Judas Priest

ban nhạc heavy metal người Anh

Judas Priest là một ban nhạc heavy metal người Anh được thành lập ở Birmingham vào năm 1969. Nhóm đã tiêu thụ hơn 50 triệu album và thường được xếp vào hàng ngũ những ban nhạc metal vĩ đại nhất mọi thời đại. Mặc dù sở hữu những tác phẩm tiên phong và mới mẻ ở nửa cuối thập niên 1970, ban nhạc đã chật vật với chất lượng sản xuất đĩa nhạc tầm thường và không đạt được thành công thương mại lớn. Mãi tới năm 1980, album British Steel mới khiến họ có được sự chú ý của khán giả đại chúng.

Judas Priest
Thông tin nghệ sĩ
Nguyên quánBirmingham, Anh
Thể loạiHeavy metal
Năm hoạt động1969–nay
Hãng đĩa
Thành viên
Cựu thành viên
Websitejudaspriest.com

Đội hình ban nhạc đã trải qua nhiều thay đổi nhân sự. Ở thập niên 1970, đội hình then chốt gồm ca sĩ Rob Halford, hai tay guitar Glenn TiptonK. K. Downing, cùng tay bass Ian Hill được ổn định, song lại chứng kiến họ thay đổi hàng loạt tay trống, để rồi Dave Holland gia nhập và hoạt động cùng nhóm trong mười năm từ 1979 đến 1989. Sau khi chia tay Holland, Scott Travis được tuyển mộ làm tay trống của ban nhạc kể từ đó. Halford rời ban nhạc vào năm 1992, và sau bốn năm tạm ngưng hoạt động, Judas Priest tái lập đội hình vào năm 1996 với Tim "Ripper" Owens (cựu thành viên Winter's Bane) thay thế Halford. Sau hai album cùng Owens, Halford trở lại ban nhạc vào năm 2003. Downing rời ban vào năm 2011, thay thế anh là Richie Faulkner. Đội hình hiện tại gồm có Halford, Tipton, Faulkner, Hill và Travis; dẫu Tipton vẫn là thành viên chính thức của Judas Priest, anh buộc phải hạn chế hoạt động đi lưu diễn kể từ năm 2018 do mắc bệnh Parkinson, và Andy Sneap là người khỏa lấp chỗ trống của anh. Tipton và Hill là hai thành viên duy nhất có mặt ở mọi album của ban nhạc.

Phong cách hát hơi hướng opera của Halford cùng tiếng guitar đôi của Downing-Tipton được cho là tác động lớn tới nhiều ban nhạc heavy metal hậu bối. Hình ảnh Judas Priest mặc đồ da, đồ gắn đinh và những bộ đồ cấm kỵ khác đã tác động cực kỳ lớn tới kỷ nguyên glam metal ở thập niên 1980. The Guardian xem British Steel là đĩa nhạc định nghĩa thể loại heavy metal. Mặc cho phong độ tụt giảm ở giữa thập niên 1990, ban nhạc một lần nữa nổi lên: họ thực hiện nhiều chuyến lưu diễn thế giới; là những người đầu tiên được ghi danh vào VH1 Rock Honors (2006); đoạt một giải Grammy cho Trình diễn metal xuất sắc nhất (2010); và sở hữu những bài hát có mặt trong các trò chơi video như loạt Guitar HeroRock Band. Năm 2022, Judas Priest được ghi danh vào Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll

Lịch sử hoạt động

sửa

Nguồn gốc ra đời (1969–1974)

sửa

Judas Priest được giọng ca chính Al Atkins, tay bass Brian "Bruno" Stapenhill, tay guitar John Perry và tay trống John "Fezza" Partridge thành lập vào năm 1969 ở Birmingham, Anh.[1][2] Perry tự sát vào năm 18 tuổi,[3] và một trong những lựa chọn thay thế anh là Kenneth "K. K." Downing (tay guitar tương lai của Judas Priest); lúc bấy giờ, họ từ chối anh để chọn nhạc công chơi đa nhạc cụ mới 17 tuổi Ernest Chataway - từng chơi cho ban nhạc Black Sabbath ở Birmingham khi họ vẫn còn cái tên Earth.[4] Stapenhill nghĩ ra cái tên Judas Priest dựa theo bài hát "The Ballad of Frankie Lee and Judas Priest" của Bob Dylan trong album John Wesley Harding.[5] Partridge bị thay thế bởi tay trống Fred Woolley vào năm 1970, về sau Wolley tái hợp với Chataway và Stapenhill ở ban nhạc Bullion.[6] Chẳng có thành viên của đội hình đầu tiên ấy hoạt động đủ lâu để thực hiện các bản nhạc cho nhóm, dẫu một số bài hát do Atkins đồng sáng tác có mặt ở hai album đầu tiên.[4]

Ban nhạc thu đĩa demo gồm hai bài là "Good Time Woman" và "We'll Stay Together", rồi có được hợp đồng thu âm làm ba album với hãng đĩa Immediate vào cuối năm 1969 sau một show ở Walsall,[a] song hãng này phá sản trước khi họ kịp ghi âm một album, và ban nhạc tan rã vào năm 1970. Cuối năm ấy, Atkins lập ra ban nhạc heavy rock tên là Freight để tập luyện song thiếu ca sĩ, gồm K. K. Downing đánh guitar, cậu bạn thời thơ ấu Ian "Skull" Hill chơi bass, và tay trống John Ellis.[7] Họ lập hội và lấy luôn cái tên Judas Priest - ban nhạc vốn đã bị giải thể của Akins. Show đầu tiên của họ diễn ra vào ngày 6 tháng 3 năm 1971. Ellis nghỉ hoạt động vào cuối năm đó và người thay thế là Alan Moore. Những show đầu tiên họ cover các bài của HendrixQuatermass, và vào năm 1972, nhóm đưa thêm các tiết mục gồm các bài tự sáng tác là "Never Satisfied", "Winter", và bài kết show "Caviar and Meths".[8] Tháng 7 năm 1971, nhóm thực hiện đĩa demo 45 rpm "Mind Conception" với "Holy is the Man" ở mặt B cho hãng đĩa Zella Records.

Moore rời nhóm và người thay thế là Chris "Congo" Campbell, ban nhạc chọn gia nhập công ty quản lý Iommi Management Agency của Tony Iommi (nghệ sĩ guitar của Black Sabbath).[b] Atkins tiếp tục sáng tác nhạc cho ban—kể cả "Whiskey Woman" - cơ sở cho đĩa đơn "Victim of Changes" của Judas Priest—song vì tài chính eo hẹp và phải chu cấp cho gia đình, anh đã chơi những show cuối cùng ban nhạc vào tháng 12 năm 1972.[10] Không lâu sau thì Campbell cũng rời nhóm để vào ban Machine,[11] và ban nhạc tuyển mộ hai thành viên của ban nhạc Hiroshima: tay trống John Hinch và giọng ca Rob Halford (anh trai bạn gái của Hill).[c] Halford và Hinch diễn những show đầu tiên cùng Judas Priest vào tháng 5 năm 1973 tại TownhouseWellington. Show được thu hình vào đưa vào sản phẩm tuyển tập Downer-Rock Asylum phát hành trên hãng đĩa Audio Archives cùng với một bài nhạc sống từ giai đoạn Atkins hoạt động.

Judas Priest tiến hành tour diễn xuyên lục địa châu Âu đầu tiên vào đầu năm 1974 rồi trở lại Anh vào tháng 4 để ký hợp đồng thu âm với hãng đĩa Gull.[13] Gull đề xuất tuyển mộ thêm thành viên thứ năm để làm dày âm thanh của ban nhạc; họ nhận tay lead guitar thứ hai Glenn Tipton[13] (cựu thành viên của The Flying Hat Band - từng dưới trướng công ty quản lý của Iommi).[9]

Rocka Rolla (1974–1975)

sửa

Judas Priest bước chân vào phòng thu vào tháng 6–tháng 7 năm 1974 với nhà sản xuất Rodger Bain của Black Sabbath.[14] Ban nhạc phát hành đĩa đơn "Rocka Rolla" vào tháng 8 và kế đến là album cùng tên vào tháng 9.[14] Album sở hữu hàng loạt phong cách—chất rock thô, những câu riff nặng và progressive.[15]

Những vấn đề kĩ thuật trong khâu sản xuất đã góp phần làm cho đĩa nhạc trở nên kém chất lượng âm thanh. Nhà sản xuất Rodger Bain (sỡ hữu lý lịch thu ba album đầu tiên của Black Sabbath cũng như album đầu của Budgie) là người chi phối lớn trong khâu sản xuất album và đưa ra những quyết định mà ban nhạc không hề đồng tình.[16] Bain còn chọn loại các bài yêu thích diễn live của nhóm mà người hâm mộ yêu thích (ví dụ "Tyrant", "Genocide" và "The Ripper") khỏi album và cắt thời lượng mười phút của bài "Caviar and Meths" xuống thành bản nhạc khí dài hai phút .

Tour quảng bá Rocka Rolla là tour diễn quốc tế đầu tiên của Judas Priest[17] với những ngày diễn ở Đan Mạch, Đức, Hà Lan và Na Uy, tính cả một show tại Khách sạn Klubben[18] ở Tønsberg (cách Oslo, Na Uy một giờ di chuyển) khiến họ bị báo chí địa phương đánh giá có phần tiêu cực.[19] Album thất bại sau ngày phát hành, đẩy Priest vào tình trạng tài chính ngặt nghèo. Priest cố chốt được thỏa thuận với Gull Records để được trả công hàng tháng là 50 bảng Anh, song do Gull Records cũng đang khó khăn nên hãng đã từ chối.[20]

Sad Wings of Destiny (1975–1977)

sửa

Ban nhạc đã trình bày các bài "Rocka Rolla" và "Dreamer Deceiver" trên chương trình The Old Grey Whistle Test của BBC Two vào năm 1975 – một năm sau thì hai bài được đưa vào album Sad Wings of Destiny.[21] Hinch rời ban nhạc vì lý do bất đồng và người thay thế anh là Alan Moore[22] (sau này anh trở lại ban vào tháng 10 năm 1975).[23] Tình trạng tài chính ngày càng ngặt nghèo: các thành viên đã tự cắt suất ăn xuống một bữa/ngày—một số người phải đi làm thêm—trong lúc thu âm album kế tiếp với kinh phí 2.000 bảng Anh.[24] Nhóm định làm một album kết hợp chất rock thô và khía cạnh progressive.[25]

Ban nhạc thu âm Sad Wings of Destiny trong hơn hai tuần từ tháng 11 đến tháng 12 năm 1975 tại Rockfield Studios ở Wales.[26] Họ tỉnh táo trong suốt mười giờ thu nháp.[25] Bìa đĩa miêu tả một thiên thần chới với dưới mặt đất, bao quanh là ngọn lửa và đeo cây thánh gia ba mũi của quỷ[27] - về sau nó trở thành biểu trưng của ban.[28] Album được phát hành vào tháng 3 năm 1976,[29] với "The Ripper" được chọn làm đĩa đơn chủ đạo.[30] Ban nhạc hỗ trợ quảng bá album bằng chuyến lưu diễn chính[23] ở Liên hiệp Anh từ tháng 4 đến tháng 6 năm[31] Lần này Halford bông đùa rằng người hâm mộ nên đốt các bản album Rocka Rolla.[32]

Album có được chút thành công thương mại lúc đầu[33][34]  và khó gây được chú ý do sự cạnh tranh khốc liệt từ dòng nhạc punk rock đang nổi lên,[35] mặc cho nhạc phẩm được chấm một bài đánh giá tích cực từ Rolling Stone.[23] Kể từ đấy, người hâm mộ, nhà phê bình và chính ban nhạc xem Sad Wings of Destiny là album mà Judas Priest củng cố âm thanh và hình ảnh của nhóm.[28] Album sở hữu những câu riff nặng và biên khúc bài hát phức tạp mà Tipton và Downing cho biết lấy cảm hứng từ những nhà máy của cùng Black Country.[36] Bài tâm điểm của album - "Victim of Changes" phát triển từ sự kết hợp giữa bài "Whiskey Woman" của Atkins và "Red Light Woman" của Halford, rồi trở thành bài yêu thích của người hâm mộ.[27]

Ban nhạc ngày càng thể hiện sự bất mãn với Gull;[37] tài chính ngặt nghèo buộc Moore phải rời ban lần thứ hai—lần này là một đi không trở lại.[38] Sad Wings of Destiny gây được chú ý của CBS Records, và với sự hỗ trợ của quản lý mới David Hemmings, ban nhạc ký hợp đồng với CBS và nhận kinh phí 60.000 bảng Anh cho album kế tiếp. Hợp đồng bắt nhóm phải hủy hợp đồng với Gull, dẫn tới bản quyền của hai album đầu tiên và toàn bộ những sản phẩm nhạc liên quan—kể cả các đĩa demo—trở thành tài sản của Gull.[37] Theo định kỳ, Gull tái xử lý bìa và tái phát hành sản phẩm từ những album này.[39]

