Dừa

loài thực vật thuộc họ cọ
(Đổi hướng từ Cọ dừa)

Dừa (Cocos nucifera) là một loài thực vật thân gỗ, thành viên thuộc họ Cau (Arecaceae) và là loài duy nhất còn sống thuộc chi Cocos.[1] Dừa có mặt khắp nơi tại các vùng nhiệt đới ven biển và là một biểu tượng văn hóa nhiệt đới. Dừa cung cấp thực phẩm, nhiên liệu, mỹ phẩm, thuốc dân gian và vật liệu xây dựng, cùng nhiều công dụng khác. Phần thịt bên trong của quả dừa chín, cũng như nước cốt dừa được vắt ra từ đây, là một phần quen thuộc trong khẩu phần của người dân sống tại vùng nhiệt đớicận nhiệt đới. Quả dừa khác biệt với các loại trái cây khác do phần nội nhũ chứa một lượng lớn chất lỏng trong suốt, được gọi là nước dừa. Dừa chín được dùng làm thức ăn, hoặc chế biến lấy dầu dừanước cốt dừa từ thịt quả, than củi từ vỏ gáo cứng và xơ dừa từ vỏ xơ. Thịt quả dừa sấy được gọi là cùi dừa khô, dầu và nước cốt được vắt ra từ đây thường dùng trong nấu ăn - chiên nói riêng - cũng như trong xà phòngmỹ phẩm. Nhựa dừa ngọt có thể làm thức uống hoặc lên men thành rượu dừa, giấm dừa. Vỏ gáo cứng, trấu xơ và lá dài có thể dùng làm nguyên liệu để chế tạo nhiều loại sản phẩm trang trí nội thất.

Dừa
Khoảng thời gian tồn tại: 55–0 triệu năm trước đây Eocene sớm – Gần đây
Dừa
Quả dừa
Phân loại khoa học edit
Giới: Plantae
nhánh: Tracheophyta
nhánh: Angiospermae
nhánh: Monocots
nhánh: Commelinids
Bộ: Arecales
Họ: Arecaceae
Phân họ: Arecoideae
Tông: Cocoseae
Chi: Cocos
L.
Loài:
C. nucifera
Danh pháp hai phần
Cocos nucifera
L.
Phạm vi bản địa có thể có quả dừa trước khi được trồng trọt
Bên trong một trái dừa

Dừa có ý nghĩa văn hóa và tôn giáo trong một vài xã hội nhất định, đặc biệt là trong văn hóa Nam Đảo phía tây Thái Bình Dương. Nơi đây, dừa xuất hiện trong thần thoại, bài hát và truyền thống truyền miệng. Chúng cũng có tầm quan trọng về mặt nghi lễ trong tôn giáo vật linh thời tiền thuộc địa.[2][3] Cây cũng có ý nghĩa tôn giáo trong văn hóa Nam Á, xuất hiện trong nghi lễ của người Hindu. Dừa còn là cơ sở của lễ cưới và nghi lễ thờ cúng trong Ấn Độ giáo. Chúng cũng đóng vai trò trung tâm trong đạo Dừa của Việt Nam. Tập tính rụng trái chín của chúng đã dẫn đến mối bận tâm về cái chết do dừa rụng.[2][4]

Dừa được người Nam Đảo thuần hóa đầu tiên ở Đông Nam Á hải đảo và lan truyền vào thời đồ đá mới thông qua các cuộc di cư trên biển đến tận phía đông như quần đảo Thái Bình Dương, vươn xa đến phía tây như MadagascarComoros. Chúng đóng vai trò quan trọng trong các chuyến đi biển dài ngày của người Nam Đảo nhờ cung cấp nguồn thức ăn và nước mang theo, cũng như cung cấp vật liệu xây dựng thuyền mái chèo của người Nam Đảo. Dừa sau đó cũng được lan truyền theo từng thời kỳ lịch sử dọc theo bờ biển Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương bởi các thủy thủ Nam Á, Ả RậpChâu Âu. Quần thể dừa ngày nay vẫn có thể được chia thành hai dựa theo quá trình du nhập riêng biệt này - tương ứng là dừa Thái Bình Dương và dừa Ấn Độ-Đại Tây Dương. Dừa chỉ được người châu Âu du nhập vào châu Mỹ vào thời thuộc địa trong các cuộc trao đổi Colombia, nhưng có bằng chứng về khả năng dừa Thái Bình Dương của người Nam Đảo có thể được du nhập trong thời tiền Colombia đến Panama. Nguồn gốc tiến hóa của dừa đang gây tranh cãi, với các giả thuyết cho rằng chúng có thể đã tiến hóa ở châu Á, Nam Mỹ hoặc trên các đảo Thái Bình Dương. Cây phát triển cao 30 m (100 ft) và có thể cho ra 75 quả mỗi năm, mặc dù ít hơn 30 quả là điển hình. Cây không chịu được thời tiết lạnh và ưa thích lượng mưa dồi dào, cũng như đầy đủ ánh sáng mặt trời. Nhiều loài côn trùng gây hại và bệnh tật ảnh hưởng đến các loài và gây phiền toái cho sản xuất thương mại. Khoảng 75% nguồn cung dừa trên thế giới được sản xuất tại Indonesia, PhilippinesẤn Độ .

