Lịch sử Chăm Pa

(Đổi hướng từ Lịch sử Champa)

Lịch sử Chăm Pa là lịch sử các quốc gia của người Chăm gồm: Hồ Tôn, Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành (Campanagara) và Thuận Thành (Nagar Cam), thành lập từ năm 192 và kết thúc vào năm 1832[1].

Trước thế kỷ thứ II, vùng đất của vương quốc Chăm Pa cổ đã được nhắc đến với tên Hồ Tôn Tinh (trong truyền thuyết), rồi tên huyện Tượng Lâm (thuộc quận Nhật Nam thời nhà Hán) khi nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc. Lãnh thổ này được ghi nhận là từ miền Trung trở vào miền Nam Việt Nam, thay đổi tùy thời kỳ. Từ 1694 đến 1832, chúa Chăm Pa (Trấn vương Thuận Thành) nằm dưới sự bảo hộ của các chúa Nguyễn, vua nhà Tây Sơn và vua nhà Nguyễn cho đến lúc bị sáp nhập hoàn toàn.

Lịch sử vương quốc Chăm Pa được khôi phục dựa trên ba nguồn sử liệu chính[2]:

  • Các di tích còn lại bao gồm các công trình đền tháp xây bằng gạch còn nguyên vẹn cũng như đã bị phá hủy và cả các công trình chạm khắc đá;
  • Các văn bản còn lại bằng tiếng Chăm, tiếng Phạn trên các bia và bề mặt các công trình bằng đá;
  • Các sách sử của Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan,... các văn bản ngoại giao và các văn bản khác liên quan còn lại.

Tên gọi Chăm Pa

sửa
 
Bia Võ Cạnh (thế kỷ thứ 3) tìm thấy ở Khánh Hòa là bia ký sớm nhất trong lịch sử Chămpa, cũng là văn bản tiếng Phạn sớm nhất được tìm thấy ở Đông Nam Á.

Danh xưng Champa xuất hiện đầu tiên trong các bia ký vào thế kỷ thứ VII. Bia ký C96 ở Mỹ Sơn năm 658 đề cập đến danh từ Campapuryyam (thành bang Champa), Campapura-pamesvara (chúa tể của thành bang Champa) và Campanagara (Vương quốc Champa). Bia C73 tại Mỹ Sơn nhắc đến danh từ Campadesa (người mang lại thịnh vượng cho Champa). Danh xưng Champa còn xuất hiện qua văn bia vua Kandarpadharma tại Huế. Tại Angkor, một bia ký của Đế chế Khmer ghi nhận vào năm 657, người trị vì Champa (Campesvara) đã sai sứ bộ đến Campuchia.

Thời tiền sử

sửa

Người dân Chăm Pa có nguồn gốc Malayo-Polynesian di cư đến đất liền Đông Nam Á từ Borneo vào thời đại văn hóa Sa Huỳnh ở thế kỷ thứ I và thứ II trước Công nguyên. Qua quan sát đồ đất nung, đồ thủ công và đồ tùy táng đã phát hiện thấy có một sự chuyển đổi liên tục từ những địa điểm khảo cổ như hang động Niah ở Sarawak, Đông Malaysia. Các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh rất phong phú đồ sắt trong khi nền văn hóa Đông Sơn cùng thời kỳ ở miền Bắc Việt Nam và các nơi khác trong khu vực Đông Nam Á lại chủ yếu là đồ đồng. Ngôn ngữ Chăm thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian).

Văn hóa Sa Huỳnh

sửa

Văn hóa Sa Huỳnh là xã hội tiền sử thuộc thời đại kim khí tại khu vực ven biển miền Trung Việt Nam. Năm 1909, đã phát hiện khoảng 200 lọ được chôn ở Sa Huỳnh, một làng ven biển ở nam Quảng Ngãi. Từ đó đến nay đã phát hiện được rất nhiều hiện vật ở khoảng 50 địa điểm khảo cổ. Sa Huỳnh có đặc điểm văn hóa thời đại Đồng Thau rất đặc trưng với phong cách riêng thể hiện qua các hiện vật như rìu, dao và đồ trang sức. Việc định tuổi theo phương pháp phóng xạ carbon đã xếp văn hóa Sa Huỳnh đồng thời với văn hóa Đông Sơn, tức khoảng thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Người Chăm bắt đầu cư trú tại đồng bằng ven biển miền Trung Việt nam từ khoảng năm 200 công nguyên. Lúc này người Chăm đã tiếp thu các yếu tố của văn hóa tôn giáo và chính trị của Ấn Độ. Các nghiên cứu khảo cổ học của các tác giả Việt Nam đã cho thấy người Chăm chính là hậu duệ về mặt ngôn ngữ và văn hóa của người Sa Huỳnh cổ. Các hiện vật khảo cổ của người Sa Huỳnh đã cho thấy họ đã là những người thợ thủ công rất khéo tay và đã sản xuất ra nhiều đồ trang sức và vật dụng trang trí bằng đá và thủy tinh. Phong cách trang sức Sa Huỳnh còn phát hiện thấy ở Thái Lan, Đài LoanPhilippines cho thấy họ đã buôn bán với các nước láng giềng ở Đông Nam Á cả bằng đường biển và đường bộ. Các nhà khảo cổ cũng quan sát thấy các hiện vật bằng sắt đã được người Sa Huỳnh sử dụng trong khi người Đông Sơn láng giềng vẫn còn chủ yếu sử dụng đồ đồng.

Nhà nước Lâm Ấp

sửa

Theo tài liệu lịch sử Trung Quốc, nhà nước Chăm Pa đã được biết đến đầu tiên là vương quốc Lâm Ấp bắt đầu từ năm 192 ở khu vực Huế ngày nay, sau cuộc khởi nghĩa của người dân địa phương chống lại nhà Hán. Trong nhiều thế kỷ sau đó, quân đội Trung Quốc đã nhiều lần cố gắng chiếm lại khu vực này nhưng không thành công[3].

Từ nước láng giềng Phù Nam ở phía tây và nam, Lâm Ấp nhanh chóng hấp thu nền văn minh Ấn Độ[4]. Các học giả đã xác định thời điểm bắt đầu của Chăm Pa là thế kỷ thứ IV Công nguyên, khi quá trình Ấn hóa đang diễn ra. Đây chính là giai đoạn mà người Chăm đã bắt đầu có các văn bản mô tả trên đá bằng chữ Phạn và bằng chữ Chăm, và họ đã có bộ chữ cái hoàn chỉnh để ghi lại tiếng nói của người Chăm[5].

Vị vua đầu tiên được mô tả trong văn bia là Bhadravarman, cai trị từ năm 349 đến 361. Ở thánh địa Mỹ Sơn, vua Bhadravarman đã xây dựng nên ngôi đền thờ thần có tên là Bhadresvara, cái tên là sự kết hợp giữa tên của nhà vua và tên của thần Shiva, vị thần của các thần trong Ấn Độ giáo[6]. Việc thờ vua như thờ thần, chẳng hạn như thờ với tên thần Bhadresvara hay các tên khác vẫn tiếp diễn trong các thế kỷ sau đó[7].

Vào thời Bhadravarman, kinh đô của Lâm Ấp là kinh thành Simhapura ("thành phố Sư tử"), nằm ở dọc hai con sông và bao quanh bởi tường thành có chu vi dài đến tám dặm. Theo ghi chép lại của một người Trung Quốc thì người Lâm Ấp vừa ưa thích ca nhạc nhưng cũng lại hiếu chiến, và có "mắt sâu, mũi thẳng và cao, và tóc đen và xoăn"[8].

Cũng theo tài liệu Trung Quốc, Sambhuvarman lên ngôi vua Lâm Ấp năm 529. Các tài liệu cũng mô tả vị vua này đã cho khôi phục lại ngôi đền thờ Bhadresvara sau một vụ cháy. Sambhuvarman cũng đã cử sứ thần sang cống tuế Trung Quốc, và đã xâm lược không thành phần đất mà ngày nay là miền Bắc Việt Nam[9]. Năm 605, tướng Lưu Phương nhà Tùy xâm lược Lâm Ấp, và đã chiến thắng sau khi dụ tượng binh của Lâm Ấp đến và tiêu diệt tại trận địa mà trước đó ông đã cho đào nhiều hố nhỏ và phủ cỏ lên[10]. Vào khoảng những năm 620, các vua Lâm Ấp đã cử nhiều sứ thần sang nhà Đường và xin được làm nước phiên thuộc của Trung Quốc[11].

Các tài liệu Trung Quốc ghi nhận cái chết của vị vua cuối cùng của Lâm Ấp là vào khoảng năm 756 Công nguyên. Sau đó trong một thời gian dài, các sách sử Trung quốc gọi Chăm Pa là "Hoàn Vương"[12]. Tài liệu Trung Quốc sớm nhất sử dụng tên có dạng "Chăm Pa" là vào năm 877, tuy nhiên, những cái tên như vậy đã được người Chăm sử dụng muộn nhất là từ năm 629, và người Khmer đã dùng muộn nhất là từ năm 657[13].

Hoàn Vương

sửa

Từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ X, người Chăm kiểm soát việc buôn bán hồ tiêu và tơ lụa giữa Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, và đế quốc AbbassidBaghdad. Người Chăm còn bổ sung thêm cho nguồn thu nhập của mình từ thương mại, không chỉ bằng việc xuất khẩu ngà voitrầm hương mà còn bằng cả các hoạt động cướp phá trên biển và các nước láng giềng ven biển[14].

Thánh địa Mỹ Sơn

sửa
 
Tháp Chăm ở Mỹ Sơn

Vào nửa cuối thế kỷ thứ VII, các ngôi đền của hoàng gia bắt đầu được xây dựng tại Mỹ Sơn. Tôn giáo chính lúc này là thờ thần Shiva nhưng các ngôi đền cũng thờ cả thần Vishnu. Các học giả gọi phong cách kiến trúc thời kỳ này là phong cách Mỹ Sơn E1, để chỉ các di tích ở Mỹ Sơn điển hình theo phong cách này. Các công trình còn đến nay của phong cách này bao gồm bệ đá hình linga được biết với tên gọi là bệ đá Mỹ Sơn E1 và phần trán tường có hình Brahma được sinh ra từ hoa sen nở từ rốn của thần Vishnu đang ngủ[15].

