Tòa án Công lý Quốc tế

cơ quan tư pháp chính của Liên Hợp Quốc, có nhiệm vụ xét xử tranh chấp giữa các nước
(Đổi hướng từ ICJ)

Tòa án Quốc tế là cơ quan tư pháp chính của Liên Hợp Quốc.[1] Tòa án Quốc tế có nhiệm vụ xét xử các vụ kiện giữa các nước và tư vấn pháp lý về các vấn đề luật quốc tế. Tòa án Quốc tế là cơ quan tư pháp quốc tế duy nhất xét xử cho các nước. Quyết định và kết luận pháp lý của Tòa án Quốc tế là một phần của luật quốc tế.

Tòa án Quốc tế
Cour internationale de justice
Biểu tượng Tòa án Quốc tế
Thành lập1945 (Tòa án Thường trực Quốc tế bị giải thể vào năm 1946)
Vị tríDen Haag, Hà Lan
Tọa độ52°05′11,8″B 4°17′43,8″Đ / 52,08333°B 4,28333°Đ / 52.08333; 4.28333
Ủy quyền bởi
Nhiệm kỳ thẩm phán9 năm
Số lượng thẩm phán15
Trang mạngwww.icj-cij.org
Chủ tịch
Đương nhiệmJoan Donoghue
Từ8 tháng 2 năm 2021
Phó chủ tịch
Đương nhiệmKirill Gevorgian
Từ ngày8 tháng 2 năm 2021

Tòa án Quốc tế được thành lập trên cơ sở kế thừa Tòa án Thường trực Quốc tế của Hội Quốc Liên: Quy chế Tòa án Quốc tế vay mượn nội dung của Quy chế Tòa án Thường trực Quốc tế, tất cả các quyết định của Tòa án Thường trực Quốc tế vẫn còn có hiệu lực. Tất cả các nước thành viên của Liên Hợp Quốc đều là thành viên của Quy chế Tòa án Quốc tế. Một nước thành viên bất kỳ của Liên Hợp Quốc có thể khởi kiện tại Tòa án Quốc tế. Một cơ quan bất kỳ của Liên Hợp Quốc có thể yêu cầu Tòa án Quốc tế ra ý kiến tư vấn về một vấn đề pháp luật bất kỳ.

Tòa án Quốc tế gồm 15 thẩm phán do Đại hội đồngHội đồng Bảo an bầu ra. Nhiệm kỳ của một thẩm phán là chín năm, cứ ba năm bầu lại năm thẩm phán. Không được có hai thẩm phán có quốc tịch của cùng một nước. Phải có đại diện của tất cả các hệ thống pháp luật trên thế giới. Tòa án Quốc tế là cơ quan duy nhất của Liên Hợp Quốc không đặt trụ sở ở Thành phố New York[2] mà ở Den Haag tại Cung Hòa bình. Ngôn ngữ chính thức của Tòa án Quốc tế là tiếng Anh và tiếng Pháp.

Tòa án Quốc tế đã xét xử 181 vụ kiện từ khi được thành lập tới tháng 9 năm 2021.[3]

Lịch sử

sửa

Công ước Den Haag năm 1899 thành lập Tòa án Thường trực Trọng tài làm cơ quan tư pháp quốc tế đầu tiên trên thế giới.[4] Trụ sở của Tòa án đặt ở Den Haag, Hà Lan. Các trọng tài đều do những nước đương sự chọn trong danh sách do các nước thành viên của công ước lập. Tòa án có một ban thư ký giúp việc. Tòa án Thường trực Trọng tài bắt đầu thụ lý vụ kiện vào năm 1902.

Công ước Den Haag năm 1907 sửa lại thủ tục trọng tài của Tòa án Thường trực Trọng tài. Tại hội nghị, Hoa Kỳ, Anh và Đức cùng đề nghị thành lập một tòa án quốc tế mới có các thẩm phán có nhiệm kỳ cố định, nhưng các bên không nhất trí về cách chọn thẩm phán mà gác đề nghị lại để bàn ở hội nghị sau.[5]

Năm 1908, Tòa án Trung Mỹ được thành lập, mượn ý tưởng của hai công ước Den Haag. Từ năm 1911 tới năm 1919 có những đề nghị thành lập một cơ quan tư pháp quốc tế mà phải tới sau Chiến tranh thế giới thứ nhất mới được thực hiện.

