Cổng thông tin:Âm nhạc Việt Nam/Tiểu sử chọn lọc

Tiểu sử chọn lọc




Bức Tường (tên tiếng Anh: The Wall) là một ban nhạc hard rock được thành lập vào ngày 26 tháng 3 năm 1995 từ Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và được xem là một trong những ban nhạc rock chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Ban nhạc trưởng thành từ phong trào ca nhạc sinh viên và đã chuyên nghiệp hóa sự nghiệp âm nhạc vào năm 1998 với dấu mốc là đêm nhạc Khoảnh khắc giao thời. Năm 2000, ban nhạc chính thức lấy tên là Bức Tường. Tháng 7 năm 2010, Bức Tường được tái hợp trở lại.

Đầu năm 1996, Bức Tường có dịp giới thiệu mình trước đông đảo sinh viên và khán giả truyền hình cả nước với ca khúc "We're Bức Tường" tại buổi thi đấu khai mạc SV96 giữa 3 đội Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Xây dựng. 4 năm sau, trong đêm chung kết SV2000, bằng giai điệu lạc quan, sôi nổi của "Bình minh sinh viên 2000" và "Đường tới ngày vinh quang", Bức Tường đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả Việt Nam. Sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp âm nhạc của họ. (đọc thêm...)



Nguyễn Tùng Dương (sinh ngày 18 tháng 9 năm 1983 tại Bắc Ninh) còn được biết đến với nghệ danh Tùng Dương, là một ca sĩ Việt Nam. Anh được biết đến từ cuộc thi Sao Mai điểm hẹn năm 2004, trong đó anh đã giành chiến thắng với giải thưởng do Hội đồng nghệ thuật bình chọn. Những ca khúc mà anh thể hiện trong cuộc thi, phần lớn là các sáng tác mang phong cách dân gian đương đại của Lê Minh Sơn, đã được anh đưa vào album đầu tay mang tên Chạy trốn (2004). Sau khi tạm dừng hát nhạc Lê Minh Sơn, Tùng Dương có những thử nghiệm với sáng tác của các nhạc sĩ khác như Ngọc Đại, Như Huy, Giáng Son, Lưu Hà An..., và tham gia hai chương trình Vọng Nguyệt của nhạc sĩ Quốc Trung cùng Gió bình minh của Đỗ Bảo. Tiếp tục cộng tác với Đỗ Bảo, Tùng Dương cho ra mắt album thứ hai, Những ô màu khối lập phương (2007), album với nền hòa âm New Age đã giành chiến thắng ở hạng mục Album của năm trong Giải Cống Hiến 2007. (đọc thêm...)



Vũ Thu Minh (sinh ngày 22 tháng 9 năm 1977), thường được biết đến với nghệ danh Thu Minh, là một nữ ca sĩ người Việt Nam. Cô nổi danh với nhạc pop/dance và được mệnh danh là "Nữ hoàng nhạc dance Việt Nam". Cô nổi tiếng với chất giọng khỏe, gắn liền với "cách mạng" thay đổi dòng nhạc, đồng thời sở hữu ngoại hình và phong cách gợi cảm, Thu Minh còn được biết tới là một biểu tượng gợi cảm trong làng âm nhạc Việt.

Cô được biết đến trước tiên với sự thể hiện thành công những ca khúc nhạc đỏ, nhạc tiền chiến, tình khúc 1954-1975, nhạc trữ tình, những bản nhạc pop, ballad, soul bằng tiếng Anh của các diva thế giới như Whitney Houston, Celine Dion và nhiều ca sĩ tên tuổi khác sau khi đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 16 tuổi. Ngoài ra, cô cũng từng thể nghiệm ở các thể loại âm nhạc khác như opera, nhạc jazznhạc vàng. (đọc thêm...)



