Nghị chính Vương Đại thần
Hội nghị Nghị chính Vương Đại thần (phồn thể: 議政王大臣會議; giản thể: 议政王大臣会议; bính âm: Yìzhèng Wáng Dàchén Huìyì; tiếng Mãn: ᡥᡝᠪᡝ ᡳ
ᠪᠠ, Möllendorff: hebe i ba), còn được gọi tắt là Nghị chính xứ (phồn thể: 議政處; giản thể: 议政处; bính âm: Yìzhèng Chù), là một cơ quan cố vấn cho Hoàng đế (Đại hãn) thời kỳ đầu nhà Thanh. Nghị chính xứ khởi thủy được Đại hãn Hậu Kim Nỗ Nhĩ Cáp Xích lập ra một cách không chính thức vào những năm 1610-1620, đến đời Hoàng Thái Cực chính thức thành lập năm 1626 và mở rộng hoàn chỉnh vào năm 1637. Tham gia Nghị chính xứ đa số là các quý tộc Mãn Châu cao cấp nhất, chuyên họp và cố vấn cho Đại hãn các vấn đề quan trọng của quốc gia, là nơi cung cấp lời khuyên chính về phương diện quân sự cho Hoàng Thái Cực, Thuận Trị Đế (1643–1661) và Khang Hi Đế (1661–1722).[1] Nghị chính xứ đạt đến đỉnh cao quyền lực vào thời kỳ Đa Nhĩ Cổn nhiếp chính (đầu thời Thuận Trị) và Ngao Bái phụ chính (đầu thời Khang Hy).[2] Tuy nhiên, sau khi Khang Hy nắm triều chính, dần đã giảm bớt ảnh hưởng của Nghị chính xứ.
Đến thời Ung Chính, Quân cơ xứ được thành lập năm 1730, với tính chất cố vấn tương tự như Nghị chính xứ, nhưng có quyền hạn hẹp hơn và thành viên mở rộng hơn (bao gồm cả Mãn, Hán...). Sau khi đóng vai trò là cơ quan hoạch định chính sách có ảnh hưởng nhất của triều đại trong hơn một thế kỷ, Nghị chính xứ dần chỉ còn trên danh nghĩa.[3] Năm 1792, cuối đời Càn Long, Nghị chính xứ chính thức bị loại bỏ,[4] dù vẫn giữ lại tước vị Nghị chính vương cho đến tận khi nhà Thanh sụp đổ năm 1912 như một danh vị danh dự.
Nguồn gốc
sửaTheo nhà sử học Robert Oxnam, sự hình thành Nghị chính xứ là "một quá trình phức tạp và thường gây nhầm lẫn."[5] Theo ông, Nghị chính xứ có nguồn gốc từ thể chế không chính thức được Nỗ Nhĩ Cáp Xích tạo ra để thúc đẩy mô hình cộng trị bộ tộc Kiến Châu Nữ Chân. Theo đó, một số con em trong gia đình được Nỗ Nhĩ Cáp Xích chỉ định tham gia cùng họp bàn chính sự với ông. Để phân biệt các thủ lĩnh quý tộc thành viên gia đình Nỗ Nhĩ Cáp Xích, được xem là có địa vị cao hơn các thủ lĩnh Mãn Châu (belei, bối lặc) khác, họ được tôn xưng là Hošo beile (Hòa thạc Bối lặc hay Đại bối lặc), với từ hošo trong tiếng Mãn có nghĩa là "tôn quý". Cơ cấu này thường được gọi là cơ cấu Bối lặc nghị chính (議政貝勒; tiếng Mãn: ᡩᠣᡵᠣ
ᠵᠠᡶᠠᡥᠠ
ᠪᡝᡳᠰᡝ, Möllendorff: doro jafaha beise).
