Cổng thông tin:Hồng Kông
Chủ đề Hồng Kông
Hồng Kông (tiếng Trung: 香港; Hán-Việt: Hương Cảng, tiếng Hồng Kông: [hœ́ːŋ.kɔ̌ːŋ] ⓘ, tiếng Anh: Hong Kong; /ˌhɒŋˈkɒŋ/ ⓘ), tên chính thức là Đặc khu hành chính Hồng Kông thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là một vùng đô thị đặc biệt, cũng như một trong hai đặc khu hành chính của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (cùng với Ma Cao). Đây đồng thời là địa phương tự trị duy nhất của Trung Quốc. Hồng Kông tọa lạc tại cửa sông Châu Giang, phía đông eo biển Linh Đinh Dương, phía bắc giáp sông Thâm Quyến và thành phố Thâm Quyến của tỉnh Quảng Đông thuộc vùng Hoa Nam Trung Quốc. Với hơn 7,5 triệu người (ước tính 2019) thuộc nhiều quốc tịch khác nhau trong một khu vực diện tích nhỏ, Hồng Kông là một trong những đô thị có mật độ dân số đông và cao nhất trên thế giới.
Hồng Kông trở thành thuộc địa của Đế quốc Anh sau khi Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất kết thúc vào năm 1842. Bán đảo Cửu Long được sáp nhập thêm vào lãnh thổ này năm 1860 sau Chiến tranh nha phiến lần thứ hai và được mở rộng thêm nữa vào năm 1898; sau khi người Anh tiến hành "thuê" vùng Tân Giới trong vòng 99 năm. Thời kỳ Hồng Kông thuộc Nhật bắt đầu từ ngày 25 tháng 12 năm 1941 – khi Đế quốc Nhật Bản tiến hành xâm lược vùng lãnh thổ này cùng với sự thất bại của các lực lượng quân sự Anh và chấm dứt vào ngày 30 tháng 8 năm 1945 – sau khi Nhật thua trận và đầu hàng Đồng Minh. Kết thúc Thế chiến II, Hồng Kông trở lại với Anh Quốc và đến năm 1997, chủ quyền vùng lãnh thổ này được Anh bàn giao lại cho Trung Quốc.
Ban đầu vốn chỉ là một khu vực dân cư thưa thớt ven biển của các làng nông nghiệp và ngư nghiệp, vùng lãnh thổ này dưới sự quản lý và cải cách của Đế quốc Anh đã trở thành một trong những trung tâm tài chính và cảng thương mại quan trọng bậc nhất thế giới. Hồng Kông được ước tính là nhà xuất khẩu lớn thứ 10 và nhập khẩu lớn thứ 9 trên thế giới, cũng như là thực thể thương mại lớn thứ 7 thế giới. Tiền tệ hợp pháp của vùng lãnh thổ này – đồng đô la Hồng Kông hiện đang đứng thứ 13 thế giới trong danh sách những loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất. Hồng Kông là nơi tập trung nhiều cá nhân/gia đình có giá trị tài sản ròng cực cao, đứng thứ nhất châu Á và cao hơn so với bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới. Mặc dù thành phố là một trong những đô thị có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất trên thế giới, nhưng Đặc khu cũng đang chứng kiến sự bất bình đẳng thu nhập gia tăng ngày một nghiêm trọng, Hồng Kông luôn dẫn đầu châu Á nói riêng cũng như thế giới nói chung về mức bình quân chi phí sinh hoạt, đây là một trong những thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới. (Đọc thêm...)
Bài viết tiêu biểu
Điểm cực trị của Hồng Kông là những địa điểm có tọa độ xa nhất về phía bắc, nam, đông và phía tây của Hồng Kông khi so với bất kỳ vị trí nào khác trên lãnh thổ của đặc khu, cũng như các vị trí cao nhất và thấp nhất ở nơi đây. Do có hình dạng của một bán đảo nên hầu hết các điểm cực của Hồng Kông đều tiếp giáp với biển, chỉ riêng cực Bắc là nằm hoàn toàn trên đất liền. Điểm cực Bắc của Hồng Kông hiện nay nằm tại núi Bạch Hổ Sơn, Quận Bắc. Điểm cực Tây là Kê Dực Giác (Li Đảo), một hòn đảo tàn dư của đảo Đại Tự Sơn. Cực Đông của Hồng Kông tọa lạc trên đảo Đông Bình Châu; cực Nam nằm trên đảo Bồ Đài trong quần đảo Bồ Đài. Với độ cao 957 mét (3.140 ft), Đại Mạo Sơn là nơi cao nhất của toàn đặc khu. Trong khi đó, nơi sâu nhất thuộc về vùng biển Loa Châu Môn, với độ sâu −66 mét (−220 ft) dưới mực nước biển. Tất cả các điểm cực trị của Đặc khu hành chính Hồng Kông đều không có tranh chấp.
