Vĩnh Phú (tỉnh)
Vĩnh Phú là một tỉnh cũ của Việt Nam, tồn tại từ năm 1968 đến năm 1996. Tỉnh này bao gồm hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ hiện nay.
Vĩnh Phú
|
||
---|---|---|
Tỉnh | ||
Tỉnh Vĩnh Phú | ||
Hành chính | ||
Quốc gia | Việt Nam | |
Vùng | Đồng bằng sông Hồng và Đông Bắc Bộ | |
Tỉnh lỵ | Thành phố Việt Trì | |
Phân chia hành chính | 1 thành phố, 2 thị xã, 13 huyện | |
Thành lập | 1968[1] | |
Giải thể | 1996[2] | |
Địa lý | ||
Tọa độ: 21°19′17″B 105°24′08″Đ / 21,321284°B 105,402308°Đ | ||
| ||
Địa lý
sửaTỉnh Vĩnh Phú có vị trí địa lý (năm 1991-1996):
- Phía Bắc giáp các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Thái
- Phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình
- Phía Đông giáp thành phố Hà Nội
- Phía Đông Nam giáp tỉnh Hà Tây
- Phía Tây giáp tỉnh Sơn La.
- Diện tích và dân số của tỉnh qua các thời kỳ
- Năm 1976, tỉnh Vĩnh Phú có diện tích 5.187 km², 1.591.000 người
- Năm 1979: 4.630 km², dân số 1.429.900 người
- Năm 1991 4.823 km², 2.081.043 người.
Lịch sử
sửaNgày 26 tháng 1 năm 1968, Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH hợp nhất hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc thành tỉnh Vĩnh Phú[1]. Tỉnh lỵ của tỉnh đặt tại thành phố Việt Trì.
Khi hợp nhất, tỉnh Vĩnh Phú ban đầu có tỉnh lỵ là thành phố Việt Trì, 3 thị xã: thị xã Phú Thọ, Phúc Yên, Vĩnh Yên và 18 huyện: Bình Xuyên, Cẩm Khê, Đa Phúc, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Kim Anh, Lâm Thao, Lập Thạch, Phù Ninh, Tam Dương, Tam Nông, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Yên Lãng, Yên Lập.
Ngày 26 tháng 6 năm 1976, thị xã Phúc Yên chuyển thành thị trấn thuộc huyện Yên Lãng.
Theo Quyết định số 178-CP[3] ngày 5-7-1977 của Hội đồng Chính phủ, hợp nhất các huyện sau đây:
- Huyện Tam Nông với huyện Thanh Thủy thành huyện Tam Thanh
- Huyện Vĩnh Tường với huyện Yên Lạc thành huyện Vĩnh Lạc
- Huyện Lập Thạch với huyện Tam Dương thành huyện Tam Đảo
- Huyện Yên Lập với huyện Cẩm Khê thành huyện Sông Thao (cộng thêm 10 xã: Hiền Lương, Quân Khê, Lâm Lợi, Xuân Áng, Chuế Lưu, Vô Tranh, Bằng Giã, Động Lâm, Văn Lang, Minh Côi của huyện Hạ Hòa)
- Huyện Lâm Thao với huyện Phù Ninh (trừ 7 xã: Liên Hoa, Phú Mỹ, Trạm Thản, Tiên Phú, Minh Phú, Chân Mộng, Vụ Quang nhập vào huyện Sông Lô) thành huyện Phong Châu
- Huyện Bình Xuyên với huyện Yên Lãng thành huyện Mê Linh (cộng thêm 4 xã: Văn Tiến, Nguyệt Đức, Minh Tân, Bình Định của huyện Yên Lạc, 2 xã Kim Hoa và Quang Minh của huyện Kim Anh)
- Hai huyện Đa Phúc và Kim Anh (trừ 2 xã Kim Hoa và Quang Minh nhập vào huyện Mê Linh), thị trấn Xuân Hòa (trực thuộc tỉnh) thành huyện Sóc Sơn
- Ba huyện Đoan Hùng, Thanh Ba, Hạ Hòa thành huyện Sông Lô (cộng thêm 7 xã: Liên Hoa, Phú Mỹ, Trạm Thản, Tiên Phú, Minh Phú, Chân Mộng, Vụ Quang của huyện Phù Ninh).