Nhạc phẩm đầu tay với hãng đĩa lớn (1977–1979)

sửa

Judas Priest thu âm nhạc phẩm đầu tay với hãng đĩa lớn mang tên Sin After Sin vào tháng 1 năm 1977 tại phòng thu Ramport Studios của The Who, với tay bass Roger Glover của Deep Purple nắm vai trò sản xuất.[40] Moore một lần rời đi trong các buổi tập và người thay thế là tay trống tạm thời Simon Phillips.[41] Album mang những tiến bộ đáng kể trong kỹ thuật làm nhạc heavy metal, đặc biệt là sử dụng tiếng trống double-kick trong các bài như "Dissident Aggressor",[42] và đưa vào bản cover pop-metal bài "Diamonds & Rust" của ca sĩ nhạc folk Joan Baez.[43]

Sin After Sin ra mắt vào tháng 4 năm 1977.[4] Đây là đĩa nhạc đầu tiên của Priest dưới trướng hãng đĩa lớn CBS và là nhạc phẩm đầu tiên trong chuỗi bảy album liên tiếp của nhóm giành được chứng nhận Vàng hoặc Bạch kim của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ (RIAA).[44] Phillips từ chối trở thành thành viên dài hạn của Judas Priest, vì thế ban nhạc đã thuê Les Binks theo đề xuất Glover. Họ cùng nhau thu album Stained Class (1978) do Dennis MacKay sản xuất và Killing Machine (phát hành ở Mỹ với tựa Hell Bent for Leather).[45] Binks (được ghi công đồng sáng tác bài "Beyond the Realms of Death") giờ đây được coi là một nhân tố trong đội hình hoàng kim của ban nhạc, anh là một tay trống giàu kỹ thuật và tài năng, bổ sung thêm khía cạnh kỹ xảo cho âm thanh của ban nhạc. Binks còn trình diễn trong Unleashed in the East (1979) - album được thu âm trực tiếp ở Nhật Bản trong tour diễn Killing Machine. Trong ba album đầu của Judas Priest có ảnh hưởng đáng kể từ Black Sabbath, Led Zeppelin và Deep Purple cũng như chứa những bài ballad, thì Stained Class lại không có bất kỳ bài ballad nào ngoại trừ "Beyond the Realms of Death". Killing Machine là sản phẩm đầu tiên với âm thanh hơi hướng thương mại hơn, có những ca khúc đơn giản mang lại vài dấu ấn của nhạc blues. Cùng khoảng thời gian ấy, các thành viên đã trưng diện hình ảnh "da-và-đinh" làm họ nổi tiếng ngày nay.[46]

Những năm gặt hái thành công trên thị trường đại chúng (1979–1991)

sửa
 
Judas Priest biểu diễn vào năm 1981, nằm trong tour diễn World Wide Blitz Tour

Ngay sau khi ra mắt Killing Machine (1978), sản phẩm thu trực tiếp từ tour diễn quảng bá mang tên Unleashed in the East (1979) được trình làng. Đây là album đầu tiên trong chuỗi nhiều album của Judas Priest giành đĩa bạch kim. Có một người phê phán ban nhạc sử dụng kỹ thuật ghi đè và cải tiến phòng thu để tiếp thị cho sản phẩm album trực tiếp này.[47] Tính đến lúc này, lối chơi của ban nhạc càng nặng tính progressive hơn, khi những lần thể hiện trực tiếp các bài hát như "Exciter", "Tyrant" và "Diamonds and Rust" nghe nặng và nhanh hơn nhiều so với phiên bản trong phòng thu.

Les Binks bỏ ban vào cuối năm 1979, vì không hài lòng với quyết định không trả công cho màn thể hiện của anh trong album nhạc sống của Mike Dolan (tay quản lý của ban nhạc),[48] do đó họ thay thế anh bằng Dave Holland (cựu thành viên của Trapeze). Với đội hình này, Judas Priest thu sáu album phòng thu và một album nhạc sống - những nhạc phẩm này thu được các mức độ thành công khác nhau về mặt phê bình và tài chính.

Năm 1980, ban nhạc phát hành album British Steel. Các bài hát ngắn hơn và có nhiều đoạn hook hướng tài đài phát thanh mainstream hơn, song vẫn giữ được màu sắc quen thuộc của heavy metal. Các bài như "United", "Breaking the Law" và "Living After Midnight) thường xuyên được chọn trên sóng phát thanh. Album kế tiếp Point of Entry (1981) đi theo cùng công thức trên, và tour diễn quảng bá album có những bài hát mời như "Solar Angels" và "Heading Out to the Highway".

Album Screaming for Vengeance (1982) có "You've Got Another Thing Comin'" - ca khúc trở thành bài hit lớn trên sóng phát thanh ở Mỹ. Những bài hát như "Electric Eye" và "Riding on the Wind" cũng có mặt trong album này, và thường là tiết mục nổi bật trong các lần diễn trực tiếp. "(Take These) Chains" (của Bob Halligan Jr.) được phát hành thành đĩa đơn và có được nhiều lượt phát nhạc. Album này giành cú đúp đĩa bạch kim.[49]

Ngày 29 tháng 5 năm 1983, ban nhạc biểu diễn trong Ngày hội Heavy Metal của US Festival - nhạc hội ở San Bernardino, California do Steve Wozniak tài trợ. Ban nhạc là nghệ sĩ trình diễn thứ tư trong đội hình tham dự gồm Quiet Riot, Mötley Crüe, Ozzy Osbourne, Triumph, ScorpionsVan Halen.

 
Downing và Tipton biểu diễn ở San Sebastián, Tây Ban Nha, nằm trong Metal Conqueror Tour vào năm 1984

Priest tiếp tục gặt hái thành công đến giữa thập niên 1980. "Freewheel Burning" (phát hành vào năm 1983) là bài thường xuyên được phát trên sóng phát thanh nhạc rock. Một năm sau, album Defenders of the Faith được phát hành. Một vài nhà phê bình ví nhạc phẩm là "Screaming for Vengeance II" do tính tương đồng trong âm nhạc của hai album này.[50]

Ngày 13 tháng 7 năm 1985, Judas Priest cùng Black Sabbath và nhiều nghệ sĩ biểu diễn tại nhạc hội từ thiện Live AidSân vận động JFK, Philadelphia. Danh sách tiết mục của nhóm gồm "Living After Midnight", "The Green Manalishi (With the Two-Pronged Crown)" và "(You've Got) Another Thing Comin'".[51][52][53]

Turbo ra mắt vào tháng 4 năm 1986. Ban nhạc đã sử dụng diện mạo sân khấu màu sắc hơn và làm cho âm nhạc của họ nhóm dễ tiếp cận khán giả đại chúng hơn bằng cách bổ sung guitar synthesizer. Album cũng giành đĩa bạch kim và một tour diễn quảng bá ở sân vận vận động thành công, với 100 hòa nhạc được tổ chức ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản vào năm 1986. Một album nhạc sống (được thu trực tiếp trong tour), có nhan đề Priest...Live! được phát hành vào năm kế tiếp, ghi lại các liveshow trong giai đoạn này. Băng tài liệu video mang tên Heavy Metal Parking Lot do Jeff Krulik và John Heyn thực hiện vào năm 1986. Cuốn băng ghi lại cảnh những người hâm mộ heavy metal đang chờ đợi một buổi hòa nhạc của Judas Priest vào ngày 31 tháng 5 năm 1986 (với khách mời đặc biệt là Dokken) tại Trung tâm Capital (sau đổi thành Nhà thi đấu US Airways Arena) ở Landover, Maryland.

 
Rob Halford vào năm 1988. Một trong những màn biểu diễn mạo hiểm đặc trưng của Priest là khi Halford cưỡi chiếc mô tô lên sân khấu.

Tháng 5 năm 1988, Ram It Down được phát hành những bài hát được tái sáng tác sót lại từ Turbo, bên cạnh các bài hát mới. Ban nhạc ghi ba bài mới với nhà sản xuất nhạc pop Stock-Aitken-Waterman: hai bài tự sáng tác gồm "Runaround"[54] và "I Will Return",[55] cùng bản cover bài hit "You Are Everything" của The Stylistics. Nhà sản xuất Matt Aitken kể lại những buổi ghi nháp: "Tôi nghĩ sản phẩm không được chuẩn bị kỹ lưỡng, dường như có khả năng thành công. Song chúng tôi đã bắt tay thực hiện với tinh thần lạc quan và làm điều tốt nhất cho chúng [các bài hát], nằm trong phạm vi chuẩn bị của chúng tôi. Chúng tôi không định sử dụng dàn trống live và mấy thứ như thế, và có lẽ điều này làm cho mọi thứ công cốc ngay từ đầu. Tôi chẳng biết vì sao chúng tôi đang thật sự làm việc cùng Judas Priest nữa, song tôi nghĩ chúng tôi đã làm ra một bài nhạc heavy metal hay. Tôi nghĩ nó nghe ổn đấy chứ."[56] Sau cùng các bài không được đưa vào album này do quyết định của ban quản lý.

Một nhà phê bình ví Ram It Down là "sự phát triển phong cách" bắt nguồn từ "cố gắng tự loại cách tiếp cận bằng synthesiser công nghê... và trở lại nhạc metal truyền thống trong những ngày tháng huy hoàng đang dần lụi tàn" của ban nhạc. Cây viết nhận định rằng album chỉ ra "họ đã bị tụt hậu lại bao xa... trước những tay chơi nhạc thrash mà họ đã giúp gây ảnh hưởng" trong những năm đầu.[57] Năm 1989, tay trống gắn bó lâu năm Dave Holland rời ban nhạc.

Tháng 9 năm 1990, album Painkiller sử dụng tay trống mới là Scott Travis (người cũ của nhóm Racer X); anh này đem tới cho ban nhạc âm thanh sắc lẹm hơn nhờ việc sử dụng nhiều double pedal. Album tái xuất này loại bỏ hoàn toàn tiếng synthesiser mang phong cách thập niên 80 ở các bài hát, ngoại trừ "A Touch of Evil". Tour diễn mời các ban nhạc như Annihilator, Megadeth, Pantera, SepulturaTestament diễn khai mạc, và đỉnh cao là màn biểu diễn ở nhạc hội Rock in Rio tại Brazil trước hơn 100.000 người hâm mộ.

Một phần trong show diễn của Judas Priest thường có cảnh Halford cưỡi chiếc xe mô tô Harley-Davidson lên sân khấu, diện bộ đồ da và đeo kính râm. Trong một show ở Toronto vào tháng 8 năm 1991, Halford gặp chấn thương nghiêm trọng lúc anh lái xe lên sân khấu, khi anh va phải chiếc trống ẩn sau đám sương mù băng khô. Dẫu cho show đã bị hoãn, anh vẫn biểu diễn rồi mới nhập viện. Sau này Hill lưu ý rằng "hẳn là anh ấy cực kỳ đau đớn". Trong buổi phỏng vấn vào năm 2007, Halford cho biết tai nạn kể trên chẳng liên quan gì đến việc anh rời ban nhạc.[58]

Vụ xét xử thông điệp kích thích tiềm thức

sửa

Năm 1990, Judas Priest là đối tượng của vụ kiện dân sự ở Hoa Kỳ, khi họ bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm cho một tai nạn ở Sparks, Nevada vào năm 1985: một thiếu niên hai mươi tuổi tên James Vance và một thiếu niên mười tám tuổi Raymond Belknap lấy súng tự sát.[59] Vào buổi tối ngày 23 tháng 12 năm 1985, Vance và Belknap tới nhà thờ cùng một khẩu súng ngắn 12 găng với mục đích tự sát. Chúng đã sử dụng thuốc ức chế alcoholcần sa trước tối hôm ấy. Vụ kiện cáo buộc rằng hai cậu nhóc đã nghe album Stained Class của Judas Priest (1978) tối hôm ấy. Belknap là người đầu tiên chĩa súng dưới cằm, và mất mạng ngay tức thì sau khi bóp cò. Một lúc sau, Vance cũng tự bắn mình, song chỉ làm biến dạng khuôn mặt khi làm bay mất nửa dưới mặt. Ba hôm sau thì Vance tử vong, được cho là sử dụng thuốc quá liều.[60]

Phía luật sư đại diện cho gia đình Belknap và Vance cáo buộc rằng thông điệp kích thích ẩn đã xúi chúng tự sát, được cài cắm trong bài hát "Better by You, Better than Me" (bản cover bài hát của Spooky Tooth vào năm 1969). Judas Priest từng thu bản cover do sự hối thúc của công ty thu âm sau phần còn lại của album Stained Class đã được hoàn tất. Bên nguyên đơn cáo buộc rằng mệnh lệnh ẩn này là nguyên nhân trực tiếp khiến hai cậu thiếu niên tự nã đạn vào mình.[59] Cha mẹ Vance cho biết con họ đã gặp chuyện trong thời gian dài trước khi tự sát, song gần đây "đã thay đổi theo hướng tốt lên" và quay lại với đức tin Cơ đốc của gia đình, trước khi bị "thứ nhạc rác rưởi" của Judas Priest một lần nữa làm cậu nghĩ quẩn.[59]

