Lịch Sử Tổ Đình Linh Sơn [1]

sửa

Tổ Đình Linh Sơn nơi khai sơn Liên tông Tịnh độ Non Bồng 19 tháng giêng năm Kỷ Hợi (1959). Sinh họat chùa Linh Sơn, theo Ủy nhiệm thư số 78/TĐ.TƯ của Trung ương Hội Phật giáo Tịnh Độ Tông ký ngày 24 tháng 02 năm 1959 - Phật lịch 2503.

 

Chư Tôn Đức tiền bối thừa kế, có công khai sơn tạo tự trang nghiêm cho tổ đình Linh Sơn Tự trở nên Tòng Lâm thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử…và đã có công lớn đóng góp, lập thành tích vẻ vang trong hai thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ cứu nước

          Linh Sơn là một ngôi tổ đình có bề dày lịch sử trên 200 năm, trải qua 08 đời liệt vị Tổ sư thừa kế. Hòa Thượng Tôn Sư  Thượng Thiện Hạ Phước là người thừa kế thứ 7, kế đến là Ni trưởng Thượng Huệ Hạ Giác Trưởng  Tông môn làm viện chủ cả hai cơ sở I (Ni) và II (Tăng) của Tổ Đình.

          Tổ Đình Linh Sơn nằm ở sườn Tây khu núi, khoảng giữa của ngọn núi dinh (cao 591 mét). Mà quần thể Núi Dinh gồm nhiều ngọn núi cao thấp khác nhau như núi Bao Quan, cũng gọi là Ba Quan (vì có một ngọn lớn, hai ngọn nhỏ). Có nhiều hang động, núi Ông Cậu, núi Ông Hựu, Núi Dinh, xa nữa là núi Thị Vải, núi Ông Trịnh…

          Trong khu vực núi Dinh, có núi Tổ chúa Hang Tổ, ngọn Long Mai có hang Mai, chùa Hang Mai, hang Lầu, hang ông Trọng là chỗ căn cứ của Cách Mạng đóng trước đây (dưới thung lũng dãy núi Bao Quan cũng là căn cứ của Cách Mạng thành Đoàn). Trong Núi Bao Quan có nhiều hang động, cảnh quan đẹp, có suối nước mát, như điện Hàm Rồng, nay gọi là “Phật Điện Bửu Quang”

          Mặt tiền Chùa nhìn ra biển Đông Hải có núi Ông Trần, mặt Hậu giáp núi hang Tổ, dãy Bao Quan và núi Long Mai (Hang Mai), phía Nam giáp với Suối Tiên, có con suối bắt nguồn từ Hang Tổ chạy uốn khúc lượn quanh xuống chân núi gọi là Suối Tiên hay Suối Đá (gọi Suối Tiên vì mùa mưa nước suối trong mát, phong cảnh đẹp đẽ, mùa nắng không có nước, chỉ còn trơ đá, nên cũng gọi là Suối Đá). Hiện nay là tân thắng cảnh sinh thái của khu di lich Bà Rịa – Vũng tàu, phía Bắc giáp núi Bồng Lai, có suối Bồng Lai, chảy từ núi Long Mai xuống đến chân núi Dinh, ra đến cầu Rạch Ván, và Chu Hải.

          Quần thể núi Dinh còn có tên gọi là Bàn Cổ Sơn Phật hay Tây Phương Bồng đảo do Đức Hòa Thượng Tôn Sư đã đặt tên như vậy. Tổ đình Linh Sơn có phong cảnh đẹp, mát mẻ, tòng lâm thắng cảnh, cây xanh mát. Trước đây có những đồ quý như Dầu, Sao, Săn Đá, Gỏ, Cẩm Lai, Huỳnh Đàn và nhiều nhất cây Cẩm Tàu…thật là:

          “ Phong quang vui vẻ bốn mùa.

             Nước reo Pháp Phật gió khua nhạc Trời”

          Chốn lâm san này cũng có nhiều loại thú rừng: Cọp, vượn, khỉ…nhiều loại chim quý nhiều màu hót tiếng thanh tao…Đúng là một Thánh cảnh thích hợp cho người tu niệm!

          Với cảnh núi thanh vắng, thâm u tịch mịch, với thiên nhiên gió mát trăng trong, nên vị tổ sư đã tìm đến nơi đây ẩn tu. Có nhiều vị đã đắc đạo, những tiểu sử lai lịch của quý Ngài chỉ nghe được qua sự truyền khẩu của các bậc trưởng lão, tiền bối nơi trú xứ kể lại mà thôi.

          Theo tương truyền, quý chư tôn đức liệt vị Tồ sư có công lớn trong việc khai sơn khẩn hoang Hang, tạo Điện, tạo Tự cho Tổ Đình, có các  Ngài:

Hòa Thượng Thi:

sửa

Húy Thi (1814 – 1852) viên tịch ngày 28/9. Ngài khai Am lập Chùa tu đầu tiên trên núi này, xiển dương chánh pháp, nối truyền mạng mạch cho Phật Giáo. Ngài là bậc Cao Tăng đắc đạo, có công khẩn hoang khai sơn, biến vùng núi hoang vu hẻo lánh này trở thành một cơ sở Phật Giáo lớn đầu tiên của Phước Hòa. Ngài khai đất từ chân núi ra Phước Hòa để làm kinh tế cho nhà chùa. Thật là một vị đạo cao đức trọng! nhưng tiếc thay không có sử liệu để lại, chỉ biết được rất ít qua sự truyền tụng với danh hiệu là húy Thi. Thừa kế ngài là :

Yết Ma Đối (1853 – 1876)

sửa

Yết Ma Sanh (1877 – 1895)

sửa

      Nối tiếp Ngài Bảo Quản Chùa, Am, Cốc. Đây là quý vị tiền hiền có công lớn với tổ đình Linh Sơn. Rất tiếc không có một tư liệu nào cả (có lẽ các vị này thích ẩn tu, không cần lưu danh hậu thế, nên không có Long Vị, cũng không có bút tích, hoặc bị chiến tranh nhiều lần hủy hoại lạc mất!?).

