Nột Lặc Hách
Nột Lặc Hách (chữ Hán: 訥勒赫; 4 tháng 6 năm 1881 – 14 tháng 2 năm 1917) là một hoàng thân của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc, người thừa kế thuộc 1 trong 12 tước vị Thiết mạo tử vương. Ông tập tước vị Thiết mạo tử vương khi chỉ mới 2 tháng tuổi, là Thiết mạo tử vương trẻ tuổi nhất lịch sử nhà Thanh. Ông cũng là một trong những Tông thất được Quang Tự Đế coi trọng, thường xuyên thay mặt Hoàng đế làm các buổi tế lễ.
Nột Lặc Hách 訥勒赫 | |||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Quận vương nhà Thanh | |||||||||
Đa La Thuận Thừa Quận vương | |||||||||
Tại vị | 1881 - 1917 | ||||||||
Tiền nhiệm | Khánh Ân | ||||||||
Kế nhiệm | Văn Quỳ | ||||||||
Thông tin chung | |||||||||
Sinh | 4 tháng 6, 1881 | ||||||||
Mất | 14 tháng 2, 1917 | (35 tuổi)||||||||
Phối ngẫu | Na Lạp thị | ||||||||
| |||||||||
Hoàng tộc | Ái Tân Giác La | ||||||||
Thân phụ | Khánh Ân | ||||||||
Thân mẫu | Thứ Phúc tấn Dương Giai thị |
Cuộc đời
sửaNột Lặc Hách được sinh ra vào giờ Dần, ngày 8 tháng 5 (âm lịch) năm Quang Tự thứ 7 (1881), trong gia tộc Ái Tân Giác La, thuộc bối tự Hằng (恒).[a][1] Ông là con trai duy nhất của Thuận Thừa Mẫn Quận vương Khánh Ân, mẹ ông là Thứ Phúc tấn Dương Giai thị (楊佳氏).[2] Năm Quang Tự thứ 7 (1881), chỉ 2 tháng sau khi ông được sinh ra, phụ thân ông qua đời, nên ông được thế tập tước vị Thuận Thừa Quận vương (順承郡王) đời thứ 15.[3] Có thể nói ông là vị Thiết mạo tử vương được thế tập nhỏ tuổi nhất trong lịch sử nhà Thanh.
Năm thứ 15 (1889), Quang Tự Đế nhân dịp vừa hoàn thành đại hôn với Hiếu Định Cảnh Hoàng hậu mà ban ân cho Tông thất và quan viên, mặc dù theo lệ của nhà Thanh, các Tông thất tập tước chưa đủ 18 tuổi thì chỉ nhận được một nửa bổng lộc, nhưng Nột Lặc Hách được thưởng cho phép hưởng toàn bộ bổng lộc Thân vương.[4] 5 năm sau, lại nhân dịp thọ thần 60 của Từ Hi Thái hậu, Nột Lặc Hách được ban thưởng thêm hai ngàn lượng bạc mỗi năm.[5] Không lâu sau, Quang Tự Đế lại phụng chỉ của Từ Hi Thái hậu gia phong cho mẹ của Nột Lặc Hách từ Thứ Phúc tấn trở thành Trắc Phúc tấn của Thuận Thừa Mẫn Quận vương Khánh Ân.[6]
Năm thứ 24 (1898), tháng 2, ông nhậm Tổng tộc trưởng của Tương Hồng kỳ.[b][2] Đến tháng 10, trong quá trình chuẩn bị cho lễ tế Đông chí vào ngày 10 tháng 11, Quang Tự Đế ra chỉ dụ rằng bản thân gần đây đang phải uống thuốc điều trị, đi lại không được như bình thường, sợ rằng nếu miễn cưỡng làm sẽ không thể hiện đủ sự thành kính, liền lệnh cho Nột Lặc Hách thay mặt làm lễ.[7] Đến tháng 11, ông theo chỉ dụ thay mặt Quang Tự Đế làm lễ tế Đông chí.[8] Năm thứ 26 (1900), ông tiếp tục thay mặt Hoàng đế thực hiện các tế lễ quan trọng như dâng ngũ cốc cho Thượng Đế vào tháng giêng[9] và tiết Xuân phân vào tháng 2.[10]
Năm thứ 27 (1901), tháng giêng, ông cùng với Thuần Thân vương Tái Phong và Bối tử Phổ Luân được phái làm Duyệt binh đại thần.[11] 1 tháng sau, quản lý sự vụ Chính Hồng kỳ Giác La học. Đến tháng 12, Quang Tự Đế tiến hành tế Đại xã tắc, lễ tế phương trạch được giao cho Duệ Thân vương Khôi Bân, lễ tế triêu nhật[c] giao cho Túc Thân vương Thiện Kỳ, lễ tế tịch nguyệt[d] được giao cho Nột Lặc Hách, cáo tế Đông lăng được giao cho Cung Thân vương Phổ Vĩ và cáo tế Tây lăng giao cho Bối tử Phổ Luân.[12] Tháng 3 năm thứ 28 (1902), ông được giao quản lý Nhạc bộ (樂部) và Mông Cổ âm luật xứ.