Đội Quyên

Thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp tại Việt Nam

Lê Quyên (1859 - 1917), còn được chép là Lê Văn Quyên, hiệu Đại Đẩu, thường gọi là Đội Quyên, là thủ lĩnh nghĩa quân chống Thực dân Pháp trong lịch sử Việt Nam thời cận đại.

Thân thế

sửa

Lê Quyên sinh năm Kỷ Mùi (1859) tại làng Yên Phúc (sau thành xã Đức Phúc, huyện Đức Thọ nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ) tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình làm ruộng và làm nghề rèn. Ông là hậu duệ (đời thứ 11) của Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (1652) Lê Đắc Toàn.

Hành trạng

sửa

Hưởng ứng dụ Cần Vương

sửa

Năm 26 tuổi (1885), hưởng ứng dụ Cần Vương, Lê Quyên tham gia cuộc khởi nghĩa do Lê Ninh lãnh đạo. Cuối năm 1887, thủ lĩnh Lê Ninh mắc bệnh qua đời ở căn cứ, Lê Quyên và Lê Phất (còn gọi là Kiểm Phất) cùng với các em của Lê Ninh (Lê Khai, Lê Phác, Lê Trực) bèn đến gia nhập lực lượng của Phan Đình Phùng.

Biết Lê Quyên và Lê Phất đều là thợ rèn giỏi, thủ lĩnh họ Phan liền phân công về xưởng sản xuất vũ khí do Cao Thắng phụ trách.[1] Bằng tài nghệ và nhiệt tình của mình, ông đã tham gia chế tạo ra hàng trăm khẩu súng trường kiểu 1874 của Pháp, nên được phong chức đội nên gọi là "Đội Quyên".

Ngày 21 tháng 11 năm 1893, Cao Thắng bị trúng đạn mất trong trận đánh đồn Nu ở Thanh Chương (Nghệ An)[2], Đội Quyên liền được cử làm quản đốc sản xuất vũ khí. Trong trận đánh đồn Quả Cảm năm 1895, trợ thủ đắc lực của Đội Quyên là Lê Phất hy sinh, kể từ đó một mình ông phải gánh vác công việc chế tạo và sửa chữa vũ khí.

Ngày 28 tháng 12 năm 1895, thủ lĩnh Phan Đình Phùng mất tại căn cứ vì bị thương nặng trong một trận kịch chiến[3]. Thừa cơ, quân Pháp rầm rộ kéo vào đánh phá căn cứ. Hay tin, Đội Quyên liền cho chôn giấu vật liệu, đốt xưởng, rồi dẫn quân ra Đông Thành (Nghệ An) hiệp cùng Lãnh Ngợi (chưa biết họ tên đầy đủ) tiếp tục kháng Pháp.

Tham gia Duy Tân hội

sửa

Khi Lãnh Ngợi hy sinh, Đội Quyên về Hà Tĩnh định theo Lãnh binh Ngô Quảng[4] nhưng không gặp. Sau đó, ông ra Nam Đàn (Nghệ An) tìm Phan Bội Châu. Ông Phan thấy ông là người có tài năng về quân sự, phân công ông gây dựng cơ sở chống Pháp ở Nam Đàn. Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, thì trong khoảng thời gian này, ông liên kết hoạt động với Ngô Quảng, Hồ Bá PhấnNguyễn Thị Thanh (chị Nguyễn Ái Quốc)[5]. Đến khi quân Pháp truy lùng Đội Quyên gắt gao nhất, cô Thanh đã đưa ông về nhà mình ở Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) ẩn náu, rồi còn tìm nơi an toàn để ông mở lớp dạy võ cho thanh niên.

Trong chuyến về huyện Quỳnh Lưu vận động cách mạng thì Đội Quyên bị quân Pháp bắt. Không biết ông là thủ lĩnh nghĩa quân, nên họ chỉ giam tạm ông ở đồn Can Lộc. Sau đó, ông đã thuyết phục viên quyền trưởng đồn cho mình trốn thoát [2].

Năm 1904, Đội Quyên có mặt trong ngày thành lập Duy Tân hộiQuảng Nam do Phan Bội Châu, Nguyễn Hàm (còn có tên là Nguyễn Thành, Nguyễn Tiểu La) chủ trương. Dự họp xong, ông được phân công trở về Nghệ An làm công tác vận động tài chính cho hội, để đưa thanh niên ra nước ngoài học tập (phong trào Đông Du)[2].

Năm 1905, Đội Quyên cùng Tú Ngô (chưa biết họ tên đầy đủ), Giám Hành (Hoàng Xuân Hành), Cử nhân Vương Thúc Quý và cô Nguyễn Thị Thanh, phát động phong trào chống Pháp trong huyện.

Thực hiện chủ trương của Phan Bội Châu, Đội Quyên và Phạm Văn Ngôn đã lên Yên Thế (Bắc Giang) để thoả thuận với thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám lập "đồn điền Tú Nghệ" ở Phồn Xương, đồng thời phát động phong trào chống Pháp ở Nghệ An - Hà Tĩnh để phối hợp.