Giáo Thị Nhi (1895 – 1913)

sửa

Tịch ngày 08/04. Tư liệu được các Trưởng lão nhân dân địa phương. Phước Hòa và xã Long Hương kể lại rằng. Ngài Giáo Thọ Nhi Trụ Trì gần 20 năm, có công bảo quản và tiếp tục khai sơn. Ngài cũng là vị Tăng Đức có công lớn với tổ đình. Viên tịch ngày 08/04, tháp cũ bị chiến tranh (1965 – 1975) làm hư hại hoàn toàn. Năm 1980 đã được tổ Đình trùng tu lại.

Sư cô Diệu Đường (1914 – 1926)

sửa

Thế danh Võ Thị Giả bảo quản Giám tự cho Chùa Linh Sơn. Vị này là một Phật tử thuần thành, đắc lực hộ trì Tam Bảo với niềm tin trong sạch, có một đại nguyện khi còn là Phật tử. Nhờ ân Tam Bảo hộ trì được mãn nguyện  nên theo hộ thầy đến khi thầy viên tịch nối tiếp lo Phật sự. Sư cô đã mở rộng xây dựng thêm chính điện, nhà trú, dựng thêm các am, Thất có nơi chốn cho các vị mộ đạo về tu dưỡng. Sư cô là một Phật tử, một tu sĩ có tiếng tăm thời đó. Thời gian chỉ có mười mấy năm thôi mà Sư cô và con cháu đã góp phần tạo dựng cho Tam Bảo, công đức không lường được. Sau vì tuổi già, Sư cô cúng dường lại cho Ngài Trừng Tát.

Ngài Trừng Tát (1926 – 1946)

sửa

Hiệu Phước Như, thế danh Đỗ Văn Sở viên tịch ngày 19/10. Yết Ma Sở này nối tiếp các việc trùng tu tổ đình và xiển dương chánh pháp, tế Tăng, độ chúng, Ngài là một vị cao Tăng tu mật tông, có đạo lực, có uy tín, có hạnh lành, đức tốt, Ngài có lòng từ bi cứu độ chúng sanh bằng nhiều phương tiện thời bấy giờ. Từ Bà Rịa. Long Điền, Đất Đỏ cũng như Phước Hòa, Long Hương điều biết danh Ngài. Ngài mở phòng chẩn trị y dược Đông Tây để bố thí thuốc, nhờ có Docteur Phụng, con rễ của Sư Cô Diệu Đường  làm thầy xem mạch chẩn trị. Thời đó Docteur Phụng tốt nghiệp ngành Tây Y Pháp Quốc, nhằm năm có bệnh dịch hoành hành, dân chúng đều đau khổ vì tật bệnh, thêm nạn đói. Với lòng từ. Ngài cùng Docteur Phụng đi đến từng nơi chữa bệnh cho nhân dân, rồi đem lời lành, đạo đức lương hiền giảng dạy cho quần chúng. Câu an, cầu siêu cho các nạn nhân làm duyên khiến bá tánh biết ăn chay, niệm Phật làm lành. Khoảng thời gian trên 20 năm. Ngài độ được hàng xuất gia trên 20 vị, và Phật tử tại gia trên 500 người thuần thành. Những ngày vía lễ . Phật tử đồng bào về núi chiêm bái rất đông. Ngài cũng là người ủng hộ Cách mạng Dân quân kháng chiến chống Pháp. Nhựt ẩn trú nơi Chùa, nơi vùng núi Dinh. Bấy giờ thực dân Pháp thường xuyên đem binh lính bố ráp, mở các cuộc hành quân nhằm tiêu diệt du kích quân Việt Nam. Trong giai đoạn khó khăn này. Ngài Yết Ma Sở tận tình giúp đỡ các anh em du kích thoát khỏi bao lần hành quân càn quét của thực dân Pháp. Ngài đã trợ giúp thuốc men lương thực cho du kích quân, kháng chiến với tinh thần yêu nước, yêu đồng bào chống ngoại xâm. Đây là truyền thống cao đẹp của Phật Giáo Việt Nam đã gắn bó trãi qua nhiều thời đại đúng nghĩa với câu: “Đạo Pháp và Dân tộc”.

          Vào tháng tư, năm 1945, khoảng 8 giờ sáng, một đội quân ngoại xâm đã lên núi Dinh đốt phá hủy hoại hoàn toàn Chùa dưới (cũng gọi là chùa Bồng Lai ngày nay) và trục xuất tất cả chư Tăng Ni xuống khỏi núi. Thế là Đạo tràng tổ Đình Linh Sơn thuở đó bị đổ nát, không còn lưu lại dấu tích gì. Ôi ! nhìn một cảnh tượng điêu tàn, thương tâm đến thế, gỗ đá cũng phải ngậm ngùi! Đây là nói lên cảnh chùa chiền núi rừng của tổ đình Linh Sơn bị hủy hoại trong thời kỳ thứ nhất, thời kỳchống Pháp.

          Lúc bấy giờ Ngài Yết Ma Sở phân tán các đệ tử đi khắp nơi ẩn thân, như Sài gòn, Mỹ Tho. Long Thành và nhiều nơi khác. Riêng Ngài về chùa Long Hòa, huyện Long Điền lập Am tu tịnh, tiếp tục hoằng dương chánh pháp tế độ quần sanh. Ngài trụ chùa này cho tới khi cuối đời (viên tịch 19/10/1961 Tân Sữu). Hiện nay Tháp thờ Ngài vẫn còn ở Chùa Long Hòa, huyện Long Điền, Bà Rịa, Vũng Tàu. Còn Docteur Phụng là Phật tự thầy thuốc cứu bá tánh lê dân cùng với ngài cũng đã từ trần trước Ngài và được chôn cất trên núi Dinh. Hiện nay mộ ông vẫn còn.

          Từ lúc thực dân Pháp khủng bố trục xuất Chư Tăng Ni xuống núi, cảnh Chùa Tổ Đình Linh Sơn từ đây vắng bóng người tu, cây cỏ rậm rập quạnh hiu, chim kêu vượn hú bốn bề vắng vẻ, chỉ còn sót ngôi Chùa nhỏ phía trên gọi là “Dinh Ông”( bây giờ là Chùa Tây-Phương )

           Với phong cảnh đẹp, u-tịch vắng vẻ thích hợp cho người hâm mộ tu hành. Nên dù núi bị động mà cũng co những vị lén về tu một năm, hai năm như Thầy Hồng Quang (Mỹ Tho), Thầy Bẩy Sen (Ông Bẩy Mối, núi Châu Thới), Thầy Giáo Tư (Ông Tư Đầu Đỏ, xã Phước hòa). Nhưng chiến tranh khủng bố liên tiếp càng quét, nên không thể ở được. đành phải xuống núi!