Trong một văn bia khắc năm 657 tìm thấy ở Mỹ Sơn, vua Prakasadharma, người lấy hiệu là Vikrantavarman I, đã tự xưng có bên ngoại là hậu duệ của Brahman Kaundinya và công chúa rắn Soma, người theo truyền thuyết cũng là thủy tổ của người Khmer. Chính văn bia này đã cho thấy mối quan hệ về văn hóa và chủng tộc giữa vương quốc Chăm Pa và đế quốc Khmer. Bia được khắc nhân dịp vua cho dựng tượng đài, có lẽ là linga, cho thần Shiva[16]. Một văn bia khác mô tả lời cầu nguyện chân thành của vua khi hiến tế cho Shiva: người là nguồn khởi thủy của sự kết thúc vĩnh viễn sự sống, điều rất khó đạt được; mà bản chất thực sự nằm ngoài suy nghĩ và lời nói của con người, tuy nhiên những ai mà ý niệm tương đồng với vũ trụ thì hình thái của người sẽ hiện ra[17].

Thời hưng thịnh của Kauthara

sửa

Vào thế kỷ thứ VIII, trung tâm chính trị của Chăm Pa đã tạm thời chuyển từ Mỹ Sơn xuống khu vực Panduranga và Kauthara, với trung tâm ở quanh quần thể đền tháp là Tháp Bà - Po Nagar ở gần Nha Trang ngày nay nơi để thờ nữ thần đất Yan Po Nagar. Năm 774, người Java đã phá hủy Kauthara, đốt đền thờ Po Nagar, và mang đi tượng Shiva. Vua Chăm là Satyavarman đã đuổi theo quân giặc và đánh bại chúng trong một trận thủy chiến. Năm 781, Satyavarman đã dựng bia tại Po Nagar, tuyên bố đã chiến thắng và kiểm soát toàn bộ khu vực và đã dựng lại đền. Năm 787, người Java lại đốt phá đền thờ Shiva ở gần Panduranga[18].

Chiêm Thành

sửa

Triều đại Phật giáo ở Indrapura

sửa
 
Tượng Phật Đồng Dương – Cuối thế kỷ thứ IX.

Năm 875, vua Indravarman II đã xây dựng nên triều đại mới ở Indrapura (thành Đồng Dương, ở huyện Thăng Bình, Việt Nam ngày nay). Vua Indravarman tự xưng là hậu duệ của Bhrigu trong sử thi Mahabharata, và quyết đoán rằng chính kinh thành Indrapura đã từng được chính Bhrigu ở thời cổ đại xây dựng nên[19].

Indravarman là vị vua Chăm đầu tiên theo Phật giáo Đại thừa và xem đây là tôn giáo chính thức. Ở trung tâm của Indrapura, ông đã xây dựng một tu viện Phật giáo (vihara) để thờ bồ tát Lokesvara (Quán Thế Âm). Di tích này đã bị hủy hoại trong chiến tranh Việt Nam, chỉ còn lại một số hình ảnh và bản vẽ từ trước chiến tranh. Một số tượng đá từ tu viện cũng được gìn giữ tại các viện bảo tàng ở Việt Nam. Các học giả đã gọi phong cách nghệ thuật điển hình tại Indrapura là phong cách Đồng Dương. Phong cách đặc trưng bởi tính năng động và tính hiện thực về mặt dân tộc học khi mô tả người Chăm. Các tác phẩm còn lại của phong cách này có một số bức tượng dvarapala hay hộ pháp rất dữ tợn trước đây được đặt ở quanh tu viện. Thời kỳ Phật giáo thống trị, Chăm Pa kết thúc năm 925, lúc phong cách Đồng Dương đã bắt đầu nhường bước cho các phong cách tiếp theo có mối liên hệ với sự phục hồi của đạo thờ thần Si-va[20].

Các vua của triều đại Indrapura đã xây dựng ở Mỹ Sơn một số đền tháp vào thế kỷ thứ IX và thứ X. Các đền tháp này ở Mỹ Sơn đã xác định một phong cách kiến trúc và nghệ thuật khác mà các học giả gọi là phong cách Mỹ Sơn A1, dùng để chỉ tất cả các di tích ở Mỹ Sơn điển hình cho phong cách này. Với sự chuyển đổi tôn giáo từ Phật giáo trở về Si-va giáo vào khoảng thế kỷ thứ X, trung tâm tôn giáo của người Chăm cũng chuyển từ Đồng Dương trở về Mỹ Sơn[21].

Chăm Pa đạt đến đỉnh cao của văn minh Chăm ở Indrapura nằm tại khu vực Đồng Dương và Mỹ Sơn ngày nay. Các yếu tố dẫn đến sự suy yếu của Chăm Pa ở các thế kỷ sau chính là ở vị trí lý tưởng nằm trên các tuyến thương mại, dân số ít và thường xuyên có chiến tranh với các nước láng giếng là Đại Việt ở phía Bắc và Khmer ở phía Tây và Nam.

Lịch sử Bắc Chăm Pa (Indrapura và Vijaya) phát triển đồng thời với vương quốc láng giềng là nền văn minh Angkor của người Khmer nằm ở phía bắc hồ lớn Tonle Sap trên phần đất mà ngày nay là Campuchia. Sau khi vương triều Chăm ở Indrapura được thiết lập năm 875 thì chỉ hai năm sau tức năm 877 tại Roluos, vua Indravarman I đã thiết lập đế quốc Khmer. Lịch sử của Chăm Pa và đế quốc Khmer cũng đều phát triển rực rỡ trong thế kỷ X đến thế kỷ XII, rồi đều dần suy yếu và tan rã vào thế kỷ thứ XV. Năm 1238, đế quốc Khmer mất miền đất phía tây xung quanh Sukhothai sau một cuộc nổi dậy của người Xiêm. Thành công của cuộc nổi dậy không chỉ mở ra kỷ nguyên độc lập của người Xiêm mà còn báo trước sự tan rã của Angkor năm 1431 sau khi bị người Xiêm từ vương quốc Ayutthaya phá hủy và rồi bị sáp nhập vào Sukhothai năm 1376. Sự suy yếu của Chăm Pa cũng diễn ra đồng thời với Angkor, dưới sức ép từ Đại Việt, quốc gia nằm ở miền Bắc Việt Nam ngày nay, và chấm hết khi kinh thành Vijaya (tức Chà Bàn) bị người Việt chinh phục và phá hủy vào năm 1471.

Khmer xâm lăng Kauthara

sửa

Năm 944 và 945, quân đội Khmer từ Angkor đã xâm chiếm khu vực Kauthara[22]. Khoảng năm 950, người Khmer đã phá hủy đền Po Nagar và lấy đi tượng nữ thần. Năm 960, vua Chăm là Jaya Indravaman I đã cử sứ thần sang nhà Tống (lúc này đóng đô ở Khai Phong). Năm 965, nhà vua đã cho xây dựng lại đền thờ Po Nagar và tượng nữ thần để thay thế cho bức tượng đã bị lấy đi[23].

Chiến tranh với Đại Cồ Việt

sửa
 
Lãnh thổ Chăm Pa vào thế kỷ X

Vào nửa cuối thế kỷ thứ X, các vua của triều đại Indrapura đã tiến hành chiến tranh với Đại Cồ Việt. Trước đó, An Nam (Việt Nam) đã tách ra độc lập, chấm dứt danh nghĩa là một phiên thuộc Trung Quốc. Sau khi Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, đất nước lại trải qua thời kỳ loạn các sứ quân và được Đinh Bộ Lĩnh thống nhất năm 968 với quốc hiệu Đại Cồ Việt và kinh đô ở Hoa Lư thuộc địa phận Trường Yên tỉnh Ninh Bình ngày nay[24].

Năm 979, vua Chăm là Parameshvaravarman I (sách Đại Việt Sử ký Toàn thư gọi là Bê Mi Thuế) đã cử hạm đội sang tấn công Hoa Lư. Tuy nhiên, toàn bộ quân viễn chinh đã bị tan rã sau một cơn bão. Năm 982, vua Lê Hoàn của Đại Cồ Việt đã cử ba sứ thần sang Indrapura. Sau khi các sứ thần bị giam giữ, vua Lê Hoàn đã quyết định đánh Chăm Pa. Quân Đại Việt đã chiếm Indrapura và giết vua Parameshvaravarman. Họ mang về nước rất nhiều nhạc công và vũ công Chăm, chính những người này về sau đã ảnh hưởng đến sự phát triển nghệ thuật của Đại Việt[25]. Do hậu quả để lại của việc tàn phá, người Chăm đã rời bỏ Indrapura vào khoảng năm 1000. Trung tâm của Chăm Pa được chuyển xuống Vijaya ở phía nam nằm trên đất tỉnh Bình Định ngày nay mà người Việt thời gọi là Phật Thệ[26].

Năm 983, một quản giáp người Kinh tên Lưu Kỳ Tông nổi lên giết chết quan cai trị trực tiếp nhà Lê, xây sửa thành Phật Thệ, rồi mộ hơn 10.000 người và nhiều voi ngựa đánh Đại Cồ Việt. Lê Đại Hành tiến quân xuống đánh nhưng đại quân của nhà Tiền Lê chịu không nổi sương lam chướng khí phải rút về. Năm 986, hay tin vua Indravarman IV của người Chăm từ trần, Lưu Kỳ Tông liền tự xưng vương và xin nhà Tống thừa nhận. Vua Lê Kỳ Tông làm vua xứ Champa từ năm 986 cho đến khi bị lật đổ bởi vua Harivarman II vào năm 989.

Chiến tranh với nhà Lý

sửa

Mâu thuẫn giữa Champa và Đại Việt đã không chấm dứt với việc người Chăm từ bỏ kinh đô Indrapura. Champa đã chịu các đợt tấn công của Đại Việt năm 1021 và 1026. Năm 1044, một trận đại chiến diễn ra giữa Đại Việt và Champa đã dẫn đến cái chết của vua Jaya Simhavarman II (sách sử Việt gọi là Sạ Đẩu) và việc vua Lý Thái Tông của Đại Việt trực tiếp chỉ huy cuộc triệt hạ kinh đô Vijaya[27]. Quân Việt mang về nước voi, nhạc công và cả hoàng hậu Mỵ Ê, người đã nhảy xuống sông tự tử trên đường về Thăng Long[28]. Từ đó, Champa bắt đầu nộp cống cho các vua Đại Việt, và vào năm 1065 đã cống nạp một con tê giác trắng. Năm 1068, vua Vijaya là Rudravarman III (tức Chế Củ) lại tấn công Đại Việt để trả thù trận thua năm 1044. Một lần nữa vương quốc Champa bị thất bại và Đại Việt lại chiếm và đốt phá kinh đô Vijaya. Kinh đô Vijaya bị đốt phá một lần nữa vào năm 1069, khi tướng Lý Thường Kiệt chỉ huy hải quân tấn công Champa và chiếm Vijaya[29]. Vua Rudravarman bị bắt làm tù binh và sau đó đã đổi ba châu Địa Lý, Ma LinhBố Chính lấy tự do[30][31]. Lợi dụng tình hình chiến sự, các thủ lĩnh người Chăm ở phía Nam đã dựng lên một vương quốc độc lập. Đến năm 1084, các vua Bắc Champa mới có thể tái thống nhất đất nước[32]. Trong năm 1075, quân Đại Việt do Lý Thường Kiệt chỉ huy lại tấn công Champa nhưng không thắng được và phải rút quân về. Tuy không thắng nhưng Lý Thường Kiệt đã cho vẽ họa đồ ba châu mới lấy được và đổi châu Địa Lý làm châu Lâm Bình, châu Ma Linh làm châu Minh Linh và đồng thời chiêu mộ dân chúng đến đấy ở[33].

