Viện Công nghệ Massachusetts

viện đại học nghiên cứu tư thục ở Massachusetts (Hoa Kỳ)

Viện Công nghệ Massachusetts (tiếng Anh: Massachusetts Institute of Technology hay MIT) là một viện đại học nghiên cứu tư thục ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kỳ. MIT nổi tiếng nhờ hoạt động nghiên cứu và giáo dục trong các ngành khoa học vật lý, kỹ thuật, cũng như trong các ngành sinh học, kinh tế học, ngôn ngữ học, và quản lý.

Viện Công nghệ Massachusetts
Vị trí
Map
, ,
Thông tin
LoạiTư thục
Khẩu hiệuMens et Manus (Trí óc và Đôi tay)
Thành lập1861 (mở cửa 1865)
Hiệu trưởngL. Rafael Reif
Giảng viên1.018
Khuôn viênThành thị, 168 mẫu Anh (0,7 km2)
MàuĐỏ hồng yxám         
Linh vậtHải ly
Tài trợUS $11 tỷ (2013)[2]
Người đoạt giải Nobel81[1]
Thể thaoDivision III
41 varsity teams
Websiteweb.mit.edu
Tổ chức và quản lý
Phó hiệu trưởngChris A. Kaiser
Thống kê
Sinh viên đại học4.384
Sinh viên sau đại học6.510

MIT được thành lập vào năm 1861 nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa của Hoa Kỳ, dựa trên mô hình viện đại học bách khoa (polytechnic university) và nhấn mạnh đến việc giảng dạy trong phòng thí nghiệm. MIT ban đầu nhấn mạnh đến các ngành công nghệ ứng dụng ở bậc đại học và sau đại học, và chính điều này giúp thiết lập sự hợp tác gần gũi với các công ty công nghiệp. Những cải cách chương trình học dưới thời các Viện trưởng Karl Compton và Vannevar Bush trong thập niên 1930 nhấn mạnh các ngành khoa học cơ bản. MIT gia nhập Hiệp hội Viện Đại học Bắc Mỹ vào năm 1934. Các nhà nghiên cứu ở MIT nghiên cứu và thiết kế máy tính, radar, và hệ thống định vị trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai và thời Chiến tranh lạnh. Hoạt động nghiên cứu quốc phòng thời hậu chiến đã đóng góp vào sự gia tăng nhanh chóng số lượng giảng viên và sự phát triển của khuôn viên viện đại học dưới thời Viện trưởng James Killian. Khuôn viên hiện tại rộng 168 mẫu Anh (68,0 ha) mở cửa vào năm 1916 và mở rộng hơn 1 dặm (1,6 km) dòng theo bờ bắc con sông Charles.

Ngày nay MIT bao gồm nhiều khoa học thuật khác nhau, nhấn mạnh đến nghiên cứu và giáo dục trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, quản lýkhoa học xã hội. MIT có năm trường (Trường Khoa học, Trường Kỹ thuật, Trường Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Quản lý, và Trường Nhân văn, Nghệ thuật, và Khoa học Xã hội) và một trường đại học (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Y tế), bao gồm tổng cộng 32 khoa. Viện đại học này có 93 người được giải Nobel, 25 người nhận giải thưởng Turing, 58 người nhận Huân chương Khoa học Quốc gia (National Medal of Science), 29 người nhận Huân chương Công nghệ và Sáng tạo Quốc gia (National Medal of Technology and Innovation) 45 Học giả Rhodes (Rhodes Scholars), và 50 Học giả MacArthur (MacArthur Fellows).

MIT và cựu sinh viên đóng vai trò lớn trong nhiều phát kiến khoa học công nghệ hiện đại. Viện MIT cũng là một đối tác nghiên cứu quốc phòng quan trọng của chính phủ Mĩ, đặc biệt trong các dự án về hạt nhân, khoa học không gian, khoa học máy tínhcông nghệ nano. 41 cựu sinh viên MIT đã trở thành phi hành gia của Hoa Kỳ và các nước khác. Trong số 12 người đã từng đặt chân lên Mặt Trăng, 4 trong số đó có bằng cấp từ MIT. Cựu sinh viên và cựu giảng viên Tiền Học Sâm khi trở về Trung Quốc đã lãnh đạo chương trình không gian và đạn tự hành và bom hạt nhân, được mệnh danh là "Cha đẻ của ngành tên lửa Trung Quốc" (hoặc "Vua tên lửa").

MIT là một trong những cơ sở giáo dục bậc cao có tiêu chuẩn tuyển chọn sinh viên khắt khe nhất; chẳng hạn, khóa sẽ tốt nghiệp vào năm 2016 có 1.620 sinh viên được tuyển chọn từ 18.109 thí sinh, như vậy tỷ lệ được nhận vào chỉ 8.95%.

