Phan Kế Toại

Phó thủ tướng Việt Nam

Phan Kế Toại (1892–1973) là một chính khách Việt Nam. Ông làm quan cuối thời nhà Nguyễn, nguyên là Khâm sai Bắc Bộ của Chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng sau Cách mạng tháng Tám đã tham gia Việt Minh và trở thành Phó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong bốn nhiệm kỳ liên tục từ tháng 9 năm 1955 đến khi qua đời vào tháng 6 năm 1973.

Phan Kế Toại
Phan Kế Toại năm 1943
Chức vụ
Nhiệm kỳ20 tháng 9 năm 1955 – 6 tháng 6 năm 1973
17 năm, 259 ngày
Thủ tướngPhạm Văn Đồng
Tiền nhiệmPhạm Văn Đồng
Kế nhiệmVõ Nguyên Giáp
Nhiệm kỳtháng 8 năm 1947 – 30 tháng 4 năm 1963
Tiền nhiệmHuỳnh Thúc Kháng
Kế nhiệmUng Văn Khiêm
Nhiệm kỳ19 tháng 8 năm 1948 – 6 tháng 6 năm 1973
24 năm, 291 ngày
Nhiệm kỳtháng 11 năm 1947 – 
Bộ trưởngHuỳnh Thúc Kháng (mất)
Nhiệm kỳ17 tháng 4 năm 1945 – 17 tháng 8 năm 1945
122 ngày
Kế nhiệmNguyễn Xuân Chữ
Thông tin cá nhân
Sinh(1892-02-02)2 tháng 2, 1892
Đường Lâm, Phúc Thọ, Sơn Tây, Liên bang Đông Dương
Mất26 tháng 6, 1973(1973-06-26) (81 tuổi)
VợNguyễn Thị Mão
Con cáiPhan Kế An
Phan Kế Ninh
Phan Thị Mỹ
Phan Kế Khoan
Phan Kế Bảo
Phan Kế Hoành
Phan Kế Phúc
Phan Kế Lộc
Phan Lệ Thủy
Phan Kế Bình
Alma materTrường Hành chính Thuộc địa (École coloniale)

Thân thế

sửa

Ông quê tại làng Mông Phụ, tổng Cam Thịnh, huyện Phúc Thọ, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây thành phố Hà Nội). Năm sinh ông nhiều tài liệu ghi chép khác nhau, tuy nhiên theo tài liệu hồi ký và tộc phả do họa sĩ Phan Kế An, con trai ông, cung cấp, thì ông sinh ngày 5 tháng Giêng năm Nhâm Thìn, tức ngày 2 tháng 2 năm 1892. Ông là con thứ ba của cử nhân Phan Kế Tiến, Tuần phủ tỉnh Phúc Yên[1].

Xuất thân sinh ra trong một gia đình quan lại, từ nhỏ, ông được cha kèm cặp Nho học sau đó được đưa ra Hà Nội học phổ thông (Tây học). Năm 1903, ông có dịp gặp gỡ và quen biết với một số cậu ấm con quan khác như Bùi Kỷ, Võ Liêm Sơn.[2]

Là một quan chức trong chính quyền bảo hộ, cha ông đã thu xếp cho ông vào học trường Hậu bổ (trường hành chính quốc gia) để chuẩn bị bước đường làm quan sau này. Những năm 1911–1914, ông được chính quyền bảo hộ của Pháp trao học bổng du học tại Trường Hành chính Thuộc địa (l'Ecole Coloniale, nay là Trường Hành chính Quốc gia Pháp) tại Paris. Khi mới sang Pháp, ông đã gặp lại người bạn cũ Nguyễn Sinh Cung, bấy giờ mang tên Nguyễn Tất Thành đang làm nghề phụ bếp trên chiếc tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville của hãng vận tải Hợp nhất (Compagnie des Chargeurs Réunis), cũng đang xin được vào học tại Trường Hành chính Thuộc địa nhưng không được chấp thuận. Đầu tháng 12 năm 1912, Nguyễn Tất Thành sang Hoa Kỳ, bắt đầu con đường khám phá thế giới của riêng mình.

Sự nghiệp làm quan

sửa

Năm 1914, ông trở về nước và được bổ nhiệm làm quan với chức Tri huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Con đường quan lộ hanh thông, làm Tri huyện, Tri phủ, Thương tá, Bố chính, Tuần phủ rồi Tổng đốc của tỉnh Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Kiến An, Quảng Yên, Nam Định, Lạng Sơn, Phúc Yên, Bắc Ninh, Thái Bình. Ở đâu, ông cũng được biết tiếng là liêm khiết và có năng lực an dân.

