Lịch sử hành chính Bắc Ninh
Bắc Ninh là một tỉnh của Việt Nam, với vị trí nằm trong Vùng thủ đô Hà Nội, thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Tỉnh cũng nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ của Việt Nam. Phía bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía nam giáp tỉnh Hưng Yên, phía đông giáp tỉnh Hải Dương, phía tây giáp thủ đô Hà Nội. Với diện tích 822,71 km² và dân số 1,48 triệu người (2022), Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam. Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố, 2 thị xã và 4 huyện.
Thành lập tỉnh Bắc Ninh
sửaThời vua Minh Mạng, để nhất thể hóa các đơn vị hành chính trong cả nước, năm 1831–1832 nhà vua thực hiện một cuộc cải cách hành chính lớn, theo đó bỏ các tổng trấn, đổi các dinh, trấn thành tỉnh và đây là lần đầu tiên đơn vị hành chính tỉnh xuất hiện ở Việt Nam[1][2].
Tỉnh Bắc Ninh lúc này kế thừa của xứ Kinh Bắc gồm 4 phủ (20 huyện). Cụ thể, đó là các phủ và huyện sau:
- Phủ Bắc Hà gồm 4 huyện: Tân Phúc (Sóc Sơn), Kim Hoa (nay gồm Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn của Hà Nội, thành phố Phúc Yên của Vĩnh Phúc), Hiệp Hoà, Việt Yên (Bắc Giang).
- Phủ Lạng Giang gồm 6 huyện: Phượng Nhỡn (Lục Nam + 1 phần Yên Dũng), Yên Dũng, Bảo Lộc (Lạng Giang + Tân Yên), Yên Thế, Lục Ngạn (đều thuộc Bắc Giang) và Hữu Lũng (thuộc tỉnh Lạng Sơn).
- Phủ Thuận An gồm 5 huyện: Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài (Bắc Ninh); Gia Lâm (từ 1961 thuộc Hà Nội); Văn Giang (từ 1947 thuộc Hưng Yên).
- Phủ Từ Sơn gồm 5 huyện của Bắc Ninh: Đông Ngàn (thị xã Từ Sơn hiện nay), Yên Phong, Tiên Du, Quế Dương, Võ Giàng (năm 1962, Quế Dương và Võ Giàng được sáp nhập thành Quế Võ).
Diện tích tỉnh Bắc Ninh lúc bấy giờ tương đương 5.562,39 km² ứng với các đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay là: toàn bộ 8 đơn vị hành chính của Bắc Ninh, 9 đơn vị hành chính của Bắc Giang (trừ Sơn Động); 1 đơn vị hành chính của Lạng Sơn (Hữu Lũng); 1 đơn vị hành chính của Hưng Yên (Văn Giang); và 5 đơn vị hành chính của Hà Nội (Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên, Mê Linh, Sóc Sơn).
Thời kỳ hiện đại
sửaThời kỳ Pháp thuộc (1858–1945)
sửaNgày 5 tháng 11 năm 1889, tách các huyện Lục Ngạn, Bảo Lộc (Lạng Giang + Tân Yên), Phượng Nhỡn (Lục Nam + 1 phần huyện Yên Dũng), Hữu Lũng để thành lập tỉnh Lục Nam.[3] Tháng 9 năm 1891, tỉnh Lục Nam bị giải thể, hai huyện Bảo Lộc và Phượng Nhỡn được trả về tỉnh Bắc Ninh.[4] Năm 1895, tách phủ Lạng Giang ra lập tỉnh Bắc Giang, huyện Hữu Lũng nhập vào tỉnh Lạng Sơn. Năm 1903, tách các huyện Đông Anh, Kim Anh, Đa Phúc nhập vào tỉnh Phúc Yên.
Nói về vùng văn hoá Kinh Bắc, bởi Bắc Ninh vốn được coi là trung tâm của trấn Kinh Bắc, nên cái tên Kinh Bắc thường được nói kèm với Bắc Ninh như Bắc Ninh – Kinh Bắc. Vì vậy trên phương tiện truyền thông ngày nay thường có sự hiểu lầm về địa danh này mặc định chỉ riêng về Bắc Ninh, trong khi vùng văn hoá Kinh Bắc là bao gồm: tỉnh Bắc Ninh, cả tỉnh Bắc Giang (không phải một phần như một số tài liệu) và một phần Hà Nội, Hưng Yên, Lạng Sơn.
