Matsukaze (tàu khu trục Nhật) (1923)

Matsukaze (tiếng Nhật: 松風) là một tàu khu trục hạng nhất, thuộc lớp Kamikaze của Hải quân Đế quốc Nhật Bản bao gồm chín chiếc, được chế tạo sau khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc. Rất hiện đại vào lúc đó, những con tàu này đã phục vụ như những tàu khu trục hàng đầu trong những năm 1930, nhưng được xem là đã lạc hậu vào lúc Chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra.[1] Ngoài một vài trận chiến, Matsukaze hầu như chỉ sử dụng trong vai trò tuần tra và hộ tống cho đến khi bị tàu ngầm Mỹ đánh chìm ngày 9 tháng 6 năm 1944 cách 70 dặm về phía Đông Bắc Chichijima thuộc quần đảo Bonin.

Tàu khu trục Matsukaze chạy thử máy ngoài khơi Maizuru, năm 1924
Lịch sử
Nhật Bản
Tên gọi Tàu khu trục số 7
Xưởng đóng tàu Xưởng hải quân Maizuru
Đặt lườn 2 tháng 12 năm 1922
Hạ thủy 30 tháng 10 năm 1923
Hoạt động 5 tháng 4 năm 1924
Đổi tên Tàu khu trục số 7 thành Matsukaze: 1 tháng 8 năm 1928
Xóa đăng bạ 10 tháng 8 năm 1944
Số phận Bị tàu ngầm Mỹ đánh chìm ngày 9 tháng 6 năm 1944 cách 113 km (70 dặm) về phía Đông Bắc Chichijima, quần đảo Bonin; tọa độ 26°59′B 143°13′Đ / 26,983°B 143,217°Đ / 26.983; 143.217
Đặc điểm khái quát
Lớp tàu Lớp tàu khu trục Kamikaze
Trọng tải choán nước
  • 1.400 tấn (tiêu chuẩn);
  • 1.720 tấn (đầy tải)
Chiều dài
  • 97,5 m (319 ft 10 in) mực nước
  • 102,6 m (336 ft 7 in)
Sườn ngang 9,1 m (29 ft 10 in)
Mớn nước 2,9 m (9 ft 6 in)
Động cơ đẩy
Tốc độ 69 km/h (37,25 knot)
Tầm xa
  • 6.700 km ở tốc độ 26 km/h
  • (3.600 hải lý ở tốc độ 14 knot)
Thủy thủ đoàn 168
Vũ khí

Thiết kế và chế tạo

sửa

Việc chế tạo lớp tàu khu trục cỡ lớn Kamikaze được chấp thuận như một phần của Chương trình phát triển Hạm đội 8-4 trong năm tài chính 1921–1923 dành cho Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Thiết kế của chúng là sự tiếp nối của lớp Minekaze trước đó, vốn chia sẻ nhiều đặc tính thiết kế chung.[1] Được chế tạo tại Xưởng hải quân Maizuru, Matsukaze được đặt lườn vào ngày 2 tháng 12 năm 1922, được hạ thủy vào ngày 30 tháng 10 năm 1923 và được đưa ra hoạt động vào ngày 5 tháng 4 năm 1924.[2] Khi đưa vào hoạt động nó chỉ được gọi đơn giản là "Tàu khu trục số 7" (第七駆逐艦, Dai-7 Kuchikukan) trước khi được đặt tên Matsukaze vào ngày 1 tháng 8 năm 1928. Khi chạy thử máy vào lúc hoàn tất, nó đã lập một kỷ lục mới về tốc độ 72,6 km/h (39,2 knot).

