Vương Sưởng (Tam Quốc)
Vương Sưởng (chữ Hán: 王昶, ? – 259) tự Văn Thư, người Tấn Dương, Thái Nguyên [1], quan viên, tướng lãnh nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc.
Vương Sưởng | |
---|---|
Thụy hiệu | Mục |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | thế kỷ 2 |
Nơi sinh | Thái Nguyên |
Mất | |
Thụy hiệu | Mục |
Ngày mất | 259 |
Giới tính | nam |
Gia quyến | |
Thân phụ | Vương Trạch |
Hậu duệ | Vương Hồn, Vương Trạm |
Gia tộc | Thái Nguyên Vương thị |
Nghề nghiệp | chính khách |
Quốc tịch | Tào Ngụy |
Thiếu thời
sửaBác của Sưởng là Nhu, tự Thúc Ưu, làm đến Hộ Hung Nô trung lang tướng; cha là Trạch, tự Quý Đạo, làm đến Đại Quận thái thú. [TQC 1]
Thiếu thời Sưởng với người cùng quận là Vương Lăng (cháu gọi Vương Doãn bằng chú) đều nổi tiếng; bởi Lăng lớn tuổi hơn, ông thờ làm anh. [TQC 2]
Tào Phi được lập làm Ngụy thế tử, Sưởng được làm Văn học để phù tá anh ta, rồi được thăng làm Trung thứ tử. [TQC 3]
Khởi nghiệp
sửaTào Phi lên ngôi, tức Tào Ngụy Văn đế, Sưởng được dời làm Tán kỵ thị lang, rồi làm Lạc Dương điển nông. Bấy giờ kinh đô có nhiều đất rừng, Sưởng chặt bỏ cây cối, khuyên nhủ nhân dân, vì thế mở ruộng rất nhiều; sau đó được thăng làm Duyện Châu thứ sử. [TQC 4]
Minh đế nối ngôi, Sưởng được gia vị Dương liệt tướng quân, ban tước Quan nội hầu. [TQC 5] Năm Thanh Long thứ 4 (236), triều đình có chiếu cầu hiền, Sưởng được Thái úy Tư Mã Ý tiến cử. [TQC 6]
Phòng bị Đông Ngô
sửaTrong niên hiệu Chánh Thủy (240 – 249) thời Phế đế Tào Phương, Sưởng được chuyển đến Từ Châu, phong tước Vũ Quan đình hầu, thăng hiệu Chinh nam tướng quân, chức Giả tiết Đô đốc Kinh, Dự chư quân sự. Sưởng cho rằng châu trị đặt ở Uyển Thành [7], cách vị trí chiến lược trọng yếu Tương Dương đến hơn 300 dặm, khiến các tiền đồn bị phân tán; thuyền ở Tuyền Trì [8], lúc nguy cấp thì không đến kịp. Vì thế Sưởng dâng biểu đề nghị dời châu trị đến Tân Dã, luyên tập thủy quân ở 2 châu, mở rộng diện tích trồng trọt, chất đầy ngũ cốc trong kho. [TQC 7]
Năm Gia Bình thứ 2 (250), Sưởng nhân nội bộ Đông Ngô bất ổn, dâng sớ đề nghị tấn công một loạt vị trí ở Giang Bắc. Triều đình bèn sai Tân Thành thái thú Châu Thái tập kích các thành Vu, Tỉ Quy, Phòng Lăng; riêng sai Kinh Châu thứ sử Vương Cơ uy hiếp Di Lăng, Sưởng uy hiếp Giang Lăng, 2 bên bờ Trường Giang lấy rào tre làm cầu nổi, vượt sông tấn công, nhằm ngăn cản viện quân địch. Quân Ngô chạy sang bờ nam, sau đo đào sáu con đường đến đánh; Sưởng sai Tích nỗ [9] đồng thời bắn ra, tướng Ngô là Thi Tích (con trai của Chu Nhiên) nhờ đêm tối chạy thoát vào thành Giang Lăng, quân Ngụy đuổi theo chém được vài trăm thủ cấp. Sưởng muốn dụ địch ra đất bằng để giao chiến, bèn điều động toàn quân theo đường lớn quay về, lại đem chiến lợi phẩm là chiến mã, thủ cấp đi vòng quanh thành để chọc giận quân Ngô, rồi sắp đặt mai phục để đợi. Thi Tích quả nhiên đuổi theo, đôi bên giao chiến; quân Ngụy giành thắng lợi, chém tướng Ngô là Chung Ly Mậu, Hứa Mân, thu lấy thủ cấp, cờ trống, châu báu, vũ khí, rồi chấn chỉnh đội ngũ mà quay về. Sưởng được thăng làm Chinh nam đại tướng quân, Nghi đồng tam tư, tiến phong Kinh Lăng hầu. [TQC 8]