Ông cũng rất quan tâm đến đời sống dân làng quê hương. Chính ông là người mang nghề làm nón, làm áo tơi lá về làng Mông Phụ, mở lớp dạy ngay tại Từ đường họ Phan. Tuy nhiên, việc mở nghề cho dân làng không thành do hoàn cảnh chiến tranh nên có người kẻ độc mồm bảo: "Cụ đi làm quan với thiên hạ, lại đem cái nghề ăn mày về làng..."[3][4].

Năm 1941, ông được chính quyền bảo hộ Pháp bổ nhiệm làm Tổng đốc Thái Bình. Bấy giờ, người Nhật bắt đầu thâm nhập Đông Dương. Cũng như nhiều trí thức bấy giờ, ông có quan điểm hợp tác với người Nhật để tìm cách cởi bỏ sự thống trị của người Pháp. Đồng thời, ông cũng ngầm ủng hộ con trai mình là Phan Kế An hoạt động trong phong trào Việt Minh. Năm 1944, lúc đang là Tổng đốc Thái Bình, ông đã ngầm ủng hộ Việt Minh bằng cách trao một tín phiếu 500 đồng bạc Đông Dương qua ông Nguyễn Công Liệu là một cán bộ Việt Minh.[5]

Tháng 3 năm 1945, ông từ nhiệm chức vụ Tổng đốc Thái Bình, khi Nhật đảo chính Pháp và dựng lên Chính phủ Đế quốc Việt Nam. Ông được Hoàng đế Bảo Đại cử giữ chức Khâm sai Bắc Bộ, một chức vụ toàn quyền thay mặt hoàng đế tại Bắc Bộ về danh nghĩa. Ông được bổ nhiệm làm thành viên Ủy ban Giám đốc chính trị miền Bắc gồm các thành viên: Đặng Thai Mai, Nguyễn Tường Long, Trần Văn Lai, do bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ làm Chủ tịch.

Ủng hộ Việt Minh

sửa

Tuy nhiên, ông nhanh chóng nhận thấy người Nhật chỉ lợi dụng người Việt như một thuộc địa chẳng kém người Pháp. Khi quân Nhật ép ông phải biểu dụ dân chúng nhổ lúa trồng đay và nộp thóc cho Nhật, ông đã cáo ốm tỏ thái độ bất hợp tác. Ông còn ngầm ủng hộ con trai Phan Kế An và nhóm bạn bè đang học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương hoạt động cho Việt Minh - giấu súng, đạn trên trần nhà mình ở Đường Lâm.[6][7]

Tháng 7 năm 1945, ông xin từ chức Khâm sai nhưng chưa được triều đình chấp nhận, nên vẫn phải tiếp tục tạm quyền. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng minh. Ngay ngày hôm sau, hai cán bộ Việt Minh là Nguyễn KhangLê Trọng Nghĩa vào Phủ Khâm sai tại Hà nội để thuyết phục ông hợp tác. Tuy nhiên, ngày 17 tháng 8, triều đình có quyết định cho ông từ chức, cử bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ lên thay. Dù vậy, nhận định thế mạnh của Việt Minh bấy giờ là không thể ngăn cản được, để hạn chế đổ máu, lúc 22 giờ ngày 17 tháng 8, trước khi rời Bắc Bộ Phủ, ông đã dặn dò cho viên Chính quản Lại (sở) cùng một bảo an binh tên là Nguyễn Sỹ Là, phải: "Tuyệt đối không được nổ súng và phải mở cửa ngay khi quân cách mạng tiến công".

Rời khỏi Phủ Khâm sai, ông về tư gia ở phố Hàng Bột[7]. Nhờ ông, cuộc biểu tình do Việt Minh chỉ đạo lúc 9 giờ sáng ngày 19 tháng 8, vào chiếm phủ Khâm sai, chiếm súng đạn, cướp chính quyền không phải nổ súng và đổ máu.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông cùng gia đình về quê nhà tại làng Mông Phụ.

Tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

sửa

Người Pháp không dễ dàng chịu mất Đông Dương nên đã tìm cách nổ súng để tái chiếm thuộc địa. Dù chống cự rất quyết liệt nhưng trước sức mạnh của quân Pháp, Nam Bộ nhanh chóng bị người Pháp kiểm soát phần lớn. Chiến sự dần mở rộng đến Trung Bộ. Tại Bắc Bộ, dù chính phủ đã cố gắng hòa hoãn bằng ngoại giao, nhưng người Pháp vẫn quyết tâm dùng vũ lực. Đến lượt Hà Nội bị quân Pháp tái chiếm. Ông cùng dân cư trong làng tản cư về Thanh Lũng, Sơn Tây.

Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho người về tận Thanh Lũng mời ông ra tham gia Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bấy giờ, ông đã biết vị Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là người bạn năm xưa, nên đã nhận lời[8]. Ông được đón lên Việt Bắc và được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ vào tháng 11 năm 1947, thay cho cụ Huỳnh Thúc Kháng vừa qua đời lúc trước đó 7 tháng.

Ngày 19 tháng 8 năm 1948, được cử làm thành viên của Hội đồng Quốc phòng Tối cao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa được thành lập do đích thân Chủ tịch Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng.[9]

Sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, ông cùng các thành viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở về tiếp quản miền Bắc. Ngày 10 tháng 9 năm 1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mười ngày sau đó, ngày 20 tháng 9, ông được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam. Ông tiếp tục được tái bổ nhiệm chức vụ này trong Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa II.

Ngày 30 tháng 4 năm 1963, ông được thôi nhiệm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam. Người thay thế ông trong chức vụ này là Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm.

Ông tiếp tục giữ chức vụ Phó Thủ tướng thêm 2 nhiệm kỳ nữa cho đến khi qua đời ngày 26 tháng 6 năm 1973.

Ngày 24 tháng 8 năm 2009, ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh vì sự nghiệp đóng góp của mình.[10]

Gia đình

sửa

Ông có 2 đời vợ. Bà vợ đầu là bà Nguyễn Thị Nhân Lý - con gái một vị hương chính ở Hà Tĩnh, xuất thân là nữ sinh Đồng Khánh.[11] Bà đã sinh cho ông Phan Kế Toại 7 người con, nhưng không may sớm mất một người. Bà qua đời khoảng năm 1933-1934.

Sau đó ông tục huyền với bà Nguyễn Thị Mão (1903-1992), người làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Bà Mão xuất thân là nữ sinh Đồng Khánh, nữ sinh trường Albert Sarraut, tốt nghiệp khoá 1924-1927 trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, là bạn thân của bà vợ đầu, là nữ giáo viên đầu tiên của Hà Nội, biết tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga và là chị gái của các ông Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Hưởng. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thời đó tốt nghiệp khoa Toán trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương và dạy toán nhiều năm tại trường nữ sinh trung học Đồng Khánh. Bà sinh hạ cho ông thêm 4 người con[cần dẫn nguồn].

Các con ông có những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

  1. Phan Kế An (sinh 1923), họa sĩ, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001);
  2. Phan Kế Ninh, công tác trong ngành Hàng không;
  3. Phan Thị Mỹ, Cử nhân Văn học, vợ Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doãn;[cần dẫn nguồn]
  4. Phan Kế Bảo, công tác trong ngành Điện ảnh;
  5. Phan Kế Khoan, công tác trong ngành Giáo dục;
  6. Phan Kế Hoành: nhà phê bình nghệ thuật;
  7. Phan Kế Phúc, Phó giáo sư, Tiến sĩ, giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội;
  8. Phan Kế Lộc: Giáo sư, Tiến sĩ sinh học, giảng viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội;
  9. Phan Lệ Thủy, Phó giáo sư, Tiến sĩ, giảng viên Trường Đại học Dược khoa;
  10. Phan Kế Bình, Cử nhân Sinh học, cán bộ Công ty Công viên Hà Nội.

Một trong số những người cháu nội của ông là bà Phan Vũ Diễm Hằng, nữ sinh Việt Nam đầu tiên đoạt được huy chương ở một kỳ Olympic Toán học Quốc tế vào năm 1975.[12]

Chú thích

sửa
  1. ^ Có tài liệu ghi là Tuần phủ Thái Bình.
  2. ^ Những chuyện Bác Hồ cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn[liên kết hỏng]
  3. ^ Do nón lá áo tơi thường được xem như hình tượng của ăn mày.
  4. ^ “Làng Đường Lâm - Hà Tây: Đất hai vua”. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2008.
  5. ^ Phan Kế Toại - Một nhân sĩ yêu nước (29/10/2010)[liên kết hỏng]
  6. ^ Thăm nhà họa sĩ Phan Kế An
  7. ^ a b Phan Kế Toại - Một nhân sĩ yêu nước[liên kết hỏng]
  8. ^ “Chuyện người họa sĩ con quan đại thần”. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 3 năm 2010. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2011.
  9. ^ Sắc lệnh số 206 ngày 19-8-1948 của Chủ tịch nước.
  10. ^ “Lễ trao tặng Huân chương Sao Vàng”. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2011.
  11. ^ Bình Nguyên. “Ký ức về gia đình Phó Thủ tướng Phan Kế Toại (I)”. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2022.
  12. ^ “Huy chương toán quốc tế đang làm gì, ở đâu?”. Báo vietnamnet. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2016.

Liên kết ngoài

sửa

Xem thêm

sửa