Trường Đại học Công đoàn
Trường Đại học Công đoàn (ĐHCĐ, tiếng Anh: Trade Union University, viết tắt là: TUU) là một trường Đại học Công lập lâu đời trong hệ thống các trường Đại học Việt Nam, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trường Đại học Công đoàn là cơ sở giáo dục Đại học định hướng nghiên cứu, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và là trường đầu ngành trong lĩnh vực công đoàn, quan hệ lao động, công tác xã hội và quản trị nhân lực.
Trường Đại học Công đoàn | |
---|---|
Trade Union University (TUU) | |
Địa chỉ | |
169 đường Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa , , | |
Thông tin | |
Tên cũ | Trường Công đoàn Việt Nam |
Loại | Đại học |
Khẩu hiệu | Cùng nhau kiến tạo cơ hội |
Thành lập | 15 tháng 5 năm 1946 |
Thể loại | Công lập |
Mã trường | LDA |
Hiệu trưởng | PGS.TS. Lê Mạnh Hùng |
Số Sinh viên | Hơn 10000 |
Số cơ sở | 2 |
Khuôn viên | 29,1 ha |
Màu | Xanh dương Vàng |
Website | http://dhcd.edu.vn/ |
Thông tin khác | |
Viết tắt | ĐHCĐ / TUU |
Thuộc tổ chức | Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam |
Tổ chức và quản lý | |
Phó hiệu trưởng | TS. Nguyễn Đức Tĩnh, TS. Dương Thị Thanh Xuân. PGS.TS. Nguyễn Hiệp Thương |
Lịch sử
sửaNgày 15 tháng 5 năm 1946, lớp đào tạo cán bộ công vận đầu tiên được khai giảng của Trường Công đoàn Việt Nam (tiền thân) tại đình Khuyến Lương, xã Trần Phú, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (nay là phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội). Sự kiện này đã mở đầu cho lịch sử xây dựng và phát triển của Trường Đại học Công đoàn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 5 lần về thăm trường.
Trường có ý nghĩa chính trị đặc biệt, khẳng định vị thế là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu lý luận của tổ chức Công đoàn Việt Nam và là thành viên của hệ thống giáo dục đào tạo quốc gia, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.[1]
Ngày 19 tháng 5 năm 1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam ban hành Quyết định số 174-CT, về việc đổi tên Trường Cao cấp Công đoàn thành Trường Đại học Công đoàn.
Mục tiêu và triết lý giáo dục
sửa- Mục tiêu: Năng động, sáng tạo, trung thực, tinh thần trách nhiệm, khả năng sống và làm việc trong môi trường cạnh tranh đa văn hóa.
- Triết lý: Học để biết, học để làm việc, học để chung sống, học để khẳng định mình, học để hội nhập, học để kiến tạo tương lai.
Chức năng hoạt động
sửa- Là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín, đa ngành, đa lĩnh vực: Quan hệ lao động, công tác xã hội, quản trị nhân lực, kinh doanh, kinh tế, luật, kế toán, du lịch...
- Đào tạo nhiều ngành nghề trình độ cao đẳng, đại học (cử nhân) và sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ).
- Nghiên cứu, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cung ứng lực lượng lao động chất lượng cao đa ngành, đa lĩnh vực cho xã hội.
- Bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ chủ chốt Công đoàn các cấp và các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu.
- Tư vấn về pháp luật, nghiên cứu, đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn.
- Tham gia hội đồng tư vấn giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Thực hiện đào tạo theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chất lượng đào tạo
sửaTừ năm 2018, trường là một trong số ít các trường đã đi đầu, đăng ký tham gia kiểm định sớm nhất và đã hoàn thành việc kiểm định chất lượng tất cả các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ bởi Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Vinh và Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.
Năm 2021, Trường Đại học Công đoàn là cơ sở giáo dục đại học thứ hai toàn quốc hoàn thành kiểm định tất cả các chương trình giáo dục Đại học. [2]
Năm 2022, nhà trường tiếp tục được nhận 9 giấy chứng nhận đạt kiểm định chất lượng 9 chương trình đào tạo trình độ đại học các ngành. Trường ĐH Công đoàn là một trong số ít các cơ sở giáo dục đạt giấy chứng nhận 100% các chương trình đào tạo hiện có. [3]
Trường là cơ sở đại học đầu tiên ở miền Bắc được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở ngành Công tác xã hội [4], là cơ sở đại học đầu tiên trên cả nước đào tạo ngành Bảo hộ lao động [5], là cơ sở đại học thứ hai trên cả nước đào tạo ngành Quan hệ lao động. [6]
Quản trị nhân lực là ngành đào tạo có ưu thế của Trường Đại học Công đoàn. Từ năm 1978, Trường đã thành lập Khoa Kinh tế lao động - tiền thân của Khoa Quản trị nhân lực sau này, ban đầu nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống tổ chức công đoàn và sau này là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. [7]
Quy mô
sửaTrường sở hữu diện tích đất rộng 29,1 ha (cơ sở 1 có diện tích 2,1 ha tại Hà Nội, cơ sở 2 có diện tích 27 ha tại Hưng Yên).[8] Trường có cơ sở chính ở vị trí đắc địa của Thủ đô Hà Nội, toạ lạc tại phố Tây Sơn, đối diện Gò Đống Đa. Cơ sở 2 ở tỉnh Hưng Yên không chỉ rộng rãi mà còn được Bộ Quốc phòng cấp phép xây dựng Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh dành cho sinh viên của trường và một số trường đại học khác đăng ký tham gia kỳ học Quân sự. [9]
Nhà trường chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng thêm các tòa giảng đường mới, các phòng học được trang bị thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu số lượng sinh viên, cao học viên và nghiên cứu sinh tăng lên qua từng giai đoạn.