Lịch sử

sửa

Nguồn gốc

sửa
 
Sự phân tán theo niên đại của người Nam Đảo trên Thái Bình Dương [5][6]

Nghiên cứu di truyền hiện đại đã xác định trung tâm nguồn gốc của dừa là Trung Ấn Độ-Thái Bình Dương, khu vực giữa tây Đông Nam ÁMelanesia, nơi dừa có sự đa dạng di truyền lớn nhất.[7][8][9][10] Hoạt động trồng trọt và phổ rộng gắn liền với các cuộc di cư ban đầu của người Nam Đảo, những người đem giống này trồng đến các hòn đảo mà họ định cư.[9][10][11][12] Sự tương đồng của tên địa phương trên khắp vùng Nam Đảo cũng được xem là bằng chứng rằng loài thực vật này có nguồn gốc trong vùng. Ví dụ, thuật ngữ PolynesiaMelanesia Niu; thuật ngữ TagalogChamorro niyog; từ ngữ tiếng Mã Lai nyiur hoặc nyior.[13][14] Các bằng chứng khác về nguồn gốc Trung Ấn Độ-Thái Bình Dương là phạm vi bản địa của cua dừa. Lượng côn trùng gây hại cho dừa trong khu vực (90%) cao hơn so với châu Mỹ (20%) và châu Phi (4%).[3]

Phân bố địa lý của quần thể dừa Ấn Độ - Đại Tây Dương và Thái Bình Dương và kết cấu di truyền của chúng (Gunn et al., 2011)[10]
Suy luận lịch sử sự du nhập của dừa từ vùng trung tâm đa dạng nguồn gốc ở tiểu lục địa Ấn ĐộĐông Nam Á hải đảo[10][12][15]

Một nghiên cứu năm 2011 xác định hai quần thể dừa phân biệt cao về mặt di truyền, một quần thể có nguồn gốc từ Đông Nam Á hải đảo (nhóm Thái Bình Dương) và quần thể còn lại từ rìa phía nam của tiểu lục địa Ấn Độ (nhóm Ấn Độ-Đại Tây Dương). Nhóm Thái Bình Dương là nhóm duy nhất có dấu hiệu di truyền và kiểu hình rõ ràng rằng chúng đã được thuần hóa; bao gồm đặc tính lùn, tự thụ phấn và hình thái quả "niu vai" tròn với tỷ lệ nội nhũ trên vỏ xơ lớn hơn. Sự phân bố dừa ở Thái Bình Dương tương ứng với các khu vực được người du hành Nam Đảo định cư phản ánh rằng cây dừa được phổ rộng phần lớn là kết quả du nhập của con người. Việc này được thể hiện nổi bật nhất ở Madagascar, một hòn đảo do thủy thủ Nam Đảo định cư vào khoảng 2000 đến 1500 trước hiện tại. Quần thể dừa trên đảo là sự kết hợp di truyền giữa hai quần thể phụ, rằng dừa Thái Bình Dương được người Nam Đảo định cư mang đến, sau đó lai với dừa địa phương Ấn Độ-Đại Tây Dương.[10][11]

 
Một chiếc wa'a kaulua (xuồng hai thân) tại Hawai'i. Catamaran là một trong những phát minh công nghệ ban đầu của người Nam Đảo cho phép họ định cư trên các đảo ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và du nhập dừa cũng như các loại cây khác dọc theo các tuyến đường di cư của họ.[16][17][18]

Các nghiên cứu về di truyền học của dừa cũng đã xác nhận quần thể dừa thời tiền Colombia ở Panama thuộc Nam Mỹ. Tuy nhiên, chúng không phải là loài bản địa và phơi bày một điểm nút thắt di truyền do hiệu ứng sáng lập. Một nghiên cứu vào năm 2008 cho rằng dừa ở châu Mỹ có liên quan gần nhất về mặt di truyền với dừa ở Philippines, chứ không phải với bất kỳ quần thể dừa nào khác gần đó (bao gồm cả Polynesia). Nguồn gốc như vậy chỉ ra rằng dừa không được đưa vào theo cách tự nhiên, chẳng hạn như dòng hải lưu. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng dừa được thủy thủ Nam Đảo thời kỳ đầu mang đến châu Mỹ từ ít nhất 2.250 năm trước và có thể là bằng chứng về sự giao thoa giữa các nền văn hóa Nam Đảo và Nam Mỹ thời kỳ tiền Colombia. Các bằng chứng thực vật tương tự khác củng cố thêm sự giao thoa, như sự hiện diện của khoai lang thời tiền thuộc địa trong các nền văn hóa Châu Đại Dương.[9][12][19] Xuyên suốt thời thuộc địa, dừa Thái Bình Dương đã được du nhập thêm vào Mexico từ Đông Ấn Tây Ban Nha thông qua chiến thuyền Manila.[10]

Trái ngược với dừa Thái Bình Dương, dừa Ấn Độ-Đại Tây Dương phần lớn được các thương nhân Ả Rập và Ba Tư đưa vào bờ biển Đông Phi. Dừa Ấn Độ-Đại Tây Dương cũng được đưa vào Đại Tây Dương nhờ tàu Bồ Đào Nha từ các thuộc địa của họ ở duyên hải Ấn ĐộSri Lanka; đầu tiên du nhập vào vùng duyên hải Tây Phi, sau đó trở đi vào Caribe và bờ biển phía đông Brazil. Tất cả những sự du nhập này đều trong vòng vài thế kỷ trước, tương đối gần đây so với sự phổ rộng của dừa Thái Bình Dương.[10]

Lịch sử tiến hóa

sửa
 
Hóa thạch "Cocos" zeylanica tại MiocenNew Zealand, có kích thước xấp xỉ một quả dâu tây dài 3,5 cm (1,4 in)