Hòa Thượng Thích Thiện Phước ( 1957 – 1986 )

sửa

Biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai, tên thật là Lê Minh Ý, khi tham gia cách mạng đổi tên là Lê Văn Mười, sinh năm 1924, tại Nhật Tảo, An Nhật Tân, Long An, húy Nhật Ý, thuộc giòng Lâm Tế Gia phổ thứ 41.

          Ngài là người có căn lành, có pháp khí lớn. Lúc 16 tuổi đã biết cầu đạo tu học khắp đó đây, Ngài về  núi Dài, Văn Liên, miền Tây Nam Việt Nam tìm minh sư học đạo.

          Ngài cũng là người có lòng yêu nước thương đồng bào. Thấy nước nhà bị thực dân Pháp xâm chiếm, tổ quốc lâm nguy, dân tộc khổ đau, vì chiến tranh tàn khốc. Năm 1945, Hòa thượng tham gia hoạt động chống Pháp ở quê nhà với Ông Mười Ri, tức Đại tá Hoàng Lan và được cụ Lê Minh Xuân kết nạp vào Đảng với bí danh Hùng-Sơn. Ngài lãnh chức giao liên hỏa thực Mật khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Rồi đến nhiệm vụ Quản lý văn thư Ban Quân Báo Nam Bộ, sau đó về hoạt động ở chiến khu Đ.

          Đến năm 1954 đình chiến. Ngài tham gia tổ chức đưa phái đoàn của Cụ Vương Quốc Chính tập kết ra Bắc. Ngài được phân công ở lại miền Nam, lí do không đủ sức khỏe.

          Năm 1955 trở lại quê nhà, bị địch theo dõi nên Ngài trốn về núi Dài ẩn tu với Hòa Thượng Sư Ông Thượng Bửu Hạ Đức tại Chùa Bửu Quang (xã Ba Chúc) được 08 tháng. Đức Sư Ông dạy Ngài phải về miền Đông thành đạo thì mới được bình yên.

          Đến năm 1956, Ngài về Biên Hòa độ được một số đệ tử rất đông, trong đó có bà Diệu - Ý, gia đình bà Ban Kiết là những người mộ Đạo, làm việc thiện, có lòng yêu nước tham gia hoạt động cách mạng. Các Phật tử đưa Ngài viếng Chùa Long- Sơn Cổ Tự ở Tân- Ba. Có duyên tao ngộ với Hòa Thượng Thích Trí Châu (Trụ Trì Long Sơn Cổ Tự) nên Ngài đã cầu pháp và được thâu nhận làm đệ tử thuộc phái Lâm-Tế Gia-Phổ thứ 41, hiệu Nhật Ý. Ngài trụ nơi đây một thời gian hoá độ rất đông tín đồ trong đó có gia đình Thầy Đốc Sấm, Mã Sâm, Hà Thị Cứng, Hà Thị Lư, gia đình Ông Mười Son, Ông Cả Khôi, và chọn được ngươi đệ tử để thừa kế Ngài đó là Ni-Sư Huệ-Giác. Với số tín đồ hâm mộ quá đông, khiến chính quyền tỉnh Biên Hòa chú ý, thường xuyên theo dõi, rồi ra lệnh trục xuất Ngài rời khỏi tỉnh Biên Hòa.

          Năm 1957, quý Phật tử ở Biên Hòa đưa Ngài về ẩn tu tại tổ đình Linh Sơn, xã Phước Hòa, huyện Long Lễ tỉnh Phước Tuy, nay là xã Hội Bài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Tổ Đình Linh Sơn là ngôi chùa cổ có trên 200 năm trải qua nhiều đời Trụ Trì. Ngài là vị Trụ Trì nối tiếp khai sơn lập tự trùng hưng, xiển dương chánh pháp, xương minh Tịnh- Độ cho Tổ đình quần thể núi Dinh từ đây.

          Ngài là bậc chân tu đức hạnh, có lòng thương dân mến nước, nên đi đến đâu cũng được đồng bào Phật tử tin tưởng theo tu học rất đông. Đức càng vang rộng, tiếp Tăng độ chúng có uy tín khắp nơi. Ngài Yết-Ma Sở Thấy Hòa Thượng Tôn sư là bậc gương mẫu tiêu biểu cho thế hệ Tăng Ni Giáo Hội, sau này làm lợi lạc quần sanh, nên làm giấy tờ giao trọn Tổ đình cho Hòa thượng Trụ Trì tiếp Tăng độ chúng.

          Mới về núi, Chùa, Am, Tịnh thất của Tổ đình đều bị giặc đốt phá điêu tàn, chỉ còn đống gạch vụn và sót lại một Dinh Ông nhỏ Chùa trên. Đức Tôn Sư mới cho xây dựng ngôi Tam Bảo bằng cây rừng, mái lợp tole đơn sơ, nhà ăn, nhà ở để chư Tăng Ni an trụ tu hành.

          Vì đồ chúng quá đông, Ngài cho khai rẫy từ chân núi ra đến cầu Rạch Ván, hai bên đường đi trên 100 hecta để làm kinh tế tự túc cho nhà Chùa.

          Ngày 19 tháng giêng năm Kỷ Hợi (1959) khai sơn môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, sinh họat tu hành theo Ủy nhiệm thư số 78/TĐ.TƯ của Trung ương Hội Phật giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam  ký ngày 24 tháng 2 năm 1959.

          Để đào tạo Tăng Ni tài, Ngài cho mở Phật-Học-Đường Tây-Phương Bồng-Đảo, rước Chư Tôn Đức giảng sư về dạy học.

          Với lòng từ mẫu trong giai đoạn này, ngoài việc tiếp Tăng độ chúng, Ngài còn thành lập một Cô Nhi Viện lấy hiệu là Phước-Lộc-Thọ để đón nhận trẻ mồ côi trong chiến tranh bị bỏ rơi, nuôi dưỡng những người già neo đơn không nơi nương tựa và nhằm ẩn dấu đùm bọc con em gia đình cách mạng về nương náo trong giai đoạn trốn giặc. Viện nuôi trên 250 em cô nhi.