Lịch sử

sửa

Sự hình thành và tầm nhìn

sửa
 
Một phòng thí nghiệm cơ khí ở MIT, thế kỷ 19 (hình chụp của E. L. Allen).
 
Tòa nhà Rogers của MIT, ở Back Bay, Boston, thế kỷ 19 (hình của E. L. Allen).
... một trường khoa học công nghiệp [nhằm thúc đẩy] sự tiến bộ, phát triển, và ứng dụng thực tiễn của khoa học trong kỹ nghệ, nông nghiệp, sản xuất, và thương mại.

—Điều luật lập ra Viện Công nghệ Massachusetts,
Các điều luật năm 1861, Chương 183, [3]

Năm 1859, đề xuất sử dụng khu đất mới san bằng ở Back Bay, Boston, để xây một "Viện Kỹ nghệ và Khoa học" (Conservatory of Art and Science) đã được gởi đến Cơ quan Lập pháp Massachusetts nhưng không được chấp thuận.[4][5] Năm 1861, William Barton Rogers đề xuất thành lập Viện Công nghệ Massachusetts thì được chấp thuận, và thống đốc John Albion Andrew của bang Massachusetts ký quyết định thành lập vào ngày 10 tháng 4 năm 1861.[6]

Rogers muốn thiết lập một cơ sở giáo dục nhằm đáp ứng những tiến bộ nhanh chóng trong khoa học và công nghệ.[7][8] Ông không muốn thành lập một trường chuyên nghiệp (professional school), mà muốn tạo ra một sự kết hợp bao gồm yếu tố giáo dục khai phónggiáo dục chuyên nghiệp,[9] cho rằng "Đối tượng thực sự và duy nhất mang tính thực tiễn của một trường bách khoa (polytechnic school) là, như tôi thấy, sự giảng dạy không chỉ những chi tiết vụn vặt và những thao tác kỹ thuật vốn chỉ có thể thực hiện trong xưởng thực hành mà còn khắc sâu những nguyên lý khoa học hình thành nên cơ sở và lời giải thích cho những chi tiết và thao tác đó, và cùng với nó, một sự xem xét đầy đủ và có phương pháp tất cả những quá trình và hoạt động chủ đạo của chúng trong liên hệ với các định luật vật lý."[10] Kế hoạch của Rogers phản ánh mô hình viện đại học nghiên cứu của Đức, nhấn mạnh đến một tập thể giáo sư độc lập với hoạt động nghiên cứu và giảng dạy diễn ra quanh các buổi xê-mi-na và trong phòng thí nghiệm.[11][12]

Những phát triển ban đầu

sửa
 
Bản đồ khuôn viên Viện Công nghệ Massachusetts ở Boston năm 1905.

Chỉ hai ngày sau khi quyết định thành lập MIT được ký, Nội chiến Hoa Kỳ bùng nổ. Sau một thời gian dài trì hoãn, những lớp học đầu tiên của MIT diễn ra ở Tòa nhà Mercantile ở Boston năm 1865.[13] Viện công nghệ này có sứ mệnh phù hợp với ý định của Luật Morill năm 1862 nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục "nhằm thúc đẩy giáo dục khai phóng và thực hành trong các tầng lớp kỹ nghệ," và là một trường được cấp đất (land-grant school).[14] Năm 1866, tiền thu được từ việc bán đất được sử dụng để xây những tòa nhà mới ở vùng Back Bay.[15]

MIT từng được gọi một cách không chính thức là "Boston Tech".[15] Viện công nghệ này được xây dựng theo mô hình viện đại học bách khoa của châu Âu và lúc ban đầu nhấn mạnh đến việc giảng dạy thực hành.[16] Sau một khoảng thời gian có nhiều bất ổn về tài chính, MIT phát triển mạnh trong hai thập niên cuối thế kỷ 19 dưới thời Viện trưởng Francis Amasa Walker.[17] Các chương trình trong các ngành kỹ thuật điện, hóa, hàng hải, và y tế được mở ra,[18][19] các tòa nhà mới được xây dựng, và số lượng sinh viên tăng lên thành hơn một ngàn.[17]

 
Tòa nhà Mái vòm lớn (Great Dome) là công trình nổi bật và là nơi tiến hành lễ tốt nghiệp của Viện Công nghệ Massachusetts

Chương trình học trở nên có tính chất dạy nghề hơn, ít tập trung vào khoa học lý thuyết.[20] Trong những năm thường được gọi với tên "Boston Tech" này, tập thể giảng viên và các cựu sinh viên của MIT đã cự tuyệt quyết tâm của Charles W. Eliot, viện trưởng của Viện Đại học Harvard và là cựu giảng viên của MIT, nhiều lần muốn hợp nhất MIT với Trường Khoa học Lawrence (Lawrence Scientific School) của Harvard.[21]

