Namikaze (tàu khu trục Nhật)

Namikaze (tiếng Nhật: 波風) là một tàu khu trục hạng nhất của Hải quân Đế quốc Nhật Bản được chế tạo ngay sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, là chiếc thứ hai trong lớp phụ Nokaze bao gồm ba chiếc được cải tiến dựa trên lớp Minekaze. Chúng là những tàu khu trục hàng đầu của Hải quân Nhật trong những năm 1930, nhưng đã bị xem là lạc hậu vào lúc nổ ra Chiến tranh Thái Bình Dương, Namikaze hầu như chỉ đảm trách vai trò tuần tra và hộ tống cho đến khi được cải biến thành tàu chở ngư lôi cảm tử kaiten vào tháng 2 năm 1945. Nó sống sót qua cuộc chiến tranh, được trao cho Trung Hoa Dân Quốc như một chiến lợi phẩm vào năm 1947 và hoạt động cho Hải quân Trung Hoa Dân Quốc dưới tên gọi Shen Yang cho đến khi bị tháo dỡ vào năm 1960.

Tàu khu trục Nhật Namikaze, năm 1925
Lịch sử
Nhật Bản
Đặt hàng 1918
Xưởng đóng tàu Xưởng hải quân Maizuru
Đặt lườn 7 tháng 11 năm 1921
Hạ thủy 24 tháng 6 năm 1922
Hoạt động 11 tháng 11 năm 1922
Xếp lớp lại Cải biến thành tàu chở ngư lôi cảm tử kaiten, 1 tháng 2 năm 1945
Xóa đăng bạ 5 tháng 10 năm 1945
Số phận Bị Trung Hoa Dân Quốc chiếm như chiến lợi phẩm
Lịch sử
Đài LoanTrung Hoa Dân Quốc
Tên gọi ROCS Shen Yang
Trưng dụng 3 tháng 10 năm 1947
Số phận Bị tháo dỡ năm 1960
Đặc điểm khái quát
Lớp tàu Lớp tàu khu trục Minekaze cải tiến
Trọng tải choán nước
  • 1.345 tấn (tiêu chuẩn);
  • 1.650 tấn (đầy tải)
Chiều dài
  • 97,5 m (319 ft 11 in) mực nước
  • 102,6 m (336 ft 7 in) chung
Sườn ngang 9 m (29 ft 6 in)
Mớn nước 2,9 m (9 ft 6 in)
Động cơ đẩy
  • Turbine hơi nước Mitsubishi-Parsons
  • 4 × nồi hơi đốt dầu
  • 2 × trục
  • công suất 38.500 mã lực (28,7 MW)
Tốc độ 72 km/h (39 knot)
Tầm xa
  • 6.700 km ở tốc độ 26 km/h
  • (3.600 hải lý ở tốc độ 14 knot)
Thủy thủ đoàn 148
Vũ khí

Thiết kế và chế tạo

sửa

Việc chế tạo lớp tàu khu trục kích thước lớn Minekaze được chấp thuận như một phần trong Chương trình Hạm đội 8-4 của Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong giai đoạn năm tài chính 1917[1][2] với chín chiếc, và năm tài chính 1918 với thêm sáu chiếc bổ sung. Tuy nhiên, ba chiếc cuối cùng trong năm tài chính 1918 được chế tạo với một thiết kế cải tiến có kiểu dáng bên ngoài khác biệt đến mức nhiều tác giả xếp chúng thành một lớp phụ riêng biệt.[3]

Namikaze, chiếc thứ hai trong lớp phụ Nokaze, được chế tạo tại Xưởng hải quân Maizuru. Nó được đặt lườn vào ngày 7 tháng 11 năm 1921; được hạ thủy vào ngày 24 tháng 6 năm 1922; và được đưa ra hoạt động vào ngày 11 tháng 11 năm 1922.[4]

Lịch sử hoạt động

sửa

Sau khi hoàn tất, Namikaze được điều về Quân khu Hải quân Yokosuka, nơi nó cùng với các tàu khu trục chị em Nokaze, NumakazeKamikaze (soái hạm) được tập trung để hình thành nên Hải đội Khu trục 1 (第一駆逐艦). Trong những năm 1938-1939, hải đội này được phân công tuần tra tại khu vực bờ biển Bắc và Trung của Trung Quốc nhằm hỗ trợ cho những nỗ lực của quân Nhật trong cuộc Chiến tranh Trung-Nhật.[5]

Vào lúc xảy ra cuộc tấn công Trân Châu Cảng, Namikaze đặt căn cứ tại Quân khu Bảo vệ Ōminato về phía Bắc Nhật Bản, đảm trách nhiệm vụ tuần tra vùng biển ngoài khơi đảo Hokkaidōquần đảo Kurile.