Trong quá trình thống nhất các bộ tộc Nữ Chân, để thuận tiện cho việc quản lý và điều động tác chiến, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã cho biên chế các bộ tộc Mãn Châu quy thuận ông thành các Kỳ (Gūsa). Ban đầu, vào năm 1601, mới chỉ có 4 Kỳ, đến năm 1615 thì mở rộng thành 8 Kỳ, hình thành chế độ Bát Kỳ nổi tiếng.[6] Năm 1622, Nỗ Nhĩ Cáp Xích chỉ định một số Hòa thạc Bối lặc thân tín làm thống lãnh các Kỳ,[6] và ra chế định các Hòa thạc Bối lặc họp bàn cùng nhau về các chính sách quan trọng, đặc biệt là về quân sự.[7] Các Hòa thạc Bối lặc về sau được gọi là các "Nghị chính vương" (议政王).[8]
Một cơ cấu khác cũng được cho là nguồn gốc hình thành Nghị chính xứ là nhóm 5 quý tộc Mãn Châu phụ trách hành chính (议政五大臣, Nghị chính Ngũ đại thần)[Chú 1] và 10 quý tộc Mãn Châu phụ trách tư pháp (理事十大臣, Lý sự Thập đại thần), được Nỗ Nhĩ Cáp Xích thành lập vào khoảng năm 1615–1616.[9] Theo Oxnam, cơ cấu này về sau được gọi là "Nghị chính đại thần" (议政大臣),[8] giữ vai trò phụ tá cho các Hòa thạc Bối lặc trong việc họp bàn quốc chính.[10] Tuy nhiên, theo Franz Michael, cơ cấu này chỉ là "cố vấn kỹ thuật", một quan điểm được Silas Wu (Ngô Tú Lương) bảo vệ.[11] Đến năm 1623, cơ cấu 8 Cố sơn Ngạch chân (Gūsa Ejen) thống lĩnh các Kỳ cũng được hình thành, chủ yếu phụ trách giám sát các mưu đồ bí mật của các Hòa thạc Bối lặc.[12]
Thành lập và hoàn thiện
sửaHội nghị Bối lặc Nghị chính giữ một vai trò quyết định đưa Hoàng Thái Cực lên ngôi Đại hãn kế vị sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích qua đời. Tuy nhiên, không như cha mình mong muốn duy trì chế độ Bối lặc cộng trị, Hoàng Thái Cực dần từng bước tập trung quyền lực vào tay Đại hãn, hình thành nền móng cơ sở cho nhà Thanh sau này. Năm 1627, Hoàng Thái Cực lệnh cho 8 Cố sơn Ngạch chân cùng tham gia nghị chính với các Hòa thạc Bối lặc.[13] Ngô Tú Lương cho rằng đây mới thực sự là cơ cấu Nghị chính xứ chính thức đầu tiên, phụ tá cho Đại hãn trong các quyết sách quan trọng, cả về chính trị lẫn quân sự.[14]
Năm 1637, một năm sau khi xưng Hoàng đế Đại Thanh, Hoàng Thái Cực chính thức loại trừ các Thân vương ra khỏi Nghị chính xứ.[15] Thay vào đó là 8 Đô thống (trước gọi là Cố sơn Ngạch chân, Gūsa Ejen) và 16 Phó đô thống (trước gọi là Mai lặc Ngạch chân, Meiren-i Ejen) quản lý Mãn Châu Bát kỳ.[16] Thông qua việc hạn chế các Thân vương vừa là thống soái quân sự vừa là thành viên Nghị chính xứ, Hoàng Thái Cực đã tăng cường quyền lực cá nhân, củng cố ngôi vị độc tôn của Hoàng đế.[2] Tuy vậy, Nghị chính xứ vẫn là một cơ quan chính phủ "tập thể quý tộc thống trị" của nhà Thanh.[17]
Đỉnh cao quyền lực
sửaSau khi Hoàng Thái Cực qua đời, Nghị chính xứ đóng vai trò quan trọng trong sự tranh chấp ngôi vị Hoàng đế giữa các thân vương. Một giải pháp thỏa hiệp được Nghị chính xứ đưa ra là tôn lập Hoàng tử thứ chín là Phúc Lâm lên ngôi Hoàng đế Đại Thanh với hai Hòa Thạc Thân vương là Đa Nhĩ Cổn và Tế Nhĩ Cáp Lãng làm đồng nhiếp chính. Tuy nhiên, Tế Nhĩ Cáp Lãng là một vị tướng có tài cầm quân nhưng lại không quan tâm đến các vấn đề chính sự. Ông sớm thông báo giao quyền quyết sách cho Đa Nhĩ Cổn để tập trung vào quân sự,[18] một quyết định mà ông phải sớm hối tiếc sau đó.