Năm 1916, MIT chuyển đến khuôn viên mới nằm trên một dải đất dài một dặm dọc theo sông Charles ở phía thành phố Cambridge, một phần trước đây là đất ngập nước.[22][23] Khu khuôn viên theo kiến trúc tân cổ điển do William W. Bosworth thiết kế[24] và được tài trợ chủ yếu từ những khoản đóng góp nặc danh từ một người có tên bí ẩn "Ông Smith." Gần 80 năm sau lần đóng góp đầu tiên, người ta phát hiện ra "Ông Smith" chính là nhà công nghiệp George Eastman. Trong thời gian 80 năm này, George Eastman tặng 20 triệu đô-la bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu của công ty Kodak cho MIT.[25]

Những cải cách chương trình học

sửa

Trong thập niên 1930, Viện trưởng Karl Taylor Compton và Phó viện trưởng (phụ trách học thuật) Vannevar Bush nhấn mạnh tầm quan trọng của các ngành khoa học thuần túy như vật lý và hóa học, và do đó giảm bớt thời gian học tập trong các xưởng thực hành.[26] Những cải cách của Compton "đã giúp khôi phục và thúc đẩy sự tự tin ở khả năng MIT sẽ dẫn đầu trong khoa học cũng như trong kỹ thuật."[27] Không giống như những trường khác thuộc nhóm Ivy League, MIT hướng nhiều hơn đến các gia đình trung lưu, dựa vào học phí nhiều hơn là những khoản hiến tặng hay tài trợ.[28] MIT được kết nạp vào Hiệp hội Viện Đại học Bắc Mỹ vào năm 1934.[29]

Tuy vậy, cho đến tận năm 1949, Ủy ban Lewis (Lewis Committee) vẫn than vãn trong báo cáo của mình về tình trạng giáo dục ở MIT rằng "nhiều người xem viện công nghệ này về cơ bản vẫn là một trường dạy nghề," một quan điểm mà ủy ban này cho là "hơi thiếu thỏa đáng" và muốn thay đổi. Bản báo cáo xem xét toàn diện chương trình học bậc đại học, đề xuất một chương trình giáo dục rộng hơn, và cảnh báo việc để các ngành kỹ thuật và các chương trình nghiên cứu do chính phủ tài trợ làm chệch hướng khỏi các ngành khoa học và nhân văn.[30][31] Trường Nhân văn, Nghệ thuật, và Khoa học Xã hội (School of Humanities, Arts, and Social Sciences) và Trường Quản lý Sloan (Sloan School of Management) được thành lập vào năm 1950 để cạnh tranh với hai trường hùng mạnh mà MIT đang có vào lúc đó: Trường Khoa học (School of Science) và Trường Kỹ thuật (School of Engineering). Những tập thể giảng viên trước đây trong những lĩnh vực không được xem trọng như kinh tế, quản lý, khoa học chính trị, và ngôn ngữ học nay hợp thành những khoa hoàn chỉnh và đầy tự tin bằng cách thu hút những vị giáo sư đáng kính và mở ra những chương trình sau đại học có tính cạnh tranh.[32][33] Trường Nhân văn, Nghệ thuật, và Khoa học Xã hội tiếp tục phát triển dưới các nhiệm kỳ liên tiếp của các viện trưởng Howard W. Johnson và Jerome Wiesner từ 1966 đến 1980, hai nhà lãnh đạo có xu hướng ưu ái các ngành nhân văn.[34]

