi tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng dành cho người Pháp ở Đông Dương, Toàn quyền Paul Doumer đã quyết định chọn cao nguyên Lâm Viên theo đề nghị của bác sỹ Alexandre Yersin, người từng thám hiểm tới nơi đây vào năm 1893. Trong nửa đầu thế kỷ 20, từ một địa điểm hoang vu, những người Pháp đã quy hoạch và xây dựng lên một thành phố xinh đẹp với những biệt thự, công sở, khách sạn và trường học, một trung tâm du lịch và giáo dục của Đông Dương khi đó. Trải qua những khoảng thời gian thăng trầm của hai cuộc chiến tranh cùng giai đoạn khó khăn những thập niên 1970–1980, Đà Lạt ngày nay là một thành phố 206 ngàn dân, đô thị loại một trực thuộc tỉnh, giữ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Lâm Đồng. [ Đọc tiếp ] |
Thiết giáp hạm tiền-dreadnoughtThiết giáp hạm tiền-dreadnought là thuật ngữ được dùng chung để chỉ mọi kiểu thiết giáp hạm đi biển được chế tạo từ giữa thập niên 1890 cho đến năm 1905. Thiết giáp hạm tiền-dreadnought thay thế cho các tàu chiến bọc sắt của thập niên 1870 và 1880. Được chế tạo bằng thép và có lớp vỏ giáp bảo vệ làm bằng thép tôi, thiết giáp hạm tiền-dreadnought mang một dàn hỏa lực chính bao gồm pháo hạng nặng bố trí trên những tháp pháo xoay, được hỗ trợ bởi một hoặc nhiều dàn pháo hạng hai nhẹ hơn. Chúng được vận hành bằng động cơ hơi nước ba buồng bành trướng đốt than. Tương phản với tình trạng phát triển hỗn độn những tàu chiến bọc sắt trong những thập niên trước đó, thập niên 1890 chứng kiến hải quân các nước bắt đầu chế tạo thiết giáp hạm theo một thiết kế chung, khi hàng tá tàu chiến toàn thế giới đều bắt chước theo thiết kế lớp Majestic của Anh Quốc. Sự tương tự về kiểu dáng của thiết giáp hạm trong những năm 1890 được nhấn mạnh bởi số lượng gia tăng các tàu chiến được chế tạo. Các thế lực hải quân mới như Đức, Nhật Bản và Hoa Kỳ bắt đầu gầy dựng hạm đội tiền-dreadnought của riêng họ, trong khi hạm đội các nước Anh, Pháp và Nga được bành trướng để đối phó với các mối đe dọa mới. Trận đụng độ quyết định giữa các hạm đội tiền-dreadnought đối địch đã diễn ra giữa Nga và Nhật Bản trong trận Tsushima ngày 27 tháng 5 năm 1905. [ Đọc tiếp ] | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Hải chiến GuadalcanalTrận hải chiến Guadalcanal diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 11 năm 1942, là một trong nhiều trận hải chiến giữa Nhật Bản và quân Đồng Minh (chủ yếu là Hoa Kỳ) trong chiến dịch Guadalcanal kéo dài nhiều tháng tại quần đảo Solomon trong chiến tranh thế giới thứ hai. Trận hải chiến bao gồm nhiều cuộc không kích và đấu pháo giữa các chiến hạm trong suốt bốn ngày, hầu hết ở gần Guadalcanal và đều liên quan đến nỗ lực của Nhật Bản đổ quân lên đảo. Kết quả của trận này là cả hai bên đều bị mất nhiều tàu chiến trong hai trận đánh đêm, trong đó Hoa Kỳ bị hư hại và thiệt hại nặng hơn Nhật Bản. Dù sao, họ đã thành công trong việc đẩy lui được những nỗ lực của Nhật Bản trong việc dùng thiết giáp hạm bắn phá sân bay Henderson Field. Các cuộc không kích của máy bay Đồng Minh cũng đánh chìm được hầu hết tàu vận tải chở quân nhu và ngăn không cho đoàn tàu chở quân tiếp viện của Nhật Bản đến được Guadalcanal. Vì vậy, trận này đã đẩy lùi nỗ lực lớn cuối cùng của Nhật Bản trong việc cố gắng đánh bật lực lượng Đồng Minh ra khỏi Guadalcanal và khu vực gần Tulagi. Hoa Kỳ đã giành được thắng lợi chiến lược cho toàn bộ chiến dịch Guadalcanal trong trận hải chiến này và xoay chuyển tình thế theo hướng có lợi cho mình. [ Đọc tiếp ] |
Nhà hát Lớn Hà NộiNhà hát Lớn Hà Nội tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, vị trí đầu phố Tràng Tiền, không xa hồ Hoàn Kiếm và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Công trình được người Pháp xây dựng vào năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Tác phẩm của hai kiến trúc sư Harlay và Broyer mang nhiều màu sắc, đường nét kiến trúc của các nhà hát ở miền Nam nước Pháp, có cách tổ chức mặt bằng, không gian biểu diễn, cầu thang, lối vào sảnh… giống với các nhà hát ở châu Âu đầu thế kỷ 20. Mặc dù là một công trình kiến trúc mang tính chiết trung, được pha trộn nhiều phong cách, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn mang đậm dáng vẻ Tân cổ điển Pháp, đặc biệt ở kết cấu kiến trúc, kiểu mái hai mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong. Ra đời muộn hơn các nhà hát ở Sài Gòn và Hải Phòng, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội có kiến trúc hoàn chỉnh nhất và trở thành một hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của thành phố Hà Nội. [ Đọc tiếp ] |