Chữ Quốc ngữ
Chữ Quốc ngữ là một loại chữ viết tiếng Việt, được ghi bằng tập hợp các chữ cái Latinh và dấu phụ được dùng cùng với các chữ cái đó.[3]. Chữ Quốc ngữ được tạo ra bởi các tu sĩ Dòng Tên Bồ Đào Nha, Ý và Pháp, bằng việc cải tiến bảng chữ cái Latinh và ghép âm dựa theo quy tắc chính tả của văn tự tiếng Bồ Đào Nha[1] và một chút tiếng Ý[4].
Chữ Quốc ngữ | |
---|---|
Thể loại | |
Sáng lập | Các tu sĩ Dòng Tên Bồ Đào Nha và Ý,[1][2] Francisco de Pina tác giả và cũng là sự khởi đầu, sau đó là Alexandre de Rhodes. |
Các ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Hệ chữ viết liên quan | |
Nguồn gốc |
Tên gọi
sửaMuộn nhất là từ năm 1867 đã có người gọi chữ Latinh cho tiếng Việt là chữ quốc ngữ.[5] Trong năm này, Trương Vĩnh Ký xuất bản hai quyển sách về ngữ pháp. Quyển đầu là sách tiếng An Nam viết bằng chữ quốc ngữ về ngữ pháp tiếng Pha Lang Sa (tiếng Pháp) có tên gọi là Mẹo luật dạy học tiếng pha-lang-sa. Trong sách có tên gọi chữ quốc ngự (ngự chứ không phải là ngữ) được dùng để chỉ văn tự Latinh tiếng Việt. Quyển sách thứ hai là sách ngữ pháp tiếng An Nam viết bằng tiếng Pha Lang Sa, có tên gọi là Abrégé de grammaire annamite (Khái yếu ngữ pháp tiếng An Nam). Trong quyển sách tiếng Pha Lang Sa, chữ Latinh tiếng Việt được gọi bằng tiếng Pha Lang Sa là l’alphabet européen (bảng chữ cái châu Âu), les caractères latins (chữ Latinh). Trên Gia Định báo số phát hành ngày 15 tháng 4 cùng năm, khi đề cập tới quyển sách ngữ pháp tiếng An Nam viết bằng tiếng Pha Lang Sa của Trương Vĩnh Ký, tên gọi chữ quốc ngữ đã được sử dụng để chỉ chữ Latinh cho tiếng Việt.[6]
Lịch sử
sửaHình thành
sửaChữ Quốc ngữ được hình thành bởi các tu sĩ Dòng Tên trong quá trình truyền đạo Công giáo tại Việt Nam đầu thế kỷ 17 dưới quy chế bảo trợ của Bồ Đào Nha.[2] Francisco de Pina là nhà truyền giáo đầu tiên thông thạo tiếng Việt, ông đã bắt đầu xây dựng phương pháp ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh.[1] Giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người có công hệ thống hóa và định chế hóa chữ quốc ngữ qua cuốn từ điển Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum in năm 1651 tại Roma.[7] Ông cho biết mình đã biên soạn cuốn từ điển này dựa trên hai từ điển (nay đã thất truyền) của Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa. Các nhà truyền giáo khác đóng góp trong lịch sử sơ khởi của chữ Quốc ngữ có thể kể đến Francesco Buzomi,[8] Christoforo Borri, Girolamo Maiorica, và Antonio de Fontes.
Theo soạn giả Alexandre de Rhodes, ông mượn dấu sắc, huyền, ngã từ tiếng Cổ Hy Lạp mà vẫn không đủ nên phải thêm iota subscriptum (dấu nặng) và dấu hỏi để biểu lộ thanh giọng của tiếng Việt.[9] So sánh ký tự thì âm nh, ch theo tiếng Bồ Đào Nha; gi theo tiếng Ý; còn ph theo tiếng Cổ Hy Lạp. Dấu lưỡi câu ◌᷄ được dùng để thể hiện phụ âm cuối mũi hóa.
Các văn bản thời kỳ này là tài liệu ghi chép quan trọng về cách phát âm của tiếng Việt trung đại. Bên cạnh mục đích thực tiễn là để các nhà truyền giáo học tiếng Việt thuận lợi hơn, chữ Quốc ngữ còn giúp một vài giáo hữu Việt Nam thông qua mẫu tự Latinh làm quen với tiếng Latinh, ngôn ngữ hoàn vũ của Giáo hội Công giáo.[10]
Linh mục Giovanni Filippo de Marini chép lại biên bản hội nghị năm 1645 về mô thức rửa tội có ghi:[11] "Tau rữa mầï nhân danh Cha, uà Con, uà Spirito Santo. Taü lấÿ tên Chuá, tốt tên, tốt danh, tốt tiẽng..."
Chỉnh lý
sửaCuối thế kỷ 18 tại Đàng Trong diễn ra cuộc chỉnh lý khiến chữ Quốc ngữ hầu như giống với ngày nay.[12] Các giáo hữu Đàng Trong đã biên soạn từ điển chữ Quốc ngữ, dưới sự điều phối của Giám mục Bá Đa Lộc Bỉ Nhu (Pierre Pigneau de Behaine).[13] Căn cứ vào bản thảo này, giáo sĩ Jean-Louis Taberd đã biên tập và cho xuất bản năm 1838.[14]
Cuốn tự điển của Bá Đa Lộc được soạn quãng năm 1772–1773 có tên Dictionarium Anamatico-Latinum mới chỉ là bản viết tay (nay còn giữ ở Văn khố Hội Truyền giáo Paris) chứ chưa được in ra. Trong khi đó tự điển của Taberd mang tên Nam Việt–Dương Hiệp Tự vị (tựa Latinh giống với tựa cuốn của Bá Đa Lộc) được in ở Serampore, Ấn Độ.[15] Nó phản ảnh một biến chuyển quan trọng của tiếng Việt trong khoảng thế kỷ XVIII và XIX. So sánh tự điển của Taberd và De Rhodes thì âm "ꞗ" ( ) biến mất, thay thế bằng âm "v" hoặc "b". Những âm "bl", "ml", "pl", "sl", và "tl" cũng biến mất, thay thế bằng "tr", "nh", "l", "s". Lưu ý một số cách viết chính tả cũ vẫn còn gặp ở các văn bản của João de Loureiro đương thời tại Đàng Trong[16] và của Philipphê Bỉnh tại Lisboa vào đầu thế kỷ 19.
Cuốn tự điển có phần phụ lục tựa là "Lời Chúa Tàu và Người Annam vấn đáp cùng nhau" (Dialogus Inter Unum Navis Praevectum et Unum Cocincinensem), trong đó có đoạn như sau:[17]
- Ông đi viếng Quan lớn thì được song thói nước nầy chẳng cho phép thăm đờn bà.
- Tôi cam lòng chìu theo quốc pháp, tôi chẳng có ý làm đều gì nghịch cùng thói phép đất nầy, có tục ngữ rằng: nhập giang tùy khúc nhập gia tùy tục.
Như vậy, dạng chính tả của chữ Quốc ngữ ở lần chỉnh lý này với cách viết không khác mấy thời nay là bước chuẩn hóa chính cuối cùng, các phương án sửa đổi chính tả sau này đều không phổ biến được. Trong hơn 200 năm, Công giáo tại Việt Nam tuy lưu hành chữ Quốc ngữ nhưng vẫn sử dụng chữ Nôm là chủ yếu.[18]
Địa vị chính thức
sửaDo sự thống trị của Hán học ở Việt Nam, chữ Quốc ngữ trên chặng đường hơn 300 năm hình thành và phát triển nhưng chưa đủ phổ biến để coi là văn tự chính thức. Chữ Nôm và chữ Hán vẫn là dạng văn tự chính của tiếng Việt trong mấy trăm năm qua, đang được mọi người trong xã hội sử dụng phổ biến nên không có lý do gì phải bị thay thế. Phải cho tới khi người Pháp xâm lăng, chiếm Nam Kỳ vào cuối thế kỷ 19, thì tên gọi và vị trí "chữ Quốc ngữ" của chữ Latinh cho tiếng Việt mới được xác lập, lúc đó chữ Quốc ngữ mới được bảo hộ để phổ biến, nhằm khiến tiếng Việt đồng văn tự Chữ Latinh với tiếng Pháp, giúp phổ biến tiếng Pháp và Văn hóa Pháp ở Việt Nam. Ngày 22 tháng 2 năm 1869 Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định "bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Hán" trong các công văn ở Nam Kỳ.[19]
Nghị định 82 ký ngày 6 tháng 4 năm 1878 do Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký cũng đề ra mốc hẹn trong 4 năm (tức năm 1882) thì phải chuyển hẳn sang chữ Quốc ngữ:[20]
Kể từ mồng một Tháng Giêng năm 1882 tất cả văn kiện chánh thức, nghị định, quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị... sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ quốc ngữ; nhân viên nào không thể viết thơ từ bằng chữ quốc ngữ sẽ không được bổ nhậm và thăng thưởng trong ngạch phủ, huyện và tổng...
Ngày 1 tháng 1 năm 1879 thì lại có lệnh khẳng định các văn kiện chính thức phải dùng chữ Quốc ngữ. Cũng năm đó chính quyền Pháp đưa chữ Quốc ngữ vào ngành giáo dục, bắt đầu ở các thôn xã Nam Kỳ phải dạy lối chữ này.[19] Để khuyến khích việc truyền bá chữ Quốc ngữ, nhà chức trách thuộc địa Nam Kỳ còn ra nghị định ngày 14 Tháng 6 năm 1880 giảm hoặc miễn thuế thân và miễn sưu dịch cho thân hào hương lý nếu họ biết viết chữ Quốc ngữ.[20]
Gia Định báo, một tờ báo do Trương Vĩnh Ký làm chủ biên phát hành, là tờ báo đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ ra mắt năm 1865; so với ngày nay thì câu văn đã thêm phần mạch lạc, chính tả không mấy khác biệt. Ví dụ như bản thông báo ngày 22 tháng 12 năm 1888 sau đây:[21]
Sở Thuế Chánh Ngạch. Các người thiếu thuế... đặng hay: các sổ phụ trong tháng Octobre 1888 thuế đất, thuế sanh ý, thuế ghe biển, thuế ghe sông, cùng thuế thân đã lập theo phép để trong tay quan Kho Bạc Sài Gòn và Chợ Lớn hay về việc thâu thuế. Bởi đó sức cho các người ấy phải y theo hạn trong luật dạy mà đóng các món thuế biên trong sổ ấy, bằng không thì phải cứ phép mà bắt buộc...
Nửa đầu thế kỷ XX
sửaSang thế kỷ XX thì chính phủ Đông Pháp mở rộng chính sách dùng chữ Quốc ngữ, giao cho Nha Học chính giảng dạy ở Bắc Kỳ từ năm 1910.[22] Thượng thư bộ Học là Cao Xuân Dục có công văn trả lời Toàn quyền Đông Dương với ý tán đồng:[23]
... cả nước cùng học chữ Quốc ngữ Latinh, tuyển chọn các vị cử nhân, tú tài, tôn sinh, ấm sinh người bản quốc sung làm giáo sư và thành lập viện dịch chữ Quốc ngữ... Nay vâng mệnh Hoàng đế bản quốc lập ra trường chuyên dạy thứ chữ này chính là muốn thống nhất một lối dùng làm thứ chữ dạy học phổ thông.
Năm 1915 thì kỳ thi Hương cuối cùng diễn ra ở Bắc Kỳ mặc cho sự chống đối của giới sĩ phu. Ở Trung Kỳ thì đạo dụ của vua Khải Định ngày 26 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ (tức ngày 28 tháng 12 năm 1918) chính thức bãi bỏ khoa cử và năm 1919 là năm cuối mở khoa thi ở Huế.[24] Chữ Quốc ngữ từ đó trở thành văn tự diễn đạt phổ biến ở Việt Nam, trong khi đó người Việt đang dần "mù chữ" với Chữ Hán và chữ Nôm, hai dạng văn tự này trở nên ít được sử dụng.
Trong khi đó cũng có thành phần theo Nho học nhưng hiểu được ưu điểm dễ viết dễ đọc của chữ Quốc ngữ và cổ động việc thâu nhận chữ Quốc ngữ như là một cách nâng cao trình độ kiến thức đại chúng, canh tân xã hội, thức tỉnh tinh thần yêu nước và huy động động lực phản kháng của người Việt trước quyền lực của thực dân Pháp. Trong đó có nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục. Việc theo học chữ Quốc ngữ theo đó thì không chỉ là phương tiện đọc và viết mà còn hàm ý vận động chính trị và vận mệnh dân tộc.[cần dẫn nguồn]
Chữ Quốc ngữ qua những tác phẩm biên khảo, phóng sự, bình luận, du ký của những Nam Phong Tạp chí, Đông Dương Tạp chí, cùng một loạt tiểu thuyết và thơ mới của nhóm Tự lực Văn đoàn với tư tưởng mới, phong cách mới cũng và nhiều tác giả khác giúp ưu điểm dễ viết dễ đọc của chữ Quốc ngữ được thể hiện.
Từ giữa thế kỷ 20
sửaNửa cuối thế kỷ 20 diễn ra các chỉnh sửa chữ Quốc ngữ, trong đó có sửa đổi chữ viết liên quan đến các cuộc Cải cách giáo dục ở Việt Nam thực hiện. Do lúc này có hơn 4 triệu Việt kiều, cùng với những hay dở của cải cách giáo dục trong nước, dẫn đến quan niệm và sử dụng chữ Quốc ngữ có sự khác nhau nhất định, tùy theo từng người được thụ hưởng nền giáo dục nào.
- Từ những năm 1950 tại miền Bắc, chữ Quốc ngữ được giản lược bằng cách bỏ dấu gạch nối giữa từ ghép và tên riêng, ví dụ: tự-do thành tự do, Họ-Văn-Tên thành Họ Văn Tên.[25] Tuy nhiên điều đặc biệt là năm 1973 khi xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, thì lại có yêu cầu có dùng gạch nối trong dòng tên ở mặt chính là Hồ-Chí-Minh.
- Những người không thụ hưởng cải cách giáo dục, gồm Việt kiều hoặc đã học phổ thông trước cải cách giáo dục.
- Thế hệ thụ hưởng cải cách giáo dục với tên chữ "a bờ cờ" (đọc thêm âm).
- Thế hệ thụ hưởng cải cách giáo dục thứ 2 với tên chữ "a bê xê" (đọc theo tên tiếng Pháp).
- Thế hệ thụ hưởng cải cách giáo dục thứ 3 với tên chữ "ây bi xi" (đọc theo phát âm tiếng Anh).