Nghiên cứu quốc phòng

sửa

Sự can dự của MIT vào nghiên cứu quân sự bùng nổ trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1941, Vannevar Bush được bổ nhiệm đứng đầu Phòng Nghiên cứu Khoa học và Phát triển của liên bang và đã phân bổ các khoản tài trợ đến chỉ một nhóm viện đại học được chọn, trong đó có MIT.[35] Các kỹ sư và nhà khoa học từ khắp nước hội tụ về Phòng Thí nghiệm Bức xạ (Radiation Laboratory) của MIT, được thiết lập vào năm 1940 nhằm giúp quân đội Anh phát triển radar có bước sóng micromét. Công trình thực hiện ở đây đã có tác động đáng kể lên cuộc chiến và hoạt động nghiên cứu sau đó trong lĩnh vực nghiên cứu này.[36] Những công trình nghiên cứ phục vụ quốc phòng khác bao gồm những hệ thống điều khiển dựa trên con quay hồi chuyển và những hệ thống phức tạp khác cho thiết bị ngắm của súng, thiết bị định vị để thả bom, và thiết bị định hướng quán tính, thực hiện ở Phòng Thí nghiệm Công cụ (Instrumentation Laboratory) do Charles Stark Draper sáng lập và điều hành.;[37][38] phát triển máy tính kỹ thuật số dùng trong mô phỏng chuyến bay, trong Dự án Whirlwind (Project Whirlwind);[39] và thiết bị chụp ảnh từ cao và ở tốc độ cao, do Harold Edgerton nghiên cứu.[40][41] Vào cuối cuộc chiến, MIT trở thành nhà thầu lớn nhất nước về nghiên cứu và phát triển trong thời chiến (khiến Bush có vài lời chỉ trích),[35] thuê gần 4000 người làm việc trong Phòng Thí nghiệm Bức xạ[36] và nhận hơn 100 triệu đô-la ($118 tỷ đô-la tính theo giá trị đồng đô-la năm 2012) trước năm 1946.[27] Các công trình quốc phòng vẫn được tiếp tục sau đó. Nghiên cứu do chính phủ tài trợ sau chiến tranh ở MIT bao gồm hệ thống môi trường mặt đất bán tự động (SAGE) và hệ thống dẫn đường cho tên lửa đạn đạoDự án Apollo.[42]

... một kiểu cơ sở giáo dục đặc biệt có thể xem như là một viện đại học xoay quanh khoa học, kỹ thuật, và các ngành khai phóng. Chúng ta có thể gọi nó là một viện đại các học giả hạn trong những mục tiêu của nó nhưng vô hạn trong độ rộng và chiều sâu mà nó theo đuổi những mục tiêu này.

—Viện trưởng của MIT James Rhyne Killian, [43]

Những hoạt động này ảnh hưởng MIT một cách sâu sắc. Một báo cáo năm 1949 lưu ý việc "không có dấu hiệu chậm lại nào trong đời sống ở Viện công nghệ" đánh dấu hòa bình trở lại, hoài niệm "sự thanh bình học thuật của những năm trước chiến tranh", mặc dù ghi nhận những đóng góp đáng kể của hoạt động nghiên cứu quân sự lên việc nhấn mạnh hơn vào giáo dục sau đại học và sự gia tăng nhanh chóng nhận lực và cơ sở vật chất.[44] Thực sự số lượng giảng viên đã tăng gấp đôi và số lượng sinh viên đã tăng gấp bốn lần trong các nhiệm kỳ của Karl Taylor Compton, viện trưởng của MIT từ năm 1930 đến 1948, James Rhyne Killian, viện trưởng từ năm 1948 đến 1957, và Julius Adams Stratton, viện trưởng từ năm 1952 đến 1957, những người đã định hình sự phát triển của viện đại học. Đến thập niên 1950, MIT không còn là nơi chỉ mang lại lợi ích cho các công ty công nghiệp mà nó đã có quan hệ gần gũi trong suốt ba thập niên trước đó, mà còn gần gũi hơn với những tổ chức bảo trợ mới của mình, những quỹ thiện nguyện và chính phủ liên bang.[45]

Cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, những nhà hoạt động là sinh viên và giảng viên phản đối Chiến tranh Việt Nam và hoạt động nghiên cứu quốc phòng của MIT.[46][47] Liên đoàn các nhà khoa học có quan tâm (Union of Concerned Scientists) được thành lập vào ngày 4 tháng 3 năm 1969 trong một cuộc họp của giảng viên và sinh viên nhằm chuyển sự nhấn mạnh từ nghiên cứu quân sự sang các vấn đề môi trường và xã hội.[48] MIT cuối cùng đã giảm đầu tư cho Phòng Thí nghiệm Bức xạ và chuyển tất cả các nghiên cứu mật sang cơ sở Phòng Thí nghiệm Lincoln (Lincoln Laboratory) nằm ngoài khuôn viên của MIT vào năm 1973 nhằm đáp lại những hoạt động phản đối,[49][50] từ đó tập thể sinh viên, giảng viên, và ban lãnh đạo MIT tương đối ít chia rẽ trong suốt thời kỳ xáo trộn xảy ra ở nhiều viện đại học khác.[46][51]

Lịch sử gần đây

sửa
 
MIT Media Lab, nơi phát triển những ứng dụng mới của công nghệ máy tính.

