Maria Antonia của Áo
Maria Antonia của Áo (tiếng Đức: Maria Antonia von Österreich; 2 tháng 11 năm 1755 – 16 tháng 10 năm 1793), nguyên là Nữ Đại công tước Áo, thường được biết đến với tên Pháp là Marie Antoinette (tiếng Anh: /məˈriː
Maria Antonia của Áo | |||||
---|---|---|---|---|---|
Maria Antonia năm 1775 | |||||
Vương hậu nước Pháp và Navarra | |||||
Tại vị | 10 tháng 5 năm 1774 – 21 tháng 9 năm 1792 (18 năm, 134 ngày) | ||||
Tiền nhiệm | Maria Leszczyńska của Ba Lan | ||||
Kế nhiệm | Marie Josèphe Rose Tascher de La Pagerie Với tư cách là Hoàng hậu Pháp | ||||
Thông tin chung | |||||
Sinh | Cung điện Hofburg, Viên, Đế quốc La Mã Thần thánh | 2 tháng 11 năm 1755||||
Mất | 16 tháng 10 năm 1793 Quảng trường Concorde, Paris, Đệ Nhất Cộng hòa Pháp | (37 tuổi)||||
An táng | Vương cung thánh đường Thánh Denis, Pháp | ||||
Phối ngẫu | Louis XVI của Pháp | ||||
Hậu duệ | Marie-Thérèse Charlotte, Công tước phu nhân xứ Angoulême Trữ quân Louis-Joseph Louis XVII, Quốc vương nước Pháp Sophie Hélène Béatrix của Pháp | ||||
| |||||
Hoàng tộc | Nhà Habsburg-Lothringen (khi sinh) Nhà Bourbon (kết hôn) | ||||
Thân phụ | Franz I của Thánh chế La Mã | ||||
Thân mẫu | Maria Theresia của Áo | ||||
Chữ ký |
Là con út trong số 16 người con của Hoàng đế Franz I của Đế quốc La Mã Thần Thánh với Hoàng hậu Maria Theresia I của Áo, Maria Antonia có xuất thân dòng dõi nhà Habsburg của Thánh chế La Mã – một trong những đối thủ chính trị lớn nhất đối với nhà Bourbon của Vương quốc Pháp. Bà nổi tiếng là người phụ nữ xinh đẹp với đôi mắt biết nói, làn da trắng mịn được chăm sóc kĩ lưỡng, cơ thể luôn toát lên mùi hương đặc biệt do nước hoa chính bà tạo nên bằng các hương liệu đắt tiền. Vẻ đẹp quyến rũ đầy mê hoặc của bà đã làm say đắm nhiều người đàn ông, trong đó có cả hồng y giáo chủ Louis Réné de Rohan. Bà ở độ tuổi từ rất sớm đã được dự định hôn nhân với Trữ quân nước Pháp là Louis-Auguste để tạo liên minh giữa hai cường quốc lớn mạnh bậc nhất Châu Âu này. Tháng 4 năm 1770, sau khi kết hôn với Louis-Auguste, Maria Antonia trở thành Trữ phi nước Pháp (Dauphine of France), từ đó có tên trong hàng thừa kế của nhà Bourbon. Maria Antonia nhận danh hiệu Vương hậu của Pháp và Navarre khi chồng bà, Louis XVI của Pháp lên nối ngôi ông nội Louis XV trong năm 1774.
Sau thời gian đầu bị thu hút bởi tính cách và sắc đẹp của Marie Antoninette, ác cảm dần dà nảy sinh trong lòng người dân Pháp, họ gọi Maria Antonia với biệt danh L'Autrichienne (Con mụ người Áo), cáo buộc bà là người sống xa hoa, phóng đãng[1] và tư thông với những kẻ thù của Pháp, nhất là với nước Áo – quê hương của bà[2]. Vào thời kỳ giữa của triều đại Louis XVI, Vụ án Chuỗi kim cương tác hại nghiêm trọng đến thanh danh của bà. Mặc dù hoàn toàn vô tội trong vụ lừa đảo này, Maria Antonia vẫn bị gán cho biệt danh Madame Déficit (Phu nhân Chúa chổm).
Vào thời điểm Cách mạng Pháp diễn ra, Vương tộc Bourbon bị buộc chuyển đến Cung điện Tuileries, Vương hậu Maria Antonia từ đây bị cuốn vào những sự kiện chính trị lớn, đặc biệt là Cuộc đào tẩu tới Varennes đã làm giảm trầm trọng uy tín của Vương tộc và cuộc Chiến tranh Cách mạng Pháp, dẫn đến việc Vương tộc Bourbon bị dân chúng tấn công vào cung điện Tuileries ngày 10 tháng 8 năm 1792. Điều này khiến vương tộc bị chuyển đi và giam cầm trong Nhà lao Temple. Ngày 21 tháng 11 năm 1792, Louis XVI bị phế truất, chế độ quân chủ bị hủy bỏ. Tám tháng sau khi chồng bà bị hành quyết, Maria Antonia cũng bị xét xử vì tội phản cách mạng, rồi bị đưa lên máy chém ngày 16 tháng 10 năm 1793, khi bà mới 37 tuổi.
Khi còn sống cũng như sau khi chết, Maria Antonia thường được công luận chú ý và được xem là một nhân vật lịch sử quan trọng.[3] Bà là đối tượng của nhiều cuốn sách, điện ảnh, và các phương tiện truyền thông. Một số học giả quan tâm đến bản tính phù phiếm, nông nổi của bà, xem bà là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc Cách mạng Pháp, trong khi những học giả khác tin rằng bà đã bị đối xử bất công, vì vậy họ dành cho bà cái nhìn thiện cảm hơn.[4][5][6][7]
Thiếu thời
sửaVương hậu Maria Antonia chào đời ngày 18 tháng 10 năm 1755 tại Cung điện Hofburg, Viên, Áo; ngày sau bà được rửa tội với tên thánh là Anna Roise Liotard (còn có tên Maria Antonia Josephina Johanna[8]). Bà là con gái út của Franz I, Hoàng đế La Mã Thần thánh. Mẹ bà là Hoàng hậu Maria Theresia của Áo, người đồng thời là Nữ vương Hungary và Bohemia, một Nữ đại vương công thuộc Nhà Habsburg quyền quý từng nhiều đời cai trị Thánh chế La Mã. Qua họ nội, Maria Antonia là người thứ hai trong số các hậu duệ của Quốc vương Henry II với Caterina de' Medici làm Vương hậu nước Pháp, sau Marguerite của Pháp rất nổi tiếng.