Bảng chữ cái
sửaCó người đề nghị bài viết này cần chia ra thành một bài viết mới có tiêu đề Bảng chữ cái tiếng Việt. (Thảo luận) |
Bảng chữ cái hiện tại
sửaBảng chữ cái Latinh cho tiếng Việt hiện tại có 29 chữ cái:[26][27]
Chữ hoa | A | Ă | Â | B | C | D | Đ | E | Ê | G | H | I | K | L | M | N | O | Ô | Ơ | P | Q | R | S | T | U | Ư | V | X | Y |
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Chữ thường | a | ă | â | b | c | d | đ | e | ê | g | h | i | k | l | m | n | o | ô | ơ | p | q | r | s | t | u | ư | v | x | y |
So với bảng chữ cái tiếng Anh, bảng chữ cái tiếng Việt giống 22 chữ cái. Có 7 chữ cái biến thể bằng cách thêm dấu là Ă-Â-Đ-Ê-Ô-Ơ-Ư. 4 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh không có trong bảng chữ cái tiếng Việt là F-J-W-Z.
Mỗi chữ cái đều có hai hình thức viết lớn và nhỏ. Kiểu chữ lớn gọi là "chữ hoa" (chữ in hoa, chữ viết hoa). Kiểu chữ nhỏ gọi là "chữ thường" (chữ in thường, chữ viết thường).
Chữ quốc ngữ có 11 chữ ghép biểu thị phụ âm gồm:
- 10 chữ ghép đôi: ch, gh, gi, kh, ng, nh, ph, qu, th, tr
- 1 chữ ghép ba: ngh
Chữ ghép là tổ hợp gồm từ hai chữ cái trở lên được dùng để ghi lại một âm vị hoặc một chuỗi các âm vị có cách phát âm không giống với âm vị mà các chữ cái trong tổ hợp chữ cái đó biểu thị. Chữ ghép đôi là chữ ghép có hai chữ cái, chữ ghép ba là chữ ghép có ba chữ cái.
Bảng chữ cái tiếng Việt trong Từ điển An Nam – Bồ Đào Nha – La-tinh
sửaBảng chữ cái La-tinh tiếng Việt trong Từ điển An Nam – Bồ Đào Nha – La-tinh in năm 1651 của Đắc Lộ (dưới đây gọi tắt là Từ điển) có 23 chữ cái là:[28]
Chữ hoa | A | B | ꞗ | C | D | đ | E | G | H | I | K | L | M | N | O | P | Q | R | S | T | V | X | Y |
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Chữ thường | a | b | c | d | e | g | h | i | k | l | m | n | o | p | q | r | ſ/s | t | v/u | x | y |
Bảng chữ cái tiếng Việt trong Từ điển có ít chữ cái hơn bảng chữ cái tiếng Việt đương đại. Các ký hiệu ă, â, ê, ô, ơ, ư, được xem là chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt đương đại, đều đã có trong Từ điển nhưng tác giả của Từ điển không xem chúng là chữ cái độc lập. Trong Từ điển, mọi ký hiệu được cấu thành từ một tự mẫu nguyên âm và một hoặc hai dấu phụ, thí dụ như à, ạ, ă, ằ, ặ, đều không được xem là một tự mẫu riêng biệt khác với tự mẫu nguyên âm xuất hiện trong ký hiệu đó,à, ạ, ă, ằ, ặ đều chỉ được xem là tự mẫu a mang dấu phụ chứ không được xem là những tự mẫu khác với tự mẫu a.
Trong bảng chữ cái tiếng Việt trong Từ điển có một chữ cái nay không còn được sử dụng để ghi chép tiếng Việt và không có trong bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành là chữ b đuôi quặp ꞗ. Chữ này được dùng để ghi âm sát đôi môi hữu thanh /β/.[29]
Hai tự mẫu ꞗ và đ trong Từ điển không có hình thức chữ hoa và chữ thường.[30] ꞗ và đ không phải là chữ thường mà cũng chẳng phải là chữ hoa của hai chữ. Nếu chỉ viết hoa địa danh bằng chữ hoa có trong Từ điển thì tên gọi của hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng ở Việt Nam sẽ phải viết là đồng Nai và Lâm đồng. Hiện nay, tự mẫu đ đã có hình thức chữ hoa và chữ thường, đ được xem là hình thức chữ thường của tự mẫu đ, còn hình thức chữ hoa của tự mẫu này là Đ.
Chữ s thường trong Từ điển có hai kiểu là chữ s dài ſ và chữ s ngắn s.[31][32] Trong chữ quốc ngữ đương đại, chữ s dài ſ không còn được dùng nữa, chữ s ngắn s là hình thức chữ thường duy nhất của chữ s.
Chữ v thường trong Từ điển có hai kiểu là chữ v đáy nhọn v và chữ v đáy cong u.[33][34] Vào thế kỷ 17, v và u chưa được xem là hai chữ cái riêng biệt, u chỉ được xem là biến thể của chữ v.[35]
Thêm hay không thêm bốn tự mẫu f, j, w, z vào bảng chữ cái tiếng Việt?
sửaBốn chữ cái F, J, W, Z vốn có trong bảng chữ cái tiếng Pháp, tiếng Anh hiện không được coi là chính thức trong tiếng Việt cũng như trong quy ước chung về tiếng phổ thông.
Tuy nhiên trong văn bản hành chính chính thức thì các chữ cái này vẫn được sử dụng để viết các tên riêng theo tiếng của các dân tộc khác nhau. Ví dụ như tên các xã Zuôih, Jơ Ngây, Za Hung,... ở huyện Nam Giang, Quảng Nam, xã Ea Wy huyện Ea H'leo, xã Cư Ê Wi huyện Cư Kuin,... ở tỉnh Đắk Lắk, huyện Cư Jút ở tỉnh Đăk Nông. Ngoài ra là cách ghép vần "phi Việt ngữ" như uôih, uôp, h'l, k't, kr,... cũng tùy nghi được sử dụng.
Hay như chính Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tự tay viết di chúc đã sử dụng chữ F thay chữ PH.[36]
Điều này thể hiện sự thiếu chặt chẽ về pháp lý, nhưng tại Việt Nam vẫn được mặc nhiên thừa nhận. Đã có ý kiến cho rằng "F, J, W, Z không thể nằm ngoài bảng chữ cái" [37]. Nó cần thiết trong việc xây dựng tiếng phổ thông bao quát được các thành tố cơ bản trong ngôn ngữ của đất nước, đảm bảo chặt chẽ trong các văn bản pháp lý, cũng như cần đưa vào giảng dạy để học sinh đọc đúng tên quê mình. Tuy nhiên sự việc không thuộc nhóm cấp thiết và không gây chết người nên chưa có cấp nào quan tâm chỉ đạo và giải quyết. Cá biệt có học giả hàn lâm thì cho rằng tiếng Việt có chữ viết là đầy đủ rồi.[38]
Tên gọi các chữ cái
sửaTất cả tên gọi các chữ cái trong tiếng Việt đều được bắt nguồn từ tiếng Pháp. Chúng thường được dùng để đánh vần hoặc gọi tên viết tắt như VTV (vê-tê-vê), HTV (hắt-tê-vê),...
STT | Chữ cái | Tên chữ | STT | Chữ cái | Tên chữ | |
---|---|---|---|---|---|---|
1 | A | a | 16 | N | en-nờ/nờ | |
2 | Ă | á | 17 | O | o | |
3 | Â | ớ | 18 | Ô | ô | |
4 | B | bê/bờ | 19 | Ơ | ơ | |
5 | C | xê/cờ | 20 | P | pê/pờ | |
6 | D | dê/dờ | 21 | Q | quy | |
7 | Đ | đê/đờ | 22 | R | e-rờ/rờ | |
8 | E | e | 23 | S | ét-xì/sờ (nặng) | |
9 | Ê | ê | 24 | T | tê/tờ | |
10 | G | giê/gờ | 25 | U | u | |
11 | H | hắt/hờ | 26 | Ư | ư | |
12 | I | i (ngắn) | 27 | V | vê/vờ | |
13 | K | ka | 28 | X | ích-xì/xờ (nhẹ) | |
14 | L | e-lờ/lờ | 29 | Y | y (dài) | |
15 | M | em-mờ/mờ |
Tên gọi của hai cặp chữ cái nguyên âm "a", "ă" và "ơ", "â" chỉ khác về thanh điệu. Chúng biểu thị các biến thể dài ngắn của cùng một nguyên âm, với "a", "ă' là nguyên âm /a/, với "ơ" và "â" là nguyên âm /ə/. Vì trong tiếng Việt khi /a/ và /ə/ là âm tiết thì không có sự phân biệt về độ dài của nguyên âm nên tên gọi của hai cặp chữ cái "a", "ă" và "ơ", "â" phải mang thanh điệu khác nhau để tránh cho chúng trở thành đồng âm.
Bốn chữ cái F, J, W và Z hiện tại được coi là không có trong bảng chữ cái quốc ngữ, nhưng trong đời sống có thể bắt gặp chúng trong các từ ngữ có nguồn gốc từ các ngôn ngữ khác. Trong tiếng Việt bốn chữ cái này có tên gọi như sau:
- F-f: ép/ép-phờ. Bắt nguồn từ tên gọi của chữ cái này trong tiếng Pháp là "effe" /ɛf/. Chữ này thường mang âm tương ứng với cặp chữ PH trong tiếng Việt.
- J-j: gi. Bắt nguồn từ tên gọi của chữ cái này trong tiếng Pháp là "ji" /ʒi/. Chữ này thường mang âm tương ứng với cặp chữ GI trong tiếng Việt.
- W-w: vê kép, vê đúp (cũ), đáp-lưu. Bắt nguồn từ tên gọi của chữ cái này trong tiếng Pháp là "double vé" /dubləve/. Chữ này thường mang âm tương ứng với chữ O và U nếu sau 2 chữ này là nguyên âm trong tiếng Việt.
- Z-z: dét. Bắt nguồn từ tên gọi của chữ cái này trong tiếng Pháp là "zède" /zɛd/. Chữ này thường mang âm tương ứng với chữ D trong tiếng Việt.
Hiện đang có ý kiến cho rằng, cần bổ sung thêm bốn chữ cái F, J, W và Z vào bảng chữ cái quốc ngữ để hợp thức hóa cách sử dụng để đáp ứng sự phát triển của tiếng Việt hiện đại (như F thay PH, J thay GI để giảm ký tự, tránh nhầm sang âm "ghi", Z thay D để tránh nhầm sang âm "đờ" của Đ).[39] Mặc dù không có các chữ cái F, J, W và Z trong bảng chữ cái, người Việt khi gặp các chữ cái này trong các từ họ thường phiên âm từ ra để đọc chính xác hoặc họ đọc theo kiểu tiếng Anh.
Chữ viết tay
sửaThể chữ viết tay của chữ cái Latinh gồm hai loại loại lớn là thể chữ in và thể chữ thảo, mỗi thể chữ này lại bao gồm nhiều thể chữ khác nhau. Trong thể chữ in tự hình của các chữ cái gần giống như các chữ được in trên sách báo, các chữ cái được viết tách rời, không nối với nhau. Trong thể chữ thảo các chữ cái được nối liền với nhau. Thể chữ in dễ đọc nhưng viết chậm, thể chữ thảo viết nhanh hơn nhưng khó đọc hơn. Các trường học ở Việt Nam không dạy thể chữ in, chỉ dạy thể chữ thảo. Trong thực tế, không như những gì được dạy ở nhà trường, hầu hết người Việt Nam viết một thứ chữ pha trộn gồm cả chữ thảo lẫn chữ in. Các chữ hoa thường được viết theo thể chữ in vì chúng dễ viết hơn.
Thể chữ thảo được dạy trong các trường học ở Việt Nam là thể chữ tròn Anh quốc. Thể chữ tròn Anh quốc ra đời ở Anh cuối thế kỷ XVII, trên cơ sở cải biến thể chữ tròn Pháp quốc (còn gọi là thể "chữ rông" ["rông" là phiên âm từ Pháp "ronde" có nghĩa là tròn, hình tròn]). Như tên gọi của nó thể chữ tròn Pháp quốc do người Pháp tạo ra. Đến thế kỷ thứ XVIII thể chữ tròn Anh quốc được truyền bá và sử dụng rộng rãi khắp châu Âu, trong đó có nước Pháp, nơi cung cấp chất liệu để tạo nên thể chữ tròn Anh quốc.
Chính tả
sửaChính tả chữ Quốc ngữ là một quy định xã hội thống nhất cần tuân theo. Ý thức viết đúng chính tả là ý thức văn hóa. Những quy tắc chính tả dưới đây đã được tham khảo rất nhiều qua những thảo luận về chính tả tiếng Việt, thậm chí đã quay ngược lại lịch sử từ năm 1902 khi Hội nghị Khảo cứu Viễn Đông được tổ chức tại đây, vấn đề về chữ Quốc ngữ đã được Ủy ban Cải cách chữ Quốc ngữ đề nghị lên chính phủ Toàn quyền lúc bấy giờ. Từ đó tới nay, đã có rất nhiều thảo luận được tổ chức nên đã giúp quy tắc chính tả tiếng Việt dần được điển chế hoá tới một mức độ khả quan hơn. Song song đó, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự chuẩn hoá của mã chữ Unicode đã mang tính quyết định trong việc hệ thống hoá những quy tắc về chính tả tiếng Việt.
Hiện nay phần lớn các văn bản trong nước được viết chủ yếu là theo những "Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt" áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục nêu tại Quyết định của Bộ Giáo dục số 240/QĐ ngày 5 tháng 3 năm 1984 [40] do những người thụ hưởng giáo dục đó sau này ra làm việc trong mọi lĩnh vực xã hội.