Thời kỳ chiến tranh và thời kỳ đầu sau thống nhất (1946–1996)
sửaSau Cách mạng tháng Tám thành công, bỏ cấp phủ, gọi chung là huyện. Tổ chức hành chính trên địa bàn gồm thị xã Bắc Ninh và 10 huyện, trong đó có 5 huyện phía bắc sông Đuống: Tiên Du, Từ Sơn, Yên Phong, Quế Dương, Võ Giàng và 5 huyện thuộc phủ Thận An xưa và nam sông Đuống là: Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành, Gia Lâm, Văn Giang. Năm 1947, huyện Văn Giang được sáp nhập vào tỉnh Hưng Yên. Ngày 28 tháng 11 năm 1948, huyện Gia Lâm sáp nhập vào tỉnh Hưng Yên[5] nhưng đến ngày 7 tháng 11 năm 1949 lại sáp nhập trở lại tỉnh Bắc Ninh.[6] Cũng trong năm 1949, hợp nhất một số xã thuộc các huyện Từ Sơn, Võ Giàng, Gia Bình; chuyển xã Tiền Phong của huyện Từ Sơn về huyện Gia Lâm quản lý.[7] Năm 1950, hợp nhất huyện Gia Bình và huyện Lương Tài thành một huyện lấy tên là huyện Gia Lương.
Ngày 26 tháng 4 năm 1951, Nghị định số 2198– PTH/NĐ của Thủ hiến Bắc Việt – thành lập thị xã Bắc Ninh trên cơ sở ba trấn Bắc Ninh, Thị Cầu và Đáp Cầu. Năm 1951, chuyển xã Tiền Phong thuộc huyện Gia Lâm về huyện Từ Sơn quản lý; chia tách một số xã thuộc huyện Gia Lương.[8] Năm 1955, chia xã Thái Bảo thành 2 xã Thái Bảo và Đại Lai thuộc huyện Gia Lương. Năm 1957, chia xã Phong Khê thành 2 xã Phong Khê và Khúc Xuyên thuộc huyện Yên Phong.[9] Năm 1959, thành lập thị trấn Từ Sơn và thị trấn Yên Viên thuộc huyện Từ Sơn.[10] Năm 1961, toàn bộ huyện Gia Lâm và một số xã, thị trấn của các huyện Từ Sơn, Tiên Du, huyện Thuận Thành được sáp nhập vào thành phố Hà Nội.[11]
Năm 1962, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hợp nhất thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Hà Bắc.[12] Cùng năm, hợp nhất huyện Quế Dương và Võ Giàng thành một huyện lấy tên là huyện Quế Võ. Năm 1963, hợp nhất huyện Tiên Du và huyện Từ Sơn thành một huyện lấy tên là huyện Tiên Sơn, đồng thời điều chỉnh địa giới huyện Yên Phong và huyện Từ Sơn.[13] Năm 1966, hợp nhất một số xã thuộc huyện Thuận Thành.[14] Năm 1980, sáp nhập xã An Bình thuộc huyện Gia Lương vào huyện Thuận Thành.[15] Năm 1985, sáp nhập xã Đại Phúc của huyện Quế Võ và xã Võ Cường thuộc huyện Tiên Sơn vào thị xã Bắc Ninh.[16] Năm 1995, thành lập thị trấn Phố Mới thuộc huyện Quế Võ.[17]
Bắc Ninh ngày nay (1996–nay)
sửaNăm 1996, tỉnh Bắc Ninh được tái lập, với 6 đơn vị hành chính gồm thị xã Bắc Ninh và 5 huyện Gia Lương, Quế Võ, Thuận Thành, Tiên Sơn, Yên Phong.[18] Năm 1997, thành lập thị trấn Hồ thuộc huyện Thuận Thành trên cơ sở một phần xã Song Hồ và xã Gia Đông.[19] Năm 1998, thành lập thị trấn huyện lị thuộc các huyện Yên Phong, Gia Lương và Tiên Sơn, trong đó, thị trấn Chờ thuộc huyện Yên Phong được thành lập trên cơ sở toàn bộ xã Hàm Sơn;[20] thị trấn Thứa thuộc huyện Gia Lương được thành lập trên cơ sở toàn bộ xã Phá Lãng;[21] thị trấn Lim thuộc huyện Tiên Sơn được thành lập trên cơ sở toàn bộ xã Vân Tương.[22]