Tham gia Quang phục Hội

sửa

Năm 1912, do thắng lợi của Cách mạng Tân HợiTrung Quốc, Phan Bội Châu giải tán Duy Tân hội thành lập Việt Nam Quang phục Hội; thì Đội Quyên và Nguyễn Thị Thanh lại chuyển sang hoạt động cho tổ chức này.

Bằng tài nghệ và kinh nghiệm của mình, ông đã thành lập xưởng chế tạo súng để trang bị cho đội quân (Quang phục quân) của hội. Tại hội nghị của tổ chức Việt Nam Quang phục Hội ở Nghệ An - Hà Tĩnh, Đội Quyên được cử làm Tổng chỉ huy Quang phục quân ở địa bàn này. Sau đó, ông gấp rút xây dựng căn cứ kháng chiến ở Bố Lư ở huyện Thanh Chương.

Tuẫn tiết

sửa

Theo sách 284 anh hùng hào kiệt của Việt Nam, thì trong một đợt đi công tác Đội Quyên bị bệnh phải nằm lại nhà bạn là Đặng Nguyên Cẩn ở Lương Điền (Thanh Chương, Nghệ An) thì bị mật báo. Đêm 20 tháng 8 năm 1917 (Đinh Tỵ), quân Pháp kéo đến vây bắt ông. Mặc dù bị bệnh, ông vẫn chống cự kịch liệt, nhưng rồi tự sát vì không muốn sa vào tay đối phương. Lúc ấy, ông 58 tuổi.

Thông tin liên quan

sửa

Tương truyền Đội Quyên có bài thơ tỏ chí như sau:

Trong cuộc hơn thua há chịu ai,
Giống nòi Hồng Lạc thiếu chi người.
Tấc gươm trung nghĩa cầm ngang dạ,
Một gánh giang san chất nặng vai.
Tình thế hùm thiêng còn dấu gót,
Ai ngờ lũ chó khéo tìm hơi.
Phen này chẳng khuất thằng Tây nữa,
Quyết phá tung ra đứng giữa trời[6].

Tên của ông được đặt cho đường Đội Quyên ở phường Cửa Nam (Vinh, Nghệ An)[7] và đường Lê Quyên ở Quận 8 (Thành phố Hồ Chí Minh).[8]

Tham khảo

sửa
  • Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992.
  • Vũ Thanh Sơn, 284 anh hùng hào kiệt của Việt Nam (tập 3). Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2009. Bản điện tử.

Chú thích

sửa
  1. ^ Những hiểu biết mới về cuộc khởi nghĩa Phan Ðình Phùng
  2. ^ a b c Theo 284 anh hùng hào kiệt của Việt Nam (tập 3).
  3. ^ Sách Lịch sử Nghệ Tĩnh cho biết: Trước đây, thực dân Pháp tung tin Phan Đình Phùng mất vì bệnh kiết lỵ, nhưng căn cứ theo bức công điện của Khâm sứ Trung Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương, thì ông đã hy sinh anh dũng (dẫn theo Định Xuân Lâm - Nguyễn văn Khánh - Nguyễn Đình Lễ, Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục, 2006, tr. 84). Sách Hỏi đáp lịch sử Việt Nam (tập 4, Nhà xuất bản Trẻ, 2007, tr. 295) do nhóm Nhân văn Trẻ biên soạn cũng ghi tương tự.
  4. ^ Ngô Quảng (1858 - 1928), hiệu: Thần Sơn, người làng Tam Đa, xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông tham gia phong trào Cần Vương, là bộ tướng của thủ lĩnh Phan Đình Phùng, được cử làm chỉ huy quân thứ Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cùng với Hà Văn Mỹ. Sau khi khởi nghĩa Hương Khê bị quân Pháp đánh dẹp, Ngô Quảng tham gia Duy Tân hội và sang Trung Quốc. Năm 1908, ông về nước, xây dựng căn cứ Bồ Lư ở Thanh Chương. Bị đàn áp, ông cùng gia đình trốn sang Thái Lan, gây cơ sở đưa thanh niên Việt Nam sang Trung Quốc hoạt động. Ông mất tại Thái Lan năm 1928. Nguồn: [1] Lưu trữ 2013-06-16 tại Wayback Machine.
  5. ^ Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 393). Cũng theo sách này, Đội Quyên có theo Phan Bội Châu ra nước ngoài một thời gian, rồi về hoạt động ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, thông tin này không thấy có trong sách 284 anh hùng hào kiệt của Việt Nam và trong bài "Tự phê bình" (trong Phan Bội Châu niên biểu), nên tạm coi là "tồn nghi".
  6. ^ Chép trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 394.
  7. ^ Người dân TP Vinh cơ bản ý thức chấp hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15
  8. ^ Đặt tên mới 23 tuyến đường trên địa bàn quận 8, TP.HCM