Cận Tinh là một sao lùn đỏ nằm cách Hệ Mặt Trời xấp xỉ 4,2 năm ánh sáng trong chòm sao Bán Nhân Mã. Nó được Robert Innes, giám đốc đài quan sát Union ở Nam Phi, khám phá vào năm 1915. Ngôi sao này là ngôi sao gần nhất với Mặt Trời. Khoảng cách từ nó đến các ngôi sao gần nhất thứ hai và thứ ba so với Mặt Trời, tạo nên hệ sao đôi Alpha Centauri là 0,21 năm ánh sáng. Do là ngôi sao gần nhất, đường kính góc của nó có thể đo được trực tiếp, với đường kính góc bằng 1/7 của Mặt Trời. Khối lượng của Cận Tinh bằng khoảng 1/8 khối lượng Mặt Trời, và mật độ trung bình bằng 40 lần của Mặt Trời. Mặc dù nó có độ sáng trung bình rất thấp, Cận Tinh là một sao lóe sáng thỉnh thoảng bừng sáng lên do hoạt động từ trường. Từ trường của ngôi sao được tạo ra do sự đối lưu trong ngôi sao, và kết quả là hoạt động lóe sáng tạo ra tổng lượng bức xạ tia X bằng với bức xạ do Mặt Trời tạo ra. Hỗn hợp nhiên liệu tại nhân của Cận Tinh tham gia vào chuyển động đối lưu và tốc độ sản sinh năng lượng thấp có nghĩa là ngôi sao sẽ nằm trong dải chính trong khoảng bốn nghìn tỉ năm, hay bằng 300 lần tuổi của vũ trụ hiện nay. [ Đọc tiếp ]
|