Hà Thị Năm (1928 - 3 tháng 3, 2013) còn được biết đến với nghệ danh Hà Thị Cầu, là nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20 và từng được mệnh danh là "báu vật nhân văn sống". Theo một số nhận định, bà sinh năm 1917, tuy nhiên theo chị Mận, con gái của bà, thì bà sinh năm 1928 tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình ba đời hát xẩm. Cha bà là một người hát xẩm bị khiếm thị. Năm 11 tuổi, cha mất và bà cùng mẹ rời Nam Định về sinh sống tại thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Khoảng tám tuổi, bà đã bê chiếc thau đồng theo bố mẹ lê la khắp các chợ quê để hành nghề hát xẩm kiếm sống. Định cư tại Yên Mô (Ninh Bình), hai mẹ con bà nương nhờ học hát tại nhà ông trùm xẩm Chánh Trương Mậu khi đó hiện là trưởng sáu gánh hát ở Ninh Bình. Năm 16 tuổi, bà trở thành người vợ thứ 18 của ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu (biệt danh là Chánh Trương Mậu). Năm đó ông Mậu 49 tuổi, từng chung sống với 17 người đàn bà, trong đó có 8 bà chính thức. Khi bà 33 tuổi thì ông Mậu qua đời. (đọc thêm...)



Nguyễn Quốc Trung, sinh ngày 17 tháng 9 năm 1966 là nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc. Là con trai duy nhất của Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên và ca sĩ - giảng viên Thanh Nga, Quốc Trung sớm có được nền tảng âm nhạc vững chắc, được đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội rồi tu nghiệp tại châu Âu. Trở về Việt Nam vào năm 1991, anh thành lập nên ban nhạc Phương Đông, gặt hái được nhiều thành công tại sân khấu Thủ đô với đỉnh cao là giải Nhất tại Liên hoan Các ban nhạc nhẹ toàn quốc lần đầu tiên (1993).

Năm 1991, Quốc Trung bắt đầu cộng tác với ca sĩ trẻ Thanh Lam. Cùng ban nhạc Phương Đông, bộ đôi này đã có rất nhiều chương trình gây tiếng vang lớn như "Cho em một ngày", "Đêm huyền diệu", "Thiện thanh",... đưa cô trở thành diva đầu tiên của công chúng. Thành công của Thanh Lam gắn liền với tên tuổi ban nhạc mà trong đó, album Mây trắng bay về vẫn được coi là một trong những album đỉnh cao của nhạc Việt cũng như của thể loại world music ở Việt Nam. Thanh Lam và Quốc Trung có 2 người con là Thiện Thanh và Đăng Quang. (đọc thêm...)



Hồ Thị Ngọc Hà (sinh ngày 25 tháng 11 năm 1984), hay được biết đến với nghệ danh Hồ Ngọc Hà, là một ca sĩ kiêm nhạc sĩ, diễn viên và người mẫu người Việt Nam. Sinh ra tại thành phố Huế nhưng lớn lên tại tỉnh Quảng Bình, từ nhỏ, cô thường xuyên trình diễn văn nghệ tại Uỷ ban tỉnh. Vào năm 15 tuổi, Hồ Ngọc Hà bắt đầu sự nghiệp người mẫu của mình và sớm giành được danh hiệu Siêu mẫu Việt Nam cũng như giải nhì cuộc thi Tìm kiếm Người mẫu Châu Á. Năm 2001, Hồ Ngọc Hà nhận được vai diễn đầu tiên của mình trong hai phần của bộ phim truyền hình Hoa cỏ may.

Sau khi trình diễn một ca khúc trong chương trình Người đẹp Hát, cô đã được nhạc sĩ Quốc Bảo mời làm việc trong một bài hát trích từ album của anh. Năm 2004, Hồ Ngọc Hà đã quyết định theo đuổi sự nghiệp ca hát bằng việc ra mắt album đầu tay 24 giờ 7 ngày. Cô tiếp tục ký hợp đồng cùng hãng đĩa Music Faces và cho ra mắt album phòng thu thứ hai, Và em đã yêu năm 2005. Album đã sớm trở thành một hiện tượng âm nhạc cùng thành công của ca khúc chủ đề và bài hát "Đêm nghe tiếng mưa", đánh dấu một khoảng thời gian dài hợp tác giữa cô và bạn trai khi ấy, nhạc sĩ Đức Trí. (đọc thêm...)