Tòa án Thường trực Quốc tế

sửa

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Khối Đồng Minh thành lập Hội Quốc Liên để giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế. Hiến chương của Hội Quốc Liên quy định thành lập một Tòa án Thường trực Quốc tế có thẩm quyền xét xử các vụ tranh chấp giữa các nước và đưa ra ý kiến tư vấn về một vụ tranh chấp hay vấn đề bất kỳ theo yêu cầu của Hội Quốc Liên.

Tháng 12 năm 1920, Đại hội đồng Hội Quốc Liên nhất trí thông qua Quy chế Tòa án Thường trực Quốc tế, được đa số nước thành viên phê chuẩn vào năm sau. Quy chế quy định các thẩm phán do Đại hội đồng và Hội chính vụ bầu riêng. Thành phần của TATTQT phải có đại diện của "các nền văn minh và hệ thống pháp luật chính trên thế giới".[6] Trụ sở của TATTQT cũng đặt ở Cung Hòa bình.

Tòa án Thường trực Quốc tế có những điểm đổi mới:

  • TATTQT là cơ quan thường trực, có quy chế và thủ tục riêng
  • TATTQT có văn phòng liên lạc với các nước và các tổ chức quốc tế
  • TATTQT hoạt động công khai
  • TATTQT có quyền xét xử mọi vụ tranh chấp giữa những nước đã thừa nhận thẩm quyền của TATTQT
  • Quy chế TATTQT liệt kê những luật được áp dụng vào việc xét xử
  • Thành phần của TATTQT có đại diện của nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới hơn những cơ quan tư pháp quốc tế trước
  • Quyết định của TATTQT góp phần phát triển luật quốc tế

Tòa án Thường trực Quốc tế không phải là cơ quan của Hội Quốc Liên, nên một nước thành viên Hội Quốc Liên không đương nhiên là thành viên của Quy chế. Ví dụ: Hoa Kỳ không phải là thành viên, tuy đã tích cực thuyết phục thành lập TATTQT. Tuy nhiên, thành phần của TATTQT có nhiều thẩm phán người Mỹ.

Tòa án Quốc tế

sửa

Sau năm 1933, Tòa án Thường trực Quốc tế không còn hoạt động tích cực do tình hình căng thẳng trên trường quốc tế và chính sách biệt lập của các nước. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, TATTQT họp lần cuối cùng vào tháng 12 năm 1939, lệnh cuối cùng của TTATTQT là vào tháng 2 năm 1940. Năm 1942, Hoa Kỳ và Anh cùng tuyên bố ủng hộ thành lập hoặc khôi phục một tòa án quốc tế. Năm 1943, một nhóm nhà luật học trên khắp thế giới họp ở Anh để thảo luận vấn đề. Năm 1944, nhóm ra bản báo cáo khuyến nghị rằng:

  • Quy chế của tòa án quốc tế mới lấy quy chế của TATTQT làm cơ sở
  • Tòa án quốc tế mới có quyền ra ý kiến tư vấn
  • Các nước không phải thừa nhận thẩm quyền của tòa án quốc tế mới
  • Tòa án quốc tế mới không được can thiệp vào các vụ tranh chấp chính trị

Ở Hội nghị Moskva vào năm 1943, bốn nước Đồng Minh chính là Anh, Hoa Kỳ, Trung Hoa Dân quốc và Liên Xô ra bản tuyên bố chung thừa nhận cần phải thành lập một tổ chức quốc tế để giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế, tức Liên Hợp Quốc sau này.[7]

Ở Hội nghị Dumbarton Oaks vào năm 1944, bốn nước Đồng Minh chính cùng những nước khác chính thức đề nghị thành lập một tổ chức liên chính phủ có một tòa án quốc tế. Tháng 4 năm 1945, 44 nhà luật học trên khắp thế giới họp ở Washington, D.C. để soạn quy chế của Tòa án Quốc tế trên cơ sở quy chế của TATTQT. Ở Hội nghị San Francisco, 50 nước thuộc khối Đồng Minh đồng ý thành lập Liên Hợp Quốc có Tòa án Quốc tế là một cơ quan chính.