          Lúc đó Đức Tôn Sư và Chư Tăng Ni rất là gian khổ, phải lo việc ăn mặc, thuốc men cho Viện Cô Nhi, nhưng với tinh thần thương yêu, với tình người, tập thể tăng Ni vẫn hoan hỷ phục vụ. Lợi ích quần sanh đúng theo lời Phật dậy: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường Chư Phật”.

          Với tinh thần yêu nước, làm đẹp quê hương, nên mỗi chuyến du sơn ngoạn cảnh, Ngài tìm ra hang, động đẹp, có cảnh thanh tú, có suối nước reo vui, thuận tiện cho người ẩn tu.Ngài cũng đặt tên theo phong cảnh để người tu vào nhập định, niệm Phật được quả lành thánh thiện viên mãn, như: Điện Ngũ Đài có cảnh trí đẹp, Điện Địa Tạng có hang sâu, Kim Cang Bát Đức Phật Điện, Bồ Đề Phật Điện, Tào Khê Phật Điện, Bát Tiên Phật Điện có những hang sâu, dưới hang có suối nước chảy thì đặt là Thủy Sanh Phật điện, Thủy Ngân Phật điện. Phong cảnh nên thơ đặt làThiên Thai cảnh, chỗ có dòng suối chảy thầm lặng êm buồn Ngài gọi Nhạn Sầu Vãng. Đường về Hang Mai có suối Thiện Tài, Má Ba La. Nơi đây anh em giải phóng quân thường dừng chân nghỉ mệt. Vì lòng mong muốn nước nhà sớm được hòa bình, Ngài tìm ra một hang có gộp đá đẹp đề tên là Điền Thái Hòa, Lôi Âm Phật Điện để tưởng nhớ Từ Phụ Thích Ca, Điện Vô Lượng Quang để nhớ Phật A Di Đà, chỗ Chư Ni tụng kinh Pháp Hoa gọi là Liên Hoa Nhị Thất, Hương Tích Phật Điện..v..v..duyên với Chùa Hang Mai, Chùa Tổ và Chùa Giữa:

          Chùa Hang Mai có phong cảnh rất đẹp, có suối mát nước trong, có nhiều hang động lớn, có thể chứa được vài ba mươi người, là nơi của Chư Tổ tu khi xưa. Bấy giờ là nơi trú ẩn của cách mạng để tránh bom đạn.

          Theo người truyền tụng di tích này, xưa Tổ Thiên Thai Huệ Đăng, người miền Trung du hóa đến khai sơn rồi lập Chùa, Am, Thất Tu. Nhưng cũng bị chiến tranh càn quét, Ngài phải về Long Điền để xây dựng Tổ Đình Thiên Thai, cơ ngơi nơi đây rất mỹ quan. Hiện nay Tổ Đình do sư cô Diệu Ngọc Trụ Trì (Diệu Ngọc tức Cô Ba Xuyến là người cách mạng Đồng Khởi ở Bến Tre).

          Nối tiếp Chùa Hang Mai này có Hòa Thượng Pháp Ngộ về vừa ẩn tu vừa hoạt động cách mạng (thường gọi là Ông Sáu Trụ Trì Chùa Hang Mai).Vì là đồng chí với nhau, nên Hòa Thượng di chúc: “Đệ tử của Ngài (tức Hòa Thượng Tôn Sư Đông), sau này cho người qua phụ bếp giữ Chùa Hang Mai…” Đây là nhơn duyên tiếp nhận Chùa hang Mai, hiện nay có Thầy Huệ Khai về tu, nhưng chưa đủ điều kiện để trùng tu ngôi Long Mai Cổ Tự .

          Núi tổ, Chùa Hang Tổ cũng gọi Là Long Cốc Thượng Tự hay Chùa Thượng, xưa do Tổ Long Cốc vào hang tu tịnh rồi xây dựng Chùa này và tạo phong cảnh trang nghiêm thánh địa. Lúc đó, Tổ Sư có đến thung lũng của núi Tổ phía sau lập một ngôi Chùa Giữa gọi là Chùa Giữa hay Chùa Trung và vì có trồng nhiều sầu riêng, nên cũng gọi là chùa Sầu Riêng. Rồi Ngài xuống Long Hương lập ngôi Thích Ca Tự (gọi là Chùa Dưới). Khi Tổ viên tịch có xây Tháp thờ. Cô Năm Diệu Nghiêm là người đệ tử thừa kế giữ Chùa Tổ, vì lớn tuổi lại hay bệnh đau nên đem chùa giao lại cho Hòa Thượng Tôn Sư. Đức Tôn Sư liền bổ nhiệm Ông Thiên Phước (Nguyễn Văn Khoãnh, cũng gọi là Ông Ba Quán) là người giao liên vận tải lương thực từ chùa ở cầu Rạch Ván đến cơ sở anh em cách mạng. Ông ba Thiên Phước trú nơi Chùa Tổ lúc đó cũng hứng bom chịu đạn rồi xuống ở Long Hương.

          Khi hòa bình, vì cảm niệm công đức lớn của Tổ Long Cốc. Ni Sư Huệ Giác về xây lại Tháp Tổ và làm bài thơ lưu niệm để tưởng nhớ công đức của Ngài, nhưng Chùa thì chưa xây lại được.


TƯỞNG NHỚ NGÀI

  Long Hương núi Tổ nhiệm mầu thay!

                                      Bà rịa danh truyền công đức dày

                                      Cháu con tưởng nhớ nên lập Tháp

                                      Kính phụng ăn sâu Tăng đức tài

                                      Xả thân vì đạo thương bá tánh

                                      Độ đời khó nhọc công chẳng nài

                                      Treo gương chánh pháp nơi núi Tổ

                                      Trùng tu tạo Tháp nhớ ơn Ngài

                                                                   09/09 Ất Hợi niên

                                                          Cảm niệm của Ni Sư Huệ Giác

          Nhắc lại Chùa Giữa hay Chùa Trung có ông  Ba Chớ ở đây cũng là người giao liên cách mạng qua lại với Hòa thượng Thầy, rước Hòa thượng đến chùa Giữa tham quan rồi nói sau này giao lại cho Hòa Thượng đề cho con cháu bảo trì thánh tích tu hành.

