Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai/Bài viết tiêu biểu/3
Đức Quốc Xã, còn được gọi là Đệ tam Đế chế hay Đế chế Thứ Ba, là nước Đức trong giai đoạn 1933-1945 dưới chế độ của Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (tiếng Đức: Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei, gọi tắt Nazi), tiếng Việt gọi tắt theo cách tương tự là Đảng Quốc xã, với Lãnh tụ (Führer) là Adolf Hitler.
"Đế chế Thứ Ba" là từ tiếng Đức Drittes Reich và thường được dùng để chỉ chính quyền và chính sách điều hành chứ không phải đất nước và con người. Cụm từ này được dùng đầu tiên vào năm 1922 trong tên một quyển sách của tác giả Arthur Moeller van den Bruck. Các nhà tuyên truyền Đức Quốc xã sau này dùng thuật ngữ này vì họ tính Thánh chế La Mã là đế chế thứ nhất, Đế chế Đức (1871-1918) thứ nhì, và chế độ của Quốc xã thứ ba. Ý niệm này được dùng để gợi ý sự trở lại của một thời huy hoàng sau sự thất bại của Cộng hòa Weimar. Sự hỗn loạn và nghèo nàn gây ra do sự sụp đổ của thị trường Wall Street đã cho phép Đảng Quốc xã chiếm quyền một cách dễ dàng và lợi dụng tâm lý của những kẻ thù cũ không còn muốn đổ máu nữa.
Trong 12 năm cầm quyền, Đức Quốc xã đã đưa quân đội chiếm đóng khắp lục địa châu Âu (trừ Thụy Sĩ, Liechtenstein, Thụy Điển, Bồ Đào Nha và vùng đất gần dãy núi Ural). Trong việc này, Đức quốc xã tính sẽ tạo ra một nước Đức Vĩ Đại với Berlin (đổi tên thành Germania) làm thủ đô, và hợp nhất tất cả những người có gốc Đức chính cống. Chính sách này đã dẫn đến cái chết của 11 triệu người trong các dân tộc thiểu số và các nhóm bị xã hội ruồng bỏ, cũng như làm chết hàng chục triệu người trực tiếp hay gián tiếp vì các trận đánh.