Tháng 10 năm 1945, Tòa án Thường trực Quốc tế giao lại hồ sơ cho Tòa án Quốc tế. Tất cả các thẩm phán đồng loạt từ chức vào ngày 31 tháng 1 năm 1946. Tháng 4 năm 1946, TATTQT chính thức bị giải thể. Vốn là chủ tịch TATTQT, José Gustavo Guerrero được bầu làm chủ tịch đầu tiên của Tòa án Quốc tế.

Tòa án Quốc tế thụ lý vụ tranh chấp đầu tiên vào tháng 5 năm 1947 giữa Anh và Albania.

Công tác

sửa
 
Cung điện Hòa bình ở Den Haag, Hà Lan

Tòa án Quốc tế được Hiến chương Liên Hợp Quốc thành lập vào năm 1945 trên cơ sở kế thừa Tòa án Thường trực Quốc tế. Quy chế Tòa án Quốc tế quy định tổ chức, quyền hạn và thủ tục.[8]

Thành phần

sửa

Tòa án Quốc tế gồm 15 thẩm phán do Đại hội đồngHội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bầu ra trong danh sách do Tòa án Thường trực Trọng tài đưa ra. Quy chế Tòa án Quốc tế quy định thủ tục bầu các thẩm phán. Nhiệm kỳ của thẩm phán là chín năm, cứ ba năm bầu lại năm thẩm phán. Trường hợp thẩm phán qua đời thì thường sẽ bầu bổ khuyết thẩm phán mới.

Không được có hai thẩm phán có cùng một quốc tịch. Điều 9 của Quy chế Tòa án Quốc tế quy định thành phần TAQT phải có "đại diện của các hình thái văn hóa chủ yếu nhất và các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới", tức thông luật, dân luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Có sự thỏa thuận ngầm rằng thành phần của Tòa án Quốc tế sẽ được chia theo các nhóm khu vực: các nước phương Tây có năm thẩm phán, châu Phi có ba thẩm phán (gồm một thẩm phán đại diện cho dân luật Pháp, một thẩm phán đại diện cho thông luật Anh và một thẩm phán đại diện cho Ả Rập), Đông Âu có hai thẩm phán, châu Á có hai thẩm phán, Mỹ Latinhvùng Caribe có hai thẩm phán.[9] Năm nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an gần như luôn có thẩm phán trong TAQT. Ngoại lệ là Trung Quốc không tiến cử thẩm phán từ năm 1967 tới năm 1985 và Anh rút ứng viên thẩm phán vào năm 2017 do không được Đại hội đồng chấp nhận.[10]

Điều 2 của Quy chế Tòa án Quốc tế quy định các thẩm phán được bầu "không căn cứ quốc tịch, trong số những người có phẩm chất đạo đức tốt", có đủ tư cách ở nước họ để giữ chức vụ xét xử cao nhất hoặc là những nhà luật học có uy tín lớn về luật quốc tế. Thẩm phán không được kiêm chức vụ chính trị, hành chính hoặc nghề nghiệp. Thẩm phán không được tham gia xét xử nếu từng làm luật sư cho một trong các bên. Miễn nhiệm một thẩm phán phải được tất cả các thẩm phán khác tán thành.[11]

Thẩm phán đặc phái

sửa

Điều 31 của Quy chế Tòa án Quốc tế cho phép các bên tranh chấp cử thêm một thẩm phán để tham gia xét xử. Mục đích của quy định này là khuyến khích các nước thừa nhận thẩm quyền của TAQT bởi vì nước đó có thể cử một người có cùng quan điểm tham gia nghị án. Tuy trái với chức năng tư pháp của TAQT, chế độ thẩm phán đặc phái hiếm khi ảnh hưởng quyết định của TAQT do thẩm phán đặc biệt của các bên thường biểu quyết ngược nhau.

Ban xét xử

sửa

Thành phần xét xử của Tòa án Quốc tế thường gồm tất cả 15 thẩm phán. TAQT có quyền thành lập những ban xét xử gồm ít nhất ba thẩm phán. Có hai loại ban xét xử: ban chuyên trách và ban chuyên án. Ban chuyên trách xét xử các vụ tranh chấp thuộc một phạm vi nhất định như lao động, quá cảnh và liên lạc. Ban chuyên án xét xử các vụ tranh chấp đặc biệt.

