Lê Văn Nhung (1916–1941), bí danh Lý Hồng Thanh, tên thường gọi Tư Ú, là một nhà cách mạng Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Châu Đốc, Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Lý Hồng Thanh
Chức vụ
Nhiệm kỳ1939 – 1940
Tiền nhiệmNguyễn Trí
Kế nhiệmVõ Hiệp Thành
Vị trí Việt Nam
Nhiệm kỳ1940 – 1940
Tiền nhiệmQuản Trọng Hoàng
Kế nhiệmNgô Tám
Vị trí Việt Nam
Thông tin cá nhân
Sinh1916
Hồng Ngự, Châu Đốc
Mất1941
Dân tộcViệt
Đảng chính trịĐảng Cộng sản Việt Nam
ChaLê Văn Tưởng
MẹNguyễn Thị Cảnh

Thân thế

sửa

Lê Văn Nhung sinh năm 1916 ở làng Tân Huề, huyện Hồng Ngự, tỉnh Châu Đốc (nay là xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), trong một gia đình truyền thống với cha là ông Lê Văn Tưởng và mẹ là bà Nguyễn Thị Cảnh.[1]

Ông Lê Văn Tưởng là nhà nho kiêm nghề y, từng tham gia Quốc tang Phan Châu Trinh và phong trào đòi thả Phan Bội Châu. Năm 1929, ông Tưởng gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, dùng căn nhà của mình làm cơ sở hoạt động. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, Chi bộ cộng sản ở làng Tân Huề cũng được thành lập do ông Tưởng làm Bí thư Chi bộ.[1]

Cuộc đời

sửa

Năm 1930, dù mới 14 tuổi nhưng do chịu ảnh hưởng từ gia đình, Lê Văn Nhung quyết xin được tham gia phong trào cách mạng, được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho Chi bộ làng Tân Huề.[2]

Năm 1932, ông bị thực dân Pháp bắt cùng với cha mình và ba người nữa. Tháng 5 năm 1933, ông bị phán 1 năm tù tại tòa Sài Gòn. Tháng 5 năm 1934, ông mãn hạn tù, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, lấy bí danh Lý Hồng Thanh.[3]

Năm 1936, sau một thời gian hoạt động trong Ủy ban hành động làng Tân Huề, ông công tác tại Tỉnh ủy Châu Đốc. Năm 1938, Xứ ủy Nam Kỳ thành lập Liên Tỉnh ủy Cần Thơ để tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng ở vùng Hậu Giang (Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Rạch Giá, Bạc Liêu, Sa Đéc),[4] ông được bầu vào Ban Chấp hành Liên Tỉnh ủy.[2]

Năm 1939, ông được phân công về khu vực quận Châu Thành (Rạch Giá), sau đó được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Châu Đốc. Tháng 9 năm 1940, để chuẩn bị cho khởi nghĩa, ông được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ (thay cho Quản Trọng Hoàng nhận chức Bí thư Liên Tỉnh ủy Cần Thơ), được phân công chỉ đạo khởi nghĩa tại tỉnh lỵ.[2]

Tháng 11, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ nhưng nhanh chóng thất bại, các cơ sở Đảng và quần chúng bị thực dân Pháp khủng bố ác liệt, thay vì di chuyển sang vùng khác tạm lánh thì ông quyết tâm ở lại tiếp tục chỉ đạo khởi nghĩa.[2]

Cuối tháng 11, ông cùng các thành viên trong Tỉnh ủy Cần Thơ bị bắt, đưa về Sài Gòn tra khảo.[2] Ngày 4 tháng 6 năm 1941, ông cùng đồng chí Ngô Hữu Hạnh (Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ) bị xử bắn tại khu đất phía sau Khám lớn Cần Thơ.[5][6]

Vinh danh

sửa

Tên của ông được đặt cho một con đường tại phường Cái Khế (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) với tên đường Lý Hồng Thanh.[7]

Năm 2009, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.[8]

Chú thích

sửa
  1. ^ a b “Nghị quyết số 258/2019/NQ-HĐND ngày 16/07/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc đổi tên, đặt tên đường, công trình công cộng trên địa bàn thành phố Cao Lãnh, huyện Hồng Ngự, huyện Thanh Bình và thị xã Hồng Ngự”. Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật. 16 tháng 7 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2022.
  2. ^ a b c d e “Sức sống trong lòng đất chết!”. Văn nghệ Tiền Giang Online. 17 tháng 12 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2022.
  3. ^ “Quyết định số 482/QĐ-UBND-HC ngày 11/05/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Ngân hàng tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”. Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp. 11 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2022.
  4. ^ “Địa điểm cơ quan Liên tỉnh ủy Cần Thơ”. Trang thông tin điện tử huyện Châu Thành - tỉnh Hậu Giang. 28 tháng 2 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2022.
  5. ^ “Khám Lớn Cần Thơ – Di tích lịch sử cấp quốc gia”. Báo Tây Ninh. 11 tháng 6 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2022.
  6. ^ “Hậu Giang: Di tích lịch sử Khám lớn Cần Thơ”. Ban chỉ huy lực lượng Thanh niên xung phong Trung ương. 15 tháng 12 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2022.
  7. ^ “Nghị quyết số 08/2009/NQ-HĐND ngày 26/06/2009 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ về việc đặt tên đường trên địa bàn thành phố Cần Thơ”. Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật. 26 tháng 6 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2022.
  8. ^ “Kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Ðức Thắng”. Báo Nhân Dân. 20 tháng 8 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2022.