MIT đã đồng hành với và giúp thúc đẩy thời đại kỹ thuật số. Ngoài việc có những phát triển mở đường cho tính toán hiện đại và công nghệ mạng máy tính,[52][53] sinh viên, nhân viên, và giảng viên ở Dự án MAC (Project MAC), Phòng Thí nghiệm Trí tuệ Nhân tạo (Artificial Intelligence Laboratory hay AI Lab), và Tech Model Railroad Club đã viết một số những chương trình trò chơi tương tác đầu tiên như Spacewar! và tạo ra phần lớn những từ lóng và văn hóa hacker hiện đại.[54] Một số tổ chức quan trọng liên quan đến máy tính ra đời ở MIT từ thập niên 1980: GNU Project và sau đó là Free Software Foundation đều do Richard Stallman lập ra ở AI Lab vào giữa thập niên 1980; MIT Media Lab do Nicholas Negroponte và Jerome Wiesner thành lập vào năm 1985 nhằm thúc đẩy nghiên cứu những cách sử dụng mới mẽ công nghệ máy tính;[55] tổ chức phát triển các tiêu chuẩn World Wide Web Consortium được Tim Berners-Lee thành lập ở Phòng Thí nghiệm Khoa học Máy tính MIT vào năm 1994;[56] dự án OpenCourseWare giúp đưa lên mạng tài liệu khóa học của hơn 2.000 lớp học ở MIT để mọi người truy cập miễn phí từ năm 2002;[57] và dự án "Một máy tính xách tay cho mỗi trẻ em" (One Laptop per Child) nhằm mở rộng việc giáo dục máy tính và sự kết nối cho trẻ em trên khắp thế giới được triển khai từ năm 2005.[58]

MIT được gọi là "sea-grant college" vào năm 1976 nhằm hỗ trợ những chương trình nghiên cứu của MIT trong các lĩnh vực hải dương học và khoa học hàng hải, và được gọi là "space-grant college" vào năm 1989 nhằm hỗ trợ các chương trình nghiên cứu hàng không và du hành vũ trụ.[59][60] Mặc dù sự hỗ trợ tài chính của chính phủ đã suy giảm trong hơn một phần tư thế kỷ qua, MIT đã thực hiện một số chiến dịch gây quỹ thành công để mở rộng đáng kế khuôn viên của mình: những khu cư xá và những tòa nhà thể thao mới ở khu phía tây khuôn viên; tòa nhà Trung tâm Giáo dục Quản lý Tang (Tang Center for Management Education); một số tòa nhà ở góc đông bắc khuôn viên hỗ trợ nghiên cứu sinh học, các ngành khoa học não bộ và nhận thức, genomics, công nghệ sinh học, và nghiên cứu ung thư; và một số tòa nhà mới nằm dọc đường Vassar bao gồm Trung tâm Stata (Stata Center).[61] Việc xây dựng trong thập niên 2000 bao gồm sự mở rộng tòa nhà Media Lab, khu phía đông khuôn viên của Trường Quản lý Sloan, và những cư xá cho sinh viên sau đại học ở phía tây bắc khuôn viên.[62][63] Năm 2006, Viện trưởng Hockfield thành lập Ủy ban Nghiên cứu Năng lượng (MIT Energy Research Council) nhằm nghiên cứu những thách thức mang tính liên ngành do việc sử dụng năng lượng toàn cầu ngày càng gia tăng mang lại.[64]

Các trường thành viên

sửa

MIT có năm trường (school) và một trường đại học (college):

  • Trường Khoa học (School of Science), gồm có sáu khoa (Sinh học, Não bộ và các ngành khoa học nhận thức, Hóa học, Các ngành khoa học về khí quyển Trái Đất và hành tinh, Toán học, và Vật lý) cùng nhiều trung tâm và phòng thí nghiệm trực thuộc. Trường Khoa học hiện có khoảng 300 giảng viên, 1200 sinh viên sau đại học, và 1000 sinh viên đại học. Đây là trường lớn thứ hai ở MIT. Trường có 16 giảng viên và 16 cựu sinh viên của trường đã được Giải Nobel.[65]
  • Trường Kỹ thuật (School of Engineering), gồm có tám khoa (Hàng không và vũ trụ, Kỹ thuật sinh học, Kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật môi trường và xây dựng, Kỹ thuật điện và khoa học máy tính, Khoa học và kỹ thuật vật liệu, Kỹ thuật cơ khí, Khoa học và kỹ thuật hạt nhân), một phân khoa liên ngành (Kỹ thuật các hệ thống công nghiệp), và nhiều trung tâm và phòng thí nghiệm trực thuộc khác. Đây là trường lớn nhất ở MIT.[66]
  • Trường Kiến trúc và Quy hoạch (School of Architecture and Planning), gồm có năm đơn vị thành viên chính: Khoa Kiến trúc, Khoa Nghiên cứu và Quy hoạch Đô thị, Media Lab, Trung tâm Bất động sản, và Chương trình Nghệ thuật, Văn hóa, và Công nghệ; ngoài ra trường còn có các trung tâm trực thuộc khác.
  • Trường Quản lý Sloan (Sloan School of Management). Đây là trường Quản trị kinh doanh của MIT.
  • Trường Nhân văn, Nghệ thuật, và Khoa học Xã hội (School of Humanities, Arts, and Social Sciences), bao gồm 13 khoa và chương trình, trong đó có các ngành Nhân học, Truyền thông học so sánh, Kinh tế học, Ngôn ngữ và văn học nước ngoài, Lịch sử, Ngôn ngữ học, Triết học, Văn học, Âm nhạc, Nghệ thuật sân khấu, Khoa học chính trị, Khoa học Công nghệ và Xã hội, v.v...
  • Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Y tế Whitaker (Whitaker College of Health Sciences and Technology).