Thành phần hiện tại

sửa

Tính tới ngày 6 tháng 11 năm 2021, thành phần của Tòa án Quốc tế gồm:[12][13]

Tên Quốc gia Chức vụ Nhậm chức Mãn nhiệm
Abdulqawi Yusuf   Somalia Thẩm phán 2009 2027
Tiết Hãn Cần   Trung Quốc Thẩm phán 2010 2030
Peter Tomka   Slovakia Thẩm phán 2003 2030
Ronny Abraham   Pháp Thẩm phán 2005 2027
Mohamed Bennouna   Maroc Thẩm phán 2006 2024
Khuyết (Vốn là Antônio Augusto Cançado Trindade[14]) 2022 2027
Joan Donoghue   Hoa Kỳ Chủ tịcha 2010 2024
Julia Sebutinde   Uganda Thẩm phán 2012 2030
Dalveer Bhandari   Ấn Độ Thẩm phán 2012 2027
Patrick Lipton Robinson   Jamaica Thẩm phán 2015 2024
Hilary Charlesworth[15] (Thay James Crawford[16])   Úc Thẩm phán 2021 2024
Kirill Gevorgian   Nga Phó chủ tịcha 2015 2024
Nawaf Salam   Liban Thẩm phán 2018 2027
Yuji Iwasawa   Nhật Bản Thẩm phán 2018 2030
Georg Nolte   Đức Thẩm phán 2021 2030
Philippe Gautier   Bỉ Thư ký Tòa án 2019 2026
a Cho nhiệm kỳ 2021–2024

Danh sách các chủ tịch Tòa án Quốc tế

sửa
# Chủ tịch Nhậm chức Mãn nhiệm Quốc gia
1 José Gustavo Guerrero 1946 1949   El Salvador
2 Jules Basdevant 1949 1952   Pháp
3 Arnold McNair 1952 1955   Anh Quốc
4 Green Hackworth 1955 1958   Hoa Kỳ
5 Helge Klæstad 1958 1961   Na Uy
6 Bohdan Winiarski 1961 1964   Ba Lan
7 Percy Spender 1964 1967   Úc
8 José Bustamante y Rivero 1967 1970   Peru
9 Muhammad Zafarullah Khan 1970 1973   Pakistan
10 Manfred Lachs 1973 1976   Ba Lan
11 Eduardo Jiménez de Aréchaga 1976 1979   Uruguay
12 Humphrey Waldock 1979 1981   Anh Quốc
13 Taslim Elias 1982 1985   Nigeria
14 Nagendra Singh 1985 1988   Ấn Độ
15 José Ruda 1988 1991   Argentina
16 Robert Jennings 1991 1994   Anh Quốc
17 Mohammed Bedjaoui 1994 1997   Algeria
18 Stephen Schwebel 1997 2000   Hoa Kỳ
19 Gilbert Guillaume 2000 2003   Pháp
20 Sử Cửu Dung 2003 2006   Trung Quốc
21 Rosalyn Higgins 2006 2009   Anh Quốc
22 Hisashi Owada 2009 2012   Nhật Bản
23 Peter Tomka 2012 2015   Slovakia
24 Ronny Abraham 2015 2018   Pháp
25 Abdulqawi Yusuf 2018 2021   Somalia
26 Joan Donoghue 2021 hiện tại   Hoa Kỳ

Thẩm quyền

sửa
 
  Tham gia Quy chế lúc gia nhập Liên Hợp Quốc
  Tham gia Quy chế trước khi gia nhập Liên Hợp Quốc
  Quan sát viên Liên Hợp Quốc không tham gia Quy chế

Tất cả 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc đương nhiên đều tham gia Quy chế Tòa án Quốc tế.[17] Những nước không phải là thành viên Liên Hợp Quốc có thể tham gia Quy chế TAQT trong trường hợp đặc biệt.[18] Tuy nhiên, tham gia Quy chế TAQT không phải là thừa nhận thẩm quyền của TAQT. Quyền hạn của TAQT gồm xét xử tranh chấp, biện pháp tạm thời và ý kiến tư vấn.[19]

Xét xử tranh chấp

sửa
Phiên họp đầu tiên của Tòa án Quốc tế vào năm 1946

Trong các vụ tranh chấp, quyết định của Tòa án Quốc tế có hiệu lực đối với các bên ở trong vụ tranh chấp. Chỉ pháp nhân nhà nước được tham gia tranh chấp, nhưng nhà nước được thay mặt công dân hoặc tổ chức của nước mình mà nộp đơn tranh chấp.[20]

Nguyên tắc trọng yếu là Tòa án Quốc tế chỉ được xét xử nếu các bên đã thừa nhận thẩm quyền của TAQT. Theo điều 36 của Quy chế TAQT, TAQT có thẩm quyền trong bốn trường hợp:

  1. Các bên đồng ý đưa vụ tranh chấp ra TAQT.
  2. Điều ước mà các bên là thành viên quy định các vụ tranh chấp đều do TAQT xét xử.[21]
  3. Các bên tuyên bố thừa nhận thẩm quyền của TAQT.
  4. Các bên đã thừa nhận thẩm quyền của Tòa án Thường trực Quốc tế.