Khmer xâm chiếm Bắc Champa

sửa

Năm 1074, vua Harivarman IV lên ngôi đã cho phục dựng lại các đền tháp ở Mỹ Sơn và mở ra một thời kỳ thịnh vượng ngắn ngủi. Harivarman thiết lập quan hệ hòa bình với Đại Việt nhưng lại mở ra cuộc chiến với người Khmer của đế chế Angkor. Năm 1080, quân đội Khmer đã tấn công Vijaya và các trung tâm khác ở miền Bắc Champa. Các đền tháp và tu viện đã bị phá hủy; các di sản văn hóa đã bị lấy đi. Sau những thất bại này, quân Champa dưới sự chỉ huy của vua Harivarman đã đẩy lùi quân địch, khôi phục lại kinh đô và các đền tháp[34].

Khoảng năm 1080, một triều đại mới đã ra đời ở cao nguyên Korat trên đất Thái Lan ngày nay đã chiếm ngai vàng Angkor của đế quốc Khmer. Ngay sau đó, các vua của triều đại mới đã tiến hành mở rộng đế quốc. Sau thất bại của các cuộc tấn công Đại Việt năm 1132 và 1137[35], các vua Angkor đã quay sang Chăm Pa. Năm 1145, quân đội Khmer dưới sự chỉ huy của vua Suryavarman II, người đã xây dựng Angkor Wat, đã chiếm Vijaya và phá hủy các đền tháp ở Mỹ Sơn. Vua Khmer sau đó đã tấn công và chiếm toàn bộ miền Bắc Champa. Tuy nhiên, năm 1149, vua Jaya Harivarman, lãnh đạo của tiểu quốc Panduranga ở phía Nam, đã đánh bại quân xâm lược và lên ngôi vua của các vua tại Vijaya. Ông đã dành thời gian trị vị còn lại để đàn áp các cuộc nổi loạn tại Amaravati và Panduranga[36].

Người Chăm tấn công Angkor

sửa
 
Phù điêu cuối thế kỷ XII ở đền Bayon (Angkor) mô tả các thủy binh Chăm Pa đang tấn công quân Khmer.

Năm 1167, Jaya Indravarman IV (sử Việt gọi ông là Chế Chí) lên ngôi vua Chăm Pa. Tài liệu văn bia mô tả ông dũng cảm, sử dụng thành thạo mọi loại vũ khí, và thông hiểu triết học, thuộc hết các lý lẽ Dharmasutra (một kinh Ấn Độ giáo) và các học thuyết Phật giáo Đại thừa[37]. Sau khi thiết lập hòa bình với Đại Việt năm 1170, vua Jaya Indravarman đã đánh sang Khmer. Năm 1177, một lần nữa quân đội của nhà vua đã bất ngờ tấn công thủ đô Khmer là Yasodharapura từ các thuyền chiến đi ngược sông Mekong đến hồ lớn Tonle Sap ở Khmer. Quân Chăm đã chiếm thủ đô Khmer, giết vua Khmer, và mang về nhiều chiến lợi phẩm[38].

Người Khmer chinh phục Vijaya và nội chiến

sửa

Người Khmer nhanh chóng ủng hộ nhà vua mới Jayavarman VII người đã đẩy lùi quân Chăm ra khỏi vương quốc Khmer vào năm 1181. Khi Jaya Indravarman IV một lần nữa tấn công Khmer năm 1190, Jayavarman VII đã giao cho một hoàng tử người Chăm là Vidyanandana làm tổng chỉ huy quân Khmer. Vidyanandana đã đánh bại quân xâm lược Chăm và thậm chí tiến lên chiếm Vijaya và bắt sống vua Jaya Indravarman về Angkor.

Sau khi chinh phục Vijaya, vua Khmer chọn người em rể là Hoàng tử In làm vua bù nhìn ở Chăm Pa. Nội chiến nổ ra tại Chăm Pa giữa các phe phái Vijaya và Panduranga. Cuối cùng Hoàng tử In chiến thắng nhưng lại tuyên bố Chăm Pa độc lập khỏi vương quốc Khmer[39]. Quân Khmer đã cố gắng chiếm lại Chăm Pa nhưng không thành trong suốt những năm 1190. Năm 1203, cuối cùng thì tướng của vua Jayavarman VII cũng chiếm được Vijaya và biến Chăm Pa trở lại thành một tỉnh của Angkor. Chăm Pa hoàn toàn mất độc lập cho đến năm 1220[40]. Jaya Paramecvaravarman II lên ngôi năm 1226, từ đây người Chân Lạp tự ý rút khỏi Champa. Sau đó, Vijaya đi vào giai đoạn suy thoái kéo dài hơn hai thế kỷ. Thời kỳ này đi đến kết thúc bởi Đại Việt và chỉ có một gián đoạn ngắn ngủi trong những cố gắng quân sự của vua Che Bonguar.

Cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông

sửa

Năm 1270, Kublai Khan dựng nên nhà NguyênBắc Kinh và dần dần chiếm hết miền Nam Trung Quốc do nhà Nam Tống cai trị. Năm 1280, Kublai Khan quay sang thôn tính Chăm Pa và Đại Việt. Năm 1283, quân Nguyên dưới sự chỉ huy của tướng Sogetu đánh Chăm Pa và chiếm kinh thành Vijaya. Việc xâm lược Chăm Pa không có kết quả lâu dài. Thay vì tấn công trực diện, vua Chăm đã cho rút quân lên Tây Nguyên và tiến hành chiến tranh du kích. Hai năm sau, quân Nguyên phải rút lui và Sogetu bị giết trên đất Đại Việt trong một trận chiến khác trên đường rút quân về[41].

Jaya Simhavarman III

sửa

Năm 1307, vua Chăm là Jaya Simhavarman III (sử Việt gọi là Chế Mân), đã dựng đền thờ Po Klaung Garai ở Panduranga (Phan Rang), và nhượng hai châu Ô, ở phía bắc cho Đại Việt làm của hồi môn để cưới công chúa Huyền Trân nhà Trần. Không lâu sau hôn lễ, nhà vua băng hà, Đại Việt cử người cướp công chúa trở về để tránh bị hỏa táng theo tục lệ của người Chăm[42]. Tuy nhiên phần đất hồi môn của Chế Mân đã không trở về với Chăm Pa. Để giành lại miền đất này, và nhân cơ hội Đại Việt suy yếu trong thế kỷ thứ XIV, quân Chăm bắt đầu thường xuyên xâm nhập biên giới vào sâu trong đất Đại Việt ở phía Bắc[43].

Chế Bồng Nga

sửa

Vị vua hùng mạnh cuối cùng của vương quốc Chăm Pa là Chế Bồng Nga. Không có văn bia Chăm Pa nào đề cập đến ông và Biên Niên Sử cũng không ghi chép về ông. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1491), ông cai trị từ năm 1360 đến năm 1390. Ông tấn công vào Đại Việt nhiều lần. Quân đội Chăm Pa đã đánh phá Thăng Long vào các năm 13721378[44]. Trong lần tấn công cuối cùng của Quân đội Chăm Pa vào lãnh thổ nhà Trần là vào năm 1389. Tuy lúc đầu bị quân đội nhà Trần do Hồ Quý Ly chỉ huy chặn lại[45], nhưng sau đó do dùng mưu dụ quân đội nhà Trần truy kích mà Quân đội Chăm Pa tiến lên thắng lớn. Nhờ có mưu kế của tướng Nguyễn Đa Phương nên quân đội nhà Trần mới có thể rút lui bảo toàn lực lượng[46]. Quân đội Chăm Pa dưới sự chỉ huy của Chế Bồng Nga và La Khải theo hai đường thủy bộ tiến đến tận Hải Triều (khúc sông Luộc chảy qua huyện Phù Tiên, Hải Hưng và huyện Hưng Hà, Thái Bình ngày nay)[46]. Tại đây, sau trận thủy chiến với Trần Khát Chân, Chế Bồng Nga đã chết tại trận, La Khải bèn nhân cơ hội rút quân về nước tự lập làm vua. Đó là năm 1390[47]. Đây là lần tấn công cuối cùng của quân đội Chiêm Thành vào Đại Việt nhưng cũng đã đủ để đặt dấu chấm hết cho nhà Trần.

Xung đột với nhà Hồ

sửa

Năm 1391, Hồ Quý Ly đem đại quân tới tận biên giới Việt - Chăm và cử Hoàng Phụng Thế đem quân tấn công Chăm Pa nhưng quân Chăm Pa đặt mai phục thắng lớn khiến toàn quân Việt tan vỡ chỉ có Phụng Thế thoát được về. Ngay trong năm đó Quý Ly cũng rút quân về[48].

Đến năm 1402, Hồ Hán Thương lại đem quân đi đánh Chăm Pa. Tiền quân Việt do viên tướng người Chăm là Chế Đa Biệt (tên Việt là Đinh Đại Trung)[49] giao tranh quyết liệt với quân Chăm do Chế Tra Nan chỉ huy khiến hai bên đều tổn thất, cả hai viên tướng đều bị chết nhưng cũng làm cho vua Chăm là Jaya Indravarman VII (sách sử Việt gọi là Ba Đích Lại) (là con của La Ngai)[50] phải nhường đất Chiêm Động (Hồ Quý Ly chia làm hai châu Thăng và Hoa, nay là đất các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Quế Sơn, Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam)[51] và cả đất Cổ Lũy (Hồ Quý Ly chia làm hai châu Tư và Nghĩa nay là các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi)[51] cho nhà Hồ.

Năm 1403, Hồ Hán Thương lại giao Nguyên Khôi thống lĩnh quân thủy bộ tiến đánh Chăm Pa nhưng vì lương thực tiếp tế không đủ lại có hải quân Minh giúp quân Chăm nên phải rút quân về[52].