Hoạt động học thuật

sửa

MIT là một viện đại học nghiên cứu có quy mô lớn, phần lớn là nội trú, với đa số sinh viên theo học các chương trình sau đại học và chuyên nghiệp.[67] Viện đại học này đã được Hiệp hội các trường và trường đại học New England (New England Association of Schools and Colleges) kiểm định từ năm 1929.[68][69] MIT hoạt động theo lịch học 4–1–4, theo đó học kỳ mùa thu bắt đầu sau Lễ Lao động (ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 9 hàng năm) và kết thúc vào giữa tháng 12, trong tháng 1 có một giai đoạn kéo dài 4 tuần gọi là "Giai đoạn của các hoạt động độc lập", rồi học kỳ mùa xuân bắt đầu vào đầu tháng 2 và kết thúc vào cuối tháng 5.[70]

Chương trình đại học

sửa

MIT có các chương trình đại học toàn thời gian, học 4 năm, trong các ngành chuyên nghiệp, khai phóng, và khoa học. Các chương trình này tuyển chọn sinh viên khắt khe, chỉ nhận 9.7% trong số các thí sinh nộp đơn xin học trong mùa tuyển sinh 2010-2011, và nhận rất ít sinh viên chuyển trường.[71] Năm trường của MIT trao 44 loại bằng cấp bậc đại học khác nhau.[72] Trong năm học 2010–2011, MIT trao 1,161 bằng cử nhân (bachelor of science, viết tắt là SB), đây là bằng cấp duy nhất mà MIT trao ở bậc đại học.[73][74] Trong học kỳ mùa thu năm 2011, trong số các sinh viên đã chọn chuyên ngành chính, Trường Kỹ thuật là đơn vị có đông sinh viên nhất, chiếm 62.7% sinh viên, Trường Khoa học theo sau với 28.5%, Trường Nhân văn, Nghệ thuật, và Khoa học Xã hội 3.7%, Trường Quản lý Sloan 3.3%, và Trường Kiến trúc và Quy hoạch 1.8%.[75]

Chương trình sau đại học

sửa

Khác với hầu hết các trường đại học trên thế giới, tại MIT, số lượng sinh viên sau đại học nhiều hơn sinh viên đại học (chiếm khoảng 60% tổng số sinh viên). Nhiều chương trình sau đại học được xếp trong số 10 chương trình hàng đầu của toàn nước Mỹ. Các sinh viên sau đại học của MIT có thể làm tiến sĩ (Doctor of Philosophy hay Ph.D.Doctor of Science hay Sc.D.), thạc sĩ khoa học (Master of Science hay M.Sc.), thạc sĩ kỹ thuật (Master of Engineering hay M.Eng.), thạc sĩ kiến trúc (Master of Architecture hay M.Arch.), thạc sĩ quản trị kinh doanh (Master of Business Administration hay MBA) tùy thuộc vào ngành học.