Những người hâm mộ heavy metal địa phương đã tẩy chay vụ kiện, kêu gọi xử trắng án cho Judas Priest. Bên công tố phát bài hát ở nhiều tốc độ rồi phát ngược, cáo buộc bài hát sử dụng backmasking (kỹ thuật thu ngược để truyền thông điệp).[61] Vụ xét xử kéo dài từ ngày 16 tháng 7 đến 24 tháng 8 năm 1990, khi thẩm phán bác bỏ vụ kiện và ra phán quyết rằng cái gọi là thông điệp kích thích tiềm thức "là sự trùng hợp ngẫu nhiên của một hợp guitar với mẫu hình thở ra".[59] Một trong các nhân chứng bào chứng là Bác sĩ Timothy E. Moore (tác giả một bài viết của Skeptical Inquirer) đã ghi chép lại phiên tòa.[59] Vụ kiện đã được nhắc đến trong bộ phim tài liệu Dream Deceivers: The Story Behind James Vance Vs. Judas Priest (1991).[62]

Chia tay Halford và những năm tháng Ripper hoạt động (1991–2003)

sửa

Sau khi tour diễn Painkiller khép lại vào tháng 8 năm 1991, đã xuất hiện những dấu hiệu lục đục trong nội bộ ban nhạc. Halford tiếp tục lập một nhóm thrash metal theo kiểu đường phố tên là Fight, với Scott Travis chơi trống trong các buổi ghi nháp. Anh lập ban nhạc này nhắm khai phá những vùng âm nhạc mới, song do rằng buộc hợp đồng, anh chọn ở lại Judas Priest cho tới tháng 5 năm 1992.[63] Trong cuốn hồi ký Confess (2020), Halford quy vụ anh ra đi là do "truyền đạt ý nhầm", chứ không phải cố ý muốn bỏ ban nhạc.[64]

Halford hợp tác với Judas Priest trong sản phẩm album tuyển tập có nhan đề Metal Works '73–'93 nhằm kỷ niệm hai mươi năm thành lập nhóm. Anh cũng có mặt trong một video cùng tên ghi lại lịch sử hoạt động của nhóm, trong đó có vụ anh chia tay ban nhạc được chính thức công bố vào năm 1993.

Những thành viên còn lại của Judas Priest mất vài năm tiếp theo để tìm kiếm người thay thế Halford. Sau khi từ chối nhiều ứng viên, gồm Steve Grimmett (Grim Reaper, Lionsheart và người cũ của Onslaught),[65] Ralf Scheepers (Primal Fear và người cũ của Gamma Ray),[66] Whitfield Crane (Ugly Kid Joe)[67]David Reece (cựu ca sĩ của Accept),[68] Tim "Ripper" Owens (từng hát trong Winter's Bane và ban nhạc tri ân Judas Priest tên là British Steel) được thuê làm ca sĩ mới của Judas Priest vào năm 1996. Đội hình này phát hành hai album phòng thu gồm Jugulator vào năm 1997 (bài hát "Bullet Train" được đề cử giải Grammy cho Trình diễn metal xuất sắc nhất)[69]Demolition vào năm 2001. Hai album này thể hiện phong cách khác biệt đáng kể so với những sản phẩm trước: JugulatorDemolition (lần lượt được phân vào các dòng groove metalnu metal) đều nhận được những đánh giá trái chiều. Đội hình ấy còn thực hiện album album-kép trực tiếp – '98 Live MeltdownLive in London (2003).

Trong buổi phỏng vấn trên MTV vào tháng 2 năm 1998, Halford công khai mình là đồng tính.[70]

Tái hợp và Angel of Retribution (2003–2006)

sửa
 
Đội hình Judas Priest tái hợp và biểu diễn vào năm 2005

Sau mười một năm chia cắt và đối mặt với nhu cầu đòi tái hợp ngày càng lớn, Judas Priest và Rob Halford thông báo họ sẽ tái hợp vào tháng 7 năm 2003, trùng thời điểm phát hành đĩa box set Metalogy (dẫu trước đấy Halford quả quyết từ chối).[71] Nhóm làm một tour hòa nhạc ở châu Âu vào năm 2004, và đồng trình diễn chính ở nhạc hội Ozzfest (2004) - họ được hầu hết các phương tiện truyền thông của Mỹ đưa tin về sự kiện mệnh danh là "nghệ sĩ hạng nhất". Judas Priest và "Ripper" Owens chia tay trong hoa bình khi Owens nhận lời vào ban nhạc heavy metal người Mỹ Iced Earth.

Album phòng thu mới Angel of Retribution được phát hành vào ngày 1 tháng 3 năm 2005 (Hoa Kỳ) thông qua đơn vị Sony Music/Epic Records và gặt hái thành công cả về mặt chuyên môn lẫn phê bình, mang về cho ban nhạc giải Golden Gods cho abum xuất sắc nhất của Metal Hammer (2005).[72] Tour diễn toàn cầu vận động quảng bá album đã được tổ chức. Về phần ban nhạc Halford, khâu sáng tác cho sản phẩm thứ tư đã bị hoãn. Tuy nhiên, sau tour diễn Retribution vào tháng 6 năm 2006, Halford thông báo anh sẽ lập ra công ty thu âm riêng mang tên Metal God Entertainment và chọn đơn vị này để làm nơi phát hành toàn bộ sản phẩm solo do chính anh điều phối.[73] THáng 11 năm 2006, anh tái hậu kiểm danh mục nhạc của mình và phát hành độc quyền sản phẩm qua iTunes Store của Apple. Hài bài hát mới (được cho sẽ đưa vào sản phẩm thứ tư) là "Forgotten Generation" và "Drop Out" cũng được phát hành thông qua iTunes.

 
Judas Priest trong bộ trang phục heavy metal điển hình biểu diễn tại lễ trao giải VH1 Rock Honors ở Las Vegas vào ngày 25 tháng 5 năm 2006.

Cùng với Queen, KissDef Leppard, Judas Priest là nhóm nhạc đầu tiên được ghi danh vào "VH1 Rock Honors".[74] Lễ trao giải diễn ra vào ngày 25 tháng 5 năm 2006 tại Las Vegas, Nevada và lần đầu được phát sóng vào ngày 31 tháng 5.[74] Ngay trước phần trình bày của nhóm là tiết mục Godsmack trình bày liên khúc "Electric Eye"/"Victim of Changes"/"Hell Bent for Leather." Để rồi sau khi Halford cưỡi chiếc mô tô Harley-Davidson phi lên sân khấu, Judas Priest mới thể hiện các bài "Breaking the Law", "The Green Manalishi (With the Two Prong Crown)" và "You've Got Another Thing Comin'".

Nostradamus (2006–2010)

sửa

Ở buổi phỏng vấn với MTV.com vào tháng 6 năm 2006, Halford chia sẻ album chủ đề mà nhóm thực hiện nói về văn sĩ người Pháp sống ở thế kỷ mười sáu Nostradamus, "Có phải Nostradamus chủ yếu nói về metal không nhỉ? Ông ấy là một nhà giả kim và nhà tiên tri – một con người sở hữu tài năng phi thường. Ông có một cuộc đời thú vị đầy rẫy thử thách, khổ cực, vui lẫn buồn. Ổng là cá nhân cực kỳ nhân văn và nổi tiếng thế giới. Bạn có thể lấy tên ổng và dịch ra bất kì thứ tiếng nào, mọi người đều biết về ổng; đấy là điều quan trọng vì chúng tôi đang hướng tới khán giả toàn cầu."[75] Bên cạnh việc đào sâu nền móng ca từ mới cho ban nhạc, album còn chứa nhạc tố có thể làm người hâm mộ bất ngờ. Halford kể: "Album sẽ cực kỳ có chiều sâu... Sẽ có thật nhiều nhạc tố giao hưởng. Chúng tôi có thể phối dàn nhạc mà không làm cho tác phẩm bị thổi phồng. Có thể các bộ phận dàn hợp xướng và keyboard lớn sẽ xuất hiện nổi bật hơn, vì trước kia chúng chỉ làm nền thôi."[75] Album Nostradamus được phát hành vào tháng 6 năm 2008; ban nhạc khởi động tour diễn vận động vào cùng tháng ấy.[76]

Đầu tháng 2 năm 2009, ban nhạc tham gia vào hàng ngũ các ban nhạc lên tiếng phản đối hành vi đầu cơ vé, họ đăng thông báo lên án hành vi bán lại vé với giá cao hơn mệnh giá gốc, và khuyến khích người hâm mộ mua vé chỉ từ các nguồn chính thống.[77] Cùng tháng đó, Judas Priest tiếp tục đi tour, mang "Priest Feast" (cùng các khách mời là MegadethTestament) đến nhiều nhà thi đấu ở Anh, Wales, Scotland và Ireland vào tháng 2 đến tháng 3 năm. Kể từ đó tour diễn mở rộng tới nhiều nơi tổ chức ở Thụy Điển. Sau đó vào tháng 3, Judas Priest trình diễn tại Portugal (tại Atlantic Pavilion ở Lisbon). Tour diễn tiếp tục có mặt ở Milan, Ý rồi đến Paris, Pháp; Halford lần cuối cùng Judas Priest biểu diễn ở Paris vào năm 1991.

 
Judas Priest giành suất diễn chính ở nhạc hội Sweden Rock Festival vào tháng 6 năm 2008.

Từ tháng 6 sang tháng 8 năm 2009, Judas Priest hoàn tất tour diễn ở Bắc Mỹ để mừng kỷ niệm ba mươi phát hành nhạc phẩm British Steel (1980); album được trình bày toàn bộ các bài ở mỗi ngày diễn. Tour này được cho là có sự góp sức của các nghệ sĩ đồng hương Anh là David CoverdaleWhitesnake. Không may là Whitesnake buộc phải rời tour sau show ở Denver, Colorado vào ngày 11 tháng 8 năm 2009 do Coverdale trở bệnh và nhiễm trùng cổ họng nghiêm trọng; anh được khuyên ngừng ca hát ngay lập tức để tránh làm tổn thương dây thanh quản vĩnh viễn.[78][79]

Ngày 14 tháng 7 năm 2009, Judas Priest phát album nhạc sống mới, đưa vào mười một bài diễn trực tiếp chưa từng được phát hành trước trích từ các tour diễn thế giới thuộc A Touch of Evil: Live vào năm 2005 và 2008. Tiết mục "Dissident Aggressor" đã giành giải Grammy cho Trình diễn metal xuất sắc nhất (2010).[80]

Tháng 5 năm 2010, Halford chia sẻ về việc ban nhạc vừa được mời nhận một ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood, song "chúng tôi chưa từng đến đó khi họ muốn làm lễ vinh danh." Anh cũng tiết lộ tour Nostradamus vẫn đang được ấp ủ: "Gần đây chúng tôi đang ở Hollywood và gặp gỡ một vài nhà sản xuất và người đại diện, vì thế có rất nhiều chuyện diễn ra ở hậu trường."[81]

Downing giải nghệ và Epitaph World Tour (2010–2011)

sửa

Ngày 7 tháng 12 năm 2010, Judas Priest thông báo rằng Epitaph World Tour sẽ là tour chia tay của ban nhạc và sẽ kéo đài tới năm 2012.[82] Ở cuộc phỏng vấn vào tháng 1 năm 2011, Halford chia sẻ về quyết định giải nghệ của nhóm: "Tôi nghĩ đã tới lúc rồi, bạn biết đấy. Chúng tôi không phải ban nhạc đầu tiên nói lời từ biệt, chỉ là có lúc mọi người sẽ tới và chúng ta sẽ nói thêm vài điều nữa vào đầu năm sau, vì thế tôi nghĩ cái chính mà chúng tôi muốn đề nghị mọi người cân nhắc là đừng buồn vì chuyện này, hãy bắt đầu mở hội và ăn mừng vì tất cả những điều tuyệt vời chúng ta đã làm ở Judas Priest."[83]

 
Judas Priest biểu diễn ở Nhạc hội Sauna Open Air vào năm 2011

Ngày 27 tháng 1 năm 2011, một nguồn tin cho hay Judas Priest đang trong quá trình sáng tác nhạc mới; ban nhạc còn nêu rõ kế hoạch trong tương lai: "đây không phải là dấu chấm hết của ban nhạc. Thực ra chúng tôi đang sáng tác nhạc mới, song chúng tôi dự kiến đây là tour diễn lớn đi toàn thế giới cuối cùng."[84] Phát biểu tại buổi họp báo ở Los Angeles vào ngày 26 tháng 5 về việc sáng tác nhạc mới, Glenn Tipton chia sẻ: "Đó là một sản phẩm tổng hợp khá hỗn tạp. Thật ra, có nhiều tính cảm xúc hơn ở album này. Ý tôi là đây cũng là album chia tay của bọn tôi, dẫu cho nó có thể chưa phải nhạc phẩm cuối. Có một vài bài nhạc hiệu [trong album] để bày tỏ tri ân tới người hâm mộ".[85]

Ngày 20 tháng 4 năm 2011, một nguồn tin thông báo K. K. Downing đã giải nghệ, rời khỏi ban nhạc và sẽ không hoàn tất Epitaph World Tour. Downing chỉ ra những mâu thuẫn với ban nhạc và ban quản lý, sự rạn nứt trong quan hệ giữa họ. Richie Faulkner (tay guitar của ban nhạc Lauren Harris) được thông báo sẽ thay thế Downing ở Epitaph World Tour.[86] Việc Downing giải nghệ làm cho tay bass Ian Hill thành người phụ vụ ban nhạc lâu nhất.

