Thành viên:Botminh24/nháp/2
Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Thiếu tướng | |
---|---|
Quốc gia | Việt Nam |
Thuộc | |
Viết tắt | Tướng |
Hạng | 1 sao |
Mã hàm NATO | OF-7 |
Hàm trên | Trung tướng |
Hàm dưới | Đại tá |
Tương đương | Chuẩn Đô đốc Hải quân nhân dân Việt Nam |
Thiếu tướng là một tướng lĩnh, có cấp bậc tướng đứng thứ tư trong hệ thống quân hàm của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, với cấp hiệu 1 ngôi sao vàng[1]. Cấp bậc này do Chủ tịch nước, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định phong cấp.
Quân hàm Thiếu tướng xếp trên Đại tá (4 sao cấp tá) và xếp dưới Trung tướng (2 sao cấp tướng).
Lịch sử
sửaTrong thời kỳ phong kiến, hệ thống quân hàm tại Việt Nam không được phát triển như hiện nay. Các tướng lĩnh thường được phong tước hiệu hoặc chức vụ dựa trên công lao và uy tín, thay vì có các cấp bậc rõ ràng như Thiếu tướng, Trung tướng hay Đại tướng.
Trong thời kỳ thuộc địa Pháp, quân đội Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ hệ thống quân sự Pháp. Hệ thống cấp bậc được du nhập và áp dụng, nhưng không phổ biến rộng rãi đối với người Việt Nam. Những người Việt Nam phục vụ trong quân đội Pháp có thể đạt đến các cấp bậc cao, nhưng họ vẫn dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan người Pháp.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, sau khi Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập và thành lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu hình thành và phát triển. Trong giai đoạn này, hệ thống quân hàm chưa được định hình rõ ràng. Năm 1946, hệ thống danh xưng các cấp bậc quân hàm Việt Nam được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra tương đối hoàn chỉnh, dựa theo hệ quy chiếu quân hàm của quân đội Nhật Bản, được quy định thành 5 cấp và 15 bậc, áp dụng cho Quân đội Quốc gia Việt Nam[2]. Cấp bậc Thiếu tướng là tướng lĩnh có bậc quân hàm khởi đầu của sĩ quan cấp tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, được quy định lần đầu tại Sắc lệnh 33/SL ngày 22 tháng 3 năm 1946. Thiếu tướng có 1 sao, xếp trên Đại tá và dưới Trung tướng.
Trong đợt phong tướng đầu tiên của Quân đội Quốc gia Việt Nam, 09 quân nhân được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt phong quân hàm đầu tiên năm 1948 là: Hoàng Văn Thái, Nguyễn Sơn, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Hiến Mai, Trần Đại Nghĩa, Lê Thiết Hùng
Cũng trong năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định truy phong Dương Văn Dương, Thủ lĩnh của lực lượng quân sự Bộ đội Bình Xuyên, Khu bộ phó Khu 7, quân hàm Thiếu tướng Quân đội Quốc gia Việt Nam. Ông là vị tướng đầu tiên của Nam Bộ.[3]
Trong thời kỳ này, ở miền Nam Việt Nam, nơi đang là lãnh thổ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, ngay sau khi Quân đội Việt Nam Cộng hòa được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ Quân đội Quốc gia Việt Nam vào năm 1950, cấp bậc Thiếu tướng Việt Nam Cộng hòa được ra đời. Ban đầu, đây là cấp đầu tiên của cấp bậc tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa. Từ tháng 3 năm 1964, sau khi cấp bậc Chuẩn tướng được đặt ra, cấp bậc này được phân loại xếp trên cấp Chuẩn tướng và dưới Trung tướng. Trong lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng hòa, quân hàm tương đương là Đề đốc. Trong lịch sử 25 năm tồn tại của Quân đội Quốc gia và sau này là Quân lực Việt Nam Cộng hòa (1950-1975) đã có 46 người có cấp bậc cuối cùng là Thiếu tướng và Đề đốc. Người nổi tiếng nhất là Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, sau này làm Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.
- Quân hàm Thiếu tướng Việt Nam Cộng Hòa
-
Lục quân
-
Hải quân
-
Thủy quân Lục chiến
-
Không quân
Năm 1959, cấp bậc Thiếu tướng Công an nhân dân Việt Nam được quy định bởi Nghị định 331/TTG ngày 1 tháng 9, quy định hệ thống cấp bậc Công an nhân dân vũ trang[4]. Tuy nhiên trước đó, người đầu tiên giữ cấp bậc này là Phan Trọng Tuệ đã ra mắt với cấp hiệu mới tại lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang tại Hà Nội ngày 28 tháng 3 năm 1959. Ông cũng được cho là người đã trực tiếp chỉ đạo việc vẽ kiểu cấp hiệu, quân hiệu cho lực lượng Công an nhân dân Vũ trang.
Năm 1981, Luật về Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có quy định bổ sung về danh xưng quân hàm Chuẩn Đô đốc Hải quân, tương đương với cấp bậc Thiếu tướng[5]. Luật này cũng quy định thẩm quyền phong và thăng quân hàm Đại tướng và Thượng tướng, Đô đốc Hải quân thuộc về Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Thẩm quyền phong và thăng quân hàm Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân và Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân thuộc về Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.[6] Đến năm 1999, Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam quy định Chuẩn Đô đốc là bậc quân hàm cao nhất của quân nhân giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Hiện nay, quân hàm Thiếu tướng giữ vai trò quan trọng trong hệ thống cấp bậc của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Thiếu tướng thường là các chỉ huy cấp Quân đoàn, Quân khu hoặc các Cục, Bộ Tư lệnh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Việc phong, thăng quân hàm Thiếu tướng được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn về thâm niên, năng lực và thành tích của sĩ quan.