Thay vì giữ vai trò kiểm soát, Nghị chính xứ lại bị biến thành công cụ chính trị hữu hiệu của Đa Nhĩ Cổn để củng cố quyền lực.[19] Nhiều lần Đa Nhĩ Cổn sử dụng Nghị chính xứ làm công cụ để cáo buộc và loại trừ các thân vương đối nghịch.[20] Chính với công cụ Nghị chính xứ, vào tháng 5 năm 1644, Đa Nhĩ Cổn đã loại trừ đối thủ chính trị nguy hiểm nhất của mình là Thân vương Hào Cách ra khỏi vị trí kế vị ngai vàng.[21] Đầu tháng 6 năm 1644, gần như mọi quyền lực trong triều đình và quân đội rơi vào tay Đa Nhĩ Cổn.[22] Ông hầu như là một hoàng đế trên thực tế còn Thuận Trị Đế chỉ là một bù nhìn. Năm 1648, sau khi âm mưu lật đổ nhiếp chính của Thân vương Hào Cách bị phát giác, Hào Cách bị tước danh vị Thân vương và đồng đảng của ông bị xử tử.[20][21] Đa Nhĩ Cổn nhanh chóng thay thế những người ủng hộ Hào Cách (phần lớn đến từ Lưỡng Hoàng kỳ) bằng người của mình, và do đó nắm lấy quyền kiểm soát thêm hai kỳ nữa.[23]
Dưới quyền nhiếp chính của Đa Nhĩ Cổn, năm 1644, nhà Thanh đã tiến quân vào Trung Nguyên, chiếm đoạt ngôi vị hoàng đế Trung Hoa trước sự bạc nhược của triều Minh. Không lâu sau, Đa Nhĩ Cổn mở rộng quyền hạn của Nghị chính xứ cả về quân sự lẫn dân sự, đồng thời mở rộng tư cách thành viên cho tất cả quý tộc là Đô thống và Phó đô thống các kỳ Mông Cổ và Mãn Châu, cũng như các Đại học sĩ Mông - Mãn.[19] Tuy nhiên, sau cái chết của Đa Nhĩ Cổn năm 1650, Thuận Trị đích thân nắm lại đại quyền. Ông ra lệnh cho Nghị chính xứ phải trực tiếp thượng tấu cho ông các vấn đề quân sự quan trọng của quốc gia.[24] Phe đảng của Đa Nhĩ Cổn trong triều bị thanh trừng. Với sự đề cử của Tế Nhĩ Cáp Lãng, Nghị chính xứ được bổ sung bởi các quý tộc tinh anh Mãn Châu trung thành với hoàng đế.[25] Từ năm 1651 đến 1653, Nghị chính xứ được bổ sung thêm 30 thành viên mới từ các quý tộc Bát Kỳ hoặc các quan viên đại thần.[26] Đặc biệt, trong số các thành viên mới, có Phạm Văn Trình và Ninh Hoàn Ngã, là 2 trong số 3 người Hán từng giữ cương vị Nghị chính đại thần (người thứ 3 là Hồng Thừa Trù).[26] Cả bốn Phụ chính đại thần tương lai (gồm Sách Ni, Tô Khắc Tát Cáp, Át Tất Long và Ngao Bái) cũng được bổ sung làm Nghị chính đại thần trong thời kỳ này.[27]
Mặc dù vào năm 1656, một chiếu chỉ đã bãi bỏ việc các Đại học sĩ Mông - Mãn tự động được bổ nhiệm vào Nghị chính xứ, đỉnh điểm vào năm 1661, số thành viên của Nghị chính xứ đã vượt quá 50 người.[26] Dưới thời Thuận Trị, Nghị chính xứ thường được triệu tập để điều tra các vụ án tham ô hoặc lạm quyền của các quan viên.[28]