Bình định Hoài Nam
sửaVô Khâu Kiệm, Văn Khâm nổi dậy chống lại quyền thần Tư Mã Sư (255), Sưởng tham gia trấn áp, nhờ công nên hai con trai được phong Đình hầu và Quan nội hầu, còn mình được tiến vị Phiếu kị tướng quân. Gia Cát Đản nổi dậy chống lại quyền thần Tư Mã Chiêu (257), Sưởng giữ Giáp Thạch để uy hiếp Giang Lăng, giằng co với tướng Ngô là Thi Tích, Toàn Hi, khiến quân Ngô không thể cứu viện Đản. Dẹp xong Đản, Sưởng được tăng ấp 1000 hộ, kể cả trước là 4700 hộ, được thăng làm Tư không, trì tiết, đô đốc như cũ. [TQC 9]
Năm Cam Lộ thứ 4 (259), Sưởng mất, thụy là Mục hầu. [TQC 10]
Trình bày phương lược
sửaNăm Gia Bình đầu tiên (249), sau khi Thái phó Tư Mã Ý diệt trừ Tào Sảng, hỏi khắp quần thần tình hình chánh trị được – mất thế nào, Sưởng trình bày 5 phương lược trị nước:
- Chấn hưng giáo dục, ức chế phù phiếm, sửa chữa trường lớp để môn sanh nhập học.
- Tổ chức khảo sát, nhưng muốn khảo sát thì phải thiết lập tiêu chuẩn, vì không có tiêu chuẩn thì không thể đánh giá hay – dở, nếu bỏ việc giáng – thăng chức thì khảo sát chỉ là nói suông.
- Người được nhận quan chức cần có một khoảng thời gian đủ dài để làm việc, nếu có thành tích tốt thì nên phong thưởng.
- Cắt giảm lương bổng của quan lại, lấy liêm sỉ dạy dỗ họ, không cho phép tranh lợi với dân.
- Cấm đoán xa xỉ, đề xướng tiết kiệm; yêu cầu quan lại đối với tranh phục phải giữ đúng phẩm cấp; tích trữ thóc – lụa, khiến người ta trở lại chất phác như xưa.
Sưởng được triều đình giáng chiếu khen ngợi. [TQC 11]
Nhân đó triều đình giao việc biên soạn phương pháp khảo thí quan lại cho Sưởng. Lấy cớ thời Nghiêu – Thuấn đã có ghi chép về việc cách – thăng chức, nhưng không truyền lại phương pháp; nhà Chu đặt chức Trủng tể, coi việc tra xét công việc của quan viên để tiến hành phạt – thưởng, nhưng không thiết lập tiêu chuẩn, Sưởng dựa vào quan điểm xét hoàng đế là minh quân hay không thì cứ xem ở việc trọng dụng người hiền, vì thế tự làm ra đại lược về phương thức đánh giá người hiền, nhằm giao cho các cấp quản lý, rồi họ đánh giá kết quả công tác, nhờ đó nắm được khả năng của thuộc cấp. Đề nghị của Sưởng, đại khái là như vậy. [TQC 12]
Trước tác
sửaKhi Sưởng nhiệm chức ở Duyện Châu, cho rằng nhà Tào Ngụy thừa hưởng tệ nạn có từ đời Tần, Hán, pháp luật hà khắc và vụn vặt, nếu không cải tổ lớn theo phong cách của Tào Tháo, thì không thể vọng tưởng nền chính trị khởi sắc trở lại. Vì thế Sưởng dựa theo pháp luật đời xưa, hợp với tình hình đương thời, soạn ra hơn 20 thiên Trị luận. Ngoài ra, Sưởng bàn luận về phép dùng kỳ – chánh, soạn ra hơn 10 thiên Binh thư. [TQC 13]
Tác phẩm của Sưởng từng có 5 tập, hiện nay chỉ còn Tạ biểu, Khảo khóa sớ, Khảo khóa sự, Trần trị lược ngũ sự, Tấu Ngô Thục sự trạng, Bạch Tấn Văn vương tiên, Hịch Ngô tướng giáo bộ khúc, Gia giới, được đưa vào Toàn Tam Quốc văn (全三国文).[15]
Dật sự
sửaSưởng đặt tên và tự cho cháu trai gọi mình bằng chú họ và các con trai, đều mang ý nghĩa khiêm tốn – thành thật: cháu trai Vương Mặc tự Xử Tĩnh, Vương Thẩm tự Xử Đạo, con trai Vương Hồn tự Huyền Xung, Vương Thâm tự Đạo Xung. [TQC 14]
Hậu duệ
sửaĐời thứ nhất
sửa- Con trai là Vương Hồn, Vương Thâm, Vương Trạm.
