Friedrich xứ Hohenzollern-Sigmaringen
Friedrich Eugen Johann Prinz von Hohenzollern-Sigmaringen (25 tháng 6 năm 1843 tại Lâu đài Inzigkofen – 2 tháng 12 năm 1904 tại München) là một thành viên gia tộc Hohenzollern-Sigmaringen và Thượng tướng Kỵ binh Phổ. Cùng với các đơn vị kỵ binh Phổ, ông đã từng tham chiến trong cuộc Chiến tranh Bảy tuần với Áo năm 1866 và cuộc Chiến tranh Pháp-Đức (1870 – 1871).
Tiểu sử
sửaÔng sinh vào tháng 6 năm 1843 ở Lâu đài Inzigkofen, là con trai thứ tư của Vương tước Karl Anton von Hohenzollern-Sigmaringen và Công nương Josephine (1813 – 1900), con gái Đại Công tước Karl xứ Baden. Cuối tháng 9 năm 1859, ông chuyển đến Bonn, nơi vị Vương công hoàn tất việc học tập của mình. Kể từ năm 1861 cho đến năm 1864, Friedrich đã đi những chuyến hành trình dài sang Áo, Ý, Thụy Sĩ và Anh. Trong thập niên 1860 và 1870, ông lại thực hiện những chuyến hành trình đến Ý, Ai Cập và Hy Lạp.
Vào mùa thu năm 1862, Vương công Friedrich Eugen khởi đầu sự nghiệp quân sự của mình trong quân đội Phổ. Thoạt đầu, ông gia nhập Trung đoàn Thương kỵ binh số 5 Westfalen, đóng quân tại Düsseldorf, tại đây ông được phong cấp hàm Thiếu úy. Cùng với đơn vị này, ông đã tham gia chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Bảy tuần với Áo năm 1866. Về sau này, với việc đổi sang Trung đoàn Long kỵ binh Cận vệ số 1 và được lên quân hàm Trưởng quan Kỵ binh (Rittmeister), Friedrich dời đến Berlin vào mùa xuân năm 1870. Một vài tháng sau, ông cùng với trung đoàn long kỵ binh của mình đã kéo về phía Tây và tham gia cuộc chiến tranh giữa Phổ và đồng minh Đức với Pháp (1870 – 1871). Tại đỉnh cao của cuộc đời binh nghiệp của mình, ông chỉ huy Quân đoàn III, đặt bản doanh ở kinh đô Berlin kể từ năm 1893 cho đến năm 1896[1].
Vào tháng 1 năm 1867, Công sứ Phổ ở Madrid thông báo cho Vương công Karl Anton rằng con trai trưởng của ông, Leopold, hoặc là người con trai út, Friedrich, đều có triển vọng tốt đẹp để kế vị ngai vàng Tây Ban Nha (nếu như bị bỏ trống).[2] Leopold ban đầu không mấy hứng thú, trong khi vợ ông là Công chúa Bồ Đào Nha Antonia (1845 – 1913) cũng không kém phần miễn cưỡng để xem xét về khả năng trị vì Tây Ban Nha trước sự khuyến khích của viên Công sứ Phổ. Nữ vương Anh Victoria và Vua Phổ Wilhelm I thì tỏ ra hoài nghi. Karl Anton đã triệu tập Friedrich đến và yêu cầu con út của mình lên kế vị ngai vàng Tây Ban Nha, nhưng ông từ chức. Mọi nỗ lực để thay đổi quan điểm của ông đều bất thành. Trong thư gửi nhà vua Wilhelm I, Karl ghi nhận: "Vương công Friedrich khăng khăng từ chối kiên quyết không chấp thuận Vương miện Tây Ban Nha".[3][4][5]
Gia quyến
sửaVào ngày 21 tháng 6 năm 1879, tại Regensburg, ông thành hôn với Công nương Louisa von Thurn und Taxis (1859 – 1948), con gái của Vương hầu Maximilian Anton (1831 – 1867) với Công nương Helene ở Bayern (1834 – 1890), một cháu gái của Hoàng hậu Áo-Hung Elisabeth (nổi tiếng với tên gọi Sissi). Cặp đôi này không có một mụn con nào. Trong gia đình, Friedrich được biết đến như là một người trầm lặng, hầu như là lạnh lùng, nhưng cũng thông thái, nhiệt tình và hóm hỉnh.
Sau khi từ trần vào ngày 2 tháng 12 năm 1904 tại München, ông được mai táng trong Nhà thờ Chúa Cứu thế ở Sigmaringen vào ngày 6 tháng 12 năm 1904.
Liên kết ngoài
sửa- Nachlass des Prinzen Friedrich im Staatsarchiv Sigmaringen, Hausarchiv Hohenzollern-Sigmaringen: Nachlass Prinz Friedrich von Hohenzollern (1843-1904)
Chú thích
sửa- ^ Friedrich Eugen Johann Prinz von Hohenzollern-Sigmaringen - The Prussian Machine
- ^ Germany 1815-90; Vol II 1852-71, trang 420
- ^ Helene in Bayern - Prinzessin Luisa
- ^ Julius von Pflugk-Harttung, The Franco-German War, 1870-71, trang 15
- ^ Willard Allen Fletcher, The Mission of Vincent Benedetti to Berlin, 1864-1870, trang 15