Wikipedia:Cẩm nang biên soạn/Dịch thuật

Cẩm nang dịch thuật là hướng dẫn cơ bản nhằm nâng cao chất lượng dịch thuật cho các bài viết ở Wikipedia.

Những lời khuyên trong hướng dẫn này không bị giới hạn trong từng ví dụ đưa ra và cũng không nên áp dụng nó một cách cứng nhắc. Vấn đề mà hướng dẫn này nhắm tới là nhằm nâng cao chất lượng bài dịch ở Wikipedia.

Quy trình dịch thuật cơ bản

sửa
Đọc lướt
Đọc sơ bài cần dịch từ đầu đến cuối để nắm các đề mục và nội dung chính.
Nhận diện từ và cụm từ khó
Nhận diện các từ mới, từ chuyên ngành và thành ngữ.
Nhận diện cấu trúc câu
Phân tích câu thành những thành phần cấu tạo để hiểu được chính xác nghĩa của câu.
Tiến hành dịch
Dịch từng câu, từng đoạn. Yêu cầu chính xác về nghĩa, không phỏng dịch theo ý cá nhân.
Hiệu chỉnh văn phong
Biên tập lại câu sao cho phù hợp với văn phong thuần Việt. Giảm tối thiểu ảnh hưởng từ cấu trúc câu tiếng nước ngoài.[1]

Phương pháp dịch

sửa
Dịch toàn bộ
Dịch từng câu, từng đoạn, không bỏ sót điểm nào, trung thành với nguyên bản.
Dịch chọn lọc
Chỉ chọn dịch những phần quan trọng.
Dịch nén
Thu gọn nội dung nguyên bản một cách có hệ thống, chỉ giữ lại thông tin cơ bản và loại những dữ liệu ít giá trị tham khảo.
Dịch tóm lược
Tóm tắt lại toàn bộ và sắp xếp lại thông tin, chỉ giữ lại những từ quan trọng và vài câu tóm ý chính của nguyên bản.
Dịch tổng hợp
Bản dịch được tổng hợp từ 2 hay nhiều nguyên bản khác nhau, có thể từ nhiều ngôn ngữ khác nhau, có thể do nhiều người khác nhau cùng tham gia dịch.[2]

Kỹ thuật dịch

sửa

Trong lúc dịch thường dễ bắt gặp những từ hoặc những cách diễn đạt khó hiểu, cho nên cần diễn đạt lại ý nghĩa của nó bằng cách khác.[3]

Có ba kỹ thuật dịch cơ bản:[4]

Dịch từng từ Dịch diễn giải Dịch tự do
Chuyển thông điệp bằng cách dịch từng từ, từng dòng, từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.
Đây là kỹ thuật cần tránh sử dụng khi dịch vì nó làm hạn chế khả năng của người dịch, giống như người đi trên dây bị buộc chân lại.
Dịch từng ý nghĩa theo cách hiểu. Cách dịch này sử dụng từ ngữ và cách diễn đạt khác nhưng vẫn giữ được ý của bản gốc một cách đầy đủ.
Đây là kỹ năng nên sử dụng vì bất cứ ngôn ngữ nào cũng đều có những đặc thù riêng, do đó khi chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác cần linh động điều chỉnh, không nên bó buộc người dịch vào một bộ khung hẹp ban đầu. Điều cốt lõi là tinh thần của của bản gốc vẫn được chuyển tải mà không mất đi.
Tạo ra một văn bản hoàn toàn khác với bản gốc. Người dịch dùng kỹ thuật này thường đi quá xa, quá tự do so với từ và nghĩa của văn bản gốc.
Cách làm này không phải chỉ dùng từ khác, hoặc diễn đạt cùng một ý nghĩa theo cách khác, mà chỉ lấy một số ý cơ bản của bản gốc rồi thể hiện lại theo ý riêng của người dịch. Do có sự thay đổi đáng kể nên hầu như không nhận ra bản gốc nữa. Đây là một dạng phóng tác và cần tránh sử dụng.

Một kỹ thuật tương tự như diễn giải đó là tái cấu trúc diễn đạt. Kỹ thuật này chú trọng các biện pháp:

  • Cắt những câu dài, phức tạp thành những câu ngắn hơn và đơn giản hơn
  • Chuyển chỗ những mệnh đề quan hệ, mệnh đề phụ dài làm cho câu gọn lại, dễ hiểu hơn
  • Chuyển những câu bị động về chủ động cho thích hợp với văn phong tiếng Việt.[3]

Phong cách dịch

sửa

Bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có cấp độ phong cách khác biệt. Dưới đây là một số ví dụ:[5]

Phong cách Nguyên bản Bản dịch
Nghiêm trang/cứng nhắc The consumption of nutrients is prohibited in this establishment. Cấm dùng thực phẩm trong phòng bệnh này.
Trang trọng/hình thức You are requested not to consume food in this ward. Yêu cầu bạn không dùng thức ăn trong phòng bệnh này.
Trung tính Eating is not allowed here. Không được phép ăn ở đây.
Bình dân Please don't eat here. Đừng ăn ở đây.
Thân mật You can't feed your face here. Không được ăn gì ở đây đâu nhé!

Bản dịch của bài viết bách khoa không nên sử dụng phong cách bình dân và thân mật mà thường sử dụng những phong cách trang trọng hơn. Người dịch nên chọn phong cách phù hợp với nguyên bản nhất để truyền tải đúng ý cần dịch. Theo đó, cách chọn lựa thuật ngữ cũng cần cân nhắc từ mức độ: hàn lâm, chuyên ngành đến phổ thông.

Tham khảo

sửa
  1. ^ Nguyễn, Thu Huyền (2011). Cẩm nang luyện dịch Việt-Anh. The Windy, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội.
  2. ^ Lưu Trọng Huấn, PhD (2008). Dịch thuật văn bản khoa học. Nhà xuất bản Khoa học xã hội. tr. 63.
  3. ^ a b Nguyễn Quốc Hùng, M.A. (2007). Hướng dẫn kỹ thuật phiên dịch Anh-Việt, Việt-Anh. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. tr. 132–133.
  4. ^ Mona Baker,Gabriela Saldanha. Routledge Encyclopedia of Translation Studies. Routledge. tr. 111–112, 153–154, 166–167.
  5. ^ Lưu Trọng Huấn, PhD (2008). Dịch thuật văn bản khoa học. Nhà xuất bản Khoa học xã hội. tr. 68.