- Anh họ là Vương Ky mất sớm, Sưởng nuôi dạy các cháu: Vương Mặc, Vương Thẩm.[17]
Đời thứ hai
sửa- Con trai của Vương Hồn là Vương Thượng, Vương Tế, Vương Trừng, Vương Vấn.
- Con trai của Vương Trạm là Vương Thừa.
- Vương Thẩm phản bội Tào Mao, chịu tiếng xấu nặng nề. Thẩm không có con trai, sau khi Thẩm mất, thân thích đồng ý nhường vai trò kế tự lại cho con ghẻ của Thẩm là Vương Tuấn.
Đời thứ ba
sửa- Con trai của Vương Tế là Vương Trác, Vương Duật.
- Con trai của Vương Thừa là Vương Thuật.
- Con trai của Vương Tuấn là Vương Trụ, Vương Duệ.
Đời thứ tư
sửa- Con trai của Vương Thuật là Vương Thản Chi.
- Chắt của Vương Thẩm là Vương Đạo Tố, không rõ cha của Đạo Tố là ai.
Đời thứ năm
sửa- Con trai của Vương Thản Chi là Vương Khải, Vương Du, Vương Quốc Bảo, Vương Thầm.
Đời thứ sáu
sửa- Con trai của Vương Du là Vương Tuy, Vương Nạp.
Đời thứ bảy
sửa- Vương Tuệ Long tự nhận là con trai của Vương Lập, cho biết Lập là con trai của Vương Du.
Hình tượng văn học
sửaSưởng là nhân vật nhỏ trong Tam quốc diễn nghĩa, xuất hiện ở hồi 108: Trong mưa tuyết, Đinh Phụng đánh đoản binh; Trên tiệc rượu, Tôn Tuấn dùng mật kế. Sau khi Tôn Quyền mất, anh em quyền thần nhà Tào Ngụy là Tư Mã Sư – Tư Mã Chiêu nhất trí tấn công Đông Ngô, lấy Sưởng làm Chinh nam đại tướng quân, đem 10 vạn quân đánh Nam Quận. Đến biên giới, Đại đô đốc Tư Mã Chiêu lấy Vương Sưởng, Vô Khâu Kiệm đều lãnh 1 vạn binh, chia 2 cánh tả hữu theo sau Hồ Tuân, chờ Tuân đoạt được quận Đông Hưng thì cùng đánh vào nước Ngô. Nhưng Tuân bị tướng Ngô là Đinh Phụng đánh bại, khiến toàn quân Ngụy phải triệt thoái, Sưởng vô công mà về.
Tham khảo
sửa- ^ Bùi Tùng Chi chú Tam Quốc chí, tlđd: Án Vương thị phả: “Bá phụ của Sưởng là Nhu, tự Thúc Ưu; phụ là Trạch, tự Quý Đạo.” Quách Lâm Tông truyện [2]: Thúc Ưu, Quý Đạo thời còn nhỏ tuổi, nghe Lâm Tông có tài nhìn người,[3] cùng đi thăm viếng, hỏi thăm tài – hạnh thích hợp nơi nào, để từ chỗ ấy lập nghiệp. Lâm Tông cười nói: ‘Hai người khanh đều có tài nhận bổng 2000 thạch đấy, tuy nhiên, Thúc Ưu nên nhờ sĩ hoạn mà hiển, Quý Đạo nên nhờ kinh thuật (tức kinh học) mà tiến, nếu trái ngành đổi nghề, thì chẳng đến đâu.’ Bọn Thúc Ưu nghe theo lời ấy. Thúc Ưu làm đến Bắc trung lang tướng [4], Quý Đạo làm đến Đại Quận thái thú.”
- ^ Tam Quốc chí, tlđd: Thiếu cùng đồng quận Vương Lăng đều tri danh. Lăng tuổi lớn, Sưởng lấy huynh mà sự.
