Hồ Genève
Hồ Genève, hồ Geneva hay hồ Léman là một hồ ở Tây Âu. Tên gọi của nó, có lẽ có nguồn gốc từ tiếng Celt từ gốc ban đầu là tiếng Latinh. Tên gọi này thay đổi theo thời gian: lacus Lemanus hay hồ Genève, hồ Léman.
Hồ Genève | |
---|---|
Cảnh quan nhìn từ Montreux | |
Địa lý | |
Khu vực | Thụy Sĩ, Pháp |
Tọa độ | 46°26′B 6°33′Đ / 46,433°B 6,55°Đ |
Kiểu hồ | hồ tự nhiên |
Nguồn cấp nước chính | Rhône, Venoge, Dranse, Aubonne |
Nguồn thoát đi chính | Rhone |
Lưu vực | 7.975 km² (3.079 dặm²) |
Quốc gia lưu vực | Thụy Sĩ, Pháp |
Độ dài tối đa | 73 km (45 dặm) |
Độ rộng tối đa | 14 km (8,7 dặm) |
Diện tích bề mặt | 582 km² (225 dặm²) |
Độ sâu trung bình | 154,4 m |
Độ sâu tối đa | 310 m |
Dung tích | 89 km³ |
Thời gian giữ lại nước | 11,4 năm |
Cao độ bề mặt | 372 m |
Các đảo | Ile de la Harpe, Ile de Peilz (đảo nhỏ) |
Khu dân cư | Genève (CH), Lausanne (CH), Evian (F), Montreux (CH), Thonon (F), Vevey (CH) (xem danh sách) |
Nó là hồ nước ngọt lớn thứ hai tại Trung Âu khi nói tới diện tích bề mặt, chỉ sau hồ Balaton. Khoảng 60% diện tích của nó thuộc chủ quyền của Thụy Sĩ (các bang Vaud, Genève và Valais), và 40% thuộc Pháp (tỉnh Haute-Savoie). Bờ phía bắc và hai đầu thuộc về Thụy Sĩ trong khi bờ phía nam thuộc về Pháp. Biên giới giữa hai quốc gia chạy ngang qua mặt hồ.
Hồ này có hình dáng giống như trăng lưỡi liềm hay hình dấu phẩy, được hình thành từ sông băng Rhône đang rút xuống, hẹp lại tại khu vực quanh Yvoire trên bờ phía nam, vì thế có thể chia ra thành Grand-Lac (hồ lớn) ở phía đông và Petit-Lac (hồ nhỏ) ở phía tây. Nó nằm trên dòng chảy của sông Rhône. Sông này bắt nguồn từ sông băng Rhône gần đèo Grimsel ở phía đông của hồ và chảy qua bang Valais, nhập vào hồ tại khu vực nằm giữa Villeneuve và St. Gingolph, trước khi chảy chậm về phía lối thoát ra của nó tại Genève. Các chi lưu khác là Dranse, Aubonne, Morges, Morge, Venoge, Veveyse, Foron và Serine v.v.
Sự hình thành của hồ có nhiều nguồn gốc: các nếp uốn kiến tạo đã tạo ra phần Grand-Lac còn tác động của sông băng Rhône tạo thành Petit-Lac (đoạn nằm giữa Genève và Yvoire/Nyon). Nó được hình thành trong thời kỳ rút xuống của sông băng Rhône sau thời kỳ băng hà gần đây, khoảng 15.000 năm trước.
Đặc trưng
sửa- Chiều dài theo trục: 72,8 km
- Chiều rộng tối đa: 13,8 km
- Diện tích: 582,4 km², trong đó 348,4 km² thuộc Thụy Sĩ và 234,0 km² thuộc Pháp.
- Độ cao: 372 m
- Độ sâu tối đa: 309,7 m, điểm đánh giá nằm giữa Lausanne và Évian
- Tổng dung tích nước: 89 tỷ m³
- Nhiệt độ nước tối thiểu: 6 °C
Nguồn gốc tên gọi và định danh
sửaHồ Genève xuất hiện trong văn chương vào khoảng năm 50 TCN dưới tên gọi có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp Lemánē límnē hay Lemános límnē (Λεμάνη λίμνη / Λεμάνος λίμνη). Tên gọi này thậm chí đã được Julius Caesar sử dụng và phổ biến, vào năm 58 TCN, như một phần của Genava và lacus lemanus khi chiến đấu chống lại người Helvetia. Với sự phát triển của bản đồ học, các tên gọi đã nở rộ trong giai đoạn từ thế kỷ 2 tới thế kỷ 4: lacu lausonio, lacus losanetes hay lac de Lozanne (đều có nghĩa là hồ Lausanne).
