Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết tiêu biểu/8
Chiến cục mùa hè năm 1941 tại mặt trận Tây Nam Liên Xô mà cuối cùng là Trận Kiev bao gồm một số trận đánh bao vây tiêu diệt lớn trong giai đoạn đầu của Chiến dịch Barbarossa do Đức Quốc Xã tiến hành trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Từ ngày 22 tháng 6 đến ngày 30 tháng 9 năm 1941, Cụm tập đoàn quân Nam có sự hỗ trợ bởi cụm tập đoàn quân Trung tâm của quân đội Đức quốc xã đã bao vây và loại khỏi vòng chiến đấu những lực lượng cơ bản của Phương diện quân Tây Nam (Liên Xô) đang phòng thủ khu vực Tây Nam mặt trận mà trọng điểm là khu phòng thủ Kiev (Киев). Đây là một trong những chiến quả quân sự lớn nhất của quân đội Đức trong toàn bộ Chiến tranh Xô-Đức cũng như trong lịch sử quân sự thế giới. Kết quả trận đánh này đã làm cho quân đội Đức quốc xã ổn định được mặt trận của Cụm tập đoàn quân Nam để tập trung lực lượng cho Cụm tập đoàn quân Trung Tâm tiến hành chiến dịch "Typhoon" tấn công thẳng vào thủ đô Liên Xô với ý đồ kết thúc sớm cuộc chiến Xô-Đức. Sự thất bại của Phương diện quân Tây Nam và Phương diện quân Nam không những làm cho Liên Xô bị tổn thất rất lớn về binh lực và phương tiện mà còn làm cho họ mất một vùng công nghiệp phát triển, một vùng lúa mỳ trù phú. Ngoài ra, nguồn dầu mỏ từ Baku cũng bị uy hiếp, đường ra Biển Đen bị cắt đứt cũng làm cho sức mạnh của Hải quân Liên Xô trên Địa Trung Hải bị suy giảm nghiêm trọng. Việc để mất Kiev cũng làm cho các nước lớn ở phương Tây thêm nghi ngờ vào khả năng chống giữ đất nước của Quân đội Liên Xô, ảnh hưởng đáng kể đến vị thế của Liên Xô trên trường quốc tế.