Năm 1407, nhân khi quân Minh sang xâm lược Đại Việt, quân Chăm Pa cũng tấn công Đại Việt và lấy lại được đất cũ (Chiêm Động và Cỗ Lũy)[53]. Tướng Minh là Trương Phụ tiêu diệt các lực lượng chống đối của tàn dư nhà Hồ, giết tướng Hoàng Hối Khanh và thu hàng tướng Đặng Tất; đất đai Trương Phụ thu về nhà Minh chỉ đến Hoá châu, không tiến xuống vùng đất Chăm Pa vừa lấy lại.

Đại Việt chinh phục và tàn phá Vijaya

sửa

Năm 1446, quân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Trịnh Khả, Lê Thụ và Lê Khắc Phục đã tấn công Chăm Pa. Cuộc tấn công kết thúc thắng lợi và thành Vijaya mà người Việt thời Lê gọi là thành Chà Bàn (hay Đồ Bàn) rơi vào tay quân Việt. Quân Việt cũng bắt sống vua Chăm là Bí Cai (Bichai) và mang về Thăng Long cùng với nhiều phi tần[54]. Tuy nhiên năm sau quân Việt đã bị đẩy lùi[55].

Năm 1470, quân Đại Việt do vua Lê Thánh Tông trực tiếp chỉ huy lại tấn công Chăm Pa. Quân Đại Việt lúc này đã rất mạnh và có tổ chức tốt. Ngược lại quân Chăm rất yếu và thiếu tính tổ chức[55]. Thủy quân Đại Việt do các tướng Đinh Liệt và Lê Niệm chỉ huy tấn công trước. Lê Thánh Tông dẫn đại quân theo sau[56]. Tháng 2 năm đó, vua Chăm là Trà Toàn cử em đem tượng binh và bộ binh đến sát trung quân của vua Lê Thánh Tông[57]. Các tướng Lê Hy Cát, Hoàng Nhân Thiêm, Lê Thế và Trịnh Văn Sái đem thủy quân chắn giữ cửa biển Sa Kỳ (nay là huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi) chặn lối rút của quân Chăm[57]. Vua Lê Thánh Tông dẫn thủy quân tiến đánh quân Chăm[57] ở cửa Áp (tức cửa Tân Áp, sau là cửa Đại Áp ở huyện Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam)[57] và cửa Tọa (tức cửa Cựu Tọa sau là cửa Tiểu Áp cách cửa Đại Áp hơn 7 dặm[58]). Đồng thời bộ binh Đại Việt do Nguyễn Đức Trung ngầm đi đường núi tấn công quân Chăm khiến quân Chăm phải rút về thành Vijaya[57]. Quân Việt nhanh chóng tiến lên đánh bại quân Chăm và bao vây thành Vijaya[59]

Thành Vijaya thất thủ vào ngày 2 tháng 3 năm 1471 sau bốn ngày giao tranh[55]. Vua Chăm là Trà Toàn bị bắt sống và chết trên đường chở về Thăng Long[60]. Ít nhất hơn 60.000 người Chăm bị giết và 30.000 bị bắt làm nô tỳ cho quân Đại Việt. Kinh thành Vijaya bị phá hủy hoàn toàn[55]. Sau chiến thắng vua Lê Thánh Tông đã sáp nhập các địa khu Amaravati và Vijaya[55] và lập nên thừa tuyên Quảng Nam và duy trì vệ quân Thăng Hoa ở đây [61]. Tướng Chăm là Bồ Trì Trì (tên Chăm: ?) chiếm vùng đất Panduranga (sách sử Việt gọi là Phan Lung) xưng làm vua của người Chăm xin nộp cống xưng thần và vua Lê Thánh Tông phong Bồ Trì Trì làm vương đất Chăm (sách Toàn thư gọi là Chiêm Thành tức là vùng đất Phan Rang, Thuận Hải ngày nay)[62]. Vua Lê Thánh Tông cũng phong vương cho tiểu vương xứ Kauthara (sách Toàn thư gọi là Hoa Anh tức là vùng đất tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay)[63] và nước Nam Bàn (sau này là hai nước Thủy XáHỏa Xá mà ngày nay là đất các tỉnh Gia Lai, Kon TumĐăk Lăk tức miền đất Tây Nguyên)[64].

Thất bại năm 1471 đã dẫn đến việc nhiều làn sóng người Chăm di cư sang Campuchia. Cộng đồng người Chăm và người Islam gốc Mã Lai, Java ở Campuchia nhờ đó mà gia tăng thế lực.[55] Biên niên sử Sejarah Melayu của người Mã Lai cũng ghi nhận sự di cư của người Chăm tới các vương quốc sultanMalacca. Thậm chí, một số quý tộc gốc Chăm còn được các sultan ban cho chức quan.[65]

Tiểu quốc Hoa Anh và các chúa Nguyễn

sửa

Sau khi xâm chiếm Champa và tàn phá kinh đô Vijaya, vua Lê Thánh Tông quyết định cắt phần đất Kauthara cũ từ đèo Cù Mông tới đèo Cả lập ra tiểu quốc Hoa Anh, phong vương cho chúa xứ này. Cả Hoa Anh, Panduranga, Jarai trở thành phiên thuộc của nhà Lê sơ.

Năm 1578, Lương Văn Chánh là tướng của chúa Nguyễn Hoàng cầm quân tiến vào Kauthara, vây và hạ Thành Hồ – thành kiên cố và đồ sộ nhất trong lịch sử Champa, nằm tại huyện Phú Hòa, phía Tây thành phố Tuy Hòa ngày nay - đẩy họ về cương giới cũ ở phía Nam đèo Cả. Trận đánh chỉ mới nhằm lập lại trật tự cũ, tuy nhiên Lương Văn Chánh cũng đã tiến thêm một bước trong việc đưa dân lưu tán vào khai khẩn miền đất này, rải rác từ phía Nam đèo Cù Mông đến đồng bằng sông Đà Diễn. Trong khoảng 10 năm cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỉ XVII,do cục diện Chiến tranh Lê–Mạc phân liệt, Panduranga từ phía Nam nhiều lần tái chiếm Kauthara, đuổi người Việt khỏi miền đất này.

Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng đã cử một viên tướng người Chăm, mà sử Việt gọi là Văn Phong, đánh chiếm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hoa để lập ra phủ Phú Yên, sau đổi thành dinh Trấn Biên. Sang năm 1653, nhân việc vua Chăm Pa là Po Nraop (Bà Tấm) quấy phá biên giới phía nam, chúa Nguyễn Phúc Tần đã gởi một đoàn quân sang tấn công Chăm Pa, tiến đến sông Phan Rang, bắt được vua Po Nraop đưa về Huế. Trên vùng đất cũ của tiểu vương quốc Kauthara chúa Nguyễn Phúc Tần lập ra hai phủ là Thái Khang (nay là Ninh HòaVạn Ninh) và Diên Ninh (nay là Diên Khánh, Nha Trang, Cam LâmCam Ranh). Vậỵ là vào năm 1653 Kauthara hoàn toàn bị sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Kauthara thất thủ, đền Po Nagar ở Nha Trang lọt vào vòng kiểm soát của nhà Nguyễn. Chính vì thế, vua Champa quyết định rước tượng Po Ina Nagar về Phan Rang để được thờ phụng trong một đền ở Mông Đức gần làng Hữu Đức (Phan Rang) bây giờ[66].

Panduranga

sửa
 
Lãnh thổ Panduranga-Chăm Pa từ sau 1471

Phần đất còn lại của vương quốc Chăm Pa lịch sử mà sách sử người Việt gọi là Chiêm Thành chỉ từ Phú Yên ngày nay trở về Nam (Kauthara và Panduranga) và từ năm 1653 Chăm Pa chỉ còn nửa đất phía nam của địa khu Panduranga (tức Phan Rang, Phan RíPhan Thiết ngày nay). Tuy nhiên, dưới sự bảo hộ của Đại Việt, vương quốc này vẫn giữ được độc lập dưới sự cai trị của các chúa Chăm.

Mối quan hệ với bán đảo Mã Lai và đạo Islam

sửa

Từ năm 1414, chính quyền các tiểu quốc ở khu vực bán đảo Mã Lai như Kelantan (được mệnh danh là serambi Mekah, cổng tới Mecca), Malacca đã bắt đầu lấy đạo Islam làm quốc giáo. Người Chăm trên lãnh thổ Chăm Pa do đó cũng có nhiều nhóm chuyển sang đạo Islam, gọi là Chăm Baruw (Chăm mới), trái với nhóm chưa cải đạo là Chăm Jahed (Chăm cũ).[65]

Mối quan hệ về dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo giữa người Chămngười Mã Laibán đảo Mã Lai đã tạo nên một cầu nối, liên kết hai khu vực. Nhiều thành phố ở Kelantan mang những cái tên liên quan tới Chăm Pa (Chepa) như Pengkalan Chepa, Kampung Chepa. Văn hóa và ẩm thực Kelentan cũng lưu giữ nhiều dấu ấn Chăm Pa. Biên niên sử Hikayat Kelantan cũng cho rằng, vị vua Long Yunus (Raja of Kelantan), người sáng lập vương quốc Hồi giáo Kelantan, có tổ tiên đến từ Kebayat Negara hoặc Kembayat Negara, nơi được cho là Chăm Pa. Nữ vương Che Siti Wan Kembang trong huyền thoại Kelantan được cho là mang ba dòng máu Champa-Kelantan-Pattani. Nhiều vị Raja Kelantan cũng có họ hàng với vương tộc Chăm Pa. Biên niên sử Babad Kelantan còn cho biết, giữa thế kỉ 17, một vị hoàng tử Chăm Pa tên Nik Mustafa đã đến Kelantan học tập nhiều năm, khi trở về nước đã xưng vương là Sultan Abdul Hamid. Truyện cổ Chăm Pa Nai Mai Mang Makah kể việc một công chúa từ Makah (Kelantan) cố gắng cải đạo chúa Chăm sang Islam.[65][67]

Năm 1594 chúa Chăm là Po At đã gửi lực lượng sang giúp Sultan xứ Johor để tấn công quân Bồ Đào NhaMalacca.[65][68]

Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng đã cử một viên tướng người Chăm mà sử Việt gọi là Văn Phong (chữ Hán: 文封) đánh chiếm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hoa để lập ra phủ Phú Yên, sau đổi thành dinh Trấn Biên.[69][70] Kỷ tỵ, năm thứ 16 (1629), Văn Phong ở Phú Yên dùng quân Chiêm Thành để làm phản. Phó tướng Nguyễn Phước Vinh[71] (Nguyễn Hữu Vinh, chữ Hán: 阮有榮) đi đánh dẹp yên và lập dinh Trấn Biên.[72]

Từ năm 1622-1627, Chăm Pa được cai trị bởi một vị vua tên Po Klaong Mah Nai. Trước đó, vị vua theo đạo Hindu là Po Ehklang bị quan Maha Taha (महा तह, tức Po Klaong Mah Nai) giết và cướp ngôi. Po Klaong Mah Nai là người theo đạo Islam. Lúc này tại Chăm Pa, xảy ra chia rẽ và xung đột giữa các nhóm người Chăm theo đạo Hindu và Islam.[73][74][75]

Trong các năm 1627 đến 1651 là giai đoạn chúa Chăm là Po Rome (con rể Po Klaong Mah Nai) xưng vương và lấy con gái của chúa Nguyễn Phúc NguyênNgọc Hoa (có sách gọi là Ngọc Khoa, Nguyễn Phúc Ngọc Khoa (阮福玉誇). Po Rome là người gốc Chu Ru, từng sống nhiều năm ở Kelantan và theo đạo Islam. Đây cũng là giai đoạn mà quan hệ Việt – Chăm diễn ra tốt đẹp[69].