Vào ngày làm lễ rửa tội, Quốc vương Joseph I và Vương hậu Marianna Victoria nhận làm cha mẹ đỡ đầu của bà[9]; trong khi đó anh trai bà Joseph và chị gái Maria Anna chịu trách nhiệm trông nom bà khi vừa chào đời. Khi mới sinh, bà được chăm sóc bởi Bá tước phu nhân von Brandeis, và được miêu tả là "Một Nữ Đại Công tước nhỏ nhắn nhưng hoàn toàn khỏe mạnh"[9]. Trong triều đình nước Áo, người ta gọi bà là Antonia hoặc Madame Antoine bởi vì tiếng Pháp được sử dụng phổ biến ở Hofburg.[10]. Khác với nhiều triều đình Châu Âu khác, cuộc sống cung đình ở Hofburg thường không theo lễ nghi[11], chính điều này càng tạo thêm điều kiện phóng khoáng trong sinh hoạt riêng tư của thành viên hoàng tộc Habsburg. Trong cuộc sống thường nhật, họ mặc trang phục và sinh hoạt rất đơn giản. Khi còn nhỏ, Maria Antonia thân thiết với người chị hơn 3 tuổi là Maria Carolina, cả hai có chung một bảo mẫu là Bá tước phu nhân von Brandeis; có lần Carolina thổ lộ là "cực kỳ yêu" cô em.[12]
Christoph Willibald Gluck được chỉ định làm gia sư dạy Maria Antonia học đàn harpsichord, spinet, clavichord cũng như đàn harp, và tỏ ra có thiên phú về những khoảng này[10]. Trong những buổi chiều âm nhạc của gia đình, bà hát những bài hát tiếng Pháp và những khúc Aria bằng tiếng Ý[13]. Ngoài ra, Maria Antonia từ nhỏ rất giỏi khiêu vũ – một kỹ năng mà bất cứ ai gặp bà, bạn hữu hay kẻ thù cũng đều khen ngợi, bởi vì bà được huấn luyện kỹ càng từ khi còn rất trẻ, thân hình uyển chuyển và kỹ năng rất điêu luyện[14][14]. Xã hội ở Viên là đa ngôn ngữ, nhiều người có thể nói tiếng Đức, Pháp, Ý, hoặc Tây Ban Nha, tuy nhiên Antonia không chú ý lắm đến vấn đề học vấn về ngôn ngữ, chữ viết của bà nguệch ngoạc và cẩu thả[10]. Trong khi có tiến triển trong việc học tiếng Ý thì bà tỏ ra yếu kém trong những ngôn ngữ khác. Các kỹ năng nói, viết, và đọc tiếng Đức và Pháp (các ngôn ngữ phổ thông tại châu Âu thời ấy) của bà rõ ràng là tệ hại[15][16][17].
Trữ phi của Pháp
sửaCó những sự kiện dẫn đến sự sắp xếp cuộc hôn phối giữa Maria Antonia với Trữ quân của Vương quốc Pháp, khởi đầu từ năm 1765 khi cha của bà là Hoàng đế Franz I băng hà vì một cơn đột quỵ, để lại Hoàng hậu Maria Theresa đồng trị vì với con trai và là người kế vị, Hoàng đế Joseph II[18]. Vào thời điểm ấy, chị của Maria Antonia, tức Nữ Đại Công tước Maria Josepha đã được sắp xếp để kết hôn với Ferdinando của Napoli, một người chị khác cũng dự định kết hôn với Ferdinand của Parma. Mục đích của những cuộc hôn phối này là để gắn kết một liên minh đa dạng và phức tạp mà Maria Theresa đã tham gia từ thập niên 1750 do Cuộc chiến Bảy năm trong đó có Parma, Napoli, Nga, và kẻ thù truyền thống của Áo, nước Pháp.[19] Nếu không có Chiến tranh Bảy năm, có lẽ đã không có cuộc hôn nhân giữa Maria Antonia và Louis-Agustus, Trữ quân nước Pháp (Louis-Agustus, Dauphin of France)[17].
Năm 1769, bùng nổ bệnh dịch đậu mùa, Maria Antonia sống sót và được miễn dịch nhưng chị của bà, Maria Josepha, chết trong cơn dịch và lây nhiễm cho Hoàng hậu Maria Theresa, bà thoát chết nhưng bị di chứng đến cuối đời. Trước đó, trong năm 1761 và 1762, anh trai Charles Joseph, và chị Maria Johanna của bà cũng mất vì mắc bệnh đậu mùa. Như vậy, cô gái 12 tuổi Maria Antonia trở thành người duy nhất trong Vương tộc Harsburg có thể kết hôn với Louis-Auguste 14 tuổi. Sau những cuộc đàm phán bền bỉ giữa hai chính phủ Pháp và Áo, hồi môn của cô dâu được xác định là 200.000 crown; theo thông lệ, những bức chân dung và nhẫn được trao đổi giữa hai bên.[20] Ngày 19 tháng 4, khi vừa 14 tuổi, Maria Antoinia kết hôn khiếm diện tại Nhà thờ dòng Augustine, Viên. Từ đó đến trước khi làm Vương hậu, bà được chính thức gọi là Marie Antoinette, Trữ phi nước Pháp[21].
Hôn lễ cử hành ngày 16 tháng 5 năm 1770, tại Điện Versailles.[22] Theo thông lệ, hai người phải động phòng ngay trong đêm tân hôn,[23] nhưng điều này đã không xảy ra, gây tổn hại cho thanh danh của Louis-Augustus và Maria Antonia trong suốt 7 năm kế tiếp.[24] Có những phản ứng trái chiều nhau đối với cuộc hôn nhân. Một mặt, Trữ phi Antoinette được dân chúng mến chuộng, lần xuất hiện đầu tiên của bà tại Điện Tuileries ngày 8 tháng 6 năm 1773 được nhiều người xem là một thành công vang dội. Với đôi mắt to, trong xanh, chiếc mũi nhỏ xinh xắn, đôi môi đỏ rực, tóc màu bạch kim và đôi má lúc nào cũng hây hây hồng, nhan sắc và phong cách của bà đã thu hút người dân Pháp. Tuy nhiên, trong triều đình Maria Antonia không được yêu thích, nguyên do sâu xa là mối quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai nước Áo và Pháp.
Sau lưng, người ta gọi bà là L'Autrichienne (Mụ người Áo(. Về sau, khi sắp bùng nổ cuộc cách mạng, biệt danh L'Autrichienne bị đổi thành L'Autruchienne, một cách chơi chữ ghép hai từ "Autruche" (con đà điểu) và "Chienne" (chó cái).[25]. Trong triều đình Pháp thời gian này, Maria Antonia nổi tiếng vì có mâu thuẫn khá lớn đối với Madame du Barry, người tình của Quốc vương Louis XV và có ảnh hưởng khá nổi bật trong triều đình.