Lịch sử tiến hóa và phân bố hóa thạch của dừa và các thành viên khác thuộc tông Cocoseae mơ hồ hơn so với sự phân tán và phân bố ngày nay, với nguồn gốc cuối cùng và sự phân tán thời tiền nhân loại vẫn chưa rõ ràng. Hiện có hai quan điểm chính về nguồn gốc của chi Cocos, một ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và một khác ở Nam Mỹ.[20][21] Phần lớn hóa thạch giống Cocos thường chỉ được phục hồi từ hai khu vực trên thế giới: New Zealand và tây-trung Ấn Độ. Tuy nhiên, giống như hầu hết hóa thạch cây cọ, hóa thạch giống Cocos vẫn chỉ là giả định, vì chúng thường khó xác định.[21] Hóa thạch giống Cocos sớm nhất tìm được tìm là "Cocos" zeylanica, một loài hóa thạch được mô tả từ những trái cây nhỏ, kích thước khoảng 3,5 cm (1,4 in) ×1,3 đến 2,5 cm (0,51 đến 0,98 in), được phục hồi từ thế Miocen (~ 23 đến 5,3 triệu năm trước) tại New Zealand vào năm 1926. Kể từ đó, nhiều hóa thạch khác của các loại trái cây tương tự đã tìm ra trên khắp New Zealand từ thế Eocen, Oligocen và có thể cả Holocen. Nhưng nghiên cứu về chúng vẫn đang được tiến hành để xác định loài nào trong số chúng (nếu có) thực sự thuộc chi Cocos.[21][22] Endt & Hayward (1997) đã ghi nhận điểm giống nhau của chúng với các thành viên của chi Parajubaea tại Nam Mỹ, hơn là Cocos, và đề xuất nguồn gốc Nam Mỹ.[21][23][24] Conran và cộng sự. (2015), tuy nhiên, phỏng đoán sự đa dạng của chúng ở New Zealand cho biết chúng đã tiến hóa một cách đặc hữu, thay vì được đưa đến các hòn đảo bằng cách phân tán đường dài.[22] Ở tây-trung Ấn Độ, nhiều hóa thạch của quả, lá và thân giống Cocos đã được phục hồi từ trap Deccan. Chúng bao gồm morphotaxa như Palmoxylon sundaran, Palmoxylon insignae, và Palmocarpon cocoides. Hóa thạch giống quả của Cocos bao gồm "Cocos" intertrappeansis, "Cocos" pantii"Cocos" sahnii. Chúng cũng bao gồm trái cây hóa thạch đã được xác định tạm thời là Cocos nucifera hiện đại. Chúng gồm hai mẫu vật được đặt tên là "Cocos" palaeonucifera"Cocos" binoriensis, cả hai đều được tác giả xác định niên đại là MaastrichtianDanian đầu Đệ Tam (70 đến 62 triệu năm trước). C. binoriensis đã được các tác giả tuyên bố là hóa thạch sớm nhất của Cocos nucifera.[20][21][25]

Ngoài New Zealand và Ấn Độ, chỉ có hai khu vực khác có báo cáo hóa thạch giống Cocos, đó là ÚcColombia. Ở Úc, một loại trái cây hóa thạch giống Cocos, kích thước 10 cm × 9,5 cm (3,9 in × 3,7 in), được phục hồi từ hệ tầng cát Chinchilla có niên đại Pliocen mới nhất hoặc Pleistocen cơ bản. Rigby (1995) đã gán chúng cho Cocos nucifera hiện đại dựa trên kích thước.[20][21] Ở Colombia, một quả giống Cocos duy nhất được phục hồi từ hệ tầng Cerrejón giữa đến cuối thế Paleocen. Tuy nhiên, quả đã bị nén chặt trong quá trình hóa thạch và không thể xác định được liệu chúng có ba lỗ rỗng đặc trưng cho các thành viên thuộc tông Cocoseae hay không. Tuy nhiên, tác giả Gomez-Navarro và cộng sự (2009), đã gán chúng vào chi Cocos dựa trên kích thước và hình dạng của quả.[26]

Trong nỗ lực xác định xem loài này có nguồn gốc từ Nam Mỹ hay châu Á, một nghiên cứu năm 2014 đã đề xuất rằng không phải thế và loài này đã tiến hóa trên các đảo san hô ở Thái Bình Dương. Các nghiên cứu trước đây đã cho rằng cọ dừa đã tiến hóa ở Nam Mỹ hoặc Châu Á và sau đó phân tán từ đây. Nghiên cứu năm 2014 đưa ra giả thuyết rằng loài này tiến hóa ở trên các đảo san hô ở Thái Bình Dương, và sau đó phân tán đến lục địa. Cho rằng điều này sẽ đem đén áp lực tiến hóa cần thiết, làm sáng tỏ các yếu tố hình thái như lớp vỏ xơ dày để bảo vệ chống lại suy thoái đại dương và cung cấp môi trường ẩm để nảy mầm trên các đảo san hô thưa thớt.[27]

Ghi chép lịch sử

sửa

Bằng chứng văn học trong Ramayanabiên niên sử Sri Lanka chỉ ra rằng dừa đã có mặt ở tiểu lục địa Ấn Độ trước thế kỷ 1 TCN.[28] Mô tả trực tiếp sớm nhất được Cosmas Indicopleustes đưa ra trong Topographia Christiana của ông viết vào khoảng năm 545, được gọi là "quả cứng vĩ đại của Ấn Độ".[29] Một đề cập sớm khác về dừa bắt nguồn từ câu chuyện thủy thủ Sinbad trong "Nghìn lẻ một đêm", rằng anh ta đã mua và bán một quả dừa trong chuyến hành trình thứ năm của mình.[30]