Lịch sử hoạt động

sửa

Vào lúc xảy ra cuộc tấn công Trân Châu Cảng, Matsukaze nằm trong thành phần Hải đội Khu trục 5 thuộc Phân hạm đội Khu trục 5 của Hạm đội 3 Hải quân Đế quốc Nhật Bản, và được bố trí từ Quân khu Bảo vệ Mako tại quần đảo Pescadores trong thành phần của lực lượng Nhật Bản tham gia trận Philippines, trong đó nó giúp hỗ trợ cho cuộc đổ bộ của lực lượng Nhật Bản lên vịnh Lingayen.[3]

Vào đầu năm 1942, Matsukaze được giao nhiệm vụ hộ tống các tàu chở binh lính từ Đài Loan đến Mã LaiĐông Dương. Được phân về lực lượng chiếm đóng Java, nó đã tham gia trận chiến eo biển Sunda vào ngày 1 tháng 3 năm 1942. Trong trận này, nó đã trợ giúp tàu khu trục Shiokaze trong việc đánh chìm chiếc tàu quét mìn Hà Lan Endeh.[4]

Từ ngày 10 tháng 3 năm 1942 cho đến cuối tháng 3 năm 1943, Matsukaze cùng Hải đội Khu trục 5 được tái bố trí đến Hạm đội Khu vực Tây Nam và hộ tống các tàu chở binh lính từ Singapore đến Penang, Rangoon, Đông DươngMakassar.[5] Matsukaze quay trở về Xưởng hải quân Yokosuka vào ngày 31 tháng 3 năm 1943 để tái trang bị.

Từ tháng 6 năm 1943, Matsukaze được bố trí về Hạm đội 8 Hải quân Đế quốc Nhật Bản và được gửi đến Rabaul vào cuối tháng 6. Từ tháng 6 đến tháng 9, nó thực hiện nhiều chuyến đi "Tốc hành Tokyo" vận chuyển binh lính đến Kolombangara và tham gia cuộc triệt thoái lực lượng Nhật Bản khỏi Vella Lavella vào tháng 10. Đến cuối tháng 10, Matsukaze quay trở về Yokosuka để sửa chữa.

Vào ngày 9 tháng 12 năm 1944, Matsukaze quay trở lại Rabaul và tiếp tục thực hiện nhiều chuyến đi "Tốc hành Tokyo" trong suốt khu vực quần đảo Solomon, đặc biệt là đến New Britain, cho đến cuối tháng 1 năm 1944. Matsukaze gặp phải điều bất hạnh tại Truk vào ngày 17-18 tháng 2 năm 1944 trong Chiến dịch Hailstone, khi Hải quân Hoa Kỳ tung ra một cuộc không kích quy mô lớn và tàn khốc nhắm vào hạm đội Nhật Bản. Matsukaze thoát được với hư hại trung bình do những quả bom ném suýt trung và các đợt bắn phá càn quét, và phải quay trở về Yokosuka ngang qua SaipanHahajima vào ngày 1 tháng 3 để sửa chữa.[6]

Sau khi công việc sửa chữa hoàn tất vào tháng 5 năm 1944, Matsukaze được phân về Hải đội Khu trục 3 thuộc Phân hạm đội Khu trục 30 của Hạm đội Khu vực Trung tâm Thái Bình Dương để hộ tống các đoàn tàu vận tải giữa các đảo chính quốc Nhật Bản và Saipan. Ngày 9 tháng 6 năm 1944, sau khi khởi hành từ Tateyama, Chiba cùng một đoàn tàu vận tải hướng đến Saipan, Matsukaze trúng phải ngư lôi phóng từ tàu ngầm Mỹ Swordfish và bị chìm cách 113 km (70 dặm) về phía Đông Bắc Chichijima thuộc quần đảo Bonin ở tọa độ 26°59′B 143°13′Đ / 26,983°B 143,217°Đ / 26.983; 143.217.[5]

Matsukaze được rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 10 tháng 8 năm 1944.[2]

Danh sách thuyền trưởng

sửa

Tham khảo

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ a b Howarth, The Fighting Ships of the Rising Sun
  2. ^ a b Nishidah, Hiroshi (2002). “Kamikaze class 1st class destroyers”. Materials of the Imperial Japanese Navy. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2010.
  3. ^ Morison. The Rising Sun in the Pacific 1931 - tháng 4 năm 1942.
  4. ^ Dull. A Battle History of the Imperial Japanese Navy
  5. ^ a b Nevitt, Long Lancers, Matsukaze
  6. ^ Lindemann. Hailstorm Over Truk Lagoon

Sách

sửa

Liên kết ngoài

sửa