Ngày 25 tháng 5 năm 2011, Judas Priest biểu diễn ở tập cuối American Idol mùa 10 với James Durbin, biến đây thành tiết mục nhạc sống đầu tiên của họ mà vắng mặt K.K. Downing.[87] Ban nhạc trình bày kết hợp hai bài hát: "Living After Midnight" và "Breaking the Law".[87]

Ngày 7 tháng 6 năm 2011, ban nhạc thông báo định phát hành bộ đĩa box set Single Cuts - tuyển tập các đĩa đơn vào tháng 8 năm ấy.[88]

Redeemer of Souls (2011–2015)

sửa

Ở buổi phỏng vấn với Billboard vào tháng 8 năm 2011, Halford giải thích rằng anh và Tipton có "khoảng 12 hoặc 14 bài được chuẩn bị hoàn chỉnh" cho album phòng thu mới, mà bốn bài trong số ấy đã được thu và trộn âm.[89] Ban nhạc quyết định dành thời gian cho album, và Halford giải thích: "Tôi có quan điểm rằng chừng nào sẵn sàng thì mới ra mắt nhạc phẩm... Tôi không nghĩ chúng tôi sẽ lơ đễnh. Chúng tôi hạ quyết tâm làm việc thật chăm và tận tâm như trước giờ, quan tâm và chú ý tới toàn bộ các bài hát. Chúng tôi không định làm cẩu thả sản phẩm này."[90]

Ngày 13 tháng 9 năm 2011, Priest thông báo kế hoạch phát hành album tuyển tập mới The Chosen Few - tập hợp các bài hát của Priest do những nhạc sĩ heavy metal danh tiếng khác lựa chọn.[91]

Ngày 5 tháng 6 năm 2013, Halford đính chính rằng Epitaph World Tour không phải tour diễn cuối của ban nhạc.[92] Ngày 22 tháng 12 năm ấy, Judas Priest phát một thông điệp Giáng Sinh ngắn trên website chính thức, đính chính rằng họ sẽ phát hành album kế tiếp vào năm 2014.[93]

Ngày 17 tháng 3 năm 2014 tại lễ trao giải Ronnie James Dio ở Los Angeles, Halford thông báo album phòng thu thứ 17 của nhóm đã được hoàn thành.[94] Ngày 28 tháng 4, ban nhạc phát hành bài trùng tựa album "Redeemer of Souls" để phát trực tuyến trên website chính thức của nhóm.[95] Ngày 14 tháng 5 năm 2014, Ernie Chataway (tay guitar đồng sáng lập ban nhạc) mất ở tuổi 62, theo tin tức từ giọng ca cũ Al Atkins.[96] Redeemer of Souls được phát hành vào ngày 8 tháng 7 năm 2014. Nhạc phẩm bán ra khoảng 32.000 bản ở Hoa Kỳ trong tuần đầu phát hành để giành vị trí số sáu trên bảng xếp hạng Billboard 200 - vị trí cao nhất mà ban nhạc có được ở Hoa Kỳ kể từ album chủ đề đĩa kép Nostradamus ra mắt ở hạng 11. Đây là album lọt top 10 đầu tiên của họ ở Hoa Kỳ.[97] Ban tiếp tục đi lưu diễn vận động quảng bá album kéo dài từ 1 tháng 10 năm 2014 tới 17 tháng 12 năm 2015. The Redeemer of Souls Tour là nguyên nhân họ cho ra đời album nhạc sống thứ sáu Battle Cry - được phát hành vào ngày 25 tháng 3 năm 2016 sau khi được thu trực tiếp ở Nhạc hội Ngoài trời Wacken tại Đức vào ngày 1 tháng 8 năm 2015.[98][99][100]

Firepower và Tipton ngừng đi lưu diễn (2015–2019)

sửa
 
Judas Priest biểu diễn tại Nhà hát Warfield ở San Francisco vào ngày 19 tháng 4 năm 2018, nằm trong Firepower World Tour, với sự góp mặt của tay guitar Andy Sneap khỏa lấp Glenn Tipton.

Ở buổi phỏng vấn Reverb.com vào tháng 11 năm 2015, Richie Faulkner cho biết ban nhạc sẽ bắt đầu làm album phòng thu thứ 18 vào năm 2016.[101] Tháng 4 năm 2016, Loudwire đăng một bức hình chụp Rob Halford, Glenn Tipton và chính Faulkner trong phòng thu để bắt đầu quá trình làm album,[102] khi Halford đính chính trong buổi phỏng vấn với một đài phát thanh rằng abum sẽ sẵn sàng ra mắt vào đầu năm 2017.[103] Trong buổi phỏng vấn với số báo Rock 'n' Roll Fantasy Camp (2016), Halford thể hiện sự bất mãn khi làm một album tương tự Redeemer of Souls.[104] Kế đến Faulkner thông báo rằng ban nhạc sẽ bắt đầu thu âm vào tháng 1 năm 2017 và họ sẽ không đi tour trước năm 2018.[105]

Tháng 3 năm 2017, ban nhạc bước chân vào phòng thu để bắt đầu thu âm, với sự hỗ trợ của nhà sản xuất cộng tác lâu năm Tom Allom, cùng với Andy Sneap (cựu tay guitar và nhà sản xuất của Sabbat) và kỹ sư âm thanh Mike Exeter (từng thực hiện album trước của nhóm). Đây là lần đầu tiên kể từ Ram It Down (1988) thì nhóm mới làm việc chung với Allom.[106][107] Trong buổi phỏng vấn với Planet Rock vào tháng 4 năm 2017, Halford chia sẻ rằng ban nhạc "chuẩn bị đến những bước cuối" để hoàn thành album mới. Anh còn hứa hẹn "một năm 2018 cực kỳ phấn khích" với một tour diễn toàn cầu diễn ra trong năm đó.[108] Trong một bài đăng trên Instagram vào tháng 6 năm 2017, Sneap cho biết ban nhạc đã xong khâu thu track.[109]

Album thứ 18 mang tên Firepower được phát hành vào ngày 9 tháng 3 năm 2018, với một chuyến lưu diễn toàn cầu diễn ra ngay sau đó, khai mạc ở Bắc Mỹ với SaxonBlack Star Riders làm nghệ sĩ hỗ trợ.[110][111][112]

Ngày 12 tháng 2 năm 2018, Glenn Tipton tiết lộ anh bị mắc bệnh Parkinson và sẽ ngừng đi lưu diễn. Theo ban nhạc, bệnh tình tiến triển xấu làm anh không thể chơi những bản nhạc khó. Tipton cho biết anh vẫn là thành viên của ban bất chấp bệnh tình của mình và không loại trừ khả năng có mặt trên sâu khấu trong tương lai. Lúc ấy Andy Sneap được chọn thay thế anh trong tour diễn.[113] Sau đó Richie Faulkner trấn an người hâm mộ rằng Tipton sẽ biểu diễn cùng ban nhạc "vào lúc nào đấy trong tour."[114] Tại show diễn ra vào ngày 20 tháng 3 năm 2018 ở Newark, New Jersey, Tipton cùng ban nhạc lên sân khấu để trình bày "Metal Gods", "Breaking the Law" và "Living After Midnight", kế đến là "Victim of Changes" và "No Surrender" vào những ngày hôm sau.[115] Anh tiếp tục có mặt trong các màn encore để trình diễn suốt những chặng còn lại của Firepower World Tour.[116][117][118]

Ngày 29 tháng 1 năm 2019, tour diễn châu Âu của Judas Priest với Ozzy Osbourne bị hoãn sau khi Osbourne bị nhiễm trùng đường hô hấp nặng.[119] Sau đấy ban nhạc đính chính rằng tour diễn được dời lịch sang 2020.[120][121]

Kỷ niệm 50 năm thành lập và Invincible Shield (2019–nay)

sửa

Trong buổi phỏng vấn với May the Rock Be with You của Úc vào tháng 3 năm 2019, Rob Halford đăng đàn cho hay ban sẽ có một album phòng thu mới trong tương lai gần,[122] và Tipton đã bắt đầu sáng tác những câu riff.[123] Tay bass Ian Hill cho hay ban nhạc có "một vài ý tưởng đầy sức nặng sót lại Firepower mà chúng tôi chẳng bao giờ có thể hoàn thành hết được. Vì thế điều đó rất có khả năng xảy ra. Khi nào chuyện đó xảy ra thì tôi chẳng rõ."[124] Bất chấp bệnh tình của Tipton, Faulkner phát biểu rằng Tipton sẽ "tham gia thật nhiều ở khâu sáng tác đĩa nhạc tiếp theo."[125] Halford kể rằng ban nhạc bắt đầu tập hợp ý tưởng cho album kế tiếp, song cho rằng Firepower khó mà lên ngôi đầu bảng được.[126]

Những buổi sáng tác nháp bắt đầu vào tháng 3 năm 2020,[127][128] với Andy Sneap và Tom Allom trở lại đóng góp vào khâu sản xuất album.[129] Faulkner cho biết rằng những bài hát đáng giá trong tháng được sáng tác trước vụ phong tỏa COVID-19, và chung cuộc ban nhạc bắt đầu sáng tác nhạc.[130] Halford cho biết Tipton góp bút vào chất liệu trong khâu sáng tác,[131] miêu tả các bài hát là "quái vật. Ngay cả ở giai đoạn nguyên thủy và cực kỳ sơ khai, chúng vẫn thật sự hay."[132] Anh giải thích rằng album sẽ bắt trọn "cảm xúc mà chúng tôi cùng nhau trải qua."[133]

Lúc đầu Judas Priest dự kiến khởi động 50 Heavy Metal Years Tour vào năm 2020 ở châu Âu và Bắc Mỹ, song đã buộc phải lùi lịch sang 2021 do đại dịch COVID-19;[134][135][136][137] tuy nhiên do vẫn đang tiếp diễn, các chặng diễn ở châu Âu bị đẩy sang năm 2022.[138] Họ trở lại sân khấu vào ngày 15 tháng 8 năm 2021 khi diễn chính ở nhạc hội ngoài trời Bloodstock Open Air, và một lần nữa Tipton lại lên sân khấu trình bày các bài encore.[139][140] Khi tour khai mạc vào ngày 8 tháng 9,[141] những chặng diễn còn lại ở tour Bắc Mỹ bị hoãn do Faulkner phải nhập viện vì gặp vấn đề bệnh tim nghiêm trọng.[142] Tour bị dời lịch sang mùa xuân năm 2022 với Queensrÿche làm ban nhạc hỗ trợ,[143] còn chặng diễn với Ozzy Osbourne ở châu Âu bị dời sang năm 2023.[144] Tuy nhiên, Osbourne đã hủy toàn bộ các show vào năm ấy do vấn đề sức khỏe.[145]

Ngày 29 tháng 4 năm 2021, cựu tay trống John Hinch mất ở tuổi 73, theo xác nhận của Halford trên Instagram.[146][147] Khi phát biểu về album sắp tới, Halford cho biết ban nhạc có "rất nhiều ý tưởng mới các bài, cực kỳ nhiều bài demo nặng đô", miêu tả sản phẩm là "đĩa nhạc cực kỳ tiềm năng".[148] Ian Hill chia sẻ rằng họ có đủ chất để làm ít nhất một hoặc hai album,[149] bày tỏ nghi ngờ rằng nhạc phẩm sẽ được phát hành trước do lịch trình lưu diễn của ban trong năm 2023.[150] Halford xác nhận Tipton có mặt trong album.[151]

Tháng 1 năm 2022, Judas Priest đăng thông báo chia tay Andy Sneap do anh này chuyển trọng tâm sang công việc sản xuất, còn ban nhạc tiếp tục hoạt động với đội hình tứ tấu;[152] tuy nhiên quyết định được rút lại và Sneap trở lại nhóm.[153][154][155][156] Về định hướng nhạc của album, Faulkner và Halford cho hay sản phẩm sẽ có hướng tiếp cận giàu tính progressive hơn Firepower,[157][158] song Faulkner đã giải thích ý nghĩa chi tiết hơn.[159][160] Tipton trấn an rằng đây sẽ là "điều mà mọi người hâm mộ Priest mong muốn",[161] đồng thời giải thích rằng các bài nhạc có thể phù hợp hoặc không phù hợp với thị hiếu của người hâm mộ, song anh hài lòng với âm thanh của bản nhạc.[162] Faulkner miêu tả nhạc phẩm khác với Firepower.[163] Khi mà album được hoàn thành khâu sáng tác, anh cho rằng "chúng tôi cần thu đĩa nhạc đúng cách và làm những việc kiểu như vậy. Vì thế nó chưa gần hoàn thành chút nào cả. Nhưng một khi đã xong là xong."[164] Halford chỉ ra rằng album sẽ không được phát hành trước năm 2023 hoặc 2024.[165] Sau đấy anh xác nhận phát hành nhạc phẩm vào năm 2024.[166]