Vào tháng 3 năm 1521, một mô tả về quả dừa được Antonio Pigafetta viết bằng tiếng Ý và sử dụng các từ ngữ "cocho"/"cochi", như ghi chép trong nhật ký của ông sau chuyến đi đầu tiên từ châu Âu qua Thái Bình Dương trong chuyến đi vòng quanh Magellan và gặp cư dân của những vùng đất sẽ được gọi là GuamPhilippines. Ông diễn giải tại Guam "họ ăn dừa" ("mangiano cochi") như thế nào và người bản địa ở đó cũng "thoa lên cơ thể và tóc bằng dầu dừa và vừng" ("ongieno el corpo et li capili co oleo de cocho et de giongioli").[31]

 
Quả dừa đã tách vỏ xơ có ba lỗ rỗng đặc trưng giống như một khuôn mặt

Trong tiếng Anh, "coconut" (hay tiếng cổ là "cocoanut")[32] dùng để chỉ toàn bộ cây dừa, hạt hoặc quả, về mặt thực vật học đây là một loại quả hạch, không phải quả cứng. Cái tên này xuất phát từ tiếng Bồ Đào Nha coco, có nghĩa là "đầu" hoặc "đầu lâu", do ba vết lõm trên vỏ gáo dừa giống với đặc điểm trên khuôn mặt. Từ này nguồn gốc từ tiếng Bồ Đào Nhacoco vào thế kỷ 16, có nghĩa là 'cái đầu' hoặc 'đầu lâu' do ba vết lõm trên vỏ gáo dừa giống với đặc điểm trên khuôn mặt.[33][34][35][36] Từ Cocococonut dường như xuất hiện từ năm 1521 qua cuộc gặp gỡ của các nhà thám hiểm Bồ Đào NhaTây Ban Nha với người dân trên đảo Thái Bình Dương. Vỏ gáo dừa gợi nhớ cho họ về một hồn ma hoặc phù thủy trong dân gian Bồ Đào Nha gọi là coco (còn là côca).[36][37] Ở phương Tây ban đầu chúng được gọi là nux indica, một cái tên được Marco Polo sử dụng vào năm 1280 khi ở Sumatra. Ông lấy thuật ngữ này từ người Ả Rập, người ta gọi nó là جوز هندي functionsz hindī, dịch ra là 'quả cứng Ấn Độ'.[38] Thenga, tên gọi trong tiếng Tamil/Malayalam của dừa, được dùng trong mô tả chi tiết về dừa trong Itinerario do Ludovico di Varthema xuất bản năm 1510 và cả trong Hortus Indicus Malabaricus sau này.[39] Danh pháp nucifera có nguồn gốc trong tiếng Latinh nux (quả cứng) và fera (mang), có nghĩa là 'mang quả cứng'.[40]

Mô tả

sửa
 
Lá dừa

Cocos nucifera là một loài cọ lớn, phát triển cao 30 m (100 ft), với lá kép lông chim dài 4–6 m (13–20 ft) và lá chét dài 60–90 cm (2–3 ft); lá già rụng sạch để lại thân cây nhẵn.[41] Trên đất màu mỡ, một cây dừa cao có thể cho đến 75 trái mỗi năm, nhưng thường năng suất thấp hơn 30.[42] [43][44] Với điều kiện chăm sóc và trồng trọt thích hợp, dừa cho quả đầu tiên sau sáu đến mười năm, mất 15 đến 20 năm để đạt sản lượng cao nhất.[45]

Giống dừa Thái Bình Dương lùn đúng kiểu được người Nam Đảo trồng từ thời cổ đại. Những giống này được chọn để sinh trưởng chậm hơn, nước dừa ngọt hơn và trái thường có màu sắc rực rỡ.[46] Nhiều giống khác nhau hiện đại cũng được trồng, bao gồm dừa Maypan, dừa vuamacapuno. Chúng thay đổi tùy theo hương vị nước dừa và màu sắc quả, cũng như các yếu tố di truyền khác.[47]

Quả

sửa
Mặt cắt quả dừa dại và dừa Ấn Độ-Đại Tây Dương thuộc dạng niu kafa
Mặt cắt quả dừa Thái Bình Dương thuần hóa thuộc dạng nia vai

Theo thực vật học, quả dừa thuộc dạng quả hạch, không phải quả cứng thật sự.[48] Giống như các loại trái cây khác, chúng có ba lớp: vỏ quả ngoài, vỏ quả giữavỏ quả trong. Vỏ quả ngoài là lớp vỏ bóng, thường có màu vàng xanh đến vàng nâu. Vỏ quả giữa gồm xơ sợi, được gọi là xơ dừa, có nhiều mục đích sử dụng truyền thống và thương mại. Cả vỏ quả ngoài và giữa tạo nên lớp "vỏ xơ" của dừa, trong khi vỏ quả trong tạo nên lớp "vỏ gáo" dừa cứng. Vỏ trong dày khoảng 4 mm (0,16 in) và có ba lỗ rỗng nảy mầm phân biệt (micropyles) ở điểm cuối ngoại biên. Hai trong số các lỗ rỗng được cắm ("mắt"), trong khi một lỗ hoạt động.[49][50]