Phan Thị Mỹ Tâm (sinh ngày 16 tháng 1 năm 1981) là một nữ ca sĩ, diễn viên, vũ công, thương nhân, đạo diễn âm nhạc và nhà thiết kế thời trang người Việt Nam. Cô được biết đến bởi các hoạt động âm nhạc nghiêm túc, sáng tạo và những cống hiến không ngừng cho dòng nhạc trẻ thịnh hành từ khi chính thức khởi nghiệp vào thập niên 2000. Được mệnh danh là "Nữ hoàng V-pop", cô là một trong những cái tên gây được ảnh hưởng mạnh mẽ tại ngành công nghiệp âm nhạc Việt và là nguồn cảm hứng cho nhiều lớp nghệ sĩ trẻ tiếp sau.

Được sinh ra tại tỉnh Đà Nẵng, Mỹ Tâm sớm bộc lộ năng khiếu về âm nhạc và liên tiếp giành chiến thắng tại nhiều cuộc thi ca hát lớn nhỏ lúc còn ở độ tuổi thiếu niên. Vào năm 2001, cô khởi nghiệp ca hát bằng album đầu tay mang về thành công lớn cho hãng Phương Nam Film không lâu trước khi đạt tốt nghiệp thủ khoa tại trường Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Trong xuyên suốt thập niên 2000, cô cho phát hành một chuỗi các sản phẩm âm nhạc thành công về mặt thương mại, có bao gồm các album được đề cử cho giải Cống hiến như Hoàng hôn thức giấc (2005), Vút bay (2006) và Trở lại (2008). (đọc thêm...)



Phạm Thị Băng Thanh (sinh ngày 5 tháng 8 năm 1934 tại Hà Nội) còn được biết đến với nghệ danh Thái Thanh, là một nữ ca sĩ nổi tiếng, được xem như một trong những giọng ca tiêu biểu nhất của tân nhạc Việt Nam và được mệnh danh là "Tiếng hát vượt thời gian". Bà đi hát từ thuở thiếu niên trong ban hợp ca Thăng Long của gia đình tại các tụ điểm văn nghệ ở Hà Nội, và thành danh từ thập niên 1950. Bà thường được coi như là "Đệ Nhất danh ca" của dòng nhạc tiền chiến cũng như nhạc tình miền Nam giai đoạn 1954-1975, và tên tuổi của bà cũng đặc biệt gắn liền với các nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy. Bà không theo học một lớp nhạc chuyên nghiệp nào, chỉ tự luyện giọng từ nhỏ theo các lối dân ca của đồng bằng Bắc Bộ và các sách nhạc tiếng Pháp, về sau đã tạo ra một trường phái riêng hòa trộn giữa tính chất opera Tây Phương với dân nhạc Việt Nam, ảnh hưởng tới nhiều nữ ca sĩ giọng cao của thế hệ sau như Mai Hương, Quỳnh Giao, Ánh Tuyết... Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 bà ở lại Việt Nam cho đến năm 1985 thì chuyển sang định cư ở Hoa Kỳ. Tại đây bà tiếp tục trình diễn và thâu âm cho đến khi nói lời giải nghệ vào năm 2002. (đọc thêm...)



Trịnh Công Sơn (28 tháng 2 năm 19391 tháng 4 năm 2001), được xem là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của Tân nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm rất phổ biến. Hiện nay chưa có thống kê về số tác phẩm để lại của ông (ước đoán con số không dưới 600 ca khúc), phần lớn là tình ca. Tuy nhiên số ca khúc của ông được biết đến rộng rãi là 236 ca khúc (cả lời và nhạc). Nhiều ca khúc của ông có thông điệp phản-chiến trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam và phần lớn bị cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòaViệt Nam Cộng hòa cấm đoán. Nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng thành công hơn cả là Khánh Ly. Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ không chuyên.