Như là kết quả của danh tiếng quốc tế mới của Genève, tên gọi lac de Genève (hồ Genève hay hồ Geneva) đã xuất hiện và tồn tại cùng các tên gọi đã có (thế kỷ 16). Vào thời gian đó, hồ Genève được gọi là Petit-Lac (79 km²) và lac de Lausanne (503 km²) là Grand-Lac. Theo thời gian, tên gọi hồ Lausanne biến mất và tên gọi lac Léman đã được người Savoyard, người Valais và người Vaud chấp nhận. Tên gọi này phổ biến trong các bản đồ trong tên gọi đầy đủ của một số khu vực dọc theo bờ hồ trong lãnh địa Savoyard (như Maxilly-sur-Léman, Chen-sur-Léman v.v).. Tên gọi Léman, cụ thể là trong thời kỳ Khai sáng, cách mạng Pháp và đế quốc Pháp đệ nhất, được các tác giả như Jean-Jacques Rousseau và Voltaire sử dụng và phục vụ như là tên gọi thay thế cho tỉnh cũ Léman mà khi đó bao gồm cả phần phía bắc Savoy, là Gex và Genève.
François-Alphonse Forel, một bác sĩ và khoa học gia người Thụy Sĩ cuối thế kỷ 19, đã nói rằng "việc sử dụng có xu hướng được thiết lập trong địa lý, và nó là hợp lý, để lựa chọn, khi chúng tồn tại, tên gọi của hồ lấy theo tên gọi các thành phố trên bờ của nó. Hồ là một thực thể địa lý riêng tự chính nó và bởi chính nó."
Ngày nay, trong các từ điển Pháp ngữ, phần của hồ gần với Genève thường được gọi là lac Genève (hồ Genève), một thuật ngữ thường được những người không phải người nói tiếng Pháp dùng để gọi hồ. Nó là dạng ưa thích để phiên dịch sang nhiều ngôn ngữ khác (chẳng hạn Genfersee hay Genfer see trong tiếng Đức, lake Geneva trong tiếng Anh). Trong tiếng Ý, người ta gọi nó là Lemano lago hay lago di Ginevra.
Các thuật ngữ Petit-Lac và Grand-Lac đôi khi vẫn còn được sử dụng, đặc biệt là trong khu vực gần Genève, giống như Haut Lac (Hồ thượng) ở đầu bên kia của hồ, trong khu vực Villeneuve.
Khí hậu
sửaMặc dù nằm ở rìa của dãy núi Alps, hồ Genève, do lượng nước khổng lồ mà nó chứa, tạo ra cho khu vực xung quanh một tiểu khí hậu, đặc biệt tại khu vực Montreux và các vùng phụ cận với đô thị này, nơi người ta có thể trồng các loài cọ, dừa, thùa và nhiều loài cây nhiệt đới khác. Về mùa đông, hồ tỏa bớt lượng nhiệt mà nó đã thu giữ trong mùa hè và làm dịu mùa đông khắc nghiệt của miền núi vùng ôn đới. Trong mùa hè, nó làm dịu hơn toàn bộ các vùng phụ cận.
Nhưng trong mùa đông, khi một số điều kiện nhất định đạt được - khi các khối khí lạnh và khô bị tù hãm trong tầng trung và cao của khí quyển gặp gỡ với khối khí nóng và ẩm bốc lên từ hồ, sẽ tạo thành khối sương mù dày có độ cao tới 200–300 m, có thể bị giam hãm trong phạm vi khoảng 100 m độ cao tính từ mặt hồ trong 2-3 tuần. Các đám mây từ biển được tăng thêm độ dày khi tiến về phía hồ Genève và chiếm lĩnh thung lũng cận kề với nó tới độ cao 800-1.000 m.