Quan hệ đối ứng giữa chính tả chữ quốc ngữ và ngữ âm tiếng Việt
sửaChữ cái phụ âm đứng đầu từ chính tả và âm đối ứng
sửaPhụ âm đầu trong chữ quốc ngữ là các chữ cái phụ âm và chữ ghép đứng đầu từ. Ví dụ: xem có phụ âm đầu là x, phim có phụ âm đầu là ph. Chữ quốc ngữ có 17 chữ cái phụ âm (b, c, d, đ, g, h, k, l, m, n, p, q, r, s, t, v, x) và 11 chữ ghép (ch, gh, gi, kh, ng, ngh, nh, ph, qu, th, tr). Tất cả các chữ cái phụ âm và chữ ghép trong chữ quốc ngữ đều có thể làm phụ âm đầu.[41]
Chữ cái phụ âm đứng đầu từ chính tả | Âm đối ứng (ghi bằng ký hiệu ngữ âm quốc tế) |
Chú giải | |
---|---|---|---|
Phương ngữ miền Bắc[42][43] | Phương ngữ miền Nam[43][44] | ||
/ʔ/ | âm đầu /ʔ/ không được thể hiện trên chính tả. | ||
b | /ɓ/ | Đừng nhầm ký hiệu /ɓ/ với chữ b. | |
c | /k/ | Giống chữ K | |
ch | /tɕ/ | /c/ | Trong phương ngữ miền Bắc ch ở đầu từ và tr đồng âm với nhau, cả hai đều được phát âm là /tɕ/.[45][a] Âm /ʈ͡ʂ/ đang dần biến mất khỏi phương ngữ miền Nam. Ngày càng có nhiều người nói phương ngữ miền Nam phát âm ch ở đầu từ và tr giống nhau, cả hai đều được phát âm là /c/.[45] Đừng nhầm ký hiệu /t͡ɕ/ với ký hiệu /ʈ͡ʂ/. /t͡ɕ/ là ký hiệu ngữ âm quốc tế của âm tắc xát chân răng-vòm vô thanh. /ʈ͡ʂ/ là ký hiệu ngữ âm quốc tế của âm tắc xát quặt lưỡi vô thanh. /c/ là ký hiệu ngữ âm quốc tế của âm tắc vòm vô thanh. |
d | /z/ | /j/ | Giống chữ Z trong các ngôn ngữ khác.[46] Trong phương ngữ miền Bắc d, gi, r đồng âm với nhau, cả ba chữ này đều được phát âm là /z/.[47] Trong phương ngữ miền Nam d, gi, v đồng âm với nhau, cả ba chữ này đều được phát âm là /j/.[48] |
đ | /ɗ/ | Đừng nhầm ký hiệu /ɗ/ với chữ d. Phần lớn các ngôn ngữ khác sử dụng chữ D. | |
g | /ɣ/ | G được phát âm là /ɣ/ khi sau g là một trong tám chữ cái nguyên âm sau: a, ă, â, o, ô, ơ, u, ư. Ví dụ: gà, gặt, gấp, gọt, gối, gỡ, guốc, gương.[49]G biến đổi thành dạng "gh" khi đứng trước các nguyên âm i, e, ê. | |
gh | /ɣ/ | G biến đổi thành dạng "gh" khi đứng trước các nguyên âm i, e, ê. Do trong tiếng Bồ Đào Nha, vì g đứng trước i, e, ê sẽ mang âm giống "gi" (như từ gen đọc là "gien"). | |
gi | /z/ | /j/ | Gần giống chữ J trong các ngôn ngữ khác.[50]
Trong phương ngữ miền Bắc gi, d, r đồng âm với nhau, cả ba chữ này đều được phát âm là /z/.[47] Tại miền Bắc, theo truyền thống để giúp phân biệt chính tả, một số nhà trường dạy học sinh phát âm d là /z/, gi là /ʒ/, r là /r/ như chữ Quốc ngữ đã ghi, khác với cách phát âm của phương ngữ Trung - Nam Bộ. Tại miền Nam, các nhà trường dạy học sinh phát âm d là /j/, gi là /z/. Tuy nhiên cả hai cách phát âm trên chỉ nhằm mục đích giúp học sinh phân biệt chính tả, hiếm khi thấy có trong thực tiễn phát âm hàng ngày. |
h | /h/ | /h/, ∅ | Trong phương ngữ miền Nam chữ h thường không được phát âm trong trường hợp đứng trước âm đệm /w/, cụ thể trong hai trường hợp sau:[51][52]
|
k | /k/ | Giống chữ C | |
kh | /x/ | Trong phương ngữ Nam Bộ, /x/ còn được phát âm bật hơi /kh/. Cách phát âm này cũng bắt gặp ở một vài thổ ngữ Bắc Trung Bộ hay cách phát âm của người cao tuổi vùng nông thôn Bắc Bộ.
Ở Nam Bộ, chùm /xw/ có thể bị thay thế bằng /f/. Cách phát âm này không xuất hiện ở người có trình độ học thức. | |
l | /l/ | Tại các địa phương thuộc Đông Bắc Bộ (trừ trung tâm Hà Nội), hai phụ âm /l/ và /n/ bị lẫn lộn với nhau. Dân gian gọi đây là hiện tượng nói ngọng. | |
m | /m/ | ||
n | /n/ | Tại các địa phương thuộc Đông Bắc Bộ (trừ trung tâm Hà Nội), hai phụ âm /l/ và /n/ bị lẫn lộn với nhau. Dân gian gọi đây là hiện tượng nói ngọng. | |
ng | /ŋ/ | Chữ Ng biến đổi thành dạng Ngh khi đứng trước các nguyên âm i, e, ê. Ở Nam Bộ âm ŋ/
có thể bị lược khi đứng trước âm /w/. | |
ngh | |||
nh | /ɲ/ | ||
p | /p, ɓ/ | Chữ p được phát âm như b trong phương ngữ miền Nam. | |
ph | /f/ | Ở một số địa phương thuộc vùng nông thôn Nam Bộ Việt Nam ph được phát âm là /ph/.[53] Cách phát âm này cũng bắt gặp ở một vài thổ ngữ Bắc Trung Bộ hay cách phát âm của người cao tuổi vùng nông thôn Bắc Bộ. Một vài nơi còn phát âm bằng âm môi-môi /ɸ/ như Lý Sơn (Quảng Ngãi). | |
q | /k/ | ∅ | Chữ q trong phương ngữ miền Nam không được phát âm. Q được người nói phương ngữ miền Nam phát âm là /k/ khi người ta phát âm dựa theo chính tả.[51][54] |
qu | /kʷ/ | /w/ | |
o/u | /w/ | /ʔʷ/ | Chữ o/u vừa làm âm đầu: [ vd: oai = /ʔʷaj/ ] vừa làm bán nguyên âm (âm lướt)[ vd khoa = /xʷa/ ] nhưng bản chất của nó là ʷ: labialization (sự môi hóa)
Trong phương ngữ miền Bắc chữ o/u khi đứng đầu sẽ hoàn toàn biến thành âm w. Trong phương ngữ miền Trung, Nam chữ o/u đôi khi cũng bị biến đổi thành w. |
r | /z/, /r/ | /r/, /ɹ/, /ʐ/ | Trong phương ngữ miền Bắc r, d, gi đồng âm với nhau, cả ba chữ này đều được phát âm là /z/.[47]. Tuy vậy trong các từ vay mượn r lại được đọc là /ɹ/. Ở một số tỉnh miền Bắc như Nam Định, Thái Bình, chữ r được phát âm theo cách rung lưỡi /r/.[55] Cách phát âm tương tự cũng xuất hiện ở một vài tỉnh miền Trung.
Ở miền Trung (Huế) chữ r được phát âm quặt lưỡi /ʐ/. Trong thơ ca dân gian và truyền thống ở Trung và Nam bộ, chữ r được phát âm là /ʐ/. Khi hát dân ca Trung và Nam bộ, ca sĩ luôn hát chữ r (bó rơm, rừng tràm) bằng âm /ʐ/. Ở Nam Trung Bộ và đa số các tỉnh miền Nam, chữ r thường được phát âm là /ɹ/ khi giao tiếp hằng ngày. Ngoài ra cũng còn nhiều biến thể tự do khác nữa. Phương ngữ Nam bộ, đặc biệt là ở Tây Nam Bộ, chữ r thường được phát âm giống chữ g. |
s | /s/ | /s, ʂ/ | Trong phương ngữ miền Bắc s đồng âm với x, cả hai đều được phát âm là /s/.[56] Âm /ʂ/ đang dần biến mất khỏi phương ngữ miền Nam. Ngày càng có nhiều người nói phương ngữ miền Nam phát âm s và x giống nhau, cả hai đều được phát âm là /s/ giống như phương ngữ miền Bắc.[45] Khi hát dân ca Trung và Nam bộ, chữ s luôn được phát âm là /ʂ/ để phân biệt với x. Ví dụ: dòng sông, sóng xô. Đừng nhầm ký hiệu /s/ với ký hiệu /ʂ/. /s/ là ký hiệu ngữ âm quốc tế của âm xát xuýt chân răng vô thanh. /ʂ/ là ký hiệu ngữ âm quốc tế của âm xát quặt lưỡi vô thanh. |
t | /t̪/ | ||
th | /t̪ʰ/ | ||
tr | /t͡ɕ/ | /c, ʈ͡ʂ/ | Trong phương ngữ miền Bắc tr và ch ở đầu từ đồng âm với nhau, cả hai đều được phát âm là /t͡ɕ/.[45] Âm /ʈ͡ʂ/ đang dần biến mất khỏi phương ngữ miền Nam. Ngày càng có nhiều người nói phương ngữ miền Nam phát âm ch ở đầu từ và tr giống nhau, cả hai đều được phát âm là /c/.[45] Khi hát dân ca Trung và Nam bộ, chữ tr luôn được phát âm là /ʈ͡ʂ/ để phân biệt với ch. Ví dụ: Thủy triều, em đi trên cỏ non. Đừng nhầm ký hiệu /t͡ɕ/ với ký hiệu /ʈ͡ʂ/. /t͡ɕ/ là ký hiệu ngữ âm quốc tế của âm tắc xát chân răng-vòm vô thanh. /ʈ͡ʂ/ là ký hiệu ngữ âm quốc tế của âm tắc xát quặt lưỡi vô thanh. /c/ là ký hiệu ngữ âm quốc tế của âm tắc vòm vô thanh. |
v | /v/ | /j/ | Chữ v thường được người nói phương ngữ miền Nam phát âm là /j/, đồng âm với d, gi. V được người nói phương ngữ miền Nam phát âm là /vj/ hoặc /ɓj/ để phân biệt với d, g, gi khi người ta phát âm dựa theo chính tả.[57][58] |
x | /s/ | Trong phương ngữ miền Bắc x và s đồng âm với nhau, cả hai đều được phát âm là /s/.[56] Trong phương ngữ miền Nam người nào phát âm chữ s là /s/ thì x sẽ đồng âm với s, người nào phát âm chữ s là /ʂ/ thì x và s không đồng âm. Âm /ʂ/ đang dần biến mất khỏi phương ngữ miền Nam. Ngày càng có nhiều người nói phương ngữ miền Nam phát âm hai chữ s, x là /s/ giống như phương ngữ miền Bắc.[45] Đừng nhầm ký hiệu /s/ với ký hiệu /ʂ/. /s/ là ký hiệu ngữ âm quốc tế của âm xát xuýt chân răng vô thanh. /ʂ/ là ký hiệu ngữ âm quốc tế của âm xát quặt lưỡi vô thanh. |
Vần chính tả chữ quốc ngữ
sửaTiếng Việt hiện đại có khoảng 200 vần, tiếng là một âm thanh được ghi lại gọi là chữ gồm năm yếu tố: Phụ âm đầu, Âm đệm, Âm chính, Âm cuối, và thanh điệu. Vần hay còn gọi âm vận nên không có phụ âm đầu và có thể vắng mặt nhiều yếu tố trên, nhưng âm chính và thanh điệu luôn luôn phải có. Vần được chia ra như sau:[cần dẫn nguồn]
- Vần đơn: Chỉ có một nguyên âm và thanh điệu (a,e,o,u,..)
- Vần ghép: Do nhiều nguyên âm hợp lại và thanh điệu mà thành (ai, ay, oai,...).Vần ghép có thể là nguyên âm đôi hoặc nguyên âm ba.
- Vần trơn: Có nguyên âm ở cuối và thanh điệu (ai, êu, oai, ươi,...).
- Vần cản: Có phụ âm theo sau và thanh điệu (ac, ach, am, an, ang, anh, ap, at,...).
+ A
- a, ac, ach, ai, am, an, ang, anh, ao, ap, at, au, ay.
Phụ âm đầu: /ʔ/, b, c, ch, d, đ, g, gi, h, kh, l, m, n, ng, nh, ph, qu, r, s, t, th, tr, v, x.
Lưu ý: âm đầu /ʔ/ không được thể hiện trên chính tả.
+ Ă
- ăc, ăm, ăn, ăng, ăp, ăt.
Phụ âm đầu: /ʔ/, b, c, ch, d, đ, g, gi, h, kh, l, m, n, ng, nh, ph, qu, r, s, t, th, tr, v, x.
+ Â
- âc, âm, ân, âng, âp, ât, âu, ây.
Phụ âm đầu: /ʔ/, b, c, ch, d, đ, g, gi, h, kh, l, m, n, ng, nh, ph, qu, r, s, t, th, tr, v, x.
+ E
- e, ec, em, en, eng, eo, ep, et.
Phụ âm đầu: /ʔ/, b, ch, d, đ, gh, gi, h, k, kh, l, m, n, ngh, nh, ph, qu, r, s, t, th, tr, v, x.
+ Ê
- ê, êch, ênh, êm, ên, êp, êt, êu.
Phụ âm đầu: /ʔ/, b, ch, d, đ, gh, gi, h, k, kh, l, m, n, ngh, nh, ph, qu, r, s, t, th, tr, v, x.
Lưu ý: gi chỉ thực sự đứng trước 3 vần: ê, ênh, êch. Khi ghép với các vần còn lại nó gây ra tranh cãi về cách đọc (chẳng hạn giền có thể hiểu là gi+iền hoặc gi+ền nhưng cũng có thể lưu ý là chữ gen đọc là (gi+en) lược mất đi chữ i nên gên có thể đọc là (gi+ên))
+ I
Gồm các vần:
1. i, ich, im, in, inh, ip, it, iu.
2. ia, iêc, iêm, iên, iêng, iêp, iêt, iêu.
Phụ âm đầu: /ʔ/, b, ch, d, đ, gh, gi, h, k, kh, l, m, n, ngh, nh, ph, qu, r, s, t, th, tr, v, x.
Lưu ý:
- Khi gi ghép với các vần bắt đầu với i thì một chữ i bị giản lược, trừ trường hợp gi+ia=gia.
- Khi qu ghép với i thì chuyển i thành y, ví dụ: qu+i=quy, qu+iên=quyên. qu không ghép với vần ia
+ O
- Gồm các vần:
1. o, oc, oi, om, on, ong, op, ot, oong, ooc.
Phụ âm đầu: /ʔ/, b, c, ch, d, đ, g, gi, h, kh, l, m, n, ng, nh, ph, qu, r, s, t, th, tr, v, x.
Lưu ý: Âm đệm không đứng trước nguyên âm o, trừ ngoại lệ: "quọ".
2. oa, oac, oach, oai, oam, oan, oang, oanh, oao, oap, oat, oay,
- oăc, oăm, oăn, oăng, oăt,
- oe, oen, oeo, oet; oem, oeng (hiếm gặp).
Phụ âm đầu: /ʔ/, b, ch, d, đ, g, gi, h, kh, l, m, n, ng, nh, ph, r, s, t, th, tr, v, x.
+ Ô
- ô, ôc, ôi, ôm, ôn, ông, ôp, ôt.