- ^ Tam Quốc chí, tlđd: Văn đế tại Đông cung, Sưởng làm Thái tử văn học[5], thiên Trung thứ tử [6].
- ^ Tam Quốc chí, tlđd: Văn đế tiễn tộ, tỉ Tán kỵ thị lang, làm Lạc Dương điển nông. Khi ấy cây cối Đô kỳ thành rừng, Sưởng đẵn khai cỏ hoang, siêng khuyên trăm họ, khẩn điển riêng nhiều. Thiên Duyện Châu thứ sử.
- ^ Tam Quốc chí, tlđd: Minh đế tức vị, gia Dương liệt tướng quân, tứ tước Quan nội hầu.
- ^ Tam Quốc chí, tlđd: Thanh Long tứ niên, chiếu “muốn có được người tài trí văn chương, mưu kế sâu xa, liệu xa như gần, tỏ mờ xét ra, tính chẳng nhầm lẫn, kế không sai sót, chuyên chú cẩn thận, chặt chẽ bình tĩnh, chăm chăm không nghỉ, một lòng làm việc; không hạn niên xỉ, chớ đòi quý tiện, khanh – hiệu trở lên đều cử 1 người.” Thái úy Tư Mã Tuyên vương lấy Sưởng ứng tuyển.
- ^ Tam Quốc chí, tlđd: Chánh Thủy trung, chuyển tại Từ Châu, phong Vũ Quan đình hầu, thiên Chinh nam tướng quân, Giả tiết Đô đốc Kinh, Dự chư quân sự. Sưởng cho rằng “quốc hữu thường chúng, chiến vô thường thắng; địa hữu thường hiểm, thủ vô thường thế”, nay đồn Uyển, cách Tương Dương hơn 300 lý, chư quân tán đồn; thuyền tại Tuyên Trì, có gấp không đủ cùng đến, bèn biểu dời trị Tân Dã, tập thủy quân ở 2 châu, quảng nông khẩn thực, thương cốc đầy đủ.
- ^ Tam Quốc chí, tlđd: Năm thứ 2, Sưởng tấu: “Tôn Quyền lưu phóng lương thần, đích thứ phân tranh, có thể thừa hấn mà chế Ngô, Thục; trong khoảng Bạch Đế – Di Lăng, Kiềm, Vu, Tỉ Quy, Phòng Lăng đều tại Giang Bắc, dân Di [10] với Tân Thành quận tiếp, có thể tập thủ vậy.” Bèn khiển Tân Thành thái thú Châu Thái tập Vu, Tỉ Quy, Phòng Lăng, Kinh Châu thứ sử Vương Cơ áp sát Di Lăng, Sưởng áp sát Giang Lăng, lưỡng ngạn dẫn trúc sách làm kiều, độ thủy kích họ. Tặc bôn nam ngạn, tạc 7 đạo đều đến công. Vì thế Sưởng sử tích nỗ đồng thì cùng phát, tặc đại tướng Thi Tích dạ độn nhập Giang Lăng thành, truy trảm mấy trăm cấp. Sưởng muốn dẫn trí bình địa cùng hợp chiến, bèn tiên khiển ngũ quân án đại đạo phát về, sử tặc vọng kiến để vui mừng, để giành lấy khải mã [11] – giáp thủ [12], ruổi vòng quanh thành để nộ họ, thiết phục binh để đợi họ. Tích quả truy quân, cùng chiến, khắc họ. Tích độn tẩu, trảm tướng ông ta là Chung Ly Mậu, Hứa Mân, thu giáp thủ, kỳ cổ, trân bảo, khí trượng, chấn lữ mà về. Vương Cơ, Châu Thái đều có công. Vì thế thiên Sưởng Chinh nam đại tướng quân, Nghi đồng tam tư, tiến phong Kinh Lăng hầu.
- ^ Tam Quốc chí, tlđd: Vô Khâu Kiệm, Văn Khâm tác loạn, dẫn binh cự Kiệm, Khâm có công, phong 2 tử Đình hầu, Quan nội hầu, tiến vị Phiếu kị tướng quân. Gia Cát Đản phản, Sưởng cư Giáp Thạch để bức Giang Lăng, giữ Thi Tích, Toàn Hi sử không được đông. Đản đã tru, chiếu viết: “Xưa Tôn Tẫn mượn triệu, trực thấu Đại Lương. Tây binh chợt tiến, cũng sở dĩ thành thế của đông chinh vậy.” Tăng ấp thiên hộ, tịnh tiền 4700 hộ. thiên Tư không, trì tiết, đô đốc như cố. Năm Cam Lộ thứ 4 hoăng, thụy viết Mục hầu.