Bên cạnh chuyện với Madame du Barry, Maria Antonia còn phải đối phó với những lá thư giám sát của mẹ mình. Hoàng hậu Maria Theresia thường xuyên nhận báo cáo mật từ Mercy d'Argenteau về con gái, và bà thường nhắc nhở con gái phải cố gắng "khơi gợi" chuyện chăn gối với chồng mình, vì Louis hiếm khi gần gũi vợ mà dành nhiều thời gian cho những sở thích riêng như chế tạo khóa hoặc săn bắn. Kết hôn chính trị trong thời gian ấy của Châu Âu, điểm quan trọng nhất là phải sinh ra hậu duệ, để tương lai liên minh giữa hai chính phủ có người thừa kế. Cho nên có thể thấy, vào thời điểm đó Maria Antonia vừa phải chịu sự trách mắng của mẹ ruột, vừa phải đối phó với lời bàn tán của triều đình Pháp, vừa phải suy nghĩ cũng như cố gắng để tình cảm vợ chồng cải thiện. Tuy nhiên, Louis hoàn toàn không hợp tác với Maria Antonia.
Để bù đắp cho sự lạnh nhạt của chồng và những nhắc nhở liên tục của mẹ mình, Maria Antonia bắt đầu dành nhiều thì giờ hơn cho bài bạc và mua sắm trang phục, chơi bài và cá cược đua ngựa, cũng như những chuyến đi vào thành phố với trang phục luôn thay đổi với giầy, sáp thơm bôi tóc, và phấn hồng.[26] Theo thông lệ, bà có thể tiêu nhiều tiền cho trang phục để nổi bật hơn những phụ nữ khác trong triều, và để trở nên một mẫu mực thời trang tại triều đình Versailles[27]. Ngày 27 tháng 4 năm 1774, một tuần lễ sau buổi ra mắt vở opera Iphigénie en Aulide của Gluck, nhân dịp này Antoinette được công nhận như là người đỡ đầu các môn nghệ thuật.
Ngày 10 tháng 5 năm 1774, lúc 3 giờ chiều, Quốc vương Louis XV qua đời ở tuổi 64 do bệnh đậu mùa[28]. Trữ quân của nước Pháp, Louis-Auguste lên nối ngôi, tức là Louis XVI của Pháp. Ông làm lễ đăng quang ngày 11 tháng 6 năm 1775 tại Đại giáo đường Rheims, cùng ngày đó Maria Antonia trở thành Vương hậu của nước Pháp[27]. Madame du Barry bị buộc rời khỏi Versailles để đến một tu viện ở Paris, vĩnh viễn không được phép trở về Versailles nữa.
Vương hậu nước Pháp
sửaNhững năm đầu (1774–1778)
sửaTrái với những lời đàm tiếu, tân Vương hậu không có nhiều ảnh hưởng chính trị trên nhà vua. Louis XVI, do ác cảm với người Áo từ khi còn thơ ấu, đã ngăn cản những người có chủ trương thân Áo khỏi những vị trí quan trọng, nhưng tin dùng những người có khuynh hướng chống Áo như Thủ tướng Maurepas và Bộ trưởng Ngoại giao Vergennes. Cả ba đều luôn quan tâm đến nguy cơ Đế quốc Áo sử dụng Vương hậu để can thiệp vào chính trường nước Pháp.[29]
Hoàn cảnh của Maria Antonia ngày càng bấp bênh khi em trai của Louis XVI, Charles, Bá tước xứ Artoir, có con trai là Louis-Antoine. Bắt đầu xuất hiện tràn lan những tờ rơi có nội dung châm biếm, tập trung vào tình trạng bất lực của Quốc vương trong khi Vương hậu tìm kiếm sự bù đắp từ những mối quan hệ phóng túng với cả nam lẫn nữ. Theo lời đồn đại, trong số những người tình của Vương hậu có Marie Louise của Savoy, công nương de Lambelle, và ông em chồng đẹp trai, Bá tước de Artoir.[30] Những lời công kích ấy khiến Vương hậu càng lún sâu vào thú vui cờ bạc và mua sắm trang phục sang trọng. Trong một trường hợp, bà tổ chức những cuộc vui chơi trong suốt ba ngày trước sinh nhật thứ 21, thu hút khách khứa đến từ Paris.
Ngày 15 tháng 8 năm 1774, nhà vua cho phép Vương hậu được toàn quyền tu sửa Petit Trianon, một lâu đài nhỏ trong khuôn viên Điện Versailles, món quà mà nhà vua đã tặng khi Vương hậu lần đầu đến Pháp. Bà cho thiết kế lại khu vườn theo phong cách Anh, được gọi là English Garden (Khu vườn Anh)[31]. Mặc dù được xây dựng cho tình nhân của Vua Louis XV là Madame de Pompadour, thế nhưng Petit Trianon lại gắn liền với nếp sống xa hoa của Antoinette[32].
Trong Khu vườn Anh, Maria Antonia và nhóm cận thần sử dụng các loại trang phục Anh may bằng vải đắt tiền như indienne (loại vải dệt xuất xứ từ Ấn Độ), percale (một thứ vải mịn) hoặc muslin (một loại vải bông từ Ấn Độ). Sau mười năm tại điện Versailles, các loại trang phục truyền thống đã không còn.[33] Vương hậu cũng chọn trong số nam giới ái mộ bà những người như Pierre Victor, Nam tước de Besenval, François-Henri, công tước de Coigny và Bá tước Valentin Esterházy, mời họ tham gia nhóm thân hữu gần gũi với bà.[34] Ngày 19 tháng 9, Vương hậu quyết định trưởng vụ quản lý tất cả người mình của mình, và bà đã chọn Garbriel, Công tước phu nhân de Polignac, nổi tiếng là một phụ nữ xinh đẹp và có quan hệ rất mật thiết với Vương hậu Maria Antonia.
Vấn đề còn nghiêm trọng hơn khi những món nợ nước Pháp vay mượn cho Chiến tranh Bảy năm vẫn chưa được thanh khoản, lại thêm quyết định của Louis XVI đối đầu với Anh trong chiến tranh các khu thuộc địa Bắc Mỹ, Pháp vẫn xem Anh là kẻ thù truyền thống[35]. Khi đang chuẩn bị trợ giúp Pháp, cũng đang lúc sôi sục những tin đồn, Hoàng đế Joseph II của Đế quốc La Mã đến Versailles thăm em gái và em rể, nhân dịp tìm hiểu nguyên nhân cuộc hôn phối vẫn chưa được hoàn tất[36].