Phụ âm đầu: /ʔ/, b, c, ch, d, đ, g, gi, h, kh, l, m, n, ng, nh, ph, r, s, t, th, tr, v, x.
+ Ơ
- ơ, ơi, ơm, ơn, ơp, ơt.
Phụ âm đầu: /ʔ/, b, c, ch, d, đ, g, gi, h, kh, l, m, n, ng, nh, ph, qu, r, s, t, th, tr, v, x.
+ U
- Gồm các vần:
1. u, uc, ui, um, un, ung, up, ut.
Phụ âm đầu: /ʔ/, b, c, ch, d, đ, g, gi, h, kh, l, m, n, ng, nh, ph, r, s, t, th, tr, v, x.
2. ua, uôc, uôi, uôm, uôn, uông, uôt.
Phụ âm đầu: /ʔ/, b, c, ch, d, đ, g, gi, h, kh, l, m, n, ng, nh, ph, q, r, s, t, th, tr, v, x.
Lưu ý: Âm /k/ khi đứng trước nguyên âm đôi ua/uô được ghi lại bằng c, ngoại lệ duy nhất là "quốc" được ghi lại bằng q để khu biệt ý nghĩa: q+uốc = quốc
3. uây, uân, uâng, uât
- uơ.
- uê, uênh, uêch.
- uy, uych, uynh, uyt, uyu; uyn, uyp. (chỉ gặp trong từ mượn).
- uya, uyên, uyêt.
Phụ âm đầu: /ʔ/, b, c, ch, d, đ, g, gi, h, kh, l, m, n, ng, nh, ph, r, s, t, th, tr, v, x.
+ Ư
- Gồm các vần:
1. ư, ưc, ưi, ưu, ưng, ưt, ưm (hiếm gặp; có ừm (ừ; biểu thị ý kiến tán thành), hừm (tiếng phát ra khi người ta suy nghĩ, trầm ngâm)).
2. ưa, ươc, ươi, ươm, ươn, ương, ươp, ươt, ươu.
Phụ âm đầu: /ʔ/, b, c, ch, d, đ, g, gi, h, kh, l, m, n, ng, nh, ph, r, s, t, th, tr, v, x.
+ Y
- Gồm các vần:
1. y.
Phụ âm đầu: /ʔ/, h, k, l, m, qu, t, n, s, th, v (hiếm gặp - chỉ xuất hiện trong tên riêng như: Ny, Sỹ, Thy, Vy, Vỹ).
2. yêm, yên, yêng, yêt, yêu.
Phụ âm đầu: /ʔ/.
Danh sách trên chỉ gồm các vần có mặt trong tiếng Việt toàn dân, một số vần cổ như: ơng (cơng cơng), uyêc (tuyếc-bin), ơu (nớu),... hay chỉ xuất hiện tại một vùng phương ngữ nào đó như: ôông, ôôc, ưn, êng,... không được liệt kê.
Chữ cái nguyên âm trong vần chính tả và âm đối ứng
sửaPhần này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Có 11 ký tự nguyên âm đơn A, Ă, Â, E, Ê, I/Y, O, Ô, Ơ, U, Ư.
Ngoài các nguyên âm đơn, trong tiếng Việt còn có: 26 nguyên âm đôi, còn gọi là trùng nhị âm (AI, AO, AU, ÂU, AY, ÂY, EO, ÊU, IA/IÊ (còn viết là: YA/YÊ), IU, OA, OĂ, OE, OI, ÔI, ƠI, OO, ÔÔ, UA/UÔ, UÂ, ƯA/ƯƠ, UÊ, UI, ƯI, UƠ, ƯU, UY) và 12 nguyên âm ba hay trùng tam âm (IÊU/YÊU, OAI, OAO, OAY, OEO, UAO, UÂY, UÔI, ƯƠI, ƯƠU, UYA/UYÊ, UYU).
Có các nguyên âm: Ă, Â, IÊ/YÊ, OĂ, OO, ÔÔ, UÂ, UÔ, ƯƠ, UYÊ bắt buộc phải thêm phần âm cuối được chia theo quy tắc đối lập bổ sung như sau:
- Bắt buộc thêm nguyên âm cuối, hoặc phụ âm cuối: Â, IÊ/YÊ, UÂ, UÔ, ƯƠ.
- Bắt buộc thêm phụ âm cuối: Ă, OĂ, OO, ÔÔ, UĂ, UYÊ.
Có 4 nguyên âm ghép có thể đứng tự do một mình hoặc thêm âm đầu, cuối, hoặc cả đầu lẫn cuối: OA, OE, UÊ, UY.
Như vậy ta chỉ có 29 nguyên âm ghép không thêm được phần âm cuối là: AI, AO, AU, ÂU, AY, ÂY, EO, ÊU, IA (Dạng biến thể của IÊ), IÊU/YÊU, IU, OI, ÔI, ƠI, OAI, OAO, OAY, OEO, UA (Dạng biến thể của UÔ), UI, ƯA (Dạng biến thể của ƯƠ), ƯI, ƯU, UÂY, UÔI, ƯƠI, ƯƠU, UYA (Dạng biến thể của UYÊ) và UYU. Trong phát âm và viết thành chữ Quốc ngữ thì việc lên xuống, kéo dài âm từ để biểu hiện từ tượng thanh, tượng hình và lớn, nhỏ... luôn là việc cần thiết.
Có mối liên hệ phức tạp giữa nguyên âm và cách phát âm của chúng. Một nguyên âm có thể biểu thị cho vài cách phát âm khác nhau, tùy theo nó nằm trong nguyên âm đơn, đôi hay ba, và nhiều khi các cách viết nguyên âm khác nhau tượng trưng cho cùng một cách phát âm.
Bảng sau cho biết các cách phát âm có thể tương ứng với từng cách viết nguyên âm:
Cách viết | Phát âm | Cách viết | Phát âm |
---|---|---|---|
a | /ɐː/, /ɐ/, /a:/ | o | /ɔ/, /ɐw/, /w/,/ʷ/ |
ă | /ɐ/,/ʌ/,/a/ | ô | /o/, /ɜw/,/ou/ |
â | /ə/ | ơ | /əː/ |
e | /ɛ/,/æ/ | u | /u/, /w/,/ʷ/ |
ê | /e/, /ei/ | ư | /ɨ/,[ɯ] |
i | /i/, /j/ | y | /i/, /j/, /i:/ |
Hiện nay các nhà ngôn ngữ học chưa có sự thống nhất hoàn toàn về số lượng nguyên âm trong tiếng Việt[59]. Tuy nhiên, quan điểm phổ biến cho rằng tiếng Việt có 13 nguyên âm đơn, 3 nguyên âm đôi và không có nguyên âm ba[60], gồm: /i, e, ε, ɤ, ɤˇ, a, ɯ, ă, u, o, ɔ, ɔˇ, εˇ, ie, ɯɤ, uo/.
Bảng sau cho biết các cách viết có thể tương ứng với từng cách phát âm nguyên âm đơn:
/i/
|
/e/,/ei/
|
/ɛ/,/æ/
|
/ɨ/,/ɯ/
|
/əː/
|
/ɜ/
|
/ɐː/,/a:/
|
/ɐ/
|
/u/
|
/o/,/ou/
|
/ɔ/
|
Bảng sau cho biết các cách viết có thể tương ứng với từng cách phát âm nguyên âm đôi và ba:
Phát âm | Cách viết | Phát âm | Cách viết |
---|---|---|---|
Nguyên âm đôi | |||
/uj/ | ui* | /iw/ | iu** |
/oj/ | ôi* | /ew/ | êu** |
/ɔj/ | oi* | /ɛw/ | eo*** |
/əːj/ | ơi* | /əːw/ | ơu** |
/ɜj/ | ây, ê* | /ɜw/ | âu, ô** |
/ɐːj/ | ai* | /ɐːw/ | ao*** |
/ɐj/ | ay, a* | /ɐw/ | au, o** |
/ɨj/ | ưi* | /ɨw/ | ưu** |
/iɜ/ | ia, ya, iê, yê | /uɜ/ | ua, uô |
/ɨɜ/ | ưa, ươ | /o:/ | oo |
Nguyên âm ba | |||
/iɜw/ | iêu, yêu** | /uɜj/ | uôi* |
/ɨɜj/ | ươi* | /ɨɜw/ | ươu** |
- * Nhiều khi không được công nhận là nguyên âm mà là vần, gồm nguyên âm chính và âm cuối (bán nguyên âm) i.
- ** Nhiều khi không được công nhận là nguyên âm mà là vần, gồm nguyên âm chính và âm cuối (bán nguyên âm) u.
- *** Nhiều khi không được công nhận là nguyên âm mà là vần, gồm nguyên âm chính và âm cuối (bán nguyên âm) o.
/iɜ/ |
/uɜ/
|
/ɨɜ/ |
Chữ cái phụ âm đứng cuối vần chính tả và âm đối ứng
sửaChữ cái phụ âm đứng cuối từ chính từ | Âm đối ứng | Chú giải | |
---|---|---|---|
phương ngữ miền Bắc | Phương ngữ miền Nam | ||
c | /k̚/ | ||
ch | /ʲk/ | /t̚/ | |
m | /m/ | ||
n | /n/ | /ŋ/ | |
ng | /ŋ/ | ||
nh | /ʲŋ/ | /n/ | |
p | /p/ | ||
t | /t̚/ | /k/ |
Thanh điệu chính tả và thanh điệu ngữ âm đối ứng
sửaTiếng Việt là ngôn ngữ thanh điệu, mọi âm tiết của tiếng Việt đều luôn mang một thanh điệu nào đó. Phương ngôn tiếng Việt miền Bắc có sáu thanh điệu, phương ngôn tiếng Việt miền Trung và miền Nam có năm thanh điệu.
So sánh điệu trị thanh điệu các phương ngôn tiếng Việt Thanh điệu Bắc Bộ Bắc Trung Bộ Trung Bộ Nam Bộ Vinh Thanh
ChươngHà Tĩnh ngang ˧ 33 ˧˥ 35 ˧˥ 35 ˧˥ 35, ˧˥˧ 353 ˧˥ 35 ˧ 33 huyền ˨˩̤ 21̤ ˧ 33 ˧ 33 ˧ 33 ˧ 33 ˨˩ 21 sắc ˧˥ 35 ˩ 11 ˩ 11, ˩˧̰ 13̰ ˩˧̰ 13̰ ˩˧̰ 13̰ ˧˥ 35 hỏi ˧˩˧̰ 31̰3 ˧˩ 31 ˧˩ 31 ˧˩̰ʔ 31̰ʔ ˧˩˨ 312 ˨˩˦ 214 ngã ˧ʔ˥ 3ʔ5 ˩˧̰ 13̰ ˨̰ 22̰ nặng ˨˩̰ʔ 21̰ʔ ˨ 22 ˨̰ 22̰ ˨̰ 22̰ ˨˩˨ 212
Trừ thanh ngang không có ký hiệu riêng để biểu thị (vì vậy mà một số người gọi nó là "thanh không dấu"), chữ quốc ngữ dùng năm ký hiệu gọi là "dấu thanh" hoặc "dấu", để biểu thị thanh điệu của tiếng Việt.
Thanh điệu | Dấu phụ | Nguyên âm mang dấu phụ, gọi là dấu âm. | |||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Ngang | (Không có) | A/a | Ă/ă | Â/â | E/e | Ê/ê | I/i | O/o | Ô/ô | Ơ/ơ | U/u | Ư/ư | Y/y |
Huyền | Dấu huyền | À/à | Ằ/ằ | Ầ/ầ | È/è | Ề/ề | Ì/ì | Ò/ò | Ồ/ồ | Ờ/ờ | Ù/ù | Ừ/ừ | Ỳ/ỳ |
Sắc | Dấu sắc | Á/á | Ắ/ắ | Ấ/ấ | É/é | Ế/ế | Í/í | Ó/ó | Ố/ố | Ớ/ớ | Ú/ú | Ứ/ứ | Ý/ý |
Hỏi | Dấu hỏi | Ả/ả | Ẳ/ẳ | Ẩ/ẩ | Ẻ/ẻ | Ể/ể | Ỉ/ỉ | Ỏ/ỏ | Ổ/ổ | Ở/ở | Ủ/ủ | Ử/ử | Ỷ/ỷ |
Ngã | Dấu ngã | Ã/ã | Ẵ/ẵ | Ẫ/ẫ | Ẽ/ẽ | Ễ/ễ | Ĩ/ĩ | Õ/õ | Ỗ/ỗ | Ỡ/ỡ | Ũ/ũ | Ữ/ữ | Ỹ/ỹ |
Nặng | Dấu nặng | Ạ/ạ | Ặ/ặ | Ậ/ậ | Ẹ/ẹ | Ệ/ệ | Ị/ị | Ọ/ọ | Ộ/ộ | Ợ/ợ | Ụ/ụ | Ự/ự | Ỵ/ỵ |
Quy tắc sử dụng i và y
sửaCó người đề nghị bài viết này cần chia ra thành một bài viết mới có tiêu đề Sử dụng i và y trong chữ Quốc ngữ. (Thảo luận) |
Hai chữ "i" và "y" đều được gọi là "i", khi cần phân biệt thì dựa theo hình dạng của chúng chữ "i" được gọi là "i ngắn" (vì chiều cao in thường của nó ngắn hơn chữ "y"), chữ "y" được gọi là "y dài". Cái tên "i grec" của chữ "y" là do nó được vay mượn từ chữ Upxilon của bảng chữ cái Hy Lạp, nên tên gọi của nó trong tiếng Latinh, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Pháp đều có nghĩa là "chữ i Hy Lạp". Trong tiếng Hy Lạp hiện đại (thường được tính mốc là bắt đầu từ năm 1453 khi Đế quốc Đông La Mã sụp đổ) chữ "y" biểu thị nguyên âm /i/. Trong tiếng Latinh chữ "i" (còn được viết là "j") biểu thị hai nguyên âm /ɪ/, /iː/ và phụ âm /j/. Trong chữ quốc ngữ, chữ "i" cũng được dùng để ghi lại âm vị /i/ và /j/ giống như tiếng Latinh nhưng không phải lúc nào hai âm vị /i/ và /j/ cũng được ghi lại bằng chữ cái "i", trong một số trường hợp chúng được ghi lại bằng chữ "y".
Các giáo sĩ phương Tây khi đặt ra chữ quốc ngữ vì sợ rằng nếu ghi nguyên âm /i/ ở đầu từ bằng chữ cái "i" thì những người biết tiếng Latinh có thể hiểu lầm chữ "i" ở đây biểu thị phụ âm /j/ dẫn tới đọc sai từ nên đã ghi nguyên âm /i/ ở đầu từ bằng chữ cái Hy Lạp "y" (vì trong tiếng Hy Lạp hiện đại, chữ cái "y" cũng biểu thị phụ âm /i/ giống như chữ cái "i" trong chữ quốc ngữ).