Ông quê ở làng Minh Hương, tổng Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhưng sinh tại cao nguyên Lạc Giao (xã Lạc Giao, nay là phường Thống Nhất, Ban Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Ông lớn lên tại Huế. Lúc nhỏ ông theo học các trường Lyceè Francais và Provindence ở Huế, sau vào Sài Gòn theo học triết học trường Tây Lycée Jean Jacques Rousseau Sài Gòn và tốt nghiệp tú tài tại đây. (đọc thêm...)



Trương Anh Quân, sinh ngày 3 tháng 10 năm 1971) là nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc. Anh là con trai của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh và nghệ sĩ - phát thanh viên Đài tiếng nói Việt Nam Thu Hiền. Năm 1993, anh cùng Huy Tuấn lập nên ban nhạc Anh Em tại Đức. Năm 1998, Anh Quân lập gia đình với ca sĩ Mỹ Linh, cùng ban nhạc Anh Em đưa tên tuổi của Mỹ Linh trở thành một trong những diva của làng nhạc nhẹ Việt Nam. Hiện nay, ngoài sáng tác, Anh Quân cũng trở thành một nhà sản xuất âm nhạc khá thành công. Anh Quân từng là thành viên của Hội đồng thẩm định chương trình Bài hát Việt (2011-2013). Anh hiện đang là giám khảo chương trình Thần tượng âm nhạc: Vietnam Idol (mùa 5).

Anh Quân sinh ra tại Hà Nội, là con của một gia đình nổi tiếng với cha là nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh và mẹ là nghệ sĩ Thu Hiền. Họ có một căn hộ nhỏ tại khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam ở Ngã Tư Vọng. Anh Quân có 1 người em gái là ca sĩ - người dẫn chương trình Văn nghệ Chủ nhật Hương Ly. (đọc thêm...)



Phạm Duy Cẩn (5 tháng 10 năm 1921 - 27 tháng 1 năm 2013), được biết đến với nghệ danh Phạm Duy là một nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu nhạc người Việt Nam. Ông được coi như một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam với lượng sáng tác đồ sộ cũng như đa dạng về thể loại, trong đó có rất nhiều ca khúc trở nên kinh điển và quen thuộc với người Việt. Nhạc của ông thường kết hợp những yếu tố của âm nhạc cổ truyền Việt Nam với các trào lưu, phong cách mới, tạo nên nhiều tác phẩm có tính đột phá, giàu ảnh hưởng đối với các nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ. Ngoài sáng tác và biểu diễn, ông còn có những công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị. Ông từng giữ chức giáo sư nhạc ngữ tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Với hơn 70 năm sự nghiệp, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, ông được coi là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Tuy vậy bên cạnh đó, các quan điểm nhìn nhận về ông cũng khác biệt, chủ yếu là do các vấn đề chính trị.

Khởi đầu sự nghiệp âm nhạc trong gánh hát Đức Huy với vai trò phó quản lí và ca sĩ hát lưu động. Từng tham gia Kháng chiến chống Pháp một thời gian trước khi vào miền Nam để tiếp tục tự do hoạt động âm nhạc. Phạm Duy là một tên tuổi lớn và đầy ảnh hưởng tại miền Nam Việt Nam với những hoạt động tích cực dành cho cả âm nhạc và chính trị, và những hoạt động này còn tiếp diễn sau giai đoạn 1975, khi ông di tản sang Hoa Kỳ. Vì lý do chính trị, nhạc của ông bị cấm hoàn toàn tại miền Bắc Việt Nam sau 1954, và toàn Việt Nam sau 1975. (đọc thêm...)



{{{1}}}