 
Quả dừa khi chưa lột vỏ

Mặt trong của vỏ quả trong rỗng và được lót bởi một lớp màng vỏ mỏng màu nâu dày khoảng 0,2 mm (0,0079 in). Vỏ trong ban đầu chứa đầy nội nhũ lỏng đa nhân (nước dừa). Khi sự phát triển tiếp tục, các lớp tế bào của nội nhũ lắng đọng xuống mặt vách vỏ trong, dày lên đến 11 mm (0,43 in) , bắt đầu từ điểm cuối ngoại biên. Cuối cùng, chúng tạo thành lớp nội nhũ rắn có thể ăn được ("thịt dừa" hoặc "cùi dừa") cứng dần theo thời gian. Phôi hình trụ nhỏ được nhúng trong nội nhũ rắn ngay bên dưới lỗ rỗng chức năng của nội nhũ. Khi nảy mầm, phôi đẩy ra khỏi lỗ rỗng chức năng và tạo thành một giác mút (mầm dừa) bên trong khoang trung tâm. Giác mút hút phần nội nhũ đặc để nuôi dưỡng cây con.[49][51][52]

Trái dừa có hai dạng đặc biệt tùy thuộc vào quá trình thuần hóa. Dừa dại có trái hình tam giác thuôn dài với vỏ xơ dày hơn và lượng nội nhũ ít hơn. Điều này cho phép quả nổi hơn và giúp chúng dễ dàng bám vào các bờ cát, làm cho hình dạng của chúng trở nên lý tưởng để phân tán trong đại dương.[15][53][54]

Mặt khác, dừa Thái Bình Dương thuần hóa có hình dạng tròn với vỏ xơ mỏng hơn và lượng nội nhũ lớn hơn. Dừa thuần hóa cũng có nhiều nước dừa hơn.[15][53][54]

Hai dạng này được gọi bằng các thuật ngữ tiếng SamoaNiu kafa cho các loại dừa hoang dã thon dài và Niu vai cho các loại dừa Thái Bình Dương đã thuần hóa tròn trịa.[15][53][54]

Một trái dừa đủ kích thước nặng khoảng 1,4 kg (3 lb 1 oz). Dừa bán nội địa ở các nước sản xuất dừa thường không tách vỏ xơ. Đặc biệt là dừa non (6 đến 8 tháng kể từ khi ra hoa) được bán để lấy nước dừa và cùi dừa mềm như thạch (gọi là “dừa xanh”, “dừa non”, “dừa nước”), nơi có màu gốc của trái thẩm mỹ hơn.[55][56]

Toàn bộ dừa chín nguyên trái (từ 11 đến 13 tháng kể từ khi ra hoa) được bán để xuất khẩu, tuy nhiên, thường phải loại bỏ vỏ xơ để giảm trọng lượng và khối lượng vận chuyển. Điều này dẫn đến việc "vỏ gáo" dừa trần với ba lỗ rỗng trở nên quen thuộc hơn ở các nước không trồng dừa tại địa phương. Dừa đã tách vỏ xơ thường nặng khoảng 750 đến 850 g (1 lb 10 oz đến 1 lb 14 oz). Dừa đã tách vỏ xơ cũng dễ bổ tách hơn cho người tiêu dùng, nhưng có thời gian bảo quản sau thu hoạch ngắn hơn, khoảng hai đến ba tuần ở nhiệt độ 12 đến 15 °C (54 đến 59 °F) hoặc lên đến 2 tháng ở 0 đến 1,5 °C (32,0 đến 34,7 °F) . Trong khi đó, dừa chín còn nguyên vỏ xơ có thể bảo quản từ ba đến năm tháng ở nhiệt độ phòng bình thường.[55][56]

Không giống như một số loài cây khác, dừa không có rễ cái cũng như không có lông rễ mà có bộ rễ sợi.[57] Hệ thống rễ bao gồm rất nhiều rễ mảnh mọc ra từ cây gần bề mặt. Chỉ một số rễ đâm sâu vào đất để ổn định. Loại hệ thống rễ này được gọi là rễ sợi hoặc rễ bất định, và là một đặc điểm của loài cỏ. Các loại cây lớn khác tạo ra một rễ cái mọc hướng xuống với một số rễ nhánh mọc ra từ nó. 2.000-4.000 gốc rễ có thể mọc lên, mỗi rễ lớn khoảng 1 cm (0,39 in). Thường xuyên thay thế những rễ cây đã mục nát khi cây mọc ra những rễ mới.[8]

Cụm hoa

sửa
 
Cụm hoa dừa nở ra

Dừa ra hoa cái và đực trên cùng một cụm hoa; do đó, là loài đơn tính cùng gốc.[57] Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy chúng có thể là loài đa bội, đôi khi có thể có hoa lưỡng tính.[58] Hoa cái to hơn nhiều so với hoa đực. Dừa ra hoa xảy ra liên tục. Cây được cho là chủ yếu thụ phấn chéo, mặc dù hầu hết các giống cây lùn đều tự thụ phấn.[15]

Phân bố và sinh thái

sửa

Dừa có sự phân bố gần như toàn cầu nhờ vào hoạt động của con người áp dụng trong nông nghiệp. Tuy nhiên, phân bố lịch sử có thể bị hạn chế hơn.

Sinh cảnh tự nhiên

sửa

Dừa phát triển mạnh trên đất pha cát, chịu mặn cao. Ưa thích khu vực có nhiều ánh sáng mặt trời và lượng mưa thường xuyên (1.500–2.500 mm [59–98 in] hàng năm), khiến cho các đường bờ biển thuộc địa của vùng nhiệt đới tương đối đơn giản.[59] Dừa cũng cần độ ẩm cao (ít nhất 70–80%) để phát triển tối ưu, đó là lý do tại sao chúng hiếm khi sống nơi có độ ẩm thấp. Tuy nhiên, chúng có thể mọc tại những khu vực ẩm ướt với lượng mưa hàng năm thấp như ở Karachi, Pakistan, nơi chỉ nhận được khoảng 250 mm (9,8 in) lượng mưa mỗi năm, nhưng luôn ấm và ẩm.