Tham khảo

sửa
  1. ^ “MIT Nobelists”. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 12 năm 2007. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2014.
  2. ^ “MIT releases endowment figures for 2013”. MIT News. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2013.
  3. ^ “Charter of the MIT Corporation”. Truy cập ngày 22 tháng 3 năm 2007.
  4. ^ Kneeland, Samuel (1859). “Committee Report:Conservatory of Art and Science” (PDF). Massachusetts House of Representatives, House No. 260. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 12 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2014.
  5. ^ “MIT Timeline”. MIT History. MIT Institute Archives. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2012.
  6. ^ “Acts and Resolves of the General Court Relating to the Massachusetts Institute of Technology” (PDF). MIT History. MIT Institute Archives. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 1 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2012.
  7. ^ “MIT Facts 2012: Origins and Leadership”. MIT Facts. MIT. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2012.
  8. ^ Rogers, William (1861). “Objects and Plan of an Institute of Technology: including a Society of Arts, a Museum of Arts, and a School of Industrial Science; proposed to be established in Boston” (PDF). The Committee of Associated Institutions of Science and Arts. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 12 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2014.
  9. ^ Lewis 1949, p. 8.
  10. ^ “Letter from William Barton Rogers to His Brother Henry”. Institute Archives, MIT. ngày 13 tháng 3 năm 1846. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 2 tháng 10 năm 2010.
  11. ^ Angulo, A.J. (2008). William Barton Rogers and the Idea of MIT. The Johns Hopkins University Press. tr. 155–156. ISBN 0-8018-9033-0.
  12. ^ Angulo, A.J. “The Initial Reception of MIT, 1860s–1880s”. Trong Geiger, Roger L. (biên tập). Perspectives on the History of Higher Education. tr. 1–28.
  13. ^ Andrews, Elizabeth (2000). “William Barton Rogers: MIT's Visionary Founder”. MIT Archives. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong author-name-list parameters (trợ giúp)
  14. ^ Stratton, Julius Adams; Mannix, Loretta H. (2005). “The Land-Grant Act of 1862”. Mind and Hand: The Birth of MIT. MIT Press. tr. 251–276. ISBN 0-262-19524-0.
  15. ^ a b Prescott, Samuel C (1954). When M.I.T. Was "Boston Tech", 1861–1916. MIT Press.
  16. ^ Angulo, A.J. (2008). William Barton Rogers and the Idea of MIT. The Johns Hopkins University Press. tr. 155–156. ISBN 0-8018-9033-0.
  17. ^ a b Dunbar, Charles F. (1897). “The Career of Francis Amasa Walker”. Quarterly Journal of Economics. 11 (4): 446–447.
  18. ^ “Explore campus, visit Boston, and find out if MIT fits you to a tea”. ngày 16 tháng 12 năm 2006. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2006.
  19. ^ Munroe, James P. (1923). A Life of Francis Amasa Walker. New York: Henry Holt & Company. tr. 233, 382.
  20. ^ Lewis 1949, p. 12.
  21. ^ “Alumni Petition Opposing MIT-Harvard Merger, 1904–05”. Institute Archives, MIT. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2010.
  22. ^ “Souvenir Program, Dedication of Cambridge Campus, 1916”. Object of the Month. MIT Institute Archives & Special Collections. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2012.
  23. ^ Middlesex Canal (Massachusetts) map, 1852 (Bản đồ). J. B. Shields. 1852. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2010.
  24. ^ “Freeman's 1912 Design for the "New Technology". Object of the Month. MIT Institute Archives & Special Collections. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2012.
  25. ^ Lindsay, David (2000). “Eastman Becomes a Mystery Donor to MIT”. PBS.
  26. ^ Lecuyer, Christophe (1992). “The making of a science based technological university: Karl Compton, James Killian, and the reform of MIT, 1930–1957”. Historical Studies in the Physical and Biological Sciences. 23 (1): 153–180.
  27. ^ a b Lewis 1949, p. 13.
  28. ^ Geiger, Roger L. (2004). To advance knowledge: the growth of American research universities, 1900–1940. tr. 13–15, 179–9. ISBN 0-19-503803-7.
  29. ^ “Member Institutions and Years of Admission”. Association of American Universities. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2012.
  30. ^ Lewis 1949, p. 113.
  31. ^ Bourzac, Katherine, "Rethinking an MIT Education: The faculty reconsiders the General Institute Requirements", Technology Review, Monday, ngày 12 tháng 3 năm 2007
  32. ^ “History: School of Humanities, Arts, and Social Sciences”. MIT Archives. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 3 năm 2010. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2008.
  33. ^ “History: Sloan School of Management”. MIT Archives. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2008.
  34. ^ Johnson, Howard Wesley (2001). Holding the Center: Memoirs of a Life in Higher Education. MIT Press. ISBN 0-262-60044-7.
  35. ^ a b Zachary, Gregg (1997). Endless Frontier: Vannevar Bush, Engineer of the American Century. Free Press. tr. 248–249. ISBN 0-684-82821-9.
  36. ^ a b “MIT's Rad Lab”. IEEE Global History Network. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2008.
  37. ^ “Doc Draper & His Lab”. History. The Charles Stark Draper Laboratory, Inc. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2012.
  38. ^ “Charles Draper: Gyroscopic Apparatus”. Inventor of the Week. MIT School of Engineering. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2012.
