Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2006/Tuần 17
Gốm Bát Tràng là tên gọi chung cho các loại đồ gốm được sản xuất tại làng Bát Tràng, một làng gốm cổ truyền và nổi tiếng của Việt Nam. Theo nghĩa Hán Việt, chữ Bát là chén bát, đồ gốm và chữ Tràng (hay Trường) là chỗ đất dành riêng cho chuyên môn.
Để làm ra đồ gốm người thợ gốm phải qua các khâu chọn, xử lý và pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men và, cuối cùng là, nung sản phẩm. Kinh nghiệm truyền đời của dân làng gốm Bát Tràng là “Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò”.
Người thợ gốm quan niệm hiện vật gốm không khác nào một cơ thể sống, một vũ trụ thu nhỏ trong đó có sự kết hợp hài hòa của Ngũ hành là kim, mộc, thuỷ, hoả, và thổ. Sự phát triển của nghề nghiệp được xem như là sự hanh thông của Ngũ hành mà sự hanh thông của Ngũ hành lại nằm trong quá trình lao động sáng tạo với những qui trình kỹ thuật chặt chẽ, chuẩn xác.