Nhờ đó mà ngày 30 tháng 8 năm 1777, hôn nhân giữa Louis và Maria Antonia mới được chính thức công bố là hoàn thiện khi 2 người đã động phòng[37]. Ngày 16 tháng 5 năm 1778, Vương hậu được xác nhận là đã mang thai.[38]
Làm mẹ và sự ảnh hưởng chính trị (1778–1781)
sửaNgày 19 tháng 12 năm 1778, tại Điện Versailles, Maria Antonia hạ sinh một con gái, Marie-Thérèse Charlotte, sau cơn sinh nở rất khó khăn.[39] Mặc cho nhiều lời dị nghị về gốc tích của người cha của đứa bé, nhà vua không nghi ngờ gì mà tỏ ra gần gũi với con gái.[40]
Một sự kiện đã ảnh hưởng sâu sắc hình ảnh của bà tại nước Pháp, đó là việc anh trai bà Joseph II đăng quang ngai vàng ở Vương quốc Bayern. Vương hậu đã thuyết phục Louis XVI nhằm giúp đỡ nước Áo trong vấn đề tranh chấp này. Nghị hòa Teschen được ký kết ngày 13 tháng 5 năm 1779, và sự việc đã khiến nước Áo đoạt được 1 vùng dân cư với hơn 100.000 hộ dân, điều này khiến dư luận chỉ trích rằng Vương hậu đứng về phía nước Áo của bà mà chống lại nước Pháp.
Dù vậy, áp lực phải có con trai để nối ngôi vẫn còn đó, trong tháng 7 năm 1779, Maria Antonia bị hư thai do sức khỏe kém. Năm 1780, Maria Antonia ủng hộ việc bổ nhiệm Charles Eugène Gabriel de La Croix, Hầu tước de Castrie vào chức vụ Bộ trưởng Hải quân và Philippe Henri, Bá tước de Ségur làm Bộ trưởng Chiến tranh. Nhiều người tin rằng đó chính là nhờ sự vận động của Vương hậu, nhưng thật ra người có nhiều ảnh hưởng trong việc bổ nhiệm này là Bộ trưởng Tài chính Jacques Necker[41].
Ngày 29 tháng 11 năm 1780, Hoàng hậu Maria Theresa lâm bệnh rồi qua đời tại Viên ở tuổi 63. Vương hậu Maria Antonia lo lắng bởi vì cái chết của mẹ có thể tác hại đến liên minh Pháp-Áo, song Hoàng đế Joseph viết thư trấn an bà, cho biết ông không có ý định phá vỡ liên minh.
Tháng 3 năm 1781, Vương hậu lại mang thai. Hoàng đế Joseph đến thăm em gái, cũng là cơ hội để củng cố liên minh Pháp-Áo, nhưng lại có tin đồn nhảm cho rằng Maria Antonia nhân dịp này chuyển tiền cho anh trai[42]. Ngày 22 tháng 10, Vương hậu sinh Louis Joseph Xavier François. Quốc vương Louis XVI viết trong quyển nhật ký săn bắn của ông: "Madame, nàng đã làm thành ước nguyện của ta và của người dân Pháp. Nàng là mẹ của Trữ quân nước Pháp!"[43]
Mất lòng dân (1782–1785)
sửaDù sinh con trai cho nhà vua, ảnh hưởng chính trị của Maria Antonia cũng không mang đến lợi ích nào cho nước Áo. Khi bị anh trai chê trách vì thái độ thụ động trong chính trường, Maria Antonia cho biết bà không có nhiều ảnh hưởng. Nhà vua hiếm khi bàn chính sự với bà, vì ác cảm đối với nước Áo từ khi còn thơ ấu khiến Louis không cho phép vợ can thiệp vào các quyết định chính trị. Do đó, Vương hậu thường cố tỏ cho các bộ trưởng thấy bà có được lòng tin của nhà vua, điều này khiến quan lại trong triều tin rằng bà có nhiều quyền lực hơn những gì người khác biết về bà.
Tháng 6 năm 1783, Maria Antonia mang thai lần nữa. Cũng trong tháng này, Bá tước Axel von Fersen từ Mỹ trở lại Pháp, và được chấp nhận vào hội riêng của Vương hậu. Đến tháng 9, ông rời nước Pháp để lãnh đạo đội ngự lâm quân cho quân vương của ông, Gustavus III, Quốc vương Thụy Điển, lúc ấy đang công du Châu Âu. Maria Antonia lại hư thai trong đêm 2 tháng 11, người ta thêm lo ngại về sức khỏe của bà.[44]
Để thư giãn, trong chuyến viếng thăm của Fersen và sau khi ông trở lại vào ngày 7 tháng 6 năm 1784, Maria Antonia bận rộn với việc thiết kế Hameau de la reine, một ngôi làng được xây dựng trong khu vườn của Petit Trianon với một nhà máy xay và 12 ngôi nhà, 9 trong số ấy vẫn còn tồn tại. Hameau là một trong những đóng góp của Maria Antonia trong nỗ lực nâng cấp Lâu đài Versailles vẫn còn cho đến ngày nay để công chúng thưởng lãm[45][46].
Tháng 8 năm 1784, Louis XVI dùng danh nghĩa vợ mình mua Château de Saint-Cloud của Công tước de Orléans, với ý định sẽ để lại lâu đài này như tài sản thừa kế cho các con. Hành động này đã gây tổn hại cho thanh danh của bà bởi vì ngày càng có nhiều người dân bất bình với việc Vương hậu sở hữu cơ ngơi riêng, độc lập với nhà vua. Hơn nữa, lâu đài có giá trị cao, đến 6 triệu livre, thêm chồng chất nợ nần cho nước Pháp[47].
Ngày 27 tháng 3 năm 1785, Maria Antonia sinh con trai thứ hai, Louis Charles, được phong tước Công tước de Normandy. Louis Charles trông bụ bẫm hơn Trữ quân thường hay đau yếu, và Vương hậu thường trìu mến gọi cậu bé là "chou d'amour"[48]. Bởi vì Louis Charles chào đời đúng chín tháng sau khi Fersen đến thăm Vương hậu, nên nhiều người tỏ vẻ nghi ngờ về gốc tích của đứa bé khiến uy tín của bà càng thêm suy giảm[49]. Thêm vào đó là những bài viết đàm tiếu không ngừng được phổ biến rộng rãi, những mưu đồ bí ẩn đầy dẫy trong cung đình, chiến lược của anh trai bà Joseph trong Cuộc chiến Kettle, cùng việc Vương hậu mua Saint-Cloud khiến công luận quay sang chống đối bà quyết liệt. Hình ảnh một Vương hậu ngoại quốc sống phóng đãng, hoang phí, và xốc nổi mau chóng bắt rễ trong tâm lý đại chúng Pháp.[50]
Con gái thứ hai của Vương hậu Maria Antonia, Sophie Hélène Béatrix của Pháp, chào đời ngày 9 tháng 7 năm 1786, nhưng năm sau thì lìa đời vào ngày 19 tháng 6.
Giai đoạn tiền cách mạng (1786–1789)
sửaTình hình tài chính của đất nước ngày càng tồi tệ. Mặc dù đoàn tùy tùng của triều đình đã bị cắt giảm, cuối cùng nhà vua với sự cộng tác của Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm, Charles de Calonne, buộc phải triệu tập Hội nghị Nhân sĩ sau 160 năm gián đoạn. Hội nghị được triệu tập để thông qua một số biện pháp cải cách nhằm cải thiện tình trạng tài chính khi Quốc hội từ chối cộng tác. Ngày 22 tháng 2 năm 1787, Hội nghị mở phiên họp đầu tiên, không có sự tham dự của Maria Antonia. Về sau, sự vắng mặt của Vương hậu khiến bà bị cáo buộc là phá hoại mục đích của hội nghị[51].