Biện pháp tạm thời

sửa

Cho đến khi có quyết định cuối cùng, Tòa án Quốc tế có quyền ra các biện pháp tạm thời để bảo đảm quyền lợi của các bên theo điều 41 của Quy chế TAQT.

Ý kiến tư vấn

sửa
 
Phiên họp của Tòa án Quốc tế về tính hợp pháp của tuyên ngôn độc lập của Kosovo vào năm 2008

Tòa án Quốc tế có quyền ra những ý kiến tư vấn theo yêu cầu của những cơ quan Liên Hợp Quốc được Hiến chương LHQ cho phép. Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an có quyền yêu cầu TAQT ra ý kiến tư vấn về một vấn đề pháp luật bất kỳ. Những cơ quan khác cần phải có Đại hội đồng cho phép, thường chỉ yêu cầu ý kiến tư vấn về những vấn đề thuộc phạm vi công tác của mình.[22]

Danh sách một vài vụ tranh chấp

sửa
  • Năm 1980: Hoa Kỳ kiện Iran về việc Iran giữ những nhà ngoại giao người Mỹ làm con tin.[23]
  • Năm 1982: Tunisia kiện Libya về việc xác định ranh giới thềm lục địa.[24]
  • Năm 1984: Hoa Kỳ và Canada về việc xác định ranh giới biển ở Vịnh Maine.[25]
  • Năm 1989: Iran kiện Hoa Kỳ về việc Hải quân Hoa Kỳ bắn hạ chuyến bay 655 của Iran Air.[26]
  • Năm 1999: Serbia và Montenegro kiện NATO về những chiến dịch đánh bom của NATO trong Chiến tranh Kosovo. TAQT bác đơn khởi kiện của Serbia và Montenegro vào ngày 15 tháng 12 năm 2004 do không có thẩm quyền, lý do là Serbia và Montenegro không phải là thành viên của Quy chế TAQT vào lúc nộp đơn khởi kiện.[27]
  • Năm 2005: Cộng hòa Dân chủ Congo kiện Uganda cướp tài nguyên của Congo.[28] TAQT xử cho Congo thắng kiện.[29]
  • Năm 2011: Bắc Macedonia (bấy giờ là Cựu Cộng hòa Nam Tư Macedonia) kiện Hy Lạp về việc Hy Lạp phủ quyết Bắc Macedonia gia nhập NATO.[30] TAQT xử cho Bắc Macedonia thắng kiện vào ngày 5 tháng 12 năm 2011.[31]
  • Năm 2017: Ấn Độ kiện Pakistan về việc một tòa án quân sự của Pakistan kết án tử hình đối với một công dân Ấn Độ.[32]
  • Năm 2022: Ukraina kiện Nga vi phạm Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng sau khi tiến quân vào Ukraina.[33] Nga không chịu ra hầu tòa.[34] Ngày 13 tháng 2 năm 2022, TAQT ra lệnh yêu cầu Nga "lập tức đình chiến". Chỉ thẩm phán người Nga và Trung Quốc biểu quyết không tán thành.[35][36]
  • Năm 2023: South Africa kiện israel diệt chủng Gaza đến từ "cập độ cao nhất của nhà nước". Israel từ chối mạnh mẽ các cáo buộc "vô căn cứ"

Quan hệ với Hội đồng Bảo an

sửa

Một nước thành viên LHQ phải tuân theo quyết định của Tòa án Quốc tế trong mọi vụ tranh chấp mà nước ấy là đương sự. Trường hợp nước ấy không chịu tuân thủ thì Hội đồng Bảo an có quyền cưỡng chế chấp hành. Tuy nhiên, nếu nước đương sự là nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an thì nghị quyết cưỡng chế chấp hành có thể bị phủ quyết. Ví dụ: Hoa Kỳ phủ quyết nghị quyết Hội đồng Bảo an yêu cầu Hoa Kỳ ngừng vi phạm chủ quyền của Nicaragua căn cứ quyết định của TAQT.

