Wikipedia:Bàn tham khảo/Kim chỉ nam, sợi chỉ đỏ
- câu hỏi: Xin giải thích nguồn gốc và nghĩa của cụm từ "Kim chỉ nam" và "sợi chỉ đỏ". Xin cảm ơn! Sanhnt 02:29, ngày 06 tháng 11 năm 2005 (UTC) sanhnt@pmail.vnn.vn
Kim chỉ nam: theo định nghĩa là kim có nam châm dùng để chỉ phương hướng.
Khi nói về chủ trương, đường lối …và nói một cách văn vẻ hơn, nó còn có ý "điều chỉ dẫn đường lối đúng".
Về nguồn gốc cụm từ liên quan đến việc phát minh ra la bàn, lịch sử la bàn bắt đầu từ hơn 1000 năm trước Công nguyên. La bàn đầu tiên được gọi là "kim chỉ Nam" do người Trung Hoa phát minh ngay khi người ta tìm ra được từ lực và đá nam châm. Kim chỉ nam ngày xưa khác la bàn ngày nay chủ yếu là hình dáng, nó có hình dáng một cái muỗng cắt ra từ một miếng nam châm và được đặt trên một cái đế bằng đồng đã được mài láng để giảm ma sát. Lúc đó người ta đã biết đồng là kim loại không có ảnh hưởng đến từ trường do đó, không làm lệch hướng của kim nam châm. Phần muỗng tròn láng để chính giữa đế đồng làm trọng tâm thành ra cán của kim chỉ nam có thể quay xung quanh. Sau khi muỗng đứng im (cân bằng tĩnh) cán muỗng chỉ hướng Nam. Người Trung quốc xem hướng Nam là hướng của vua chúa nên dùng chữ "chỉ Nam" chớ không dùng chữ chỉ Bắc (!?). Xem bài Lịch sử la bàn. Cũng có quan niệm cho rằng, người ta không gọi là kim chỉ bắc mà lại gọi kim chỉ nam là vì kim này được phát minh từ rất xưa, được quân của Vũ Vương sử dụng để chỉ đường xuống phương Nam đánh nhà Ân Thương. Vì họ đánh xuống phương Nam nên họ cho "cái đầu kia" quan trọng hơn "cái đầu này" (!?).
Một chi tiết khác thú vị được nêu trong Việt sử tiêu án, vào thời Hùng Vương (Ngô Thời Sĩ- Trang 5): Nước Việt ta khi mới vào công nhà Chu, tự xưng là họ Việt Thường, dâng con bạch trĩ, chín lần đổi trạm mới đến được, ông Chu Công uý lạo cho về, cho 5 cỗ xe đặt kim chỉ nam để chỉ lối về...
Sợi chỉ đỏ: Chuyện thần thoại Hy Lạp kể rằng trong cuộc chiến chống lại Minotaure một con quái vật ăn thịt người, chàng anh hùng Thésée đã bị lạc vào một mê cung. Nhưng nhờ đi lần theo một sợi chỉ do nàng Ariane tặng, chàng đã tìm được đường ra khỏi mê cung ấy. Từ chuyện này, đã sinh ra thuật ngữ "sợi chỉ đỏ" nhằm nói đến một ý tưởng thống nhất, xuyên suốt một câu chuyện hoặc một tác phẩm, một bản văn... Trần Đình Hiệp (thảo luận) 03:18, ngày 07 tháng 11 năm 2005 (UTC)