Cấp hiệu Thiếu tướng trong Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam hiện nay:
-
Quân hàm Thiếu tướng Cảnh sát biển Việt Nam
Chuẩn tướng và thiếu tướng
sửaTrong các tài liệu Việt Nam, danh xưng các tướng lĩnh Pháp thường bị lẫn lộn cấp bậc thiếu tướng và chuẩn tướng.
Nguyên do hệ thống quân hàm hiện đại của Việt Nam được đặt ra lần đầu vào bởi Sắc lệnh 33-SL năm 1946 đã quy định cấp bậc khởi đầu của cấp tướng là Thiếu tướng. Do đó, đối chiếu với quân đội Pháp sẽ có các cấp bậc Thiếu tướng (Général de brigade), Trung tướng (Général de division), Đại tướng (Général de corps d’armée) và Thống chế (Maréchal).
Tuy vậy, trong Sắc lệnh 33-SL năm 1946 lại quy định các cấp bậc tương ứng với chức vụ đảm nhiệm như sau:
- Thiếu tướng: Sư đoàn trưởng, tương đương cấp bậc "Général de division"
- Trung tướng: Liên đoàn trưởng, tương đương cấp bậc "Général de corps d’armée"
- Đại tướng: Tập đoàn trưởng, tương đương cấp bậc "Général d’armée"
Năm 1950, tướng Jean de Lattre de Tassigny được bổ nhiệm làm Cao ủy kiêm Tổng tư lệnh Quân đội Pháp tại Đông Dương. Theo quy định tạm thời về dịch thuật danh từ quân sự của Bộ Quốc phòng Quốc gia Việt Nam (chính phủ Bảo Đại), các tài liệu Việt ngữ bấy giờ ghi cấp bậc của ông là "Đại tướng 5 sao" (Général d'Armée) để phân biệt với cấp Đại tướng (4 sao, Général de Corps d'Armée). Đến năm 1955, một quy định mới quy định rằng cấp bậc "Đại tướng 5 sao" sẽ được gọi bằng danh xưng "Thống tướng".
Cho đến tận năm 1961, trong tài liệu về quân đội Việt Nam Cộng hòa, phần giới thiệu về tướng Lê Văn Tỵ có ghi cấp bậc của ông là "Đại tướng" và chú giải tiếng Anh là "Lt-Gen", tức "Lieutenant General" (nghĩa là chỉ tương đương Trung tướng sau này).
Mãi đến năm 1964, sau khi nắm quyền lực tối cao bằng cuộc "chỉnh lý", tướng Nguyễn Khánh đã đặt thêm cấp bậc Chuẩn tướng và Thống tướng và quy định dịch thuật danh từ quân sự cho các cấp bậc tướng đối chiếu với quân đội Mỹ là Chuẩn tướng (Brigadier General), Thiếu tướng (Major General), Trung tướng (Lieutenant General), Đại tướng (General) và Thống tướng (General of the Army).
Chính do sự thay đổi 2 lần này mà các tài liệu Việt Nam trước năm 1965 thường dịch cấp bậc "Général de brigade" thành Thiếu tướng. Sau năm 1965, cấp bậc này mới được dịch là Chuẩn tướng, tuy nhiên do sự sao chép nhiều lần các tài liệu cũ mà dẫn đến sự nhầm lẫn trên.
Trong Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không có cấp bậc Chuẩn tướng. Quân hàm Đại tá của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam (4 sao cấp tá) mặc dù không được xếp vào cấp tướng lĩnh, nhưng vẫn được xem là tương đương cấp bậc Chuẩn tướng ở các quốc gia có cấp bậc này. Các tài liệu phương Tây thường xếp cấp bậc Đại tá trong Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam vào phân hạng OF-6 trong Hệ thống cấp bậc quân sự khối NATO.[7] Phân hạng này xếp trên phân hạng OF-5 - tương đương cấp bậc Colonel của lục quân phương Tây. Nhiều tài liệu Anh ngữ dùng thuật ngữ Senior colonel để chỉ cấp bậc Đại tá trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, nhằm so sánh sự tương đương với cấp bậc Brigadier (OF-6) trong Lục quân Anh.[8] Tương tự, thuật ngữ Senior captain cũng được dùng để chỉ riêng cấp bậc Đại tá Hải quân của Việt Nam, tương đương cấp bậc Commodore của Hải quân Anh. Đây đều là những cấp bậc tương đương Chuẩn tướng nhưng không được xếp vào hàng tướng lĩnh.
Chú thích
sửa- ^ Công báo /Số 33 + 34/Ngày 08-01-2015 về Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
- ^ Tên gọi này không liên quan gì tới Quân đội Quốc gia Việt Nam của chính phủ bù nhìn Quốc gia Việt Nam cả
- ^ Trương Nguyên Tuệ (24 tháng 8 năm 2009). “Dương Văn Dương từ thủ lĩnh Bình Xuyên đến Khu bộ phó Khu 7”. Báo điện tử Quân đội nhân dân. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2020.
- ^ Nghị định 331/TTG năm 1959[liên kết hỏng]
- ^ Điều 7 Luật về Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1981
- ^ Điều 14 Luật về Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1981
- ^ Weale 2012, tr. 414.
- ^ McNab 2009, tr. 186.