Wikipedia:Độ nổi bật (phương tiện truyền thông)
Trang này giải thích một hướng dẫn của Wikipedia tiếng Việt. Đây là tiêu chuẩn đã được chấp thuận mà các thành viên nên cố gắng tuân theo. Vì có thể sẽ tồn tại những ngoại lệ, hãy thực hiện nó một cách có ý thức. Bất kỳ sửa đổi liên quan đến trang nội dung này nên phản ánh sự đồng thuận. Nếu bạn hoài nghi về hướng dẫn nào đó, hãy thảo luận trước tại trang thảo luận. |
Tóm tắt trang này:
|
Trang này là một trong những hướng dẫn về độ nổi bật của Wikipedia tiếng Việt. Nội dung trang phản ánh sự đồng thuận về độ nổi bật của các chủ đề liên quan đến phương tiện truyền thông hoặc đạt được đồng thuận từ nhiều cuộc thảo luận và được củng cố bởi thực tế, từ đó giúp đưa ra quyết định tốt hơn với một bài viết về một chủ thể khi nào nên được viết, hợp nhất, xóa hay mở rộng thêm.
Những chỉ dẫn dưới đây là công cụ giúp xác định xem liệu một phương tiện truyền thông có phải là một chủ đề hợp lệ để tồn tại bài viết trên Wikipedia hay không. Phạm vi của trang sẽ bao gồm tất cả các dạng "phương tiện truyền thông" - báo, tạp chí, đài phát thanh và truyền hình. Để xác định độ nổi bật của một chủ đề liên quan đến nội dung web, xin hãy xem Wikipedia:Độ nổi bật (web).
Tiêu chí chung
Một phương tiện truyền thông sẽ được coi là đủ nổi bật nếu có các nguồn thứ cấp đáng tin cậy, độc lập với chủ thể đưa tin đáng kể và riêng lẻ. Phạm vi nhắc đến chủ thể trong nguồn cũng cần phải được xem xét. Nếu phạm vi này chưa đủ thì nên trích dẫn thêm nhiều nguồn độc lập khác nhau để xác định độ nổi bật. Việc trích dẫn các thông tin nhỏ nhặt (không chiếm dung lượng đáng kể trong nguồn) hoặc có tính ngẫu nhiên về chủ thể bằng các nguồn thứ cấp là không đủ để đáp ứng độ nổi bật của bài viết. Khi một chủ đề đã đủ nổi bật, các nguồn chính thức của chủ thể có thể được sử dụng để thêm nội dung.
Nguồn thứ cấp trong tiêu chí này bao gồm các sản phẩm được xuất bản công khai dưới mọi hình thức, chẳng hạn như bài báo, sách, phim tài liệu truyền hình và báo cáo được xuất bản bởi các tổ chức giám sát người tiêu dùng, ngoại trừ những điều sau:
- Thông cáo báo chí; tự truyện; bài viết mang tính quảng cáo cho chủ thể và các bài viết/ấn phẩm mà chủ thể tự nói về chính mình — cho dù tự xuất bản hoặc người/tổ chức khác in lại.
- Bài viết chỉ mang tính chất cung cấp thông tin; chẳng hạn như cho người đọc biết về số điện thoại, địa chỉ công ty hoặc thông tin phát sóng, ngày phát sóng, không đề cập chi tiết về nội dung hay nhận xét đánh giá chủ thể.
Tiêu chí cho từng chủ đề cụ thể
Báo, tạp chí và tập san
Độ nổi bật đối với các tờ báo, tạp chí và tập san được xác định thông qua những nguồn đáng tin cậy, đáp ứng một hoặc hơn cho các tiêu chí sau:
- Đã xuất bản tác phẩm đoạt giải thưởng.
- Được phục vụ với mục đích lịch sử hoặc có tính lịch sử quan trọng.
- Được nhiều nguồn đáng tin cậy coi là có chuyên môn trong lĩnh vực chủ đề của họ.
- Thường được trích dẫn bởi các nguồn đáng tin cậy khác.
- Là những ấn phẩm quan trọng trong thị trường nội địa và đáng chú ý.
Tập san học thuật
Nếu một tập san học thuật đáp ứng bất kỳ một trong số các tiêu chí dưới đây qua nhiều nguồn đáng tin cậy nhắc đến độc lập thì sẽ đủ nổi bật để có bài. Nếu không đáp ứng được các điều kiện này, tập san vẫn có thể đủ nổi bật nếu đáp ứng được các tiêu chí chính và phụ khác về độ nổi bật trên Wikipedia. Độ nổi bật của một bài báo trên tập san học thuâth sẽ phụ thuộc phần lớn vào mức độ nhắc đến thông qua các nguồn đáng tin cậy của bên thứ ba.