Những điều luật quốc tế được áp dụng

sửa

Tòa án Quốc tế áp dụng các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế và nguyên tắc pháp luật chung trong việc xét xử các vụ tranh chấp. Ngoài ra, TAQT được dùng các án lệ và học thuyết của các nhà luật học có chuyên môn cao nhất về luật quốc tế làm tư liệu phụ giúp xác định quy phạm pháp luật. Quyết định của TAQT không phải là án lệ,[37] nhưng TAQT thường dẫn những quyết định của mình.[38]

Trường hợp các bên đương sự đồng ý thì TAQT được xét xử cho công bằng cho các bên mà không cần phải dẫn pháp luật.[39]

Thủ tục

sửa

Tòa án Quốc tế tự ban hành thủ tục.[40]

Nguyên đơn nộp đơn khởi kiện, ghi rõ cơ sở thẩm quyền của TAQT và lý do yêu cầu của mình là có căn cứ. Bị đơn có thể thừa nhận thẩm quyền của TAQT và nộp đơn riêng.

Yêu cầu bác đơn sơ bộ

sửa

Trường hợp bị đơn thấy Tòa án Quốc tế thiếu thẩm quyền thì bị đơn có quyền yêu cầu TAQT bác đơn khởi kiện. Yêu cầu của bị đơn đưa ra các lý do TAQT không nên thụ lý vụ tranh chấp. Ví dụ: vấn đề đưa ra TAQT không phải là vấn đề tư pháp, bị đơn chưa thừa nhận thẩm quyền của TAQT. TAQT xem xét yêu cầu bác đơn khởi kiện của bị đơn và ra quyết định trước khi xem xét đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Nếu TAQT thụ lý vụ tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu TAQT ra các biện pháp tạm thời để bảo đảm quyền lợi của mình đương lúc đợi xét xử.

Đơn tham gia tranh chấp

sửa

Trường hợp vụ tranh chấp ảnh hưởng tới quyền lợi của một nước thứ ba thì nước ấy có quyền nộp đơn yêu cầu tham gia tranh chấp làm một bên đương sự. TAQT quyết định đơn của nước thứ ba.

Quyết định

sửa

Sau khi nghị án xong, TAQT ra quyết định. Mỗi thẩm phán có quyền nêu ý kiến riêng về quyết định. Quyết định của TAQT là chung thẩm, nhưng các bên có quyền yêu cầu TAQT giải thích phạm vi của quyết định.[41]

Chỉ trích

sửa

Tòa án Quốc tế đã bị chỉ trích về thẩm quyền, thủ tục và quyết định. Những ý kiến chỉ trích chính gồm:[42][43][44]

  • TAQT không thể xét xử nếu không được thừa nhận thẩm quyền.
  • TAQT không thể thụ lý đơn khởi kiện của các cá nhân và tổ chức, nên các nạn nhân tội chiến tranh, tội chống loài người và các nhóm thiểu số không thể khởi kiện.
  • TAQT hoạt động song song với những tòa án quốc tế khác như Tòa án Hình sự Quốc tế, nên thẩm quyền chồng chéo.
  • Nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết chấp hành quyết định của TAQT dù cho đã thừa nhận thẩm quyền của TAQT.[45]
  • TAQT hay viện lý do không có thẩm quyền để bác đơn mà không chịu xem xét chứng cứ.[46]