Ngày 5 tháng 11 năm 2022, Judas Priest được ghi danh vào Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll, khi nhận giải Thành tựu âm nhạc xuất sắc (Musical Excellence Award). Những người được ghi danh khác gồm các cựu thành viên K.K. Downing, Les Binks và Dave Holland. Ban nhạc đã trình bày tiết mục gồm ba bài hát với Downing và Binks trên sân khấu.[167][168][169][170][171][172]

Trước tiết mục của ban nhạc tại nhạc hội Power Trip vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, ho thông báo album kế tiếp Invincible Shield, được phát hành vào ngày 8 tháng 3 năm 2024.[173] Đĩa đơn chủ đạo "Panic Attack" đã có mặt trên các nền tảng streaming vào ngày 13 tháng 10.[174][175] Đĩa đơn thứ hai trích từ album là "Trial by Fire" được phát hành vào ngày 17 tháng 11 năm 2023,[176] hai tháng sau là đến lượt "Crown of Horns" ra mắt.[177]

Phong cách nhạc và ảnh hưởng

sửa

Phong cách nhạc

sửa

Phong cách của Judas Priest luôn bắt nguồn ở heavy metal, nhiều album của nhóm phản ánh đa dạng các khía cạnh của dòng nhạc; ví dụ album đầu tay Rocka Rolla (1974) chủ yếu có gốc từ nhạc blues rock nặng. Từ Sad Wings of Destiny (1976) tới Stained Class (1978), phong cách của ban có phần progressive hơn, với những đoạn nhạc guitar phức tạp và ca từ giàu chất thơ. Những ca khúc thường thay đổi về mặt nhịp độ và cường độ, còn phần nhạc thì thuộc loại nặng nhất lúc ấy. Đây được cho là tác động lớn tới các ban nhạc hậu bối chơi progressive metalstoner rock. Sin After Sin (1977) sử dụng kết hợp trống đôi trầm (hay "double kick"), nhịp bass nhanh 16 nốt và nhịp guitar nhanh 16 nốt mà Black Sabbath, VenomMotörhead sử dụng để định nghĩa thể loại.[178] Trong khi nhịp trống đôi trầm mà Judas Priest sử dụng thường đều đặn và giàu kỹ thuật, bài hát "Dissident Aggressor" (1977) lại làm tăng "nhịp độ và sự kích động" - sau được các ban nhạc khác áp dụng với cách tiếp cận thô hơn nhiều.[178]

Bắt đầu bằng album thứ năm Killing Machine (1978), ban nhạc bắt đầu đưa phong cách thân thiện với sóng phát thanh và giàu thương mại hơn vào nhạc của nhóm. British Steel được tạp chí The Guardian xem là "đĩa nhạc theo đúng định nghĩa heavy metal của chúng ta hơn bất kì sản phẩm nào khác".[179] Ca từ và MV được tối giản, và phong cách này chiếm phần lớn cho tới album thứ bảy Point of Entry (1981). Với album thứ tám Screaming for Vengeance (1982), ban nhạc kết hợp thêm sự cân bằng giữa hai phong cách này. Cách này tiếp tục được lặp lại ở Defenders of the Faith (1984). Với album tiếp nối, Turbo (1986), ban nhạc đưa thêm tiếng guitar synthesizer vào âm thanh đặc trưng của heavy metal. Ở album Ram It Down (1988) ban không chỉ giữ lại các bài có chất lượng thương mại hơn trong Turbo, mà còn trở lại với một vài nhịp heavy metal nhanh có ở những tác phẩm cũ. Phong cách nhịp nhanh tiếp diễn với Painkiller (1990). Jugulator (1997) có đưa chút ít phong cách groove metal đương thời ở những năm 90. Demolition (2001) có âm thanh truyền thống hơn với yếu tố nu metal. Sau khi Halford tái xuất để góp phần làm Angel of RetributionNostradamus, ban nhạc đã trở lại với phong cách ở mấy album đầu.[180]

Danh tiếng và vị trí trong hàng ngũ những ban nhạc heavy metal giàu ảnh hưởng và chuẩn mực làm cho nhóm có được biệt hiệu "Metal Gods" lấy từ bài hát cùng tên.[181]

Phong cách hát và ảnh hưởng

sửa

Halford đã nghe và chịu ảnh hưởng của Little Richard, Elvis Presley, Janis JoplinRobert Plant trong nghề hát chính của ban. Anh học cách vượt giới hạn khả năng hát bằng cách thể hiện giọng trong đĩa nhạc.[182] Anh phát triển lối hát nội lực và mang hướng opera với âm vực ấn tượng từ tiếng rền thấp ở cổ họng cho đến tiếng hét cao chói tai với kỹ thuật vibrato mạnh mẽ. Anh còn là người hâm mộ Freddie Mercury, ví ca sĩ của Queen là thần tượng tối thượng của mình.[183]

Công nhận của giới truyền thông và di sản

sửa

Judas Priest đã tác động rất lớn tới dòng nhạc metal kể từ cuối thập niên 1970. Nhóm được MTV xếp là "ban nhạc metal vĩ đại" thứ hai mọi thời đại (sau Black Sabbath), còn VH1 ghi danh họ ở vị trí số 78 trong danh sách nghệ sĩ hay nhất mọi thời đại vào năm 2010.[184] Nhóm được tiến cử để ghi danh vào Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll vào năm 2018, song bị ban tổ chức ngó lơ dẫu cho có suất trong top 5 ứng viên có nhiều phiếu của người hâm mộ.[185] Tháng 5 năm 2022, một thông tin đăng ban nhạc nằm trong số thệ hệ các nghệ sĩ được ghi danh vào Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll (2022).[186]

Ban nhạc đã bán ra hơn 50 triệu đĩa nhạc tính tới nay, kể cả 11 bài trong top 30 ở Liên hiệp Anh.[187] Ở Hoa Kỳ, ban nhạc đã sở hữu mười một album liên tiếp đã giành chứng nhận đĩa vàng, đĩa bạch kim hoặc phần thưởng cao hơn của RIAA - bắt đầu bằng Sin After Sin (1977).[188]

Một số ban nhạc metal đã đặt tên họ theo các bài hát và album trong kỷ nguyên hoàng kim của Judas Priest, gồm Sinner, Exciter, Running Wild, Steeler và Tyrant.

Judas Priest được xem là nguồn ảnh hưởng và cảm hứng tới hai dòng nhạc thrashspeed metal, kể cả những ban nhạc như Metallica,[189] Megadeth,[190] Slayer,[191] Exodus,[192] Pantera,[193] Anthrax,[194] Sepultura,[195][196] Testament,[197] Overkill,[198] Voivod,[199] Exciter,[200] Metal Church,[201] Kreator,[202] Destruction,[203] Sodom,[204] Annihilator,[205] Dark Angel,[206] Death Angel,[207] Onslaught,[208] Flotsam and Jetsam,[209] Possessed,[210] Nuclear Assault,[210] Heathen,[211]Sacrifice.[212]

Thời trang

sửa

Ngoài âm thanh, Judas Priest còn nổi danh là những nhân vật tạo nên cách mạng trong thời trang heavy metal.[46] Trong những năm đầu hoạt động, họ diện những bộ đồ kiểu hippie ở thập niên 1970, khi thập kỷ dần khép lại, sự nổi lên của punk rock làm bộ đồ kia trông lỗi thời, vì thế ban nhạc bắt đầu mặc đồ đơn giản hơn ở tour diễn năm 1978. Ở tour diễn năm 1979, Halford diện bộ đồ da và gắn đinh làm nên thương hiệu của anh ngày nay, lấy cảm hứng từ thời trang punk và văn hóa đồ da. Các thành viên còn lại cũng diện đồ theo phong cách tương tự, làm ban trở nên nổi bật ở sản phẩm Killing Machine (1978). Sau đấy phong cách này còn được nhiều ban nhạc heavy metal sử dụng ở đầu thập niên 1980, đặc biệt là những nhóm thuộc các phong trào NWOBHMblack metal thời sơ khai.[213] Cho cho tới ngày nay, không khó để tìm ra những nghệ sĩ và người hâm mộ nhạc metal ăn mặc như vậy ở các buổi hòa nhạc.

Trong một câu đăng ở bìa sau cuốn tự truyện Heavy Duty: Days and Nights in Judas Priest của K. K. Downing, Downing cho biết Judas Priest "đã phần nào bị khủng hoảng danh tính từ những ngày đầu. Luôn có một câu hỏi to đùng về ngoại hình của ban nhạc. Với tôi, chuyện này dường như chẳng bao giờ nói lên điều gì—và trong những ngày đầu sự nghiệp của nhóm, tôi thực sự thấy là một điều tốt."[214]

Đề cử, giải thưởng và đánh giá chuyên môn

sửa

Mặc cho sở hữu lượng người hâm mộ trung thành và hùng hậu, Judas Priest chưa bao giờ được số đông báo chí ca nhạc đánh giá cao, một phần vì họ nổi lên vào cuối thập niên 1970 trùng với các trào lưu punk rock và new wave - chiếm đa số mặt báo lúc ấy. Số báo đầu của The Rolling Stone Album Guide chấm ba album đầu của nhóm cùng điểm một sao và miêu tả ban nhạc "chỉ dành cho những người yêu những câu riff của Led Zeppelin bị trộm mất". Vài năm sau, số báo thứ hai cũng phê phán kịch liệt toàn bộ các sản phẩm của họ. Nhà phê bình Robert Christgau của Village Voice đặc biệt xem thường ban nhạc, từ chối đưa ra bất kì bài đánh giá công khai với các album của nhóm và đưa chúng vào danh sách "Meltdown" (chỉ những nghệ sĩ mà ông cho là không có sản phẩm nào đáng nghe). Năm 2018, họ được đề cử để ghi danh vào Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll, song đã trượt cử, và ban nhạc đã lên tiếng phê phán chuyện này.[215] Tuy nhiên nhóm đã được ghi danh vào Đại sảnh Lịch sử Heavy Metal ở nhạc hội Wacken vào tháng 8 năm 2018. Nhà sáng lập/CEO Pat Gesualdo cảm ơn nhóm vì "nhiều thập kỷ làm việc cật lực và tận tâm với heavy metal - loại hình nghệ thuật mà họ góp phần định hình." Lúc ấy ban nhạc cũng đáp rằng việc ghi danh họ "còn gửi đi thông điệp hòa nhập tuyệt vời của cộng đồng nhạc metal trên toàn thế giới, và làm chúng ta cùng nhau bảo vệ đức tin của metal."[216] Tháng 5 năm 2022, ban nhạc được thông báo nằm trong số những nghệ sĩ được ghi danh vào Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll, khi ban tổ chức trao tặng họ "Giải Thành tựu âm nhạc xuất sắc" (Musical Excellence Award).[217] Mặc dù cuối cùng đã được ghi danh, song nhiều ấn phẩm như Metal Sucks[218]Loudwire[1] đã phê phán việc ban nhạc được ghi danh "Giải Thành tựu âm nhạc xuất sắc" thay vì hạng mục "Nghệ sĩ biểu diễn". Sau khi ban đầu tỏ ra phấn khích về lễ ghi danh, Halford đã chia sẻ dòng tin này.[219][220]

Classic Rock Roll of Honour Awards

Năm Đề cử cho Giải thưởng Kết quả
2005 Judas Priest Bậc thầy nhạc metal[221] Đoạt giải

Giải Grammy

Năm Đề cử cho Giải thưởng Kết quả
1991 Painkiller Trình diễn metal xuất sắc nhất Đề cử
1999 "Bullet Train" Trình diễn metal xuất sắc nhất Đề cử
2009 "Visions" Trình diễn hard rock xuất sắc nhất Đề cử
"Nostradamus" Trình diễn metal xuất sắc nhất Đề cử
2010 "Dissident Aggressor" Trình diễn metal xuất sắc nhất Đoạt giải

Giải Kerrang!