  39. ^ “Project Whirlwind”. Object of the Month. MIT Institute Archives & Special Collections. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2012.
  40. ^ “Wartime Strobe: 1939–1945 – Harold "Doc" Edgerton (Doc's Life)”. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2009.
  41. ^ Bedi, Joyce (tháng 5 năm 2010). “MIT and World War II: Ingredients for a Hot Spot of Invention” (PDF). Prototype. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 24 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2012.
  42. ^ Leslie, Stuart (1993). The Cold War and American Science: The Military-Industrial-Academic Complex at MIT and Stanford. Columbia University Press. ISBN 0-231-07959-1.
  43. ^ Killian, James Rhyne (ngày 2 tháng 4 năm 1949). “The Obligations and Ideals of an Institute of Technology”. The Inaugural Address. Massachusetts Institute of Technology. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2013.
  44. ^ Lewis 1949, p. 49.
  45. ^ Lecuyer, 1992
  46. ^ a b Todd, Richard (ngày 18 tháng 5 năm 1969). “The 'Ins' and 'Outs' at M.I.T”. The New York Times.
  47. ^ <Please add first missing authors to populate metadata.> (ngày 28 tháng 2 năm 1969). “A Policy of Protest”. Time. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2008.
  48. ^ “Founding Document: 1968 MIT Faculty Statement”. Union of Concerned Scientists, USA. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2008.
  49. ^ Hechinger, Fred (ngày 9 tháng 11 năm 1969). “Tension Over Issue of Defense Research”. The New York Times.
  50. ^ Stevens, William (ngày 5 tháng 5 năm 1969). “MIT Curb on Secret Projects Reflects Growing Antimilitary Feeling Among Universities' Researchers”. The New York Times.
  51. ^ Warsh, David (ngày 1 tháng 6 năm 1999). “A tribute to MIT's Howard Johnson”. The Boston Globe. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2007. At a critical time in the late 1960s, Johnson stood up to the forces of campus rebellion at MIT. Many university presidents were destroyed by the troubles. Only Edward Levi, University of Chicago president, had comparable success guiding his institution to a position of greater strength and unity after the turmoil.
  52. ^ J.A.N. Lee & J. McCarthy, J.C.R. Licklider (1992). “The beginnings at MIT”. IEEE Annals of the History of Computing. 14 (1): 18–54. doi:10.1109/85.145317. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2012.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  53. ^ “Internet History”. Computer History Museum. Truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2008.
  54. ^ Raymond, Eric S. “A Brief History of Hackerdom”. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2008.
  55. ^ “The Media Lab – Retrospective”. MIT Media Lab. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2008.
  56. ^ “About W3C: History”. World Wide Web Consortium. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2008.
  57. ^ “MIT OpenCourseWare”. MIT. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2008.
  58. ^ “Mission – One Laptop Per Child”. One Laptop Per Child. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 8 năm 2008. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2008.
  59. ^ “Massachusetts Space Grant Consortium”. Massachusetts Space Grant Consortium. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2008.
  60. ^ “MIT Sea Grant College Program”. MIT Sea Grant College Program. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2008.
  61. ^ Simha., O. R. (2003). MIT campus planning 1960–2000: An annotated chronology. MIT Press. tr. 120–149. ISBN 978-0-262-69294-6.
  62. ^ “MIT Facilities: In Development & Construction”. MIT. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2008.
  63. ^ Bombardieri, Marcella (ngày 14 tháng 9 năm 2006). “MIT will accelerate its building boom: $750m expansion to add 4 facilities”. The Boston Globe. Truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2008.
  64. ^ “About MITEI”. MIT Energy Initiative. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2012.
  65. ^ “About MIT's School of Science”. MIT. Truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2007.
  66. ^ “MIT School of Engineering: About”. MIT. Truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2007.
  67. ^ “Massachusetts Institute of Technology”. Carnegie Foundation for the Advancement of Teaching. Truy cập ngày 22 tháng 6 năm 2012.
  68. ^ “MIT Facts: Accreditation”. MIT. 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 8 năm 2008. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2010.
  69. ^ “Roster of Institutions”. Commission on Institutions of Higher Education, New England Association of Schools and Colleges. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2010.
  70. ^ “Academic Calendar”. Officer of the Registrar, MIT. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2010.
  71. ^ “MIT Facts 2012: MIT at a Glance”. MIT. 2012.
  72. ^ “MIT Course Catalog: Degree Charts”. Officer of the Registrar, MIT. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2010.
  73. ^ “MIT Degrees Awarded”. Institutional Research, Office of the Provost. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2012.
  74. ^ “MIT Course Catalog: Academic Programs”. Officer of the Registrar, MIT. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2010.
  75. ^ “Enrollment Statistics”. MIT Office of the Registrar. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2012.

Liên kết ngoài

sửa
  • MIT. Trang mạng của MIT.
  • MyMIT. Trang mạng dành cho những người muốn vào học MIT.