U-56 (tàu ngầm Đức) (1938)

U-56 là một tàu ngầm duyên hải Lớp Type II thuộc phân lớp Type IIC được Hải quân Đức Quốc Xã chế tạo trước Chiến tranh Thế giới thứ hai. Những tàu ngầm Type II vốn quá nhỏ để có thể tiến hành các chiến dịch cách xa căn cứ nhà, nên U-56 đã đảm nhiệm vai trò tàu huấn luyện tại các trường tàu ngầm Đức. Được huy động do tình trạng thiếu hụt tàu ngầm sau khi xung đột bùng nổ, nó thực hiện được mười hai chuyến tuần tra tại Bắc Hải và chung quanh quần đảo Anh, đánh chìm ba tàu buôn cùng một tàu chiến phụ trợ với tổng tải trọng 25.783 tấn,[2] trước khi quay trở lại vai trò huấn luyện tại vùng biển Baltic. U-56 bị hư hại nặng bởi không kích tại Kiel vào tháng 3, 1945, và cuối cùng bị đánh đắm trong kế hoạch Regenbogen vào tháng 5, 1945.

Lịch sử
Đức Quốc Xã
Tên gọi U-56
Đặt hàng 17 tháng 6, 1937
Xưởng đóng tàu Deutsche Werke, Kiel
Số hiệu xưởng đóng tàu 255
Đặt lườn 21 tháng 9, 1937
Hạ thủy 3 tháng 9, 1938
Nhập biên chế 26 tháng 11, 1938
Xuất biên chế 3 tháng 4, 1945
Số phận Bị đánh chìm, 3 tháng 5, 1945 [1]
Đặc điểm khái quát
Lớp tàu Tàu ngầm duyên hải Type IIC
Trọng tải choán nước
  • 291 t (286 tấn Anh) (nổi)
  • 341 t (336 tấn Anh) (chìm)
  • 435 t (428 tấn Anh) (toàn phần)
Chiều dài
  • 43,9 m (144 ft 0 in) (chung)
  • 29,6 m (97 ft 1 in) (lườn áp lực)
Sườn ngang
  • 4,08 m (13 ft 5 in) (chung)
  • 4 m (13 ft 1 in) (lườn áp lực)
Chiều cao 8,40 m (27 ft 7 in)
Mớn nước 3,82 m (12 ft 6 in)
Công suất lắp đặt
  • 700 PS (510 kW; 690 shp) (diesel)
  • 410 PS (300 kW; 400 shp) (điện)
Động cơ đẩy
Tốc độ
  • 12 hải lý trên giờ (22 km/h; 14 mph) (nổi)
  • 7 hải lý trên giờ (13 km/h; 8,1 mph) (lặn)
Tầm xa
  • 1.900 hải lý (3.500 km; 2.200 mi) ở tốc độ 12 hải lý trên giờ (22 km/h; 14 mph) (nổi)
  • 35–42 hải lý (65–78 km; 40–48 mi) ở tốc độ 4 hải lý trên giờ (7,4 km/h; 4,6 mph) (lặn)
Độ sâu thử nghiệm 80 m (260 ft)
Thủy thủ đoàn tối đa 3 sĩ quan, 22 thủy thủ
Vũ khí
Lịch sử phục vụ
Một phần của:
Mã nhận diện: M 22 134
Chỉ huy:
  • Trung úy / Đại úy Wilhelm Zahn
  • 26 tháng 11, 1938 – 21 tháng 1, 1940
  • Trung úy Otto Harms
  • 22 tháng 1 – 13 tháng 10, 1940
  • Trung úy / Đại úy Werner Pfeifer
  • 14 tháng 10, 1940 – 21 tháng 4, 1941
  • Trung úy Wolfgang Römer
  • 22 tháng 4, 1941 – 19 tháng 1, 1942
  • Trung úy Günther-Paul Grave
  • 20 tháng 1 – 14 tháng 11, 1942
  • Trung úy Hugo Deiring
  • 15 tháng 11, 1942 – 27 tháng 2, 1944
  • Trung úy Werner Sausmikat
  • 28 tháng 2 – 30 tháng 6, 1944
  • Thiếu úy Heinrich Miede
  • 1 tháng 7, 1944 – 22 tháng 2, 1945
  • Thiếu úy Walter Käding
  • 9 tháng 1 – 5 tháng 2, 1945
  • Trung úy Joachim Sauerbier
  • 23 tháng 2 - 3 tháng 4, 1945
Chiến dịch:
  • 12 chuyến tuần tra:
  • 1: 25 tháng 8 – 8 tháng 9, 1939
  • 2: 12 – 19 tháng 9, 1939
  • 3: 23 tháng 10 – 13 tháng 11, 1939
  • 4: 27 tháng 11 – 5 tháng 12, 1939
  • 5: 27 tháng 12, 1939 – 11 tháng 1, 1940
  • 6: 27 tháng 1 – 17 tháng 2 & 4 – 5 tháng 3, 1940
  • 7: 14 – 20 tháng 3, 1940
  • 8: 4 – 26 tháng 4, 1940
  • 9: 21 tháng 5 – 14 tháng 6, 1940
  • 10: 29 tháng 6 – 21 tháng 7, 1940
  • 11: 25 tháng 7 – 14 tháng 8, 1940
  • 12: 19 tháng 8 – 15 tháng 9, 1940
Chiến thắng:
  • 3 tàu buôn bị đánh chìm
    (8.860 GRT)
  • 1 tàu chiến phụ trợ bị đánh chìm
    (16.923 GRT)
  • 1 tàu buôn bị hư hại
    (3.829 GRT)