Ngày 29 tháng 12 năm 1978, huyện Mê Linh (trừ 14 xã, 1 thị trấn thuộc huyện Bình Xuyên cũ và 4 xã thuộc huyện Yên Lạc cũ) và huyện Sóc Sơn được sáp nhập vào Hà Nội (cũng trong năm này, hai thị xã Hà Đông, Sơn Tây và 5 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất cùng một số xã thuộc huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín của tỉnh Hà Sơn Bình cũng được nhập vào Hà Nội (mặc dù trên thực tế thị xã Hà Đông lúc này vẫn thuộc tỉnh Hà Sơn Bình và là tỉnh lỵ của tỉnh này)[4].
Ngày 26 tháng 2 năm 1979, tái lập huyện Lập Thạch, tách ra từ huyện Tam Đảo [5]. Đồng thời, sáp nhập 14 xã, 1 thị trấn thuộc huyện Bình Xuyên cũ của huyện Mê Linh vào huyện Tam Đảo; sáp nhập 4 xã thuộc huyện Yên Lạc cũ của huyện Mê Linh vào huyện Vĩnh Lạc.
Năm 1980, tỉnh Vĩnh Phú có 1 thành phố Việt Trì (tỉnh lỵ), 2 thị xã Phú Thọ, Vĩnh Yên và 8 huyện Tam Đảo, Tam Thanh, Lập Thạch, Vĩnh Lạc, Sông Thao, Sông Lô, Phong Châu và Thanh Sơn.
Ngày 22 tháng 12 năm 1980, tái lập huyện Yên Lập, tách ra từ huyện Sông Thao, tách huyện Sông Lô thành 2 huyện Đoan Hùng và Thanh Hòa[6].
Ngày 12 tháng 8 năm 1991, chuyển huyện Mê Linh thuộc thành phố Hà Nội về tỉnh Vĩnh Phú quản lý (cũng trong năm này, thị xã Sơn Tây và 5 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất của Hà Nội chuyển trở về tỉnh Hà Tây vừa tái lập). Tuy nhiên đến ngày 1 tháng 8 năm 2008, huyện Mê Linh cùng với toàn bộ tỉnh Hà Tây và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình sáp nhập vào Hà Nội[7].
Ngày 7 tháng 10 năm 1995, chia lại huyện Thanh Hòa thành 2 huyện Thanh Ba và Hạ Hòa; chia lại huyện Vĩnh Lạc thành 2 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc[8].
Đến cuối năm 1995, tỉnh Vĩnh Phú có 16 đơn vị hành chính gồm: thành phố Việt Trì (tỉnh lị), 2 thị xã Phú Thọ, Vĩnh Yên và 13 huyện: Đoan Hùng, Hạ Hòa, Lập Thạch, Mê Linh, Phong Châu, Sông Thao, Tam Đảo, Tam Thanh, Thanh Ba, Thanh Sơn, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Yên Lập.
Ngày 6 tháng 11 năm 1996, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX ra nghị quyết chia tỉnh Vĩnh Phú để tái lập tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc[2].
- Tỉnh Phú Thọ gồm thành phố Việt Trì (tỉnh lỵ), thị xã Phú Thọ và 8 huyện: Đoan Hùng, Hạ Hòa, Phong Châu, Sông Thao, Tam Thanh, Thanh Ba, Thanh Sơn, Yên Lập.
- Tỉnh Vĩnh Phúc gồm thị xã Vĩnh Yên và 5 huyện: Lập Thạch, Mê Linh (nay thuộc Hà Nội), Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc.
Chú thích
sửa- ^ a b “Nghị quyết số 504-NQ/TVQH về việc phê chuẩn việc hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Vĩnh Phú và việc hợp nhất hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Hải Hưng do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành”.
- ^ a b “Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh do Quốc hội ban hành”.
- ^ Quyết định 178-CP năm 1977 hợp nhất huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phú
- ^ “Nghị quyết về việc phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Cao Lạng, Bắc Thái, Quảng Ninh và Đồng Nai”.
- ^ Quyết định 71-CP năm 1979 chia huyện Tam Đảo thành 2 huyện Tam Đảo và Lập Thạch
- ^ Quyết định 377-CP năm 1980 chia huyện Sông Thao và huyện Sông Lô, điều chỉnh địa giới huyện Phong Châu
- ^ “Nghị quyết năm 1991 về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
- ^ Nghị định 63-CP năm 1995 chia các huyện Thanh Hòa và Vĩnh Lạc