- Tập san được các nguồn đáng tin cậy coi là có ảnh hưởng trong lĩnh vực chủ đề của nó.
- Tập san thường xuyên được trích dẫn bởi các nguồn đáng tin cậy khác.
- Tập san có tính lịch sử quan trọng.
Một tập san có thể đủ nổi bật để có bài viết nhưng thực sự không phải là một nguồn thích hợp để chú dẫn trên Wikipedia vì thiếu các nguồn độc lập, đáng tin cậy về chủ đề này.
Sách
Phim
Phát thanh, truyền hình
Một đài phát thanh hoặc một đài truyền hình có thể được coi là đủ nổi bật nếu được nhiều nguồn đáng tin cậy nhắc đến, hoặc cũng có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như tầm quan trọng cũng như tính lịch sử trên thị trường của đài, hay nổi bật nhờ một số chương trình được phát riêng trên đài đó.
- Đài truyền hình - Đa số các đài truyền hình phát sóng ở thị trường trong nước hoặc thị trường quốc tế thường phục vụ hàng triệu hộ gia đình. Các đài truyền hình này có nhiệm vụ phải dành một số khung giờ nhất định (ví dụ giờ vàng) cho các chương trình thời sự và giáo dục. Vì tính phổ biến rộng rãi, hầu hết các đài truyền hình chuyên sản xuất nội dung gốc nên được coi là đủ nổi bật để có bài viết riêng trên Wikipedia.
- Đài phát thanh - Các đài phát thanh có xu hướng ít phổ biến hơn đài truyền hình và đa số mỗi tỉnh/bang đều có một đài phát thanh riêng. Các đài phát thanh thường có lịch sử lâu dài và giữ nguyên định dạng phát sóng dù trải qua nhiều năm hoạt động. Độ nổi bật có thể được xác định theo một lượng lớn khán giả theo dõi đài, lịch sử phát sóng lâu đời hoặc đài là nơi khởi xướng một số chương trình nổi bật. Mặt khác, các Trạm thông tin dành cho khách du lịch đã được cấp phép thường không được xem là đủ nổi bật.
- Đài chị em (đài phụ hoặc đài con) - Tùy thuộc vào đánh giá của các biên tập viên hoặc sự đồng thuận từ cộng đồng, các đài phát thanh, truyền hình chị em sẽ được quyết định có nên tồn tại bài riêng hay hợp nhất vào một bài viết chung.
- Đài không giấy phép - Các đài không có giấy phép để hoạt động, chẳng hạn như đài Part 15 ở Hoa Kỳ, đài VF ở Canada, đài phát sóng cướp biển hoặc đài "sóng mang" giới hạn trong khu vực thuộc trường đại học, cũng như các đài phát thanh trên Internet sẽ không được coi là đủ nổi bật trừ khi đáp ứng các tiêu chí chính của Wikipedia:Độ nổi bật.
- Truyền hình cáp - Nói chung, các kênh truyền hình cáp hoạt động ở cấp quốc gia hoặc khu vực được coi là đủ nổi bật. Các kênh truyền hình cáp công cộng sẽ không được coi là đủ nổi bật trừ khi có độ phủ sóng khắp toàn thành phố hoặc trên một khu vực rộng lớn.
- Truyền hình vệ tinh - Nói chung, các kênh được truyền qua đài vệ tinh thuê bao không được coi là đủ nổi bật vì nhà cung cấp dịch vụ có thể cắt kênh hay thêm kênh theo ý muốn. Tuy nhiên, nó sẽ đủ nổi bật nếu đáp ứng được tiêu chí chính là được nhiều nguồn thứ cấp đáng tin cậy đưa tin riêng lẻ và độc lập với chủ thể nhắc đến.
Phương tiện truyền thông dành cho sinh viên
Các phương tiện truyền thông dành cho sinh viên, chẳng hạn như các đài phát thanh cao đẳng/đại học và các tờ báo sinh viên, không nên được xem là nổi bật chỉ vì phục vụ chủ yếu cho đối tượng sinh viên đại học hoặc cao đẳng. Thay vào đó, hãy đánh giá các nội dung này theo các tiêu chuẩn về độ nổi bật giống như bất kỳ chương trình phương tiện truyền thông khác. Nếu một tờ báo sinh viên hoặc đài phát thanh sinh viên được đánh giá là không nổi bật thì phải luôn được đổi hướng đến bài viết đơn vị quản lý cấp cao hơn như trường cao đẳng hoặc đại học.