Năm Đề cử cho Giải thưởng Kết quả
2007 Judas Priest Đại sảnh Danh vọng[222] Đoạt giải
2015 Judas Priest Cảm hứng[223] Đoạt giải

Giải Âm nhạc Loudwire

Năm Đề cử cho Giải thưởng Kết quả
2015 Redeemer of Souls Album nhạc metal của năm Đề cử[224]
Judas Priest Ban nhạc metal của năm Đề cử[224]
Nghệ sĩ trình diễn trực tiếp của năm Đề cử[224]
"Halls of Valhalla" Bài hát nhạc metal của năm Đề cử[224]
Rob Halford Gã khổng lồ nhạc rock của năm Đề cử[224]
Giọng ca của năm Đề cử[224]
Richie Faulkner Nghệ sĩ guitar của năm Đề cử[224]
2017 Rob Halford Giải Thành tựu trọn đời Lemmy Đoạt giải[225]

Giải Metal Hammer (Đức)

Năm Đề cử cho Giải thưởng Kết quả
2018 Judas Priest Maximum Metal[226] Đoạt giải

Metal Hammer Golden Gods Awards

Năm Đề cử cho Giải thưởng Kết quả
2005 Angel of Retribution Album xuất sắc nhất[227] Đoạt giải
2011 Judas Priest Biểu tượng[228] Đoạt giải
2018 Ban nhạc Anh xuất sắc nhất[229] Đoạt giải

Metal Storm Awards

Năm Đề cử cho Giải thưởng Kết quả
2005 Angel of Retribution Album heavy metal xuất sắc nhất[230] Đoạt giải
2008 Nostradamus Album heavy metal xuất sắc nhất[231] Đề cử
2018 Firepower Bất ngờ lớn nhất[232] Đoạt giải

Planet Rock Awards

Năm Đề cử cho Giải thưởng Kết quả
2019 Firepower Album Anh xuất sắc nhất[233] Đoạt giải

Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll

Năm Đề cử cho Giải thưởng Kết quả
2018 Judas Priest Nghệ sĩ biểu diễn[234] Đề cử
2020 Judas Priest Nghệ sĩ biểu diễn[235] Đề cử
2022 Judas Priest Nghệ sĩ biểu diễn[236] Đề cử
2022 Judas Priest Giải Thành tựu âm nhạc xuất sắc[217] Đoạt giải

Sweden GAFFA Awards

Năm Đề cử cho Giải thưởng Kết quả
2019 Judas Priest Ban nhạc nước ngoài xuất sắc nhất[237] Đề cử

Thành viên

sửa

Thành viên hiện tại

sửa

Thành viên lưu diễn

sửa

Danh sách đĩa nhạc

sửa

Album phòng thu

Ghi chú

sửa
  1. ^ Show diễn ra vào ngày 25 tháng 11 năm 1969, và giọng ca Robert Plant của Led Zeppelin làm khán giả.[7]
  2. ^ Iommi Management Agency đổi tên thành Tramp Entertainments vào năm 1973.[9]
  3. ^ Hill và Sue Halford kết hôn từ năm 1976 đến 1984 và có chung một đứa con trai.[12]