Trước khi Thuận Trị qua đời, ông được cho là đã chỉ định Hoàng tử thứ ba Huyền Diệp mới 8 tuổi làm người kế vị và đồng thời cũng chỉ định 4 Nghị chính đại thần làm Phụ chính, chưởng quản quốc chính cho đến khi tân hoàng đế trưởng thành. Trong số các Phụ chính đại thần, Ngao Bái nhanh chóng nổi lên và nắm đại quyền, với sự đồng lõa của Át Tất Long, xử tử 2 người còn lại là Sách Ni, Tô Khắc Tát Cáp. Thời kỳ Ngao Bái phụ chính, Nghị chính xứ chính là "cơ cấu Mãn Châu quan trọng nhất".[27]. Ngao Bái trên thực tế đã hạn chế việc các Đô thống cũng như Lục bộ Thượng thư Mông - Mãn trở thành Nghị chính đại thần,[26] nhưng lại bổ sung thêm Chưởng quản Lý phiên viện vào Nghị chính xứ, điều mà trước đó Thuận Trị đã phế bỏ.[29] Đến năm 1662, số lượng thành viên Nghị chính xứ giảm xuống còn 31 người, chủ yếu là các thủ lĩnh quý tộc Mãn Châu nhiều kinh nghiệm trong cả lĩnh vực dân chính và quân sự.[30]
Mất dần ảnh hưởng và bị phế bỏ
sửaNăm 1669, sau khi diệt trừ Ngao Bái và nắm đại quyền, Khang Hy đã phế trừ những thay đổi của Ngao Bái, nhưng vẫn duy trì Nghị chính xứ như một cơ quan cố vấn trong các vấn đề quân sự lẫn dân sự, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm hoặc quá phức tạp đối với cơ cấu quan liêu chính thức.[31] Khang Hy cũng bổ sung chức quan Đô ngự sử để kiểm soát Nghị chính xứ. Sau năm 1681, khi đã bình định được Loạn Tam phiên, khôi phục khống chế toàn quốc, Khang Hy đã quyết định các Đô thống Bát Kỳ sẽ không tự động trở thành Nghị chính đại thần.[26] Từ đó về sau, Nghị chính xứ chỉ đơn thuần chăm lo về vấn đề dân sự.[26] Tuy nhiên, trong chiến dịch bình định Chuẩn Cát Nhĩ (1687-1697), Khang Hy thường tham vấn với Nghị chính xứ trong các vấn đề quan hệ với bộ tộc Chuẩn Cát Nhĩ cũng như với đối thủ của họ là bộ tộc Khách Nhĩ Khách.[32] Trong suốt thời kỳ Khang Hy, các kiến nghị của Nghị chính xứ thường được ông nghe theo.[33]
Các nhân vật nổi bật
sửaHòa Thạc Bối lặc
sửa- Thư Nhĩ Cáp Tề, Kỳ chủ Lam kỳ 1601 - 1607, về sau được truy phong Hòa Thạc Trang Thân vương, là em trai của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
- Trử Anh, Kỳ chủ Bạch kỳ 1601 - 1617, về sau được truy phong Quảng Lược Bối lặc, là con trai trưởng của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
- Đại Thiện, Kỳ chủ Hồng kỳ 1601 - 1635, về sau được tôn phong Hòa Thạc Lễ Thân vương, là con trai thứ 2 của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
- A Mẫn, Kỳ chủ Tương Lam kỳ 1607 - 1630 là con trai thứ 2 của Thư Nhĩ Cáp Tề.
- Mãng Cổ Nhĩ Thái, Kỳ chủ Tương Bạch kỳ 1617 - 1631 là con trai thứ 5 của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
- Đức Cách Loại, Kỳ chủ Tương Bạch kỳ 1631 - 1635 là con trai thứ 10 của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
- A Ba Thái, về sau được tôn phong Nhiêu Dư Bối lặc, là con trai thứ 7 của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
- Nhạc Thác, về sau được tôn phong Khắc Cần Quận vương, là con trai trưởng của Đại Thiện.