Chương trình
Nói chung, một chương trình phát thanh hoặc truyền hình riêng lẻ có thể nổi bật nếu được phát sóng trên mạng các đài phát thanh hoặc đài truyền hình (ở phạm vi quốc gia hoặc khu vực), hoặc trên một kênh truyền hình cáp với nhiều khán giả ở một vùng miền hoặc quốc gia theo dõi. Chương trình này sẽ ít nổi bật hơn nếu chỉ được phát sóng ở một thị trường truyền thông địa phương.
Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp trên, nguồn đáng tin cậy sẽ có tính quyết định với độ nổi bật của bài viết hơn là chỉ xét đến phạm vi địa lý của khán giả theo dõi chương trình. Chẳng hạn, một chương trình phát thanh trò chuyện ở địa phương có thể đủ nổi bật nếu chương trình này có vai trò đáng tin cậy trong việc vạch trần một vụ bê bối chính trị có tác động lớn đến xã hội. Ngược lại, một chương trình truyền hình quốc gia có thể không nổi bật nếu nó bị giải thể (tạm dừng) nhanh chóng sau khi phát sóng khiến ít có sự chú ý hay đưa tin của bất kỳ phương tiện truyền thông nào khác.
Các tập phim thí điểm chưa được chuyển thể thành một bộ phim hoàn chỉnh thường không đủ điều kiện để có bài viết trên Wikipedia—trong nhiều trường hợp, một bộ phim truyền hình là không đủ để có bài riêng trừ khi bộ phim đó đã được kênh truyền hình hoặc nền tảng phát sóng trực tuyến xác nhận là đã lên lịch phát sóng (chẳng hạn, bộ phim đã được lên lịch phát sóng tại buổi giới thiệu, một đoạn phim giới thiệu nhằm quảng cáo cho bộ phim này đã được công bố, và/hoặc bộ phim đó đã công bố thời gian phát sóng chính thức). Nếu một kịch bản chỉ đơn thuần là đang trong quá trình phát triển thì có thể ghi chú thông tin này vào các bài viết trên Wikipedia về người sáng lập, tác giả hay là những diễn viên được xác nhận là sẽ có trong bộ phim này, tuy nhiên việc không có bằng chứng rõ ràng về việc kịch bản phim đó nổi bật vì những lý do khác với việc xác nhận về sự tồn tại của nó, thì việc chỉ nhắc tới chủ thể là không đủ cơ sở để có một bài viết độc lập về kịch bản phim đó. Một kịch bản phim chưa được công chiếu, như Aquaman hay Marvel's Most Wanted, vẫn có thể đủ độ nổi bật để có bài nếu có nguồn đáng tin cậy nào đó nhắc tới quá trình phát triển cũng như những công đoạn sản xuất khác đối với kịch bản mà độc lập với thông tin tiếp thị của chính họ.
Cũng nên cẩn thận với những dự án đã được chuyển thể thành phim và bắt đầu ghi hình; năm 2020 và đại dịch COVID-19 đã chứng kiến sự bùng nổ bất ngờ của khái niệm "không thể phát sóng". Ví dụ như một chương trình được xác nhận lên sóng chính thức hoặc phát sóng mùa mới lại bị kênh truyền hình hoặc nền tảng trực tuyến hủy phát sóng vì lý do kinh tế (như đã xảy ra với On Becoming a God in Central Florida, bị hủy sau khi chính thức công bố phát sóng mùa thứ hai, hay là Flack, chương trình mà đã khởi động mùa hai ở Hoa Kỳ trên kênh Pop đã bị hủy dù việc ghi hình chương trình đã hoàn tất, dẫn đến việc phải tới vài tháng sau mới được khởi chiếu trên Prime Video).
Bài viết của một đài truyền hình hoặc một đài phát thanh không nên chứa toàn bộ các danh sách lịch phát sóng của đài. Thông tin cơ bản về các phần chương trình chính, chẳng hạn như lịch phát sóng giờ vàng của một mạng truyền hình quốc gia, có thể được nêu ra ở các bài viết thích hợp — nhưng do Wikipedia không phải là một hướng dẫn chương trình điện tử, không nên cập nhật lịch chiếu này hàng tuần vì các thay đổi về chương trình đặc biệt không thường xuyên hoặc chương trình bổ sung có tính chất tạm thời. Nội dung mô tả chương trình của đài chi tiết hơn một chút được phép, miễn là nội dung có chứa nguồn dẫn phù hợp và chứa các nội dung khác hơn là một danh sách tên chương trình.