Xem thêm

sửa

Tham khảo

sửa
  1. ^ Koh, Steven Arrigg (27 tháng 8 năm 2014). “4 Things You Should Know About The Hague”. HuffPost. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2017.
  2. ^ “The Court”. www.icj-cij.org (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 1 năm 2018. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2018.
  3. ^ “Cases”. www.icj-cij.org. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2020.
  4. ^ Scott, James Brown. “The Hague peace conferences of 1899 and 1907; a series of lectures delivered before the Johns Hopkins University in the year 1908”. avalon.law.yale.edu. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2019.
  5. ^ Eyffinger, Arthur (2007). “A Highly Critical Moment: Role and Record of the 1907 Hague Peace Conference”. Netherlands International Law Review. 54 (2): 197. doi:10.1017/S0165070X07001970. S2CID 144726356.
  6. ^ “History | International Court of Justice”. www.icj-cij.org. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2019.
  7. ^ “The Moscow Conference, October 1943”. avalon.law.yale.edu. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2019.
  8. ^ Statute of the International Court of Justice Lưu trữ 29 tháng 6 2011 tại Wayback Machine. Retrieved 31 August 2007.
  9. ^ Harris, D. Cases and Materials on International Law, 7th ed. (2012, London) p. 839.
  10. ^ “International Court of Justice: UK abandons bid for seat on UN bench”. BBC. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2017.
  11. ^ ICJ Statute, Article 18(1)
  12. ^ “Current Members | International Court of Justice”. www.icj-cij.org (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2021.
  13. ^ “General Assembly, in Second Secret Ballot Round, Elects Five Judges to Serve Nine-Year-Long Terms on International Court of Justice | Meetings Coverage and Press Releases”. www.un.org (bằng tiếng Anh). UN News Centre. 12 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2021.
  14. ^ “It is with great sadness that the Court announces the passing of H.E. Judge Antônio Augusto Cançado Trindade” (PDF). International Court of Justice. 30 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2022.
  15. ^ “Veteran Australian judge Hilary Charlesworth elected to the International Court of Justice”. UN News (bằng tiếng Anh). 5 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  16. ^ “It is with great sadness that the Court announces the passing of H.E. Judge James Richard Crawford” (PDF). International Court of Justice. 31 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2021.
  17. ^ “Chapter XIV | United Nations”. United Nations. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2017.
  18. ^ “Chapter I – Charter of the United Nations and Statute of the International Court of Justice: 3 . Statute of the International Court of Justice”. United Nations Treaty Series. 9 tháng 7 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2013.
  19. ^ J. G. Merrills (2011). International Dispute Settlement. New York: Cambridge University Press. tr. 116–134. ISBN 978-0521153393.
  20. ^ See the Nottebohm Case (Liechtenstein v Guatemala), [1955] ICJ Reports 4.
  21. ^ See List of treaties that confer jurisdiction on the ICJ.
  22. ^ “Chapter XIV”. www.un.org (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2017.
  23. ^ “Reports of Judgments, Advisory Opinions and Orders” (PDF). International Court of Justice. 24 tháng 5 năm 1980. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 1 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2017.
  24. ^ “Application for Revision and Interpretation of the Judgment of 24 February 1982 in the Case Concerning the Continental Shelf (Tunisia/Libyan Arab Jamahiriya)” (PDF). International Court of Justice. 10 tháng 12 năm 1985. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 11 tháng 1 năm 2012.
  25. ^ “Case Concerning Delimitation of the Maritime Boundary in the Gulf of Maine Area (Canada/United States of America)” (PDF). International Court of Justice. 12 tháng 10 năm 1984. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 1 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2017.
  26. ^ “Aerial Incident of 3 July 1988 (Islamic Republic of Iran v. United States of America)”. International Court of Justice. 17 tháng 5 năm 1989. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2021.
  27. ^ “International Court of Justice”. Icj-cij.org. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2014.
  28. ^ "Armed Activities on the Territory of the Congo (Democratic Republic of the Congo v. Uganda) Lưu trữ 27 tháng 2 2018 tại Wayback Machine". Icj-cij.org.
  29. ^ "Court orders Uganda to pay Congo damages". The Guardian. 20 December 2005
  30. ^ “Interim Accord” (PDF). 13 tháng 9 năm 1995. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 25 tháng 3 năm 2009.
  31. ^ “The Court finds that Greece, by objecting to the admission of the former Yugoslav Republic of Macedonia to NATO, has breached its obligation under Article 11, paragraph 1, of the Interim Accord of 13 September 1995” (PDF). The International Court of Justice. 5 tháng 12 năm 2011. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 16 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2014.
  32. ^ “Kulbhushan Jadhav: Kulbhushan Jadhav latest news, photos & videos”. The Times of India.
  33. ^ Milanovic, Marko (27 tháng 2 năm 2022). “Ukraine Files ICJ Claim against Russia”. European Journal of International Law. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2022.
  34. ^ Corder, Mike (7 tháng 3 năm 2022). “Russia snubs UN court hearings in case brought by Ukraine”. Associated Press. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2022.
  35. ^ “Order of 16 March 2022” (PDF). International Court of Justice. 16 tháng 3 năm 2022.
  36. ^ “International Court of Justice orders Russia to suspend invasion of Ukraine”. Deutsche Welle. 16 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2022.
  37. ^ Ridi, Niccolò (30 tháng 11 năm 2021). “Rule of Precedent and Rules on Precedent”. International Procedure in Interstate Litigation and Arbitration: 354–400. doi:10.1017/9781108961387.017. ISBN 9781108961387. S2CID 225225897.
  38. ^ Ridi, Niccolò (1 tháng 6 năm 2019). “The Shape and Structure of the 'Usable Past': An Empirical Analysis of the Use of Precedent in International Adjudication”. Journal of International Dispute Settlement. 10 (2): 200–247. doi:10.1093/jnlids/idz007.
  39. ^ Statute of the International Court of Justice, Article 38(2)
  40. ^ Schwebel S "Ad Hoc Chambers of the International Court of Justice" (1987) 81 American Journal of International Law 831.
  41. ^ Statute of the International Court of Justice, Article 60
  42. ^ Ogbodo, S. Gozie (2012). “An Overview of the Challenges Facing the International Court of Justice in the 21st Century”. Annual Survey of International & Comparative Law. 18 (1): 93–113. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2016.
  43. ^ Suh, Il Ro (tháng 4 năm 1969). “Voting Behavior of National Judges in International Courts”. The American Journal of International Law. 63 (2): 224–236. doi:10.2307/2197412. JSTOR 2197412. S2CID 147317419.
  44. ^ William, Samore (1956). “National Origins v. Impartial Decisions: A Study of World Court Holdings”. Chicago-Kent Law Review. 34 (3): 193–222. ISSN 0009-3599. Truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2016.
  45. ^ “World Court: Completing the Circle”. Time. 28 tháng 11 năm 1960. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 10 năm 2010. Truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2011.
  46. ^ Hernandez, G. I. (2013). “A Reluctant Guardian: The International Court of Justice and the Concept of 'International Community'. British Yearbook of International Law. 83: 13–60. doi:10.1093/bybil/brt003.