Thủy văn
sửaHồ Genève nhận nước từ một số con sông chảy tới từ các bang cận kề thuộc Thụy Sĩ cũng như từ tỉnh Haute-Savoie của Pháp. Sông Rhône là nguồn cung cấp nước chủ yếu do nó nhận nước từ tất cả các sông suối tren các sườn đồi núi thuộc hai bang Valais và Vaud. Sự ô nhiễm là nghiêm trọng trong thập niên 1980, nhưng tình hình đã được ổn định trở lại với các biện pháp làm giảm tảo và tăng oxy. Tuy nhiên, ngay cả hiện nay, các chất thải như các dạng phosphat và phân bón vẫn còn được thải vào hồ.
CIPEL
sửaỦy ban quốc tế bảo vệ hồ Genève (Commission internationale pour la protection des eaux du Léman: CIPEL) là một ủy ban liên quốc gia của Pháp và Thụy Sĩ, đã hoạt động kể từ năm 1962 nhằm cải thiện chất lượng nước của hồ Genève. Năm 2001, người ta đã bắt đầu một kế hoạch mới với mục tiêu chính là cải thiện chất lượng nước uống trong lưu vực hồ.
Các nghiên cứu cổ môi trường, do trạm thủy văn hồ Genève của Viện nghiên cứu nông học quốc gia Pháp (INRA) thực hiện trên các dấu tích thực vật sót lại, có cơ sở tại Thonon-les-Bains, đã phát hiện ra rằng khu vực lòng chảo Léman đã trải qua các thay đổi sinh học và khí hậu mạnh trong nửa thế kỷ qua. Nhiều loài thực vật đã biến mất do hàm lượng quá cao của phosphor, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ dịch hại và các kim loại nặng - người ta vẫn có thể tìm thấy tạo các đáy hồ trong khu vực Alps các dấu vết của chì kim loại có từ thời La Mã - từ các hoạt động đô thị và nông nghiệp - một mét vuông bờ hồ bị ô nhiễm sẽ gây ô nhiễm cho 12 mét khối nước - đã dẫn tới việc sinh sôi nảy nở quá nhanh của tảo, tiêu hao hết lượng oxy hòa tan trong nước trong sự cung cấp dinh dưỡng quá tốt.
Mật độ các chất rắn lơ lửng, thực vật phù du bị giảm xuống, do chúng không còn nhận được đủ lượng ánh sáng cần thiết - sự suy giảm của thực vật phù du đã dẫn tới sự biến mất của các loài cá như cá gai (Gasterosteidae), đã biến mất vào năm 1922, nhưng vẫn còn được tìm thấy với mộtlượng nhỏ vào thập niên 1970, và sứa nước ngọt biến mất vào năm 1962. Ngoài ra, sự biến mất của thực vật phù du đã cung cấp nơi sinh sản cho một loài vi khuẩn lam là vi tảo (Planktothrix rubescens), làm cho nước chứa các độc tố có hại cho gan, nguy hiểm trong việc ăn cá và ngay cho cả việc bơi lội.
Quan sát, giám sát các chu trình theo mùa và hàng năm của các hệ thủy sinh thái, nghiên cứu các ảnh hưởng khí hậu và ô nhiễm (thuốc trừ cỏ, thuốc trừ dịch hại, kim loại nặng), mật độ của mao trùng (Ciliophora) nguyên sinh, luân trùng (Rotifera) trong động vật phù du cùng các loài ăn cỏ khác có chức năng lọc nước, kiến thức về các loài mới xuất hiện, hỗ trợ theo thời gian cho việc vạch ra kế hoạch để phục hồi và ngăn ngừa, bước đầu thực hiện sự cải thiện chất lượng nước uống trong lưu vực và vì thế là của hồ Genève.
Sự ít ỏi của việc nhào trộn hoàn toàn nước trong hồ, là điều đòi hỏi phải có mùa đông rất lạnh để nước bề mặt đem oxy của nó xuống sâu; cùng khí hậu ấm làm thay đổi thời gian trong chu kỳ đẻ trứng của cá sẽ là các nguồn của các thích ứng mới của các hệ sinh thái của hồ.
Đô thị
sửa- Chablais thuộc Pháp (tỉnh Haute-Savoie)
- Ba bang của Thụy Sĩ:
Trên bờ hồ này là các đô thị như Allaman, Anières, Anthy-sur-Léman, Bursinel, Corsier, Collonge-Bellerive, Cologny, Genève, Hermance, Port-Valais, Nyon, Gland, Perroy, Rolle, Morges, Lausanne, Vevey, Montreux, Villeneuve, Saint-Gingolph, Saint-Prex, Saint-Sulpice, Evian-les-Bains, Thonon-les-Bains, Tolochenaz, Preverenges, Excenevex, Versoix, Veytaux, Pully, Lutry, Cully và Yvoire.