Thiết kế và chế tạo

sửa

Phân lớp Type IIC là một phiên bản lớn hơn của Type IIB dẫn trước. Chúng có trọng lượng choán nước 291 t (286 tấn Anh) khi nổi và 341 t (336 tấn Anh) khi lặn); tuy nhiên tải trọng tiêu chuẩn được công bố chỉ có 250 tấn Anh (254 t).[3] Chúng có chiều dài chung 43,90 m (144 ft 0 in), lớp vỏ trong chịu áp lực dài 29,60 m (97 ft 1 in), mạn tàu rộng 4,08 m (13 ft 5 in), chiều cao 8,40 m (27 ft 7 in) và mớn nước 3,82 m (12 ft 6 in).[3]

Chúng trang bị hai động cơ diesel MWM RS 127 S 6-xy lanh 4 thì công suất 700 mã lực mét (510 kW; 690 shp) để đi đường trường và hai động cơ/máy phát điện Siemens-Schuckert PG VV 322/36 tổng công suất 460 mã lực mét (340 kW; 450 shp) để lặn, hai trục chân vịt và hai chân vịt đường kính 0,85 m (3 ft). Các con tàu có thể lặn đến độ sâu 80–150 m (260–490 ft).[3] Chúng đạt được tốc độ tối đa 12 kn (22 km/h) trên mặt nước và 7 kn (13 km/h) khi lặn,[3] với tầm hoạt động tối đa 3.800 nmi (7.000 km) khi đi tốc độ đường trường 8 kn (15 km/h), và 35–42 nmi (65–78 km) ở tốc độ 4 kn (7,4 km/h) khi lặn.[3]

Vũ khí trang bị bao gồm ba ống phóng ngư lôi 53,3 cm (21 in) trước mũi, mang theo tổng cộng năm quả ngư lôi hoặc cho đến 12 quả thủy lôi TMA. Một pháo phòng không 2 cm (0,79 in) cũng được trang bị trên boong tàu. Thủy thủ đoàn bao gồm 25 sĩ quan và thủy thủ.[3]

U-56 được đặt hàng vào ngày 17 tháng 6, 1937.[1] Nó được đặt lườn tại xưởng tàu của hãng Deutsche Werke tại Kiel vào ngày 21 tháng 9, 1937,[1] hạ thủy vào ngày 3 tháng 9, 1938,[1] và nhập biên chế cùng Hải quân Đức Quốc Xã vào ngày 26 tháng 11, 1938[1] dưới quyền chỉ huy của Hạm trưởng, Đại úy Hải quân Wilhelm Zahn.[1]