- ^ Tam Quốc chí, tlđd: Năm Cam Lộ thứ 4 hoăng, thụy viết Mục hầu.
- ^ Tam Quốc chí, tlđd: Gia Bình sơ, Thái phó Tư Mã Tuyên vương đã tru Tào Sảng, bèn tấu bác vấn đại thần đắc – thất. Sưởng trần trị lược 5 sự: kỳ nhất, muốn sùng đạo đốc học, ức tuyệt phù hoa, sử quốc tử nhập Thái học mà sửa tường tự [13]; kỳ nhị, muốn dùng khảo thí, khảo thí cũng như chuẩn thằng [14] ấy, chưa có xá chuẩn thằng nên ý chánh cong – thẳng, phế truất – trắc nên luận hão năng – phủ ấy; kỳ tam, muốn lệnh người cư quan ấy lâu ở chức của hắn, có trị tích thì tựu tăng vị tứ tước; kỳ tứ, muốn ước quan thật lộc, lệ lấy liêm sỉ, không sử cùng bách tính tranh lợi; kỳ ngũ, muốn tuyệt xỉ mĩ, chăm sùng tiết kiệm, lệnh y phục có chương, thượng hạ có tự, trữ cốc chứa bạch, phản dân ở phác. Chiếu thư bao tán.
- ^ Tam Quốc chí, tlđd: Nhân sử soạn Bách quan khảo khóa sự, Sưởng lấy vì Đường Ngu tuy có văn truất – trắc, mà phép khảo khóa không truyền lại. Chu chế chức Trủng tể, đại kế việc trị của quần lại mà tru – thưởng, lại không có chế hiệu – bỉ. Bởi vậy nói rằng, thánh chủ minh ở nhiệm hiền, lược cử thể của truất – trắc, để ủy đến trưởng của quan, mà tổng thống kỷ của họ, nên năng – phủ khả đắc mà biết ấy. Đại chỉ của ông như vậy.
- ^ Tam Quốc chí, tlđd: Sưởng tuy tại ngoại nhiệm, tâm tồn triêu đình, cho rằng vì Ngụy thừa tệ của Tần, Hán, pháp chế hà – toái, không đại ly cải quốc điển để chuẩn theo phong của tiên vương, mà vọng trị hóa phục hưng, không thể được vậy. Bèn trứ trị luận, lược y cổ chế mà hợp với thời vụ ra hơn 20 thiên; lại trứ binh thư hơn 10 thiên, nói về cái dùng của kỳ – chánh. Trong niên hiệu Thanh Long tấu lên.
- ^ Tam Quốc chí, tlđd: ông vì huynh tử cùng tử tác danh – tự, đều dựa vào khiêm – thật, để rõ ý của ông, nên huynh tử Mặc tự Xử Tĩnh, Thẩm tự Xử Đạo,[16] tử của ông Hồn tự Huyền Xung, Thâm tự Đạo Xung.
Chú thích
sửa- ^ Nay là tây nam Thái Nguyên, Sơn Tây
- ^ Quách Thái (郭泰(東漢)) tự Lâm Tông, người Giới Hưu, Thái Nguyên, ẩn sĩ học giả đời Đông Hán, nổi tiếng giỏi nhìn người. Ngày nay Quách Thái được xem là một trong Tam hiền có gốc gác Giới Hưu (hai người còn lại là Giới Tử Thôi thời Xuân Thu và Văn Ngạn Bác đời Đường). Xem thêm nguyên văn ở Phạm Diệp – Hậu Hán thư quyển 68, liệt truyện 58 – Quách Thái truyện (lưu ý rằng Phạm Diệp kiêng húy của cha mình là Phạm Thái (范泰), nên chép chữ Thái/泰 ra chữ Thái/太)
- ^ Nguyên văn: 知人之鉴/tri nhân chi giám. 鉴/giám nghĩa đen là gương soi. Tri nhân chi giám là thành ngữ chỉ khả năng nhìn ra tài năng và phẩm hạnh của người ta. VD: Tam Quốc chí quyển 37, Thục thư 7 – Bàng Thống truyện có câu “Dĩnh Xuyên Tư Mã Huy thanh nhã có tri nhân chi giám.”