Năm 1653, chúa Chiêm là Bà Tấm (Po Nraup, còn gọi là Bà Thấm, chữ Hán: 婆抋, Bà Bật, Bà Thâm, là anh em trai của Po Rome)[76] xâm lấn Phú Yên. Chúa Nguyễn Phúc Tần cử cai cơ Hùng Lộc và tham mưu Minh Vũ đem quân vượt qua dãy núi Thạch Bi chiếm đất Chăm đến sát bờ trái sông Phan Rang ngày nay lập ra hai phủ là Thái Khang (nay là Ninh Hòa) và Diên Ninh (nay là Diên Khánh). Bà Tấm sai con là Xác Bà Ân mang thư xin hàng, lấy sông Phan Rang làm giới hạn.[72] Đây cũng là thời điểm Chăm Pa nộp cống xưng thần với các chúa Nguyễn[69].

Lúc bấy giời tại Campuchia, một vị vua tên Nặc Ông Chân đổi sang đạo Islam và xưng là Sultan Ibrahim (1642-1659). Nặc Ông Chân tin dùng và ưu ái người Chăm Mã Lai, gây bất bình với người Khmer trong nước. Năm 1659, Nặc Ông Chân bị chúa Nguyễn đánh bại, một lượng lớn người Chăm và Mã Lai ở Chân Lạp bỏ chạy sang Ayutthaya tị nạn, tạo thành một cộng đồng người gốc Chăm Pa ở Xiêm.

Tại Chăm Pa, chúa Chăm Bà Tranh (Po Saut, Wan Dam, chữ Hán: 婆爭, cai trị khoảng 1660-1692, con trai của Po Rome) cũng theo đạo Islam và xưng là Paduka Seri Sultan (Điện hạ Sultan).[65][77][78] Đây là giai đoạn mà đạo Islam quảng bá mạnh tại khu vực nhờ vào các lực lượng người gốc Mã Lai.[79]

Năm 1682, các giáo sĩ người PhápAyudhya báo cáo về việc chúa Chăm Pa triều cống cho vua Xiêm. Có khả năng Bà Tranh muốn nhờ Xiêm giúp đỡ để giảm sức ép từ chúa Nguyễn.[80] Trong khi ghé tại hòn đảo Pulo Ubi (tức hòn Khoai)[81][82][83] trong vịnh Thái Lan, ngày 13 tháng 5 năm 1687, nhà du hành người Anh William Dampier đã bắt gặp một tàu buôn từ Chăm Pa đang trên đường đi Malacca. William cho biết tàu buôn này có khoảng 40 người, trang bị vũ khí và mang theo hàng hóa là gạo, đồ sơn mài. Chăm Pa tham gia buôn bán với người Hà Lan ở Malacca.[65][84]

Chúa Nguyễn và chúa Chăm Kế Bà Tử

sửa

Năm 1692, Bà Tranh đã tấn công vào phủ Diên Ninh và dinh Bình Khang tức vùng Diên Khánh ngày nay. Cuộc tấn công này đã thất bại và quân Chăm bị tướng Nguyễn Hữu Cảnh đánh bại vào tháng 3 năm 1693. Chúa Nguyễn đổi tên Chiêm Thành Quốc thành Thuận Thành Trấn, sau đó tháng 8 năm 1693, đổi Thuận Thành Trấn thành Bình Thuận Phủ. Bà Tranh bị giải về Thuận Hóa, người anh em là Tả trà viên Kế Bà Tử (繼婆子, Po Saktiraydaputih) làm Khám lý, ba người con Bà Ân làm Đề đốc, Đề lãnh và Cai phủ, bắt mặc quần áo theo lối người Kinh và sai về để vỗ yên lòng dân.[72]

Cuộc chiến tranh năm 1692-1693 đã khiến một hoàng thân tên Po Chongchan (Po Choncăin) dẫn theo gia quyến và hơn 5.000 người Chăm bỏ sang Campuchia tị nạn. Những nhóm người này được Chính vương Chey Chettha IV cho định cư dọc xung quanh kinh đô Oudong, bên bờ sông Mê Kông. Người Chăm Mã Lai tiếp tục được triều đình Chân Lạp sử dụng làm quân binh hầu cận.[85][86] Cộng đồng Chăm trong đợt di cư này có lẽ là tổ tiên của nhóm Chăm Jahed (Chăm cũ) hoặc Imam San ở Campuchia ngày nay.[87]

Tháng 12 năm 1693, người Thanh là A Ban (阿班)[88] cùng với Hữu trà viên là Ốc nha Đạt (Ốc nha Thát, 屋牙撻) ở Thuận Thành nổi loạn, đánh chiếm các đất Đại Đồng, Phố Hài, Phan Rí, Phan Rang.[72] Lúc đó Nguyễn Hữu Cảnh đang đi Tây Chính ở Chân Lạp, và quân Nguyễn ở lại đã bị quân Chăm tiêu diệt hoàn toàn.[89]

Đầu năm 1694, Bà Tranh chết, quân A Ban lại vây Phan Rang. Tháng 2, A Ban tiến giữ lũy Ô Liêm. Lưu thủ Nhuận và các cai cơ Tống Tuân và Nguyễn Thành chia quân giáp đánh. A Ban chạy về Phố Châm. Sau đó Cai cơ Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) mới dẹp yên.[72]

Khi Nguyễn Hữu Cảnh trở lại, Kế Bà Tử đã ký hòa ước với chúa Nguyễn Phúc Chu. Tháng 8, chúa cho phủ Bình Thuận trở lại làm trấn Thuận Thành. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã đồng ý khôi phục vương quốc Chăm Pa với hình thức là một khu tự trị với tên là Thuận Thành Trấn, và chúa Chăm Kế Bà Tử được gọi là Thuận Thành trấn vương (順城鎮王), đóng đô ở Băl Canar, giữ chức Tả đô đốc, phiên vương trấn Thuận Thành của chúa Nguyễn.[65] Theo bộ văn bản hoàng gia Chăm (bản chữ Hán), mối quan hệ phiên thuộc giữa vùng đất cai quản bởi các chúa Chăm và chính quyền trung ương của chúa Nguyễn diễn ra tốt đẹp.

Thuận Thành trấn

sửa
 
Lãnh thổ Thuận Thành trấn (1697-1832)

Năm 1697, chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập phủ Bình Thuận (từ Phan Rang trở về tây) chia làm hai huyện An Phước và Hòa Đa[90]. Cũng từ đây vùng đất Chăm còn lại (Phan Rang trở về đông) đã trở thành phiên thuộc của chúa Nguyễn và mối quan hệ giữa chúa Nguyễn và chúa Chăm là mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương[90].

Từ những năm 1700 đến 1728, các chúa Nguyễn chủ yếu tập trung binh lực mở rộng ảnh hưởng trên đất Chân Lạp. Mặc dù có nhiều giai đoạn, chính quyền Đàng Trong dồn hết binh lính ở Chân Lạp hoặc suy yếu, chính quyền Chăm Pa vẫn không hề thừa cơ nổi dậy. Rất có thể, mối quan hệ giữa giữa hai chính quyền Po SaktiraydaputihNguyễn Phúc Chu rất tốt đẹp và nó còn để lại di sản sau này.[65]

Đến năm 1712, chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban hành một bản hiệp ước mới gọi là Ngũ điều Nghị định, trong đó khẳng định quyền xét xử của các chúa Chăm đối với các thần dân người Chăm và cũng quy định nghĩa vụ của các chúa Chăm đối với các chúa Nguyễn. Để giải quyết xung đột giữa người Chăm và người Việt, bản hiệp ước quy định các xung đột này sẽ do chúa Chăm tức Trấn Vương cùng với quan Cai bạ và quan Ký lục (cả hai là người Việt) phán quyết.[72][91] Chế độ tự trị này được duy trì cho đến tận năm 1832 qua các đời chúa Nguyễn, thời Tây Sơn và thời kỳ đầu triều đại nhà Nguyễn.

Khởi nghĩa Tây Sơn

sửa

Các đời chúa Chăm sau Po Saktiray Da Patih (Kế Bà Tử) không còn duy trì được mối quan hệ trực tiếp với các chúa Nguyễn và mọi công việc của Thuận Thành Trấn được tiến hành thông qua phủ Bình Thuận[90] cho đến tận cuộc nội chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn. Từ năm 1771, khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra tại Đàng Trong, lãnh thổ Thuận Thành Trấn trở thành một trong những bãi chiến trường. Nội bộ chính quyền Chăm chia làm nhiều phe phái, ủng hộ Tây Sơn hoặc chúa Nguyễn.