Dừa cần điều kiện ấm áp để phát triển thành công và không chịu được thời tiết lạnh. Một số biến đổi theo mùa được chấp nhận, với sự phát triển tốt ở nơi nhiệt độ mùa hè trung bình từ 28 và 37 °C (82 và 99 °F) và tồn tại miễn là nhiệt độ mùa đông trên 4–12 °C (39–54 °F). Dừa sẽ sống sót sau khi giảm xuống 0 °C (32 °F). Băng giá nghiêm trọng thường gây chết cây, mặc dù chúng đã được biết là có thể phục hồi sau nhiệt độ −4 °C (25 °F).[59] Chúng có thể phát triển nhưng không kết trái đúng cách ở những vùng không đủ ấm, chẳng hạn như Bermuda .

Các điều kiện cần thiết để cây dừa có thể phát triển mà không cần chăm sóc là:

  • Nhiệt độ trung bình hàng ngày trên 12–13 °C (54–55 °F) mọi ngày trong năm
  • Lượng mưa trung bình hàng năm trên 1,000 mm (0,0394 in)
  • Không có hoặc có rất ít tán cây trên cao, vì ngay cả những cây nhỏ cũng cần có ánh nắng trực tiếp

Yếu tố hạn chế chính đối với hầu hết các địa điểm đáp ứng yêu cầu về lượng mưa và nhiệt độ là sự phát triển của tán cây, ngoại trừ những vị trí gần bờ biển, nơi đất cát và phun muối hạn chế sự phát triển của hầu hết các cây khác.

Thuần hóa

sửa

Dừa hoang tự nhiên hạn chế ở các vùng ven biển trên đất cát nhiễm mặn. Quả thích nghi để phân tán trong đại dương. Dừa không thể đến được các địa điểm trong đất liền nếu không có sự can thiệp của con người (để mang quả giống, trồng cây con, v.v.) và việc nảy mầm sớm trên cây là rất quan trọng.[60]

Dừa ngày nay có thể được nhóm thành hai quần thể phụ rất khác biệt về mặt di truyền: nhóm Ấn Độ-Đại Tây Dương có nguồn gốc từ miền nam Ấn Độ và các khu vực lân cận (bao gồm Sri Lanka, LaccadivesMaldives); và nhóm Thái Bình Dương có nguồn gốc từ khu vực giữa biển Đông Nam ÁMelanesia. Tất cả các bằng chứng ngôn ngữ, khảo cổ và di truyền đều chỉ ra sự thuần hóa dừa Thái Bình Dương ban đầu của người Nam Đảo ở vùng biển Đông Nam Á trong thời kỳ mở rộng Nam Đảo (khoảng 3000 đến 1500 TCN). Mặc dù các di chỉ khảo cổ có niên đại từ năm 1000 đến năm 500 TCN cũng cho biết rằng dừa Ấn Độ-Đại Tây Dương sau này cũng được người Dravidia trồng độc lập, nhưng chỉ có dừa Thái Bình Dương mới có dấu hiệu thuần hóa rõ ràng như tập tính lùn, tự thụ phấn và quả tròn. Ngược lại, dừa Ấn Độ Dương đều có đặc điểm tổ tiên là mọc vươn cao và trái hình tam giác thon dài.[3][9][10][61]

Dừa Ấn Độ-Đại Tây Dương từ đông Ấn Độ với loại quả "niu kafa" hình tam giác thon dài.
Dừa Thái Bình Dương thuần hóa tại Philippines với quả tròn vàng tươi kiểu niu vai và có tập tính mọc lùn sinh trưởng chậm

Dừa đóng một vai trò quan trọng trong cuộc di cư của người Nam Đảo. Chúng cung cấp một nguồn di động cả thức ăn và nước uống, cho phép người Nam Đảo tồn tại trong những chuyến đi biển dài ngày đến các hòn đảo mới cũng như thiết lập tuyến đường thương mại tầm xa. Dựa trên bằng chứng ngôn ngữ học, sự vắng mặt của từ ngữ chỉ cây dừa trong ngôn ngữ Nam Đảo Đài Loan khiến cho văn hóa dừa Nam Đảo chỉ phát triển sau khi thực dân bắt đầu đô hộ Philippines. Tầm quan trọng của dừa trong văn hóa Nam Đảo được chứng minh bằng các thuật ngữ chung về bộ phận và công dụng rất cụ thể của cây dừa, được chuyển từ Philippines sang theo các cuộc di cư của người Nam Đảo.[3][10] Dừa Ấn Độ-Đại Tây Dương sau đó cũng được thương nhân Ả RậpNam Á phổ rộng dọc theo lưu vực Ấn Độ Dương, dẫn đến sự trộn lẫn hạn chế với dừa Thái Bình Dương được du nhập trước đó đến MadagascarComoros thông qua mạng lưới thương mại hàng hải Nam Đảo cổ đại.[10]

Dừa có thể được chia thành hai loại quả - dạng niu kafa tổ tiên có vỏ xơ dày, góc cạnh và dạng niu vai có vỏ xơ mỏng, hình cầu với tỷ lệ nội nhũ cao hơn. Các thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Samoa và được Harries (1978) áp dụng vào cách sử dụng khoa học.[10][53][62]

Dạng niu kafa là loại tổ tiên hoang dã, có vỏ xơ dày để bảo vệ quả, hình dạng góc cạnh, có nhiều rãnh để thúc đẩy sức nổi trong quá trình phân tán trên đại dương và phần gốc nhọn cho phép quả cắm vào cát, ngăn chúng bị rửa trôi trong quá trình nảy mầm trên một hòn đảo mới. Đây là dạng nổi trội trong các loại dừa Ấn Độ-Đại Tây Dương.[10][53] Tuy nhiên, chúng cũng có thể được chọn lọc phần nào để lấy vỏ xơ dày hơn cho sản xuất xơ dừa, điều này cũng rất quan trọng trong văn hóa vật chất Nam Đảo như nguồn làm dây thừng trong xây dựng nhà cửa và tàu thuyền.[3]

 
Trồng xen dừa và hoa vạn thọKerala, Ấn Độ

Dạng niu vai là dạng thuần hóa chiếm ưu thế của dừa Thái Bình Dương. Chúng được người Nam Đảo lựa chọn vì tỷ lệ nội nhũ trên vỏ xơ lớn hơn cũng như hàm lượng nước dừa cao hơn, khiến chúng hữu ích hơn để làm thực phẩm và dự trữ nước cho các chuyến đi biển. Loại quả hình cầu, vỏ xơ mỏng này giảm sức nổi và tăng độ mỏng manh, sẽ không thành vấn đề đối với một loài đã bắt đầu dược con người phát tán và trồng trong đồn điền.[53][54] Mảnh vỏ quả dừa dạng niu vai đã được phục hồi tại các điểm khảo cổ trên quần đảo St. Matthias thuộc quần đảo Bismarck. Các mảnh có niên đại khoảng 1000 năm TCN, cho biết người Lapita Nam Đảo đã tiến hành trồng trọt và chọn lọc nhân tạo dừa.[3]

Dừa cũng có thể được chia thành hai loại chung dựa trên tập tính: giống "Cao" (var. Typica ) và "Lùn" (var. Nana).[63] Hai nhóm khác biệt về mặt di truyền, với giống lùn có mức độ chọn lọc nhân tạo cao hơn đối với các đặc điểm làm cảnh cũng như nảy mầm và đậu quả sớm.[62][64] Giống cao là lai xa trong khi dừa lùn tự thụ phấn, điều này đã dẫn đến mức độ đa dạng di truyền trong nhóm cây cao hơn nhiều.[65]

Giống dừa lùn được thuần hóa hoàn toàn, trái ngược với giống dừa cao thể hiện tính đa dạng hơn về mặt thuần hóa (và thiếu hụt).[65][66] Thực tế là tất cả dừa lùn chia sẻ 3 trong số 13 tín hiệu di truyền (chỉ xuất hiện với tần số thấp ở giống dừa cao) khiến cho khả năng tất cả chúng đều có nguồn gốc từ một quần thể thuần hóa duy nhất. Dừa lùn Philippine và Mã Lai sớm phân hóa thành hai loại rõ rệt. Chúng thường vẫn bị cô lập về mặt di truyền khi được đưa đến các vùng mới, do đó có thể truy tìm nguồn gốc của chúng. Nhiều giống dừa lùn khác cũng phát triển do giống cây lùn ban đầu được đưa đến nơi khác và lai với giống dừa cao. Nguồn gốc của giống dừa lùn là Đông Nam Á, nơi có giống dừa cao gần nhất về mặt di truyền với dừa lùn.[10][46][65][66]

Một giống tổ tiên khác là niu leka của Polynesia (đôi khi được gọi là "lùn rắn chắc"). Mặc dù có đặc điểm tương tự dừa lùn (bao gồm cả tốc độ tăng trưởng chậm) nhưng chúng khác biệt về mặt di truyền. Do đó được cho là đã thuần hóa độc lập, có thể là ở Tonga. Giống khác của niu leka cũng có thể tồn tại trên đảo khác của Thái Bình Dương. Một số có thể là hậu duệ của những con lai tiên tiến giữa các giống dừa lùn rắn chắc và dừa lùn Đông Nam Á.[46][66]

Phát tán

sửa

Trái dừa hoang dã nhẹ, nổi và chịu nước cao. Người ta khẳng định rằng chúng tiến hóa để phát tán theo khoảng cách đáng kể thông qua đường hải lưu.[67] Tuy nhiên, cũng có thể lập luận rằng vị trí lỗ mắt dễ bị tổn hại của quả cứng (hạ xuống khi nổi) và vị trí của đệm xơ dừa được định vị tốt hơn để đảm bảo rằng quả cứng chứa đầy nước không bị vỡ khi rơi trên đất đá, hơn là thả nổi.

Người ta cũng cho rằng dừa có thể trôi 110 ngày, hay 3.000 dặm (5.000 kilômét) bằng đường biển mà vẫn có thể nảy mầm.[68] Con số này đã bị đặt câu hỏi dựa trên kích thước mẫu cực kỳ nhỏ tạo thành cơ sở của bài báo đưa ra tuyên bố này.[19] Thor Heyerdahl cung cấp một giải pháp thay thế, và ngắn hơn nhiều, ước tính dựa trên kinh nghiệm đầu tiên của ông vượt qua Thái Bình Dương trên chiếc bè Kon-Tiki:[69]

Quả cứng chúng tôi chứa trong giỏ trên boong vẫn có thể ăn được và có khả năng nảy mầm trên toàn bộ đường đến Polynesia. Nhưng chúng tôi đã đặt khoảng một nửa số những vật dụng đặc biệt bên dưới boong, với những con sóng đang cuốn lấy chúng. Mỗi một trong số này đã bị nước biển hủy hoại. Và không có quả dừa nào có thể trôi trên biển nhanh hơn một chiếc bè balsa di chuyển theo gió phía sau nó.