Lưu lượng người học của trường là hơn 10.000 người, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đơn vị trực thuộc
sửaCác đơn vị trực thuộc được chỉ đạo điều hành bởi Đảng uỷ, Hội đồng trường và Ban giám hiệu.
Khoa & bộ môn
sửaBao gồm 14 khoa và 3 bộ môn:
- Khoa Quản trị kinh doanh.
- Khoa Quản trị nhân lực.
- Khoa Kinh tế.
- Khoa Tài chính ngân hàng.
- Khoa Kế toán.
- Khoa Luật.
- Khoa Du lịch.
- Khoa Ngoại ngữ.
- Khoa Xã hội học.
- Khoa Công tác xã hội.
- Khoa Quan hệ lao động và Công đoàn.
- Khoa An toàn lao động và Sức khoẻ nghề nghiệp.
- Khoa Lý luận Chính trị.
- Khoa Sau đại học.
- Bộ môn Khoa học cơ bản.
- Bộ môn Giáo dục thể chất.
- Bộ môn Tin học.
Viện & phòng ban
sửaBao gồm 1 viện và 11 phòng ban:
- Viện Hợp tác và Đào tạo quốc tế.
- Phòng Công tác sinh viên.
- Phòng Quản lý sinh viên nội trú.
- Phòng đào tạo.
- Phòng Quản lý chất lượng.
- Phòng Quản lý khoa học.
- Phòng Thông tin tư liệu.
- Phòng tổ chức.
- Phòng Hành chính tổng hợp.
- Phòng Thanh tra - Pháp chế.
- Phòng Tài vụ.
- Phòng Y Tế.
Trung tâm
sửaBao gồm 4 trung tâm:
- Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học.
- Trung tâm Truyền thông và Quan hệ công chúng.
- Trung tâm An toàn vệ sinh lao động.
- Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Đoàn thể
sửaBao gồm 5 đoàn thể:
- Đảng.
- Công đoàn.
- Đoàn thanh niên.
- Hội sinh viên.
- Văn phòng Đảng uỷ, Hội đồng trường và Đoàn thể.
Khen thưởng
sửaNhà trường được Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm 5 lần, được Công đoàn, Đảng Cộng sản và Nhà nước tặng thưởng:
- Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1981).
- Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 1991).
- Huân chương Lao động hạng Ba cho Công đoàn Trường (năm 2000).
- Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2001).
- Huân chương Lao động hạng Nhất của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (năm 2001).
- Huân chương Lao động hạng Ba cho công tác thể dục thể thao (năm 2001).
- Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2006).
- Huân chương Lao động hạng Nhì cho Công đoàn Trường (năm 2007).
- Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2011).
- Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2016).
- Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2015).
- Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (năm 2016).
- Bằng khen Tập thể Lao động xuất sắc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (năm 2017).
- Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (năm 2019).
- Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (năm 2020).
- Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (năm 2023).
Ngoài ra, nhà trường còn nhận được nhiều danh hiệu và các giải thưởng có giá trị khác xuyên suốt lịch sử.
Một số cựu sinh viên, học viên ưu tú
sửa- Hoàng Phan Anh (nghệ danh: Phan Anh): MC - Người dẫn chương trình, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.
- Phạm Ngọc Anh: Diễn viên, Người mẫu ảnh, Trung tâm Phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam.
- Bùi Nhật Anh (nghệ danh: Nhật Ánh Trắng): Vlogger, Trắng TV.
- Ngô Hải Yến (nghệ danh: Hải Yến Babe): VJ, Schannel.
- Lê Phúc Thành (nghệ danh: Phúc Thành): VJ, Schannel.
- Phùng Khánh Linh: Ca sĩ, Top 4 Giọng hát Việt (The Voice) 2015.
- Đồng Ánh Quỳnh: Diễn viên, Người mẫu, Á Quân Gương mặt thương hiệu (The Face Vietnam) 2017.
- Lê Anh Đức (nghệ danh: RichChoi): Rapper, nhà sản xuất âm nhạc, Á Quân Thế giới Rap (King of Rap) 2020.
- ...
Xem thêm
sửaChú thích
sửaLiên kết ngoài
sửa- [1] Cổng Thông tin điện tử Trường Đại học Công Đoàn.
- [2] Báo Lao Động
- ^ “Đại học Công Đoàn”. dhcd.edu.vn. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2024.
- ^ “Cái "nôi" đào tạo cán bộ Công đoàn”. Báo Lao Động. ngày 15 tháng 05 năm 2022.
- ^ “Trường đại học có 100% các chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng”. Báo Giáo dục & Thời đại. ngày 24 tháng 02 năm 2023.
- ^ “Khoa Công tác xã hội”. Trường Đại học Công đoàn. ngày 15 tháng 09 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2024.
- ^ “Ngành Bảo hộ lao động”. Trường Đại học Công đoàn. ngày 15 tháng 09 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2024.
- ^ “Ngành Quan hệ lao động”. Trường Đại học Công đoàn. ngày 1 tháng 01 năm 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2024.
- ^ “Ngành Quản trị nhân lực”. Trường Đại học Công đoàn. ngày 1 tháng 01 năm 2012.[liên kết hỏng]
- ^ “Công khai cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng năm học 2015-2016” (PDF). Trường Đại học Công đoàn. ngày 11 tháng 01 năm 2017.
- ^ “Khảo sát thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Đại học Công đoàn”. Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng. ngày 10 tháng 12 năm 2021.