Trên hồ có một vài đảo nhỏ: Ile de Peilz, Château de Chillon, Ile of Salagnon, Ile de la Harpe.
Môi trường và quần động thực vật
sửaChất lượng nước được cải thiện kể từ thập niên 1970. Vào ngày 2 tháng 4 năm 2008, hai tỉnh Savoie và Haute-Savoie đã cấm đánh bắt cá để ăn và bán đối với cá hồi Bắc cực (Salvelinus alpinus) trong hồ Genève do hàm lượng của các polyclorobiphenyl (PCB) và đioxyn cao hơn các tiêu chuẩn quy định đối với hai mẫu cá này, làm cho chúng không thích hợp cho việc tiêu thụ của con người và động vật"[1], "cho đến khi phân tích chính thức cho thấy các biện pháp này dường như là không hữu ích để kiểm soát rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng", trong khi chờ đợi kết quả điều tra của Cục An toàn Thực phẩm Pháp (Afssa) về phạm vi của vấn đề (việc đánh bắt cá không dùng để ăn vẫn cho phép, cũng như bơi lội và các môn thể thao trong nước, do PCB hòa tan kém trong nước).
Cá
sửaNăm 2006, có 146 ngư dân (151 năm 2005), với độ tuổi trung bình là 42 và 7.340 người câu cá giải trí (6.086 năm 2005) tại khu vực hồ Genève. Tổng lượng cá đánh bắt khoảng 650 tấn (hay 11 kg cá trên mỗi hecta).
Hiện nay trong hồ Genève có khoảng 30 loài cá, bao gồm:
- Cá hồi trắng, tên bản xứ là féra (cá hồi trắng Léman), đánh bắt 360 tấn năm 2006 (310 tấn năm 2005);
- Cá vược làm phi lê, 224 tấn năm 2006 (234 tấn năm 2005);
- Cá chó (Esox spp.), 35 tấn năm 2006 (47 tấn năm 2005, 29 tấn năm 2004, 31 tấn năm 2000). Một con cá chó dài 1,34 m đã được đánh bắt từ hồ này năm 1996, một con khác nặng 20,5 kg đánh bắt tháng 3 năm 2004 tại bang Vaud;
- Cá hồi hồ, 11 tấn năm 2006 (17 tấn năm 2005, 27 tấn năm 2004);
- Cá hồi Bắc cực (Salvelinus alpinus), 14 tấn năm 2006 (17 tấn năm 2005, 9 tấn năm 2004, 68 tấn năm 2000), tuy nhiên loài cá này rất nhạy cảm với sự ấm lên của khí hậu do sự sinh sản của nó đòi hỏi phải có nước rất lạnh;
- Tôm sông Bắc Mỹ (Orconectes limosus) được ngẫu nhiên thả vào hồ trong thập niên 1980 hiện nay đã sinh sôi nảy nở trong các vùng nước của hồ. Loài động vật giáp xác nhỏ này, được đánh giá cao vì nhiều thịt, hiện nay được đánh bắt để cung cấp cho các nhà hàng.
Năm 2007, tổng cộng 1,2 triệu con cá hồi Bắc cực (5 tới 9 mm) và 500.000 cá hồi hồ (5 tới 10 mm) đã được thả vào hồ từ cả phía Pháp lẫn Thụy Sĩ, nhưng theo INRA, sinh sản tự nhiên vẫn chiếm ưu thế do tình trạng tốt hơn của hồ nhờ chất lượng sinh vật phù du tốt hơn. Tuy nhiên, "cá chó, loài cá săn mồi chủ yếu của hồ, đã tàn phá tất cả", đặc biệt là đối với cá hồi Bắc cực và cá hồi hồ. Kết quả là, việc đánh bắt loài cá này hiện nay tăng trung bình khoảng 4 tấn mỗi năm với mục tiêu 50 tấn mỗi năm, nhưng điều này dường như là chưa đủ.
Do sự phổ biến của cá chó, loài cá ăn thịt cá hồi Bắc cực, nên thời kỳ bảo vệ nó (1 tháng 4 tới 10 tháng 5) đã bị dỡ bỏ vào năm 2007.