- Thạc Thác là con trai thứ 2 của Đại Thiện.
- Tát Cáp Lân, về sau được truy phong Dĩnh Nghị Thân vương, là con trai thứ 3 của Đại Thiện.
Nghị chính vương
sửa- Đa Nhĩ Cổn, Hòa Thạc Duệ Thân vương, là con trai thứ 14 của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
- Đa Đạc, Hòa Thạc Dự Thân vương, là con trai thứ 15 của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
- A Ba Thái, Hòa Thạc Nhiêu Dư Mẫn Thân vương, là con trai thứ 7 của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
- Kiệt Thư, Hòa Thạc Khang Thân vương, là con trai của Hỗ Tắc, cháu nội của Đại Thiện
- Bác Lạc, Hòa Thạc Đoan Trọng Thân vương, là con trai thứ 3 của A Ba Thái.
- Nhạc Lạc, Hòa Thạc An Hòa Thân vương, là con trai thứ 4 của A Ba Thái
- Hào Cách, Hòa Thạc Túc Thân vương, là con trai trưởng của Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực.
- Thạc Tắc, Hòa Thạc Thừa Trạch Dụ Thân vương, là con trai thứ 5 của Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực.
- Tế Nhĩ Cáp Lãng, Hòa Thạc Trịnh Thân Vương, là con trai thứ 6 của Thư Nhĩ Cáp Tề.
- Tế Độ, Hòa Thạc Giản Thân vương, là con trai thứ 2 của Tế Nhĩ Cáp Lãng.
- Bác Mục Bác Quả Nhĩ, Hòa Thạc Tương Chiêu Thân vương, là con trai út của Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực
- Thường Ninh, Hòa Thạc Cung Thân vương, là con trai thứ 5 của Thanh Thế Tổ Thuận Trị.
- Phúc Toàn, Hòa Thạc Dụ Thân vương, là con trai thứ 2 của Thanh Thế Tổ Thuận Trị.
- Dận Tự, Hòa Thạc Liêm Thân vương, là con trai thứ 8 của Thanh Thánh Tổ Khang Hi.
- Dận Trinh, Đa La Tuân Quận vương, là con trai thứ 14 của Thanh Thánh Tổ Khang Hi.
- Dận Tường, Hòa Thạc Di Thân vương, là con trai thứ 13 của Thanh Thánh Tổ Khang Hi.
- Hoằng Tích, Hòa Thạc Lý Thân vương, là con trai thứ 2 của Phế Thái tử Dận Nhưng.
Nghị chính đại thần
sửa- Ngạch Diệc Đô, thuộc Nữu Hổ Lộc thị, Mãn Châu Tương Hoàng kỳ.
- An Phí Dương Cổ, thuộc Giác Nhĩ Sát thị, Mãn Châu Tương Lam kỳ.
- Hà Hòa Lý, thuộc Đổng Ngạc thị, Mãn Châu Chính Bạch kỳ.
- Phí Anh Đông, thuộc Qua Nhĩ Giai thị, Mãn Châu Tương Hoàng kỳ.
- Hô Nhĩ Hán, thuộc Y Nhĩ Căn Giác La thị, Mãn Châu Chính Lam kỳ.
- Tô Khắc Tát Cáp, thuộc Diệp Hách Na Lạp thị, Mãn Châu Chính Bạch kỳ.
- Đồ Nhĩ Cách, con trai Ngạch Diệc Đô.
- Hà Lạc Hội, thuộc Đổng Ngạc thị, Mãn Châu Chính Bạch kỳ.
- Phạm Văn Trình.
- Ninh Hoàn Ngã.
- Ngao Bái, thuộc Qua Nhĩ Giai thị, Mãn Châu Tương Hoàng kỳ.
- Sách Ni, thuộc Hách Xá Lý thị, Mãn Châu Chính Hoàng kỳ.