Tháng 8 năm 1999, các huyện Gia Lương và Tiên Sơn được chia tách thành các huyện như cũ. Huyện Tiên Sơn được chia thành 2 huyện Tiên Du và Từ Sơn, trong đó huyện Tiên Du gồm 16 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã Cảnh Hưng, Đại Đồng, Hạp Lĩnh, Hoàn Sơn, Hiên Vân, Khắc Niệm, Liên Bão, Lạc Vệ, Nội Duệ, Minh Đạo, Phú Lâm, Phật Tích, Tân Chi, Tri Phương, Việt Đoàn và thị trấn Lim; còn huyện Từ Sơn gồm 11 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã Châu Khê, Đình Bảng, Đồng Quang, Đồng Nguyên, Hương Mạc, Phù Chẩn, Phù Khê, Tân Hồng, Tam Sơn, Tương Giang và thị trấn Từ Sơn. Huyện Gia Lương được chia thành 2 huyện Gia Bình và Lương Tài, trong đó, huyện Gia Bình gồm 13 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã Vạn Ninh, Cao Đức, Bình Dương, Thái Bảo, Nhân Thắng, Xuân Lai, Đại Lai, Song Giang, Giang Sơn, Đông Cứu, Lãng Ngâm, Đại Bái và Quỳnh Phú; còn huyện Lương Tài gồm 14 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã Quảng Phú, Tân Lãng, Bình Định, Lâm Thao, Phú Lương, Trung Chính, Trừng Xá, Phú Hòa, Lai Hạ, Mỹ Hương, Minh Tân, An Thịnh, Trung Kênh và thị trấn Thứa.[23]
Tháng 4 năm 2002, phường Suối Hoa thuộc thị xã Bắc Ninh được thành lập trên cơ sở một phần xã Vũ Ninh, Kinh Bắc và Đại Phúc, với 118,5 ha diện tích tự nhiên và 5.081 nhân khẩu; còn thị trấn Gia Bình thuộc huyện Gia Bình được thành lập trên cơ sở một phần xã Xuân Lai, Đại Bái, Đông Cứu, với 436,39 ha diện tích tự nhiên và 7.672 nhân khẩu.[24] Tháng 8 năm 2003, 3 phường Vũ Ninh, Kinh Bắc và Đại Phúc thuộc thị xã Bắc Ninh được thành lập trên cơ sở toàn bộ 3 xã có tên tương ứng.[25]
Năm 2006, thành phố Bắc Ninh được thành lập trên cơ sở toàn bộ thị xã Bắc Ninh cũ, với 26,34 km² diện tích tự nhiên và 121.028 nhân khẩu; thành phố gồm 10 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 9 phường Đáp Cầu, Thị Cầu, Vũ Ninh, Suối Hoa, Tiền An, Ninh Xá, Vệ An, Kinh Bắc, Đại Phúc và xã Võ Cường.[26] Năm 2007, điều chỉnh địa giới các huyện Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du để mở rộng thành phố Bắc Ninh, trong đó sáp nhập toàn bộ 4 xã Hoà Long, Vạn An, Khúc Xuyên, Phong Khê thuộc huyện Yên Phong, 3 xã Kim Chân, Vân Dương, Nam Sơn thuộc huyện Quế Võ và 2 xã Khắc Niệm, Hạp Lĩnh thuộc huyện Tiên Du vào thành phố Bắc Ninh; đồng thời, phường Võ Cường cũng được thành lập trên cơ sở toàn bộ xã Võ Cường.[27]
Tháng 9 năm 2008, thị xã Từ Sơn được thành lập trên cơ sở 61,33 km² diện tích tự nhiên và 143.843 nhân khẩu của huyện Từ Sơn, với 12 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 7 phường và 5 xã. Các phường thuộc thị xã Từ Sơn được thành lập gồm phường Đông Ngàn được thành lập trên cơ sở một phần các xã Đồng Nguyên, Tân Hồng, Đình Bảng, Đồng Quang và toàn bộ thị trấn Từ Sơn; phường Đồng Kỵ được thành lập trên cơ sở một phần xã Đồng Quang; phường Trang Hạ được thành lập trên cơ sở phần còn lại xã Đồng Quang; phường Đồng Nguyên được thành lập trên cơ sở phần còn lại xã Đồng Nguyên; phường Tân Hồng được thành lập trên cơ sở phần còn lại xã Tân Hồng; phường Đình Bảng được thành lập trên cơ sở phần còn lại xã Đình Bảng; phường Châu Khê được thành lập trên cơ sở toàn bộ xã Châu Khê.