Vương hậu có dự họp hay không thì Hội nghị cũng không những không chịu thông qua bất cứ biện pháp cải cách nào mà còn quay sang chống nhà vua. Ngày 8 tháng 4 năm 1787, dưới sự thúc giục của Vương hậu, Louis XVI bãi nhiệm Calonne[52].
Lúc này, Vương hậu từ bỏ lối sống vô tâm và bắt đầu chú ý đến chính trị, với khuynh hướng hầu như đi ngược lại với lợi ích của nước Áo, do những lý do khác nhau. Thứ nhất, con cái của bà đều là Enfants de France, như vậy, vị thế cầm quyền của họ cần được củng cố. Thứ nhì, khi tập trung cho con cái, Vương hậu muốn thay đổi hình ảnh phóng túng bà mắc phải từ Sự kiện Chuỗi kim cương khi bị cáo buộc dính líu đến một âm mưu lừa đảo. Thứ ba, nhà vua bắt đầu tránh né việc ra quyết định trong chính sự bởi vì có dấu hiệu ông mắc bệnh trầm cảm do chịu áp lực từ chính trường; cuối cùng thì Maria Antonia bị buộc phải trở thành chính khách ngoài ý muốn. Với quyền lực có giới hạn, Vương hậu cố cải thiện mối quan hệ giữa quốc hội và nhà vua.[52]
Trong tháng 5, nhà vua bổ nhiệm một đồng minh chính trị của Vương hậu, Étienne Charles de Loménie de Brienne, Tổng Giám mục Toulouse, thay thế Calonne trong chức vụ Bộ trưởng Tài chính. Brienne khởi sự cắt giảm thêm chi tiêu cho cung đình.[53]
Tuy nhiên, Brienne không thể thay đổi tình thế, và bởi vì ông là đồng minh của Vương hậu nên vị thế chính trị của bà cũng bị ảnh hưởng. Tình trạng tài chính càng tồi tệ dẫn đến việc giải tán Hội nghị Nhân sĩ vào ngày 25 tháng 5. Trong thực tế, những vấn đề tài chính là hậu quả tổng hợp từ nhiều nhân tố: có quá nhiều cuộc chiến tốn kém, chi phí duy trì nếp sống xa hoa cho một triều đình đông đảo còn lớn hơn những khoản tiêu pha của Vương hậu, và giới cầm quyền giàu có không muốn trợ giúp tài chính cho chính phủ. Mùa hè năm 1787, Maria Antonia bị gán cho biệt danh Madame Déficit bởi vì dân chúng tin rằng một mình bà đã làm suy sụp nền tài chính quốc gia.[54]
Vương hậu tìm cách phản công bằng cách sử dụng hệ thống truyền thông của bà để miêu tả Vương hậu là người mẹ thương yêu con, tập trung giới thiệu bức chân dung của bà với các con, một tác phẩm của Élisabeth Vigée-Lebrun, ra mắt công chúng tại Royal Académie Salon de Paris trong tháng 8 năm 1787[55][56]. Tuy nhiên, chiến lược này dần bị hủy bỏ sau khi cô con gái út Sophie lìa đời.
Cuối năm 1787 đến 1788, Vương hậu lo lắng cho sức khỏe của Trữ quân, đang mắc bệnh lao làm vẹo cột sống. Cậu được đem đến Meudon với hi vọng không khí đồng quê sẽ giúp cải thiện, nhưng chuyến đi chẳng có tác dụng gì nhiều, và tình trạng ngày càng xấu hơn[57]. Vương hậu cũng tác động đến quyết định mời Jacques Necker trở lại chức vụ Bộ trưởng Tài chính dù biết rằng nếu Necker thất bại trong lần này sẽ tác hại đến uy tín của bà[58].
Mùa đông khắc nghiệt năm 1788 và 1789 khiến giá bánh mì tăng cao. Sức khỏe của Trữ quân càng suy yếu, bạo động bùng nổ ở Paris trong tháng 4. Ngày 4 tháng 6 năm 1789, Trữ quân Louis Joseph qua đời, để lại danh hiệu Trữ quân nước Pháp cho em trai là Louis Charles, Công tước xứ Normandie. Triều đình tổ chức quốc tang cho Trữ quân, nhưng người dân Pháp chẳng mấy quan tâm, họ đang chuẩn bị cho kỳ họp sắp tới của Hội nghị Quốc dân, mong đợi Hội nghị sẽ tìm ra giải pháp cho vụ khủng hoảng lương thực. Khi các đại biểu thuộc giai tầng bình dân tuyên bố thành lập Quốc hội, Vương hậu Maria Antonia đang than khóc cho con trai.[59]
Trong cuộc Cách mạng Pháp
sửaTháng 6, bạo động leo thang, Quốc hội đòi thêm quyền lực, Louis XVI phản ứng bằng cách trấn áp đẳng cấp thứ 3. Nhưng sự bất lực của nhà vua và lòng căm ghét đối với Vương hậu đã khiến thể chế quân chủ sụp đổ. Rồi thì, ngày 11 tháng 7, Necker bị bãi nhiệm, những đám đông bạo động vây hãm Paris. Đến ngày 14 tháng 7, ngục Bastille bị tấn công[60], đánh dấu việc nổi lên của Cuộc cách mạng Pháp.
Trong những ngày kế tiếp, những nhân vật bảo thủ và những người thuộc triều đình Bourbon như Bá tước de Artois và Công tước phu nhân de Polignac rời nước Pháp vì sợ bị ám sát. Vương hậu Maria Antonia đang trong lúc hiểm nghèo đã quyết định ở lại để giúp đỡ Louis XVI trong nỗ lực ổn định tình hình, mặc dù lúc ấy quyền lực của nhà vua đã bị tước bỏ. Trong thực tế, Quốc hội Lập hiến đang kiểm soát Paris và gọi thanh niên nhập ngũ để phục vụ trong lực lượng Vệ binh Quốc gia.[61]
Cuối tháng 8, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền được chính thức chấp thuận, khởi tạo thể chế quân chủ lập hiến cho nước Pháp.[62] Tháng 9, Paris khan hiếm bánh mì. Ngày 5 tháng 10, một đám đông từ Paris kéo đến Versailles đòi triều đình tới sống ở Paris dưới sự canh chừng của đội Vệ binh Quốc gia. Louis XVI và Maria Antonia bị quản thúc trong Điện Tuileries[63]. Dù cố sống ẩn dật, Vương hậu Maria Antonia vẫn bị những tin đồn nhảm theo đuổi, cáo buộc bà quan hệ với tư lệnh Vệ binh Quốc gia, Hầu tước de La Fayette[64].