Đầu những năm 1770, khi phong trào Tây Sơn nhen nhóm, anh em Nguyễn Nhạc đã tìm đến bắt liên lạc, kết thân với Bà chúa Hỏa. Bà chúa Hỏa hay còn gọi là Bà Hỏa, nữ chúa Thị Hỏa là thủ lĩnh của người Chăm quản lĩnh một vùng đất rộng lớn mà sử sách xưa thường gọi là "nước Hỏa Xá". Địa bàn của bà chúa Hỏa trải rộng khắp khu vực miền núi ngày nay thuộc phía tây nam Phú Yên kéo dài đến Cheo- reo (Gia Lai, Kon Tum). Nguyễn Lữ, người thứ ba trong "Tây Sơn tam kiệt", là người tu theo Minh giáo (còn gọi là đạo Ma-ní), là đệ tử của bà chúa Hỏa, thờ thần lửa và dùng bùa phép để chữa bệnh, trừ tà, nên còn được gọi ông là thầy tư Lữ.[cần dẫn nguồn][92]

Một bộ phận người Chăm tại trấn Thuận Thành (nay thuộc tỉnh Bình Thuận) do Kế Pù Tá (Po Tisuntiraidapuran, Nam sử gọi là Nguyễn Văn Tá / 阮文佐) đứng đầu ủng hộ và tham gia phong trào Tây Sơn từ rất sớm thì ở một địa bàn khác là động Thạch Thành (nay thuộc huyện Sơn Hòa và Sơn Thành, tỉnh Phú Yên). Bà chúa Hỏa cũng đem toàn bộ lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân khi anh em Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa. Năm Qúy Tị (1773) quân Tây Sơn đã đánh chiếm được Phú Yên, Nguyễn Nhạc phục hồi danh vị Phiên Vương cho bà chúa Hỏa và giao cho bà nhiệm vụ trấn giữ động Thạch Thành.

Mùa hè Giáp Ngọ (1774), chúa Nguyễn sai danh tướng Tống Phúc Hiệp đem quân từ Hòn Khói (nay thuộc Nha Trang) đánh chiếm Bình Thuận, Diên Khánh, Bình Khang. Quân Tây Sơn yếu thế phải lui về giữ Phú Yên. Tống Phúc Hiệp trực tiếp chỉ huy quân vượt đèo Tam Độc đánh thẳng vào đội quân của bà chúa Hỏa, bà chúa Hỏa đã tử trận. Tháng 7 năm Ất Mùi (1775), Nguyễn Nhạc sai em là Nguyễn Huệ bất ngờ đem quân từ Quy Nhơn vào đánh úp tiêu diệt cả quân thủy và quân bộ của Tống Phúc Hiệp. Năm 1778, thành Quy Nhơn sửa xong, Nguyễn Nhạc xưng là Minh Đức Hoàng Đế, niên hiệu Thái Đức. Hai Vua Thủy Xá và Hỏa Xá được phong Vương tước, sai sứ đưa ra những trầm hương, kỳ nam, hổ phách và voi ngựa làm cống vật và nguyện giữ một lòng trung thành với Tây Sơn.

Năm 1780, Po Tisuntiraidapuran được hoàng đế Thái Đức nhà Tây Sơn giúp đăng cơ. Tuy nhiên, Po Tisuntiraidapuran liên tục phải chống đỡ các phong trào nổi dậy của người Chăm và hàng loạt cuộc công kích của chúa Nguyễn Ánh từ đất Gia Định.

Năm 1782, một người anh em cùng huyết thống của Po Tisuntiraidapuran là Cei Krei Brei gây binh biến rồi phế truất ông, khiến thời điểm này Panduranga tạm thời không có người cai trị. Vào năm 1783, Cei Krei Brei tự tuyên bố là tân vương, nhưng liền sau đó quân Tây Sơn xuống vây đánh khiến ông này thất thế và bị tống giam. Ngôi vị của Po Tisuntiraidapuran được khai phục. Cùng năm này, một quân phiệt Chăm Bà-la-mônPo Tolripho từ Ấn Độ (?) về Panduranga lập chiến khu nhằm chống quân đồn trú Tây Sơn, nhưng chóng bị Bắc Bình vương dẹp. Po Tolripho may mắn tẩu thoát được, bèn trèo đèo vượt suối mấy ngày đường lên Cheo Reo ẩn lánh ở các buôn người Thượng.

Đến năm 1790, chúa Nguyễn Ánh được đà Thái Đức lâm thế yếu khó vươn được xuống phương Nam, bèn tiến chiếm Panduranga, phong Cei Krei Brei (Nam sử gọi là Nguyễn Văn Chiêu, nguyên tên là Môn Lai Phù Tử, Po Ci Bri, con của phiên vương trước là Thắng) làm Thuận Thành trấn Khâm sai chưởng cơ. Các quan Chăm là Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn Hào làm Khâm sai thống binh cai cơ. Nhưng ít lâu sau thì Nguyễn Văn Chiêu bị bãi chức vì chúa Nguyễn nghi ông theo Quang Trung.[72]

Năm 1793, chúa Nguyễn Ánh phái binh tiến đánh quân Tây Sơn đồn trú trên đất Panduranga. Phiên vương Thuận Thành là Po Tisuntiraidapuran (Nguyễn Văn Tá / 阮文佐) theo phe Tây Sơn bị Nguyễn Ánh đánh bại. Nguyễn Ánh sau đó (1794) cho các tướng người Chăm theo mình là Po Ladhuanpuguh (Nam sử gọi là Thôn-bá-hú hoặc Nguyễn Văn Hào / 阮文豪) làm Chánh trấn Thuận Thành, đồng thời phong Po Saong Nyung Ceng (Nam sử gọi là Nguyễn Văn Chấn / 阮文震) làm phó trấn, đặt chế độ chánh trấn và phó trấn và bỏ chế độ phiên vương.[93] Cả Po Ladhuanpuguh và Po Saong Nyung Ceng vốn là những phú nông người Chăm, không có xuất thân vương tộc.[72]

Bị chúa Nguyễn tước mất vương vị, Po Krei Brei (Nguyễn Văn Chiêu) đành đưa gia quyến bỏ sang tỉnh Tbong Khmum của Chân Lạp định cư. Lần này, người Chăm từ Việt Nam chạy sang Campuchia tị nạn rất đông.[92][94] Đoàn tị nạn gốc vương tộc này đến an trí tại Roka Po Pram, nơi vốn tập trung rất nhiều lưu dân ChămMã Lai Hồi giáo. Ban sơ Po Krei Brei cũng muốn dựa vào thế lực của triều đình Kampuchea để đòi lại vương vị, nhưng tình hình xứ sở này cũng rất hỗn loạn vì những cuộc giao tranh của XiêmTây Sơn rồi Nguyễn, nên rốt cuộc ông phải chôn mọi tham vọng bá quyền. Hiện chưa rõ Po Krei Brei sinh thác năm nào, ông được cộng đồng Hồi giáo Tbong KhmumKampong Cham suy tôn là thủy tổ của mình.

Cuộc nổi loạn ở trấn Thuận Thành

sửa

Vào năm 1796, Po Chongchan - lãnh tụ Chăm được triều Tây Sơn ủng hộ - theo quân Tây Sơn tiến công Băl Canar nhưng bị Po Saong Nyung Ceng tạm thời đẩy lui; tháng 10 cùng năm có một thủ lĩnh người Chăm Mã Lai tự xưng từng sống ở Mecca (thực ra là Kelantan) nhiều năm tên Tuan Phaow (Đồng Phù, Toàn Phù) cùng một tù trưởng khác [Tăng Mã] thừa dịp chúa Nguyễn bận công kích nhà Tây Sơn, xách động một cuộc bạo loạn nhằm khôi phục quyền tự trị hoàn toàn cho Panduranga, nhưng cũng bị Po Saong Nyung Ceng dẹp tan.[65]

Đại Nam liệt truyện chép:[95]

"Năm Bính Thìn [1796], man trưởng ở Dã Giang (thuộc tỉnh Bình Thuận) là Tăng Mã làm phản, quan quân đón đánh ở Phố Trâm phá tan được, Tăng Mã trốn chạy... Tù trưởng người Man là Đồng Phù [Tuan Phaow] quân bị tan vỡ bỏ chạy. Từ đó các man ở Thuận Thành không dám lại làm phản nữa."[95]

Đại Nam thực lục ghi chi tiết:[72]

Bính thìn, năm thứ 17 [1796], Tù trưởng Ba Phủ thuộc Thuận Thành là Toàn Phù (Tuan Phaow) tụ họp hơn 1.000 người, từ núi Đàn Linh ngầm xuống Cà Trập cướp bóc dân địa phương.

Đinh tỵ, năm thứ 18 [1797], tháng 2, Nguyễn Công Thái tiến đến Phố Châm, đánh úp phá tan giặc man Ba Phủ. Tù trưởng man là Toàn Phù vượt núi trốn chạy. Quân ta đốt trại kho vựa, bắt sống hơn 100 người man về trú ở bảo Đăng Trại... Tháng 5, người man Ba Phủ là Toàn Phù lại họp đảng hơn nghìn người đến đánh bảo Ma Đế. Thủ binh Thuận Thành chống không được, phải bỏ bảo chạy. Phó tướng quản dinh Bình Thuận là Phan Tiến Hoàng nghe tin báo đem quân thẳng tới, gặp giặc ở Cà Tán (tên đất), bắn chết mười mấy người. Giặc lui... Tháng 9, giặc Man Ba Phủ là Toàn Phù đem quân vây bảo Tà Lạp, lại ủy cho người đảng giữ núi La A để ngăn quân viện của ta. Phó tướng Phan Tiến Hoàng thống quản quân sở bộ và quan binh Thuận Thành, chia đường tiến đến La A. Hoàng cùng Quản đạo Phố Hài là Phạm Tiến Tuấn đánh mặt trước, Cai cơ Lê Văn Niệm đánh mặt sau. Giặc thua vỡ to. Quân ta thừa thắng tiến thẳng đến Thuận Thành. Bọn Cai cơ Nguyễn Văn Vĩnh ở Tà Lạp nghe tin quân viện đến, mở bảo ra đánh, Toàn Phù bèn giải vây, vượt núi chạy. Hoàng thấy xứ ấy đường núi hiểm xa, chuyển vận rất khó, lại thêm mưa lụt lam chướng, quân nhiều người ốm, bèn rút quân về, để quân Thuận Thành đóng giữ các bảo Đăng Trại, Cà Tán, dâng sớ xin đợi đến mùa đông tạnh ráo sẽ cất quân đánh dẹp.

Tháng 11, vua nước Chân Lạp là Nặc Ấn chết.[96] Con là Nặc Chăn nối ngôi... Tháng 12, sai Phó tướng Phan Tiến Hoàng đem tướng sĩ Tiền chi và Trung chi Tiền quân cùng Xiêm binh và hương binh hơn 1.600 người, tiến đánh giặc Man Ba Phủ. Khi quân đến Phố Châm thì Toàn Phù trốn xa, dư chúng ra hàng nhiều. Bèn dẫn quân về.