Đọc thêm

sửa
  • Accinelli, R. D. "Peace Through Law: The United States and the World Court, 1923–1935". Historical Papers / Communications historiques, 7#1 (1972) 247–261. doi:10.7202/030751a.
  • Bowett, D W. The International court of justice : process, practice and procedure (British Institute of International and Comparative Law: London, 1997).
  • Dunne, Michael. "Isolationism of a Kind: Two Generations of World Court Historiography in the United States," Journal of American Studies (1987) 21#3 pp 327–351.
  • Kahn, Gilbert N. "Presidential Passivity on a Nonsalient Issue: President Franklin D. Roosevelt and the 1935 World Court Fight." Diplomatic History 4.2 (1980): 137–160.
  • Kolb, Robert, The International Court of Justice Lưu trữ 2016-06-29 tại Wayback Machine (Hart Publishing: Oxford, 2013).
  • Patterson, David S. "The United States and the origins of the world court". Political Science Quarterly 91.2 (1976): 279–295. JSTOR 2148413.
  • Rosenne, S., Rosenne's the world court: what it is and how it works (6th ed.). Leiden: Martinus Nijhoff, 2003.
  • Van Der Wolf W. & De Ruiter D., "The International Court of Justice: Facts and Documents About the History and Work of the Court" (International Courts Association, 2011)
  • Wilde, Ralph; Charlesworth, Hilary; Schrijver, Nico; Krisch, Nico; Chimni, B. S.; Gowlland-Debbas, Vera; Klabbers, Jan; Yee, Sienho; Shearer, Ivan (11 tháng 12 năm 2011). “United Nations Reform Through Practice: Report of the International Law Association Study Group on United Nations Reform”. SSRN 1971008.
  • Yee, Sienho. "Article 38 of the ICJ Statute and Applicable Law: Selected Issues in Recent Cases", Journal of International Dispute Settlement 7 (2016), 472–498.
  • Zimmermann, Andreas; Christian Tomuschat, Karin Oellers-Frahm & Christian J. Tams (eds.), The Statute of the International Court of Justice: A Commentary (2nd. ed. October 2012, Oxford University Press).

Liên kết ngoài

sửa

Bài giảng

sửa