Heavy metal
Heavy metal (hay viết tắt là metal) là thể loại nhạc rock phát triển vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, chủ yếu ở hai thị trường Vương quốc Liên hiệp Anh và Hoa Kỳ. Với nguồn gốc từ blues rock, psychedelic rock và acid rock, các ban nhạc heavy metal xây dựng âm thanh dày và đồ sộ, đặc trưng bởi tiếng guitar có hiệu ứng distortion, các khúc guitar solo mở rộng, nhịp phách và âm lượng mạnh mẽ.
Heavy metal | |
---|---|
Tên khác | Metal |
Nguồn gốc từ loại nhạc | |
Nguồn gốc văn hóa | Cuối thập niên 1960, Liên hiệp Anh và Hoa Kỳ |
Tiểu thể loại | |
Thể loại pha trộn | |
Sân khấu vùng | |
Sân khấu địa phương | |
Birmingham | |
Chủ đề liên quan | |
2025 in heavy metal |
Năm 1968, ba nhóm tiên phong của thể loại này, gồm các ban nhạc người Anh Led Zeppelin, Black Sabbath và Deep Purple được thành lập. Dẫu thu hút được số đông khán giả, họ thường bị giới phê bình chế nhạo. Một số ban nhạc người Mỹ đã điều chỉnh heavy metal thành hình thức dễ đón nhận hơn ở thập niên 1970: âm thanh thô, mỏng và shock rock của Alice Cooper và Kiss; nhạc rock gốc từ blues của Aerosmith; và những câu đàn lead guitar và party rock hào nhoáng của Van Halen. Ở giữa thập niên 1970, Judas Priest giúp thúc đẩy sự phát triển của dòng nhạc bằng cách loại bỏ phần lớn ảnh hưởng từ blues, còn Motörhead trình bày hơi thở của punk rock và tăng cường nhấn mạnh vào tốc độ. Bắt đầu vào cuối thập niên 1970, các ban nhạc nằm trong trào lưu làn sóng heavy metal mới của Anh như Iron Maiden và Saxon cũng đi theo xu thế tương tự. Tính đến cuối thập niên ấy, người hâm mộ heavy metal được biết tới với biệt hiệu "metalhead" hay "headbanger". Ca từ của một vài tiểu thể loại metal gắn liền với sự kích động và cường điệu nam tính - vấn đề đôi khi dẫn tới các cáo buộc kỳ thị nữ giới.
Ở thập niên 1980, glam metal trở nên phổ biến với các nhóm nhạc như Bon Jovi, Mötley Crüe và Poison. Tuy nhiên, trong khi đó thị trường underground đã cho ra đời hàng loạt phong cách kích động hơn: thrash metal thâm nhập vào thị trường đại chúng với các ban nhạc như Metallica, Slayer, Megadeth và Anthrax, còn những tiểu thể loại extreme khác như death metal và black metal đã và đang là hiện tượng tiểu văn hóa. Kể từ giữa thập niên 1990, những phong cách đại chúng đã mở rộng định nghĩa về dòng nhạc. Trong số này có groove metal và nu metal, riêng nu metal thường kết hợp các yếu tố của grunge và hip-hop.
Đặc điểm
sửaHeavy metal có đặc trưng truyền thống là tiếng guitar có hiệu ứng distortion ầm, nhịp mạnh, tiếng bass-and-drum dày đặc và giọng hát nội lực. Các tiểu thể loại heavy metal nhấn mạnh, thay đổi hoặc lược bỏ một hoặc nhiều đặc tính kể trên. Trong một bài viết viết vào năm 1988, nhà phê bình Jon Pareles của The New York Times viết: "Trong phân loại âm nhạc đại chúng, heavy metal là một phân nhánh lớn của hard-rock—loại có ít đảo phách hơn, ít chất blues hơn, nghệ thuật phô diễn hơn và bạo lực hơn."[1] Đội hình ban nhạc thường gồm một tay trống, một tay bass, một tay rhythm guitar, một tay lead guitar và một ca sĩ (có thể chơi nhạc cụ hoặc không). Đôi khi nhạc cụ keyboard được dùng để tăng cường độ dày của âm thanh.[2] Jon Lord của Deep Purple sử dụng cây đàn Hammond organ có hiệu ứng distortion. Năm 1970, John Paul Jones sử dụng cây đàn Moog synthesizer trong Led Zeppelin III. Đến thập niên 1990, đàn synthesizer được sử dụng ở "hầu hết mọi tiểu thể loại heavy metal".[3]
Guitar điện và năng lượng âm thanh mà cây đàn tạo ra thông qua bộ âm ly được xem là yếu tố chủ đạo trong lịch sử heavy metal.[4] Tiếng guitar của heavy metal đến từ sử dụng kết hợp âm lượng lớn và dùng fuzz nhiều.[5] Ở những tông guitar của heavy metal cổ điển, nghệ sĩ guitar duy trì độ khuếch đại ở mức trung bình mà không cần bộ tiền âm ly thừa hay bàn đạp biến âm, nhằm giữ không gian và không khí mở trong âm nhạc. Âm ly guitar được bật to để tạo đặc tính "punch và grind".[6] Tông guitar của dòng thrash metal lấy tần số trung bình và âm thanh bị nén chặt với nhiều tần số âm trầm.[6] Guitar solo là "yếu tố thiết yếu trong quy tắc của heavy metal... nhấn mạnh tầm quan trọng của guitar" đối với dòng nhạc.[7] Hầu hết các bài hát heavy metal "có tối thiểu một khúc guitar solo"[8] - là "phương tiện chính để mà các nghệ sĩ biểu diễn heavy metal thể hiện kỹ thuật thượng thừa".[9] Một vài ngoại lệ là các ban nhạc nu metal và grindcore với xu hướng lược bỏ guitar solo.[10] Với các phần rhythm guitar, "tiếng ghiền nặng trong heavy metal... [được tạo ra bởi] kỹ thuật palm mute" lên dây đàn bằng ngón gẩy và sử dụng distortion.[11] Palm mute tạo ra âm thanh chính xác và chặt chẽ hơn, nhấn mạnh dải âm low end.[12]
Vai trò chính của guitar trong heavy metal thường xung đột với vai trò "gương mặt chính" hay thủ lĩnh ban nhạc của giọng ca chính, tạo nên tính căng thẳng trong âm nhạc khi cả hai "tranh quyền thống trị" trên tinh thần "ganh đua bác ái".[2] Heavy metal "đòi hỏi giọng hát phải quy theo" âm thanh chung của ban nhạc. Nhằm phản ánh nguồn gốc của metal ở văn hóa phản kháng thập niên 1960, giọng hát cần "thể hiện cảm xúc triệt để" như một dấu hiệu của tính xác thực.[13] Nhà phê bình Simon Frith cho rằng "tông giọng" của ca sĩ hát nhạc metal quan trọng hơn là phần lời.[13]
Vai trò nổi bật của bass còn là chìa khóa cho âm thanh của nhạc metal, sự phối hợp giữa bass và guitar là yếu tố trọng tâm. Bass mang đến âm thanh low-end để biến phần nhạc thêm "nặng".[7] Bass đóng "vai trò quan trọng trong heavy metal hơn bất kỳ thể loại rock nào khác".[7] Những câu bass trong nhạc metal có độ phức tạp đa dạng, từ việc giữ âm nền thấp làm nền tảng để tăng cường gấp đôi các câu riff và lick phức tạp cùng với phần lead hoặc rhythm guitar. Một vài ban nhạc lấy bass làm nhạc cụ chính, phương án ấy phổ biến nhờ Cliff Burton của Metallica khi anh cực kỳ chú trọng chơi các câu solo trên bass và sử dụng hợp âm trên cây bass ở đầu thập niên 1980.[14] Lemmy của Motörhead thường chơi hợp âm năm có dùng distortion trong các câu đàn bass.[15]
Bản chất của tiếng trống heavy metal là tạo ra nhịp đập ầm ĩ, dồn dập cho ban nhạc, sử dụng "tổ hợp ba thứ là tốc độ, sức mạnh và độ chính xác".[16] Tiếng trống heavy metal "đòi hỏi lượng sức bền phi thường", và các tay trống phải phát triển "tốc độ, sự phối hợp và khéo léo đáng kể... để đánh những mẫu hình phức tạp" sử dụng trong heavy metal.[17] Kỹ thuật chơi trống đặc trưng của metal là cymbal choke - gồm đập một cái chũm chọe và rồi ngay lập tức lấy tay kia giữ yên nó bằng (hoặc trong một số trường hợp là bằng chính tay đập), tạo ra âm vang rền. Bộ trống trong metal thường lớn hơn nhiều so với những bộ trống dùng trong các loại hình nhạc rock khác.[7] Black metal, death metal và một vài ban nhạc "mainstream metal" "đều phụ thuộc vào double-kick và blast beat".[18]
Trong biểu diễn trực tiếp, độ ầm ĩ – tức "công phá âm thanh" theo miêu tả của nhà xã hội học Deena Weinstein – được xem là yếu tố không thể thiếu.[4] Trong cuốn sách Metalheads, nhà tâm lý học Jeffrey Arnett ví các buổi hòa nhạc heavy metal là "mang cảm giác tương đương với chiến trận".[19] Tiếp nối sự dẫn dắt của Jimi Hendrix, Cream và the Who, các nghệ sĩ heavy metal đời đầu như Blue Cheer đã đặt ra những chuẩn mực âm lượng mới. Như Dick Peterson của Blue Cheer chia sẻ: "Tất cả những gì bọn tôi biết là bọn tôi muốn nhiều sức mạnh hơn."[20] Một bài đánh giá buổi hòa nhạc của Motörhead vào năm 1977 lưu ý cách mà "âm lượng cực khủng đã thể hiện tác động của ban nhạc cụ thể ra sao".[21] Weinstein cho rằng tương tự như giai điệu là yếu tố chính của nhạc pop còn nhịp điệu là trọng tâm chính của nhạc house, âm thanh, âm sắc và âm lượng mạnh mẽ là những yếu tố chủ chốt của metal. Cô nhận định rằng độ ầm ĩ được tạo ra để "cuốn thính giả vào âm thanh" và mang đến "sinh khí của tuổi trẻ".[4]
Trước thập niên 1980, các nghệ sĩ trình diễn heavy metal có xu hướng gần như bị nam giới chi phối.[22] Cho đến khoảng giữa thập niên 1980,[23] một vài ngoại lệ như Girlschool đã xuất hiện.[22] Tuy nhiên đến thập niên 2010, phụ nữ đang tạo ra nhiều tác động hơn,[24][25] và Craig Hayes của PopMatters nhận xét rằng nhạc metal "rõ ràng đang làm tăng cường quyền của nữ giới".[26] Trong các tiểu thể loại power metal and symphonic metal, có một số lượng lớn các ban nhạc chọn phụ nữ làm ca sĩ chính như Nightwish, Delain và Within Temptation.
Ngôn ngữ âm nhạc
sửaNhịp điệu và tiết tấu
sửaNhịp trong các bài hát metal rất mạnh mẽ với những chỗ nhấn âm có chủ đích. Weinstein nhận xét rằng dải hiệu ứng âm thanh lớn dành cho các tay trống chơi metal khiến cho "mẫu hình nhịp thêm phần phức tạp với tính nhất quán và điều khiển mạnh mẽ".[7] Ở nhiều bài hát heavy metal, phần groove chính có đặc điểm là những nhịp ngắn hai- hoặc ba-nốt – thường được cấu thành từ nốt móc đơn hoặc nốt móc kép. Những nhịp này thường được trình bày kèm với một đoạn ngắt âm - được tạo ra nhờ sử dụng kỹ thuật palm-mute trên rhythm guitar.[27]
Những tế bào nhịp ngắn gọn, đột ngột và rời rạc được nối thành các cụm nhịp với kết cầu đặc biệt, mà thường là giật cục. Những cụm nhịp này được dùng để tạo ra phần đệm nhịp và hình nhịp giai điệu gọi là riff - giúp xây dựng các câu hook liên quan. Các bài hát heavy metal còn sử dụng hình nhịp dài hơn như hợp âm nốt tròn- hoặc dấu chấm dôi ở các bản nhạc power ballad nhịp chậm. Tiết tấu trong nhạc heavy metal sơ khai có xu hướng "chậm, thậm chí là nặng nền".[7] Tuy nhiên đến cuối thập niên 1970, các ban nhạc metal đã sử dụng nhiều loại nhịp khác nhau, và gần đây nhất vào những năm 2000, nhịp nhạc metal trải dài từ nhịp ballad chậm (nốt đen = 60 phách/phút) cho tới nhịp blast beat cực kỳ nhanh (nốt đen = 350 phách/phút).[17]
Hòa âm
sửaMột đặc trưng của thể loại này là hợp âm năm trên guitar.[28] Về mặt kỹ thuật, hợp âm năm tương đối đơn giản: nó chỉ gồm một quãng chính, thường là quãng năm đúng, song quãng tám có thể được thêm để nhân đôi hợp âm chủ. Khi đánh hợp âm năm trên dây đàn thấp hơn ở âm lượng lớn và cùng với distortion, có thể tạo ra âm tần số thấp bổ sung, bổ sung thêm "sức nặng của âm thanh" và tạo nên hiệu ứng "năng lượng áp đảo".[29] Dẫu cho quãng năm đúng là phổ biến nhất với hợp âm năm,[30] song hợp âm năm cũng dựa trên các quãng khác như quãng ba thứ, quãng ba trưởng, quãng bốn đúng, quãng năm giảm hoặc quãng sáu thứ.[31] Đa số hợp âm năm được trình tấu với cách sắp xếp vị trí ngón tay nhất quán, để có thể dễ dàng trượt ngón lên và xuống trên phím đàn.[32]
Cấu trúc hòa âm điển hình
sửaHeavy metal thường được dựa trên các câu riff với ba đặc điểm hòa âm chính: tiến trình âm giai điệu thức, quãng tam cung và tiến trình nửa cung, và sử dụng các âm nền. Heavy metal truyền thống có xu hướng sử dụng các âm giai điệu tính, đặc biệt là điệu tính Aeolia và điệu tính Phrygia.[33] Về mặt hòa âm mà nói, thể loại này thường kết hợp các tiến trình hợp âm điệu tính như tiến trình Aeolia I-♭VI-♭VII, I-♭VII-(♭VI), or I-♭VI-IV-♭VII và tiến trình Phrygia, ngầm thể hiện quan hệ giữa I và ♭II (ví dụ như I-♭II-I, I-♭II-III hay I-♭II-VII). Quan hệ âm giai bảy nốt hoặc quãng tam cung với âm sắc căng thẳng được sử dụng trong một số tiến trình hợp âm nhạc metal.[34][35] Bên cạnh việc sử dụng quan hệ hòa âm điệu tính, heavy metal cũng sử dụng "âm giai ngũ cung và nhạc lý gốc blues".[36]
Quãng tam cung (quãng dài tới ba cung – ví dụ như từ Đô tới Fa#) được các chuyên gia âm nhạc thòi Trung Cổ và thời Khai sáng nhận xét là cực kỳ nghịch tai và bất ổn. Nó thường có biệt danh là diabolus in musica – "ác quỷ trong âm nhạc".[37][38]
Các bài hát heavy metal sử dụng dày đặc âm nền làm cơ sở hòa âm. Âm nền là tông điệu duy trì liên tục, thường là ở dải âm trầm, trong đó có ít nhất là một hòa âm lạ (ví dụ như quãng nghịch) ở những đoạn nhạc khác.[39] Theo Robert Walser, quan hệ hòa âm của heavy metal "thường khá phức tạp" và phép phân tích hòa âm do các nghệ sĩ và giáo viện dạy nhạc metal thực hiện "thường cực kỳ rắc rối".[40] Trong nghiên cứu về cấu trúc hợp âm heavy metal, giới học giả kết luận rằng "nhạc heavy metal thể hiện độ phức tạp lớn hơn nhiều" so với góc nhìn của các nhà nghiên cứu âm nhạc khác.[36]
Quan hệ với nhạc cổ điển
sửaRobert Walser nhận định rằng, cùng với nhạc blues và R&B, "tập hợp các phong cách âm nhạc khác nhau được gọi... là 'nhạc cổ điển'" đã có tác động lớn đến heavy metal từ những ngày đầu của dòng nhạc, và "đa số các nhạc sĩ giàu ảnh hưởng nhất [của nhạc metal] là những nghệ sĩ guitar cũng theo học nhạc cổ điển. Nhờ phóng tác và áp dụng các nguyên mẫu nhạc cổ điển mà họ đã khơi dậy sự phát triển một loại kỹ thuật thượng thừa [và] thay đổi mới của cổ điển trong ngôn ngữ hòa âm và giai điệu của heavy metal."[41]
Ở một bài báo viết cho Grove Music Online, Walser bình luận rằng "thập niên 1980 mang đến... đông đảo sự phóng tác các tiến trình hợp âm và kỹ thuật chơi xuất chúng từ các nguyên mẫu của châu Âu từ thế kỷ 18, đặc biệt là Bach và Antonio Vivaldi, đến từ các nghệ sĩ guitar giàu ảnh hưởng như Ritchie Blackmore, Marty Friedman, Jason Becker, Uli Jon Roth, Eddie Van Halen, Randy Rhoads và Yngwie Malmsteen."[42] Kurt Bachmann của nhóm Believer cho rằng "nếu làm đúng cách thì nhạc metal và cổ điển khá là hợp nhau. Nhạc cổ điển và metal có thể là hai thể loại có nhiều điểm chung nhất khi nhắc đến cảm âm, kết cấu, độ sáng tạo."[43]
Tuy một số nhạc sĩ metal thường nhắc đến các nhà soạn nhạc làm cảm hứng, nhạc cổ điển và metal có gốc rễ ở nhiều truyền thống và thực hành văn hóa khác nhau – nhạc cổ điển theo truyền thống nhạc nghệ thuật, còn metal thì theo truyền thống nhạc đại chúng. Như chuyên gia âm nhạc Nicolas Cook và Nicola Dibben lưu ý: "Đôi khi những phép phân tích âm nhạc đại chúng tiết lộ ảnh hưởng của 'truyền thống nghệ thuật.' Ví dụ là việc Walser liên hệ nhạc heavy metal với các hệ tưởng, thậm chí là một vài thực hành diễn tấu của chủ nghĩa lãng mạn ở thế kỷ 19. Tuy nhiên, sẽ là cực kỳ nhầm lẫn nếu cho rằng những truyền thống như nhạc blues, rock, heavy metal, rap hay dance đa phần xuất phát từ "nhạc nghệ thuật.'"[44]
Chủ đề ca từ
sửaTheo David Hatch và Stephen Millward, Black Sabbath và nhiều ban nhạc heavy metal hậu bối được họ truyền cảm hứng chú trọng viết phần ca từ về "đề tài đen tối u uất ở mức độ chưa từng có tiền lệ ở bất kỳ loại nhạc pop nào." Họ trích ví dụ ở album thứ hai Panoid (1970) của Black Sabbath, album "đưa vào những bài hát nói về chấn thương tâm lý - 'Paranoid' và 'Fairies Wear Boots' (bài này mô tả tác dụng phụ đáng sợ của sử dụng ma túy), cũng như những bài về các vấn đề nghiêm trọng hơn, như hai bài tự diễn giải 'War Pigs' và 'Hand of Doom.'"[45] Xuất phát từ gốc rễ ở nhạc blues, tình dục là một đề tài quan trọng nữa trong heavy metal. Chủ đề ấy trải dài từ phần lời ca khúc có tính gợi mở của Led Zeppelin cho đến những câu từ phản cảm hơn của các ban nhạc glam metal và nu metal.[46]
