Sao Thổ là hành tinh thứ sáu tính theo khoảng cách trung bình từ Mặt Trời và là hành tinh lớn thứ hai về đường kính cũng như khối lượng, sau Sao Mộc trong Hệ Mặt Trời. Tên Sao Thổ hay Thổ Tinh từ Tiếng Trung Quốc 土星 nghĩa là sao đất. Tên tiếng Anh của hành tinh mang tên thần Saturn trong thần thoại La Mã, ký hiệu thiên văn của hành tinh là (♄) thể hiện cái liềm của thần. Sao Thổ là hành tinh khí khổng lồ với bán kính trung bình bằng 9 lần của Trái Đất. Tuy khối lượng của hành tinh cao gấp 95 lần khối lượng của Trái Đất nhưng với thể tích lớn hơn 763 lần, khối lượng riêng trung bình của Sao Thổ chỉ bằng một phần tám so với của Trái Đất. Cấu trúc bên trong của Sao Thổ có lẽ bao gồm một lõi sắt, nikel và đá (hợp chất silic và ôxy), bao quanh bởi một lớp dày hiđrô kim loại, một lớp trung gian giữa hiđrô lỏng với heli lỏng và bầu khí quyển bên trên cùng. Hình ảnh hành tinh có màu sắc vàng nhạt là do sự có mặt của các tinh thể amoniac trong tầng thượng quyển. Dòng điện bên trong lớp hiđrô kim loại là nguyên nhân Sao Thổ có một từ trường hành tinh với cường độ hơi yếu hơn so với từ trường của Trái Đất và bằng một phần mười hai so với cường độ từ trường của Sao Mộc. Tốc độ gió trên Sao Thổ có thể đạt tới 1.800 km/h, nhanh hơn trên Sao Mộc, nhưng không nhanh bằng tốc độ gió trên Sao Hải Vương. [ Đọc tiếp ]