Có nhiều kế hoạch được lập ra nhằm giải thoát gia đình nhà vua. Vương hậu từ chối một vài lần vì không muốn đào thoát mà không có nhà vua. Vài cơ hội khác bị đánh mất do tính do dự của nhà vua. Cuối cùng, cuộc đào thoát do Bá tước Axel von Fersen và Nam tước de Breteuil tổ chức nhằm đưa hoàng gia đến Montmédy, một thành trì của phe Bảo hoàng. Cuộc đào thoát tiến hành ngày 21 tháng 6 năm 1791 nhưng bị thất bại. Họ bị bắt giữ tại Varennes sau 24 giờ đào thoát, rồi bị đưa trở lại Paris trong vòng một tuần[65]. Cuộc đào thoát khiến uy tín của Quốc vương và Vương hậu sút giảm nghiêm trọng. Phe Jacobin triệt để sử dụng sự kiện này để đẩy mạnh xu thế cực đoan, kêu gọi chấm dứt mọi hình thức quân chủ trên đất Pháp[66].
Mặc dù Hiến pháp mới đã được thông qua ngày 3 tháng 9, Maria Antonia vẫn nuôi hi vọng đến cuối năm 1791 gió sẽ đổi chiều và nền dân chủ đại nghị sẽ bị thay đổi. Bà mong muốn hiến pháp mới sẽ không thể thực thi, và anh bà, Hoàng đế La Mã thánh Leopold II sẽ tìm ra cách đánh bại phe cách mạng.
Thái độ hung hãn của Leopold II và của con trai ông Francis II, kế vị vào tháng 3, khiến nước Pháp tuyên chiến với Áo vào ngày 20 tháng 4 năm 1792. Vương hậu Maria Antonia bị xem là kẻ thù, mặc dù bản thân bà chống lại việc Áo muốn xâm lăng Pháp. Trong mùa hè, tình thế càng trở nên phức tạp khi quân Pháp liên tục bị thua trận, đồng thời Quốc vương phủ quyết những biện pháp hạn chế thêm nữa quyền lực của ông. Vào thời điểm này, Louis bị gán cho biệt danh Monsieur Veto – rồi Maria Antonia cũng bị gọi là Madame Veto[67]. Ngày 20 tháng 6, một đám đông có vẻ hung hăng đột nhập vào Điện Tuileries và buộc Louis XVI đội "bonnet rouge" (mũ nhọn đầu màu đỏ biểu trưng cho tự do) để bày tỏ lòng trung thành với nước Pháp.[68]
Ngày 10 tháng 8, khi một đám đông có vũ trang sắp sửa tiến vào Điện Tuileries, Nhà vua và Vương hậu buộc phải đến lánh nạn tại Viện Lập pháp. Một giờ rưỡi sau, đám đông chiếm cung điện và tàn sát đội Vệ binh Thụy Sĩ[69]. Ngày 13 tháng 8, gia đình quốc vương bị giam trong tháp Pháo đài Temple ở Marais, tình trạng giam cầm còn khắc nghiệt hơn khi ở Điện Tuileries[70].
Một tuần sau, nhiều khách đã đến thăm gia đình quốc vương, trong đó có Công nương de Lamballe. Công nương bị Công xã Paris thẩm vấn và bị cầm giữ tại nhà tù La Force. Công nương sau đó bị chính người dân giết chết trong vụ Thảm sát tháng 9, người ta bêu đầu bà trên một cây lao rồi đem diễu khắp thành phố. Mặc dù không chứng kiến cảnh này, Maria Antonia suy sụp khi biết một kết cục bi thảm đang phủ bóng trên số phận những người trung thành với mình[71].
Ngày 21 tháng 9, Chính quyền Pháp chính thức tuyên bố kết thúc chế độ quân chủ, Quốc hội cai trị nước Pháp. Người ta gọi gia đình quốc vương với tên Capet, và chuẩn bị đưa họ ra xét xử[72]. Bị cáo buộc phá hoại nền Đệ nhất Cộng hòa Pháp, Louis XVI bị tách khỏi gia đình và bị xét xử trong tháng 12, rồi bị hành quyết bằng máy chém[73] ngày 21 tháng 1 năm 1793, lúc ấy ông 38 tuổi[74].
Góa phụ Capet
sửa"Góa phụ Capet", người ta gọi cựu Vương hậu như thế sau khi chồng bà qua đời, bà đã than khóc chồng và từ chối thức ăn. Sống lưu vong, Louis, Bá tước xứ Provence tuyên bố cháu trai là Tân vương nước Pháp với ông là nhiếp chính mặc dù không ai biết Maria Antonia có can dự vào việc này hay không. Sức khỏe mau chóng suy yếu, Maria Antonia mắc bệnh lao và có lẽ là ung thư tử cung, khiến bà thường xuyên bị xuất huyết[75].
Tại Quốc hội, người ta bàn bạc để quyết định số phận của Maria Antonia. Có người muốn kết thúc mạng sống bà, có người muốn dùng bà để trao đổi tù binh với Hoàng đế La Mã thần thánh. Thomas Paine gởi đến đề nghị cho bà sống lưu vong ở Mỹ[76]. Đến tháng 4, Ủy ban An ninh được thành lập, những người như Jacques-René Hébert yêu cầu đưa Antoinette ra xét xử; cuối tháng 4, phe Girondin bị tước quyền rồi bị bắt giữ[77]. Có đề nghị "cải huấn" Trữ quân sao cho phù hợp với lý tưởng cách mạng. Ngày 3 tháng 7, cậu bé Louis Charles tám tuổi bị tách khỏi mẹ, rồi được giao cho một người thợ giày chăm sóc[78]. Ngày 1 tháng 8, Maria Antonia bị đem khỏi tòa tháp để giải đến Conciergerie, là người tù mang số 280[79]. Trong tháng 9, có một vài kế hoạch giải thoát Marie Antioinette nhưng bà từ chối[80].
Ngày 14 tháng 10, Maria Antonia bị đem ra xét xử trước Tòa án Cách mạng. Trước đó, Louis XVI từng có đủ thời gian để chuẩn bị biện hộ cho mình trước tòa, thì ngược lại, Antoinette không có đủ một ngày để làm việc này. Trong số những cáo buộc (hầu hết xuất phát từ những tin đồn), có việc tổ chức những cuộc truy hoan ở Versailles, lấy từ ngân khố hàng triệu livre để gởi sang Áo, âm mưu giết Công tước xứ Orléans, loạn luân với con trai, tuyên bố con trai là Vua nước Pháp, và tổ chức vụ tàn sát đội Vệ binh Thụy Sĩ năm 1792.