Tham khảo

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ a b Bowe 2009
  2. ^ Regeniter, Anna (12 tháng 3 năm 2018). Reise Know-How CityTrip Birmingham (bằng tiếng Đức). Reise Know-How Verlag Peter Rump. ISBN 978-3-8317-4930-0.
  3. ^ “Original JUDAS PRIEST Singer Talks About His Early Songwriting Contributions To Band”. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 22 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2024.
  4. ^ a b c Popoff 2007, tr. 2.
  5. ^ Popoff 2007, tr. 2–3.
  6. ^ “Judas Priest early years”. Brumbeat.net. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2021.
  7. ^ a b Popoff 2007, tr. 3.
  8. ^ Popoff 2007, tr. 4.
  9. ^ a b Popoff 2007, tr. 5.
  10. ^ Popoff 2007, tr. 5–7.
  11. ^ “MACHINE”. Boredteenagers.co.uk. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2020.
  12. ^ Wang 2008.
  13. ^ a b Popoff 2007, tr. 8.
  14. ^ a b Popoff 2007, tr. 17.
  15. ^ Popoff 2007, tr. 16.
  16. ^ “Judas Priest Info Pages – Rocka Rolla” (bằng tiếng Anh). Thexquorum.com. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2024.
  17. ^ “Judas Priest Info Pages – Forging The Metal” (bằng tiếng Anh). Thexquorum.com. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2024.
  18. ^ “Hotell Sentralt i Tønsberg – Quality Hotel Klubben”. Nordicchoicehotels.no. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2014.
  19. ^ “Newspaper cutting : Lydsjokk pa Klubben” (bằng tiếng Anh). Kkdowning.net. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2024.
  20. ^ “Judas Priest Behind The Music Remastered: Judas Priest” (bằng tiếng Anh). MTV. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2024.
  21. ^ Popoff 2007, tr. 34.
  22. ^ Popoff 2007, tr. 32.
  23. ^ a b c Popoff 2007, tr. 39.
  24. ^ Popoff 2007, tr. 39, 41.
  25. ^ a b Daniels 2007, tr. 99.
  26. ^ Daniels 2007, tr. 96.
  27. ^ a b Popoff 2007, tr. 27.
  28. ^ a b Daniels 2007, tr. 100.
  29. ^ Popoff 2007, tr. 30.
  30. ^ Popoff 2007, tr. 33.
  31. ^ Daniels 2007, tr. 101.
  32. ^ Popoff 2007, tr. 29.
  33. ^ Huey.
  34. ^ Huey, Steve. “Sad Wings of Destiny - Judas Priest | Songs, Reviews, Credits, Awards”. AllMusic. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2014.
  35. ^ Bowe 2009, tr. 39.
  36. ^ Cope 2013, tr. 110.
  37. ^ a b Popoff 2007, tr. 41–42.
  38. ^ Daniels 2007, tr. 102.
  39. ^ Popoff 2007, tr. 122.
  40. ^ Popoff 2007, tr. 49.
  41. ^ Popoff 2007, tr. 44.
  42. ^ Cope 2013, tr. 114.
  43. ^ Popoff 2007, tr. 50.
  44. ^ Rivadavia, Eduardo (8 tháng 4 năm 2017). “How Judas Priest Began Their March to Stardom on 'Sin After Sin'. Ultimate Classic Rock (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2020.
  45. ^ Daniels 2007, SIX: 1977–1979.
  46. ^ a b Bukszpan, Daniel (2003). The Encyclopedia of Heavy Metal. Barnes & Noble Publishing. ISBN 9780760742181.
  47. ^ “Unleashed in the East > Overview'. AllMusic (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2024.
  48. ^ Alander, Pete (28 tháng 3 năm 2017). “Beyond The Realms of Les Binks”. Kkdowning.net (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2024.
  49. ^ “Screaming for Vengeance Info Page” (bằng tiếng Anh). Judas Priest Info Pages. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 10 năm 2003. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2024.
  50. ^ “Defenders of the Faith Info Page” (bằng tiếng Anh). Judas Priest Info Pages. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 2 năm 2007. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2024.
  51. ^ “Judas Priest - Living After Midnight (Live Aid 1985)” (bằng tiếng Anh). Live Aid. 11 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2024 – qua Youtube.
  52. ^ “Judas Priest - The Green Manalishi (With The Two-Pronged Crown) (Live Aid 1985)” (bằng tiếng Anh). Live Aid. 11 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2024 – qua Youtube.
  53. ^ “Judas Priest - You've Got Another Thing Comin' (MTV - Live Aid 7/13/1985)” (bằng tiếng Anh). Live Aid. 12 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2024.
  54. ^ “Songs - RUNAROUND – BY STOCK / AITKEN / WATERMAN”. Mikestockmusic.com. Mike Stock Publishing. 1988. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2018.
  55. ^ “Songs - I WILL RETURN – BY STOCK / AITKEN / WATERMAN”. Mikestockmusic.com. Mike Stock Publishing. 1988. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2018.
  56. ^ “A Journey Through Stock Aitken Waterman: Ep 41: Looking Back with Matt Aitken on Apple Podcasts”. Apple Podcasts (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2022.
  57. ^ “Judas Priest – Ram It Down”. Kickedintheface.com. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 12 năm 2009. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2014.
  58. ^ “Q&A; with Rob Halford”. 17 tháng 1 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2021.
  59. ^ a b c d e Moore, Timothy (tháng 12 năm 1996). “Scientific Consensus and Expert Testimony: Lessons from the Judas Priest Trial” (bằng tiếng Anh). Skeptical Inquirer. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2024.
  60. ^ “Man Who Sued Rock Group Over Suicide Attempt Dies”. Los Angeles Times (bằng tiếng Anh). 1 tháng 12 năm 1988. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2024.
  61. ^ Grow, Kory (24 tháng 8 năm 2015). “Judas Priest's Subliminal Message Trial: Rob Halford Looks Back”. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2024.
  62. ^ Brennan, Patricia (2 tháng 8 năm 1992). 'Dream Deceivers': The Story Behind the Lawsuit against Judas Priest”. The Washington Post (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2024.
  63. ^ “War of Words Info Page”. Judas Priest Info Pages. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 2 năm 2007.
  64. ^ Gary Graff (5 tháng 10 năm 2020). “Judas Priest 'Metal God' Rob Halford talks music, addiction, sexuality & more in new 'Confess' memoir”. cleveland.com. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2021.
  65. ^ Olivier (19 tháng 4 năm 2022). “Steve Grimmett recalls trying to get the singer gigs in Iron Maiden and Judas Priest in the '90s”. sleazeroxx.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2023.
  66. ^ BraveWords. “PRIMAL FEAR Vocalist Ralf Scheepers - "I Was Never Invited To Rehearse With JUDAS PRIEST". bravewords.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2023.
  67. ^ Childers, Chad (8 tháng 9 năm 2019). “Whitfield Crane Claims He Was Offered Judas Priest Gig”. Loudwire.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2023.
  68. ^ “DAVID REECE On His Time With ACCEPT: 'That Was An Opportunity Of A Lifetime'. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 27 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2023.
  69. ^ “Judas Priest”. Grammy.com (bằng tiếng Anh). Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Hoa Kỳ. 23 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2022.
  70. ^ “Rob Halford Discusses Sexuality Publicly for the First Time” (bằng tiếng Anh). MTV News. 5 tháng 2 năm 1998. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2024.
  71. ^ “Interview with Rob Halford of Two” (bằng tiếng Anh). NY Rock. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2024.
  72. ^ “Metal Hammer Award Winners Announced”. Metalunderground.com (bằng tiếng Anh). 14 tháng 6 năm 2005. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2024.
  73. ^ Ling, Dave (18 tháng 2 năm 2008). “Rob Halford: God Of Metal”. Louder (bằng tiếng Anh). Metal Hammer. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2024.
  74. ^ a b “Rock Honors 2006 - Honorees: Judas Priest”. VH1.com (bằng tiếng Anh). 31 tháng 3 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2024.
  75. ^ a b “Work on New Album Is 'Going Incredibly Well'. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 12 tháng 9 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
  76. ^ Saulnier, Jason (16 tháng 4 năm 2011). “Rob Halford Interview, Judas Priest Singer talks Rare Recordings” (bằng tiếng Anh). Music Legends. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 8 năm 2013. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
  77. ^ “Judas Priest Issues Warning About Ticket Prices” (bằng tiếng Anh). idiomag. 12 tháng 2 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 6 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
  78. ^ “Message from Judas Priest after US Tour” (bằng tiếng Anh). Judaspriest.com. 24 tháng 8 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
  79. ^ “Whitesnake tour announcement” (bằng tiếng Anh). Judaspriest.com. 13 tháng 8 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 8 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
  80. ^ “Judas Priest Grammy Nomination for Dissident Aggressor” (bằng tiếng Anh). Judaspriest.com. 4 tháng 12 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 12 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
  81. ^ Reesman, Bryan (4 tháng 6 năm 2010). “Rob Halford: Back To The Future” (bằng tiếng Anh). Attention Deficit Delirium. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
  82. ^ “JUDAS PRIEST Announces Farewell 'Epitaph' Tour – Dec. 7, 2010”. Blabbermouth.net. 7 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2010.
  83. ^ “ROB HALFORD Doesn't Want Fans To Be Sad About JUDAS PRIEST's Upcoming Farewell Tour”. Blabbermouth.net. 11 tháng 1 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2011.
  84. ^ “JUDAS PRIEST Working on New Material – Jan. 27, 2011”. Blabbermouth.net. 27 tháng 1 năm 2011. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2011.
  85. ^ “JUDAS PRIEST: More Video Footage Of Los Angeles Press Conference – May 25, 2011”. Roadrunnerrecords.com. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2011.
  86. ^ “News – K.K. DOWNING retirement Press Release”. JudasPriest.com. 20 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2011.
  87. ^ a b “JUDAS PRIEST Performs On 'American Idol' Finale; Video Available”. Blabbermouth.net. 25 tháng 5 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2011.
  88. ^ “JUDAS PRIEST To Release 'Single Cuts' In August”. Blabbermouth.net. 7 tháng 6 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2011.
  89. ^ “JUDAS PRIEST Singer Says '12 Or 14' Songs Have Been 'Completely Mapped Out' For Next Album”. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 1 tháng 2 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  90. ^ Graff, Gary (6 tháng 8 năm 2012). “Judas Priest Hints at New Music for 2013”. Billboard (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  91. ^ Prato, Greg (13 tháng 9 năm 2011). “Judas Priest Announce New Compilation Album – Lars Ulrich, Ozzy Osbourne, Alice Cooper and more chose their favorite Priest songs for 'The Chosen Few'. Rolling Stone (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  92. ^ “JUDAS PRIEST's Rob Halford, Richie Faulkner Talk Epitaph, 40th Anniversary – "It's Not The End of Touring; We Are Still Going To Be Going Out There". Bravewords.com (bằng tiếng Anh). 5 tháng 6 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  93. ^ “Official Judas Priest news: Christmas message”. JudasPriest.com (bằng tiếng Anh). 22 tháng 12 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  94. ^ Flynn, Kathy (19 tháng 3 năm 2014). “Rob Halford: New Judas Priest Album Is 'Finished' and 'F—ing Heavy'. Loudwire (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  95. ^ “Judas Priest Unveil New Track from Upcoming Album” (bằng tiếng Anh). Tapp Out Music. 28 tháng 4 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  96. ^ Deriso, Nick (14 tháng 5 năm 2014). “Original Judas Priest Guitarist Ernie Chataway Dies of Cancer” (bằng tiếng Anh). Townsquare Media. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  97. ^ “Judas Priest Lands First Ever Top 10 Album in U.S. With 'Redeemer of Souls'. Blabbermouth.net. 16 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2014.
  98. ^ “Judas Priét to Annouce Tour Dates in Support of 'Redeemer of Souls' (bằng tiếng Anh). judaspriest.com. 20 tháng 5 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  99. ^ “Judas Priest announces 2014 Tour Dates, Barclays Center, Izod Center, Atlantic City, FFF Fest & more included”. Brooklynvegan.com (bằng tiếng Anh). 27 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  100. ^ “Judas Priest 2015 Redeemer of Souls Tour Schedule With Saxon”. Judas-priest.concerttournewshub.com (bằng tiếng Anh). 11 tháng 1 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  101. ^ Erickson, Anne (16 tháng 11 năm 2015). “Spotlight on: Judas Priest's Richie Faulkner”. Reverb.com. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2015.
  102. ^ Hartmann, Graham (19 tháng 4 năm 2016). “Judas Priest Are Back in the Studio”. Loudwire (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  103. ^ Huber, Nic (5 tháng 4 năm 2016). “Rob Halford Says New JUDAS PRIEST Will Arrive Early 2017”. Metal Injection (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  104. ^ Wardlaw, Matt (28 tháng 4 năm 2016). “Judas Priest's Rob Halford Is 'Hell Bent' for Rock 'n' Roll Fantasy Camp: Exclusive Interview” (bằng tiếng Anh). Ultimate Classic Rock. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  105. ^ “JUDAS PRIEST To Begin Recording New Album In January; Next Tour To Start In 2018”. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 2 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  106. ^ “JUDAS PRIEST Taps Producers TOM ALLOM, ANDY SNEAP For New Album”. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 13 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  107. ^ “See First Photo Of JUDAS PRIEST And Production Team For New Studio Album”. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 20 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  108. ^ Childers, Chad (28 tháng 4 năm 2017). “Rob Halford: Judas Priest Reach 'Some of the Final Moments' of Recording New Album, Promise 'Very Exciting 2018 Period'. Loudwire (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  109. ^ Divita, Joe (5 tháng 6 năm 2017). “Judas Priest 'Just About Done' Tracking 18th Studio Album”. Loudwire (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  110. ^ “JUDAS PRIEST To Release 'Firepower' Album; North American Tour Announced”. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 23 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  111. ^ “SAXON And BLACK STAR RIDERS To Support JUDAS PRIEST On 'Firepower' North American Tour”. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 23 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  112. ^ “JUDAS PRIEST: Listen To Audio Sample Of 'Firepower' Title Track”. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 27 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  113. ^ Snapes, Laura (12 tháng 2 năm 2018). “Judas Priest's Glenn Tipton diagnosed with Parkinson's disease”. TheGuardian.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  114. ^ “JUDAS PRIEST's RICHIE FAULKNER: 'We'll See GLENN TIPTON On Stage Again'. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 1 tháng 3 năm 2018. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  115. ^ Lifton, Dave (20 tháng 3 năm 2018). “Glenn Tipton Joins Judas Priest Onstage” (bằng tiếng Anh). Ultimate Classic Rock. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  116. ^ “GLENN TIPTON On His Future Role With JUDAS PRIEST: 'It's A Question That I Can't Really Answer'. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 22 tháng 3 năm 2018. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  117. ^ Jordan, Jerilyn (22 tháng 8 năm 2018). “Bassist Ian Hill on maintaining the firepower of Judas Priest”. Detroit Metro Times (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  118. ^ Beeber, Al (4 tháng 6 năm 2019). “There's no slowing Judas Priest, confesses band founder Ian Hill”. Lethbridge Herald (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  119. ^ Darus, Alex (29 tháng 1 năm 2019). “Ozzy Osbourne cancels entire European leg of tour due to health issues”. Alternative Press (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  120. ^ “JUDAS PRIEST Confirms It Will Be Part Of OZZY OSBOURNE's Rescheduled European Tour In 2020”. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 7 tháng 4 năm 2019. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  121. ^ Divita, Joe (1 tháng 11 năm 2019). “Ozzy Osbourne Announces Rescheduled 2020 European Tour Dates With Judas Priest”. Loudwire (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  122. ^ Culpan, Troy (8 tháng 3 năm 2019). “Rob Halford of Judas Priest (Video Interview)”. maytherockbewithyou.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  123. ^ Kaufman, Spencer (19 tháng 4 năm 2019). “Rob Halford: Glenn Tipton is already writing riffs for next Judas Priest album”. Consequence of Sound (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  124. ^ Altaf, Rodrigo (23 tháng 4 năm 2019). “IAN HILL of JUDAS PRIEST on the Follow Up to Firepower: "We Have a Lot of Unused Material that Was Very Solid and Could End up on Our Next Album". Sonic Perspectives (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  125. ^ Beckner, Justin (22 tháng 6 năm 2019). “Richie Faulkner Calls Glenn Tipton's Guitar Playing Crucial for Judas Priest's Unique Sound, Discusses Band's Creative Process Since He Joined”. Ultimate Guitar (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  126. ^ Kaufman, Spencer (17 tháng 10 năm 2019). “Rob Halford on His New Holiday Album, Rocking With His Family, and Ozzy Osbourne's "Fantastic Voice". Consequence of Sound (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  127. ^ “RICHIE FAULKNER Has 'A Ton Of Ideas' For JUDAS PRIEST's Next Album”. Blabbermouth.net. 16 tháng 1 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2020.
  128. ^ “GLENN TIPTON, ROB HALFORD And RICHIE FAULKNER Are Working On Music For Next JUDAS PRIEST Album”. Blabbermouth.net. 3 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2020.
  129. ^ “JUDAS PRIEST To Re-Team With 'Firepower' Producers On Upcoming Album”. Blabbermouth.net. 7 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2020.
  130. ^ “JUDAS PRIEST's RICHIE FAULKNER: 'We've Got A Bunch Of Songs' For Next Studio Album”. Blabbermouth.net. 2 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2020.
  131. ^ Kennelty, Greg (26 tháng 9 năm 2020). “Glenn Tipton Is Contributing To The New JUDAS PRIEST Album”. Metal Injection. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2020.
  132. ^ “ROB HALFORD Says New JUDAS PRIEST Songs Are 'Monsters': 'Even In A Very Rough, Primitive Stage, They're Great'. Blabbermouth.net. 2 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 10 năm 2020.