Lịch sử hoạt động

sửa

U-56 đã đảm nhiệm vai trò tàu huấn luyện tại các trường tàu ngầm Đức. Được huy động do tình trạng thiếu hụt tàu ngầm sau khi xung đột bùng nổ, nó thực hiện được mười hai chuyến tuần tra tại khu vực Bắc Hải và chung quanh quần đảo Anh. Nó đã đánh chìm ba tàu buôn tổng tải trọng 8.860 gross register tons (GRT) cùng một tàu tàu chiến phụ trợ 16.923 GRT, đồng thời gây hư hại cho một tàu buôn 3.829 GRT nữa.[2]

Chuyến tuần tra thứ nhất và thứ hai

sửa

Các chuyến tuần tra thứ nhất và thứ hai của U-56 diễn ra tại Bắc Hải mà không bắt gặp mục tiêu nào.

Chuyến tuần tra thứ ba

sửa

U-56 rời Kiel vào ngày 23 tháng 10, 1939 cho chuyến tuần tra thứ ba. Đến 10 giờ 00 ngày 30 tháng 10, tại vị trí về phía Tây quần đảo Orkney, nó bắt gặp một lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh, và đã luồn qua được hàng bảo vệ gồm tàu chiến-tuần dương HMS Hood và mười tàu khu trục để tiếp cận các thiết giáp hạm HMS NelsonHMS Rodney. Ở khoảng cách 800 mét, nó phóng ba quả ngư lôi G7e (TII) nhắm vào Nelson, ít nhất hai quả đã đánh trúng mục tiêu nhưng không kích nổ. Sau đó chiếc tàu ngầm phải lặn sâu để né tránh phản công từ các tàu khu trục Anh, rồi quay trở về Kiel vào ngày 13 tháng 11.

Chuyến tuần tra thứ tư

sửa

Tại vị trí 70 nmi (130 km) về phía Đông Bắc Tyne, U-56 đã gây hư hại cho chiếc Eskdene vào ngày 2 tháng 12. Sang ngày hôm sau, nó đánh chìm chiếc Rudolf tại vị trí 40 nmi (74 km) về phía Đông đảo May, ở cửa sông Firth of Forth.

Chuyến tuần tra thứ năm

sửa

Chuyến tuần tra tiếp theo của U-56 diễn ra tại phía Nam Bắc Hải mà không bắt gặp mục tiêu nào.

Chuyến tuần tra thứ sáu, thứ bảy, thứ tám và thứ chín

sửa

U-56 không ghi được thành tích nào trong các chuyến tuần tra thứ sáu và thứ bảy. Đến chuyến thứ tám, nó vượt Bắc Hải để đi đến bờ biển phía Tây Scotland về phía Bắc Shetland, rồi tiếp tục đến vùng bờ biển Na Uy, nhưng vẫn không tìm được mục tiêu thích hợp. Sang chuyến tuần tra thứ chín, nó hoạt động tại khu vực phía Bắc quần đảo Hebrides và chung quanh quần đảo Shetland.

Chuyến tuần tra thứ mười

sửa

Trong chuyến tuần tra này U-56 chuyển sang căn cứ vừa mới chiếm được tại cảng Lorient, bên bờ biển Đại Tây Dương của Pháp. Nó rời Wilhelmshaven vào ngày 29 tháng 6, băng qua phía Tây Ireland và đến Lorient vào ngày 21 tháng 7.

Chuyến tuần tra thứ mười một

sửa

U-56 một lần nữa hoạt động gần Ireland khi nó đánh chìm chiếc Boma vào ngày 5 tháng 8 tại vị trí về phía Tây Bắc Malin Head. Năm ngày sau đó, nó đánh chìm chiếc tàu buôn tuần dương vũ trang HMS Transylvania tại vị trí 40 nmi (74 km) về phía Tây Bắc Malin Head.

Chuyến tuần tra thứ mười hai

sửa

Đang khi băng qua khe GIUK giữa các quần đảo Faroe và Shetland vào ngày 6 tháng 9, U-56 bị tàu ngầm Anh HMS Tribune tấn công tại vị trí 15 nmi (28 km) về phía Đông Bắc St Kilda. Các quả ngư lôi bị trượt khỏi mục tiêu, thậm chí phía Đức cũng không biết đến vụ tấn công này. U-56 đi đến Kiel vào ngày 15 tháng 9.