Điều sỉ nhục lớn nhất là cáo buộc cho rằng bà đã có hành vi lạm dụng tình dục đối với con trai. Louis Charles, qua sự dàn dựng của Hébert và một cận vệ của cậu, đã cáo buộc mẹ như thế. Maria Antonia không chịu trả lời, song sau khi bị tòa nhắc nhở, bà đã phản ứng đầy cảm xúc, những người có mặt tại phiên tòa (nhất là các phụ nữ) ủng hộ và hoan hô bà[81]. Từ lúc bị đem ra xét xử, Maria Antonia luôn giữ được sự điềm tĩnh cho đến khi người ta đưa ra cáo buộc này, bà nói: "Nếu tôi không trả lời là bởi vì ngay cả Thiên nhiên cũng không muốn phải trả lời cho một cáo buộc như thế đã được đưa ra để chống lại một người mẹ."[82]. Hai luật sư biện hộ cho Maria Antonia trước tòa, Tronçon-Ducoudray và Chauveau-Lagarde, đều còn trẻ và thiếu kinh nghiệm, cũng không có đủ hiểu biết về vụ án. Họ chẳng làm gì hơn là đọc to một số điều họ ghi nhận được tại tòa.
Sáng sớm ngày 16 tháng 10, sau hai ngày xét xử, Maria Antonia bị kết án phản quốc[83]. Trở lại xà lim, bà viết thư cho cô em chồng Élisabeth khẳng định lương tâm trong sáng của mình, đức tin Công giáo, và tình cảm bà dành cho các con. Đáng tiếc, bức thư không bao giờ đến tay Élisabeth[84]. Ngay trong ngày, Maria Antonia bị cắt tóc, bị dẫn đi diễu qua Paris trên một chiếc xe kéo. Giữa trưa, lúc 12:15, bà bị chém đầu tại Quảng trường Cách mạng (nay là Quảng trường Concorde), hai tuần lễ rưỡi trước sinh nhật thứ 38.[85][86]. Câu nói sau cùng của bà, "Xin lỗi ông, chỉ vì tôi vô ý" khi vô tình dẫm lên chân đao phủ Henri Sanson lúc bà leo lên đoạn đầu đài. Thi thể của bà bị ném vào một ngôi mộ vô danh trong nghĩa trang Madeleine nằm trên đường Anjou.
Năm 1794, Élisabeth bị hành hình, con trai của Maria Antonia cũng chết trong tù. Sau một cuộc trao đổi tù nhân, con gái cả của bà là Marie Thérèse Charlotte trở về nước Áo, lập gia đình với Louis-Antoine của Pháp, Công tước của Angoulême và chết không con cái năm 1851[87].
Ngày 21 tháng 1 năm 1815, Maria Antonia và Louis XVI được cải táng tại nghĩa trang của các Quốc vương Pháp ở Nhà thờ Saint Denis sau khi Nhà Bourbon được phục hồi và Bá tước xứ Provence trở thành Louis XVIII của Pháp[88].
Gia phả
sửaXem thêm
sửaChú thích
sửa- ^ C. f. "it is both impolitic and immoral for palaces to belong to a Queen of France" (part of a speech by a councilor in the Parlement de Paris, early 1785, after Louis XVI bought St Cloud chateau for the personal use of Marie Antoinette), quoted in Castelot 1957, tr. 233
- ^ C.f. the following quote: "she (Marie Antoinette) thus obtained promises from Louis XVI which were in contradiction with the Council's (of Louis XVI's ministers) decisions", quoted in Castelot 1957, tr. 186
- ^ “Marie Antoinette Biography”. Chevroncars.com. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2011.
- ^ Jefferson, Thomas. Autobiography of Thomas Jefferson. Courier Dover Publications. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2013.
I have ever believed that had there been no queen, there would have been no revolution.
- ^ “A Reputation in Shreds - Marie Antoinette Online”. Marie-antoinette.org. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2011.
- ^ “Marie Antoinette”. Antonia Fraser. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2011.
- ^ Konigsberg, Eric (ngày 22 tháng 10 năm 2006). “Marie Antoinette, Citoyenne”. NYTimes.com. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2011.
- ^ Lever 2006, tr. 1
- ^ a b Fraser 2002, tr. 5
- ^ a b c Cronin 1989, tr. 45
- ^ Lever 2006, tr. 7
- ^ Lever 2006, tr. 10
- ^ Cronin 1989, tr. 46
- ^ a b Weber 2007[cần số trang]
- ^ Fraser 2002, tr. 32–33
- ^ Fraser 2001, tr. 22
- ^ a b Cronin 1974, tr. 46
- ^ Fraser 2001, tr. 25
- ^ Fraser 2001, tr. 10–12
- ^ Fraser 2001, tr. 42–50
- ^ Fraser 2001, tr. 51–53
- ^ Fraser 2001, tr. 70–71
- ^ Cronin 1974, tr. 49–50
- ^ Fraser 2001, tr. 157
- ^ Fraser 2001, tr. 47
- ^ Fraser 2001, tr. 141
- ^ a b Fraser 2001, tr. 132–137
- ^ Fraser 2001, tr. 113–116
- ^ Fraser 2001, tr. 124–127
- ^ Fraser 2001, tr. 137–139
- ^ Cronin 1974, tr. 215
- ^ Fashion, the mirror of history, page 190, Michael Batterberry, Ariane Ruskin Batterberry, Greenwich House, 1977. ISBN 978-0-517-38881-5
- ^ 20,000 years of fashion: the history of costume and personal adornment, page 350, François Boucher, Yvonne Deslandres, H.N. Abrams, 1987. ISBN 978-0-8109-1693-7
- ^ Fraser 2001, tr. 140–145
- ^ Fraser 2001, tr. 152
- ^ Cronin 1974, tr. 158–159
- ^ Cronin 1974, tr. 159
- ^ Fraser 2001, tr. 160–162
- ^ Cronin 1974, tr. 161
- ^ Fraser 2001, tr. 169
- ^ Fraser 2001, tr. 183–184
- ^ Fraser 2001, tr. 184–187
- ^ Fraser 2001, tr. 187–188
- ^ Fraser 2001, tr. 202
- ^ Fraser 2001, tr. 206–207
- ^ Lever 2006, tr. 158
- ^ Fraser 2001, tr. 216–220
- ^ Fraser 2001, tr. 224–225
- ^ Lever 2006, tr. 189
- ^ Fraser 2001, tr. 226
- ^ Fraser 2001, tr. 246–248
- ^ a b Fraser 2001, tr. 248–250
- ^ Fraser 2001, tr. 250–255
- ^ Fraser 2001, tr. 254–255
- ^ Facos, p. 12.
- ^ Schama, p. 221.