          Có những nhân duyên tốt hợp lại nên Hòa Thượng Tôn Sư giao nhận lãnh chùa Hang Mai! Hang Tổ và Chùa Giữa là do những lý do chính đáng trên.

          Hiện nay Chùa Hang Tổ, Chùa Hang Mai, Chùa Giữa trải qua chiến tranh Pháp Mỹ bị tàn phá hư hại 100% chưa hội đủ cơ duyên để con cháu Tổ đình Linh Sơn trùng tu lại các Thánh địa này.

          - Dãy núi Bao Quan cao và đẹp, thánh cảnh u nhàn thanh mát, cũng có lắm Hang, Động. Nơi đây xưa có ba vị (được truyền khẩu lại) đã tu đắc đạo, đó là Ngài Chí Thiện, Chí Trung, Chí Nhàn (vì ần tu nên không có lai lịch). Trong thời kỳ chiến tranh Mỹ Ngụy dùng mấy tản đá l81m làm sân bay cho trực thăng đáp xuống. Đây cũng là nơi chịu đựng thảm cảnh chiến tranh. Hiện nay, chư Tăng Ni tổ đình đã trồng trên hai mươi lăm (25) hecta cây rừng để phủ xanh đồi trọc. Tạo vườn cảnh xanh tươi mát mẻ. Ni Sư Huệ Giác cho sửa Phật Điện Hàm Rồng và cử người về ở vừa tu vừa lo việc giữ rừng.

          - Với tấm lòng vì Đạo hi sinh, với lòng từ bi cao cả. Với hoài bảo tạo dựng một thánh tích tòng lâm thánh cảnh làm đẹp cho Văn hóa lịch sử nước nhà. Hòa Thượng Tôn Sư không ngại gian lao cực khổ. Lúc đó phải chịu trăm bề khổ nhục mà vẫn kiên nhẫn, vượt khó tu hành để đào tạo Tăng Ni chỉ mong môn đệ tử tôn sau này trở nên người hữu ích cho Đạo Đời.

          - Với đức đó, hạnh lành khéo léo. Đức Tôn Sư đã dìu dắt hơn năm trăm môn nhân an trú tại Tổ đình, trên dưới thuận hòa, trong ngoài an lạc với niềm vui kiên cố. Thật là:

Bồng Lai thanh cảnh đẹp xinh

                             Trẻ già, trai gái tưởng tin tu hành

          Với những lời khuyến tu:

Làm người Phật tử Tây phương

                             Trên non dưới thế tuyết sương bền lòng

                             Dẫu cho cực khổ mặn nồng

                             Chí tâm niệm Phật thoát vòng tử sanh

                             Khuyên ai thiện trí khách lành

                             Hiền nhân quân tử tu hành đừng quên.

          Nhưng sự yên tỉnh chẳng được bao lâu, năm 1062 – 1965 Tổ Đình Linh Sơn là nơi đóng chốt của đường dây liên khu 5. Biệt Động Thành Đoàn, cũng là đường đi lại của Giải phóng quân, phong trào chống Mỹ cứu nước gia tăng mãnh liệt. Tổ Đình Thánh địa lúc bấy giờ trở thành hậu cần của lực lượng Giải phóng. Mặt Trận Liên Minh đại diện có Hòa thượng Thích Hưng Từ (Khánh Hòa). Hòa thượng Thích Pháp Ngộ, cô ba Xuyến Bến Tre. Cô năm Khéo Thành Đoàn, chú năm Bê Bộ đội…thường ghé sinh hoạt tại Tổ Đình Đức  tôn sư chỉ đạo Ni sư Huệ Giác lo việc tiếp tế lương thực, thuốc men, cho người cứu thương, nuôi giấu cán bộ v.v… những công tác này góp phần không nhỏ trong cuộc kháng chiến đánh Mỹ giành độc lập cho dân tộc.

          Từ đó bị địch theo dõi, hàng ngày, mỗi chiều đều bị đạn opic từ các đồn ở Bà Rịa Vũng Tàu bắn vào Tổ đình, rồi đến hàng loại bom rocket, rồi phản lực cơ F5 thả bom đĩa tàn phá khốc liệt không kể xiết. Bấy giờ Tổ đình bị chiến tranh tàn phá hư hoại 100%, ba mươi Tăng Ni và em cô nhi bị thương tích nặng, mười sáu Tăng Ni và em cô nhi bị thiệt mạng. quí vị bị mang thương tích, nay vẫn còn sống tu tại Chùa, quý vị bị thiệt mạng chôn cất tại Chùa Tất-Thiên Tiền Môn cầu Rạch Ván (An dưỡng địa, cầu Rạch Ván)

          Thế là Tổ Đình Linh Sơn liên tiếp bị nạn chiến tranh lần thứ hai, thời kỳ chống Mỹ.

          Vì bị tổn hại, con cháu lớp chết, lớp bị thương nặng, Tôn sư quá đau lòng, đành phải cho Tăng Ni và cô nhi xuống núi tản cư về nhiều nơi.

          Đầu tiên, Ngài cho tản cư về Biên Hòa trụ tại Chùa Phổ Hiền, xã Tân Thành, rồi đến Tịnh xá Thắng Liên Hoa (nhà Ông Tư Hơn, Ông Năm Đâu), xã Hiệp Hòa. Một số tản cư về Nhứt Sơn Bổn Tự, Vĩnh Phú Lái Thiêu, Tịnh xá Thiện Chơn, Bà Điểm, Chùa Phước Thiện An,  xã Tân Thới Hiệp (Hốc Môn).

          Thời điểm nầy, chiến sự rất là hổn loạn, lại thêm luôn luôn bị Chính quyền (cũ) theo dõi, nuôi nấng cô nhi rất là vất vả, cực khổ. Việc cưu mang các em cô nhi là trọng trách Tôn sư giao phó cho Tăng Ni lo lắng.