Danh sách này sử dụng tọa độ Hệ thống trắc địa thế giới (WGS84). Ngoài ra, giá trị độ cao âm biểu thị cho vùng đất dưới mực nước biển. (Đọc thêm...)
Nhân vật tiêu biểu
Lâm Trịnh Nguyệt Nga (tiếng Trung: 林鄭月娥, tên tiếng Anh: Carrie Lam Cheng Yuet-ngor, sinh ngày 13 tháng 5 năm 1957), tên khai sinh Trịnh Nguyệt Nga (tiếng Trung: 鄭月娥) là đặc khu trưởng Hồng Kông, Trung Quốc sau khi giành chiến thắng trong cuộc Tuyển cử Đặc khu trưởng Hồng Kông năm 2017 vào ngày 26 tháng 3 nhờ hậu thuẫn của đại lục. Trước đó, bà giữ chức Ty trưởng Ty chính vụ, Cục trưởng Cục phát triển. Sau khi tốt nghiệp Đại học Hồng Kông, Lâm Trịnh Nguyệt Nga tham gia các hoạt động công vụ ở các khu vực ban ngành khác nhau. Bà trở thành viên chức quan trọng của chính quyền sau khi được chỉ định đảm nhiệm chức Cục trưởng Cục phát triển (tiếng Trung: 發展局局長, tiếng Anh: Secretary for Development). Trong giai đoạn này, bà được tiếng là "chiến sỹ kiên cường" (tough fighter) khi đứng ra giải quyết vấn đề phá hủy Cầu cảng Queen. Bà nhậm chức Ty trưởng Ty chính vụ thời chính quyền Lương Chấn Anh từ năm 2012 đến năm 2017. Lâm lãnh đạo Tiểu ban chuyên trách Phát triển Hiến pháp (tiếng Trung: 政改諮詢專責小組, tiếng Anh: Task Force on Constitutional Development) cho việc cải cách chính trị từ năm 2013 tới năm 2015 và thương thuyết với các lãnh đạo sinh viên trong cuộc biểu tình chiếm đóng năm 2014.
Sau khi Lương Chấn Anh tuyên bố không tìm cách tái tranh cử, ngày 16 tháng 1 năm 2017, Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố tham gia tranh cử trưởng quan hành chính, biểu thị hi vọng kế tục tư tưởng hành pháp của Lương Chấn Anh. Tháng 3 năm 2017, Lâm, với tư cách là ứng cử viên thân Bắc Kinh, chiến thắng trong cuộc bầu cử ba bên với 777 phiếu từ 1.194 thành viên của Ủy ban tuyển cử Hồng Kông, đánh bại Ty trưởng Ty Tài chính Tăng Tuấn Hoa và thẩm phán hồi hưu Hồ Quốc Hưng. Lâm Trịnh Nguyệt Nga trở thành Nữ Đặc khu trưởng đầu tiên của Hồng Kông. Ngày 11 tháng 4 năm 2017, Lâm nhận quyết định bổ nhiệm từ Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói hôm 4/10/2019 Carrie Lam nên từ chức, sau nhiều tháng biểu tình kéo dài. Bà và phu quân Lâm Triệu Ba tìm hiểu nhau tại Cambridge, Anh Quốc rồi kết hôn vào năm 1984, có hai con, ba cha con đều có quốc tịch Anh Quốc. (Đọc thêm...)
Hình ảnh chọn lọc
Bạn có biết
- …tên gọi của Hồng Kông được cho là bắt nguồn từ tên của làng chài Aberdeen trong tiếng Quảng Đông?
- …bộ truyện tranh Chú Thoòng quen thuộc với nhiều độc giả Đông Nam Á là tác phẩm của Vương Trạch, một tác giả truyện tranh nổi tiếng của Hồng Kông?
- …tại Hồng Kông, người Việt đôi khi được gọi là “bắt đầu từ nay” vì một thông cáo cho các thuyền nhân trên truyền thông Hồng Kông cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990?
- … tựa của phim Hồng Kông Vô gian đạo (Infernal Affairs) chỉ đến A tì, tầng cuối cùng trong tám tầng địa ngục trong tín ngưỡng Phật giáo?
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan đến Hồng Kông
Khoa học tự nhiên | ||
Địa lý (tự nhiên) | ||
Khoa học xã hội | ||
Kinh tế | ||
Lịch sử | ||
Văn hóa | ||
Chính trị |
| |
Văn hoá – xã hội | ||
Cơ sở hạ tầng |
Thể loại con
Dự án liên quan
Các cổng thông tin