Hai vần "ay" /aj/ và "ai" /aːj/ đều mang nguyên âm /a/ và bán nguyên âm /j/, cái tạo nên sự khác biệt trong cách phát âm của hai vần này là trường độ của nguyên âm /a/. Vần "ay" chứa nguyên âm a ngắn /a/, vần "ai" /aːj/ chứa nguyên âm a dài /aː/. Sự khác biệt trong cách phát âm của hai vần "ây" /əj/ và "ơi" /əːj/ cũng nằm ở trường độ của nguyên âm, vần "ây" /əj/ chứa nguyên âm ơ ngắn /ə/, vần "ơi" /əːj/ chứa nguyên âm ơ dài /əː/. Chữ quốc ngữ đã có chữ "ă" để biểu thị nguyên âm a ngắn nhưng các giáo sĩ phương Tây đã không dùng chữ này để ghi lại nguyên âm a ngắn trong vần "ay". Vì muốn hạn chế dùng các chữ cái có dấu nên họ đã dùng chữ "a" để ghi lại cả nguyên âm a dài lẫn nguyên âm a ngắn trong vần "ai" và "ay". Để phân biệt hai vần này họ dùng hai chữ cái "i" và "y" để ghi lại bán nguyên âm /j/ trong hai vần "ay" và "ai". Với vần "ai" họ dùng chữ "i", với vần "ay" họ dùng chữ "y". Hai chữ "i" và "y" ở đây ngoài việc biểu thị bán nguyên âm /j/ trong hai vần ra còn báo cho người đọc biết nguyên âm đứng trước nó là nguyên âm dài hay nguyên âm ngắn, "i" biểu thị nguyên âm dài, "y" biểu thị nguyên âm ngắn. Để cho nhất quán bán nguyên âm /j/ trong vần "ây" (chứa nguyên âm ơ ngắn) được ghi bằng chữ "y", còn trong vần "ơi" (chứa nguyên âm ơ dài) nó được ghi lại bằng chữ "i". Vần "uy" /wi/ viết là "uy", vần "ui" /uj/ viết là "ui" (uy và ui đều mang bán nguyên âm /j/, /w/ và /u/ được ghi lại bằng cùng một chữ "u" giống như các vần khác). Vần "uy" đứng sau "q" viết là "u" như châu Âu (quy).
Ngoài các trường hợp kể trên ra, trong các trường hợp còn lại nguyên âm /i/ và bán nguyên âm /j/ phải được viết bằng chữ cái "i".
Nguyên nhân dẫn đến việc dùng hai chữ y (dài) i (ngắn) trong chữ quốc ngữ là như trên nhưng từ thuở ban đầu của chữ quốc ngữ đến nay vì nhiều nguyên nhân như do không biết nguồn gốc của hai chữ i (ngắn) y (dài) trong chữ quốc ngữ, do thói quen cố hữu, theo thẩm mỹ quan cá nhân (thấy ở trường hợp này trường hợp kia viết với chữ i hay chữ y thì dễ nhìn hơn), bắt chước theo cách viết của người khác vân vân, nguyên tắc sử dụng i và y đặt ra lúc ban đầu liên tục bị vi phạm. Ngay cả các giáo sĩ phương Tây cũng không tuân thủ triệt để. Người ta chỉ cố gắng viết đúng y dài i ngắn để phân biệt hai vần "ay" và "ai", trong các trường hợp khác người ta tùy tiện viết y dài i ngắn theo ý mình.
Trong phương ngữ tiếng Việt miền Nam, nguyên âm /a/ luôn là một nguyên âm dài khi đứng trước bán nguyên âm /j/, không còn sự đối lập về trường độ của nguyên âm /a/ nữa, do đó "ay" và "ai" trong phương ngữ miền Nam là đồng âm, đều được phát âm là /aj/. Vì "ay" và "ai" trong phương ngữ miền Nam chỉ là hai cách viết khác nhau theo quy ước chính tả của cùng một vần nên người miền Nam hay viết sai chính tả các từ có "ay" và "ai", chỗ theo chính tả phải viết là "ay" thì lại viết "ai" và ngược lại, chỗ phải viết là "ai" thì lại viết là "ay".
Nhằm chấm dứt tình trạng viết i ngắn i dài lung tung, đã có một số người, cơ quan, tổ chức đặt ra quy tắc sử dụng i và y của riêng mình, quy định khi nào viết chữ i, khi nào viết chữ y. Các quy tắc này thường không xét đến nguyên nhân các giáo sĩ phương Tây đưa hai chữ i (ngắn) y (dài) vào chữ quốc ngữ.
Quy tắc sử dụng i và y trong sách giáo khoa
sửa- Nguyên âm trong các âm tiết mở, viết i ngắn: kĩ (thuật), lí (thuyết), mĩ (thuật), hi (vọng), (nghệ) sĩ,...
- Nguyên âm đứng một mình (âm tiết độc lập) thì sẽ viết i ngắn nếu là từ thuần Việt: ỉ (eo), ì (à) ì (ạch), (béo) ị, (ầm) ĩ,... và y dài, nếu là từ Hán Việt: ý (kiến), (lưu) ý, y (sĩ), (chuẩn) y...
- Nguyên âm đứng đầu âm tiết, có tổ hợp nguyên âm hoặc nguyên âm đôi, viết y dài: yêu (quý), yểu (điệu), yến (tiệc), yêng (hùng), huỳnh huỵch...
- Trong các âm tiết nửa mở, nếu là tổ hợp nguyên âm [wi], như trong các từ quy (tắc), (thâm) thúy, (ma) túy, (xương) tủy, quỵ lụy... thì viết y dài. Nếu là tổ hợp nguyên âm [uj], như trong các từ cúi (đầu), túi (quần), tủi (hổ), xúi (bẩy), (tàn) lụi... thì viết i ngắn.
Kiểu mới
sửaTrừ tên riêng, đề xuất tương đối hợp lý[61] cách dùng hai chữ i ngắn và y dài hiện nay như sau:
- Đối với các âm tiết có phụ âm đầu /ʔ/, âm đệm /Ø/, âm chính /i/ và âm cuối /Ø/, thì có hai cách viết:
- Dùng "i" trong các trường hợp từ thuần Việt, cụ thể là: i - i tờ; ì - ì, ì ạch, ì à ì ạch, ì ầm, ì oạp; ỉ - lợn ỉ, ỉ eo, ỉ ôi; í - í a í ới, í oắng, í ới; ị - ị, béo ị
- Dùng "y" trong các trường hợp còn lại (thường là từ Hán-Việt), ví dụ: y - y tế, y nguyên, y phục; ỷ - ỷ lại; ý - ý nghĩa, ý kiến...
- Đối với các âm tiết có âm đệm /Ø/ và âm chính /iə/ thì dùng "i". Ví dụ: chịa, đĩa, tía... kiến, miền, thiến... Trừ trường hợp có âm đầu /ʔ/ và âm cuối không /Ø/ thì dùng "y": yếm, yến, yêng, yêu...
- Đối với các âm tiết có âm đệm /w/, âm chính là /i/ hoặc /iə/ thì dùng "y". Ví dụ: huy, quý, quýt... khuya, tuya, xuya... quyến, chuyền, tuyết, thuyết...
- Việc biểu diễn nguyên âm /i/ trong các trường hợp còn lại (âm đệm /Ø/) thì dùng "i". Ví dụ: inh, ích, ít... bi, chi, hi, kì, khi, lí, mì, phi, ti, si, vi... bình, chính, hít, kim, lịm, mỉm, nín, phình, tính, sinh, vinh...
- Việc biểu diễn âm cuối /-j/ không có gì thay đổi, vẫn dùng "y" trong các trường hợp có nguyên âm chính ngắn: (bàn) tay, (thợ) may, tây, sấy... và dùng "i" trong các trường hợp còn lại: (lỗ) tai, (ngày) mai, cơi, coi, côi...
- Dùng "i" trong trường hợp các tiếng có phụ âm đầu + vần "i" (ví dụ: lí, mĩ, kĩ, thi, sĩ...) đều thống nhất viết bằng "i" (i ngắn). Ví dụ: lí luận, lí tưởng, thi sĩ, nước Mĩ, bánh mì, kỉ niệm, v.v... mà không viết "y" (y dài) như trước đây. Đây là quy định của Bộ Giáo dục Việt Nam từ năm 1983 [cần dẫn nguồn]. Hiện nay Nhà xuất bản Giáo dục vẫn thực hiện nghiêm chỉnh quy định này trong việc in Sách giáo khoa các loại.
- Theo quy định của Bộ giáo dục (1984) có quy định cách viết "I" như sau:
- Nếu không có sự thay đổi về âm và nghĩa, trừ trường hợp "Y" đứng sau "QU", hầu hết các từ có âm "I" ở cuối đều được viết thống nhất bằng "I". Thí dụ: Hi sinh, kỉ niệm, lí luận, thẩm mĩ,...
- Nếu "I" hoặc "Y" đứng một mình, đứng đầu từ hoặc ở giữa từ, ta viết theo thói quen cũ. Thí dụ: ý nghĩa, y tế, yêu thương, Nguyễn Khuyến,...
Kiểu cũ
sửaCách dùng "i" hoặc "y" kiểu cũ thì thường căn cứ vào Hán Việt Từ điển của Đào Duy Anh (1931).[62] Theo đó thì "y" được dùng thay "i" với những từ gốc Hán Việt nếu đứng sau các phụ âm h, k, l, m, t, và q (qu). Vì vậy nên có "ngựa hí", "tì tay" (gốc Nôm) nhưng "song hỷ", "tỵ nạn" (gốc Hán Việt). Những phụ âm khác thì vẫn dùng "i" như "tăng ni" chứ không có ny (tuy nhiên có ca sĩ mang tên là "Tố Ny" từng tham gia chương trình Giọng Hát Việt). Người Việt ở hải ngoại dạy tiếng Việt cho trẻ em dùng mẹo để nhớ sáu phụ âm trên bằng câu "học mau lên kẻo ta quên".
Quy tắc đánh dấu thanh
sửaTrong các nguyên âm đôi và ba có ít nhất hai cách đặt dấu phụ lên chúng, trong đó một cách ("cách mới") dựa trên lý thuyết ngôn ngữ học.
Trong xếp thứ tự chữ cái, các chữ cái được ưu tiên, tiếp sau là dấu âm, dấu thanh điệu, và sau cùng là chữ hoa/chữ thường. Quá trình ưu tiên này được thực hiện lần lượt trên các âm tiết. Ví dụ một từ điển sẽ xếp "tuân thủ" trước "tuần chay".
Có nhiều quan điểm khác nhau về việc vị trí đặt dấu thanh, một trong các quan điểm đó như sau:
- Với các âm tiết [-tròn môi] (âm đệm /Ø/) có âm chính là nguyên âm đơn: Đặt dấu thanh điệu vào vị trí của chữ cái biểu diễn cho âm chính đó. Ví dụ: á, tã, nhà, nhãn, gánh, ngáng...
- Với các âm tiết [+tròn môi] (âm đệm /w/, được biểu diễn bằng "o, u") có âm chính là nguyên âm đơn thì cũng bỏ dấu thanh điệu vào vị trí chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ: hoà, hoè, quỳ, quà, quớ, thủy, nguỵ, hoàn, quét, quát, quỵt, suýt, loã, tuế,...
- Với các âm tiết có âm chính là nguyên âm đôi:
- Nếu là âm tiết [-khép] (nguyên âm được viết là: "iê, yê, uô, ươ"; âm cuối được viết bằng: "p, t, c, ch, m, n, ng, nh, o, u, i") thì bỏ dấu lên chữ cái thứ hai trong tổ hợp hai chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ: yếu, uốn, ườn, tiến, chuyến, muốn, mượn, thiện, thuộm, người, viếng, muống, cường...
- Nếu là âm tiết [+khép] (nguyên âm được viết là: "ia, ya, ua, ưa") thì nhất loạt bỏ dấu vào vị trí chữ cái thứ nhất trong tổ hợp hai chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ: tỉa, tủa, cứa, thùa, khứa, ứa,...
- Phân biệt vị trí đặt dấu thanh điệu ở tổ hợp "ua" và "ia":
- Với "ia" thì phân biệt bằng sự xuất hiện hay vắng mặt của chữ cái "g" ở đầu âm tiết. Có "g" thì đặt vào "a" (già, giá, giả...), không có "g" thì đặt vào "i" (bịa, chìa, tía...). Trường hợp đặc biệt: "gịa" (trong từ "giặt gịa", có nghĩa là "giặt giũ") - cách đọc: ghép phụ âm "gi" với nguyên âm kép "ịa"[63]; "gìn" (trong từ "giữ gìn") - cách đọc: ghép phụ âm "gi" với vần "ìn"; "gì" - cách đọc: ghép phụ âm "gi" với nguyên âm đơn "ì"; tương tự: giếng; giêng; giềng; giết; gin.
- Với "ua" thì phân biệt bằng sự xuất hiện hay vắng mặt của chữ cái "q". Có "q" thì đặt vào "a" (quán, quà, quạ...), không có "q" thì đặt vào "u" (túa, múa, chùa...). Hoặc để giản tiện cho việc làm bộ gõ, có thể coi "qu" như là một tổ hợp phụ âm đầu tương tự như "gi, nh, ng, ph, th"... Khi đó, sẽ coi "quán, quà, quạ"... như là những âm tiết có âm đệm /Ø/.
Trong đời sống, hiện vẫn tồn tại hai cách đặt dấu thanh trong tiếng Việt, vẫn xuất hiện trên cùng một văn bản, làm cho văn bản đẹp hơn, vẫn không sai. Ví dụ "hòa" là một cách đặt dấu thanh khác cho "hoà", trong đó "hòa" còn gọi là cách đặt dấu thanh "cũ". Bảng sau liệt kê các trường hợp mà hai cách đặt dấu thanh khác nhau:
Cũ | Mới |
---|---|
òa, óa, ỏa, õa, ọa | oà, oá, oả, oã, oạ |
òe, óe, ỏe, õe, ọe | oè, oé, oẻ, oẽ, oẹ |
ùy, úy, ủy, ũy, ụy | uỳ, uý, uỷ, uỹ, uỵ |
Dấu câu dùng kèm chữ quốc ngữ
sửaMột số loại dấu thường dùng trong chữ Quốc ngữ
Dấu câu | Ký tự | Dấu câu | Ký tự |
---|---|---|---|
Chấm | . | Chấm phẩy | ; |
Phẩy | , | Hai chấm | : |
Chấm hỏi | ? | Ngoặc đơn | () |
Chấm than | ! | Ngoặc vuông | [ ] |
Chấm lửng | ... | Gạch ngang, gạch nối | –, - |
Nháy đơn | ' ' | Nhọn đơn (giờ đây đã không còn dùng, được thay thế bởi dấu nháy đơn) | ‹ › |
Ngoặc kép | " " | Nhọn kép (giờ đây đã không còn dùng, được thay thế bởi dấu ngoặc kép) | « » |
Gạch dưới | _ | Gạch chéo (không phân biệt gạch chéo thường (/) và gạch chéo ngược (\) | \ / |
Nguồn gốc một số chữ cái chữ quốc ngữ
sửaPhần này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
- ă: Vay mượn từ tiếng Latinh. Trong tiếng Latinh dấu âm ngắn (˘) được thêm vào phía trên các chữ cái nguyên âm để biểu thị nguyên âm ngắn, "ă" biểu thị nguyên âm ngắn /a/. Nguyên âm ngắn và nguyên âm dài có cách phát âm giống nhau nhưng thời gian phát âm của nguyên âm dài dài hơn nguyên âm ngắn. "Ă" không được coi là một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Latinh. Chữ quốc ngữ dùng chữ "ă" để biểu thị nguyên âm ngắn /a/ khi có sự phân biệt về độ dài của nguyên âm /a/. Ví dụ: [kan] và [kaːn]) được lần lượt ghi lại bằng chữ quốc ngữ là "căn" và "can".
- â: Vay mượn từ tiếng Bồ Đào Nha. Trong tiếng Bồ Đào Nha "â" biểu thị nguyên âm /ɐ/ và /ɐ̃/. Hai nguyên âm /ɐ/ và /ɐ̃/ trong tiếng Bồ Đào Nha là nguyên âm đọc mạnh, dấu mũ (ˆ) phía trên chữ a biểu thị độ cao của chúng. "Â" không được coi là một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Bồ Đào Nha. Chữ quốc ngữ dùng chữ "â" để biểu thị nguyên âm ngắn /ə/ khi có sự phân biệt về độ dài của nguyên âm /ə/, dấu mũ (ˆ) phía trên chữ a biểu thị đây là nguyên âm dài. Nguyên âm ngắn và nguyên âm dài có cách phát âm giống nhau nhưng thời gian phát âm của nguyên âm dài dài hơn nguyên âm ngắn. Ví dụ: [kən] và [kəːn]) lần lượt được ghi bằng chữ quốc ngữ là "cân" và "cơn".
- c: Vay mượn từ tiếng Bồ Đào Nha. Trong tiếng Bồ Đào Nha chữ "c" khi đứng trước "a", "o", "u" sẽ biểu thị phụ âm /k/, khi đứng trước "e", "i" sẽ biểu thị phụ âm /s/. Chữ quốc ngữ dùng chữ "c" để biểu thị phụ âm /k/. Vì trong tiếng Bồ Đào Nha chữ "c" khi đứng trước "e", "i" sẽ biểu thị phụ âm /s/ nên để tránh cho những người biết tiếng biết Bồ Đào Nha khỏi đọc sai, trong chữ quốc ngữ phụ âm đầu /k/ được ghi lại bằng chữ "c" khi sau nó là nguyên âm "a", "ă", "â", "o", "ô", "ơ", "u", "ư", ghi bằng chữ "k" nếu sau nó là nguyên âm "e", "ê", "i". Ví dụ: /kɛɔ/ được ghi lại bằng chữ quốc ngữ là "keo", không được viết là "ceo".
- ch: Vay mượn từ tiếng Bắc Bồ Đào Nha. Dựa theo thống kê hiện đại,[64] trong tiếng Bắc Bồ Đào Nha thuộc huyện Guarda, miền Beira Alta, nơi Francisco de Pina đã trưởng thành, rất có khả năng chữ cái ghép đôi "ch" biểu thị bằng âm vị /ʧ/. Chữ quốc ngữ đã mượn chữ cái ghép đôi "ch" với âm vị /ʧ/ của tiếng Bắc Bồ Đào Nha để ghi một âm vị trong tiếng Việt [c]. Phương ngữ miền Nam có sự lẫn lộn "CH" thành "T" cho phụ âm cuối.
- d: Trong hầu hết các hệ thống chữ viết dựa trên chữ Latinh chữ "d" thường dùng để ghi lại phụ âm /d/ hoặc /d̪/ nhưng vì trong tiếng Việt trung đại (và cả tiếng Việt hiện đại) không có hai phụ âm này nên chữ "d" được dùng để ghi lại một phụ âm trong tiếng Việt trung đại có cách phát âm gần giống là /ð/. Phụ âm /ð/ không còn tồn tại trong tiếng Việt hiện đại, nó đã biến đổi thành phụ âm /z/ trong phương ngữ Bắc và phụ âm /j/ trong phương ngữ Nam.
- đ: Chữ này được tạo thành bằng cách thêm một nét gạch ngang ngắn vào chữ "d" để ghi lại phụ âm /ɗ/, ý là cách phát âm của phụ âm /ɗ/ có phần giống với phụ âm /d/ và /t/.
- ê: Vay mượn từ tiếng Bồ Đào Nha. Trong tiếng Bồ Đào Nha "ê" biểu thị nguyên âm /e/ và nguyên âm đôi /əj/. Nguyên âm /e/ trong tiếng Bồ Đào Nha là nguyên âm đọc nặng, dấu mũ (ˆ) phía trên chữ e biểu thị độ cao của nó. "Ê" không được coi là một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Bồ Đào Nha. Chữ quốc ngữ dùng chữ "ê" để biểu thị nguyên âm /e/ và /ə/ (trong nguyên âm đôi "iê" /iə/).
- g: Vay mượn từ tiếng Bồ Đào Nha. Trong tiếng Bồ Đào Nha chữ cái "g" khi đứng trước "a", "o", "u" sẽ biểu thị phụ âm /ɡ/, khi đứng trước "e", "i" sẽ biểu thị phụ âm /ʒ/. Chữ quốc ngữ mượn chữ cái "g" của tiếng Bồ Đào Nha để ghi lại một phụ âm trong tiếng Việt có cách phát âm gần giống với /ɡ/ là /ɣ/. Vì trong tiếng Bồ Đào Nha chữ cái "g" khi đứng trước "e", "i" sẽ biểu thị phụ âm /ʒ/ nên để tránh cho người biết tiếng Bồ Đào Nha khỏi đọc sai chữ quốc ngữ chữ ghép đôi "gh" mượn từ tiếng Ý để ghi lại /ɣ/ khi sau nó là nguyên âm "e", "ê", "i". Ví dụ: /ɣo/, /ɣe/ lần lượt được ghi bằng chữ quốc ngữ ghi là "gỗ", "ghế", không viết là "ghỗ", "gế".
- gh: Vay mượn từ tiếng Ý. Trong tiếng Ý chữ cái "g" biểu thị phụ âm /ɡ/ khi đứng trước "a", "o", "u", biểu thị phụ âm /d͡ʒ/ khi đứng trước "e", "i". Phụ âm /ɡ/ khi đi với nguyên âm "e", "i" sẽ được ghi lại bằng "gh". Chữ quốc ngữ mượn chữ "g" của tiếng Bồ Đào Nha để ghi lại phụ âm /ɣ/ của tiếng Việt. Trong tiếng Bồ Đào Nha cũng có hiện tượng "g" khi đứng trước "e", "i" đọc khác với "g" đứng trước "a", "o", "u". Để tránh cho những người biết tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Ý khỏi đọc sai, trong chữ quốc ngữ phụ âm /ɣ/ sẽ được ghi lại bằng chữ ghép đôi "gh" mượn từ tiếng Ý khi sau nó là nguyên âm "e", "ê", "i". Ví dụ: /ɣe/, /ɣo/ lần lượt được ghi bằng chữ quốc ngữ ghi là "ghế" "gỗ", không viết là "gế", "ghỗ".
- gi: Vay mượn từ tiếng Ý. Trong tiếng Ý chữ cái "g" biểu thị phụ âm /ɡ/ khi đứng trước "a", "o", "u", biểu thị phụ âm /d͡ʒ/ khi đứng trước "e", "i". Khi sau "g" là "i", sau "i" là "a", "o", "u" thì "i" không ghi lại âm vị nào, nó chỉ đóng vai trò là một chỉ báo về cách phát âm của chữ "g" đứng trước nó, cho biết rằng chữ "g" ở đây biểu thị phụ âm /d͡ʒ/ chứ không phải là /ɡ/. Vì phụ âm /ʝ/ của tiếng Việt trung đại có cách phát âm gần giống với phụ âm /d͡ʒ/ của tiếng Ý nên chữ quốc ngữ đã mượn "gi" của tiếng Ý để ghi lại phụ âm /ʝ/ và âm tiết /ʝi/ của tiếng Việt trung đại. Trong phương ngữ Bắc và phương ngữ Nam của tiếng Việt hiện đại phụ âm /ʝ/ không còn tồn tại, nó đã biến đổi thành phụ âm /z/ trong phương ngữ Bắc và phụ âm /j/ trong phương ngữ Nam. Ngày nay, "dàn" và "giàn", "dì" và "gì" trong hai phương ngữ Bắc và Nam là đồng âm.
- i: Không rõ từ đâu trong phương ngữ miền Nam, nếu ghép với một phụ âm cuối thì đa số đọc thành "Ư" ngoại trừ "M". Thí dụ: Inh/ưn,it/ưt,ích/ứt
- k: Vay mượn từ tiếng Hy Lạp. Trong tiếng Hy Lạp chữ cái "k" biểu thị phụ âm /k/. Trong chữ quốc ngữ phụ âm đầu /k/ được ghi lại bằng chữ "k" khi sau nó là nguyên âm "e" /ɛ/, "ê" /e/, "i/y" /ɛ/, ghi bằng chữ "c" khi sau nó là nguyên âm "a", "ă", "â", "o", "ô", "ơ", "u", "ư". Mục đích là để tránh cho những người biết tiếng Bồ Đào Nha khỏi đọc sai vì trong tiếng Bồ Đào Nha chữ "c" khi đứng trước ba chữ "e", "i", "y" sẽ biểu thị phụ âm /s/, chứ không phải là phụ âm /k/.
- kh: Bắt nguồn từ cách chuyển tự các phụ âm bật hơi của tiếng Hy Lạp cổ đại sang chữ Latinh. Các phụ âm bật hơi trong tiếng Hy Lạp cổ đại được chuyển tự sang chữ Latinh bằng cách lấy một chữ cái biểu thị một phụ âm có cách phát âm tương tự với phụ âm cần chuyển tự nhưng không bật hơi rồi thêm chữ "h" vào phía sau. Phụ âm bật hơi /kʰ/ của tiếng Hy Lạp cổ đại (trong tiếng Hy Lạp được ghi bằng chữ "χ") được chuyển tự sang tiếng Latinh thành "ch". Tiếng Việt trung đại cũng có phụ âm /kʰ/. Chữ quốc ngữ đã phỏng theo cách thức chuyển tự trên để ghi lại phụ âm /kʰ/ của tiếng Việt trung đại bằng chữ cái ghép đôi "kh" (chữ cái ghép đôi "ch" đã dùng để ghi lại một phụ âm khác của tiếng Việt). Trong tiếng Việt hiện đại phụ âm /kʰ/ không còn tồn tại trong phương ngữ Bắc, nó đã biến đổi thành phụ âm /x/, phương ngữ Nam thì vẫn còn phụ âm này.
- nh: Vay mượn từ tiếng Bồ Đào Nha. Trong tiếng Bồ Đào Nha và quốc ngữ chữ cái ghép đôi "nh" đều biểu thị phụ âm /ɲ/.
- ô: Vay mượn từ tiếng Bồ Đào Nha. Trong tiếng Bồ Đào Nha chữ o với dấu mũ dấu mũ (ˆ) "ô" biểu thị nguyên âm /o/. Nguyên âm /o/ trong tiếng Bồ Đào Nha là nguyên âm đọc nặng, dấu mũ (ˆ) phía trên chữ o biểu thị độ cao của nó. "Ô" không được coi là một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Bồ Đào Nha. Chữ quốc ngữ cũng dùng chữ "ô" đề biểu thị nguyên âm /o/ giống như trong tiếng Bồ Đào Nha.
- ph: Bắt nguồn từ cách chuyển tự các phụ âm bật hơi của tiếng Hy Lạp cổ đại sang chữ Latinh. Các phụ âm bật hơi trong tiếng Hy Lạp cổ đại được chuyển tự sang chữ Latinh bằng cách lấy một chữ cái biểu thị một phụ âm có cách phát âm tương tự với phụ âm cần chuyển tự nhưng không bật hơi rồi thêm chữ "h" vào phía sau. Phụ âm bật hơi /pʰ/ của tiếng Hy Lạp cổ đại (trong tiếng Hy Lạp được ghi bằng chữ "φ") được chuyển tự sang tiếng Latinh thành "ph". Tiếng Việt trung đại cũng có phụ âm /pʰ/ nên chữ quốc ngữ đã mượn chữ cái ghép đôi "ph" để ghi lại /pʰ/ của tiếng Việt trung đại. Phụ âm /pʰ/ không còn tồn tại trong tiếng Việt hiện đại, nó đã biến đổi thành phụ âm /f/.
- s: Vay mượn từ tiếng Bồ Đào Nha. Đa số phát âm "S" thành "X".
- th: Bắt nguồn từ cách chuyển tự các phụ âm bật hơi của tiếng Hy Lạp cổ đại sang chữ Latinh. Các phụ âm bật hơi trong tiếng Hy Lạp cổ đại được chuyển tự sang chữ Latinh bằng cách lấy một chữ cái biểu thị một phụ âm có cách phát âm tương tự với phụ âm cần chuyển tự nhưng không bật hơi rồi thêm chữ "h" vào phía sau. Phụ âm bật hơi /tʰ/ của tiếng Hy Lạp cổ đại (trong tiếng Hy Lạp được ghi bằng chữ "τ") được chuyển tự sang tiếng Latinh thành "th". Tiếng Việt cũng có phụ âm /tʰ/ nên chữ quốc ngữ đã mượn chữ cái ghép đôi "th" để ghi lại phụ âm /tʰ/ của tiếng Việt.Người Thủ Dầu Một xưa kia đa số phát âm sai "TH" thành "KH".
- x: Vay mượn từ tiếng Bồ Đào Nha. Trong tiếng Bồ Đào Nha chữ cái "x" khi đứng đầu từ luôn biểu thị phụ âm /ʃ/. Chữ quốc ngữ dùng chữ "x" để ghi lại một phụ âm của tiếng Việt trung đại có cách phát âm gần giống với phụ âm /ʃ/ là /ɕ/. Phụ âm /ɕ/ không còn tồn tại trong tiếng Việt hiện đại, nó đã biến đổi thành phụ âm /s/.
Vị thế pháp lý của chữ Quốc ngữ
sửaTuy bộ chữ Latinh cho tiếng Việt thường được gọi là "chữ Quốc ngữ", nó chỉ được xem như là một bộ chữ viết phổ thông thường dùng trên thực tế cho tiếng Việt hiện nay. Không có bất kỳ văn bản pháp lý nào ở cấp nhà nước quy định hay công nhận chữ Latinh là "Quốc tự" (chữ viết quốc gia) hay "văn tự chính thức".[65] Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013, chương I điều 5 mục 3 ghi là "Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt", khẳng định tiếng Việt là Quốc ngữ nhưng không đề cập tới "Quốc tự".[66]
Ở các văn bản thuộc lĩnh vực hành chính, tiếng Việt thường được viết bằng chữ Quốc ngữ theo "Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt" áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục, nêu tại Quyết định của Bộ Giáo dục số 240/QĐ ngày 5 tháng 3 năm 1984[40]. Ngoài lĩnh vực này, không có quy định nào yêu cầu người Việt trong đời sống hiện nay chỉ được viết tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ và cấm viết tiếng Việt bằng chữ Hán và chữ Nôm. Hiến pháp chương I điều 5 mục 3 cũng ghi "Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình", nên nếu có bộ luật hay quy định nào đó được đặt ra để cấm người Việt hiện tại viết tiếng Việt bằng chữ Hán và chữ Nôm như người Việt xưa thì sẽ là một bộ luật vi hiến.
Dù chữ Latinh cho tiếng Việt đã được tạo ra bởi các tu sĩ Dòng Tên của Bồ Đào Nha và Ý vào thế kỷ XVII, nhưng sau 200 năm thì tiếng Việt vẫn được viết phổ biến bằng chữ Hán và chữ Nôm. Chính quyền phong kiến cũng không có luật công nhận văn tự chính thức, nên lúc đó vị thế của chữ Hán và chữ Nôm cũng chưa phải là Quốc tự. Tuy vậy chữ Nôm khi đó cũng hay được gọi là "Quốc âm", "Quốc ngữ". Người Việt cũng không có lý do gì để thay đổi chữ viết phổ biến, nên chữ Latinh cho tiếng Việt khi đó thường được dùng trong phạm vi xung quanh những nhà truyền giáo.
Phải đến thời kỳ Pháp thuộc ở cuối thế kỷ XIX, sau sự xâm lược của Thực dân Pháp, chính quyền Đông Dương ở Nam Kỳ đưa ra những quy định pháp lý bảo hộ chữ Latinh cho tiếng Việt thay thế chữ Hán và chữ Nôm, để khiến tiếng Việt đồng văn tự với tiếng Pháp cũng sử dụng chữ Latinh. Đồng thời chữ Latinh cho tiếng Việt cũng bắt đầu được gọi là chữ Quốc ngữ. Sang thế kỷ XX, mở rộng chính sách dùng chữ Quốc ngữ ra Bắc Kỳ.[22] Từ đó tiếng Việt được viết phổ biến bằng chữ Latinh. Người Việt cũng dần bị "mù chữ" đối với chữ Hán và chữ Nôm.
Theo tư liệu trong "Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ (25/5/1938)" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 25/5/2008,[67][68] thì Hội ra đời ngày 25/5/1938. Ngày 29/7/1938, Thống sứ Bắc Kỳ là người Pháp công nhận sự hợp pháp của Hội, và Hội cho rằng đó là dấu mốc chắc chắn cho vị thế "chữ Quốc ngữ" của chữ Latinh cho tiếng Việt. Việc cổ động cho học "chữ Quốc ngữ" ở Việt Nam gắn với các phong trào cải cách trong giai đoạn 1890 - 1910 như Hội Trí Tri, phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục và ngành báo chí mới hình thành, đã thừa nhận và cổ vũ học "chữ Quốc ngữ", coi là phương tiện thuận lợi cho học hành nâng cao dân trí [67].
Theo Tiến sĩ Trần Trọng Dương, sắc lệnh số 20 do Võ Nguyên Giáp ký năm 1945 "có quy định về việc sử dụng chữ Quốc ngữ và coi đó là chữ viết của nước mình."[69]
Vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ
sửaPhần này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Từ giữa thế kỷ 20, một số người quan tâm tìm cách cải tiến chữ Quốc ngữ, và cho rằng cần làm giản tiện và hợp lí hơn. Tuy nhiên, cải tiến chữ viết là công việc khó khăn, phải được hàng triệu người chấp nhận, nên thực ra chưa có cải tiến nào được ứng dụng. Dưới đây là hai phương án nổi bật nhất từng được đưa ra:
Dự thảo "Phương án cải tiến chữ Quốc ngữ bước đầu" của Giáo sư Hoàng Phê
sửaDự thảo Phương án cải tiến chữ Quốc ngữ bước đầu được Giáo sư Hoàng Phê xây dựng vào năm 1960-1961. Ông đã dựa vào cơ sở phân tích hệ thống ngữ âm tiếng Việt đã được các nhà Việt ngữ học (những người chuyên về âm vị học tiếng Việt) cơ bản chấp nhận. Bản dự thảo đã đề cập:
Các âm vị tiếng Việt và cách viết các âm vị (gồm âm vị nguyên âm đơn, âm vị phụ âm); Kết cấu âm tiết tiếng Việt và cách viết các âm tiết; Vấn đề thêm vần mới và vấn đề viết liền. Để cụ thể hoá một số ý kiến về nguyên tắc đã trình bày, ông nêu tóm tắt mấy điểm đề nghị cải tiến chữ quốc ngữ trong bước đầu:
- Bỏ H trong GH và NGH (vd: ghê >> gê, nghe >> nge, nghiêng >> ngiêng).
- Dùng F thay PH; D thay Đ; Z thay D và GI (vd: dân tộc >> zân tôc, đất nước>> dất nước, phương pháp >> fương fáp).[b]
- Nhất luật viết phụ âm k bằng K trong mọi trường hợp, thay cho C, và nghiên cứu thay cả cho Q (vd như "Đường kách mệnh").
- Nhất luật viết nguyên âm i bằng I trong mọi trường hợp: i (học), iêu (thương), iết (kiến), kì (lạ), mĩ (thuật). v.v. Chỉ dùng Y để viết bán nguyên âm i trong ay và ây.
- Thêm W để viết bán nguyên âm u trong uy:uy, uya, uynh sẽ viết WI, WIA, WINH, và qui sẽ viết KWI (còn cui sẽ viết KUI).
- Thêm W là để có thể bỏ vần bất hợp lí UY; đồng thời cũng để chuẩn bị để dần dần, trong bước sau, dùng W viết bán nguyên âm U đứng trước nguyên âm, thay cho các con chữ O và U: oa, oe, uê, ươ, uy viết WA, WE, WÊ, WƠ, WI.
- Thực hiện viết liền những trường hợp rõ ràng là một từ (xãhội, káchmạng, chiếnsĩ, thiđua, chuẩnbị, fấnkhởi, vuivẻ, v.v.). Nói chung, các danh từ riêng cũng viết liền, trường hợp là tên người thì viết rời tên và họ (Việtnam, Hànội, Nguyễn Du, Trần Hưngđạo).[c]
Căn cứ vào những nội dung đó, GS Hoàng Phê thử cụ thể hóa bằng việc viết lại bản Tuyên ngôn Độc lập (do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945).
Xin trích hai đoạn mở đầu:
TWIÊNNGÔN DỘCLẬP (do Hồ Chủtịch dọc ngằi 2-9-1945)
- Tấtcả mọi người dều sinh ra có cwiền bìnhdẳng. Tạohóa cho họ những cwiền không ai cóthể xâmfạm được; trong những cwiền ấi, có cwiền dược sống, cwiền tựzo và cwiền mưucầu hạnhfúc.
- Lời bấthủ ấi ở trong bản Twiênngôn Dộclập năm 1776 của nước Mĩ. Swi rộng ra, câu ấi có í nghĩa là: tấtcả các zântộc trên thếzới dều sinh ra bìnhdẳng; zântộc nào cũng có cwiền sống, cwiền sungsướng và cwiền tựzo…
Nguyên bản: TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP (do Hồ Chủ tịch đọc ngày 2-9-1945)
- Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
- Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Đề xuất "Phương án cải tiến chữ quốc ngữ" của Phó giáo sư Bùi Hiền
sửaPhó giáo sư Bùi Hiền từng công bố một đề xuất "Phương án cải tiến chữ quốc ngữ" ở Báo Giáo dục và Thời đại số 72 ngày 8/9/1995.[70] Đây chỉ là một nghiên cứu cá nhân mà ông Hiền theo đuổi từ lâu. Cuối năm 2017, sau một cuộc hội thảo thì đề xuất của ông được đưa ra truyền thông và đã có bàn cãi sôi nổi do những khác lạ trong lối viết "cải tiến" mà ông đưa ra. Bàn cãi lắng xuống khi các chuyên gia xác định nếu có cải tiến loại chữ viết mà hàng triệu người ở trong và ngoài nước đang sử dụng, thì sẽ không thể đơn giản như một cá nhân đề xuất.
Hỗ trợ trên máy tính
sửaCác phông chữ Unicode chứa các chữ cái tiếng Việt; nằm rải rác trong phần "Latin Cơ bản", "Latin-1 Thêm", "Latin Mở rộng-A", "Latin Mở rộng-B", và Latin Mở rộng Thêm.
Chữ quốc ngữ có thể được biểu thị trong ASCII dựa trên quy ước như VIQR. Trước khi Unicode được dùng rộng rãi, các phông chữ TCVN3, VNI, và VISCII cũng đã được dùng để biểu thị tiếng Việt. Ngày nay UTF-8 là mã hoá được dùng rộng rãi trên máy tính cho tiếng Việt.
Nhiều bàn phím máy tính không hỗ trợ việc nhập trực tiếp các ký tự tiếng Việt. Điều này dẫn đến sự ra đời của các phần mềm cho phép thực hiện các phương pháp nhập ký tự tiếng Việt theo quy ước như Telex, VIQR hay VNI.
Xem thêm
sửaTham khảo thêm
sửaGhi chú
sửa- ^ "Phương ngữ miền Bắc" nêu ở đây là giọng Hà Nội, nói là "chẻ châu da xông chanh dành chứng dán". Phương ngữ miền Bắc chính thức được coi là giọng vùng Nam Định - Thái Bình, nơi nói rõ là "trẻ trâu ra sông tranh giành trứng rán", và được xem là giọng chuẩn tiếng Việt. Nhiều nhà nghiên cứu không ra xa Hà Nội nên hay nói lộn giọng Hà Nội là phương ngữ miền Bắc.
- ^ Hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới và các bộ chuyển tự Latinh (như pinyin, romaji) đều dùng chữ D cho âm /d/ (đờ) và chữ Z cho âm /z/ (dờ). Ngay chính văn viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thường sử dụng F thay PH, Z thay D, như trong Di chúc. Tên người Việt bắt đầu bằng chữ D thường bị người nước ngoài đọc bằng âm /d/. Để tránh nhầm lẫn, môt số người thay thêm Z sau D thành Dz như Hồ Dzếnh, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân.
- ^ Giai đoạn đầu, các từ ghép hay từ phức bằng chữ Quốc ngữ thường viết có gạch nối (vd: xã-hội, vui-vẻ,...). Về sau cách viết này bị bỏ đi. Việc gạch nối không có là nguyên nhân chính khiến tên người Việt Nam hiện nay hay bị nhầm lẫn trong việc xác định phần họ và phần tên, gây hiểu nhầm họ (như họ Tôn và họ Tôn Thất), và bị xáo trộn bất hợp lý khi bị đảo ngược họ và tên trong ngôn ngữ phương tây như tiếng Anh, như trường hợp của "Nguyễn Bùi Diễm Phúc" (họ bố-mẹ: "Nguyễn" và "Bùi", tên "Diễm Phúc"), vì không có gạch nối hay viết liền, họ và tên bị xác định sai và bị đảo thành "Phuc Bui Diem Nguyen" thay vì "Diem-Phuc Nguyen-Bui".
Chú thích
sửa- ^ a b c Jacques, Roland (2002). Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics Prior to 1650 – Pionniers Portugais de la Linguistique Vietnamienne Jusqu’en 1650 (bằng tiếng Anh & tiếng Pháp). Bangkok, Thái Lan: Orchid Press. ISBN 974-8304-77-9.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
- ^ a b Jacques, Roland (2004). "Bồ Đào Nha và công trình sáng chế chữ quốc ngữ: Phải chăng cần viết lại lịch sử?" Nguyễn Đăng Trúc dịch. Trong Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam (Quyển 1) – Les missionnaires portugais et les débuts de l’Eglise catholique au Viêt-nam (Tome 1). Reichstett, Pháp: Định Hướng Tùng Thư. ISBN 2-912554-26-8.
- ^ J Edmondson. "Vietnamese". Concise Encyclopedia of Languages of the World, Elsevier Ltd., năm 2009, trang 1149, 1150.
- ^ J Edmondson. "Vietnamese". Concise Encyclopedia of Languages of the World, Elsevier Ltd., năm 2009, trang 1149.
- ^ John DeFrancis. Colonialism and Language Policy in Viet Nam. The Hague, Mouton Publishers, năm 1977, trang 82–84.
- ^ John DeFrancis. Colonialism and Language Policy in Viet Nam. The Hague, Mouton Publishers, năm 1977, trang 82.
- ^ Hoàng Xuân Việt (2006). Tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. tr. 165–167.
- ^ Petrus Paulus Thống (13 tháng 1 năm 2016). Chữ Quốc ngữ với môi trường Bình Định. Hội thảo Khoa học "Bình Định với chữ Quốc ngữ". Quy Nhơn. tr. 211–218. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 5 năm 2018. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2018.
- ^ Hoàng Xuân Việt. Bạch thư chữ Quốc ngữ. San Jose, CA: Hội văn hóa Việt, 2006. tr 185-186
- ^ Đỗ Quang Chính (2004). "Giáo hội Công giáo với chữ Quốc ngữ" Lưu trữ 2020-12-07 tại Wayback Machine.
- ^ Đỗ Quang Chính (1972). Lịch sử chữ Quốc ngữ, 1620–1659. Sài Gòn: Tủ sách Ra Khơi. tr. 68–73.
- ^ Hoàng Xuân Việt (2006). Tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. tr. 273, 324.
- ^ Phạm Thị Kiều Ly (tháng 3 năm 2018). “Chữ quốc ngữ thời Hội thừa sai”.
- ^ Hannas, W. C. Asia's orthographic dilemma. Honolulu, HI: University of Hawaii Press, 1997. tr 84-87
- ^ Trần Văn Toàn (2005). "Tự vị Taberd và di sản văn hóa Việt Nam" Lưu trữ 2019-12-23 tại Wayback Machine.