          Vì hoàn cảnh, thời thế, ví sự an ổn cho cô nhi, người già yếu, Tôn sư ủy nhiệm cho Ni sư Huệ Giác chọn đất xây dựng  Quan Âm Tu Viện để có nơi trang nghiêm cho chư Tăng Ni tu hành và có chỗ an trú cho cô nhi. Ngày 08/04/1966 Quan Âm Tu Viện được thành lập tại xã Bửu Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai cho đến nay.

          Nhân duyên sáng lập Chùa Nhứt Nguyên Bửu Tự (1960): Nhứt Nguyên Bửu Tự do Đức Tôn Sư chủ trương xây dựng, là một ngôi chùa để hoằng dương Chánh pháp, phổ độ quần sanh xương minh Tịnh độ. Giúp Tăng Ni tín đồ Phật tử khắp nơi về Niệm Phật. Mỗi năm có mở khóa “Niệm Phật một trăm ngày” (Bá nhựt trì danh hiệu A Di Đà, cầu sanh Tịnh độ) Mỗi khóa niệm được Chư Tăng Ni à Phật tử các Chùa trên toàn quốc về tham gia rất đông (hàng vạn lượt người) để niệm Phật, vừa thúc liểm thân tâm tu hành lợi ích cho thân tâm, cũng vừa để cầu nguyện cho đất nước sớm được hòa bình, nhân dân an lạc. Ngôi chùa này tọa lạc tại xã Vĩnh Phú, Bình Dương, Đất Chùa do thí chủ Bùi Văn Thu và gia quyến hiến cúng dường, cũng là nơi tạm nương trú cho chư Tăng Ni và các em cô nhi khi bi bom đạn di tản đến.

          Một số Ni chúng và cô nhi được đưa về Chùa Phổ Hiền xã Tân Thành Biên Hòa. Nơi đây Đức Tôn Sư dạy cho con cháu tu hành và nhân dân địa phương cũng như Bửu Long Biên Hòa đồng về quy y với Ngài rất đông. Được gia đình cụ Huỳnh Văn Đảo, Hà Thị Cưng, Hà Thị Lư là gia đình cách mạng ủng hộ Ngài rồi sau cũng xuất gia tu Phật Trụ trì tại chùa Phổ Hiền, hiện nay di tích vẫn còn, con cháu tiếp tục tu hành và làm việc từ thiện.

          Đức Tôn Sư trở Long Sơn Cổ Tự thăm chùa cũ, thăm ân sư (Tân Ba, Tân Uyên). Ngôi Chùa Cổ mà Ngài nhớ ơn, Hòa Thượng Tôn Sư cho tu sửa lại nhiều lần để báo đáp thâm ân đỡ đầu của Hòa Thượng Thượng Trí hạ Châu dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ thứ bốn mươi (40), cũng là quê hương xứ sở của Ni sư Huệ Giác người đệ tử thứ nhất sau này thừa kế đạo nghiệp theo bổn nguyện của Đức Tôn Sư. Vì cảm niệm công đức lớn, nên khi Hòa Thượng chủ trì viên tịch, ban tế tự tan rã rước Đức Tôn Sư về theo di tích của Hòa Thượng giao trọn quyền ngôi Long Sơn Cổ Tự cho Đức Tôn Sư thừa kế để độ bá tánh Tân Ba.

          Hòa Thượng cho trùng tu ngôi cổ tự được tốt đẹp rồi ủy nhiệm cho môn đệ là Hòa thượng Thích Huệ Tâm về Trụ Trì thay Ngài độ cho bá tánh tu hành.

          Khi từ Tổ Đình Linh Sơn, Núi Dinh tản cư về xã Hiệp Hòa, Biên Hòa được hai đệ tử hảo tâm là Ông Tư Hơn và Ông Tư Đâu hiến cúng nhà, đất cho Đức Tôn Sư xây dựng tịnh xá Thắng Liên Hoa cho chư Tăng Ni tu hành và nhà trại cô nhi ở Tịnh Xá Thắng Liên Hoa nằm ven bờ sông Đồng Nai, cũng là một phong cảnh sông nước rất nên thơ. Hòa Thượng Tôn Sư về ở tại nơi này được nhân dân địa phương quý vô cùng, đến quy y tu học và ủng hộ phương tiện nuôi cô nhi trong lúc nguy nan chạy nạn. Ở tại địa phương này, Phật tử cũ khắp nơi về thăm viếng và hộ trì, nên con cháu của Ngài tạm sống bình yên. Đức tôn sư có công đắp Hương lộ Hiệp Hòa xuống bến đò, cho tu sửa cầu bến đò Long Kiểng cho nhân dân qua lại giữa Cù Lao Phố và Tân Mai. Đồng bào ở đây cảm niệm công đức Ngài vô lượng. Năm 1975, Ngài giao lại cho Thượng tọa Thích Giác Thông bảo quản.

          Vì con cháu đông, lại phải nuôi cô nhi trên 300 em, nên năm 1975 Đức Tôn sư về chùa Long Phước Thọ, ấp 5, xã Long Phước, huyện Long Thành cho đệ tử Tăng chúng khẩn hoang khai rẫy trồng lúa, bắp, khoai mì, lúa mạch để có kinh tế tự túc cho Nhà Chùa và trồng cây gây rừng. Năm 1984, Ngài chỉ đạo Ni sư Trưởng Huệ Giác hướng dẫn tập thể chư Tăng Ni hưởng ứng chính sách của Đảng, Nhà Nước, theo các nghị quyết của Bộ và Tỉnh tiếp tục trồng cây gây rừng vào ngày 19/05/1984 nhớ trọng ơn Bác Hồ. Trong phong trào nầy, trồng được trên 80 hecta, tại ba điểm: Long Phước, Phước Thái( Long Thành), Phước Hòa ( huyện Châu Thành, Bà Rịa). Tại đây, Ngài thương đồng bào nghèo ở kinh tế mới Bàu-Cạn và tại địa phương, cho mở phòng thuốc Đông y bố thí thuốc, giúp đở cho đồng bào quá đói nghèo. Đức tôn sư còn khuyến khích đồng bào hăng hái khai hoang lập vườn trồng rừng, ruộng để nâng cao đời sống và cũng để góp phần xây dựng kinh tế nước nhà trong giai đoạn mới. Cũng nơi đây Đức tôn sư đã hướng đòan Đoàn Bác Sĩ, Y tá, Y công của bệnh viện Nguyễn Trãi, thành phố Hồ Chí Minh mượn đất xã Long Phước trồng cây thuốc nam, lúa, bắp, khoai mì, tạo kinh tế cho bệnh viện trong giai đoạn khó khăn này.