Với một đài riêng lẻ, các chương trình hợp vốn phát sóng (syndicated program) theo lịch phát sóng chỉ nên giới hạn từ 5 đến 6 chương trình có nhiều người quan tâm. Ví dụ, chương trình truyền hình Judge Judy hoặc Jeopardy!, hoặc lịch phát thanh Premiere Radio Networks là phù hợp. Trong khi đó, các thông tin chi tiết về một chương trình ít được quan tâm như Made in Hollywood hay các chương trình không ở giờ vàng thì tốt nhất nên tránh.
Danh sách
Các danh sách của một dạng/loại chương trình truyền thông cụ thể (ví dụ: "Danh sách đài phát thanh ở X", "Danh sách báo chí ở Y") chỉ nên tồn tại ở cấp độ quốc gia hoặc ở cấp độ phân cấp thứ nhất dưới quốc gia như tiểu bang hay tỉnh.
Các thành phố riêng lẻ hoặc thị trường truyền thông mở rộng được phép có các danh sách "Phương tiện truyền thông ở (thành phố)" với các phần phụ dành cho đài phát thanh, truyền hình và phương tiện in ấn ở thành phố cụ thể đó, nhưng không được phép có danh sách riêng biệt cho từng dạng phương tiện truyền thông riêng biệt. Ví dụ, không nên tạo một "Danh sách đài phát thanh ở Louisville, Kentucky" riêng biệt, mà phải tạo Phương tiện truyền thông ở Louisville, Kentucky, kết hợp với danh sách đài phát thanh, truyền hình và báo chí địa phương thành một bài viết duy nhất để có thể là hợp lệ.
Nhóm kênh (channel lineup) của một dịch vụ quốc gia, chẳng hạn như một công ty vệ tinh phát sóng trực tiếp cung cấp nhóm kênh giống nhau ở tất cả các khu vực mà nó phát sóng, có thể là nội dung hợp lệ. Tuy nhiên, đừng tạo các bài viết liệt kê nhóm kênh của một công ty truyền hình cáp ở thị trường địa phương.
Thể loại
Biên tập viên có thể tạo thể loại con theo phân chia địa lý nếu thấy phù hợp, ví dụ như Thể loại:Đài phát thanh ở Oregon, Thể loại:Đài truyền hình ở Ontario. Khi sử dụng các thể loại như vậy, hãy cố gắng tạo một tập hoàn chỉnh dành cho tất cả các phân khu (division) thích hợp, bất kể số lượng đài ở bất kỳ tiểu bang hay tỉnh riêng lẻ nào, và sau đó sử dụng thể loại bang/tỉnh thay vì thể loại quốc gia. Các thể loại như vậy cũng có thể được phân chia nhỏ hơn theo thành phố hoặc theo thị trường với các số lượng phần tử trong thể loại phù hợp. Tuy nhiên, ở cấp độ thành phố, không bắt buộc phân chia nhỏ hơn tất cả các trạm phát sóng dưới cấp độ thể loại tỉnh hay bang. Ví dụ dễ hiểu hơn, Thể loại:Đài phát thanh ở Oregon có thể chứa các thể loại con theo các thị trường phát thanh lớn, nhưng không yêu cầu phải có các thể loại con theo các thị trấn nhỏ (dưới cấp độ tỉnh) chỉ có một đài phát thanh địa phương.
Biên tập viên cũng có thể tạo thể loại con theo thể loại, mạng lưới hoặc nhóm sở hữu, ví dụ như Thể loại:Đài phát thanh đại học ở Hoa Kỳ, Category:Đài của Mạng Truyền hình CTV. Tuy nhiên, đừng kết hợp các thể loại con theo vị trí địa lý và phi địa lý với nhau. Ví dụ, không tạo các thể loại con cấp ba cho "Đài phát thanh trường đại học ở Oregon" hoặc "Đài Mạng Truyền hình CTV ở Ontario". Việc tạo các thể loại này không cần thiết và gây loãng cây phân chia thể loại.
Phương tiện truyền thông không nổi bật
Các chương trình truyền thông không nổi bật vẫn có thể chứa một số thông tin hữu ích. Nếu các thông tin đó có khả năng kiểm chứng được một cách hợp lý thì có thể thêm nội dung vào ở các bài viết liên quan, chẳng hạn như công ty mẹ hoặc tổ chức hoặc trong các danh sách theo địa điểm, dịch vụ hoặc định dạng. Các danh sách này có thể chứa tất cả thông tin có thể kiểm chứng được về mỗi chương trình. Nếu một chương trình đã đủ nổi bật để có bài viết riêng, thì mục nội dung của chương trình đó trong danh sách nên được rút gọn với các thông tin cơ bản nhất và hãy đặt một liên kết đến bài viết riêng đó.