Chim
sửaNằm trên đường di cư giữa dãy núi Alps và dãy núi Jura, hồ này là địa điểm ưa thích của nhiều loài chim. Đến từ Scandinavia hay Siberi, khoảng 150.000 con chim đã bay tới đây mỗi năm để trú đông, bao gồm cốc lớn (Phalacrocorax carbo), vịt mỏ nhọn thường (Mergus merganser), chim lặn mào lớn (Podiceps cristatus) và sâm cầm (Fulica atra).
Du lịch
sửaThuyền
sửaKhoảng 20.000 tàu thuyền các loại đậu trên hồ, phục vụ cho bơi thuyền, du lịch và câu cá.
Tàu hơi nước chạy bằng guồng (đội tàu của nó gọi là Belle Époque), phục vụ từ thế kỷ 19 cho các đô thị chính quanh hồ. Quản lý đội tàu thuyền này là Compagnie générale de navigation (CGN).
Cũng có thể đi lại bằng các loại thuyền gỗ cổ truyền thống như La Savoie hay La Vaudoise.
Các sự kiện thể thao
sửaHàng năm, tại hồ này trong tháng 6 diễn ra cuộc một trong những cuộc đua thuyền quan trọng nhất trên thế giới: Bol d'or (bát vàng). Trung bình có khoảng 600 thuyền tham dự cuộc đua. Mục tiêu của cuộc đua là đạt thời gian ngắn nhất trên hành trình Genève - Le Bouveret -Genève.
Giữa tháng 9 hàng năm, một cuộc đua thuyền tương tự được tổ chức, nhưng chỉ với 1 người chèo mỗi thuyền, gọi là Translémanique in Solitaire.
Một cuộc đua thuyền thường niên quan trọng khác cũng diễn ra tại đây: đó là 5 jours du Léman (5 ngày trên hồ Léman). Nó là cuộc đua dài nhất về sức chịu đựng trong lưu vực khép kín ở châu Âu. Theo thời gian, nhiều cuộc đua khác cũng diễn ra tại hồ này, một loạt các tàu nhiều thân cũng đã được đưa ra.
Đầu tháng 6, một cuộc đua xe đạp diễn ra vòng quanh hồ.
Mô tô nước cá nhân bị cấm trên toàn bộ hồ Genève.
Các điểm thu hút
sửaBên bờ hồ Genève là lâu đài Chillon (château de Chillon). Nó được tiểu thuyết hóa bởi Jean-Jacques Rousseau trong tiểu thuyết "Julie, ou la nouvelle Héloïse" (Julie, hay Heloise mới) và Lord Byron trong bài thơ "The Prisoner of Chillon" (Người tù ở Chillon).
Cũng đáng lưu ý là đảo Harpe, hay đảo Rolle, nằm cách 100 mét từ rìa bờ; có thể tới đó bằng bơi lội trong mùa hè hay bằng thuyền trong bất kỳ mùa nào do ở đó có một vũng tàu.
Trên bờ nam, thuộc địa phận Haute-Savoie là làng/công xã Yvoire nằm trên mỏm đá nhô ra chia tách Petit-Lac với Grand-Lac, được biết đến như là "hạt châu của Léman" vì các công trình xây dựng thời Trung cổ và trang trí hoa rất đẹp trong mùa hè. Đáng chú ý còn có bãi biển dài và rộng ở công xã Excenevex và các tua du lịch tới lâu đài Ripaille (château de Ripaille) ở công xã Thonon-les-Bains, các công viên và các vườn nho của chúng.
Viện bảo tàng Léman tại Nyon (Thụy Sĩ) hướng tới nhận thức về các thách thức hiện tại của hồ Léman trong công cuộc phòng chống ô nhiễm, bảo vệ sự sống hoang dã và quần thực vật thủy sinh cũng như chất lượng nước của hồ.
Thư viện ảnh
sửa-
Hoàng hôn bên hồ Léman
-
Hồ Léman và La Barillette (nhìn từ phía đông)
-
Cảnh quan của Petit-Lac từ hướng Lausanne
-
Hồ Léman tại Genève
Xem thêm
sửaGhi chú
sửa- ^ Nghị định tỉnh ngày 2-4-2008 (áp dụng cho cả hồ Bourget và hồ Annecy)