          Công đức của Đức tôn sư rất sâu dầy đối với mọi tầng lớp. Thật là nói sao cho hết, kể do cho vừa. Để cảm niệm ân sư với tình đất ấm, Ni Sư Huệ Giác viết dòng thư thương nhớ :

Ai đi qua rừng tràm Long Phước Thọ

                   Rừng cây dâng hương hoa, ôi thơm tho.

                   Sao khỏi bâng khuâng nhớ nhung ngậm ngùi

Bóng hình Bà Mẹ - dáng gầy năm xưa

Có những hoàng hôn - đây màu cỏ cháy

Đồng trơ hoang vắng đất khô gầy cằn

Tình thương đất ấm Mẹ về khai hoang

Cây xanh xanh theo luống cày ngay hàng

Ôi! Trái im vàng, tình thâm chan chứa…

……………………

Trụ nơi chùa Long Phước Thọ, Đức tôn sư cùng môn đệ tăng chúng đồng cam cộng khổ, dầm sương dãi nắng để tạo vườn, rừng, trồng rẫy. Vì tuổi già sức yếu, lại lâm bệnh nặng, Ngài ủy nhiệm lại cho đệ tử là Sư cụ Trưởng Lão Thích Thiện Lộc các Ban nông Thiền bảo quản lo việc vườn rừng nơi đây.

Nhắc lại thời điểm núi Dinh bị bom đạn tàn phá, Tôn sư phải dời chư Tăng Ni và cô nhi tản cư xuống núi có vài tu sĩ xin ở lại trong hang ẩn tu để giữ gìn núi thiêng hùng vĩ trong lòng mình, nhưng rồi cũng bị quân Mỹ cho trực thăng hạ cánh nơi đỉnh núi bịt mắt, dẫn các vị nầy xuống Bà Rịa hết. Từ đây núi vắng người tu, chỉ còn đường đi và hoạt động của Cách Mạng mà thôi. Hơn một ngàn tấm tole của Chùa tổ đình, Am, Thất đã ủng hộ cho anh em Cách Mạng lần cuối.

Chiến tranh lúc này ác liệt bùng nổ khắp nơi. Sự ăn ở tu hành của tập thể Chư Tăng Ni và em cô nhi bất ổn phải vân tập về hết tại Quan Âm Tu Viện. Ôi! Thảm cảnh chiến tranh ai mà chẳng khổ?! Ai mà chẳng buồn?!  Ai ai cũng muốn có một ngày nước nhà được hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc như lời Bác Hồ đã nói :        

"Không có gì quí hơn độc lập tự do".

Thế rồi “Sau cơn mưa trời lại sáng”. Tiếng reo vang khắp nẽo đường Việt Nam, giải phóng đất nước hòa bình ngày 30/04/1975. Hòa trong sự vui mừng đại thắng của toàn dân, chư tôn đức Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng với bao niềm hân hoan xúc cảm…Bao nguyện ước lâu nay đã thành sự thật

Chùa xưa cảnh cũ núi Dinh

Nước non xinh đẹp hữu tình biết bao

Từ đây chí nguyện non cao

Trùng tu thắng cảnh cùng nhau mau về

Được lịnh đăng sơn của Đức Tôn Sư,

Con cháu ai cũng náo nức

Am xưa chùa cũ xin về

Góp phần tái thiết bồ đề núi Dinh

Nước reo suối chảy thâm tình

Chung tu niệm Phật niềm tin trọn lành

Nhưng tất cả chỉ có sự điêu tàn, chỉ còn lại đống gạch vụn, cây đá ngỗn ngang, rêu phong bụi mờ, cỏ cây chằng chịt, lối về khó đi. Ôi! Thương làm sao! chùa xưa cảnh cũ nay còn đâu.

Trước cảnh tượng thương tiếc này, Đức Tôn Sư cho sửa mấy cái hang, động, che lại Am, Cốc bằng tranh, tole, thiếc cũ đầy vết đạn, che tạm nắng mưa đễ có chỗ ở, rồi tiếp tục khai đất trồng lại vườn rẫy từ chân núi ra đến cầu Rạch Ván.

Số đất xưa kia chùa đã khai khẩn rồi bị bom đạn phải xuống núi, đến năm 1972 địa phương chính quyền cũ, theo “Người cày có ruộng” đã phân chia ruộng rẫy gần 50 hecta cho nhân dân địa phương. Khi về núi, đại diện chùa trình bày cho chính quyền giải phóng, quý cấp lãnh đạo bấy giờ cấp cho tập thể chùa chỗ đất nào còn trống là được khai khẩn để canh tác. Mười năm xa cách, ruộng rẩy hoang phế, khai lập trở lại cũng vất vả gian nan vô cùng. Vết thương do chiến tranh tàn phá để lại nỗi đau thương cho con người, mất mát cho cảnh vật, tài sản của Tổ đình, Thánh địa Linh Sơn quá nhiều!

Nhưng rồi thảm nạn lớn đã qua chưa lành, núi rừng Linh Sơn lại chịu nạn của con người kéo nhau lên núi chặt cây, phá rừng, đào đá. Thật chỉ ví lợi riêng mà không còn một chút ý thức đến môi trường thiên nhiên, cũng như không biết qúy kính tòng lâm thắng cảnh, văn hóa sử nước nhà gì cả!

Thế là đồi xanh không bị trọc vì chiến tranh, mà bị trọc vì người chặt phá, từ hang Tổ đến cầu Rạch Ván, thảm họa hủy hoại thiên nhiên vô cùng đau xót.

Kể từ năm 1975 đến 1981 Đức Tôn sư chỉ đạo cho thượng tọa Giác Hải hướng dẫn đại chúng tông môn con cháu lập vườn trồng cây tạo kinh tế đời sống cho tập thể, rồi cho tái thiết ngôi chùa Tây-Phương trên nền cũ. Am, Cốc, Hang, Động từ hang Tổ, Hang Mai trở về được tu sửa tạm để môn đệ có nơi an trú tu hành. Thời gian này, vấn đề an ninh cũng rất khó khăn về mọi mặt. Vì mới giải phóng đất nước, còn phức tạp ở những vùng sâu, vùng xa, ở núi trong hang, sợ ngụy quân, ngụy quyền trốn tránh, nên cũng là một sự chướng ngại cho việc trùng tu quần thể Tổ Đình Linh Sơn.