- Hồng Thừa Trù.
- Át Tất Long, con trai Ngạch Diệc Đô.
- Hà Như Đạt, thuộc Đổng Ngạc thị, Mãn Châu Chính Bạch kỳ.
- Bác Lạt, thuộc Giác Nhĩ Sát thị, Mãn Châu Tương Lam kỳ.
- Sách Ngạch Đồ, thuộc Hách Xá Lý thị, Mãn Châu Chính Hoàng kỳ.
- Nạp Lan Minh Châu, thuộc Nạp Lan thị, Mãn Châu Chính Hoàng kỳ.
Chú thích
sửa- ^ Gồm Phí Anh Đông, Ngạch Diệc Đô, Hà Hòa Lý, An Phí Dương Cổ và Hô Nhĩ Hán.
Tham khảo
sửa- ^ Wakeman 1985, tr. 851; Bartlett 1991, tr. 267; Hucker 1985, tr. 266; Rawski 1998, tr. 123.
- ^ a b Oxnam 1975, tr. 31.
- ^ Chiêu Liên (thời Thanh) (tháng 11 năm 2012). 啸亭杂录 续录 [Khiếu Đình tạp lục: tục lục]. Thượng Hải: Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải. tr. 66–67. ISBN 978-7-5325-6366-1.
- ^ Trương Chính Lãng (tháng 10 năm 1990). 中国古代职官大辞典 [Đại từ điển chức quan Trung Quốc cổ đại]. Trịnh Châu: Nhà xuất bản Nhân dân Hà Nam. tr. 359. ISBN 7-215-00300-0.
- ^ Oxnam 1975, tr. 21, chú thích 17.
- ^ a b Wu 1970, tr. 10.
- ^ Oxnam 1975, tr. 21; Bartlett 1991, tr. 25.
- ^ a b Oxnam 1975, tr. 21.
- ^ Oxnam 1975, tr. 21 (1615); Wu 1970, tr. 11 (1616); Michael 1942, tr. 67 (1616).
- ^ Oxnam 1975, tr. 30.
- ^ Michael 1942, tr. 67; Wu 1970, tr. 11.
- ^ Wu 1970, tr. 10; Wakeman 1985, tr. 850.
- ^ Oxnam 1975, tr. 30 & 31, note 38; Wakeman 1985, tr. 850-851.
- ^ Wu 1970, tr. 11; Oxnam 1975, tr. 30 (cơ cấu quyết sách chủ yếu); Wakeman 1985, tr. 851 (ngoại giao và quân vụ).
- ^ Wu 1970, tr. 10; Oxnam 1975, tr. 30.
- ^ Oxnam 1975, tr. 30; Kessler 1976, tr. 11.
- ^ Wakeman 1985, tr. 851.
- ^ Wakeman 1985, tr. 299.
- ^ a b Oxnam 1975, tr. 43.
- ^ a b Wakeman 1985, tr. 885.
- ^ a b Wakeman 1985, tr. 300, chú thích 231
- ^ Roth Li 2002, tr. 71.
- ^ Dennerline 2002, tr. 79.
- ^ Wakeman 1985, tr. 896.
- ^ Oxnam 1975, tr. 70–71.
- ^ a b c d e f Oxnam 1975, tr. 71.
- ^ a b Oxnam 1975, tr. 70.
- ^ Wakeman 1985, tr. 925, 948, & 985.
- ^ Oxnam 1975, tr. 69.
- ^ Oxnam 1975, tr. 71 & 74.
- ^ Oxnam 1975, tr. 72 & 199.
- ^ Perdue 2005, tr. 148 & 159.
- ^ Oxnam 1975, tr. 74; Wu 1970, tr. 18.
Nguồn
sửa- Bartlett, Beatrice S. (1991). Monarchs and Ministers: The Grand Council in Mid-Ch'ing China, 1723–1820 [Hoàng đế và đại thần: Nghị chính xứ ở Trung Quốc thời Thanh trung kỳ, 1723–1820]. Berkeley và Los Angeles: Nhà xuất bản Đại học California. doi:10.1017/S0026749X00001384. ISBN 978-0-520-08645-6.
