Diepmaikg
DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CHÙA TAM BẢO
Tên gọi di tích:
- Tên gọi chính thức: Di tích lịch sử văn hóa chùa Tam Bảo – Hà Tiên
- Tên gọi khác: Chùa Thái Bà Bà, chùa Sắc Tứ Tam Bảo, chùa Bà.
Loại hình di tích: Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (loại hình sự kiện) theo Quyết định số 57/2004-QĐ/UB ngày 03/9/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.
Địa điểm, đường đi đến di tích:
Di tích thuộc khu phố 3, phường Bình San, thành phố Hà Tiên
Nếu đi bằng đường bộ thì theo Quốc lộ 80 đến g Hà Tiên, qua cầu, rẽ trái đi theo đường Phương Thành khoảng 1km là đến di tích. Nếu đi bằng đường thủy thì theo đường ven biển hoặc sông, kênh, đến bến Tô Châu tại trung tâm thành phố Hà Tiên, rồi tiếp tục đến di tích bằng đường bộ trên đến di tích.
Sự kiện, nhân vật lịch sử và di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích:
Di tích là ngôi chùa Phật giáo Bắc tông được xây phía sau dinh thự họ Mạc. Chùa Tam Bảo là một trong những ngôi chùa cổ nhất Hà Tiên([1]). Sách Gia Định thành Thông chí viết([2]): “ Chùa Tam Bảo ở sau trấn thự. Phạm cung mở rộng, Phật pháp phô trương, nguyên xưa do Thống binh Mạc Cửu làm ra. Kế có thân mẫu Mạc Cửu là Thái Phu nhân tuổi ngoài 80, nhớ con tha thiết, từ Lôi Châu theo đường biển đến. Mạc Cửu phụng dưỡng ở chùa này. Phu nhân vốn tính mộ Phật, hết lòng thành kính, vừa ngày tắm Phật, Phu nhân vào chùa cúng dường chiêm bái trong khoảnh khắc thốt nhiên hóa (chết) trước bàn thờ. Mạc Cửu theo lễ chôn cất, xây mộ…”. Chùa là một công trình kiến trúc của dinh thự Tổng binh Mạc Cửu và các đời sau cho cháu của ông. Hiện nay dấu tích còn để lại là các mảng tường cổ bao quanh dinh thự. Một số ý kiến có rằng chùa Tam Bảo chính là “chùa Tiêu” trong bài thơ “Tiêu tự thần chung” được chọn là đề tựa trong Hà Tiên An Nam thi thập vịnh do Mạc Thiên Tích khởi xướng. Tuy nhiên một số ý kiến khác cho rằng chùa Tiêu ở một vị trí khác thuộc phường Mỹ Đức, không phải là chùa Tam Bảo.
Trước năm 1708, trấn Hà Tiên ổn định, Tổng trấn Mạc Cửu xây dựng một tịnh thất thờ phật, ngay trong dinh thự để cho mẹ của ông tu hành. Do mẹ của Mạc Cửu được tôn xưng là “Thái phu nhân” nên người dân địa phương gọi là chùa Bà hay chùa Thái Bà Bà. Theo người dân địa phương, Thái phu nhân đồng ý cho Hòa thượng Huỳnh Long, pháp danh là Ấn Hạ Trừng, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 35 và 12 đệ tử của ông tu tại đây và dạy đạo pháp cho bà. Sách Mạc thị gia phả của Vũ Thế Vĩnh ghi khi bà chết, Mạc Cửu đúc kim thân mẹ để thờ và đúc đại hồng chung (chuông đại) để cúng cho chùa. Chùa đã bị phá hủy vào năm 1718 trong đợt tấn công chiếm giữ trấn Hà Tiên của quân Xiêm La.
Đến đời vua Gia Long cho kiến thiết trấn lỵ Hà Tiên vào năm 1811. Người dân Hà Tiên xin lập lại chùa Tam Bảo ở vị trí cũ và xin được sắc phong. Vua Gia Long ban sắc phong nên chùa được mang tên “Sắc Tứ Tam Bảo Tự” cũng ngay tại chỗ cũ. Đến năm 1834, giặc Xiêm đánh phá Hà Tiên nữa, chùa lại bị hư hại nặng. Theo bản đồ Levé A Vue d’Ha Tien 1869 chùa còn lại móng nền và 3 tháp([3]) của trụ trì đời Lâm Tế thứ 35, thứ 36 và bảo tháp của Thái Bà Bà, mẹ ông Mạc Cửu (hiện vẫn còn trong khuôn viên chùa).
Đến năm 1901, sư Phước Ân đời Lâm Tế thứ 40 làm trụ trì chùa cho dựng lại chùa bằng gỗ, lợp ngói và có tượng Phật được an vị trên nền đất. Đến năm 1920, sư trụ trì cho xây lại chùa, tôn cao lên nền chánh điện và an vị tượng Phật trên cao. Sư trụ trì cũng cho trồng một hàng cây sao. Đến năm 1930, chùa được tu bổ lại. Sư Phước Ân viên tịch năm 1946, tháp của sư cũng nằm sau chùa cùng với 3 bảo tháp ngày xưa. Năm 1974, sư cô Thích Nữ Như Hải về chùa Tam Bảo trụ trì. Sư cô đã tổ chức trùng tu và kiến tạo một số công trình. Trãi qua gần 3 thế kỷ, tác động của thiên nhiên, con người và chiến tranh. Chùa Tam Bảo đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Lần tu sửa và giữ nguyên lối kiến trúc đến ngày nay là vào năm 1920, do Hòa thượng Thích Phước Ân cho xây dựng.