Mấy năm mới tạm an bày thì lai có lịnh của Bộ Quốc Phòng cần trưng dụng đất để thiết lập Trường Thiết Giáp II tại xã Hội Bài, Bà Rịa-Vũng Tàu. Bãi bắn rộng lớn nên đất chùa cũng nằm trong vùng khoanh. Một biến cố bất ngờ! Tập thể Tăng Ni từ trên núi xuống đến chân núi phải di dời nữa! Lúc ấy Đức Tôn Sư cho Thượng Tọa Giác Hải đại diện kí bàn giao 46 hecta vườn rừng ruộng, rẫy dưới chân núi để cho Bộ Quốc Phòng trưng dụng làm bãi bắn mà không nhận bất cứ khoản tiền bồi hoàn nào. Chỉ yêu cầu một điều kiện: Bao giờ trường bắn không còn sử dụng làm bãi bắn nữa thì xin hoàn trả đất lại cho tập thể Tổ đình để canh tác sản xuất, làm kinh tế tự túc cho nhà chùa.

Thế là cơ sở Tổ Đình, nhà ở được dời ra xã Hội Bài, huyện Châu Thành, Bà Rịa. Lúc ấy, nhờ có gia đình Phật tử là Ông Năm Ngọ, thấy hoàn cảnh gian nan nầy, phát tâm cúng một hecta đất để xây lại cơ ngơi, có chỗ an trú cho chư Tăng Ni, Chùa này theo sự chỉ định của Đức Tôn Sư là cơ sở II của Chư Tăng tổ đình Linh Sơn để Thượng Tọa Giác Hải (Nguyễn Văn Sảnh) chủ trì bảo quản. Trên núi là cơ sở I của Ni giới (Ni sư Huệ Giác Trưởng Tông Môn làm Viện chủ của hai cơ sở). Vì tuổi già sức yếu, hay đau bệnh nên Đức Tôn Sư trụ tại Cốc ở Tổ đình cơ sở II để dưỡng bệnh, hướng dẫn cho TT Giác Hải và đại chúng tông môn lo việc tái thiết Tổ đình, cũng như dạy dỗ khuyến tấn con cháu tu hành tốt, làm việc tốt để đóng góp tinh thần vàvật chất, việc làm của mình cùng chung xây dựng xã hội trong giai đoạn mới được tốt Đạo đẹp Đời. Công đức của Tôn Sư thật vô lượng, một bậc thầy khả kính đáng quý yêu, con cháu không bao giờ quên được.

Đến năm 1986, bệnh đã tái phát quá nặng, con cháu đưa đến Bệnh viện Nguyễn Trãi được Bác sĩ Lương Phán và các bác sĩ trong bệnh viện tận tình chăm sóc. Nhưng vì quá già yếu, nhận thấy nhục thân kiệt sức như đèn hết dầu, Ngài dặn môn đệ đưa về Quan Âm Tu Viện để lần cuối giã từ con cháu môn đệ, rồi an lòng về cảnh Phật đúng 22h30, ngày 30/07 Âm lịch, năm Bính Dần (1986). Ngài thâu thần nhập định ra đi thong thả an lành trong tiếng niệm Đại Bi của đại chúng tông môn con cháu Quan Âm Tu Viện.

Đại lễ tang được tổ chức trọng thể tại Quan Âm Tu Viện, hàng vạn Phật tử từ khắp mọi miền đất nước về dự lễ tang. Rất đông Chư Tôn Hòa Thượng hàng giáo phẩm của Giáo hội, các tôn giáo bạn đến dự lễ truy tiến, tiễn đưa kim quan Đức Tôn Sư, quí cấp Chính quyền trong và tỉnh Đồng Nai cũng đến chia xẽ nỗi đau với môn đệ tử Tôn Tổ đình Linh Sơn, Quan Âm Tu Viện. Kim Quan Đức Tôn Sư được nhập vào Đại Bảo Tháp “Pháp Tánh Thường Minh” tại Quan Âm Tu Viện ngày 05/08 năm Bính Dần (1986).

Cuộc đời Đức Tôn Sư Hòa Thượng THIỆN PHƯỚC - NHỰT Ý, biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai là một gương sáng cho con cháu Đạo Đời, các thế hệ mai sau vẫn tôn thờ nhớ mãi. Chỉ có bảy mươi năm trụ thế, hết chín năm dâng hiến cuộc đời cho Tổ Quốc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ba hai năm phụng sự Đạo pháp dân tộc, lòng không ngừng làm việc thiện cho xã hội về mọi mặt. Góp Phần đào tạo Tăng Ni tài đức cho Giáo hội mai sau, phụng sự thiết thực nuôi người già yếu, em cô nhi khuyết tật, nuôi dưỡng con cháu Cách Mạng, ủng hộ vật chất cho Thành Đoàn, Bộ Đội giải phóng chống Mỹ cho đến khi hòa bình.

Khuyến tấn dạy dỗ cháu con môn đệ đi theo đúng đường hướng chính sách của Đảng, Nhà Nước, phát huy truyền thống cao đẹp với tinh thần phục vụ, ủng hộ trong giai đoạn xây dựng đất nước được phồn vinh giàu mạnh.

Đức Tôn Sư được Đảng Nhà Nước tặng:

  • 01 huân chương kháng chiến chống Pháp Hạng ba.
  • 01 huân chương kháng chiến chống Mỹ Hạng ba.

Được Giáo hội tặng:

  • 01 Bằng tuyên dương có công đức với Đạo pháp và Dân Tộc.

Ôi! Có nỗi buồn nào bằng nỗi buồn phải chia ly! Bóng Thầy Mẹ đã ra đi vĩnh viễn đễ lại cho con cháu môn đệ một nỗi mất mát lớn lao, một nỗi niềm thương xót vô biên.

  1. ^ [tinhdononbong.com “Lịch sử Tổ Đình Linh Sơn”] Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp).