Chạy trốn (được trình bày như ...chạy trốn) là album phòng thu đầu tay của ca sĩ Tùng Dương. Album được ra mắt vào tháng 7 năm 2004. Đây là sự hợp tác giữa Tùng Dương và nhạc sĩ Lê Minh Sơn – người vừa sáng tác toàn bộ 7 ca khúc, vừa là người biên tập và sản xuất của album. Hầu hết các ca khúc có trong Chạy trốn là những bài hát mà Tùng Dương đã thể hiện vô cùng thành công trong cuộc thi Sao Mai điểm hẹn mùa đầu tiên (2004) mà ở đó anh đã giành giải Nhất từ Hội đồng nghệ thuật. Thành công của Chạy trốn đã đưa tên tuổi của Tùng Dương tới người hâm mộ, hứa hẹn một trong những ca sĩ xuất sắc nhất của làng nhạc nhẹ Việt Nam.

Chạy trốn
Album phòng thu của Tùng Dương
Phát hànhTháng 7 năm 2004
Thu âmTháng 3-6 năm 2004
Thể loạiJazz, blues, dân gian đương đại[1][2]
Thời lượng37:52
Hãng đĩaViết Tân, Phú Nhuận Records
Sản xuấtLê Minh Sơn
Thứ tự album của Tùng Dương
...Chạy trốn
(2004)
Những ô màu khối lập phương
(2007)

Với Chạy trốn, Tùng Dương được đề cử giải "Album của năm" và góp phần giúp anh vinh dự được trao giải "Ca sĩ của năm" tại Giải tiền Cống hiến (2004)[3]. Album cũng là một phần trong liveshow Tùng Dương – Thập kỷ hoan ca tổ chức ngày 12 và 13 tháng 12 năm 2015 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, kỷ niệm 10 năm sự nghiệp của ca sĩ Tùng Dương[4][5].

Hoàn cảnh ra đời

sửa

Trước Sao Mai điểm hẹn 2004, Tùng Dương là một ca sĩ trẻ theo học tại Nhạc viện Hà Nội[6] dưới sự dẫn dắt của Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ[7]. Anh có được một số giải thưởng cao, như giải ba cuộc thi Giọng hát trẻ Hà Nội vào năm 1999, giải ba năm 2001 và giải nhất cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 2003[6][7]

Với một format được pha trộn giữa ta và tây, Sao Mai điểm hẹn là một làn gió mới, phóng khoáng và tươi trẻ thổi vào các cuộc thi, liên hoan tiếng hát truyền hình[8][9]. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc thi ca hát, khán giả được quyền lựa chọn tài năng cho mình thay vì chỉ có một vài ban giám khảo nào đó[10]. Xuyên suốt cuộc thi, Tùng DươngKasim Hoàng Vũ chính là 2 thí sinh được chú ý nhất. Nếu như Kasim có được giải Nhất từ khán giả bình chọn thì Tùng Dương có được 2 giải thưởng khác: 1 là giải khán giả bình chọn qua báo Vietnamnet và 2 đó là giải thưởng quan trọng nhất – giải Ca sĩ xuất sắc nhất từ Hội đồng nghệ thuật của chương trình[11][12], kèm với đó là phần thưởng một khóa đào tạo ngắn hạn về nghệ thuật trình diễn tại nước ngoài.

Tại Sao Mai điểm hẹn 2004, Tùng Dương trình bày tổng cộng 10 ca khúc và 8 trong số đó là những ca khúc sáng tác bởi Lê Minh Sơn – một nhân vật thực sự "vô danh" trong làng nhạc sĩ trước khi chương trình được thực hiện (2 ca khúc còn lại là "Đen và trắng" và "Quê nhà" đều sáng tác bởi Trần Tiến). "Ôi quê tôi" chính là ca khúc tiêu biểu của Tùng Dương khi anh trình bày nó vô cùng thành công tại cả đêm thi đầu tiên lẫn đêm thi chung kết[13]. Với chiến thắng thuyết phục tại Sao Mai điểm hẹn, Tùng DươngLê Minh Sơn gần như phải thực hiện album, một cách thương mại, nhằm phục vụ nhu cầu của khán giả, cũng như đưa tên tuổi mình ra mắt công chúng. Tuy nhiên, không phải toàn bộ 8 ca khúc trên đều được Tùng Dương đưa vào album đầu tay: 2 ca khúc "Guitar cho ta" và "Hồng môi" bị loại bỏ, thay vào đó anh bổ sung một ca khúc mới làm tiêu đề cho album, "Chạy trốn".

Ca sĩ trẻ nhớ lại: "Nhạc sĩ Lê Minh Sơn từng nói với Tùng Dương rằng: "Một mảng trong sáng tác của anh, Ngọc Khuê thể hiện rất thành công. Anh rất muốn tìm một giọng nam để thể hiện tình cảm của mình về những ca khúc. Anh đã chọn Dương và tin em sẽ làm được điều đó...""[14] Khao khát thể hiện jazz, một thể loại nhạc không phổ biến tại Việt Nam (không nằm trong hạng mục thi của Sao Mai điểm hẹn), Tùng Dương quyết tâm mang âm nhạc này vào album đầu tay với những ấp ủ "có một chút riêng gì đấy của âm nhạc dân gian Việt Nam"[15].

Một nửa số ca khúc được ban nhạc Làn sóng xanh phối khí, còn lại do nhạc sĩ trẻ Trần Mạnh Hùng – giảng viên Nhạc viện Quốc gia phụ trách. Lê Minh Sơn trực tiếp góp mặt và chỉ đạo việc thể hiện các ca khúc. Rất nhiều ca khúc phải thu âm lại nhiều lần do chúng đều đòi hỏi kỹ thuật cao, cùng với đó là những yêu cầu từ chính nhạc sĩ. Tùng Dương nói: "Đôi lúc cũng thấy mệt, nhưng thú thật Dương chưa bao giờ có cảm giác chán nản. Bởi Dương nghĩ CD đầu tiên càng làm kỹ bao nhiều thì càng tốt bấy nhiêu và công chúng chắc cũng đón nhận nhiệt tình."[14]

Danh sách ca khúc

sửa

Tất cả các ca khúc được viết bởi Lê Minh Sơn.

STTNhan đềThời lượng
1."Yêu"5:35
2."Chạy trốn"6:08
3."Trăng khuyết"5:31
4."Lửa mắt em"4:36
5."Trăng khát"4:28
6."Đến bên anh dịu dàng"5:27
7."Ôi quê tôi"6:07

Phát hành và đón nhận của công chúng

sửa

Báo Thể thao & Văn hóa nói về album là "tập hợp những bản tình ca day dứt và thiêu đốt"[16]. Báo Dân trí nói về album là một sự "dung dị", khác hẳn với những album sau này của Tùng Dương[17].

Sau Chạy trốn, Tùng Dương bắt đầu một sự nghiệp vô cùng thành công. Tuy nhiên, anh cũng tuyên bố đây lần cuối cùng album của anh có nhạc của Lê Minh Sơn, song điều đó không có nghĩa là anh sẽ không tham gia vào các dự án của nhạc sĩ này (như album Một khúc sông Hồng, năm 2005). "Tôi có một lời nói, đó là tôi tạm ngưng hát những bài của anh Sơn một thời gian chứ không phải không hát. Có những thông tin xung quanh chuyện đó, nhưng mọi người ở ngoài không hiểu, quan hệ của tôi và anh Lê Minh Sơn vẫn rất tốt, không có chuyện gì ồn ào", anh nói[18].

Tại Giải tiền Cống hiến (2004), dù không thể đạt được giải "Album của năm" song Tùng Dương cũng vượt qua diva Thanh Lam cùng 2 ca sĩ trẻ là Mỹ TâmKasim Hoàng Vũ để được vinh dự trao giải "Ca sĩ của năm"[19]. Album cũng góp phần giúp Lê Minh Sơn giành "Nhạc sĩ của năm" tại lễ trao giải này[10]. Sau đó, Chạy trốn giành Giải Mai vàng 2006 cho album xuất sắc nhất của năm[20].

Tham khảo

sửa
  1. ^ Tùng Dương, Thái Thùy Linh "ẵm" giải Album tháng 2
  2. ^ “Tiếng hát Tùng Dương đã phần nào thâm nhập vào đời sống ca nhạc Paris”. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 22 tháng 9 năm 2012.
  3. ^ Tùng Dương: "Tôi sẽ quái đến hết đời!"
  4. ^ “Tùng Dương và 'Thập kỷ hoan ca': Nội lực tuyệt vời của 'divo'. Thể thao & Văn hóa. ngày 14 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2015.
  5. ^ “Tùng Dương: Cung thăng, cung trầm ẩn hiện sau một thập kỷ hát”. Vietnamplus. ngày 11 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2015.
  6. ^ a b “Ca sĩ Tùng Dương: Nhân vật chính của Câu lạc bộ 2M tháng 5”. VTV6. ngày 15 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2015.[liên kết hỏng]
  7. ^ a b “Tùng Dương – Li ti hạt bụi bay bay lạc…”. VTC. ngày 24 tháng 5 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2015.
  8. ^ “Các nhạc sĩ nói gì về Sao Mai điểm hẹn?”. Vietnamnet. ngày 24 tháng 7 năm 2004. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2015.
  9. ^ “Ý kiến của các nhạc sĩ về "Sao Mai điểm hẹn": Cuộc thi hay cuộc chơi?”. Sài Gòn giải phóng. ngày 27 tháng 7 năm 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2015.
  10. ^ a b Lật giở những "trang sử" Cống hiến
  11. ^ Minh Thi (ngày 13 tháng 9 năm 2004). “Vòng chung kết Sao Mai điểm hẹn: "Ôm câu hát tìm tri âm". Lao động. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 12 năm 2004. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011.
  12. ^ L. TH (ngày 12 tháng 9 năm 2004). “Kasim Hoàng Vũ, Tùng Dương đăng quang”. Tuổi Trẻ. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011.
  13. ^ Tùng Dương – Tiếng hát ma quái
  14. ^ a b Ca sĩ Tùng Dương: "Tôi không thể là anh Chí Phèo!"
  15. ^ Ca sĩ Tùng Dương: "Tôi thích chất jazz trong nhạc Lê Minh Sơn"
  16. ^ Hồ Quỳnh Hương - Tùng Dương: Người quen mà lạ
  17. ^ “Tùng Dương: Con trai một, nên sự nghiệp là trên hết!”. Dân trí. ngày 28 tháng 8 năm 2007. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2015.
  18. ^ “Tùng Dương: Đi trên con đường riêng”. An ninh Thủ đô. ngày 5 tháng 8 năm 2007. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2015.
  19. ^ "Bảng vàng" Cống hiến
  20. ^ Tùng Dương 8 năm "ủ lửa"[liên kết hỏng]

Liên kết ngoài

sửa