[28] Năm 2010, thành lập 3 phường Vạn An, Vân Dương và Hạp Lĩnh thuộc thành phố Bắc Ninh trên cơ sở toàn bộ 3 xã có tên tương ứng.[29] Năm 2013, thành lập 3 phường Khắc Niệm, Khúc Xuyên, Phong Khê thuộc thành phố Bắc Ninh trên cơ sở toàn bộ 3 xã có tên tương ứng.[30]
Ngày 25 tháng 12 năm 2017, thành phố Bắc Ninh được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bắc Ninh.[31] Năm 2019, thành lập 3 phường Hòa Long, Kim Chân, Nam Sơn thuộc thành phố Bắc Ninh trên cơ sở toàn bộ 3 xã có tên tương ứng. Sau thời điểm này, thành phố Bắc Ninh có 19 phường.[32] Ngày 1 tháng 12 năm 2018, thị xã Từ Sơn được công nhận đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ngày 28 tháng 7 năm 2020, Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Phố Mới mở rộng, huyện Quế Võ đạt tiêu chí đô thị loại IV. Ngày 11 tháng 11 năm 2020, Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Hồ mở rộng, huyện Thuận Thành đạt tiêu chí đô thị loại IV. Ngày 12 tháng 1 năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1191/NQ–UBTVQH14 về việc thành lập các phường thuộc thị xã Từ Sơn (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 năm 2021)[33]. Theo đó, thành lập 5 phường: Hương Mạc, Phù Chẩn, Phù Khê, Tam Sơn, Tương Giang trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của 5 xã có tên tương ứng. Từ đó, thị xã Từ Sơn có 12 phường.[34]
Ngày 22 tháng 9 năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 387/NQ–UBTVQH15 về việc thành lập thành phố Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Từ Sơn (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11 năm 2021).[35] Ngày 13 tháng 2 năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 723/NQ–UBTVQH15 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 10 tháng 4 năm 2023).[36] Theo đó:
- Thành lập thị xã Quế Võ thuộc tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở toàn bộ 155,11 km² diện tích tự nhiên và 219.929 người của huyện Quế Võ
- Thành lập 11 phường: Bằng An, Bồng Lai, Cách Bi, Đại Xuân, Nhân Hòa, Phố Mới, Phù Lương, Phương Liễu, Phượng Mao, Quế Tân, Việt Hùng thuộc thị xã Quế Võ trên cơ sở 11 xã, thị trấn có tên tương ứng.
- Thành lập thị xã Thuận Thành thuộc tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở toàn bộ 117,83 km² diện tích tự nhiên và 199.577 người của huyện Thuận Thành
- Thành lập 10 phường: An Bình, Gia Đông, Hà Mãn, Hồ, Ninh Xá, Song Hồ, Thanh Khương, Trạm Lộ, Trí Quả, Xuân Lâm thuộc thị xã Thuận Thành trên cơ sở 10 xã, thị trấn có tên tương ứng.
Tổng kết
sửaChú thích
sửa- ^ Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 210
- ^ Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn, sách đã dẫn, tr 436
- ^ Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bắc Giang (2002m). Sơ thảo lịch sử 40 năm báo Bắc Giang: 1-1-1962 - 1-1-2002. tr. 10.
- ^ Địa chí Bắc Giang: lịch sử và văn hóa. Sở văn hóa thông tin Bắc Giang, Trung tâm Unesco thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam. 2006. tr. 63.
- ^ Sắc lệnh số 263/SL năm 1948
- ^ Sắc lệnh số 131/SL năm 1949
- ^ Quyết định số 422pc/2 năm 1949 của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu I.
- ^ Nghị định số 132-TTg năm 1951 của Thủ tướng Chính phủ.
- ^ Nghị định số 158-CQTT năm 1957 của Bộ Nội vụ.
- ^ Quyết định số 33-NV năm 1959 của Bộ Nội vụ.
- ^ “Nghị quyết mở rộng thành phố Hà Nội năm 1961”.
- ^ Nghị quyết của Quốc hội khóa II ngày 27-10-1962.
- ^ Quyết định số 25-CP năm 1963 của Hội đồng Chính phủ.
- ^ Quyết định số 34-NV năm 1966 của Bộ Nội vụ.
- ^ Quyết định số 22-CP năm 1979 của Hội đồng Chính phủ.
- ^ Quyết định số 130-HĐBT năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng.
- ^ Nghị định số 58-CP năm 1995 của Chính phủ.
- ^ Nghị quyết của Quốc hội khóa IX ngày 6-11-1996.
- ^ Nghị định số 13-CP năm 1997 của Chính phủ.
- ^ Nghị định số 5/1998/NĐ-CP của Chính phủ.
- ^ Nghị định số 42/1998/NĐ-CP của Chính phủ.
- ^ Nghị định số 101/1998/NĐ-CP của Chính phủ.
- ^ Chính phủ (9 tháng 8 năm 1999). “Nghị định 68/1999/NĐ-CP về việc chia huyện Tiên Sơn, Gia Lương để tái lập các huyện Tiên Du, Tiên Sơn, Gia Bình và Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh”. Thư viện Pháp luật. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2021.
- ^ Chính phủ (8 tháng 4 năm 2002). “Nghị định 37/2002/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập phường Suối Hoa, thị xã Bắc Ninh và thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh”. Thư viện Pháp luật. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2021.
- ^ Chính phủ (25 tháng 8 năm 2003). “Nghị định 98/2003/NĐ-CP về việc thành lập các phường Vũ Ninh, Kinh Bắc, Đại Phúc thuộc thị xã Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh”. Thư viện Pháp luật. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2021.
- ^ Nghị định số 15/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
- ^ Nghị định số 60/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
- ^ Chỉnh phủ (24 tháng 9 năm 2008). “Nghị định 01/NĐ-CP về việc thành lập thị xã Từ Sơn, thành lập các phường thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh”. Văn bản Pháp luật. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2021.
- ^ Nghị quyết số 06/NQ-CP năm 2010 của Chính phủ.
- ^ Nghị quyết số 137/NQ-CP năm 2013 của Chính phủ.
- ^ Thủ tướng Chính phủ (25 tháng 12 năm 2017). “Quyết định 2088/QĐ-TTg 2017 về việc công nhận thành phố Bắc Ninh là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bắc Ninh”. Thư viện Pháp luật. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2021.
- ^ Nghị quyết số 787/NQ-UBTVQH14 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- ^ “Nghị quyết số 1191/NQ-UBTVQH14 năm 2021 về việc thành lập các phường thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh”.
- ^ Nghị quyết số 1191/NQ-UBTVQH14 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- ^ Ủy ban Thường vụ Quốc hội (22 tháng 9 năm 2021). “Nghị quyết 387/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập thành phố Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh”. Thư viện Pháp luật. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2021.
- ^ “Nghị quyết số 723/NQ-UBTVQH15 năm 2023 về việc thành lập thị xã Thuận Thành và các phường thuộc thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ và các phường thuộc thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh”.