[13] Một năm sau, ông được Quang Tự Đế phái đi thắp hương ở Thời Ứng cung một lần,[e] Hắc Long đàm hai lần[14] và Chiêu Hiển miếu ba lần.[f][15][16] Năm thứ 30 (1904), tháng 9, ông trở thành Nội đại thần, được ban thưởng Tam nhãn Hoa linh.[g][17] Năm thứ 31 (1905), tháng 5, ông thay thế Thiện Kỳ trở thành Đô thống Mông Cổ Tương Hoàng kỳ.[18] Tháng 11 cùng năm, quản lý Viên Minh viên Bát kỳ Bao y Tam kỳ Quan binh và sự vụ Điểu thương doanh.[19]
Năm thứ 32 (1906), trong tháng 4 và tháng 5, ông ba lần được Quang Tự Đế phái đi thắp hương ở Thời Ứng cung.[20] Đến tháng 8, ông lại thay mặt Hoàng đế tế lễ Thu phân.[21] Tháng 9, ông nhậm chức Tông Nhân phủ Hữu tông nhân và được điều làm Đô thống Mãn Châu Tương Hồng kỳ.[22] Năm thứ 33 (1907), tháng 5, ông hai lần được phái đi thắp hương ở Hắc Long đàm.[23] Tháng 9, ông thay quyền Tương Hoàng kỳ Lĩnh thị vệ Nội đại thần.[24] Tháng 10 năm thứ 34 (1908), Quang Tự Đế qua đời, Phổ Nghi theo lệnh Từ Hi Thái hậu nhập kế đại thống, kế thừa ngôi vị, lệnh cho Nột Lặc Hách cùng với Túc Thân vương Thiện Kỳ chủ trì việc tang lễ cho Đại hành Hoàng đế.[25]
Năm Tuyên Thống nguyên niên (1909), Nột Lặc Hách thay mặt Phổ Nghi làm lễ tế ở Thái miếu.[26] Đến tháng 9, ngày dời linh cữu của Từ Hi Thái hậu, sau khi hoàn tất lễ ở lăng tẩm, thần bài được đưa về kinh thành, Nột Lặc Hách tiếp tục được thay mặt Phổ Nghi làm lễ dọc đường đi. Cùng trong thời gian này, ông cùng với một số Vương đại thần khác được phái luân phiên trực ban ở Tạm an điện.[27] Sau khi linh cữu của Từ Hi Thái hậu được đưa vào địa cung, mọi việc của tang lễ hoàn thành thì tất cả những Vương đại thần đã thực hiện các tế lễ đều được ban thưởng thăng hai cấp.[28] Năm thứ 2 (1910), tháng 2, ông được phái đi làm lễ tế tiên sư Khổng Tử.[29] Tháng 4 năm sau, ông lại tiếp tục thay mặt Hoàng đế làm lễ tế tại Thái miếu.[30] Cũng trong tháng này, Cung Thân vương Phổ Vĩ vì ngã bệnh mà không thể tiếp tục công việc, Nột Lặc Hách thay thế trở thành Tổng lý Cấm yên sự vụ Đại thần.[31]
Năm Dân Quốc thứ 6 (1917), ngày 3 tháng giêng (âm lịch), ông qua đời, thọ 37 tuổi, được truy thụy Thuận Thừa Chất Quận vương (順承質郡王).[32] Ông là vị Thuận Thừa Quận vương chính thức cuối cùng của nhà Thanh.
Gia quyến
sửa- Đích Phúc tấn: Na Lạp thị (那拉氏), con gái của Thừa Ân công Quế Tường (桂祥), là em gái của Long Dụ Thái hậu.
- Con thừa tự: Văn Quỳ (文葵; 1911 – 1992), là con trai thứ ba của Phụng ân Tướng quân Trường Phúc (长福) – con trai thứ ba của Tam đẳng Phụ quốc Tướng quân Khiêm Đức (谦德) – con trai thứ sáu của Trấn quốc Tướng quân Xuân Hữu (春佑) – con trai thứ năm của Thuận Thừa Giản Quận vương Luân Trụ. Năm 1917 được thế tập tước vị Thuận Thừa Quận vương. Năm 1945 tước vị chính thức chấm dứt.
Chú thích
sửa- ^ Từ thời Khang Hi, ông bắt đầu đặt tên cho hậu duệ trực hệ của mình theo lệ cùng thế hệ thì sẽ có cùng chữ đứng đầu trong tên. Như con trai của Khang Hi có tên bắt đầu bằng "Dận", cháu nội có tên bắt đầu băng "Hoằng" và cháu cố bắt đầu bằng "Vĩnh". Từ đó về sau, hậu duệ của Khang Hi đều được đặt tên theo lệ này, gọi là "bối tự", tức chữ dùng để xác định bối phận. Bối tự hay tự bối cũng trở thành một cột mốc để xác định các Tông thất ở các tông chi xa có bối phận như thế nào so với Hoàng Đế.
