Wikipedia:Sách hướng dẫn/Liên kết Wikipedia

Lời nói đầu Sửa đổi Định dạng Liên kết Chú thích Trang thảo luận Điều cần nhớ Đăng ký Tổng kết  

Liên kết các bài viết trong Wikipedia lại với nhau rất là quan trọng. Việc tạo một liên kết rất dễ dàng, cho phép người dùng chuyển ngay sang thông tin liên quan đến bài viết mà họ đang đọc, giúp tăng thêm tính hữu dụng của Wikipedia. Từ đầu quyển sách hướng dẫn này, bạn đã nhấp chuột vào liên kết màu xanh nào chưa? Nếu rồi thì bạn sẽ hiểu ngay sự quan trọng của liên kết trong Wikipedia!

Khi nào nên tạo liên kết?

Thêm các liên kết vào những bài viết mang lại nhiều lợi ích, nhưng quá nhiều liên kết có thể khiến người đọc phân tâm (Phần mở đầu thường có nhiều liên kết hơn so với các mục khác của bài viết). Để tránh việc thêm quá nhiều liên kết, thông thường trong một bài viết bạn chỉ nên tạo ra một liên kết cho từ hay cụm từ xuất hiện lần đầu tiên, ví dụ: bài Tiểu thuyết đã tạo liên kết đến từ "hư cấu" trong lần đầu tiên nó xuất hiện, vậy những từ "hư cấu" còn lại trong bài không cần phải liên kết nữa. Bạn cũng cần cân nhắc khi liên kết đến những từ quá thông dụng như "nước" và "thế giới", mặc dù Wikipedia vẫn có những bài viết riêng về hai từ này, trừ phi những từ đó là các khái niệm trung tâm của bài viết.

Đọc những bài viết khác của Wikipedia sẽ giúp bạn có nhiều kinh nghiệm hơn về các liên kết. Bạn có thể tham khảo qua các bài viết được chọn lọc có chất lượng cao.

Để có thêm thông tin, mời đọc Wikipedia:Cẩm nang biên soạn/Liên kết

Mã nguồn wiki

Cách tạo liên kết

Video hướng dẫn cách dùng các mã wiki cơ bản, bao gồm cách tạo liên kết, giao diện Wikipedia tiếng Anh

Để tạo một liên kết đến các trang khác của Wikipedia (gọi là liên kết wiki), hãy kẹp nó giữa hai dấu ngoặc vuông đôi, giống thế này:

[[Tiếng Anh]]

sau khi bạn đã lưu các sửa đổi, người đọc sẽ thấy nó hiện ra như thế này: Tiếng Anh

Nếu bạn đặt liên kết đến tên một bài viết, nhưng muốn nó hiện ra với một nội dung khác, bạn có thể làm như vậy bằng cánh thêm dấu gạch đứng (gọi là pipe trick) "|" phân ra hai tên (⇧ Shift + dấu gạch chéo ngược \ trên bàn phím, thường nằm bên trái nút đối với các bàn phím hệ tiếng Anh) để hiện văn bản thay thế. Ví dụ:

[[Tiếng Anh|ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới]]

sẽ hiển thị thế này: ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới

Bạn cũng có thể tạo liên kết đến một mục nhất định trong bài viết, ví dụ:

[[tiếng Anh#Sự lan rộng của tiếng Anh hiện đại|sự lan rộng của tiếng Anh hiện đại]]

nó sẽ hiện ra thế này, bạn thử nhấp chuột vào sẽ chuyển trực tiếp đến mục "Sự lan rộng của tiếng Anh hiện đại": sự lan rộng của tiếng Anh hiện đại

Nếu bạn muốn phần nội dung có liên kết khi hiện ra được in đậm hay in nghiêng, hãy kẹp các dấu lược mà bạn học được ở bài trước bao quanh cặp dấu ngoặc vuông đôi, giống thế này:

''[[Chiến tranh và hòa bình]]''

nó sẽ hiện ra như sau: Chiến tranh và hòa bình. Nhớ là đừng để các dấu lược nằm bên trong dấu ngoặc vuông.

Xin kiểm tra lại các liên kết của bạn để đảm bảo nó dẫn đến một bài viết chính xác. Ví dụ trường hợp Hồ Chí Minh sẽ tạo liên kết đến một nhân vật lịch sử, trong khi đó Thành phố Hồ Chí Minh là tên của một đơn vị hành chính. Ngoài ra còn có những "trang định hướng", chúng không phải bài viết mà chỉ làm nhiệm vụ liệt kê các liên kết đến nhiều bài viết có tên tương tự. Một số trang, như Aladdin (định hướng) sẽ rất dễ nhận ra, trong khi các trang khác như tiếng Phúc Kiến lại dùng tựa như một bài viết bình thường. Trường hợp này dùng "pipe trick" sẽ rất hữu ích khi tạo liên kết đến bài viết khác. Ví dụ: viết Nam Định (thành phố) sẽ không hay bằng việc dùng pipe trick để tạo liên kết như sau "thành phố Nam Định", dù hai liên kết này đều dẫn đến cùng một bài viết.

Chèn liên kết

Một cách khác, bạn có thể dùng tính năng chèn liên kết trong thanh công cụ sửa đổi bằng cách ấn biểu tượng Liên kết. Một bảng tương tự hình bên sẽ hiện ra, với "Tựa trang:" là tên chính xác của bài viết cần tạo liên kết; và "Văn bản liên kết:" là nội dung sẽ hiện ra, bạn có thể sửa nội dung khung nếu muốn. Phần mềm sẽ tự động chèn mã thích hợp cho bạn khi nhấn nút "Chèn liên kết".

Xếp thể loại

Bạn có thể xếp một bài viết vào các thể loại gồm những bài viết cùng thuộc chủ đề. Ở gần cuối một trang, hãy gõ [[Thể loại:]], và điền tên thể loại sau dấu hai chấm trước dấu ngoặc vuông. Ví dụ: [[Thể loại:Sách hướng dẫn Wikipedia]].

Việc xếp bài viết vào một thể loại chính xác để người khác có thể dễ dàng tìm thấy bài viết là rất quan trọng. Cách tốt nhất để tìm thể loại phù hợp có thể xếp vào bài viết là xem các trang cùng chủ đề, và kiểm tra những thể loại mà các trang đó đang dùng. Ví dụ: nếu bạn đang viết bài về một loài cây, bạn có thể xem các bài viết về những loài cây khác để tìm những thể loại thích hợp.

Để biết thêm thông tin, xem Wikipedia:Thể loại


Liên kết ngoài

Để thêm một liên kết ngoài mới, chỉ cần gõ, bên trong một cặp dấu ngoặc đơn, URL đầy đủ của liên kết, theo sau bởi một dấu cách, sau đó tới đoạn chữ sẽ hiện ra. Ví dụ:

[http://www.example.com/ Official website]

sẽ cho hiển thị như dưới đây, cùng lúc đó liên kết tới URL đầy đủ mà bạn đã chèn:

Official website

Sửa đổi trực quan

Có thể thêm liên kết thông qua nút trên thanh menu, hoặc bằng cách sử dụng phím tắt Ctrl+K.

Sử dụng menu liên kết hoặc phím tắt sẽ mở ra một hộp thoại cho phép bạn tìm kiếm các liên kết có liên quan bên trong Wikipedia. Ấn ↵ Enter hoặc nút "Xong" sẽ khiến liên kết xuất hiện trên trang sửa đổi theo giao diện trực quan.

Liên kết ngoài (tới trang web khác) có thể được tạo bằng cách sử dụng tab "Trang ngoài" rồi nhập URL vào hộp. Trong các bài viết, liên kết ngoài thường chỉ nên được để trong mục Liên kết ngoài, ở cuối cùng của trang.

Để có thêm thông tin, mời đọc Wikipedia:Bộ quy tắc giản lược
Thực hành những gì đã học ở chỗ thử
Tiếp tục đọc sách hướng dẫn: Thêm chú thích nguồn gốc