- ^ Hậu Hán thư, tlđd chép là “Hộ Hung Nô trung lang tướng”. Có lẽ Bùi Tùng Chi đã nhầm lẫn, vì Tào Tháo đặt ra chức Ngũ quan trung lang tướng cho Tào Phi (có vai trò như cấp phó của thừa tướng), tiếp đó mới đặt ra Đông – Tây – Nam – Bắc Trung lang tướng (có địa vị tương đương các tướng hiệu)
- ^ Thái tử văn học (太子文学) là quan chức xuất hiện vào cuối đời Đông Hán, ắt hẳn gọi đúng phải là Văn học hay Văn học duyện (文学掾). Trước đó, nhà Đông Hán chỉ có chức Văn học, nhưng giới hạn ở quận và (quận) vương quốc, đến khi Tào Tháo cầm quyền, mới đặt ra chức Văn học duyện ở trung ương, nhằm phù tá Thế tử. Thông điển quyển 30 chép: “Ngụy Vũ đặt Thái tử văn học.” lại chép: “Ngụy Vũ làm thừa tướng, lấy Tư Mã Tuyên vương (tức Tư Mã Ý) làm Văn học duyện, rất được thế tử thân tín.” Như vậy Thái tử văn học chính là Văn học hay Văn học duyện, có lẽ đương thời không có đầu ngữ ‘Thái tử’, mà là Trần Thọ thêm vào, cho phù hợp với danh xưng của Tào Tháo và Tào Phi (được gọi là Ngụy Vũ đế và Ngụy Văn đế). Các triều đại về sau mới thực sự lấy Thái tử văn học làm một trong những quan chức thị tòng của thái tử, khiến chúng ta dễ nhầm lẫn thời Tam Quốc có quan chức này
- ^ Trung thứ tử, gọi đầy đủ là Thái tử Trung thứ tử (太子中庶子), là quan chức thị tòng của Thái tử, nhận bổng 600 thạch/năm (xem Hậu Hán thư quyển 117, chí 27 – Bách quan 4). Tương tự Văn học duyện, do hoàn cảnh đặc thù, Trung thứ tử ở đây cũng là quan chức thị tòng của Thế tử, không phải Thái tử
- ^ Nay là Nam Dương, Hà Nam
- ^ Nay là Tuyên Thành, Hồ Bắc
- ^ Tích nỗ (积弩) tức là liên nỗ (连弩) – liên xạ chi nỗ (连射之弩)/nỏ bắn liên tiếp
- ^ Dân Di (民夷) chỉ dân tộc thiểu số nói chung. VD: Hậu Hán thư – Lưu Ngu truyện: “Ngu sơ cử hiếu liêm, dần thiên U Châu thứ sử, dân Di cảm đức hóa của ông, tự bọn Tiên Ti, Ô Hoàn, Phu Dư, Uế Mạch, đều tùy thời triều cống, không dám nhiễu biên ấy, bách tính ca duyệt ông.”
- ^ Khải mã (铠马) là ngựa được khoác khải giáp – tức chiến mã
- ^ Giáp thủ (甲首) là thủ cấp của giáp sĩ
- ^ Tường tự (庠序) là trường học đời xưa, còn được dùng để phiếm chỉ ngành giáo dục nói chung. Mạnh tử – Đằng Văn công thượng: “Hạ gọi là hiệu, Ân gọi là tự, Chu gọi là tường.”
- ^ Chuẩn thằng (准绳) nghĩa đen là sợi dây ở một dầu có con dọi, dùng để đo mặt phẳng, thường được phiếm chỉ nguyên tắc hay tiêu chuẩn nói chung. VD: Văn tử – Hạ đức: “Đế giả bất thể âm dương tức xâm, vương giả bất pháp tứ thì tức tước, bá giả bất dụng lục luật tức nhục, quân giả thất chuẩn thằng tức phế.”
- ^ Xem Toàn Tam Quốc văn quyển 36, Ngụy 36 – Vương Sưởng
- ^ Xét Tấn thư quyển 39, liệt truyện 9 – Vương Thẩm truyện: “Tổ Nhu, Hán Hung Nô trung lang tướng. Phụ Ky, Ngụy Đông Quận thái thú.” Như vậy anh em Vương Mặc, Vương Thẩm là cháu gọi Vương Sưởng bằng chú họ
- ^ Tấn thư – Vương Thẩm truyện: “Thẩm thiếu cô, dưỡng bởi tòng thúc Tư không Sưởng, sự Sưởng như phụ.”