- ^ Võ Xuân Quế (2018). “Sách "Thực vật Đàng Trong" và chữ Quốc ngữ thế kỷ XVIII theo cách ghi của João de Loureiro”. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 1 năm 2020. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2019.
- ^ Taberd, Jean Louis. Dictionarium Latino-Anamiticum. Serampore, 1838. tr 78
- ^ Ostrowski, Brian Eugene (2010). “The Rise of Christian Nôm Literature in Seventeenth-Century Vietnam: Fusing European Content and Local Expression”. Trong Wilcox, Wynn (biên tập). Vietnam and the West: New Approaches. Ithaca, New York: SEAP Publications, Đại học Cornell. tr. 23, 38. ISBN 9780877277828.
- ^ a b Hoàng Xuân Việt. Bạch thư chữ Quốc ngữ. San Jose, CA: Hội văn hóa Việt, 2006. tr 374-375
- ^ a b Lê Ngọc Trụ. "Chữ Quốc ngữ từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX". Tuyển tập Ngôn ngữ văn tự Việt Nam Số 1. Dòng Việt, 1993. Tr 30-47
- ^ Hoàng Xuân Việt. Bạch thư chữ Quốc ngữ. San Jose, CA: Hội văn hóa Việt, 2006. tr 333
- ^ a b Franco-Vietnamese schools
- ^ Cao Xuân Dục. Long Cương văn tập. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động, 2012. Tr 64
- ^ “Chương trình giáo dục ở nước ta những thập niên đầu thế kỷ XX và những ông nghè cuối cùng của nền khoa cử phong kiến”. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 12 năm 2009. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2011.
- ^ Nguyễn Việt Long (2 tháng 12 năm 2017). “Chữ viết tiếng Việt và vấn đề cải cách”. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2017.
- ^ Bảng chữ cái Tiếng Việt và những lưu ý. 123Vietnamese, 2019.
- ^ Quyết định Số 31/2002/QĐ-BGD&ĐT Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 14/6/2002 về Ban hành kèm theo Quyết định này "Mẫu chữ viết trong trường tiểu học". Thuvien Phapluat Online, 2005.
- ^ Alexandre de Rhodes. Dictionarium Anamiticum Lusitanum et Latinum. Romae, Sacra Congregationis de propaganda fide, năm 1651, trang chứa cột 1, cột 15, cột 65, cột 77, cột 153, cột 191, cột 249, cột 253, cột 305, cột 349, cột 353, cột 389, cột 441, cột 499, cột 583, cột 589, cột 615, cột 631, cột 667, cột 711, cột 853, cột 879 trong phần chính văn của sách (sách không được đánh số trang).
- ^ André-Georges Haudricourt. “The two b’s in the Vietnamese dictionary of Alexandre de Rhodes”. HAL, Alexis Michaud dịch, trang 1.
- ^ Alexandre de Rhodes. Dictionarium Anamiticum Lusitanum et Latinum. Romae, Sacra Congregationis de propaganda fide, năm 1651, trang chứa cột 65, cột 191 trong phần chính văn của sách (sách không được đánh số trang).
- ^ Alexandre de Rhodes. Dictionarium Anamiticum Lusitanum et Latinum. Romae, Sacra Congregationis de propaganda fide, năm 1651, trang chứa cột 667 trong phần chính văn của sách (sách không được đánh số trang).
- ^ Kenneth J. Gregerson. "A study of Middle Vietnamese phonology". Bulletin de la Société des Études Indochinoises, Nouvelle Série – Tome XLIV, Nº 2, năm 1969, trang 160.
- ^ Alexandre de Rhodes. Dictionarium Anamiticum Lusitanum et Latinum. Romae, Sacra Congregationis de propaganda fide, năm 1651, trang chứa cột 853 trong phần chính văn của sách (sách không được đánh số trang).
- ^ Kenneth J. Gregerson. "A study of Middle Vietnamese phonology". Bulletin de la Société des Études Indochinoises, Nouvelle Série – Tome XLIV, Nº 2, năm 1969, trang 151, 173.
- ^ André-Georges Haudricourt. “The origin of the peculiarities of the Vietnamese alphabet”. HAL, Alexis Michaud dịch, trang 12.
- ^ “Nghiên cứu bút tích di chúc Bác Hồ dưới góc độ ngôn ngữ học”. Tỉnh Đoàn Cà Mau. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 6 năm 2023.
- ^ F, J, W, Z không thể nằm ngoài bảng chữ cái. Tuoitre, 10/08/2011. Truy cập 25/12/2015.
- ^ Có cần thêm F,J,W,Z trong bảng chữ tiếng Việt?. Khoa Ngôn ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, 12/08/2011. Truy cập 25/12/2015.
- ^ Bổ sung F, J, W, Z vào bảng chữ cái?.
- ^ a b Quyết định của Bộ Giáo dục số 240/QĐ ngày 5 tháng 3 năm 1984 Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt. Thuvien Phapluat, 2015. Truy cập 12/05/2017.
- ^ Laurence C. Thompson. A Vietnamese Reference Grammar (Previously published as Mon–Khmer Studies XIII–XIV). University of Hawaiʻi Press. Honolulu, Hawaiʻi năm 1987. ISBN 0-8248-1117-8. ISSN: 0147-5207. Trang 4–9.
- ^ Laurence C. Thompson. A Vietnamese Reference Grammar (Previously published as Mon–Khmer Studies XIII–XIV). University of Hawaiʻi Press. Honolulu, Hawaiʻi năm 1987. ISBN 0-8248-1117-8. ISSN: 0147-5207. Trang 4–9, 18, 19, 21–30, 91, 97, 98.
- ^ a b Andrea Hoa Pham.The Non-Issue of Dialect in Teaching Vietnamese Lưu trữ 2011-06-07 tại Wayback Machine, Journal of Southeast Asian Language Teaching, Volume 14. Năm 2008. ISSN: 1932-3611. Trang 35.
- ^ Laurence C. Thompson. A Vietnamese Reference Grammar (Previously published as Mon–Khmer Studies XIII–XIV). University of Hawaiʻi Press. Honolulu, Hawaiʻi năm 1987. ISBN 0-8248-1117-8. ISSN: 0147-5207. Trang 85–89, 91, 93, 97, 98.
- ^ a b c d e f Andrea Hoa Pham.The Non-Issue of Dialect in Teaching Vietnamese Lưu trữ 2011-06-07 tại Wayback Machine. Journal of Southeast Asian Language Teaching, Volume 14. Năm 2008. ISSN: 1932-3611. Trang 35.
- ^ Một số người thay D bằng Z hoặc thêm Z sau D thành Dz để tránh nhầm sang âm của Đ, đặc biệt là khi phải viết không dấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường viết Z thay D như trong Di chúc.
- ^ a b c Nguyễn Tài Cẩn. Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nhà xuất bản Giáo dục. Năm 1995. Trang 62, 64, 114.
- ^ a b Nguyễn Tài Cẩn. Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nhà xuất bản Giáo dục. Năm 1995. Trang 62, 64, 58.
- ^ Laurence C. Thompson. A Vietnamese Reference Grammar (Previously published as Mon–Khmer Studies XIII–XIV). University of Hawaiʻi Press. Honolulu, Hawaiʻi năm 1987. ISBN 0-8248-1117-8. ISSN: 0147-5207. Trang 5, 28, 62, 63, 86–89, 93, 97, 98.
- ^ Người Việt thường hay dùng cặp chữ GI để phiên âm cho các từ nước ngoài gốc viết là J như Gia-va (Java), Gia-các-ta (Jakarta), Gióc-đan (Jordan), Ta-gi-ki-xtan (Tajikistan), Gia-mai-ca (Jamaica)
- ^ a b Nguyễn Tài Cẩn. Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nhà xuất bản Giáo dục. Năm 1995. Trang 221.
- ^ Laurence C. Thompson. A Vietnamese Reference Grammar (Previously published as Mon–Khmer Studies XIII–XIV). University of Hawaiʻi Press. Honolulu, Hawaiʻi năm 1987. ISBN 0-8248-1117-8. ISSN: 0147-5207. Trang 85, 86, 87, 93, 98.
- ^ Laurence C. Thompson. A Vietnamese Reference Grammar (Previously published as Mon–Khmer Studies XIII–XIV). University of Hawaiʻi Press. Honolulu, Hawaiʻi năm 1987. ISBN 0-8248-1117-8. ISSN: 0147-5207. Trang 86
- ^ Laurence C. Thompson. A Vietnamese Reference Grammar (Previously published as Mon–Khmer Studies XIII–XIV). University of Hawaiʻi Press. Honolulu, Hawaiʻi năm 1987. ISBN 0-8248-1117-8. ISSN: 0147-5207. Trang 85, 86, 93, 98.
- ^ “Vấn đề về d, gi và r trong chính tả Quốc Ngữ tiếng Việt”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2016.
- ^ a b Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nhà xuất bản Giáo dục. Năm 1995. Trang 86, 108.
- ^ Laurence C. Thompson. A Vietnamese Reference Grammar (Previously published as Mon–Khmer Studies XIII–XIV). University of Hawaiʻi Press. Honolulu, Hawaiʻi năm 1987. ISBN 0-8248-1117-8. ISSN: 0147-5207. Trang 85, 89, 91, 93, 97, 98.
- ^ Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nhà xuất bản Giáo dục. Năm 1995. Trang 58.
- ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2013.
- ^ Âm vị và các hệ thống âm vị tiếng Việt. Website ngonngu.net. Truy cập 7 tháng 11 năm 2011.
- ^ Theo Quan điểm của ngonngu.net đối với một số vấn đề về chính tả: 2. Về sử dụng "y/i"
- ^ Chữ y và i
- ^ Trên dưới, ngắn dài ra sao?
- ^ Álvarez Pérez, Xosé Afonso (Summer 2014). “European Portuguese dialectal features: a comparison with Cintra's proposal”. Journal of Portuguese Linguistics. 13: 29 – qua Research Gate.
- ^ Chữ quốc ngữ chưa được Nhà nước công nhận là quốc tự, Giáo dục VN, 22/12/2012. Truy cập 1/12/2014.
- ^ Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013. Chương I. Cổng TT ĐT Chính phủ. Truy cập 20/07/2016.
- ^ a b 70 năm thành lập Hội truyền bá quốc ngữ. ĐH Văn hóa Hà Nội, 25/05/2008. Truy cập 20/07/2016.
- ^ 70 năm thành lập Hội truyền bá quốc ngữ. Nhân Dân Online, 25/05/2008. Truy cập 20/07/2016.
- ^ “Cuộc chạy tiếp sức của chữ Nôm và chữ Quốc ngữ”. Thanh Niên. 12 tháng 7 năm 2019.
- ^ “Gặp tác giả đề xuất cải tiến 'Giáo dục' thành 'Záo zụk'”. Báo VietNamNet.
Đọc thêm
sửa- Chiung, Wi-vun T. (2003). Learning Efficiencies for Different Orthographies: A Comparative Study of Han Characters and Vietnamese Romanization. PhD dissertation: University of Texas at Arlington.
- Gregerson, Kenneth J. (1969). A study of Middle Vietnamese phonology. Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, 44, 135-193. (Published version of the author's MA thesis, University of Washington). (Reprinted 1981, Dallas: Summer Institute of Linguistics).
- Haudricourt, André-Georges. (1949). Origine des particularités de l'alphabet vietnamien. Dân Việt-Nam, 3, 61-68.
- Nguyen, Đang Liêm. (1970). Vietnamese pronunciation. PALI language texts: Southeast Asia. Honolulu: University of Hawaii Press. ISBN 0-87022-462-X
- Nguyễn, Đình-Hoà. (1955). Quốc-ngữ: The modern writing system in Vietnam. Washington, D. C.: Author.
- Nguyễn, Đình-Hoà. (1992). Vietnamese phonology and graphemic borrowings from Chinese: The Book of 3,000 Characters revisited. Mon-Khmer Studies, 20, 163-182.
- Nguyễn, Đình-Hoà. (1996). Vietnamese. In P. T. Daniels, & W. Bright (Eds.), The world's writing systems, (pp. 691-699). New York: Oxford University Press. ISBN 0-19-507993-0.
- Nguyễn, Đình-Hoà. (1997). Vietnamese: Tiếng Việt không son phấn. Amsterdam: John Benjamins Publishing Company. ISBN 1-55619-733-0.
- Pham, Andrea Hoa. (2003). Vietnamese tone: A new analysis. Outstanding dissertations in linguistics. New York: Routledge. (Published version of author's 2001 PhD dissertation, University of Florida: Hoa, Pham. Vietnamese tone: Tone is not pitch). ISBN 0-415-96762-7.
- Thompson, Laurence E. (1991). A Vietnamese reference grammar. Seattle: University of Washington Press. Honolulu: University of Hawaii Press. ISBN 0-8248-1117-8. (Original work published 1965).
- Vietnamese a complete course for beginners của DANA HEALY do Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh 2001.
- Giáo trình tiếng Việt chủ biên Bùi Tất Tươm do Nhà xuất bản GD.
- Từ điển tiêu chuẩn Việt Anh của Lê Bá Khanh và Lê Bá Kông do Nhà xuất bản Mũi Cà Mau 1990.
- Modern Vietnamese của Phan Văn Giưỡng Nhà xuất bản Saigon lưu chiểu 6/2009
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Chữ Quốc ngữ. |
- Sơ thảo tốc ký Việt Nam của Ngọc Quang bản quay Roneo 5/1974 và bản Phụ tên quay Roneo của CC VK nha CS đô thành Saigon.
Liên kết ngoài
sửa(Tiếng Việt)
- Chữ viết
- Bồ Đào Nha và chữ Quốc Ngữ Lưu trữ 2007-08-22 tại Wayback Machine trên BBC
(Tiếng Anh)
- Scanned version of Alexandre de Rhodes' dictionary
- Vietnamese Writing System
- Essay comparing the orthography variants
- Vietnamese Unicode FAQs
- Doctoral dissertation comparing learning efficiency between quoc ngu and Chinese characters
Bảng chữ cái chữ Quốc ngữ
| ||||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Aa | Ăă | Ââ | Bb | Cc | Dd | Đđ | Ee | Êê | Gg | Hh | Ii | Kk | Ll | Mm | Nn | Oo | Ôô | Ơơ | Pp | Rr | Ss | Tt | Uu | Ưư | Vv | Xx | Yy | |||||
Aa | Bb | Cc | Dd | Ee | Ff | Gg | Hh | Ii | Jj | Kk | Ll | Mm | Nn | Oo | Pp | Rr | Ss | Tt | Uu | Vv | Ww | Xx | Yy | Zz | ||||||||
Xem thêm
| ||||||||||||||||||||||||||||||||