Khảo tả di tích:
Di tích được xây dựng trong khuôn viên có diện tích 1.178m2. Nằm ở trung tâm thành phố, chùa Tam Bảo có một địa thế đẹp và rộng rãi, phía sau là núi Bình San. Khuôn viên của chùa là công trình kiến trúc kết hợp hài hòa phong cảnh xung quanh. Xung quanh khuôn viên di tích có hàng rào bao quanh được xây bằng gạch, xi măng cao 2m, có mái gắn ngói âm dương màu xanh để trang trí. Đoạn sau của bờ tường rào bên phải, còn một đoạn tường thành là bờ thành bao quanh dinh thự của Mạc Cửu được xây dựng bằng các loại đá sỏi trộn với vôi, nhựa ô dước cao khoảng 4m, rộng 1m. Cổng rào thiết kế theo kiến trúc cổng tam quan, cột vuông, mái 2 tầng gắn ngói âm dương màu xanh. Đỉnh mái trang trí hình 2 con rồng cách điệu đầu quay vào bánh xe luân hồi ở giữa. Mái đao và diềm mái được trang trí hoa văn sóng nước cách điệu. Tầng mái trên ở giữa có bảng chữ “Sắc Tứ Tam Bảo Tự”, tầng mái dưới ở giữa có bảng chữ Hán Nôm “Sắc Tứ Tam Bảo tự”. Cổng có 3 cửa vào, mặt trước của 4 cột cổng có 4 liễng đối.
Khuôn viên di tích có khoảng sân rộng, trồng nhiều cây cổ thụ. Trong góc sân có 1 tượng Quan Âm Nam Hải đứng trên bệ đài sen, có đắp 3 lá bồ đề lớn cao 5m được xây vào năm 1979. Dưới gốc cây bồ đề là tượng Thích Ca tọa thiền cao khoảng 1,2m, phía trước có 2 bên có 2 tượng Tôn giả ngồi quì được xây vào năm 1983. Bên cạnh có 1 tháp liên hoa cao 13 tầng, phía trước có 2 tượng phật Thích Ca tọa thiền và 2 tượng Bồ tát đứng hầu. Trong sân còn có tượng phật Di Lặc, một số tượng La Hán và nhóm tượng Di Mẫu và 6 vị Tỳ Kheo Ni được xây năm từ năm 2000 – 2003. Những công trình phụ của chùa được xây dựng phía sau chính điện gồm. Nhà bếp, nhà kho, tăng xá, nhà Văn phòng của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Hà Tiên nằm song song nhau ở bên trái chính điện được xây bằng gạch mái lợp ngói. Nhà liêu của sư cô trụ trì được xây dựng kiên cố có một lầu, nhà này nằm ở phía sau chính điện.
Chính điện là ngôi nhà 5 gian chạy dài ra phía sau, xây dựng theo kiểu chữ tam. Mặt quay về hướng đông, cửa hình vòm viền đắp chỉ nổi, phía trên cửa chùa là hàng chữ: “Chùa Tam Bảo”. Kiến trúc của ngôi chính điện tương đối đơn giản, tường được xây bằng gạch vôi, xi măng cột cũng được xây bằng gạch theo hình vuông. Kèo và đòn tay bằng gỗ không có chạm trổ, mái lợp ngói vảy cá. Nền móng của ngôi chính điện được xây dựng bằng đá các loại, nền cao hơn mặt bằng khoảng 1,5m. Trên ban thờ chính bày nhiều tượng phật được bố trí thành nhiều lớp tượng, chính giữa là tượng Thích Ca nhập Niết Bàn. Phía sau trong chính điện là các ban thờ các trụ trì và những người có công với chùa.
Ngoài ra, chùa Tam Bảo còn có rất nhiều tháp mộ. Tổng cộng lớn nhỏ và vừa là 30 tháp, trong dó có tháp một Thái Bà Bà và các vị sư của các đời trụ trì. Nhiều tháp có kiến trúc rất đẹp. Tất cả những tháp một này đều được xây dựng về phía tây bắc của chính điện. Hiện vật trong di tích gồm một số vật khí thờ và một số tượng phật theo phái Bắc Tông.
Giá trị di tích:
Di tích là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hóa gắn liền với sự hình thành dân cư của vùng đất Hà Tiên. Chùa Tam Bảo trở thành chỗ dựa tâm linh và là nơi sinh hoạt truyền thống cho nhân dân trong vùng, là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của khách thập phương khi đến Hà Tiên. Một tài nguyên du lịch văn hóa có giá trị lớn, góp phần phát triển kinh tế xã hội
[1] - https://trunghochatienxua.wordpress.com/2018/11/21/chua-tam-bao-ha-tien-qua-cac-giai-doan-thoi-gian-tran-van-manh/
[2] - Gia Định thành thông chí, Tập III, Trịnh Hoài Đức, Nha Văn Hóa – Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, Sài Gòn 1972, Tr.130.
[3] - Bản đồ Levé A Vue d’Ha Tien 1869, nguồn: Source gallica.bnf.fr/Bibllothéque nationate de France