  133. ^ Wise, Lauren (14 tháng 10 năm 2020). “Rob Halford on His New Memoir, Plans for Judas Priest, and the Power of Hugs”. Phoenix New Times. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2020.
  134. ^ Kennelty, Greg (24 tháng 4 năm 2020). “JUDAS PRIEST Reportedly Rescheduling European Leg Of Anniversary Tour”. Metal Injection. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2020.
  135. ^ “JUDAS PRIEST Reschedules '50 Heavy Metal Years' European Tour For 2021”. Blabbermouth.net. 15 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2020.
  136. ^ “JUDAS PRIEST Reschedules '50 Heavy Metal Years' U.S. Tour For Summer/Fall 2021”. Blabbermouth.net. 10 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2020.
  137. ^ Guzman, Richard (7 tháng 3 năm 2022). “Judas Priest's Rob Halford talks delayed 50th anniversary tour, new music and all that leather”. Los Angeles Daily News. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2022.
  138. ^ NextMosh Staff (17 tháng 10 năm 2020). “Judas Priest + Ozzy Osbourne UK/European tour rescheduled to 2022”. NextMosh. Truy cập ngày 17 tháng 10 năm 2020.
  139. ^ “JUDAS PRIEST Rejoined By Guitarist GLENN TIPTON For Band's First Performance In More Than Two Years (Video)”. Blabbermouth.net. 16 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2021.
  140. ^ “Watch JUDAS PRIEST's Entire BLOODSTOCK OPEN AIR 2021 Performance”. Blabbermouth.net. 17 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2021.
  141. ^ “JUDAS PRIEST Kicks Off North American '50 Heavy Metal Years' Tour In Reading, Pennsylvania (Video)”. Blabbermouth.net. 9 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2021.
  142. ^ Lewry, Fraiser (27 tháng 9 năm 2021). “Judas Priest postpone US tour, Richie Faulkner hospitalised with heart problems”. Louder Sound. Truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2021.
  143. ^ Metalsucks (28 tháng 11 năm 2021). “Judas Priest Announce Rescheduled 50th Anniversary Tour with Queensryche [UPDATED]”. MetalSucks. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2021.
  144. ^ Trapp, Philip (24 tháng 11 năm 2021). “Ozzy Osbourne Again Postpones Tour With Judas Priest, Announces 2023 Dates”. Loudwire. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2021.
  145. ^ Trapp, Philip (tháng 2 năm 2023). “Ozzy Osbourne Cancels 2023 Tour, Says His Touring Days 'Have Ended'. Loudwire. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2023.
  146. ^ Irwin, Corey. “Rob Halford Confirms Death of Former Judas Priest Drummer”. Ultimate Classic Rock. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2021.
  147. ^ “K.K. DOWNING Pays Tribute To Former JUDAS PRIEST Drummer JOHN HINCH: He 'Was Always So Dependable'. Blabbermouth.net. 30 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2021.
  148. ^ “ROB HALFORD Says JUDAS PRIEST Is Working On 'Very Potent' New Album: 'We've Got A Bunch Of Great Ideas'. Blabbermouth.net. 3 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2021.
  149. ^ Childers, Chad (6 tháng 9 năm 2021). “Judas Priest's Ian Hill – 'There's at Least an Album or Two of New Material'. Loudwire. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2021.
  150. ^ “IAN HILL Doesn't Think Next JUDAS PRIEST Album Will Arrive Before 2023”. Blabbermouth.net. 22 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 22 tháng 9 năm 2021.
  151. ^ Maxwell, Jackson (2 tháng 12 năm 2021). “Glenn Tipton will play on the next Judas Priest album, Rob Halford confirms”. Guitar World. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2021.
  152. ^ Brannigan, Paul (10 tháng 1 năm 2022). “Judas Priest to tour as quartet as Andy Sneap refocuses on his production work”. Louder Sound. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2022.
  153. ^ Lewry, Fraser. “Andy Sneap says Judas Priest's decision to become a four-piece is "incredibly disappointing". Louder Sound. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2022.
  154. ^ Lavin, Will (16 tháng 1 năm 2022). “Judas Priest reverse decision to remove guitarist Andy Sneap from touring line-up”. NME. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2022.
  155. ^ Wilkening, Matthew (22 tháng 1 năm 2022). “K.K. Downing: Four-Piece Judas Priest Plan a 'Slap in the Face'. Ultimate Classic Rock. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2022.
  156. ^ Graff, Gary. “Judas Priest Say Third Nomination for Rock and Roll of Fame Is 'Still a Rush'. Billboard. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2022.
  157. ^ “RICHIE FAULKNER Says Some Material JUDAS PRIEST Is Working On For Next Album Is 'A Bit More Progressive' Than 'Firepower'. Blabbermouth.net. 16 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2022.
  158. ^ “ROB HALFORD Says Next JUDAS PRIEST Album Will 'Probably' Have More 'Progressive Elements' Than 'Firepower' Did”. Blabbermouth.net. 23 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2022.
  159. ^ Bravewords. “JUDAS PRIEST'S UPCOMING ALBUM HAS "A FEW MUSICAL TURNAROUNDS THAT FIREPOWER DOESN'T HAVE, BUT THAT DOESN'T MAKE IT A RUSH RECORD," SAYS RICHIE FAULKNER”. Brave Words & Bloody Knuckles. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2022.
  160. ^ “RICHIE FAULKNER Says New JUDAS PRIEST Album Is 'Almost Complete', Elaborates On LP's 'More Progressive' Direction”. Blabbermouth.net. 26 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 26 tháng 3 năm 2023.
  161. ^ Wardlaw, Matt (18 tháng 3 năm 2022). “Glenn Tipton Says Iron Maiden Are Influenced by Judas Priest”. Ultimate Classic Rock. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2022.
  162. ^ Prato, Greg (31 tháng 3 năm 2022). “Glenn Tipton on Judas Priest's 2022 Tour, Upcoming Album, Rock & Roll Hall of Fame Nomination, and More”. Consequence of Sound. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2022.
  163. ^ “RICHIE FAULKNER Says Drums For Next JUDAS PRIEST Album Have Already Been Recorded”. Blabbermouth.net. 30 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 3 năm 2022.
  164. ^ “RICHIE FAULKNER Says New JUDAS PRIEST Album Is Completely Written: We Just 'Need To Record It Properly'. Blabbermouth.net. 11 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2022.
  165. ^ “Rob Halford: No New Judas Priest Album Until 2023 or 2024”. Ultimate-guitar.com. Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2022.
  166. ^ “ROB HALFORD Says Next JUDAS PRIEST Album Will Arrive In 2024: 'It Sounds F***ing Amazing'. Blabbermouth.net. 24 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2023.
  167. ^ Graff, Gary (14 tháng 10 năm 2022). “K.K. Downing Confirms He'll Play With Judas Priest at Rock Hall”. Ultimate Classic Rock. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2022.
  168. ^ “K.K. DOWNING Is 'Ready To Rock' With JUDAS PRIEST At Tomorrow's ROCK AND ROLL HALL OF FAME Induction Ceremony”. Blabbermouth.net. 4 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2022.
  169. ^ Childers, Chad (6 tháng 11 năm 2022). “Watch Judas Priest Reunite With K.K. Downing Live at 2022 Rock and Roll Hall of Fame Ceremony”. Loudwire. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2022.
  170. ^ “JUDAS PRIEST's Manager Explains Why RICHIE FAULKNER Wasn't Inducted Into ROCK AND ROLL HALL OF FAME”. Blabbermouth.net. 11 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2022.
  171. ^ Keenan, Hesher (24 tháng 11 năm 2022). “Rob Halford Says Playing with K.K. Downing at Rock Hall "Felt Like He Was Always There". MetalSucks. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2022.
  172. ^ “JUDAS PRIEST's ROB HALFORD Says 'It Was Beautiful' To See DAVE HOLLAND Inducted Into ROCK AND ROLL HALL OF FAME”. Blabbermouth.net. 24 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2022.
  173. ^ “JUDAS PRIEST To Release New Studio Album, 'Invincible Shield', In March 2024”. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 7 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  174. ^ “New Judas Priest Single 'Panic Attack' To Arrive On Friday”. Blabbermouth.net. 8 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2023.
  175. ^ “Hear JUDAS PRIEST's New Single 'Panic Attack' From Upcoming 'Invincible Shield' Album”. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 13 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  176. ^ “JUDAS PRIEST Releases Music Video For Latest Single 'Trial By Fire'. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 29 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  177. ^ “JUDAS PRIEST Shares Another New Song, 'Crown Of Horns', From Upcoming 'Invincible Shield' Album”. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 19 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  178. ^ a b Andrew Laurence Cope (28 tháng 1 năm 2013). Black Sabbath and the Rise of Heavy Metal Music. Ashgate Publishing. ISBN 978-1-4094-9398-3.
  179. ^ Wilkinson, Roy (20 tháng 5 năm 2010). “How Judas Priest invented heavy metal”. The Guardian. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2014.
  180. ^ Erlewine, Stephen Thomas. “Judas Priest | Biography & History”. AllMusic.
  181. ^ Berelian, Essi (2005). The Rough Guide to Heavy Metal. Rough Guides. tr. 172. ISBN 1-84353-415-0.
  182. ^ Mastropolo, Frank (5 tháng 8 năm 2014). “Four Decades of Hellfire with Judas Priest (Interview) – Rock Cellar Magazine”. Rockcellarmagazine.com. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 2 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2018.
  183. ^ Wilkinson, Roy (20 tháng 5 năm 2010). “How Judas Priest invented heavy metal”. The Guardian. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2018.
  184. ^ “The Greatest Metal Bands Of All Time – 2. Judas Priest”. MTVNews.com. MTV. 9 tháng 3 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2011.
  185. ^ Blabbermouth (13 tháng 12 năm 2017). “BON JOVI To Join ROCK AND ROLL HALL OF FAME; JUDAS PRIEST Fails To Make The Cut”. Blabbermouth. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2018.
  186. ^ Hammerpublished, Metal (4 tháng 5 năm 2022). “At last – Judas Priest will finally make it into the Rock And Roll Hall Of Fame”. loudersound (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2022.
  187. ^ “Story Original Judas Priest”. Wearesonylegacy.com (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 2 năm 2018. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  188. ^ “Home”. RIAA (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2024.
  189. ^ “30 on 30: The Greatest Guitarists Picked by the Greatest Guitarists”. guitarworld.com. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2010.
  190. ^ Grow, Kory (3 tháng 8 năm 2010). “Exclusive Excerpt From Dave Mustaine's Autobiography: Meeting Lars Ulrich”. Revolver. NewBay Media. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 11 năm 2015.
  191. ^ Davis, Brian (26 tháng 7 năm 2004). “Exclusive! Interview With Slayer Guitarist Jeff Hanneman”. KNAC. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2013.
  192. ^ “Get Ready to ROCK! Interview with Tom Hunting and Gary Holt of Thrash metal rock band Exodus”. getreadytorock.com. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2024.
  193. ^ “These were Dimebag Darrell's 10 favourite songs, according to Vinnie Paul”. Loudersound. 3 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2023.
  194. ^ “Anthrax Profiled in National Museum of American History”. Loudwire. 30 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2022.
  195. ^ “SEPULTURA // Albums That Helped Shape A Band (Part One)”. hysteriamag.com. 28 tháng 3 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2024.
  196. ^ Matt, Mills (29 tháng 5 năm 2022). “Sepultura's Andreas Kisser: 10 Albums That Changed My Life”. loudersound.com (bằng tiếng Anh). Metal Hammer. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2024.
  197. ^ “Testament Family Tree — The Metal”. givememetal.com (bằng tiếng Anh). 8 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  198. ^ “Overkill's Bobby "Blitz" Ellsworth - The 10 Records That Changed My Life”. loudersound.com. 21 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2024.
  199. ^ “Voivod Drummer Talks About Making Of New Album 'Target Earth'. metalassault.com (bằng tiếng Anh). 15 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  200. ^ “Guitarists from Exodus, Exciter, and Metal Church weigh in on the heaviness of metal in 1985”. earofnewt.com. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2024.
  201. ^ “INTERVIEW: Mike Howe - Metal Church - The Rockpit”. therockpit.net. 6 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2024.
  202. ^ “Kreator Frontman: 'I Try Not To Sound Like Anyone Else'. Blabbermouth.net. 15 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2024.
  203. ^ “Destruction Explains the Legacy of Teutonic Metal”. OC Weekly. 24 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2024.
  204. ^ “No Life Til Metal - CD Gallery - Sodom”. nolifetilmetal.com. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2024.
  205. ^ “Annihilator, interview with Jeff Waters”. radiometal.com. 13 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2024.
  206. ^ “Voices From The Darkside”. voicesfromthedarkside.de. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2024.
  207. ^ “Death Angel's Mark Osegueda On Judas Priest's Rob Halford: 'He's My Biggest Inspiration'. Blabbermouth.net. 10 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2024.
  208. ^ “Onslaught Family Tree — The Metal”. givememetal.com (bằng tiếng Anh). 12 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2024.
  209. ^ Popoff, Martin (4 tháng 8 năm 2022). “25 Essential Thrash Albums”. Revolver (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  210. ^ a b Lahtinen, Luxi (22 tháng 5 năm 2020). “The Metal Crypt - 50 Years of British Fuckin' Steel - Tribute to Judas Priest Interview”. metalcrypt.com. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2024.
  211. ^ “Heathen Family Tree — The Metal”. givememetal.com (bằng tiếng Anh). 21 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  212. ^ “Voices From The Darkside”. voicesfromthedarkside.de (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  213. ^ “Hell Bent for Leather/Killing Machine Info Page” (bằng tiếng Anh). Judas Priest Info Pages. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 7 năm 2007. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  214. ^ “K.K. DOWNING: 'I Think JUDAS PRIEST Had A Bit Of An Identity Crisis From The Beginning'. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 16 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2018.
  215. ^ “JUDAS PRIEST's ROB HALFORD On ROCK AND ROLL HALL OF FAME: 'We Just Want To See Some More Metal In There'. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 25 tháng 3 năm 2018. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  216. ^ “Video: JUDAS PRIEST Inducted Into 'Hall Of Heavy Metal History' At Germany's WACKEN OPEN AIR Festival”. Blabbermouth.net. 6 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2018.
  217. ^ a b DiVita, Joe (4 tháng 5 năm 2022). “Opinion: Rock Hall Inducting Judas Priest for 'Musical Excellence' Is Actually a Backhanded Compliment”. Loudwire (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  218. ^ Rhombus, Emperor (4 tháng 5 năm 2022). “Judas Priest Won't Get Inducted into the Rock and Roll Hall of Fame, but Will Receive the 'Musical Excellence Award' (bằng tiếng Anh). Metal Sucks. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  219. ^ “It's Official: JUDAS PRIEST to be Inducted into ROCK AND ROLL HALL OF FAME”. Blabbermouth.net (bằng tiếng Anh). 4 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  220. ^ Alleva, Dan (27 tháng 2 năm 2022). “ROB HALFORD Isn't Thrilled About JUDAS PRIEST's Rock Hall Induction Via the Musical Excellence Award” (bằng tiếng Anh). Metal Injection. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2024.
  221. ^ “JUDAS PRIEST 'Knocked Out' By 'Metal Guru' Award At CLASSIC ROCK ROLL OF HONOUR”. Blabbermouth.net. 8 tháng 10 năm 2005. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2018.
  222. ^ “Kerrang Awards 2007: The Winners”. Digitalspy.com. 24 tháng 8 năm 2007. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2018.
  223. ^ “JUDAS PRIEST's ROB HALFORD: 'You Need Inspiration In Rock And Roll'. Blabbermouth.net. 12 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2018.
  224. ^ a b c d e f g “JUDAS PRIEST nominated multiple times for the 4th Annual Loudwire Music Awards”. JudasPriest.com. 8 tháng 1 năm 2015.
  225. ^ Childers, Chad (25 tháng 10 năm 2017). “2017 Loudwire Music Awards Complete Winners List + Photos”. Loudwire.com.
  226. ^ “German Metal Hammer Awards – Metal Anarchy”. Metalanarchy.com. 15 tháng 9 năm 2018.
  227. ^ “BLACK SABBATH, SLIPKNOT, MOTÖRHEAD Honored At GOLDEN GODS AWARDS: Photos Available”. Blabbermouth.net. 14 tháng 6 năm 2005. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2018.
  228. ^ 'Metal Hammer Golden Gods' Winners RevealedMetal Insider”. Metalinsider.net. 14 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2018.
  229. ^ June 2018, Luke Morton11 (11 tháng 6 năm 2018). “Golden Gods 2018: Judas Priest, Code Orange, Maynard James Keenan amongst winners”. Metal Hammer Magazine (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2023.
  230. ^ “Metal Storm Awards 2005 – Metal Storm”. Metalstorm.net (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2018.
  231. ^ “Metal Storm Awards 2008 - Metal Storm”. Metalstorm.net (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2021.
  232. ^ “Metal Storm Awards 2018 – Metal Storm”. Metalstorm.net (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2021.
  233. ^ “The Rocks 2019 winners revealed”. Planet Rock (bằng tiếng Anh). 21 tháng 2 năm 2019. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2021.
  234. ^ France, Lisa Respers (5 tháng 10 năm 2017). “Rock and Roll Hall of Fame 2018 nominees announced”. CNN. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2022.
  235. ^ “Congratulations to All 16 nominees in the Rock & Roll Hall of Fame Class of 2020”. Rock & Roll Hall of Fame. 10 tháng 9 năm 2019. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2019.
  236. ^ “ROCK & ROLL HALL OF FAME FOUNDATION ANNOUNCES NOMINEES FOR 2022 INDUCTION”. Rock & Roll Hall of Fame. 2 tháng 2 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2022.
  237. ^ “GAFFA-priset 2019 – här är artisterna som ligger bäst till”. GAFFA (bằng tiếng Thụy Điển). Sweden. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2019.
  238. ^ Wardlaw, Matt (2 tháng 9 năm 2021). “Why K.K. Downing is 'Surprised' by Judas Priest's Recent Output” (bằng tiếng Anh). Ultimate Classic Rock. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2024.

Tác phẩm trích dẫn

sửa

Liên kết ngoài

sửa