Từ lâu, nội dung chủ đề của heavy metal đã trở thành đề tài bị chỉ trích. Theo lời Jon Pareles: "Đối tượng chủ đề chính của heavy metal vừa đơn giản vừa phổ biến. Với tiếng khịt ngắn, rền rĩ và phần lời ca khúc dưới văn học, dòng nhạc tôn vinh ... một bữa tiệc không giới hạn... Điểm chính của phần nhạc thì theo lối cách cách điệu và không theo khuôn khổ nào."[1] Các nhà phê bình âm nhạc thường phê phán phần ca từ của nhạc metal là dành cho thanh thiếu niên và tầm thường. Một bộ phận khác thì phản đối khi cho rằng thể loại ủng hộ kỳ thị nữ giới và giáo phái.[47] Ở thập niên 1980, the Trung tâm nguồn âm nhạc của phụ huynh (tiếng Anh: Parents Music Resource Center, viết tắt là PMRC) nộp đơn thỉnh cầu Quốc hội Hoa Kỳ quản lý ngành công nghiệp âm nhạc đại chúng do nhóm khẳng định rằng phần lời các bài hát đáng bị lên án, đặc biệt trong những bài nhạc heavy metal.[48] Andrew Cope cho rằng những phát ngôn chỉ ra phần lời bài hát heavy metal có yếu tố kỳ thị phụ nữ đúng là "quá lầm lạc", vì những nhà phê bình này "không chú ý đến quá nhiều bằng chứng cho thấy điều ngược lại". Nhà phê bình Robert Christgau xem nhạc metal là "phương thức biểu đạt mà đôi khi sẽ vẫn tồn tại, chừng nào những chàng trai da trắng bình thường còn sợ gái, tự thương hại mình và được phép nổi cơn thịnh nộ chống lại thế giới mà họ sẽ chẳng bao giờ đánh bại nổi".[49]
Những nghệ sĩ heavy metal phải bảo vệ lời ca khúc của họ trước tòa án và Thượng viện Hoa Kỳ. Năm 1985, giọng ca Dee Snider của Twisted Sister được đề nghị bảo vệ ca khúc "Under the Blade" tại một phiên điều trần của Thượng viện Hoa Kỳ. Tại phiên điều trần, PMRC cáo buộc bài hát nói về khổ dâm và cưỡng hiếp. Snider thì đáp bài hát nói về ca phẫu thuật cổ họng của đồng đội trong ban nhạc.[50] Năm 1986, Ozzy Osbourne bị kiện vì phần lời trong bài hát "Suicide Solution".[51] Người đâm đơn kiện Osbourne là phụ huynh của John McCollum - cậu thiếu niên mắc chứng u sầu, được cho đã tự sát sau khi nghe bài hát của Osbourne. Osbourne không phải chịu trách nhiệm cho cái chết của cậu bé. Năm 1990, Judas Priest bị phụ huynh của hai thanh niên trẻ kiện ra tòa án Mỹ sau khi hai cậu kia nổ súng tự sát năm năm trước, chúng được cho là đã nghe câu nói kích thích ngầm "hãy làm đi" ("do it") trong bản cover bài "Better by You, Better than Me" của ban nhạc.[52] Khi mà vụ án gây được sự chú ý lớn của giới truyền thông, thì cuối cùng nó lại bị bác bỏ.[48] Năm 1991, cảnh sát Anh tịch thu các đĩa nhạc death metal của hãng thu âm Anh Earache Records, song "truy tố hãng này tội trữ đồ khiêu dâm không thành".[53]
Ở một số quốc gia mà tín đồ Hồi giáo chiếm số đông, heavy metal chính thức bị lên án là mối đe dọa tới các giá trị truyền thông. Ở những nước như Ai cập, Maroc, Malaysia, và Liban, đã xảy ra những sự việc nhạc sĩ và người hâm mộ heavy metal bị bắt giữ và bỏ tù.[54] Năm 1997, cảnh sát Ai Cập bắt giữ nhiều thanh thiếu niên mê nhạc metal, họ bị cáo buộc "thờ quỷ"và báng bổ sau khi cảnh sát phát hiện các đĩa nhạc metal trong khi lục soát nhà họ.[53] Năm 2013, Malaysia cấm Lamb of God biểu diễn ở đất nước mình, với lý do "lời ca khúc của ban nhạc có thể được giải thích là vô cảm với tôn giáo" và báng bổ. Một số người xem nhạc heavy metal là yếu tố chính gây ra các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần, và người hâm mộ heavy metal bị mắc bệnh tâm thần hơn, nhưng một nghiên cứu vào năm 2009 chỉ ra rằng điều này không đúng sự thật và người hâm mộ nhạc heavy metal bị mắc bệnh tâm thần với tỉ lệ bằng hoặc thấp hơn so với dân số nói chung.[55]
Thời trang và hình ảnh
sửaVới nhiều nghệ sĩ và ban nhạc, diện mạo đóng vai trò lớn trong heavy metal. Ngoài mặt âm thanh và lời ca khúc, hình ảnh của một ban nhạc heavy metal được thể hiện trên bìa đĩa, logo, thiết kế sân khấu, quần áo, thiết kế nhạc cụ và video âm nhạc.
Tóc dài buông xõa là "đặc điểm phân biệt quan trọng nhất trong thời trang heavy metal". Với nguồn gốc từ tiểu văn hóa hippie, đến thập niên 1980 và 1990, kiểu tóc heavy metal "tượng trưng cho sự căm ghét, lo âu và vỡ mộng của một thế hệ dường như chưa từng cảm thấy như vậy ở nhà", theo nhà báo Nader Rahman. Tóc dài mang lại cho cộng đồng nhạc metal "sức mạnh mà họ cần để nổi loạn trước bất cứ điều gì nói chung".
Đồng phục truyền thống của người hâm mộ heavy metal gồm quần jean màu sáng, rách, sờn hoặc xanh dương nhạt, áo phông, ủng màu đen, áo khoác da màu đen hoặc bằng vải denim. Deena Weinstein viết: "Áo phông thường được in logo hoặc hình ảnh đại diện khác của những ban nhạc metal yêu thích." Ở thập niên, hàng loạt nguồn ảnh hưởng khác nhau từ punk rock và gothic đến phim kinh dị đã tác động đến thời trang nhạc metal. Nhiều nghệ sĩ biểu diễn nhạc metal ở thập niên 1970 và 1980 sử dụng nhạc màu sáng hoặc màu cơ bản để làm nổi bật diện mạo của họ trên sân khấu.[56]
Thời trang và phong cách cá nhân đặc biệt quan trọng với các ban nhạc glam metal thời bấy giờ. Các nghệ sĩ biểu diễn thường để tóc dài, nhuộm hoặc xịt keo (do đó mới có biệt hiệu "hair metal"); trang điểm như son môi và kẻ mắt; mặc quần áo lòe lẹt, gồm áo sơ mi hoặc áo vest in họa tiết da báo và quần da, vải denim hoặc vải spandex bó; và đeo các phụ kiện như băng đô và trang sức. Với nghệ sĩ heavy metal X Japan khởi xướng vào cuối thập niên 1980, các ban nhạc trong trào lưu metal ở Nhật được gọi là visual kei, họ gồm nhiều nhóm nhạc không chơi dòng metal, song nổi bật với phục trang, tóc và trang điểm cầu kỳ.[57]
Động tác hình thể
sửaKhi biểu diễn trực tiếp, nhiều nhạc sĩ metal cũng như khán giả mà họ phục vụ biểu diễn cùng tham gia vào headbanging - động tác lắc lư đầu theo nhịp điệu, thường nổi bật bằng tóc dài. Il cornuto, hay "sừng quỷ" là động tác tay do giọng ca Ronnie James Dio phổ biến trong thời gian ông gắn bó với các ban nhạc Black Sabbath và Dio. Tuy Gene Simmons của Kiss tuyên bố mình là người đầu tiên làm động tác này ở bìa album Love Gun (1977), vẫn có những đồn đoán xem ai mới là người khởi xướng hiện tượng này.
Những người tham dự các buổi hòa nhạc metal không nhảy theo lối thông thường. Điều này được cho là do đối tượng khán giả của dòng nhạc đa phần là nam giới và "hệ tư tưởng dị tính cực đoan". Hai động tác chính được sử dụng là headbanging và giơ hai lòng bàn tay - vừa thể hiện sự thưởng thức nhạc vừa là động tác theo nhịp điệu. Biểu diễn guitar tưởng tượng trở nên phổ biến trong người hâm mộ nhạc metal ở các buổi hòa nhạc và nghe đĩa nhạc tại gia. Theo Deena Weinstein, các buổi hòa nhạc thrash metal có hai yếu tố chính mà các thể loại metal khác không có: nhảy moshing và stage diving - "được du nhập từ tiểu văn hóa punk/hardcore".[58] Weinstein cho rằng những người tham gia nhảy moshing va người và xô đẩy nhau khi họ di chuyển theo một vòng tròn trong khu vực được gọi là "pit" gần sân khấu. Những người nhảy stage diving thì trèo lên sân khấu cùng ban nhạc rồi "nhảy xuống chỗ khán giả".[58]
Tiểu văn hóa hâm mộ
sửaMột số người tranh luận rằng heavy metal đã tồn tại lâu hơn nhiều thể loại nhạc rock khác chủ yếu do sự có mặt của một tiểu văn hóa sôi nổi, có tính loại trừ và cực kỳ nam tính. Khi mà nhóm người hâm mộ metal chủ yếu là người trẻ, da trắng, nam giới và lao động chân tay, thì nhóm người này "khoan dung với những người nằm ngoài phần nhân khẩu chính của nhóm, song tuân theo các quy tắc về trang phục, ngoại hình và hành vi của nhóm". Sự đồng nhất với tiểu văn hóa này không chỉ được củng cố nhờ trải nghiệm đi dự hòa nhạc và chia sẻ yếu tố thời trang của nhóm, mà còn bởi sự đóng góp cho các tạp chí, và gần đây hơn là trang web nhạc metal. Đặc biệt, việc tham dự các buổi hòa nhạc trực tiếp được mệnh danh là "phép giao thiệp thiêng liêng nhất của heavy metal".
Giới nhạc metal được miêu tả là "tiểu văn hóa của sự cô lập" với quy tắc chính danh riêng. Quy tắc này đặt ra một số yêu cầu với những nghệ sĩ biểu diễn: họ phải thể hiện mình hoàn toàn tận hiến với âm nhạc và trung thành với tiểu văn hóa ủng hộ nhạc của họ; họ phải tỏ ra không bận tâm với sức hút của đại chúng và các bài hit phát thanh; và họ không bao giờ được phép "phản bội vì lợi ích tài chính". Deena Weinstein nhận định rằng với chính người hâm mộ, quy tắc này làm thúc đẩy "phản kháng trước quyền lực đã được định hình, và tách biệt khỏi phần còn lại của xã hội".
Nhạc sĩ kiêm nhà làm phim Rob Zombie nhận định: "Đa số bọn trẻ đến show của tôi dường như là những đứa thật giàu trí tưởng tự, với rất nhiều năng lượng sáng tạo mà chúng không biết phải xử lý ra sao" và nhạc metal là "âm nhạc lạc loài dành cho những kẻ lạc loài. Chẳng ai muốn là đứa trẻ lập dị hết; chỉ là bằng cách nào đó bạn lại trở thành trẻ lập dị thôi. Đại loại là vậy, nhưng với metal thì bạn có được tất cả những đứa trẻ lập dị tập trung ở một nơi." Các học giả nhạc metal lưu ý rằng người hâm mộ thường phân loại và phản đối một vài nghệ sĩ biểu diễn (và một bộ phận người hâm mộ khác) là "kẻ làm màu" (poseur) - họ là "những người giả vờ thuộc tiểu văn hóa, song thiếu sự cam kết và thành thật".
Nguyên ngữ học
sửaNguồn gốc của thuật ngữ "heavy metal" trong âm nhạc hiện chưa rõ. Trong hàng thế kỷ, cụm từ được sử dụng trong hóa học và luyện kim. Ở những lĩnh vực đó, bảng tuần hoàn sắp xếp các nguyên tố của kim loại nhẹ và kim loại nặng (ví dụ như urani). Nhà văn phản kháng William S. Burroughs là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ trong văn hóa đại chúng hiện đại. Cuốn tiểu thuyết The Soft Machine (1961) có đưa vào một nhân vật được gọi là "Uranian Willy, the Heavy Metal Kid". Cuốn tiểu thuyết tiếp theo của Burroughs có nhan đề Nova Express (1964), phát triển đề tài này, ông sử dụng "heavy metal" làm ẩn dụ cho thuốc gây nghiện: "Với thuốc kích thích, những căn bệnh chúng gây ra và dạng sống ký sinh phi giới tính của chúng—những người heavy metal của Thiên Vương Tinh bị bao phủ trong làn sương xanh mát lạnh của những tờ tiền bốc hơi—và những nhân vật côn trùng của hành tinh Minraud bằng nhạc metal." Lấy cảm hứng từ các tiểu thuyết của Burroughs,[59] thuật ngữ được nhóm Hapshash and the Coloured Coat sử dụng trong tựa album Featuring the Human Host and the Heavy Metal Kids (1967) - đây được xem là trường hợp đầu tiên sử dụng cụm từ trong âm nhạc.[60] Sau đó Sandy Pearlman chọn sử dụng cụm từ để miêu tả "phong cách nhôm về mặt ngữ cảnh và hiệu ứng" của nhóm the Byrds, đặc biệt ở album The Notorious Byrd Brothers (1968).[61]
Nhà sử học metal Ian Christe miêu tả những thành phần cấu tạo nên thuật ngữ trong "lối nói của dân hippie": "heavy" gần như đồng nghĩa với "mạnh mẽ" hoặc "sâu sắc", còn "metal" chỉ một loại tâm trạng nhất định, áp đảo và nặng đô như với kim loại. Theo nghĩa này, từ "heavy" là yếu tố cơ bản trong từ lóng của dân beatnik và sau đó là của dân hippie thuộc văn hóa phản kháng, và ám chỉ đến "nhạc nặng" - thường có tiết tấu chậm hơn, các biến thể của nhạc pop tiêu chuẩn được khuếch đại hơn - trở nên phổ biến vào giữa thập niên 1960, ví dụ như liên hệ đến Vanilla Fudge. Đầu năm 1968, album đầu tay của Iron Butterfly có tựa đề Heavy được phát hành. Bài hát đầu tiên sử dụng từ "heavy metal" trong phần ca từ là bài hát "Born to Be Wild" của Steppenwolf - cũng được phát hành năm ấy: "I like smoke and lightning / Heavy metal thunder / Racin' with the wind / And the feelin' that I'm under".
Tài liệu đầu tiên ghi chép về cụm từ trong phê bình nhạc rock xuất hiện trong bài đánh giá abum Got Live If You Want It (1966) của the Rolling Stones do Sandy Pearlman chắp bút - được đăng trên tạp chí Crawdaddy vào tháng 2 năm 1967. Tuy nhiên ông sử dụng từ này để miêu tả về âm thanh thay vì thể loại nhạc: "Trong album này, the Stones chơi [âm thanh] metal. Công nghệ đang nằm trên cái yên xe - dưới dạng một lý tưởng và phương pháp."[62][nb 1] Một tài liệu nữa xuất hiện trong ấn bản của Rolling Stone ra mắt ngày 11 tháng 5 năm 1968, khi mà Barry Gifford viết về album A Long Time Comin' của ban nhạc người Mỹ Electric Flag: "Chẳng một ai nghe [nhạc của] Mike Bloomfield - bất kể là bật đĩa hay chơi nhạc - trong mấy năm qua có thể mong đợi điều này. Đây là thứ nhạc soul mới, tổng hợp của nhạc blues trắng và nhạc rock heavy metal." Trong ấn bản của Seattle Daily Times ra ngày 7 tháng 9 năm 1968, cây bút Susan Schwartz viết rằng the Jimi Hendrix Experience "sở hữu một âm thanh nhạc blues heavy-metal". Tháng 1 năm 1970, trong bài đánh giá tác phẩm Led Zeppelin II cho Village Voice, Lucian K. Truscott IV miêu tả phần âm thanh là "nặng" ("heavy") và đưa ra so sánh với Blue Cheer và Vanilla Fudge.[64]
Những tài liệu khác lần đầu ghi chép về sử dụng cụm từ là các bài đánh giá của nhà phê bình Metal Mike Saunders. Trong số ra ngày 12 tháng 11 năm 1970 của ấn phẩm Rolling Stone, ông bình luận về một album ra mắt một năm trước của an nhạc người Anh Humble Pie: "Safe as Yesterday Is - sản phẩm đầu tiên của nhóm ở Mỹ - là minh chứng cho thấy Humble Pie có thể gây nhàm chán theo nhiều cách khác nhau. Ở [album này], họ là một ban nhạc dở chơi om sòm, không giai điệu và nặng về heavy metal với các phần om sòm và huyên náo chẳng phải bàn cãi. Có một vài ca khúc hay... và một đống rác khổng lồ." Ông miêu tả đĩa nhạc tự phát hành - sản phẩm mới nhất của nhóm là "hơn cả thứ rác rưởi heavy metal hạng 27".[65]
Trong bài đánh giá album Kingdom Come của Sir Lord Baltimore trong số báo của Creem vào tháng 5 năm 1971, Saunders viết: "Sir Lord Baltimore dường như đã thành thục tất cả những chiêu trò heavy metal hay nhất trong sách."[66] Nhà phê bình Lester Bangs của ấn phẩm Creem được ghi nhận là người phổ biến thuật ngữ qua những bài luận về các ban nhạc như Led Zeppelin và Black Sabbath vào đầu thập niên 1970. Suốt thập kỷ đó, một số nhà phê bình sử dụng từ "heavy metal" gần như để mang hàm ý bôi bác. Năm 1979, nhà phê bình âm nhạc John Rockwell của New York Times miêu tả "heavy-metal rock" theo cách hiểu của mình là "thứ nhạc kích động bạo lực chủ yếu dành cho những tâm trí bị ma túy che mờ". Trong một bài viết khác ông lại miêu tả cụm từ là "thổi phồng những điều cơ bản của nhạc rock một cách lỗ mãng, hấp dẫn các thanh thiếu niên da trắng".
"Downer rock" (do tay trống Bill Ward của Black Sabbath nghĩ ra) là một trong những thuật ngữ đầu tiên được dùng để miêu tả phong cách nhạc, và được áp dụng để chỉ các nghệ sĩ như Sabbath và Bloodrock. Tạp chí Classic Rock miêu tả văn hóa downer rock xoay quanh việc sử dụng Quaaludes và uống rượu.[67] Về sau cụm từ bị thay thế thành "heavy metal".[68]
Trước đó, khi "heavy metal" xuất phát một phần từ nhạc psychedelic rock nặng - hay còn gọi là acid rock, "acid rock" thường được sử dụng luân phiên với "heavy metal" và "hard rock". "Acid rock" thường miêu tả nhạc psychedelic rock nặng, thô ráp hoặc gay gắt. Chuyên gia âm nhạc học Steve Waksman bình luận: "đôi lúc, khác biệt giữa acid rock, hard rock và heavy metal có thể chẳng quá đáng kể", còn nghệ sĩ chơi bộ gõ John Beck định nghĩa "acid rock" là đồng nghĩa với hard rock và heavy metal.[69]
Ngoài "acid rock", các thuật ngữ "heavy metal" và "hard rock" thường được sử dụng luân phiên, đặc biệt để chỉ các ban nhạc ở thập niên 1970 - thời gian mà những thuật ngữ này đa phần là đồng nghĩa. Ví dụ, ấn bản của Rolling Stone Encyclopedia of Rock & Roll (1983) có đoạn viết như sau: "Nổi bật với phong cách hard rock kích động gốc blues, Aerosmith là ban nhạc heavy metal hàng đầu của Mỹ ở giữa thập niên 70".
Tay bass Gene Simmons của Kiss bình phẩm: "Thuật ngữ 'heavy metal' đang tự hủy hoại mình... Khi tôi nghĩ tới heavy metal, tôi luôn nghĩ đến yêu tinh, người lùn, hoàng tử và công chúa độc ác. Rất nhiều tác phẩm của Maiden và Priest mới là những đĩa nhạc metal thực thụ. Tôi cam đoan là địa ngục chẳng nghĩ nhạc metal của Metallica hay Guns N' Roses là metal, hay Kiss là nhạc metal đâu. Metal chẳng liên quan đến việc mặt đất nứt ra và những chú lùn nhỏ cưỡi giống xuất hiện! Bạn biết đấy, như những đĩa nhạc dở của Dio vậy."[70]
Lịch sử thể loại
sửaTiền thân: thập niên 1950 đến cuối thập niên 1960
sửaPhong cách guitar tinh túy của heavy metal được xây dựng các đoạn riff nặng dùng distortion và hợp âm năm, có nguồn từ đầu thập niên 1950, với các nghệ sĩ guitar Memphis blues như Joe Hill Louis, Willie Johnson và đặc biệt là Pat Hare.[71][72] Hare đã tái hiện được "âm thanh guitar điện cực kỳ mạnh mẽ, dữ dội hơn" trong các đĩa nhạc như "Cotton Crop Blues" (1954) của James Cotton.[72] Những nguồn ảnh hưởng đầu tiên gồm các bản nhạc khí của Link Wray ở cuối thập niên 1950, đặc biệt là bài "Rumble" (1958); nhạc surf rock của Dick Dale đầu thập niên 1960, gồm cả bài "Let's Go Trippin'" (1961) và "Misirlou" (1962); và bản cover bài "Louie Louie" (1963) của The Kingsmen - tác phẩm trở thành tiêu chuẩn của garage rock.
Tuy nhiên, tiền thân trực tiếp của dòng nhạc bắt đầu ở giữa thập niên 1960. Nhạc blues của Mỹ là nguồn ảnh hưởng lớn tới những nghệ sĩ rock Anh thời bấy giờ. Những ban nhạc như The Rolling Stones và The Yardbirds đã phát triển blues rock nhờ thu các bản cover của những ca khúc nhạc blues truyền thống, và họ thường tăng tiết tấu. Khi họ thể nghiệm với âm nhạc, các ban nhạc blues của Anh (và cả những nghệ sĩ người Mỹ chịu ảnh hưởng từ họ) đã phát triển những đặc trưng sau này của heavy metal (đặc biệt là thứ âm thanh ầm ĩ và sử dụng distortion). The Kinks đóng vai trò lớn trong việc phổ biến thứ âm thanh này bằng bài hit "You Really Got Me" (1964).
Bên cạnh Dave Davies của The Kinks, những nghệ sĩ guitar khác như Pete Townshend của The Who và Jeff Beck của The Yardbirds thử nghiệm với hiệu ứng feedback. Trong khi phong cách chơi trống của blues rock bắt đầu chủ yếu là nhịp shuffle đơn giản trên những chiếc trống nhỏ, các tay trống bắt đầu sử cách tiếp cận mạnh mẽ, phức tạp và ầm ĩ hơn, và tiếng trống của họ có thể nghe được so với tiếng guitar ngày càng ầm ĩ. Tương tự, những giọng ca đã điều chỉnh kỹ thuật và tăng cường phụ thuộc vào âm lượng to hơn, họ thường thể hiện màu sắc cách điệu và giàu tính kịch hơn. Về mặt âm lượng tuyệt đối (sheer volume), đặc biệt là các buổi trình diễn trực tiếp, cách tiếp cận "bigger-louder-wall-of-Marshall" của The Who là nền tảng cho sự phát triển của âm thanh heavy metal sau này.
Sự kết hợp giữa thứ nhạc blues rock nặng và ầm ĩ với psychedelic rock và acid rock đã tạo nên phần lớn nền tảng đầu tiên của heavy metal. Biến thể (hay tiểu thể loại) của psychedelic rock (thường được gọi là "acid rock") đặc biệt giàu sức ảnh hưởng trong heavy metal và sự phát triển của dòng nhạc. Acid rock thường được định nghĩa là biến thể psychedelic rock nặng hơn, ầm ĩ và gay gắt hơn, hoặc là mặt cực hạn hơn của thể loại psychedelic rock. Acid rock thường mang âm thanh chú trọng guitar, sử dụng nhiều distortion, ầm ĩ và ngẫu hứng. Acid rock thường được miêu tả là psychedelic rock ở hình thái "thô ráp và dữ dội nhất", chú trọng vào âm sắc nặng hơn - gắn liền với cả hai thái cực tích cực và tiêu cực của trải nghiệm thức thần, thay vì chỉ có mặt bình yên của sự thức thần.[73] Trái ngược với loại nhạc pop psychedelic rock bất thường hoặc bình yên hơn, các ban nhạc garage acid rock như 13th Floor Elevators là minh chứng tiêu biểu cho thứ âm thanh psychedelic rock hối hả, nặng hơn, u tối và loạn thần hơn, được gọi là acid rock. Đặc trưng của thứ âm thanh ấy là các đoạn guitar riff sử dụng drone, feedback của âm ly, và distortion của guitar, trong khi âm thanh của 13th Floor Elevators đặc biệt có cả tiếng hát kêu chói ti và phần lời ca khúc "đôi khi mất trí".[74] Frank Hoffman lưu ý: "Đôi khi [Psychedelic rock] được gọi là 'acid rock'. Nhãn 'acid rock" được dùng để biến thể hard rock nhịp mạnh thình thịch, được phát triển từ trào lưu garage-punk ở thập niên 1960. ... Khi nhạc rock bắt đầu quay lại với âm thanh mềm mỏng, hướng sang nhạc roots ở cuối năm 1968, thì các ban nhạc acid-rock lại chuyển mình thành các nghệ sĩ heavy metal."
Một trong những ban nhạc giàu sức ảnh hưởng nhất khi tạo ra sự kết hợp psychedelic rock và acid rock với thể loại blues rock là nhóm tam tấu rock người Anh Cream. Họ đã tạo nên thứ âm thanh nặng trịch, dữ dội từ các đoạn riff đồng âm giữa nghệ sĩ guitar Eric Clapton và nghệ sĩ bass Jack Bruce, cũng như tiếng trống double bass của Ginger Baker. Hai đĩa LP của nhóm gồm Fresh Cream (1966) và Disraeli Gears (1967) được xem là nguyên mẫu thiết yếu cho phong cách tương lai của heavy metal. Album đầu tayAre You Experienced (1967) của The Jimi Hendrix Experience cũng cực kỳ giàu sức ảnh hưởng. Kỹ thuật siêu hạng của Hendrix được nhiều nghệ sĩ guitar bắt chước theo, còn "Purple Haze" (đĩa đơn thành công nhất trong album) được một số người xem là bài hit heavy metal đầu tiên. Vanilla Fudge (từng ra mắt album đầu tiên cũng trong năm 1967) vừa được được xem là "một trong số ít nhóm của Mỹ liên kết giữa thức thần (psychedelia) và chất liệu sẽ trở thành heavy metal,"[75] vừa được coi là nhóm nhạc heavy metal đời đầu của Mỹ.[76] Ở album đầu tay trùng tên, Vanilla Fudge đã tạo nên "các phần chuyển soạn ầm ĩ, nặng và chậm rãi" của những bài hit đương thời, thổi luồng sinh lực dữ dội vào những bài hát này thành "những mảng miếng hoành tráng" và "tắm chúng trong một làn sương siêu thực có dùng distortion".[75]
Ở cuối thập niên 1960, nhiều ca sĩ hát psychedelic (như Arthur Brown) bắt đầu tạo nên những tiết mục lạ lẫm, nặng tính kịch và thường có tính ghê rợn - tác động đến nhiều nghệ sĩ metal.[77][78][79] Ban nhạc psychedelic rock người Mỹ Coven (từng diễn mở màn cho các nghệ sĩ heavy metal gây sức ảnh hưởng đầu tiên như Vanilla Fudge và the Yardbirds) đã tự nhập vai thành những người thực hành thuật phù thủy hoặc phép thuật đen, họ sử dụng phần hình ảnh tối màu (satan hoặc thần bí học) trong lời ca khúc, bìa album và các tiết mục biểu diễn trực tiếp - gồm cả những lễ nghi kịch nghệ "Satanic rites". Album đầu tay Witchcraft Destroys Minds & Reaps Souls (1969) của Coven sử dụng hình ảnh những chiếc đầu lâu, tà lễ, thánh giá ngược và tôn thờ Satan. Cả hai bìa album và các màn trình diễn trực tiếp của ban nhạc đã đánh dầu lần đầu tiên xuất hiện ký hiệu sừng trong nhạc rock - về sau trở thành động tác tối quan trọng trong văn hóa heavy metal.[80][81] Những ảnh hưởng lên mặt ca từ và mang màu sắc giai điệu lên heavy metal nhanh chóng bị lu mờ bởi thứ âm thanh u tối và nặng trịch của Black Sabbath.[80][81]
Nguồn gốc: cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970s
sửaGiới phê bình đang bất đồng về việc nhóm nào mới có thể được xem là ban nhạc heavy metal đầu tiên. Số đông ghi nhận các ban nhạc người Anh Led Zeppelin và Black Sabbath: những bình luận viên người Mỹ thường ưa chuộng Led Zeppelin, còn những bình luận Anh thì lại ưa chuộng Black Sabbath, song cũng nhiều người cho rằng cả hai ban nhạc được ghi công như nhau. Đôi khi Deep Purple (ban nhạc thứ ba - nằm trong "bộ ba bất hảo" của heavy metal cùng Led Zeppelin và Black Sabbath) lại sở hữu phong cách giao thoa nhiều phong cách nhạc rock cho tới năm 1969 - thời điểm họ theo hướng heavy metal. Một số bình luận viên (chủ yếu là người Mỹ) lại nhận định rằng những nhóm nhạc khác - gồm Iron Butterfly, Steppenwolf, Blue Cheer hay Vanilla Fudge - mới là những người đầu tiên chơi heavy metal.
Năm 1968, loại âm thanh (sẽ thành hình heavy metal sau này) đã bắt đầu hợp nhất. Tháng 1 năm ấy, ban nhạc San Francisco Blue Cheer phát hành bản cover danh tác kinh điển "Summertime Blues" của Eddie Cochran để đưa vào album phòng thu nhóm mang tên Vincebus Eruptum, và nhiều người xem đây là đĩa nhạc heavy metal đích thực đầu tiên.[82] Cùng tháng ấy, Steppenwolf phát hành album đầu tay trùng tên nhóm, mà trong album, bài "Born to Be Wild" nhắc đến "tiếng sấm heavy metal" nhằm miêu tả một chiếc xe mô-tô. Vào tháng 7, nhóm nhạc Jeff Beck Group (với thủ lĩnh Jeff Beck từng là tay guitar của The Yardbirds trước Page) đã phát hành đĩa nhạc đầu tay mang tên Truth. Trong album, một số bài có "những tiếng ồn thú vị bộc trực, sắc bén và nung chảy rực rỡ nhất mọi thời đại", mở đường cho những thế hệ 'tiều phu' metal. Vào tháng 9, ban nhạc mới của Page mang tên Led Zeppelin, có buổi trình diễn trực tiếp đầu tiên ở Đan Mạch (song lúc ấy vẫn bị gán tên The New Yardbirds).[83] Album kép cùng tên của ban nhạc The Beatles (phát hành vào tháng 11) có sự xuất hiện của "Helter Skelter" - một trong những ca khúc có âm thanh nặng trịch nhất mà một ban nhạc lớn từng phát hành lúc bấy giờ. Tác phẩm rock opera S.F. Sorrow của The Pretty Things (phát hành vào tháng 12) có xuất hiện các ca khúc "heavy metal nguyên thủy" (proto heavy metal) như "Old Man Going" và "I See You".[84] Đôi khi bài hát "In-A-Gadda-Da-Vida" (1968) của Iron Butterfly được miêu tả ví dụ của sự chuyển giao giữa acid rock và heavy metal,[85] hay bước ngoặt để mà acid rock trở thành "heavy metal".[86] Cả hai album In-A-Gadda-Da-Vida (1968) của Iron Butterfly và Vincebus Eruptum (1968) của Blue Cheer đều được miêu tả là đặt nền móng cho heavy metal và tác động cực lớn để biến đổi acid rock thành heavy metal.
Trong thời kỳ văn hóa phản kháng, MC5 (nhóm nhạc bắt đầu sự nghiệp ở giới nhạc garage rock Detroit) đã phát triển một phong cách thô ráp và có sử dụng distortion - được xem là tác động lớn đến âm thanh tương lai của heavy metal và nhạc punk về sau. The Stooges cũng bắt đầu gây dựng và tác động đến âm thanh của heavy metal và nhạc punk về sau, với những ca khúc như "I Wanna Be Your Dog" - sử dụng các đoạn riff được chơi bằng những hợp âm năm mạnh mẽ và sử dụng distortion trên guitar.[87] Pink Floyd đã phát hành hai ca khúc dữ dội và ầm ĩ nhất của họ tính đến nay là "Ibiza Bar" và "The Nile Song", riêng bài "The Nile Song" được xem là "một trong những bài hát dữ dội nhất mà ban nhạc từng thu âm."[88] Album đầu tay của King Crimson bắt đầu bằng "21st Century Schizoid Man" - ca khúc mà một số nhà phê bình xem là theo tác phẩm heavy metal.
Tháng 1 năm 1969, album đầu tay cùng tên của Led Zeppelin được phát hành và giành vị trí số mười trên bảng xếp hạng album của Billboard. Tháng 7 năm ấy, Led Zeppelin và nhóm tam tấu lấy cảm hứng từ Cream nhưng chơi loại âm thanh thô ráp hơn - có tên gọi Grand Funk Railroad - đã biểu diễn tại nhạc hội Atlanta Pop Festival. Cùng tháng đó, một nhóm tam tấu nữa chịu ảnh hưởng từ do Leslie West làm thủ lĩnh đã phát hành Mountain - album chứa đầy phần guitar blues rock nặng và phần hát nội lực. Vào tháng 8, nhóm nhạc (giờ đây tự xưng là Mountain) đã trình diễn các tiết mục kéo dài cả giờ đồng hồ tại nhạc hội Woodstock, trình bày cho 300.000 khán giả thưởng thức âm thanh đang thành hình của heavy metal.[89] Đặc biệt, bài hit proto-metal hay heavy metal sơ khai "Mississippi Queen" trích từ album Climbing! của Mountain được ghi nhận đã mở đường cho heavy metal và là một trng những bài hát có phần guitar dữ dội đầu tiên được phát sóng thường xuyên trên đài phát thanh.[89][90][91] Tháng 9 năm 1969, the Beatles phát hành album Abbey Road. Trong album, bài "I Want You (She's So Heavy)" được ghi nhận là ví dụ đầu tiên hoặc tác động đến heavy metal hay doom metal.[92] Tháng 10 năm 1969, ban nhạc Anh High Tide ra mắt album nhạc nặng, proto-metal mang tên Sea Shanties.[86]
Led Zeppelin đã định nghĩa những khía cạnh trung tâm của dòng nhạc lúc ấy còn non trẻ, với phong cách chơi guitar sử dụng nhiều distorion của Page và phần hát mang màu sắc kịch và ai oán của Robert Plant. Những ban nhạc khác sở hữu âm thanh metal "thuần túy" và nặng theo hướng nhất quán hơn đã thể hiện tầm quan trọng không kém trong việc hệ thống hóa thể loại. Các tác phẩm của Black Sabbath vào năm 1970 (Black Sabbath - thường được xem là album heavy metal đầu tiên, và Paranoid) và Deep Purple (Deep Purple in Rock) có một vai trò quan trọng trong vai trò kể trên.
Ban nhạc Black Sabbath (nguyên quán Birmingham) đã phát triển loại âm thanh đặc biệt nặng, do nghệ sĩ guitar Tony Iommi gặp tai nạn lao động làm anh bị hỏng hai đầu ngón tay.[93] Do không thể chơi bình thường, Iommi buộc phải hạ tông đàn guitar xuống để dễ bấm hơn và phụ thuộc vào các hợp âm năm với lối bấm đàn tương đối đơn giản. Chính môi trường công nghiệp ảm đạm của giai cấm công nhân Birmingham (thành phố sản xuất chế tạo đầy các nhà máy và đúc kim loại ầm ĩ) được ghi nhận đã tác động đến thứ âm thanh nặng, nổ bập bùng mang màu sắc kim loại của Black Sabbath nói riêng, và âm thanh của heavy metal nói chung.[94][95][96][97]
Deep Purple đã chơi giao thoa nhiều phong cách trong những năm đầu hoạt động, song đến năm 1969, giọng ca Ian Gillan và nghệ sĩ guitar Ritchie Blackmore đã dẫn dắt ban nhạc hướng theo phong cách heavy metal đang phát triển. Năm 1970, Black Sabbath và Deep Purple có được những bài hit lớn đầu tiên bảng xếp hạng âm nhạc của Anh, lần lượt với "Paranoid" và "Black Night".[98][99] Cùng năm ấy, hai ban nhạc Anh khác phát hành album đầu tay cũng theo phong cách heavy metal: Uriah Heep với ... Very 'Eavy ... Very 'Umble và UFO với UFO 1. Bloodrock cũng phát hành album đầu tay trùng tên, sản phẩm này tập hợp các câu riff guitar heavy metal, lối hát cục cằn và phần ca từ ghê sợ. Nhóm nhạc giàu sức ảnh hưởng Budgie mang đến chất âm thanh metal mới vào đội hình ba thành viên, tạo nên một số tác phẩm nhạc nặng nhất thời bấy giờ.[100] Phần lời ca khúc và hình ảnh huyền bí mà Black Sabbath và Uriah Heep sử dụng thể hiện sức ảnh hưởng đặc biệt. Led Zeppelin cũng bắt đầu ưu tiên các yếu tố ấy với album phòng thu thứ tư - được phát hành vào năm 1971. Năm 1973, Deep Purple phát hành ca khúc "Smoke on the Water". Đoạn riff của bài thường được xem là đoan nhạc dễ nhận ra nhất trong lịch sử "heavy rock", tác phẩm là đĩa đơn trích từ album thu trực tiếp kinh điển Made in Japan.[101][102]
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nhóm nhạc tiên phong của heavy metal là Grand Funk Railroad - họ được miêu tả là "ban nhạc heavy metal người Mỹ thành công nhất trên thị trường thương mại từ năm 1970 cho đến khi tan rã vào năm 1976, [họ] đã xây dựng công thức thành công của thập niên 70: đi tour liên tục." Những ban nhạc giàu sức ảnh hưởng khác được cho là theo thể loại metal đã xuất hiện ở Hoa Kỳ như Sir Lord Baltimore (Kingdom Come, 1970), Blue Öyster Cult (Blue Öyster Cult, 1972), Aerosmith (Aerosmith, 1973) và Kiss (Kiss, 1974). Album đầu tay (1970) của Sir Lord Baltimore và cả album đầu tay lẫn album thứ ba trùng tên của Humble Pie nằm trong số những album đầu tiên được mô tả trên ấn phẩm là "heavy metal", khi mà As Safe As Yesterday Is được gọi với thuật ngữ "heavy metal" trong một buổi phỏng vấn của tạp chí Rolling Stone (1970).[103][66][65] Nhiều ban nhạc nhỏ hơn từ Hoa Kỳ, Anh Quốc và lục địa châu Âu, gồm Bang, Josefus, Leaf Hound, Primeval, Hard Stuff, Truth and Janey, Dust, JPT Scare Band, Frijid Pink, Cactus, Irish Coffee, May Blitz, Captain Beyond, Toad, Granicus, Iron Claw và Yesterday's Children. Dẫu cho họ kém tiếng tăm hơn ở ngoài giới nhạc của mình, họ vẫn thể hiện sức ảnh hưởng lớn lên trào lưu metal mới nổi. Tại Đức, Scorpions ra mắt với tác phẩm Lonesome Crow vào năm 1972. Sau khi thành danh trong vai trò nghệ sĩ solo xuất chúng (virtuoso soloist) với album cực kỳ giàu sức ảnh hưởng Machine Head (1972) của Deep Purple, Blackmore đã rời ban nhạc vào năm 1975 để lập nên nhóm Rainbow với Ronnie James Dio - ca sĩ kiêm tay bass của ban nhạc blues rock Elf và là giọng ca tương lai của Black Sabbath lẫn ban nhạc heavy metal Dio. Rainbow với Ronnie James Dio đã mở rộng đề tài và ca từ dựa trên truyện kỳ ảo và huyền bí (đôi khi chúng xuất hiện trong các bài heavy metal), ngoài ra còn là những người tiên phong của các thể loại power metal lẫn neoclassical metal.[104] Những ban nhạc này còn gây dựng được lượng khán giả theo dõi thông qua việc đi tour liên tục và các chương trình sân khấu được đầu tư ngày một kĩ lưỡng.
Hiện đang nảy sinh những tranh luận về việc những ban nhạc này (hoặc những nhóm hoạt động trước đó) có thật sự đủ điều kiện để phân vào "heavy metal" không, hay chỉ đơn giản là "hard rock". Những ban nhạc ấy gần với gốc rễ blues của thể loại hoặc chú trọng giai điệu nhiều hơn - những đặc điểm phổ thông dùng để miêu tả dòng "hard rock". AC/DC (với tác phẩm đầu tay High Voltage ra mắt năm 1975) là ví dụ điển hình. Lời tựa của cuốn bách khoa toàn thư Rolling Stone năm 1983 bắt đầu bằng đoạn viết: "ban nhạc heavy-metal người Úc AC/DC ..." Sử gia nhạc rock Clinton Walker nhận định: "Gọi AC/DC là một ban nhạc heavy metal ở thập niên 70 không còn chính xác với ngày nay. ... [Họ] là một ban nhạc rock 'n' roll, chỉ tình cờ chơi nhạc đủ nặng đối với metal thôi." Vấn đề không chỉ nằm ở thay đổi định nghĩa, mà còn ở sự phân biệt dai dẳng giữa phong cách âm nhạc và sự nhận diện của khán giả. Ian Christe miêu tả cách mà AC/DC "trở thành bàn đạp để một lượng lớn người hâm mộ hard rock tìm đến hủy diệt heavy metal".
Ở một số trường hợp nhất định thì những tranh cãi có phần ít ồn ào hơn. Sau Black Sabbath, ví dụ điển hình tiếp theo là Judas Priest của Anh với tác phẩm đầu tay là Rocka Rolla vào năm 1974. Trong phần miêu tả của Christe ghi chép:
Khán giả của Black Sabbath đã phải ... săn tìm những âm thanh có tác động tương tự. Đến giữa thập niên 1970, thẩm mỹ heavy metal có thể đã được phát hiện giống như một con quái thú huyền bí trong phần song tấu guitar phức tạp và tiếng bass ảm đạm của Thin Lizzy, trong nghệ thuật dựng sân khấu của Alice Cooper, trong tiếng guitar cuốn hút mãnh liệt và giọng hát phô trương của Queen, và trong những câu hỏi thời Trung Cổ dữ dội của Rainbow. ... Judas Priest đã xuất hiện để thống nhất và khuếc đại những điểm sáng đa dạng này từ bảng màu âm thanh của hard rock. Lần đầu tiên, heavy metal trở thành một thể loại nhạc có chỗ đứng riêng biệt.
Mặc dù Judas Priest không có album nào lọt top 40 ở Hoa Kỳ trước năm 1980, nhưng đối với nhiều người hâm mộ, họ được xem là ban nhạc heavy metal tiêu biểu thời hậu Sabbath: họ sở hữu màn công phá bằng guitar đôi, chơi tiết tấu nhanh và lược bỏ gốc blues, âm thanh kim loại rõ hơn - tất cả đều tác động lớn đến các nghệ sĩ hậu bối. Khi mà heavy metal đang ngày một phổ biến, đa số các nhà phê bình lại không ưa dòng nhạc này. Họ đưa ra những phản đối về việc sử dụng màn biểu diễn gây ấn tượng về mặt hình ảnh và giăng những thủ thuật thương mại khác của metal, song yếu tố phản đối chính là sự vô hồn trong âm nhạc và ca từ. Trong bài đánh giá một album của Black Sabbath ở đầu thập niên 1970, Robert Christgau miêu tả tác phẩm là "vô hồn và suy đồi ... ngớ ngẩn, thể hiện sự vô đạo đức."
Thị trường đại chúng: cuối thập niên 1970 và thập niên 1980
sửaGiữa thập niên 1970, punk rock xuất hiện dưới hình thức phản ứng trước tình trạng xã hội đương thời cũng như thứ âm nhạc buông thả và bị chỉnh sửa quá nhiều thời bấy giờ, kể cả heavy metal. Ở cuối thập niên 1970, doanh số các đĩa nhạc heavy metal tụt giảm mạnh trước sự xuất hiện của punk, disco và nhạc mainstream rock nữa. Khi mà các hãng thu âm lớn chú trọng vào punk, nhiều ban nhạc heavy metal mới hơn của Anh đã lấy cảm hứng từ âm thanh hung hãn, giàu năng lượng và "lo-fi", tính đặc trưng do it yourself của trào lưu. Các ban nhạc underground metal bắt đầu phát hành các sản phẩm nhạc rẻ hơn dành cho nhóm khán giả nhỏ và trung thành.
Motörhead (được thành lập năm 1975) là ban nhạc có vai trò quan trọng khi vượt qua ranh giới của punk/metal. Với sự bùng nổ của nhạc 1977, hàng loạt ban nhạc đã nương theo xu thế này. Những tạp chí âm nhạc Anh như NME và Sounds đã để mắt tới sự việc. Cây viết Geoff Barton của Sounds đặt tên cho phong trào là "Làn sóng heavy metal mới của (Liên hiệp) Anh" (NWOBHM). Các ban nhạc thuộc NWOBHM gồm có Iron Maiden, Saxon và Def Leppard đã thổi thêm sinh lực cho thể loại heavy metal. Theo sự dẫn dắt của Judas Priest và Motörhead, họ làm cho âm thanh trở nên mạnh mẽ hơn, tiết chế yếu tố của blues và chú trọng vào tiết tấu ngày càng tốc độ hơn.[105]
Ronnie James Dio (tham gia Black Sabbath vào năm 1979) nhận định: "Đây dường như là sức sống mới của heavy metal,... Tôi chưa từng nghĩ heavy metal sẽ suy tàn (desurgence) – nếu xem đấy là một từ! – nhưng điều quan trọng với tôi là [sau Rainbow], tôi một lần nữa có thể tham gia vào một trào lưu mở đường cho những hậu bối đến sau tôi."
Đến năm 1980, NWOBHM đã thâm nhập vào thị trường đại chúng, khi mà các album của Iron Maiden, Saxon cũng như Motörhead lọt top 10 ở Anh. Tuy kém thành công về mặt thương mại hơn, song những ban nhạc NWOBHM như Venom và Diamond Head lại có tác động đáng kể lên sự phát triển của metal. Năm 1981, Motörhead trở thành nhóm đầu tiên từ thế hệ ban nhạc metal hoàn toàn mới này giành ngôi đầu bảng xếp hạng âm nhạc Anh với album trực tiếp No Sleep 'til Hammersmith.[106]
Thế hệ ban nhạc metal đầu tiên đã nhường lại hào quang cho các hậu bối. Deep Purple sớm tan rã sau khi Blackmore rời đi vào năm 1975, còn Led Zeppelin cũng rã đám sau khi tay trống John Bonham mất vào năm 1980. Black Sabbath thì kiệt quệ bởi mâu thuẫn nội bộ và lạm dụng chất, đồng thời đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ ban nhạc từng diễn khai mạc cho họ là Van Halen. Eddie Van Halen chứng minh anh là một trong những nghệ sĩ guitar metal dẫn đầu của kỷ nguyên. Khúc solo của anh trong bài "Eruption" trích từ album cùng tên ban nhạc vào năm 1978 được xem là một cột mốc lịch sử của thể loại. Âm thanh của Eddie Van Halen còn vươn tới giới nhạc pop khi khúc guitar solo của anh có mặt trong bài "Beat It" của Michael Jackson. Ca khúc ấy đã giành vị trí quán quân ở Hoa Kỳ vào tháng 2 năm 1983.
Lấy cảm hứng từ thành công của Van Halen, một giới nhạc metal bắt đầu phát triển ở Nam California cuối thập niên 1970. Dựa trên các câu lạc bộ trên phố Sunset Strip ở L.A., những ban nhạc như Mötley Crüe, Quiet Riot, Ratt và W.A.S.P. đã chịu ảnh hưởng từ heavy metal truyền thống ở thập niên 1970. Những nhóm này kết hợp tính kịch (và đôi khi là hóa trang) của các ban nhạc glam metal hoặc "hair metal" như Alice Cooper và Kiss. Đặc điểm nhận diện các ban nhạc glam metal là thường để tóc rất dài, diện trang phục đôi khi được xem là phi giới tính. Đặc điểm lời ca khúc của những ban nhạc glam metal này tập trung hành vi khoái lạc và hoang dại, gồm ca từ chứa lời tục về tình dục và sử dụng ma túy.[107] Sau Làn sóng heavy metal mới của Anh và bước đột phá của Judas Priest với British Steel (1980), heavy metal ngày càng phổ biến rộng rãi vào đầu thập niên 1980. Nhiều nghệ sĩ metal hưởng lợi từ số lần lên sóng MTV - kênh này bắt đầu phát sóng vào năm 1981. Doanh số thường thường tăng vọt nếu video của một ban nhạc được trình chiếu trên kênh này. Các video của Def Leppard cho Pyromania (1983) đã biến họ thành siêu sao ở Mỹ, còn Quiet Riot trở thành ban nhạc heavy metal quốc nội đầu tiên giành vị trí nhất bảng Billboard với Metal Health (1983). Một sự kiện quan trọng trong sự phát triển vượt bậc của metal là nhạc hội US Festival (1983) ở California. Tại nhạc hội, "ngày heavy metal" hội tụ những Ozzy Osbourne, Van Halen, Scorpions, Mötley Crüe, Judas Priest và những nhóm khác đã thu hút lượng khán giả đông nhất đến tham dự sự kiện kéo dài ba ngày.
Từ năm 1983 đến 1984, thị phần đĩa nhạc của heavy metal tiêu thụ tại Hoa Kỳ đã tăng từ 8% lên 20%. Một số tạp chí chuyên môn lớn dành riêng cho dòng nhạc này đã ra đời, gồm Kerrang! (1981) và Metal Hammer (1984), cũng như một loạt tạp chí của người hâm mộ. Năm 1985, Billboard ghi nhận: "Metal đã mở rộng lượng khán giả của mình. Nhạc metal không còn độc tôn dành cho các thiếu niên nam nữa. Khán giả metal đã trở nên già hơn (tuổi sinh viên), trẻ hơn (đầu thời thiếu niên) và nhiều nữ giới hơn."
Đến giữa thập niên 1980, glam metal thống trị trên các bảng xếp hạng, truyền hình âm nhạc và chuỗi hòa nhạc ở nhà thi đấu của Hoa Kỳ. Những ban nhạc mới như Warrant từ L.A. và những nhóm từ Bờ Đông như Poison và Cinderella trở thành những người gây sức hút lớn, khi mà Mötley Crüe và Ratt vẫn rất nổi tiếng. Được xem là cầu nối phong cách giữa hard rock và glam metal, Bon Jovi từ New Jersey cực kỳ thành công với album thứ ba mang tên Slippery When Wet (1986). Ban nhạc Thụy Điển Europe sở hữu phong cách tương tự đã trở thành ngôi sao quốc tế với The Final Countdown (1986). Trong album, bài tiêu đề giành vị trí nhất bảng ở 25 quốc gia.[108] Năm 1987, MTV ra mắt Headbangers Ball - chương trình dành riêng để chiếu các video nhạc heavy metal. Tuy nhiên, khán giả metal bắt đầu chia thành nhiều nhóm, các nhóm đó ở trong giới nhạc underground metal ưa chuộng âm thanh gay gắt hơn và coi thường phong cách "light metal" hoặc "hair metal" đang thịnh hành lúc ấy.
Một ban nhạc tiếp cận được nhiều đối tượng khán giả khác nhau là Guns N' Roses. Trái với các đồng nghiệp chơi glam metal ở L.A., họ được xem là thô ráp và nguy hiểm hơn. Với việc ra mắt album đả phá các bảng xếp hạng Appetite for Destruction vào năm 1987, họ "sạc lại năng lượng và gần như một tay duy trì hệ thống tệ nạn của Sunset Strip trong nhiều năm". Một năm sau, Jane's Addiction xuất thân cũng từ giới nhạc hộp đêm hard rock ở L.A. ra mắt album đầu tiên với hãng thu âm lớn mang tên Nothing's Shocking. Trong bài đánh giá album, Steve Pond của Rolling Stone nhận định: "Jane's Addiction chính là những kẻ kế thừa đích thực của Led Zeppelin, hơn bất kỳ ban nhạc nào khác đang hoạt động."[109] Đây được xem là một trong những nhóm đầu tiên gắn liền với xu hướng "alternative metal" - trào lưu sẽ trở thành thế lực ở thập niên tiếp theo. Trong khi đó, những ban nhạc mớiWinger (thành phố New York) và Skid Row (New Jersey) vẫn duy trì sự phổ biến của phong cách glam metal.
Những tiểu thể loại heavy metal khác: thập niên 1980, 1990 và 2000
sửaNhiều tiểu thể loại heavy metal đã phát triển ngoài thị trường thương mại đại chúng ở thập niên 1980, ví dụ như crossover thrash. Một số nhân vật đã cố vẽ nên bản đồ phức tạp của underground metal, nổi bật nhất là các biên tập viên của AllMusic, cũng như nhà phê bình Garry Sharpe-Young. Bách khoa toàn thư nhiều tập về metal của Sharpe-Young chia giới underground thành năm tiểu thể loại lớn: thrash metal, death metal, black metal, power metal và các tiểu thể loại liên quan của doom và gothic metal.
Năm 1990, một bài đánh giá của Rolling Stone đề xuất loại bỏ thuật ngữ "heavy metal" vì cho rằng thể loại này "mơ hồ một cách lố bịch".[110] Bài viết chỉ ra rằng thuật ngữ chỉ làm tăng "các tín đồ yêu rock & roll hiểu nhầm, cho rằng năm ban nhạc khác nhau như Ratt, Extreme, Anthrax, Danzig Và Mother Love Bone" có âm thanh giống nhau.[110]
Thrash metal
sửaĐầu thập niên 1980, thrash metal xuất hiện dưới sự ảnh hưởng của hardcore punk và Làn sóng mới của heavy metal Anh,[111] cụ thể là những bài hát theo phong cách tốc độ được gọi là speed metal. Trào lưu bắt đầu ở Hoa Kỳ, khi giới thrash metal Bay Area là giới nhạc dẫn đầu. Âm thanh mà các nhóm nhạc thrash phát triển ngày càng tốc độ và hung hãn hơn cả các ban nhạc metal nguyên bản lẫn những nhóm chơi glam metal.[111] Những câu đàn guitar riff ở quãng trầm thường được phủ lên bằng những câu đàn lead guitar với kỹ thuật shredding. Lời bài hát thường thể hiện góc nhìn hư vô hoặc nhắc đến tệ nạn xã hội qua ngôn ngữ đẫm máu và bản năng. Thrash được miêu tả là loại hình "âm nhạc xấu xí của đô thị" và "người họ hàng ít liên hệ tới rap".
Những người phổ cập tiểu thể loại này là "Tứ Trụ của Thrash" (Big Four of Thrash): Metallica, Anthrax, Megadeth và Slayer. Những ban nhạc người Đức gồm Kreator, Sodom và Destruction đóng vai trò chính trong việc đưa phong cách ấy sang châu Âu. Những nhóm khác gồm Testament và Exodus (San Francisco Bay Area), Overkill (New Jersey) và Sepultura và Sarcófago (Brasil) cũng có tác động lớn đến dòng nhạc. Tuy rằng thrash metal bắt đầu dưới hình thức trào lưu underground và chủ yếu hoạt động như vậy trong gần một thập kỷ, những ban nhạc hàng đầu của giới nhạc bắt đầu tiếp cận nhiều khán giả hơn. Metallica đưa âm thanh của dòng nhạc vào top 40 của bảng xếp hạng album Billboard với Master of Puppets (1986) - đĩa nhạc thrash đầu tiên giành đĩa Bạch kim. Hai năm sau, album ...And Justice for All của nhóm này giành vị trí thứ sáu, trong khi các đĩa nhạc của Megadeth và Anthrax cũng lọt top 40 trên các bảng xếp hạng của Mỹ.
Tuy kém thành công về mặt thương mại hơn các đại diện khác của Tứ Trụ, Slayer đã phát hành một trong những đĩa nhạc tiêu biểu của thể loại: Reign in Blood (1986) được ghi nhận đã kết hợp tiếng guitar âm sắc nặng và đưa vào các đề tài nhạy cảm gồm cái chết, đau khổ, bạo lực và thần bí học vào ca từ của thrash metal. Slayer thu hút được một lượng tín đồ hâm mộ từ những skinhead cánh tả, đồng thời họ bị cáo buộc cổ xúy bạo lực và các chủ đề Quốc xã. Ngay cả khi Slayer được giới truyền thông tiếp nhận đáng kể, âm nhạc của họ lại đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của extreme metal.
Đầu thập niên 1990, các ban nhạc khởi nghiệp với thrash metal đã gặt hái thành công đột phá, thách thức và tái định nghĩa giới nhạc metal trên thị trường đại chúng. Album cùng tên (1991) của Metallica đã đứng đầu bảng xếp hạng Billboard,[112] còn ban nhạc thì gây dựng lượng tín đồ hâm mộ trên thị trường quốc tế. Countdown to Extinction (1992) của Megadeth ra mắt ở vị trí á quân,[113] Anthrax và Slayer lọt top 10,[114] còn album của những ban nhạc địa phương như Testament và Sepultura lọt vào top 100.
Death metal
sửaThrash metal sớm bắt đầu phát triển và chia thành nhiều thể loại extreme metal hơn. Theo MTV News, "Âm nhạc của Slayer có vai trò trực tiếp trong sự nổi lên của death metal".[115] Ban nhạc Venom thuộc trào lưu NWOBHM cũng là một tiền bối quan trọng của dòng nhạc. Trào lưu death metal ở cả Bắc Mỹ lẫn châu Âu đã tiếp nhận và chú trọng vào các yếu tố báng bổ và sùng bái ma quỷ. Death (Florida), Possessed (San Francisco Bay Area) và Necrophagia (Ohio)[116] được xem là những ban nhạc giàu sức ảnh ở phong cách này. Cả ba nhóm được ghi nhận đã truyền cảm hứng tạo nên tên gọi của thể loại. Đặc biệt, Possessed đã nhắc đến tên thể loại qua đĩa demo Death Metal (1984) và bài hát "Death Metal" đến từ album đầu tay Seven Churches (1985). Cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, death metal ở Thụy Điển trở nên nổi bật và loại hình death metal giàu giai điệu đã ra đời.
Death metal sử dụng tốc độ và sự hung hãn từ cả thrash và hardcore, kết hợp với lời ca khúc xoay quanh bạo lực và đạo Satan trong phim chặt chém hạng Z.[117] Giọng hát của death metal thường lạnh lẽo, sử dụng kỹ thuật hát "death growl" ở âm yết hầu, hát screaming ở nốt cao, kiểu hát "death rasp"[118] và những kỹ thuật ít phổ thông khác. Bổ trợ cho phong cách hát trầm và hung hãn là tiếng guitar tông thấp, sử dụng nhiều distortion[117][118] và bộ gõ nhịp cực kỳ tốc độ, thường có tiếng trống double bass nhanh và "wall of sound"– phong cách blast beat. Thay đổi nhịp và số chỉ nhịp cùng đảo phách (syncopation) cũng là một đặc trưng của thể loại.[119]
Giống thrash metal, death metal thường gạt bỏ tính kịch của các phong cách metal trước, mà lựa chọn phong cách thời trang thường ngày như quần jean rách và áo khoác da trơn.[120] Một ngoại lệ không theo quy tắc này là Glen Benton của nhóm Deicide. Anh đóng một cây thánh giá ngược trên trán và mặc áo giáp trên sân khấu. Morbid Angel đã sử dụng hình ảnh tân phát xít.[120] Hai ban nhạc này cùng với Death và Obituary là những người dẫn đầu của giới nhạc death metal lớn xuất hiện ở Florida vào giữa thập niên 1980. Ở Liên hiệp Anh, phong cách nhạc liên quan là grindcore (do những ban nhạc như Napalm Death và Extreme Noise Terror dẫn đầu) xuất hiện từ trào lưu anarcho-punk.[117]
Black metal
sửaĐầu và giữa thập niên 1980, làn sóng black metal đầu tiên xuất hiện ở châu Âu, mà những nhóm dẫn đầu gồm Venom (Liên hiệp Anh), Mercyful Fate (Đan Mạch), Hellhammer và Celtic Frost (Thụy Sĩ), và Bathory (Thụy Điển). Đến cuối thập niên 1980, các ban nhạc Na Uy như Mayhem và Burzum đã dẫn đầu làn sóng thứ hai. Black metal thay đổi đáng kể về mặt phong cách và chất lượng sản xuất, song đa số ban nhạc chú trọng vào phần hát gầm thét, tiếng guitar distortion dải âm cao thường được chơi bằng kỹ thuật tremolo picking tốc độ, không khí u ám và phần sản xuất lo-fi có chủ ý, thường kèm theo tiếng ồn và tiếng gió rít ở nền nhạc.
Những chủ đề satan rất phổ cập trong black metal, song nhiều ban nhạc lấy cảm hứng từ pagan giáo cổ đại, cổ động việc trở lại với những giá trị thời tiền Cơ đốc giáo. Nhiều ban nhạc black metal còn "thể nghiệm âm nhạc từ mọi loại hình nhạc có thể gồm metal, dân gian, nhạc cổ điển, electronica và avant-garde".[118] Tay trống Fenriz của Darkthrone giải thích: "Việc [thể nghiệm] này có liên quan đến khâu sản xuất, ca từ, cách họ diện quần áo và cam kết tạo ra những thứ xấu xí, thô kệch và lạnh lẽo. Chẳng có âm thanh chung nào hết."
Mặc dù những ban nhạc như Sarcófago đã sử dụng lốt hóa trang là vẽ xác chết lên cơ thể (corpse paint), thì đến năm 1990, Mayhem mới thường xuyên hóa trang kiểu này. Nhiều ban nhạc black metal khác cũng áp dụng theo kiểu hóa trang này. Bathory đã truyền cảm hứng cho các trào lưu viking metal và folk metal, còn Immortal đưa nhịp blast beat vào thứ tự hàng đầu trong cấu trúc bài nhạc. Đầu thập niên 1990, một vài ban nhạc trong giới nhạc black metal Scandinavian gắn liền với bạo lực đáng kể, khi Mayhem và Burzum có dính dáng đến các vụ đốt nhà thờ. Sự cường điệu thương mại ngày một lớn dần đã làm nảy sinh phản ứng dữ dội. Khởi đầu là ở Na Uy, số đông giới nhạc metal underground của Scandinavi chuyển sang ủng hộ giới nhạc black metal, nhằm phản đối sự việc giới nhạc này bị ngành công nghiệp metal thương mại đồng hóa.
Năm 1992, giới nhạc black metal bắt đầu xuất hiện ở những khu vực ngoài Scandinavia, ví dụ như Ba Lan, Đức và Pháp. Vụ ám sát Euronymous của nhóm Mayhem (1993) do Varg Vikernes của Burzum thực hiện đã xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông. Khoảng năm 1996, khi nhiều nhóm trong giới nhạc cảm thấy dòng nhạc đang trì trệ, một số ban nhạc chủ chốt gồm Burzum và Beherit của Phần Lan chuyển sang phong cách ambient, trong khi đó các nhóm Tiamat (Thụy Điển) và Samael (Thụy Sĩ) khám phá ra symphonic black metal. Cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, Dimmu Borgir (Na Uy) và Cradle of Filth (Anh) đưa black metal gần hơn với thị trường đại chúng.
Power metal
sửaCuối thập niên 1980, giới nhạc power metal đã tụ tập chủ yếu để phản ứng lại sự gay gắt của death và black metal. Tuy là một phong cách tương đối underground ở Bắc Mỹ, song dòng nhạc lại gây dựng được danh tiếng ở Châu Âu, Nam Mỹ và Nhật Bản. Power metal chú trọng vào những đề tài và giai điệu tươi sáng, hoành tráng, "lôi cuốn tinh thần dũng cảm và yêu cái đẹp của thính giả". Từ giữa đến cuối thập niên 1980, nguyên mẫu của loại âm thanh này được Helloween định hình. Nhóm này đã phát hành loạt album Keeper of the Seven Keys vào các năm 1987 và 1988, kết hợp các câu riff mạnh mẽ, cách thể hiện giàu giai điệu và cao độ chót vót, phong cách hát "clean" (sạch tiếng) của những ban nhạc như Judas Priest và Iron Maiden với năng lượng và tốc độ của thrash, "kết tinh các thành phần âm thanh để tạo nên thứ mà ngày nay gọi là power metal".
Những ban nhạc power metal như HammerFall (Thụy Điển), DragonForce (Anh) và Iced Earth (Hoa Kỳ) sở hữu âm thanh chịu ảnh hưởng rõ ràng từ phong cách NWOBHM kinh điển. Nhiều ban nhạc power metal như Kamelot (Hoa Kỳ), Nightwish, Stratovarius và Sonata Arctica (Phần Lan), Rhapsody of Fire (Ý) và Catharsis (Nga) đều sử dụng âm thanh "giao hưởng" trên đàn keyboard, đôi khi sử dụng cả dàn nhạc giao hưởng và ca sĩ opera. Power metal đã gây dựng được lượng người hâm mộ trung thành đông đảo ở Nam Mỹ và Nhật Bản. Ở những khu vực này, các ban nhạc như Angra (Brasil) và Rata Blanca (Argentina) đều nổi tiếng.[121]
Thể loại liên quan mật thiết với power metal là progressive metal, hay prog metal. Progressive metal sử dụng cách thức sáng tác phức tạp của những ban nhạc như Rush và King Crimson. Phong cách này xuất hiện tại Hoa Kỳ vào đầu và giữa thập niên 1980, mà những nhóm tiên phong gồm có Queensrÿche, Fates Warning và Dream Theater. Sự kết hợp của âm thanh progressive và power metal được thể hiện rõ ở nhóm Symphony X (New Jersey). Trong Symphony X, tay guitar Michael Romeo được xem là một những nghệ sĩ shredder được công nhận đông đảo nhất hiện nay.
Doom metal
sửaDoom metal xuất hiện vào giữa thập niên 1980 với các ban nhạc như Saint Vitus (California), The Obsessed (Maryland), Trouble (Chicago) và Candlemass (Thụy Điển). Trào lưu doom metal gạt bỏ sự chú trọng vào tốc độ của các phong cách metal khác, thay vào đó là làm cho tiết tấu rất chậm. Doom metal khởi nguồn từ những đề tài ca từ và cách tiếp cận âm nhạc trong những năm đầu hoạt động của Black Sabbath. Nhóm Melvins cũng tác động đáng kể lên doom metal và một số nhánh của dòng nhạc. Doom metal chú trọng vào giai điệu, tiết tấu u sầu và tâm trạng sầu thảm so với các tiểu thể loại metal khác.
Forest of Equilibrium (1991) - album đầu tay của ban nhạc Anh Cathedral đã châm ngòi cho một làn sóng mới của doom metal. Trong giai đoạn ấy, phong cách kết hợp doom-death của ban nhạc Anh gồm Paradise Lost, My Dying Bride và Anathema đã khai sinh thể loại gothic metal ở châu Âu.[122] Đặc điểm của gothic metal là chuyển soạn song ca đặc trưng, mà ví dụ nổi bật là Theatre of Tragedy và Tristania (Na Uy). Type O Negative (New York) là nhóm đưa phong cách này đến Mỹ.
Tại Hoa Kỳ, sludge metal (thể loại kết hợp doom metal và hardcore punk) xuất hiện vào cuối thập niên 1980. Eyehategod và Crowbar là những nhóm dẫn đầu trong giới nhạc sludge metal lớn ở Louisiana. Đầu thập niên tiếp theo, Kyuss và Sleep (được truyền cảm hứng từ các ban nhạc doom metal đời đầu) đã khởi xướng sự phát triển của stoner metal. Trong khi đó Earth (Seattle) giúp phát triển tiểu thể loại drone metal. Cuối thập niên 1990, các ban nhạc mới thành lập như Goatsnake trú ở Los Angeles (với âm thanh stoner/doom cổ điển) và Sunn O))) vượt qua ranh giới giữa doom, drone và dark ambient metal. Tờ New York Times so sánh âm thanh của bài với "raga của người da đỏ giữa lúc đang động đất".
1990 đến giữa thập niên 2000, các tiểu thể loại và thể loại kết hợp
sửaKỷ nguyên thống trị thị trường đại chúng của heavy metal ở Bắc Mỹ đi đến hồi kết vào đầu thập niên 1990 với sự xuất hiện của Nirvana và các ban nhạc grunge khác, cho thấy sức hút cực lớn với thị trường đại chúng của alternative rock. Những nghệ sĩ grunge chịu ảnh hưởng từ âm thanh của heavy metal, song chối bỏ sự thừa mứa các ban nhạc metal nổi tiếng hơn, chẳng hạn như "những đoạn solo hào nhoáng và điêu luyện" và "đầu tư về ngoại hình" theo định hướng của MTV của họ.
Glam metal đánh mất sự ưa chuộng không chỉ vì thành công của grunge, mà còn bởi danh tiếng đang lên của thứ âm thanh hung hãn hơn, mà điển hình là âm thanh của Metallica và các ban nhạc groove metal gồm Pantera và White Zombie. Năm 1991, Metallica phát hành album Metallica (hay còn gọi là The Black Album). Trong tác phẩm, âm thanh của họ không còn theo thể loại thrash metal nữa mà chuyển sang thể loại heavy metal đúng nghĩa.[123] Album giành được 16 chứng nhận bạch kim của RIAA.[124] Một số ít ban nhạc mới đặc sệt chất metal đã gặt hái thành công thương mại ở nửa đầu thập niên, ví dụ như album Far Beyond Driven của Pantera đứng đầu bảng xếp hạng Billboard vào năm 1994, song "trong con mắt thiển cận của thị trường đại chúng thì metal đã chết rồi." Một vài ban nhạc đã cố thích nghi với bối cảnh âm nhạc mới. Metallica làm mới hình ảnh của mình: các thành viên cắt tóc và vào năm 1996, họ diễn chính tại nhạc hội alternative Lollapalooza do ca sĩ Perry Farrell (Jane's Addiction) thành lập. Tuy rằng những hành động ấy đã dấy lên phản ứng dữ dội với một bộ phận người hâm mộ lâu năm, song Metallica vẫn là một trong những ban nhạc thành công nhất thế giới khi bước sang thế kỷ mới.
Tương tự Jane's Addiction, nhiều ban nhạc thuộc hàng nổi tiếng nhất đầu thập niên 1990 có nguồn gốc từ heavy metal, song được phân vào thuật ngữ ô dù "alternative metal".[125] Những ban nhạc trong giới grunge ở Seattle như Soundgarden được ghi nhận đã "chiếm một vị trí trong alternative rock cho heavy metal",[126] và Alice in Chains là tâm điểm của trào lưu alternative metal. Tên gọi này (alternative metal) được áp dụng cho hàng loạt nghệ sĩ khác kết hợp metal với các phong cách khác nhau. Ví dụ như Faith No More kết hợp âm thanh alternative rock với punk, funk, metal và hip-hop. Primus kết hợp các yếu tố của funk, punk, thrash metal và nhạc thể nghiệm. Tool kết hợp metal và progressive rock. Những ban nhạc như Fear Factory, Ministry và Nine Inch Nails bắt đầu đưa metal vào chất liệu âm thanh industrial của họ (và ngược lại). Marilyn Manson cũng đi theo con đường tương tự, đồng thời sử dụng cả những hiệu ứng gây sốc giống như Alice Cooper đã từng phổ cập. Tuy những nghệ sĩ alternative metal không đại diện cho một giới nhạc cố định, song họ đã đoàn kết nhờ sẵn lòng thử nghiệm với thể loại metal và gạt bỏ thẩm mỹ của glam metal (những ngoại lệ đáng kể là nghệ thuật trình diễn của Marilyn Manson và White Zombie – những nhóm nhạc phần nào theo dòng alt metal).[125] Sự kết hợp của những phong cách và âm thanh của alternative metal đại diện cho "kết quả đặc sắc của việc metal mở ra cánh cửa đối mặt với thế giới bên ngoài".
Đầu và cuối thập kỷ 1990, một làn sóng mới các nhóm nhạc metal của Mỹ chịu ảnh hưởng từ các ban nhạc alternative metal và sự pha trộn thể loại của họ đã xuất hiện. Với mệnh danh "nu metal", những ban nhạc như Slipknot, Linkin Park, Limp Bizkit, Papa Roach, P.O.D., Korn và Disturbed kết hợp các yếu tố trải dài từ death metal đến hip-hop, thường đưa vào cả DJ và giọng hát kiểu rap. Sự kết hợp này cho thấy "nhạc metal toàn văn hóa (pancultural) có thể ăn khách". Nu metal đạt được thành công trên thị trường đại chúng nhờ những lần phát nhạc dày đặc trên MTV và sự việc Ozzy Osbourne cho ra mắt nhạc hội Ozzfest (1996) làm cho giới truyền thông bàn tán về sự hồi snh của heavy metal. Năm 1999, Billboard lưu ý rằng có tới hơn 500 chương trình truyền thanh chuyên phát nhạc metal ở Hoa Kỳ, gấp gần ba lần so với 10 năm trước đó. Khi mà nu metal trở nên cực kỳ phổ biến, thì người hâm mộ metal truyền thống lại không hoàn toàn đón nhận phong cách này. Đầu năm 2003, trào lưu này đã trên bờ vực thoái trào, song một số nghệ sĩ nu metal như Korn hay Limp Bizkit vẫn duy trì được người yêu nhạc của họ đáng kể.[127]
Những phong cách gần đây: giữa đến cuối thập niên 2000, thập niên 2010 và thập niên 2020
sửaGiữa thập niên 2000, metalcore (tiểu thể loại kết hợp extreme metal và hardcore punk) đã xuất hiện và trở thành một thế lực thương mại, mà trước đó chủ yếu là một hiện tượng trong giới underground suốt thập niên 1980 và 1990.[128] Những ban nhạc tiên phong của metalcore gồm Earth Crisis,[129][130] Converge,[129] Hatebreed[130] và Shai Hulud.[131] Đến năm 2004, melodic metalcore (cũng chịu ảnh hưởng của melodic death metal) đủ phổ biến trên thị trường khi các album The End of Heartache của Killswitch Engage và The War Within của Shadows Fall lần lượt ra mắt ở vị trí số 21 và No. 20 trên bảng xếp hạng album của Billboard.[132]
Một phong cách nữa phát triển xa hơn cả metalcore là mathcore - phong cách progressive phức tạp hơn về nhịp điệu được những ban nhạc như The Dillinger Escape Plan, Converge và Protest the Hero đưa ra ánh sáng. Chất lượng đặc trưng chính của mathcore là sử dụng số chỉ nhịp lẻ và được miêu tả là sở hữu nhịp điệu tương đương như dòng free jazz.
Ở thập niên 2000, heavy metal vẫn phổ biến, đặc biệt ở lục địa châu Âu. Bước sang thiên niên kỷ mới, Scandinavia đã nổi lên là một trong những khu vực cho ra đời những ban nhạc thành công và nhiều phát kiến, khi mà Bỉ, Hà Lan và đặc biệt là Đức là những thị trường quan trọng nhất.[133] Nhạc metal được đón nhận nồng nhiệt hơn ở Scandinavia và Bắc Âu hơn so với những vùng khác do cởi mở về xã hội và chính trị ở những khu vực này.[134] Đặc biệt, Phần Lan thường được mệnh danh là "Vùng đất hứa của heavy metal", vì nơi đây có hơn 50 ban nhạc metal hoạt động ở mỗi khu vực tập trung 100.000 cư dân – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.[135][136] Từ năm 2003 đến 2008, những ban nhạc metal thành danh ở lục địa đã có nhiều album lọt top 20 các bảng xếp hạng của Đức, gồm Children of Bodom (Phần Lan),[137] Dimmu Borgir (Na Uy),[138] Blind Guardian (Đức)[139] và HammerFall (Thụy Điển).[140]
Ở thập niên 2000, một thể loại kết hợp extreme metal được gọi là deathcore đã xuất hiện. Deathcore kết hợp các yếu tố của death metal, hardcore punk và metalcore.[141][142] Deathcore có những đặc điểm như những đoạ riff của death metal, khúc breakdown của hardcore punk, kỹ thuật hát death growling, giọng hát nghe như "nái kêu" và screaming.[143] Các ban nhạc deathcore gồm có Whitechapel, Suicide Silence, Despised Icon và Carnifex.[144]
Thuật ngữ "retro-metal" được sử dụng để miêu tả những ban nhạc như The Sword (Texas), High on Fire (California), Witchcraft (Thụy Điển)[145] và Wolfmother (Úc).[145] Age of Winters (2006) của The Sword chịu ảnh hưởng từ những tác phẩm của Black Sabbath và Pentagram,[146] Witchcraft bổ sung các yếu tố của folk rock và psychedelic rock,[147] còn album đầu tay cùng tên (2005) của Wolfmother có "phần organ giống Deep Purple" và "những đoạn riff hợp âm xứng tầm Jimmy Page". Mastodon (nhóm nhạc chơi phong cách metal kết hợp progressive/sludge) đã truyền cảm hứng cho sự hồi sinh của nhạc metal ở Hoa Kỳ - được một số nhà phê bình mệnh danh là "Làn sóng mới của nhạc heavy metal Mỹ".[148]
Đầu thập niên 2010, metalcore phát triển hơn nữa để kết hợp tiếng đàn synthesizer và các yếu tố từ những dòng nhạc vượt cả rock và metal. Album Reckless & Relentless của ban nhạc người Anh Asking Alexandria bán được 31.000 bản trong tuần đầu tiên, còn album Dead Throne (2011) của The Devil Wears Prada bán ra 32.400 bản trong tuần đầu tiên.[149] Hai album lần lượt đạt vị trí thứ 9 và thứ 10[150] trên bảng xếp hạng Billboard 200. Năm 2013, ban nhạc người Anh Bring Me the Horizon phát hành album phòng thu thứ tư Sempiternal và tác phẩm này đã nhận được lời khen của giới phê bình. Album ra mắt ở vị trí số ba trên U.K. Album Chart và vị trí quán quân ở Úc. Album tiêu thụ 27.522 bản tại Hoa Kỳ và giành vị trí thứ 11 trên bảng Billboard, trở thành tác phẩm có xếp hạng cao nhất của nhóm tại Hoa Kỳ, trước khi họ phát hành sản phẩm kế tiếp là That's the Spirit - album này thậm chí còn đạt vị trí á quân vào năm 2015.
Cũng ở thập niên 2010, một phong cách metal có tên là "djent" phát triển dưới dạng một nhánh của progressive metal chuẩn.[151][152] Djent sử dụng nhịp điệu và kỹ thuật phức tạp,[153] hợp âm guitar sử dụng kỹ thuật palm-mute và nặng tiếng distortion, những câu riff đồng bộ và phức điệu (polyrhythm) cùng những đoạn solo của virtuoso.[151] Một đặc trưng nữa dòng nhạc là sử dụng guitar nhiều dây, như bảy dây, tám dây và chín dây.[154] Các ban nhạc djent gồm có Periphery, Tesseract[155] và Textures.[156]
Sự kết hợp nu metal và electropop của các ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác bài hát như Poppy, Grimes và Rina Sawayama đã cho thấy sự hồi sinh của thể loại cũ ở cuối thập niên 2010 và thập niên 2020, đặc biệt là ở các album I Disagree, Miss Anthropocene và Sawayama.[157][158][159][160]
Phạm vi toàn cầu
sửaMetal được công nhận là một thể loại nhạc của toàn thế giới, được thính giả đón nhận và biểu diễn khắp thế giới.[161][162] Laina Dawes đã khám phá những thành phần phân biệt chủng tộc đa chiều trong cuốn sách What Are You Doing Here?, kể cả góc nhìn của nhạc sĩ nữ da đen và người hâm mộ trong giới nhạc heavy metal ở Bắc Mỹ và Liên hiệp Anh. Cô cũng xây dựng luận án tiến sĩ "'Freedom Ain't Free': Race and Representation(s) in Extreme Heavy Metal" dựa trên trải nghiệm của chính mình. Trong luận án, cô đã trình bày một số sắc thái của cộng đồng nhạc metal - vừa có thể là nơi bài trừ, vừa là nơi mang nhiều tự do ngôn luận hơn so với các thể loại của dòng chính.[163] Ban nhạc Alien Weaponry từ tộc người Māori của New Zealand đã quảng bá heavy metal là một cách để đấu tranh chống phân biệt chủng tộc.[164]
Phụ nữ trong heavy metal
sửaPhụ nữ bắt đầu tham gia vào heavy metal ở thập niên 1960 từ những năm đầu của thể loại, mà cụ thể là trường hợp của Esther "Jinx" Dawson - giọng ca và thủ lĩnh của nhóm Coven.[165][166][167] Cột mốc quan trọng tiếp theo diễn ra ở thập niên 1970 khi Genesis (tiền thân của nhóm Vixen) được thành lập vào năm 1973. Một ban nhạc hard rock gồm toàn thành viên nữ có tên gọi The Runaways được thành lập vào năm 1975. Sau đó cả Joan Jett và Lita Ford đều có sự nghiệp solo thành công.[168] Năm 1978, trong thời kỳ trỗi dậy của trào lưu Làn sóng mới của nhạc heavy metal Liên hiệp Anh, ban nhạc Girlschool được thành lập và vào năm 1980, họ hợp tác với Motörhead dưới nghệ danh Headgirl. Bắt đầu từ năm 1982, Doro Pesch (được mệnh danh là "nữ hoàng nhạc metal) đã gặt hái thành công khắp châu Âu, góp phần khiến cho các ban nhạc có nữ hát chính khác ra đời, ví dụ như nhóm Santa[169] của Tây Ban Nhạc vào năm 1983). Cô làm thủ lĩnh của ban nhạc Warlock trước khi bắt đầu sự nghiệp solo.[170] Năm 1983, một nữ ca sĩ heavy metal tiên phong khác là Hamada Mari đã xuất hiện và gặt hái thành công lớn ở Nhật Bản từ thập niên 1980 đến tận thế kỷ 21.[171] Khi ra mắt với vai trò nữ ca sĩ chính của ban nhạc người Mỹ Chastain vào năm 1985, Leather Leone là người tiên phong đảm nhiệm hát chính của thể loại power metal.[172] Năm 1986, ban nhạc thrash metal người Đức Holy Moses (với ca sĩ tiên phong trong kỹ thuật hát growl Sabina Classen) đã trình làng album đầu tiên.[173] Từ năm 1987, nghệ sĩ bass Jo Bench của Bolt Thrower đã truyền cảm hứng cho các nhạc sĩ nữ theo đuổi dòng metal.[174]
Năm 1994, Liv Kristine tham gia ban nhạc gothic metal người Na Uy Theatre of Tragedy, cô mang đến chất giọng clean "của thiên thần"[175] đối lập với giọng death growl của ca sĩ nam. Năm 1996, ban nhạc người Phần Lan Nightwish được thành lập với Tarja Turunen giữ vai trò hát chính. Kế đến là hàng loạt ban nhạc heavy metal có nữ hát chính đã ra đời, ví dụ như Halestorm, In This Moment, Within Temptation, Arch Enemy, Epica và nhiều nhóm khác. Liv Kristine có mặt trong bài tiêu đề trong album Nymphetamine (2004) của Cradle of Filth, và ca khúc đã được đề cử giải Grammy cho trình diễn metal xuất sắc nhất.[176] Năm 2013, Halestorm đoạt giải Grammy cho hạng mục kết hợp là trình diễn hard rock/metal xuất sắc nhất cho tiết mục "Love Bites (So Do I)".[177] Năm 2021, In This Moment, Code Orange và Poppy đều được đề cử ở hạng mục trình diễn metal xuất sắc nhất.[178]
Ở thập niên 1990 và những năm 2000, nhóm nhạc nữ nổi bất nhất trong giai đoạn này là ban nhạc người Mỹ Evanescence, mà đứng đầu là giọng ca Amy Lee. Nhóm sở hữu phong cách âm nhạc thường được miêu tả là gothic, alternative metal và hard rock cùng các yếu tố của nhạc cổ điển.[179] Album đầu tiên của nhóm là Fallen (phát hành năm 2003) đã gây đột phá trong giới nhạc đại chúng và trở thành hiện tượng toàn thế giới.[180] Tác phẩm giúp ban nhạc đoạt hai giải Grammy và có lúc đưa Lee lên một nấc thang mới trong sự nghiệp, ngang hàng với các ngôi sao nhạc pop đương thời như Christina Aguilera, Avril Lavigne và Beyoncé.[181] Tuy rằng các album sau của nhóm không gây được tiếng vang bằng, Evanescence vẫn là một trong những nhóm nhạc metal thành công nhất về mặt thương mại trong thế kỷ 21, với hơn 20 triệu đĩa tiêu thụ.
Ở thập niên, Nhật Bản đã xuất hiện hàng loạt các ban nhạc toàn thành viên nữ, gồm Destrose, Aldious, Mary's Blood, Cyntia và Lovebites,[182][183] cũng như thành công đại chúng của Babymetal.[184]
Những người phụ nữ như Gaby Hoffmann và Sharon Osbourne đã nắm vai trò quan lý quan trọng đằng sau hậu trường. Năm 1981, Hoffmann giúp cho Don Dokken có được hợp đồng thu âm đầu tiên,[185] cũng như trở thành quản lý của Accept cùng năm ấy và sáng tác bài hát dưới nghệ danh "Deaffy" cho nhiều album phòng thu của nhóm này. Giọng ca Mark Tornillo cho biết Hoffmann vẫn phần nào ảnh hưởng đến khâu sáng tác ca khúc ở các album sau của họ.[186] Osbourne (vợ kiêm quản lý của Ozzy Osbourne) đã lập nên nhạc hội Ozzfest và quản lý một số ban nhạc, gồm Motörhead, Coal Chamber, the Smashing Pumpkins, Electric Light Orchestra, Lita Ford và Queen.[187]
Phân biệt giới tính
sửaTừ lâu, các phương tiện truyền thông đại chúng và học thuật đã cáo buộc heavy metal phân biệt giới tính và kỳ thị nữ giới. Ở thập niên 1980, những nhóm bảo thủ của Mỹ như Trung tâm tài nguyên âm nhạc phụ huynh (PMRC) và Hội phụ huynh-giáo viên (PTA) đã chọn những quan điểm nữ quyền về bạo lực chống phụ nữ để công kích ngôn từ và hình ảnh của nhạc metal.[188] Theo Robert Christgau vào năm 2001, nhạc metal cùng với hip-hop đã tạo nên "phân biệt giới tính bạo lực và tự phát ... đang phổ biến trong âm nhạc".[189]
Nhằm đáp trả những tuyên bố trên, những tranh luận trên báo chí chuyên về nhạc metal đã tập trung định nghĩa và khái niệm hóa và xây dựng ngữ cảnh của phân biệt giới tính. Hill cho rằng "việc hiểu được khái niệm phân biệt giới tính thật phức tạp và đòi hỏi người hâm mộ phải nghiên cứu nặng tính phê bình khi phân biệt giới tính được bình thường hóa." Cô trích lại nghiên cứu của chính mình (gồm cả những phỏng vấn với người hâm mộ nữ ở Anh) và nhận ra rằng metal đem lại cho họ cơ hội được cảm thấy được giải thoát và không bị phân biệt giới, mặc dù khi hòa nhập vào một nền văn hóa thì đa số phụ nữ bị coi thường.[188]
Năm 2018, biên tập viên Eleanor Goodman của Metal Hammer xuất bản một bài viết có nhan đề "Does Metal Have a Sexism Problem?" (Nhạc metal có vấn đề phân biệt giới tính không?) để phỏng vấn những nhân vật và nghệ sĩ kỳ cựu trong ngành về hoàn cảnh ngặt nghèo của phụ nữ trong nhạc metal. Một số người đã thảo luận về một lịch sử chật vật để có được sự tôn trọng trong nghề từ các đồng nghiệp nam. Một người tham gia phỏng vấn như vậy là Wendy Dio - cô từng làm trong hãng thu âm, đặt chỗ và có năng lực pháp lý trong ngành âm nhạc trước khi cô kết hôn và quản lý nghệ sĩ metal Ronnie James Dio. Cô cho biết sau khi cưới Dio, danh tiếng trong nghề của cô bị tụt giảm do vai trò làm vợ, và cô bị đặt nghi vấn về năng lực của mình. Gloria Cavalera (cựu quản lý của Sepultura và vợ giọng ca Max Cavalera của ban nhạc) chia sẻ rằng từ năm 1996, cô đã nhận được thư thù ghét và lời dọa giết kỳ thị phụ nữ từ người hâm mộ và "phụ nữ phải chịu đựng thật nhiều điều lố bịch. Toàn bộ cái phong trào #MeToo này, có phải họ nghĩ nó mới khởi phát không? Nó đã ra đời khi có những bức ảnh chụp mấy gã đàn ông cổ hủ kéo tóc của phụ nữ rồi."[190]
Ghi chú
sửa- ^ Pearlman nói tiếp: "Về mặt cơ học, một khán giả kích động được kết hợp với âm thanh cơ học kích động. Mặt hai của album chính là mặt metal. Bài hát metal tiêu biểu nhất ... cơ học nhất tính đến nay: 'Have You Seen Your Mother, Baby, Standing in the Shadow?,' thể hiện sự kích động và căng thẳng nhất có thể ... Một tiết mục cẩu thả, song chưa bao giờ thiếu năng lượng cả. Bài có một vài chi tiết tệ, song không khí cực kỳ căng thẳng. Đây là một khái niệm và hiện thực hóa cơ học (như mọi bài hát metal)—với nhạc cụ và giọng hát của Mick được sắp xếp dày đặc thành một bề mặt âm thanh sắc lẹm và rắn chắc: một cấu trúc gồm các bề mặt thính giác và bề mặt phẳng đều, một khái niệm phẳng - sản phẩm của nguyên tắc cơ học, chú trọng vào tổ chức hình học của các âm thanh gõ."[63]
Tham khảo
sửa- ^ a b Pareles, Jon (10 tháng 7 năm 1988). “Heavy Metal, Weighty Words”. The New York Times (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2025.
- ^ a b Weinstein 2000, tr. 25.
- ^ Hannum, Terence (18 tháng 3 năm 2016). “Instigate Sonic Violence: A Not-so-Brief History of the Synthesizer's Impact on Heavy Metal”. noisey.vice.com. Vice. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2017.
In almost every subgenre of heavy metal, synthesizers held sway. Look at Cynic, who on their progressive death metal opus Focus (1993) had keyboards appear on the album and during live performances, or British gothic doom band My Dying Bride, who relied heavily on synths for their 1993 album, Turn Loose the Swans. American noise band Today is the Day used synthesizers on their 1996 self titled album to powerfully add to their din. Voivod even put synthesizers to use for the first time on 1991's Angel Rat and 1993's The Outer Limits, played by both guitarist Piggy and drummer Away. The 1990s were a gold era for the use of synthesizers in heavy metal, and only paved the way for the further explorations of the new millennia.
- ^ a b c Weinstein 2000, tr. 23.
- ^ Walser 1993, tr. 10.
- ^ a b Hodgson, Peter (9 tháng 4 năm 2011). “METAL 101: Face-melting guitar tones”. I Heart Guitar. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2022.
- ^ a b c d e f Weinstein 2000, tr. 24.
- ^ Walser 1993, tr. 50.
- ^ Dickinson, Kay (2003). Movie Music, the Film Reader (bằng tiếng Anh). Psychology Press. tr. 158.
- ^ Grow, Kory (26 tháng 2 năm 2010). “Final Six: The Six Best/Worst Things to Come out of Nu-Metal”. Revolver magazine. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2015.
The death of the guitar solo[:] In its efforts to tune down and simplify riffs, nu-metal effectively drove a stake through the heart of the guitar solo
- ^ “Lesson four- Power chords” (bằng tiếng Anh). Marshall. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 8 năm 2007. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2024.
- ^ Pillsbury, Glenn (2013). Damage Incorporated: Metallica and the Production of Musical Identity (bằng tiếng Anh). Routledge.
- ^ a b Weinstein 2000, tr. 26.
- ^ “Cliff Burton's Legendary Career: The King of Metal Bass”. Bass Player (bằng tiếng Anh). tháng 2 năm 2005. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2025.
- ^ Wall, Mick (2016). 'Lemmy: The Definitive Biography' (bằng tiếng Anh). Orion Publishing Group.
- ^ “Lamb of God's Chris Adler: More than Meets the Eye” (bằng tiếng Anh). Modern Drummer Online. 17 tháng 8 năm 2006. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2025.
- ^ a b Berry & Gianni 2003, tr. 85.
- ^ Cope, Andrew L. (2010). Black Sabbath and the Rise of Heavy Metal Music. Ashgate Publishing Ltd. tr. 130.
- ^ Arnett 1996, tr. 14.
- ^ Walser 1993, tr. 9.
- ^ Sutcliffe, Paul. “Metal, Punk, and Motörhead: Generic Crossover in the Heart of the Punk Explosion”. Echo: A Music-Centered Journal 6.2 (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 6 năm 2007. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2025.
- ^ a b Brake, Mike (1990). “Heavy Metal Culture, Masculinity and Iconography”. Trong Frith, Simon; Goodwin, Andrew (biên tập). On Record: Rock, Pop and the Written Word. Routledge. tr. 87–91.
- ^ Walser 1993, tr. 76.
- ^ Eddy, Chuck (1 tháng 7 năm 2011). “Women of Metal”. Spin. SpinMedia Group.
- ^ Kelly, Kim (17 tháng 1 năm 2013). “Queens of noise: heavy metal encourages heavy-hitting women”. The Telegraph (bằng tiếng Anh).
- ^ Hayes, Craig (20 tháng 9 năm 2013). “A Very Dirty Lens: How Can We Listen to Offensive Metal”. PopMatters. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2025.
- ^ “Master of Rhythm: The Importance of Tone and Right-hand Technique”. Guitar Legends (bằng tiếng Anh): 99. tháng 4 năm 1997.
- ^ Walser 1993, tr. 2.
- ^ Walser 2014, tr. 43.
- ^ “Glossary of Guitar Terms” (bằng tiếng Anh). Mel Bay Publications. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2025.
- ^ “Shaping Up and Riffing Out: Using Major and Minor Power Chords to Add Colour to Your Parts”. Guitar Legends (bằng tiếng Anh): 97. tháng 4 năm 1997.
- ^ Schonbrun 2006, tr. 22.
- ^ Walser 1993, tr. 46.
- ^ Marshall, Wolf (tháng 4 năm 1997). “Power Lord—Climbing Chords, Evil Tritones, Giant Callouses”. Guitar Legends (bằng tiếng Anh): 29.
- ^ Dunn, Sam (2006). Metal: A Headbanger's Journey (bằng tiếng Anh). Warner Home Video. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2025.
- ^ a b Lilja, Esa (2009). “Theory and Analysis of Classic Heavy Metal Harmony”. Advanced Musicology (bằng tiếng Anh). IAML Finland. 1.
- ^ Sadie, Stanley (1980). “Tritone”. The New Grove Dictionary of Music and Musicians (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 1). MacMillan: 154–155. ISBN 0-333-23111-2.
- ^ Arnold, Denis (1983). “Tritone”. The New Oxford Companion to Music (bằng tiếng Anh). Oxford University Press. 1: A–J. ISBN 0-19-311316-3.
- ^ Kennedy 1985, tr. 540, Pedal Point.
- ^ Walser 2014, tr. 47.
- ^ Walser 1993, tr. 58.
- ^ Walser, Robert (2001), Heavy metal (bằng tiếng Anh), Oxford University Press, doi:10.1093/gmo/9781561592630.article.49140
- ^ Wagner 2010, tr. 156.
- ^ Cook & Dibben 2001, tr. 56.
- ^ Hatch & Millward 1989, tr. 167.
- ^ Weinstein 1991, tr. 36.
- ^ Gore, Tipper (2007). “The Cult of Violence”. Trong Cateforis, Theo (biên tập). The Rock History Reader. Taylor & Francis. tr. 227–233. ISBN 978-0-415-97501-8. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2015.
- ^ a b Ewing & McCann 2006, tr. 104–113.
- ^ Christgau, Robert (13 tháng 10 năm 1998). “Nothing's Shocking”. The Village Voice. New York. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 9 năm 2010. Truy cập ngày 22 tháng 6 năm 2013.
- ^ Ostroff, Joshua (18 tháng 9 năm 2015). “Twisted Sister's Dee Snider Blasts Irresponsible Parents On PMRC Hearings' 30th Anniversary”. Huffington Post. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2016.
- ^ Elovaara, Mika (2014). “Chapter 3: Am I Evil? The Meaning of Metal Lyrics to its Fans”. Trong Abbey, James; Helb, Colin (biên tập). Hardcore, Punk and Other Junk: Aggressive Sounds in Contemporary Music. Lexington Books. tr. 38.
- ^ “Revisiting Judas Priest's Subliminal Lyrics Trial”. 24 tháng 8 năm 2015.
- ^ a b Kahn-Harris, Keith, Extreme Metal: Music and Culture on the Edge, Oxford: Berg, 2007, ISBN 1-84520-399-2.
- ^ Whitaker, Brian (2 tháng 6 năm 2003). “Highway to Hell”. Guardian. Truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2009.
- ^ Recours, R; Aussaguel, F; Trujillo, N (2009). “Metal music and mental health in France” (PDF). Culture, Medicine and Psychiatry. 33 (3): 473–488. doi:10.1007/s11013-009-9138-2. ISSN 0165-005X. PMID 19521752.
- ^ Blush, Steven (11 tháng 11 năm 2007). “American Hair Metal – Excerpts: Selected Images and Quotes”. Feral House. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 11 năm 2007. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2007.
- ^ Strauss, Neil (18 tháng 6 năm 1998). “The Pop Life: End of a Life, End of an Era”. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2008.
- ^ a b Weinstein, Deena (2009). Heavy Metal:The Music and its Culture. Da Capo Press. tr. 228–229.
- ^ Thorgerson, Storm (1999). 100 Best Album Covers. DK. tr. 1969. ISBN 9780789449511.
- ^ Palacios, Julian (2010). Syd Barrett & Pink Floyd: Dark Globe. Plexus. tr. 170. ISBN 978-0859654319.
- ^ “Arena: 'Heavy Metal'”. Arena (Tv show). 4:06 – 4:21 phút. BBC. BBC Two.
- ^ Weinstein, Deena (12 tháng 11 năm 2013). “Just So Stories: How Heavy Metal Got Its Name—A Cautionary Tale”. Rock Music Studies. 1: 36–51. doi:10.1080/19401159.2013.846655.
- ^ Pearlman, Sandy (tháng 2 năm 1967). “Live! The Four Tops and The Rolling Stones”. Crawdaddy (bằng tiếng Anh) (8). Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2020 – qua pastemagazine.com.
- ^ "Riffs" Lưu trữ 30 tháng 5 năm 2020 tại Wayback Machine.
- ^ a b Saunders, Mike (12 tháng 11 năm 1970). “Humble Pie: 'Town and Country' (review)”. Rolling Stone. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 11 năm 2007. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2007.
- ^ a b Saunders, Mike (tháng 5 năm 1971). “Sir Lord Baltimore's 'Kingdom Come' (review)”. Creem. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 3 năm 2007. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2007.
- ^ Sleazegrinder (tháng 3 năm 2007). “The Lost Pioneers of Heavy Metal”. Classic Rock.
- ^ Kevin Holm-Hudson, Progressive Rock Reconsidered, (Routledge, 2002), ISBN 0-8153-3715-9
- ^ Beck, John H. (2013). Encyclopedia of Percussion. Routledge. tr. 335. ISBN 978-1-317-74768-0.
- ^ Gitter, Mike (6 tháng 3 năm 1993). “Talkin' 'bout revolutions”. Kerrang! (433): 39.
- ^ Miller, Jim (1980). “The Rolling Stone illustrated history of rock & roll”. Rolling Stone. New York: Rolling Stone. ISBN 978-0-394-51322-5. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2012.
Black country bluesmen made raw, heavily amplified boogie records of their own, especially in Memphis, where guitarists like Joe Hill Louis, Willie Johnson (with the early Howlin' Wolf band) and Pat Hare (with Little Junior Parker) played driving rhythms and scorching, distorted solos that might be counted the distant ancestors of heavy metal.
- ^ a b Palmer, Robert (1992). “Church of the Sonic Guitar”. Present Tense (bằng tiếng Anh). Duke University Press: 13–38. ISBN 0-8223-1265-4.
- ^ Bisbort, Alan; Puterbaugh, Parke (2000). Rhino's Psychedelic Trip. Hal Leonard Corporation. ISBN 9780879306267. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2017.
- ^ Unterberger, Richie (2001). All Music Guide: The Definitive Guide to Popular Music. Hal Corporation. ISBN 9780879306274. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2017.
- ^ a b Huey, Steve. “Vanilla Fudge (Biography)”. AllMusic. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2009.
- ^ Browne, Ray Broadus; Browne, Pat (2001). The Guide to United States Popular Culture. Popular Press. ISBN 9780879728212.
- ^ Unterberger, Ritchie. “Arthur Brown (Biography)”. AllMusic. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2011.
- ^ Polly Marshall, The God of Hellfire, the Crazy Life and Times of Arthur Brown, ISBN 0-946719-77-2, SAF Publishing, 2005, p. 175
- ^ Polly Marshall, The God of Hellfire, the Crazy Life and Times of Arthur Brown, ISBN 0-946719-77-2, SAF Publishing, 200, p. 103
- ^ a b Heigl, Alex. “The Overwhelming (and Overlooked) Darkness of Jinx Dawson and Coven”. People.com. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 8 năm 2020.
- ^ a b Patterson, Dayal (2013). Black Metal: Evolution of the Cult. Feral House. ISBN 9781936239764.
- ^ “An Answer to the Immortal Question: Who Invented Heavy Metal?”. Rockarchive (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2022.
- ^ “Led Zeppelin Teen-Clubs, Box 45, Egegaard Skole – September 7, 1968”. Led Zeppelin – Official Website (bằng tiếng Anh). 20 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2017.
- ^ Strauss, Neil (3 tháng 9 năm 1998). “The Pop Life: The First Rock Opera (No, Not 'Tommy')”. The New York Times. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2008.
- ^ Rood 1994, tr. 6.
- ^ a b Smith, Nathan (13 tháng 2 năm 2012). “The Warning: The 10 Heaviest Albums Before Black Sabbath”. Houston Press. Truy cập ngày 26 tháng 4 năm 2016.
- ^ Trynka, Paul (2007). Iggy Pop: open up and bleed. New York: Broadway Books. tr. 95. ISBN 978-0-7679-2319-4.
- ^ J. DeRogatis, Turn On Your Mind: Four Decades of Great Psychedelic Rock (Milwaukee, Michigan: Hal Leonard, 2003), ISBN 0-634-05548-8, p. 132
- ^ a b Prown, Pete; Newquist, HP (1997). Legends of Rock Guitar: The Essential Reference of Rock's Greatest Guitarists. Hal Leonard Corporation. ISBN 9780793540426. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2017.
- ^ Hoffmann, Frank W. (1984). Popular Culture and Libraries. Library Professional Publications. ISBN 9780208019813.
- ^ Ulibas, Joseph. “Hard rock band Mountain is riding the Mississippi Queen into the 21st century”. AXS. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2017.
- ^ “The 50 Heaviest Songs Before Black Sabbath: #40-31”. Guitar World.
- ^ “The Horrific Accident That Created Heavy Metal”. loudwire.com. Townsquare Media. 25 tháng 2 năm 2022.
- ^ Allsop, Laura (1 tháng 7 năm 2011). “Birmingham, England ... the unlikely birthplace of heavy metal”. CNN. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2017.
- ^ Wood, Rebecca (4 tháng 2 năm 2017). “Black Sabbath: 'We hated being a heavy metal band'”. BBC. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2017.
- ^ Michaud, Jon (4 tháng 8 năm 2013). “Keeping the Sabbath”. The New Yorker. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2017.
- ^ Bentley, David (4 tháng 6 năm 2013). “Midlands rocks! How Birmingham's industrial heritage made it the birthplace of heavy metal”. Birmingham Post. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2017.
- ^ “Black Sabbath”. Rock and Roll Hall of Fame. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2010.
- ^ Buckley 2003, p. 232, "'Black Night', a UK #2 hit in November 1970, stole its riff from Ricky Nelson's 'Summertime'."
- ^ Henderson, Alex. “Budgie (review)”. AllMusic. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2009.
- ^ Parco, Nicholas (10 tháng 8 năm 2016). “SEE IT: From 'Kashmir' to 'Layla,' a look at the most iconic guitar riffs in rock history”. Nydailynews.com. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2018.
- ^ “Read Lars Ulrich's Deep Purple Rock Hall Induction Speech”. Rolling Stone. 9 tháng 4 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2018.
- ^ Owen Adams (11 tháng 5 năm 2009). “Label of love: Immediate Records”. theguardian.com.
- ^ Rivadavia, Eduardo. “Rainbow”. AllMusic. Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2010.
- ^ Erlewine, Stephen Thomas; Prato, Greg. “Judas Priest”. AllMusic. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2007.
- ^ Burridge, Alan (tháng 4 năm 1991). “Motörhead”. Record Collector (140): 18–19.
- ^ Freeborn, Robert (tháng 6 năm 2010). “A SELECTIVE DISCOGRAPHY OF SCANDINAVIAN HEAVY METAL MUSIC”. Quarterly Journal of the Music Library Association. 66 (4): 840–850.
- ^ “Rock Group Europe Plan Comeback”. BBC News. London. 3 tháng 10 năm 2003. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2008.
- ^ Steve Pond (20 tháng 10 năm 1988). “Jane's Addiction: Nothing's Shocking”. Rolling Stone. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2007.
- ^ a b Neely, Kim (4 tháng 10 năm 1990). “Anthrax: Persistence of Time”. Rolling Stone. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2015.
- ^ a b “Speed/Thrash Metal Music Style Overview”. AllMusic (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2025.
- ^ “Top 200 Albums”. Billboard. 22 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2022.
- ^ “Top 200 Albums”. Billboard. 22 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2022.
- ^ “Top 200 Albums”. Billboard. 22 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2022.
- ^ The Greatest Metal Bands of All Time—Slayer Lưu trữ 18 tháng 7 năm 2006 tại Wayback Machine.
- ^ “Necrophagia – Biography & History – AllMusic”. AllMusic. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2018.
- ^ a b c Moynihan & Søderlind 1998, tr. 27.
- ^ a b c Van Schaik, Mark (March–April 2000). “Four uninhibited metal-men talking”. Slagwerkkrant. Slagwerkkrant. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2025.Quản lý CS1: định dạng ngày tháng (liên kết)
- ^ Kahn-Harris, Keith (2007). Extreme Metal: Music and Culture on the Edge. Berg Publishers. ISBN 978-1-84520-399-3.
- ^ a b Moynihan & Søderlind 1998, tr. 38.
- ^ Sharpe-Young, Garry (2003). A-Z of Power Metal. London: Cherry Red Books Ltd. tr. 19–20, 354–356. ISBN 978-1-901447-13-2.
- ^ Sharpe-Young (2007), pp. 246, 275; see also Stéphane Leguay, "Metal Gothique" in Carnets Noirs, éditions E-dite, 3e édition, 2006, ISBN 2-84608-176-X
- ^ Popoff, Martin (15 tháng 11 năm 2013). Metallica. Voyageur Press. ISBN 9780760344828. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2015.
- ^ “Gold & Platinum – January 17, 2010”. RIAA. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 7 năm 2007.
- ^ a b “Genre—Alternative Metal”. AllMusic. Truy cập ngày 26 tháng 3 năm 2007.
- ^ Erlewine, Stephen Thomas. “Soundgarden (Biography)”. AllMusic. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2009.
- ^ D'angelo, Joe (24 tháng 1 năm 2003). “Nu Metal Meltdown”. MTV.com. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 2 năm 2007. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2007.
- ^ I. Christe, Sound of the Beast: The Complete Headbanging History of Heavy Metal (London: HarperCollins, 2003), ISBN 0-380-81127-8, p. 184
- ^ a b Mudrian, Albert (2000). Choosing Death: The Improbable History of Death Metal and Grindcore (bằng tiếng Anh). Feral House. tr. 222–223. ISBN 1-932595-04-X.
- ^ a b Ian Glasper, Terrorizer no. 171, June 2008, p. 78, "here the term (metalcore) is used in its original context, referencing the likes of Strife, Earth Crisis, and Integrity ..."
- ^ “Kill Your Stereo – Reviews: Shai Hulud – Misanthropy Pure”. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2012.
Shai Hulud, a name that is synonymous (in heavy music circles at least) with intelligent, provocative and most importantly unique metallic hardcore. The band's earliest release is widely credited with influencing an entire generation of musicians
- ^ “Killswitch Engage”. Metal CallOut. 7 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2011.
- ^ K. Kahn-Harris, Extreme Metal: Music and Culture on the Edge (Oxford: Berg, 2007), ISBN 1-84520-399-2, pp. 86, 116
- ^ Pazhoohi, F.; Luna, K. (2018). “Ecology of Musical Preference: the Relationship Between Pathogen Prevalence and the Number and Intensity of Metal Bands”. Evolutionary Psychological Science. 4 (3): 294–300. doi:10.1007/s40806-018-0139-7.
- ^ “Finnish metropolises vie to win Capital of Metal”. thisisFINLAND (bằng tiếng Anh). 8 tháng 5 năm 2018. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2021.
- ^ Campaigns, Famous. “Finland stage world's first heavy metal knitting championship”. famouscampaigns.com. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2021.
- ^ “Finland's Children of Bodom Debut at #22 on Billboard Chart with New Album, 'Blooddrunk'”, Guitar Player, Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 5 năm 2011
- ^ “Chartverfolgung / Dimmu Borgir / Long play”, Music Line.de, Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 5 năm 2011
- ^ “Chartverfolgung / Blind Guardian / Long play”, Music Line.de, Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 5 năm 2011
- ^ “Chartverfolgung / Hammer Fall / Long play”, Music Line.de, Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 5 năm 2011
- ^ allmusic.com Alex Henderson: "What is deathcore? ... it's essentially metalcore ... Drawing on both death metal and hardcore ..."
- ^ lambgoat.com "This is deathcore. This is what happens when death metal and hardcore, along with healthy doses of other heavy music styles, are so smoothly blended ..."
- ^ Lee, Cosmo. “Doom”. AllMusic. Rovi Corporation.
- ^ Wiederhorn, Jon (tháng 9 năm 2008). “Dawn of the Deathcore”. Revolver. Future US (72): 63–66. ISSN 1527-408X.
- ^ a b E. Rivadavia, “The Sword: Age of Winters”, AllMusic, Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 12 năm 2010
- ^ A. Begrand (20 tháng 2 năm 2006), “The Sword: Age of Winters”, PopMatters.com, Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 5 năm 2011
- ^ E. Rivadavia, “Witchcraft”, AllMusic, Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 3 năm 2011
- ^ Sharpe-Young, Garry, New Wave of American Heavy Metal (link). Edward, James. “The Ghosts of Glam Metal Past”. Lamentations of the Flame Princess. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 1 năm 2011. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2008.
- ^ “Lady Antebellum 'Own' the Billboard 200 with Second No. 1 Album”. Billboard.com. 14 tháng 9 năm 2009. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2011.
- ^ “The Devil Wears Prada Post A Video Update For New Album”. Metal Insider. 31 tháng 5 năm 2013.
- ^ a b Bowcott, Nick. “Meshuggah Share the Secrets of Their Sound”. Guitar World. Future US. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 5 năm 2016.
- ^ Angle, Brad. “Interview: Meshuggah Guitarist Fredrik Thordendal Answers Reader Questions”. Guitar World. Future US.
- ^ Rivadavia, Eduardo. “Concealing Fate”. AllMusic. Rovi Corporation.
- ^ Kennelty, Greg. “Here's Why Everyone Needs To Stop Complaining About Extended Range Guitars”. Metal Injection.
- ^ GuitarWorld Staff Member. “TesseracT Unveil New Video”. Guitar World. Future US. Truy cập ngày 17 tháng 10 năm 2011.
- ^ Bland, Ben. “Textures – Dualism (Album Review)”. Stereoboard.com.
- ^ “Grimes details "nu-metal" fifth album Miss_Anthrop0cene”. The FADER (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2021.
- ^ “Poppy Makes a Case for a New Kind of Artificial Pop Star”. Time. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2021.
- ^ Magazine, Alternative Press (2 tháng 11 năm 2018). “Poppy may be the future of heavy metal with new song "Play Destroy"”. Alternative Press (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2021.
- ^ “The female pop stars channeling nu-metal's rage”. the Guardian (bằng tiếng Anh). 13 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2021.
- ^ Wallach, Jeremy; Berger, Harris M.; Greene, Paul D. biên tập (tháng 12 năm 2011). Metal Rules the Global: Heavy Metal Music around the World. Duke University Press. doi:10.2307/j.ctv1220q3v. ISBN 9780822347163. JSTOR j.ctv1220q3v.
- ^ “'Scream for Me, Africa!': How the continent is reinventing heavy metal music”. culture. NPR. 7 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2023.
- ^ "Freedom Ain't Free:" Race and Representation(s) in Extreme Heavy Metal (Luận văn). Columbia University. doi:10.7916/msfp-xx60.
- ^ “'Racism is rampant': Alien Weaponry, the metal band standing up for Māori culture” (online). The Guardian. 28 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2023.
- ^ “The Forgotten Mother of Metal Music and Birth of the "Devil's Horns"”. Atomic Redhead (bằng tiếng Anh). 18 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2023.
- ^ Cooper, Leonie (22 tháng 2 năm 2021). “The Unsung: Jinx Dawson invented rock's devil horns – but a man took all the credit”. The Forty-Five (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2023.
- ^ Trapp, Philip (21 tháng 4 năm 2021). “Where Did Metal's 'Devil Horns' Hand Gesture Really Come From?”. Loudwire (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2023.
- ^ “Lita Ford”. Biography (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 3 năm 2018. Truy cập ngày 26 tháng 3 năm 2018.
- ^ Bomb, Cherry (16 tháng 12 năm 2019). “Forget Santa Claus! Bang Your Head to 80s Spanish Metal Demons SANTA”. Metal Injection (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2023.
- ^ BraveWords. “DORO – The Queen Of Metal Documentary 2021 Streaming”. bravewords.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2023.
- ^ Writer, Yusuke Tsuruta / Yomiuri Shimbun Staff (22 tháng 6 năm 2023). “Mari Hamada's Outlook on Life, Death Reflected in New Heavy Metal Album”. japannews.yomiuri.co.jp (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2024.
- ^ “Leather”. www.metal.it. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2024.
- ^ updated, Dom Lawsonlast (25 tháng 9 năm 2020). “Holy Moses revolutionised the 80s thrash scene. Why don't more people know about them?”. louder (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2023.
- ^ Kelly, Kim (22 tháng 9 năm 2016). “No Guts, No Glory: How Bolt Thrower's Jo Bench Inspired a Generation of Metal Musicians”. Vice (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2024.
- ^ “Artists – LIv Kristine”. Napalm Records. 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2014.
- ^ “usatoday.com – Grammy Award Nominees in Top Categories”. USA Today. 12 tháng 7 năm 2004. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2012.
- ^ “usatoday.com – Grammy Award Nominees in Top Categories”. USA Today. 12 tháng 7 năm 2004. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2012.
- ^ Pasbani, Robert (24 tháng 11 năm 2020). “Here Are The Nominees For Best Metal Performance at the 2021 GRAMMYs”. Metal Injection (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2021.
- ^ “The story of Evanescence so far”. Metal Hammer (bằng tiếng Anh). 17 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2023.
- ^ Baltin, Steve. “Evanescence Thank Fans With New Box Set”. Forbes (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2023.
- ^ Spanos, Brittany (16 tháng 11 năm 2020). “Evanescence's Amy Lee Gets Back to Life”. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2023.
- ^ “The DESTROSE Connection ~The Prologue~”. JaME. 17 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2019.
- ^ “浜田麻里からLOVEBITESまでーーガールズHR/HM、波乱万丈の30年史”. Real Sound (bằng tiếng Nhật). 7 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2019.
- ^ “Meet Babymetal: The Japanese Band That Is Breaking Grounds For Women In Heavy Metal”. www.hercampus.com (bằng tiếng Anh). 23 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2023.
- ^ “Michael Wagener's Biography”. www.michaelwagener.com. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2018.
- ^ “ACCEPT's MARK TORNILLO Says Fans Can Expect 'A Little More Diversity' On 'Blind Rage'”. BLABBERMOUTH.NET (bằng tiếng Anh). 4 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2018.
- ^ “Interview: Sharon Osbourne”. The Guardian. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2018.
- ^ a b Hill, Rosemary Lucy (tháng 1 năm 2016). “Metal and Sexism”. Gender, Metal and the Media. tr. 133–158. doi:10.1057/978-1-137-55441-3_6. ISBN 978-1-137-55440-6. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2020.
- ^ Dansby, Andrew (16 tháng 2 năm 2001). “Critic Christgau Wraps the '90s”. Rolling Stone. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2020.
- ^ Goodman, Eleanor (12 tháng 2 năm 2018). “Does Metal Have a Sexism Problem?”. Metal Hammer. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2020.
Tài liệu tham khảo
sửa- Wallach, Jeremy; Berger, Harris M.; Greene, Paul D. biên tập (tháng 12 năm 2011). Metal Rules the Globe: Heavy Metal Music around the World. Duke University Press. doi:10.2307/j.ctv1220q3v. ISBN 9780822347163. JSTOR j.ctv1220q3v.
- Arnold, Denis (1983). "Consecutive Intervals", in The New Oxford Companion to Music, Volume 1: A-J. Oxford University Press. ISBN 0-19-311316-3.
- Arnett, Jeffrey Jensen (1996). Metalheads: Heavy Metal Music and Adolescent Alienation. Westview Press. ISBN 0-8133-2813-6.
- Berelian, Essi (2005). Rough Guide to Heavy Metal. Rough Guides. Foreword by Bruce Dickinson of Iron Maiden. ISBN 1-84353-415-0.
- Berry, Mick and Jason Gianni (2003). The Drummer's Bible: How to Play Every Drum Style from Afro-Cuban to Zydeco. See Sharp Press. ISBN 1-884365-32-9.
- Blake, Andrew (1997). The Land Without Music: Music, Culture and Society in Twentieth-century Britain. Manchester University Press. ISBN 0-7190-4299-2.
- Buckley, Peter (2003). The Rough Guide to Rock. Rough Guides. ISBN 1-84353-105-4.
- Braunstein, P. and Doyle, M. W., Imagine Nation: the American Counterculture of the 1960s and '70s (London: Routledge, 2002), ISBN 0-415-93040-5.
- Bukszpan, D. (2003), The Encyclopedia of Heavy Metal. Barnes & Noble. ISBN 0-7607-4218-9.
- Carson, Annette (2001). Jeff Beck: Crazy Fingers. Backbeat Books. ISBN 0-87930-632-7.
- Charlton, Katherine (2003). Rock Music Styles: A History. McGraw Hill. ISBN 0-07-249555-3.
- Christe, Ian (2003). Sound of the Beast: The Complete Headbanging History of Heavy Metal. HarperCollins. ISBN 0-380-81127-8.
- Christgau, Robert (1981). "Master of Reality (1971) [review]", in Christgau's Record Guide. Ticknor & Fields. ISBN 0-89919-026-X.
- Cook, Nicholas, and Nicola Dibben (2001). "Musicological Approaches to Emotion", in Music and Emotion. Oxford University Press. ISBN 0-19-263188-8.
- Du Noyer, Paul (ed.) (2003). The Illustrated Encyclopedia of Music. Flame Tree. ISBN 1-904041-70-1
- Ekeroth, Daniel (2011), Swedish Death Metal. Bazillion Points. ISBN 978-0-9796163-1-0
- Ewing, Charles Patrick, and Joseph T. McCann (2006). Minds on Trial: Great Cases in Law and Psychology. Oxford University Press. ISBN 0-19-518176-X.
- Fast, Susan (2001). In the Houses of the Holy: Led Zeppelin and the Power of Rock Music. Oxford University Press. ISBN 0-19-511756-5.
- Fast, Susan (2005). "Led Zeppelin and the Construction of Masculinity", in Music Cultures in the United States, ed. Ellen Koskoff. Routledge. ISBN 0-415-96588-8.
- Guibert, Gérôme, and Fabien Hein (ed.) (2007). "Les Scènes Metal. Sciences sociales et pratiques culturelles radicales". Volume! La revue des musiques populaires. N°5-2. Bordeaux: Mélanie Seteun. ISBN 978-2-913169-24-1.
- Hainaut, Bérenger (2017). Le Style black metal. Château-Gontier: Aedam musicae. ISBN 978-2-919046-21-8.
- Harrison, Thomas (2011). Music of the 1980s. ABC-CLIO. ISBN 978-0-313-36599-7
- Hatch, David, and Stephen Millward (1989). From Blues to Rock: An Analytical History of Pop Music. Manchester University Press. ISBN 0-7190-2349-1.
- Kahn-Harris, Keith and Fabien Hein (2007), "Metal studies: a bibliography", Volume! La revue des musiques populaires, n°5-2, Bordeaux: Éditions Mélanie Seteun. ISBN 978-2-913169-24-1.
- Kennedy, Michael (1985). The Oxford Dictionary of Music. Oxford University Press. ISBN 0-19-311333-3.
- Leguay, Stéphane (2006). "Metal Gothique", in Carnets Noirs, éditions E-dite, 3rd edition, ISBN 2-84608-176-X.
- Lilja, Esa (2009). Theory and Analysis of Classic Heavy Metal Harmony. Helsinki: IAML Finland. ISBN 978-952-5363-35-7.
- McCleary, John Bassett (2004). The Hippie Dictionary: A Cultural Encyclopedia of the 1960s and 1970s. Ten Speed Press. ISBN 1-58008-547-4.
- McMichael, Joe (2004). The Who Concert File. Omnibus Press. ISBN 1-84449-009-2.
- Moynihan, Michael; Søderlind, Dirik (1998). Lords of Chaos (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 2). Feral House. ISBN 0-922915-94-6.
- Nicholls, David (1998). The Cambridge History of American Music. Cambridge University Press. ISBN 0-521-45429-8
- O'Neil, Robert M. (2001). The First Amendment and Civil Liability. Indiana University Press. ISBN 0-253-34033-0.
- Pareles, Jon, and Patricia Romanowski (eds.) (1983). The Rolling Stone Encyclopedia of Rock & Roll. Rolling Stone Press/Summit Books. ISBN 0-671-44071-3.
- Phillipov, Michelle (2012). Death Metal and Music Criticism: Analysis at the Limits Lexington Books. ISBN 978-0-7391-6459-4
- Pillsbury, Glenn T. (2006). Damage Incorporated: Metallica and the Production of Musical Identity. Routledge.
- Rood, Karen Lane (1994). American culture after World War II. Gale Research. ISBN 9780810384811.
but its influence is apparent in the heavy-metal sound.
- Sadie, Stanley (1980). "Consecutive Fifth, Consecutive Octaves", in The New Grove Dictionary of Music and Musicians (1st ed.). MacMillan. ISBN 0-333-23111-2.
- Schonbrun, Marc (2006). The Everything Guitar Chords Book. Adams Media. ISBN 1-59337-529-8.
- Sharpe-Young, Garry (2007). Metal: The Definitive Guide. Jawbone Press. ISBN 978-1-906002-01-5.
- Strong, Martin C. (2004). The Great Rock Discography. Canongate. ISBN 1-84195-615-5.
- Swinford, Dean (2013). Death Metal Epic (Book I: The Inverted Katabasis). Atlatl Press. ISBN 978-0-9883484-3-1.
- Thompson, Graham (2007). American Culture in the 1980s. Edinburgh University Press. ISBN 0-7486-1910-0.
- Van Zoonen, Liesbet (2005). Entertaining the Citizen: When Politics and Popular Culture Converge. Rowman & Littlefield. ISBN 0-7425-2906-1.
- Wagner, Jeff (2010). Mean Deviation: Four Decades of Progressive Heavy Metal. Bazillion Points. ISBN 978-0-9796163-3-4.
- Walser, Robert (1993). Running with the Devil: Power, Gender, and Madness in Heavy Metal Music (bằng tiếng Anh). Wesleyan University Press. ISBN 0-8195-6260-2.
- Waksman, Steve (2001). Instruments of Desire: The Electric Guitar and the Shaping of Musical Experience. Harvard University Press. ISBN 0674005473.
- Weinstein, Deena (1991). Heavy Metal: A Cultural Sociology (bằng tiếng Anh). Lexington. ISBN 0-669-21837-5.
- Weinstein, Deena (2000). Heavy Metal: The Music and its Culture (bằng tiếng Anh). Da Capo. ISBN 0-306-80970-2.
- Wilkerson, Mark Ian (2006). Amazing Journey: The Life of Pete Townshend. Bad News Press. ISBN 1-4116-7700-5.
- Wiederhorn, Jon. Louder Than Hell: The Definitive Oral History of Metal. It Books, 14 May 2013 ISBN 978-0-06-195828-1
- Dawes, Laina (7 tháng 11 năm 2012). What are You Doing Here?: A Black Woman's Life and Liberation in Heavy Metal. Bazillion Points. ISBN 9781935950059.
- Dawes, Laina (2022). "Freedom Ain't Free:" Race and Representation(s) in Extreme Heavy Metal (Luận văn). Columbia University. doi:10.7916/msfp-xx60.
- Martinez, Kristen Le Amber (2019). Not All Killed by John Wayne: The Long History of Indigenous Rock, Metal, and Punk 1940s to the Present (Luận văn). University of California.
Liên kết ngoài
sửa- “The Metal Archives”. Encyclopedia Metallum.
- “The International Society for Metal Music Studies (ISMMS)”.
- AllMusic entry for heavy metal