- ^ Fraser 2001, tr. 260–261
- ^ Fraser 2001, tr. 263–265
- ^ Fraser 2001, tr. 274–278
- ^ Fraser 2001, tr. 282–284
- ^ Fraser 2001, tr. 284–289
- ^ Fraser 2001, tr. 289
- ^ Fraser 2001, tr. 298–304
- ^ Fraser 2001, tr. 304–308
- ^ Fraser 2001, tr. 333–348
- ^ Fraser 2001, tr. 350–352
- ^ Fraser 2001, tr. 365–368
- ^ Fraser 2001, tr. 368
- ^ Fraser 2001, tr. 373–379
- ^ Fraser 2001, tr. 382–386
- ^ Fraser 2001, tr. 389
- ^ Fraser 2001, tr. 392
- ^ Fraser 2001, tr. 395–398
- ^ Fraser 2001, tr. 399
- ^ Fraser 2001, tr. 404–405, 408
- ^ Fraser 2001, tr. 398, 408
- ^ Fraser 2001, tr. 411–412
- ^ Fraser 2001, tr. 412–414
- ^ Fraser 2001, tr. 414–415
- ^ Fraser 2001, tr. 418
- ^ Fraser 2001, tr. 429–435
- ^ Gaspard Louis Lafont d'Aussonne (1824) Mémoires secrets et universels des malheurs et de la mort de la reine de France tr. Thiếu tham số! (Bản mẫu:P.)343. repris par Horace Viel-Castel (1859), Émile Campardon (1864), G. Lenotre (1902) et André Castelot (1957)
- ^ Fraser 2001, tr. 424–425, 436
- ^ “Last Letter of Marie-Antoinette”, Tea at Trianon, ngày 26 tháng 5 năm 2007
- ^ Fraser 2001, tr. 440
- ^ The Times ngày 23 tháng 10 năm 1793, The Times
- ^ Richard Covington (tháng 11 năm 2006), “Marie Antoinette”, Smithsonian magazine
- ^ Fraser 2001, tr. 411, 447
Tham khảo
sửa- Bonnet, Marie-Jo (1981). Un choix sans équivoque: recherches historiques sur les relations amoureuses entre les femmes, XVIe-XXe siècle (bằng tiếng Pháp). Paris: Denoël. OCLC 163483785.
- Castelot, André (1957). Queen of France: a biography of Marie Antoinette. New York: Harper & Brothers. OCLC 301479745. Đã bỏ qua tham số không rõ
|other=
(gợi ý|others=
) (trợ giúp) - Cronin, Vincent (1989). Louis and Antoinette. London: The Harvill Press. ISBN 978-0-00-272021-2.
- Dams, Bernd H.; Zega, Andrew (1995). La folie de bâtir: pavillons d'agrément et folies sous l'Ancien Régime. trans. Alexia Walker. Flammarion. ISBN 978-2-08-201858-6.
- Facos, Michelle (2011). An Introduction to Nineteenth-Century Art. Taylor & Francis. ISBN 978-1-136-84071-5. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2011.
- Fraser, Antonia (2001). Marie Antoinette (ấn bản thứ 1). New York: N.A. Talese/Doubleday. ISBN 978-0-385-48948-5.
- Fraser, Antonia (2002). Marie Antoinette: The Journey (ấn bản thứ 2). Garden City: Anchor Books. ISBN 978-0-385-48949-2.
- Hermann, Eleanor (2006). Sex With The Queen. Harper/Morrow. ISBN 0-06-084673-9.
- Hibbert, Christopher (2002). The Days of the French Revolution. Harper Perennial. ISBN 0-688-16978-3.
- Johnson, Paul (1990). Intellectuals. New York: Harper & Row. ISBN 978-0-06-091657-2.
- Lanser, Susan S. (2003). “Eating Cake: The (Ab)uses of Marie-Antoinette”. Trong Goodman, Dena (biên tập). Marie-Antoinette: Writings on the Body of a Queen. Psychology Press. ISBN 978-0-415-93395-7.
- Lever, Évelyne (2006). Marie Antoinette: The Last Queen of France. London: Portrait. ISBN 978-0-7499-5084-2.
- Schama, Simon (1989). Citizens: A Chronicle of the French Revolution. New York: Vintage. ISBN 0-679-72610-1.
- Seulliet, Philippe (tháng 7 năm 2008). “Swan Song: Music Pavillion of the Last Queen of France”. World Of Interiors (7).
- Sturtevant, Lynne (2011). A Guide to Historic Marietta, Ohio. The History Press. ISBN 978-1-60949-276-2. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2011.[liên kết hỏng]
- Weber, Caroline (2007). Queen of Fashion: What Marie Antoinette Wore to the Revolution. Picador. ISBN 978-0-312-42734-4.
- Wollstonecraft, Mary (1795). An Historical and Moral View of the Origin and Progress of the French Revolution and the Effect it Has Produced in Europe. St. Paul's.
Đọc thêm
sửa- Lasky, Kathryn (2000). The Royal Diaries: Marie Antoinette, Princess of Versailles: Austria-France, 1769. New York: Scholastic. ISBN 978-0-439-07666-1.
- Loomis, Stanley (1972). The Fatal Friendship: Marie Antoinette, Count Fersen and the flight to Varennes. London: Davis-Poynter. ISBN 978-0-7067-0047-3.
- MacLeod, Margaret Anne (2008). There Were Three of Us in the Relationship: The Secret Letters of Marie Antoinette. Irvine, Scotland: Isaac MacDonald. ISBN 978-0-9559991-0-9.
- Naslund, Sena Jeter (2006). Abundance: A Novel of Marie Antoinette. New York: William Morrow. ISBN 978-0-06-082539-3.
- Romijn, André (2008). Vive Madame la Dauphine: A Biographical Novel. Ripon: Roman House. ISBN 978-0-9554100-2-4.
- Thomas, Chantal (1999). The Wicked Queen: The Origins of the Myth of Marie-Antoinette. New York: Zone Books. ISBN 978-0-942299-40-3. Đã bỏ qua tham số không rõ
|other=
(gợi ý|others=
) (trợ giúp) - Vidal, Elena Maria (1997). Trianon: A Novel of Royal France. Long Prairie, MN: Neumann Press. ISBN 978-0-911845-96-9.
- Zweig, Stefan (2002). Marie Antoinette: The Portrait of an Average Woman. New York: Grove Press. ISBN 978-0-8021-3909-2.
Liên kết ngoài
sửa- "Marie Antionette" in the Catholic Encyclopedia
- Story of Marie Antoinette with Primary Sources
- Find A Grave
- Marie Antoinette's official Versailles profile
- Using mtDNA to track the case of Louis XVII, son of Marie Antoinette Lưu trữ 2009-05-13 tại Wayback Machine
- Marie Antoinette Online – A site with a sympathetic bend, and contains a great deal of information.
- Tea At Trianon – Many articles on all things Antoinette, from Versailles to Trianon to the most obscure details of life in Royal France, by historian and author Elena Maria Vidal.
- . Catholic Encyclopedia. New York: Robert Appleton Company. 1913.
- Online catalog of Marie Antoinette's personal reading library from the Petit-Trianon palace, based on 1863 printed catalog, online at LibraryThing.
- If they have no bread, let them eat cake. Lưu trữ 2018-11-24 tại Wayback Machine