- Hucker, Charles O. (1985). A Dictionary of Official Titles in Imperial China [Từ điển các niên hiệu chính thức của Hoàng đế Trung Hoa]. Stanford, California: Nhà xuất bản Đại học Stanford. doi:10.1017/S0305741000017732. ISBN 978-0804711937.
- Kessler, Lawrence (1976). K'ang-Hsi and the Consolidation of Ch'ing Rule, 1661–1684 [Khang Hi và Hội đồng phụ chính, 1661–1684]. Chicago: Nhà xuất bản Đại học Chicago. doi:10.1017/S0035869X00135452. ISBN 978-0-226-43203-8.
- Michael, Franz (1942). The Origin of Manchu Rule in China: Frontier and Bureaucracy as Interacting Forces in the Chinese Empire. Baltimore: Nhà xuất bản Johns Hopkins. ASIN B000K3MSRU. doi:10.1086/ahr/48.3.568.
- Oxnam, Robert B. (1975). Ruling from Horseback: Manchu Politics in the Oboi Regency, 1661–1669 [Cưỡi ngựa giành đất: Chính trị Mãn Châu dưới thời Ngao Bái, 1661–1669]. Chicago và London: Nhà xuất bản Đại học Chicago. ISBN 978-0-226-64244-4..
- Perdue, Peter C. (2005). China Marches West: The Qing Conquest of Central Eurasia [Trung Quốc tiến về phía Tây: Cuộc chinh phục của nhà Thanh ở Trung Á-Âu]. Cambridge, Massachusetts, và London, Anh: Nhà xuất bản Belknap thuộc nhà xuất bản Đại học Harvard. ISBN 0-674-01684-X.
- Rawski, Evelyn S. (1998). The Last Emperors: A Social History of Qing Imperial Institutions [Hoàng đế cuối cùng: Lịch sử xã hội của các thể chế đế quốc nhà Thanh]. Los Angeles và Berkeley: Nhà xuất bản Đại học California. ISBN 978-0-674-12761-6..
- Wu, Silas H. L. (1970). Communication and Imperial Control in China: Evolution of the Palace Memorial System, 1693–1735 [Truyền thông và Kiểm soát Hoàng gia ở Trung Quốc: Sự phát triển của Hệ thống Tấu triệp, 1693–1735]. Harvard East Asian Series. 51. Cambridge: Nhà xuất bản Đại học Harvard. ASIN B00EAYY60M. doi:10.4159/harvard.9780674434660. ISBN 978-0-674-14801-7..
- Wakeman, Frederic, Jr. (1985). The Great Enterprise: The Manchu Reconstruction of Imperial Order in Seventeenth-Century China [Một quyết định táo bạo vĩ đại: Sự tái thiết trật tự đế quốc của người Mãn Châu ở Trung Quốc thế kỷ 17]. Berkeley và Los Angeles: Nhà xuất bản Đại học California. ISBN 978-0-520-04804-1..
- Roth Li, Gertraude (2002). “State Building Before 1644” [Xây dựng nhà nước trước 1644]. Trong Peterson, Willard J. (biên tập). The Ch'ing Dynasty to 1800 [Triều Thanh đến năm 1800]. Cambridge History of China. 9. Cambridge: Nhà xuất bản Đại học Cambridge. tr. 9–72. ISBN 0-521-24334-3.
- Dennerline, Jerry (2002). “The Shun-chih Reign” [Triều Thuận Trị]. Trong Peterson, Willard J. (biên tập). The Ch'ing Dynasty to 1800 [Triều Thanh đến năm 1800]. Cambridge History of China. 9. Cambridge: Nhà xuất bản Đại học Cambridge. tr. 73–119. ISBN 0-521-24334-3.
- Hồ Tăng Ích (1994). 新满汉大词典 [Tân từ điển Mãn Hán]. Tân Cương: Nhà xuất bản Nhân dân. ISBN 7-228-02404-4.