- ^ Những năm Ung Chính, kỳ tịch của Tông thất (Cận chi) được chia theo "Tả dực" (gồm Tương Hoàng, Chính Bạch, Tương Bạch, Chính Lam) cùng "Hữu dực". Mỗi "dực" sẽ được chia làm 20 "Tộc" (như Tả dực có Tương Hoàng 1 tộc, Chính Bạch 3 tộc, Tương Bạch 3 tộc, Chính Lam 13 tộc). Vậy tổng cộng là 40 tộc với 40 Tộc trưởng. Đến những năm Càn Long, tất cả 40 tộc này được xếp vào "Viễn chi", thiết lập 16 "Tổng tộc trưởng". Mỗi Tổng tộc trưởng đều do đích thân Hoàng Đế bổ nhiệm, có thể không thuộc kỳ mình quản lý.
- ^ Triêu nhật là mặt trời mới vừa mọc tức lúc bình minh.
- ^ Tịch nguyệt là lúc chạng vạng tối mặt trăng lên.
- ^ Thời Ứng cung hay Vũ Thần miếu là miếu thờ Long thần. Nằm ở phía bắc của Tử Quang các, được xây dựng vào năm Ung Chính đầu tiên (1723). Trước sau có 3 điện; tiền điện thờ tượng Long thần của bốn biển và bốn kênh mương; hai bên đông - tây là Chung Cổ lâu, chính giữa là Chính điện, thờ tượng Ứng Long thần; hậu điện thờ tượng của Long Vương tám phương.
- ^ Chiêu Hiển miếu là đạo quán Hoàng gia được xây dựng vào năm Ung Chính thứ 10 (1732). Trong miếu thờ Lôi thần vì vậy còn xưng là Lôi Thần miếu, là một trong tám miếu trong nội thành Bắc Kinh. Nay miếu nằm ở số 71 Bắc Trường Nha thuộc khu Tây Thành, Bắc Kinh.
- ^ Hoa linh là lông khổng tước được gắn trên mũ của quan viên và tông thất, trên đó sẽ có các "nhãn" hình tròn, chia làm Đơn nhãn, Song nhãn và Tam nhãn.
Tham khảo
sửa- ^ Đinh Tiến Quân (2001). “Bảng ghi chép sinh thần bộ phận Vương công thời Vãn Thanh”. Lịch sử đương án. Kỳ 1.[liên kết hỏng]
- ^ a b Ngọc điệp, tr. 3412, Quyển 7, Ất 3
- ^ Phòng hồ sơ Minh - Thanh, Hồ sơ số 216929
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), Quyển 265
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), Quyển 332
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), Quyển 333
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), Quyển 432
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), Quyển 433
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), Quyển 458
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), Quyển 460
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), tr. 308-2, Quyển 478
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), Quyển 491
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), Quyển 497
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), Quyển 517-519
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), Quyển 522
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), Quyển 524-525
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), Quyển 535
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), tr. 244-2, Quyển 545
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), tr. 313-2, Quyển 551
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), tr. 313-2, Quyển 559-560
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), Quyển 563
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), tr. 472, Quyển 564
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), Quyển 574-575
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927), tr. 662-1, Quyển 579
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1964), Quyển 1
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1964), Quyển 3
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1964), Quyển 21
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1964), Quyển 23
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1964), Quyển 31
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1964), Quyển 52
- ^ Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1964), tr. 946-2, Quyển 53
- ^ Ái Tân Giác La Đảo Thành (2009). “Thuận Thừa Quận vương thời Thanh và phủ đệ - Kỳ 7”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 6 năm 2019. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2020.
Nguồn
sửa- Ngọc điệp. “Ái Tân Giác La Tông phổ”.
- Triệu Nhĩ Tốn (1928). Thanh sử cảo.
- Phòng hồ sơ Minh - Thanh. “Nội các đại khố đương án”. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 10 năm 2015.
- Kim Yến, 金燕 (tháng 10 năm 2006). Cốc Trường Giang, 谷长江; Trầm Hoằng, 沈弘 (biên tập). 老照片中的大清王府 [Vương phủ Đại Thanh trong tấm ảnh cũ] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Văn hóa Nghệ thuật. ISBN 9787503930805.
- Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1927). Trần Bảo Sâm, 陳寶琛 (biên tập). 德宗景皇帝實錄 [Đức Tông Cảnh Hoàng đế Thực lục] (bằng tiếng Trung).
- Hội đồng biên soạn nhà Thanh (1964). Kim Dục Phất, 金毓黻 (biên tập). 宣統政紀 [Tuyên Thống chính kỳ] (bằng tiếng Trung).