Về nhân vật Tuan Phaow (Đồng Phù), có ý kiến cho rằng ông ta trốn chạy sang Campuchia với tên Tuon Set Asmit và được vua Ang Eng thu dùng, cho làm tỉnh trưởng Tbong Khmum.[97] Tuan Phaow sau đó làm tới chức Tể tướng dưới triều vua Ang Chan II với tên gọi Chiêu Chùy[98] Tôn La Ca Đồng Phù (Chauvea Talaha Tuon Pha). Năm 1820, Đồng Phù bị phát hiện thân phận và bị triều đình nhà Nguyễn xử tử.[97] Tuy nhiên, xét theo Đại Nam thực lục và liệt truyện, Tuan Phaow có thể không phải là vị Tể tướng gốc Chăm tên Tôn La Ca Đồng Phù thời vua Ang Chan II. Việc xử tử Đồng Phù là do Ang Chan II nhờ triều Nguyễn bắt giúp để trị tội đại nghịch vô đạo với vua Chân Lạp.[99][100]

Đến tháng 7 năm 1799, Po Ladhuanpuguh băng hà, nhờ vào uy tín sẵn có mà Po Saong Nyung Ceng được cử làm tân vương.

Loạn Lê Văn Khôi

sửa

Ngay sau khi Minh Mạng lên ngôi (1820), ông phân bố lại hành chính, chia Bình Thuận trấn thành 2 phủ Ninh ThuậnHàm Thuận. Minh Mạng hạn chế hơn nữa quyền lực của hoàng gia Chăm.

Năm 1822, Chánh Chưởng (Cơng Can-Po Chơn), vị vua cuối cùng của Champa rời kinh đô Bal Canar (Tịnh Mỹ - Phan Rí) lưu vong tại Campuchia[101].

Tháng 10 năm 1832, chúa Chăm cuối cùng là Po Phaok The (Nguyễn Văn Thừa (阮文承)) trả lại toàn bộ dân và đất cho vua Minh Mạng và trở thành một viên quan địa phương triều Nguyễn. Vua Minh Mạng đã xóa trấn Thuận Thành và đặt phủ Ninh Thuận vào cùng năm đó, cho Nguyễn Văn Thừa làm Quản cơ, thuộc hạ là các Chánh đội trưởng Nguyễn Văn Giảng, Nguyễn Văn Thuận và Nguyễn Văn Thanh đều cho làm Cai đội. Năm 1833, Minh Mạng định phong cho tước cho Nguyễn Văn Thừa là Diên An bá, chức Vệ úy, hàm Tòng tam phẩm. Nhưng sau đó có án nghi Thừa câu kết với Lê Văn Khôi nên thôi.[72]

Theo sách Tiễu Bình Thuận Man Phỉ Phương Luộc (1835) và bộ Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ Nhị Kỷ (1860), sau khi chúa Po Phaok The thoái vị và trở thành viên quan triều Nguyễn, nhóm Lê Văn Khôi ở miền Nam bắt tay với Po Phaok The và một số quý tộc cũng như lãnh đạo tôn giáo Islam Chăm như Lá Buôn Vương, Thầy Điên. Lúc đó triều Nguyễn đang đánh Lê Văn Khôi ở miền Nam, và quân Nguyễn ở lại Ninh Thuận, Bình Thuận bị phiến quân Chăm và các bộ lạc miền núi tấn công mà chưa kịp đối phó. Có một số quý tộc thì lại theo vua Minh Mạng và không tham gia phiến quân, cộng đồng Chăm và các bộ lạc miền núi bị chia rẽ giữa hai phe: phe Lê Văn Khôi (phe chúa Chăm cũ) và phe vua Minh Mạng.

Katip Sumat hay Katip Tamat là một tu sĩ Hồi giáo (imam) sinh ở Campuchia, đã từng sang Makah (tiểu vương quốc Kelantan) du học về triết lý Hồi giáo. Katip Sumat chỉ huy một đoàn quân đa số là người Chăm và Mã Lai sinh sống ở Campuchia sang Champa để hình thành một phong trào đấu tranh chống triều đình Huế vào năm 1833. Đây có thể coi như phong trào jihad (Thánh chiến) duy nhất đến nay trong lịch sử Việt Nam. Cuộc nổi dậy của Katip Sumat gây mối đe dọa thật sự cho triều đình Huế, buộc vua Minh Mạng phải gởi một đội binh hùng mạnh hơn 1000 người và ra lệnh vũ trang những cư dân Việt thuộc phủ Bình Thuận để họ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến chống quân nổi loạn. Phong trào Hồi Giáo của Katip Sumat đã bị dập tắt vào tháng 7 năm Tỵ lịch Chăm, tức là cuối năm 1833 hay đầu năm 1834.

Phong trào của Katip Sumat có lẽ được sự hậu thuẫn của vị Sultan Muhamad I ở Kelantan (1800-1837).[65]

Ja Thak Wa của Katip Thak Wa, một người Chăm Bani làng Văn Lâm, Phan Rang từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình Panduranga-Champa thời trước. Với tổ chức quy mô hơn, Ja Thak Wa xây dựng một chiến khu tại vùng cao nguyên Đồng Nai Thượng và Kauthara (Nha Trang-Phú Yên) vào năm 1834.

Ja Thak Wa sau đó triệu tập một hội đồng để chỉ định Po War Palei (tiếng Việt gọi là La Bôn Vương), dân tộc Raglai, thuộc làng Cadang, lên làm quốc vương (Po Patrai) của Panduranga. Po War Palei là anh rể của Po Dhar Kaok (tên Việt là Nguyễn Văn Nguyên), tức là cựu phó vương Panduranga dưới thời vua Po Phaok The (1828-1832). Sau đó, Ja Thak Wa đề nghị tấn phong một người gốc Churu mang chức là Cei Aia Harei (hoàng tử mặt trời) làm hoàng tử kế vị và Ja Yok Ai gốc người Chăm làm Panraong Sa-ai (đại quan quân sự).

Quân của Ja Thak Wa làm chủ tình hình vào đầu năm Ất Vị (1835), kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Panduranga cũ gồm huyện An Phước, Hòa Đa, Tuy Tịnh và phủ Bình Thuận.

Trước sự đàn áp của nhà Nguyễn, nổi dậy Ja Thak Wa tại Panduranga kéo dài cho đến tháng thứ 4 năm 1835 thì kết thúc sau khi cả Po War Palei và Ja Thak Wa đều tử trận gần thôn Hữu Đức, Văn Lâm, Phan Rang.

Thời kỳ cuối của trấn Thuận Thành

sửa

Khi vua Minh Mạng đưa quân tiêu diệt phiến quân Chăm và các bộc lạc miền núi, Thị Khăn Oa (Nai Khan Wa), công nữ Chăm hợp tác với vua Minh Mạng kêu gọi tất cả phiến quân còn lại đầu hàng, trở về phía triều đình. Công nữ đã thuyết phục thành công. Vua Minh Mạng đồng ý duy trì hoàng gia Chăm (gia đình chúa Chăm). Các hoàng tử Chăm đời đời nhận chức Tri huyện Huyện Hòa Đa Thổ (tức Quận Phan Lý Chàm thời chính quyền Sài Gòn) dưới triều Nguyễn. Theo các bộ sắc phong mà các hoàng tử Chăm được vua Nguyễn các đời gửi (bản chữ Hán), mối quan hệ giữa các ông tri huyện huyện Hòa Đa Thổ và chính quyền Huế diễn ra tốt đẹp đến tận năm 1945.

Năm 1945, hoàng tử Dụng Gạch (em trai công nữ Nguyễn Thị Thềm) đang là chức hương bộ và được gọi là Bộ Gạch, làm việc tại palei Kalon tức ấp Trinh Hòa (nay là xã Phan Sơn, Phan Lâm, huyện Bắc Bình và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kalon Sông Mao) nơi mà Bà Nai Khan Wa cùng các bộ lạc miền núi khai hoang. Hoàng tử Dụng Gạch đã hưởng ứng lời kêu gọi cách mạng tháng Tám, bảo cho bà con Chăm và các dân tộc miền núi theo cách mạng. Sau cách mạng thành công, Hoàng tử Dụng Gạch giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Lâm thời Huyện Hòa Đa phụ trách miền núi.

Lịch sử miền đất Tây Nguyên ngày nay sau khi tách khỏi lịch sử Chăm Pa vào năm 1471 còn chưa được các học giả quan tâm nghiên cứu. Mối quan hệ lịch sử giữa Chăm Pa (trước thời Lê), Nam Bàn (thời Lê) và hai nước Thủy Xá, Hóa Xá (thời Nguyễn) còn chưa được chứng minh. Tuy nhiên theo Cương mục[102] thì vua Lê Thánh Tông phong cho dòng dõi chúa Chăm Pa làm Nam Bàn quốc vương và đất đai Nam Bàn chính là đất phụ thuộc Chăm Pa xưa (trước thời Lê) và vào thời Nguyễn đấy chính là đất của hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá (tức Tây Nguyên ngày nay). Sau khi Chăm Pa bị sáp nhập hoàn toàn vào Việt Nam thì hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá tức miền đất Tây Nguyên ngày nay vẫn giữ được độc lập nhưng trở thành phiên thuộc của nhà Nguyễn[103] cho đến thời Pháp thuộc[104]. Còn một số Bon, Palei phía Nam Lâm Đồng thì triều Nguyễn đặt Phủ Di Dinh Thổ (tức Phủ Di Linh Thượng), đưa viên quan Chăm cai trị cho đến năm 1945 nên mối quan hệ giữa hoàng gia Chăm và các bộ lạc miền núi rất mật thiết như việc hoàng tử Dụng Gạch được các bộ lạc miền núi tin tưởng.