1941 - 1945

sửa

U-56 quay trở lại vai trò huấn luyện tại vùng biển Baltic từ tháng 10, 1940 cho đến hết chiến tranh. Tại Kiel, nó bị hư hại nặng do cuộc không kích của Không lực Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 4, 1945, nên được cho xuất biên chế.[1] Theo dự định của kế hoạch Regenbogen, U-56 bị đánh đắm tại Kiel vào ngày 3 tháng 5 tại tọa độ 54°19′B 10°10′Đ / 54,317°B 10,167°Đ / 54.317; 10.167, để tránh lọt vào tay lực lượng Đồng Minh.[1] Xác tàu đắm được trục vớt và tháo dỡ sau chiến tranh.[1]

Tóm tắt chiến công

sửa

U-56 đã đánh chìm ba tàu buôn tổng tải trọng 8.860 tấn cùng một tàu tàu chiến phụ trợ tải trọng 16.923 tấn, đồng thời gây hư hại cho một tàu buôn khác:

Ngày Tên tàu Quốc tịch Tải trọng[Ghi chú 1] Số phận[2]
2 tháng 12, 1939 Eskdene   United Kingdom 3.829 Bị hư hại
3 tháng 12, 1939 Rudolf   Sweden 2.119 Bị đánh chìm
23 tháng 1, 1940 Onto   Finland 1.333 Bị đánh chìm (mìn)
5 tháng 8, 1940 Boma   Anh Quốc 5.408 Bị đánh chìm
10 tháng 8, 1940 HMS Transylvania   Hải quân Hoàng gia Anh 16.923 Bị đánh chìm

Tham khảo

sửa

Ghi chú

sửa
  1. ^ Tàu buôn theo tấn đăng ký toàn phần. Tàu quân sự theo trọng lượng choán nước.

Chú thích

sửa
  1. ^ a b c d e f g h i Helgason, Guðmundur. “The Type IIC U-boat U-56”. German U-boats of WWII - uboat.net. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2024.
  2. ^ a b c Helgason, Guðmundur. “Ships hit by U-56”. German U-boats of WWII - uboat.net. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2024.
  3. ^ a b c d e f Gröner 1991, tr. 39–40.

Thư mục

sửa
  • Blair, Clay (1996). Hitler's U-Boat War: The Hunters, 1939-1942. ISBN 0394588398.
  • Busch, Rainer; Röll, Hans-Joachim (1999). German U-boat commanders of World War II : a biographical dictionary. Brooks, Geoffrey biên dịch. London, Annapolis, Maryland: Greenhill Books, Naval Institute Press. ISBN 1-55750-186-6.
  • Busch, Rainer; Röll, Hans-Joachim (1999). Deutsche U-Boot-Verluste von September 1939 bis Mai 1945 [German U-boat losses from September 1939 to May 1945]. Der U-Boot-Krieg (bằng tiếng Đức). IV. Hamburg, Berlin, Bonn: Mittler. ISBN 3-8132-0514-2.
  • Gröner, Erich; Jung, Dieter; Maass, Martin (1991). U-boats and Mine Warfare Vessels. German Warships 1815–1945. 2. Thomas, Keith; Magowan, Rachel biên dịch. London: Conway Maritime Press. ISBN 0-85177-593-4.
  • Kemp, Paul (1997). U-Boats Destroyed - German Submarine Losses in the World Wars. Arms & Armour. ISBN 1-85409-515-3.
  • Neistlé, Axel (2014). German U-Boat Losses during World War II: Details of Destruction (ấn bản thứ 2). Havertown: Frontline Books. ISBN 978-1848322103.

Liên kết ngoài

sửa
  • Helgason, Guðmundur. “The Type IIC boat U-56”. German U-boats of WWII - uboat.net. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2024.
  • Hofmann, Markus. “U 56”. Deutsche U-Boote 1935-1945 - u-boot-archiv.de (bằng tiếng Đức). Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2024.