Trong khi diễn ra trận Midway vào tháng 5 năm 1942, Namikaze được phân về lực lượng dự trữ dành cho Chiến dịch quần đảo Aleut, nhưng đã không rời khỏi vùng biển nội địa Nhật Bản. Sau đó nó quay lại công tác tuần tra ngoài khơi Ōminato cho đến tháng 7 năm 1943, nơi mà khu vực tuần tra được mở rộng bao gồm hầu hết đảo Honshū về phía Nam đến tận vịnh Ise. Vào tháng 7, nó tạm thời được điều về Hạm đội 5 Hải quân Đế quốc Nhật Bản hỗ trợ cho việc triệt thoái lực lượng Nhật Bản khỏi Kiska, nhưng chỉ ở trong lực lượng dự bị. Nó bị hư hại nhẹ trong một vụ va chạm với tàu tuần tra duyên hải Manei Maru số 7 ở lối vào cảng Otaru, Hokkaidō vào ngày 6 tháng 11 năm 1943. Namikaze tiếp tục đặt căn cứ tại Ōminato đảm trách tuần tra và hộ tống vận tải tại vùng biển phía Bắc cho đến tháng 12 năm 1943.[6]

Vào ngày 1 tháng 12 năm 1943, Namikaze được điều đến Moji để hộ tống một đoàn tàu vận tải đi đến Đông Dương thuộc Pháp. Nó quay trở lại Ōminato tiếp tục vai trò tuần tra tại Hokkaidō và Kurile từ tháng 3 năm 1944. Vào ngày 21 tháng 8 năm 1944, Namikaze trúng phải ngư lôi phóng từ tàu ngầm Mỹ USS Seal (SS-183) ở phía Bắc Iturup, làm hư hại nặng phần đuôi tàu, và phải được tàu khu trục Kamikaze kéo về Otaru để sửa chữa khẩn cấp.[7] Sau đó nó được gửi đến Xưởng hải quân Maizuru để được cải biến thành một tàu chở ngư lôi cảm tử có người lái kaiten.

Công việc cải biến bao gồm việctháo dỡ ba trong số bốn tháp pháo chính cùng toàn bộ ống phóng ngư lôi. Nồi hơi thứ nhất cũng được tháo bỏ, giảm công suất động lực còn 25.000 mã lực (18,6 MW) và tốc độ tối đa còn 54,6 km/h (29,5 knot). Nó được bổ sung sáu khẩu pháo phòng không 25 mm Kiểu 96 và tám súng máy 13 mm phòng không. Đuôi tàu được cải biến với một sàn tàu dốc, và nó có thể mang theo từ hai đến bốn ngư lôi kaiten.

Sau khi hoàn tất việc tái trang bị vào ngày 1 tháng 2 năm 1945, Namikaze được điều về Hạm đội Liên Hợp, nhưng không có ghi nhận nào về việc Namikaze từng phóng ngư lôi kaiten trong chiến đấu. Từ ngày 16 tháng 6 năm 1945, Namikaze đặt căn cứ tại Ube trong vùng biển Nội địa, hoạt động chủ yếu như một tàu quét mìn tìm kiếm số thủy lôi do máy bay B-29 Superfortress thả xuống. Nó có mặt tại Căn cứ Hải quân Kure vào lúc Nhật Bản đầu hàng.

Namikaze được chính thức rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 5 tháng 10 năm 1945. Tuy nhiên, sau khi giải giới, nó được sử dụng vào việc hồi hương binh lính Nhật Bản còn đang trú đóng ở nước ngoài, và đảm trách vai trò này từ ngày 1 tháng 12 năm 1945 cho đến năm 1947.[4]

Phục vụ cùng Trung Hoa Dân Quốc

sửa

Vào ngày 3 tháng 10 năm 1947, Namikaze được chuyển cho Trung Hoa Dân Quốc như một chiến lợi phẩm và được đặt lại lên là Shen Yang. Shen Yang đặt căn cứ tại Thanh Đảo từ năm 1947 chho đến khi hải cảng tại thành phố này rơi vào tay lực lượng công sản trong cuộc Nội chiến Trung Quốc. Nó tiếp tục được Hải quân Trung Hoa Dân Quốc sử dụng từ các căn cứ tại Đài Loan cho đế khi bị tháo dỡ vào năm 1960.

Danh sách thuyền trưởng

sửa

Tham khảo

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ Howarth, The Fighting Ships of the Rising Sun
  2. ^ Globalsecurity.org, IJN Minekaze class destroyers
  3. ^ Jones, Daniel H. (2003). “IJN Minekaze, Kamikaze and Mutsuki class Destroyers”. Ship Modeler's Mailing List (SMML). Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 8 năm 2008. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2010.
  4. ^ a b Nishidah, Hiroshi (2002). “Minekaze class 1st class destroyers”. Materials of the Imperial Japanese Navy. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2010.
  5. ^ Nevitt, Allyn D. “Destroyer Division One: War in the Back Waters”. Long Lancers. Combinedfleet.com.
  6. ^ Nevitt, Allyn D. (1997). “IJN Namikaze: Tabular Record of Movement”. Long Lancers. Combinedfleet.com.
  7. ^ The U.S. Navy's Lịch sử Hải quân Mỹ - USS Seal Lưu trữ 2010-12-08 tại Wayback Machine không đề cập đến cuộc tấn công này.

Thư mục

sửa

Liên kết ngoài

sửa