Xem thêm

sửa

Tham khảo

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim - Bản điện tử
  2. ^ Vickery, "Champa Revised," tr.4.
  3. ^ Lê Thành Khôi, Histoire du Vietnam, tr.103.
  4. ^ Lê Thành Khôi, Histoire du Vietnam, tr.105.
  5. ^ Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.181.
  6. ^ Ngô Vǎn Doanh, Champa, tr.31.
  7. ^ Ngô Vǎn Doanh, Champa, tr.38-39; Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.55 trở đi.
  8. ^ Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.56 trở đi.
  9. ^ Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.60 trở đi.
  10. ^ Ngô Văn Doanh, My Son Relics, tr.62 trở đi.; Lê Thành Khôi, Histoire du Vietnam, tr.107-108. Toàn thư (bản tiếng Việt NXH KHXH 1998 tr.187) tập I.
  11. ^ Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.63.
  12. ^ Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.66.
  13. ^ Jean Boisselier, La statuaire du Champa, tr.87.
  14. ^ Lê Thành Khôi, Histoire du Vietnam, tr.109.
  15. ^ Ngô Vǎn Doanh, Champa, tr.49.
  16. ^ Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.66 trở đi; tr.183 trở đi. Bản dịch tiếng Anh ở trang 197 trở đi.
  17. ^ Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.210.
  18. ^ Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.72.
  19. ^ Jean Boisselier, La statuaire du Champa, tr.90 trở đi.
  20. ^ Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.72 trở đi., tr.184.
  21. ^ Ngô Vǎn Doanh, Champa, tr.32; Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.71 trở đi.
  22. ^ Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.73.
  23. ^ Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.75.
  24. ^ Lê Thành Khôi, Histoire du Vietnam, tr.122, 141.
  25. ^ Toàn thư, bản Nhà xuất bản KHXH 1998 theo mộc bản Chính Hòa, tr. 222, tập I.
  26. ^ Ngô Vǎn Doanh, Champa, tr.34; Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.75-76.
  27. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 265-266. tập I
  28. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 267. tập I.
  29. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 274. tập I.
  30. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 274-275. tập I.
  31. ^ Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.77; Lê Thành Khôi, Histoire du Vietnam, tr.163 trở đi.
  32. ^ Jean Boisselier, La statuaire du Champa, tr.312.
  33. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 278, tập I.
  34. ^ Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.78, 188; Ngô Vǎn Doanh, Champa, tr.33. Bản tiếng Anh của bia Mỹ Sơn ca ngợi thắng lợi của nhà vua ở trang 218 trở đi.
  35. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 306 và tr.309. tập I.
  36. ^ Ngô Vǎn Doanh, Champa, tr.35; Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.84.
  37. ^ Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.87.
  38. ^ Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.89 và tr. 188; Ngô Vǎn Doanh, Champa, tr.36.
  39. ^ Ngô Vǎn Doanh, My Son Relics, tr.89 trở đi., tr.189.
  40. ^ Ngô Vǎn Doanh, Champa, tr.36.
  41. ^ Lê Thành Khôi, Histoire du Vietnam, tr.184.
  42. ^ Toàn thư bản Nhà xuất bản KHXH 1998 từ mộc bản Chính Hòa, tr.91.
  43. ^ Lê Thành Khôi, Histoire du Vietnam, tr.193-194.
  44. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 154, tr. 164-165 tập II.
  45. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 177-178 tập II.
  46. ^ a b Mộc bản Chính Hòa, tr. 178 tập II.
  47. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 180 tập II.
  48. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 182, tập II.
  49. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 193, tập II.
  50. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 201, tập II.
  51. ^ a b Mộc bản Chính Hòa, tr. 202, tập II.
  52. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 206, tập II.
  53. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 219, tập II.
  54. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 356-357, tập II.
  55. ^ a b c d e f Lê Thành Khôi, Histoire du Vietnam, tr.243.
  56. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 445-446, tập II.
  57. ^ a b c d e . Mộc bản Chính Hòa, tr. 448, tập II.
  58. ^ Cương Mục Chính Biên, quyển 22 tờ 3, chú lại của bản Toàn thư tiếng Việt Nhà xuất bản KHXH 1998 từ mộc bản Chính Hòa tr. 448, tập II.
  59. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 449, tập II.
  60. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 450, tr. 452, tập II.
  61. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 452, tập II.
  62. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 450, tập II.
  63. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 450, tập II. Chú thích về Hoa Anh của Cương Mục dẫn lại theo chú của bản Toàn thư tiếng Việt Nhà xuất bản KHXH 1998 từ mộc bản Chính Hòa tr. 450, tập II.
  64. ^ Mộc bản Chính Hòa, tr. 450, tập II. Chú thích về Nam Bàn của Cương Mục dẫn lại theo chú của bản Toàn thư tiếng Việt Nhà xuất bản KHXH 1998 từ mộc bản Chính Hòa tr. 450, tập II.
  65. ^ a b c d e f g h i j Danny Wong Tze Ken (2004), Vietnam-Champa Relations and the Malay-Islam Regional Network in the 17th–19th Centuries. Kyoto Review of Southeast Asia. Issue 5 (March 2004). Islam in Southeast Asia.
  66. ^ “Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa của Tiến sĩ Po Dharma”. Bản gốc lưu trữ 13 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2021.
  67. ^ Sultans and Rajas from Champa Dynasty.
  68. ^ Manguin, "The Introduction of Islam into Campa", tr.12.
  69. ^ a b c Nhóm Nhân văn Trẻ, Hỏi đáp Lịch sử Việt nam, tr. 188, tập 3, Nhà xuất bản Trẻ, 2007.
  70. ^ 大南寔錄前編 • Đại Nam thực lục tiền biên (q.01-02), page 74
  71. ^ con trưởng Mạc Cảnh Huống, lấy công chúa Ngọc Liên, cho theo quốc tính, sau đổi làm [hệ tính] Nguyễn Hữu Vinh.
  72. ^ a b c d e f g h i j Đại Nam thực lục (bản dịch 2007), tập 01.
  73. ^ K. W. Taylor (2013). A History of Vietnamese. Cambridge University Press. p. 301. ISBN 978-0-521-87586-8.
  74. ^ Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam: Cố gắng tồn tại trong khó khăn
  75. ^ Nam Chiêm Thành trong thời Nguyễn sơ
  76. ^ Tran Ky Phuong; Bruce M. Lockhart (2011). The Cham of Vietnam: History, Society and Art. NUS Press. p. 246. ISBN 978-9971-69-459-3.
  77. ^ Philipp Bruckmayr (2019). Cambodia's Muslims and the Malay world: Malay language, Jawi script, and Islamic factionalism from the 19th century to the present. Leiden; Boston: Brill, [2019]. Page 12.
  78. ^ Anthony Milner (2011), The Malays - The Peoples of South-East Asia and the Pacific. John Wiley & Sons, 2011
  79. ^ Ben Kiernan (2017), Việt Nam: A History from Earliest Times to the Present. Oxford University Press, 2017
  80. ^ "Father Duchesue to Directors of the Seminary in Paris," ngày 13 tháng 11 năm 1682, AMEP: Siam, Vol. 878, f. 202.
  81. ^ A Geographical Dictionary Or Universal Gazetteer, Ancient and Modern, Tập 2, trang 386.
  82. ^ Edmund Roberts, Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam, and Muscat
  83. ^ The Project Gutenberg EBook of Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam, and Muscat, by Edmund Roberts
  84. ^ William Dampier, A New Voyage Round the World (London: 1697. This edition, The Argonaut Press, 1927), p. 272.
  85. ^ Nhóm người Chăm này có lẽ là tổ tiên của nhóm người Chăm Jahed (Chăm cũ) sau này. Claudia Seise (2009)
  86. ^ Collins 2009: 27-28
  87. ^ Killean, R., Hickey, R., Moffett, L., Viejo Rose, D., So, F., & Orn, V. (2018). Cham: Culture & History Story of Cambodia. Documentation Center of Cambodia.
  88. ^ 大南寔錄前編 • Đại Nam thực lục tiền biên (q.07-09), page 5–10
  89. ^ Theo Hoa Di Biến Thái (Ka-i-hen-tai, sử liệu Nhật Bản cuối thế kỷ thứ XVII-đầu thế kỷ thứ XVIII).
  90. ^ a b c Nhóm Nhân văn Trẻ, Hỏi đáp Lịch sử Việt nam, tr. 189, tập 3, Nhà xuất bản Trẻ, 2007.
  91. ^ Tiền biên, quyển 8, tr. 14a dẫn theo Danny.
  92. ^ a b Ben Kiernan (2017), Việt Nam: A History from Earliest Times to the Present. Oxford University Press, 2017. Page 264.
  93. ^ Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Thực lục Chính Biên, Đệ nhất kỷ, bản dịch của Viện Sử học, tái bản lần 1, Nhà xuất bản Giáo dục, 2007, tr. 306
  94. ^ Kiernan, Ben. 2008. The Pol Pot Regime: Race, Power, and Genocide in Cambodia under the Khmer Rouge, 1975-79 (third edition), New Haven and London: Yale University Press. Trang 254.
  95. ^ a b Đại Nam liệt truyện (tập 02, Nhà xuất bản Thuận Hóa).
  96. ^ Nặc Ấn mất năm 1796, có lẽ Thực lục chép sai. Đại Nam liệt truyện tập 02 chép: Bính Thìn [1796], năm thứ 19, Nặc Ấn chết, Nặc Chân lập lên.
  97. ^ a b Collins, William. 2009. "Cham Muslims," Ethnic Groups of Cambodia, Phnom Penh: Center for Advanced Studies, 2009.
  98. ^ Chauvea - Tể tướng
  99. ^ Theo Đại Nam thực lục. Bản dịch của Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện sử học Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học phiên dịch. Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 2007.
  100. ^ Trích Đại Nam thực lục tập 01: Năm 1812, Nặc Chăn cảm khóc dâng biểu tạ ơn. Lại bắt kẻ bạn thần là Đồng Phù (xưa bị tội với nước, trốn sang Xiêm, đến nay lại về) đưa đến Kinh xin mệnh lệnh triều đình. Vua [Gia Long] dụ rằng: "Đồng Phù đã biết ăn năn tội lỗi, ngươi nên đem lòng thực mà vỗ về cho nó vui lòng lập công. Cái lỗi đã qua hà tất bắt tội!"... Nặc Chăn dâng biểu cho ốc Nha Tôn La Kha Đồng Phù làm Chiêu Chùy... Gặp Chiêu Chùy nước Chân Lạp là Đồng Phù đến chầu, vua [Gia Long] triệu cho yết kiến hỏi han... Lại dụ vua Chân Lạp: "... quan Phiên trở xuống, ai không theo lệnh cho Đồng Phù trị theo quân pháp".
  101. ^ Dharma P., Le Panduranga (Champa) 1802-1835, trang 122-123, EFEO, Paris, 1987
  102. ^ Khâm Định Việt Sử Thông giám Cương Mục, bản tiếng Việt, Nhà xuất bản Giáo dục, 1998, tr. 524.
  103. ^ Sách Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu, bản tiếng Việt do Quốc Sử Quán dịch - Nhà xuất bản Nghiên cứu Sử Địa Việt nam 1972, tr. 128, 142, 148, 184 còn ghi lại các lần hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá nộp cống cho nhà Nguyễn. Sách cũng cho biết việc nộp cống này được bắt đầu từ trước khi cải thổ quy lưu tức năm 1829, Sdd tr. 76. Sau cải thổ quy lưu, năm 1841, Sdd tr. 128, cả hai nước đều xin làm phiên thuộc.
  104. ^ Lần cuối cùng sách Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu đề cập đến việc hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá nộp cống cho nhà Nguyễn là năm 1869. Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu, bản tiếng Việt Nhà xuất bản Nghiên cứu Sử Địa Việt nam 1972, tr. 187.

Nguồn

sửa

Tiếng Việt

sửa

Tiếng Anh và ngoại ngữ khác

sửa

Liên kết ngoài

sửa