Ông cũng lưu ý rằng một số quả cứng bắt đầu nảy mầm sau khi chúng được mười tuần trên biển, ngoại trừ hành trình không cộng sự trong 100 ngày hoặc hơn.[19]

 
Hàng cây dừa trên bãi biển ở Upolu, Samoa

Mẫu trôi dạt theo gió và hải lưu đã chỉ ra rằng dừa không thể trôi qua Thái Bình Dương mà không có sự trợ giúp.[19] Nếu chúng được phân bố tự nhiên và đã ở Thái Bình Dương trong 1000 năm hoặc lâu hơn, thì chúng ta sẽ có được bờ biển đông Úc, với những hòn đảo riêng được che chở bởi rạn san hô Great Barrier, sẽ dày đặc các rặng dừa: dòng chảy trực tiếp lên và xuống dọc theo bờ biển này. Tuy nhiên, cả James CookWilliam Bligh[70] (bỏ trốn sau cuộc binh biến Bounty) đều không tìm thấy dấu hiệu của quả cứng dọc theo mạch đường 2.000 km (1.200 mi) khi ông cần nước cho thủy thủ đoàn của mình. Cũng không có dừa ở phía đông bờ biển châu Phi cho đến Vasco da Gama, cũng như ở Caribe khi lần đầu tiên Christopher Columbus đến thăm. Chúng thường được tàu Tây Ban Nha chở như một nguồn nước ngọt.

 
Dừa nảy mầm trên Bãi biển Punaluʻu trên đảo Hawaiʻi

Những điều này cung cấp bằng chứng hoàn cảnh đáng kể cho rằng dân du hành Nam Đảo đã có chủ ý chuyên chở dừa qua Thái Bình Dương và dừa không thể phát tán ra toàn thế giới nếu không qua trung gian loài người. Gần đây hơn, phân tích bộ gen của dừa trồng (C. nucifera L.) đã làm sáng tỏ quan điểm này. Tuy nhiên, pha trộn gen và chuyển giao vật chất di truyền, rõ ràng đã xảy ra giữa hai quần thể.[10]

Cho rằng dừa lý tưởng khi phân tán trên đại dương giữa các nhóm đảo, rõ ràng một số phân bố tự nhiên đã diễn ra. Tuy nhiên, địa điểm xảy ra sự kiện pha trộn được giới hạn ở Madagascar và ven biển phía đông châu Phi, không bao gồm Seychelles. Mẫu hình này trùng hợp với các tuyến đường thương mại của thủy thủ Nam Đảo. Ngoài ra, một quần thể dừa khác biệt về mặt di truyền trên bờ biển Thái Bình Dương của Mỹ-Latin đã trải qua một nút thắt di truyền do hiệu ứng sáng lập. Tuy nhiên, quần thể tổ tiên là dừa Thái Bình Dương từ Philippines. Điều này, cùng với việc con người sử dụng khoai lang Nam Mỹ, cho ra rằng người Nam Đảo có thể đã đi thuyền về phía đông đến tận châu Mỹ.[10] Trong quần đảo Hawaii, dừa được xem là một loài du nhập Polynesia, lần đầu tiên đưa đến đảo nhờ người du hành Polynesia sớm (cũng như Nam Đảo) từ quê hương của họ ở các đảo phía nam Polynesia.[38]

Vài mẫu vật thu thập được từ vùng biển xa về phía bắc như Na Uy (nhưng không biết chúng xuống nước ở đâu).[71] Dừa mọc ở Caribe, Đại Tây Dương của châu Phi và Nam Mỹ trong vòng chưa đầy 500 năm (cư dân bản địa vùng Caribe không đặt tên phương ngữ cho dừa, mà sử dụng tên tiếng Bồ Đào Nha), nhưng bằng chứng về sự hiện diện của chúng trên bờ biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ trước cả sự kiện Christopher Columbus đến châu Mỹ.[7] Bây giờ cây dừa gần như phổ biến trong khoảng 26°bắc và 26°nam trừ nội địa châu Phi và Nam Mỹ.

Giả thuyết về nguồn gốc đảo san hô năm 2014 đề xuất rằng dừa đã phân tán theo kiểu nhảy đảo bằng cách sử dụng các đảo san hô nhỏ, đôi khi ngắn ngủi. Lưu ý rằng bằng cách sử dụng những đảo san hô nhỏ này, các loài có thể dễ dàng nhảy đảo. Trong quá trình tiến hóa trên quy mô thời gian, các đảo san hô dịch chuyển sẽ rút ngắn tuyến đường thuộc địa, có nghĩa là bất kỳ cây dừa nào cũng sẽ không cần tiến rất xa để tìm vùng đất mới.[27]

Sâu bệnh

sửa
 
Cây dừa bị nhiễm bệnh ố vàng

Dừa dễ bị nhiễm bệnh phytoplasma, ố vàng gây chết. Một giống cây được chọn gần đây, 'Maypan', đã được lai tạo để kháng bệnh này.[72] Bệnh ố vàng ảnh hưởng đến cây trồng ở châu Phi, Ấn Độ, Mexico, Caribe và khu vực Thái Bình Dương.[73]

Dừa bị ấu trùng của nhiều loài Lepidoptera (bướm ngàybướm đêm) ăn phá hoại, bao gồm cả giun quân đội châu Phi (Spodoptera exempta) và Batrachedra spp: B. arenosella, B. atriloqua (chỉ ăn cây dừa), B. mathsoni (chỉ ăn cây dừa) và B. nuciferae.[74]

Brontispa longissima (bọ cánh cứng lá dừa) ăn lá non, và gây hại cho cả cây con và dừa lớn. Năm 2007, Philippines đã áp đặt một cuộc kiểm dịchMetro Manila và 26 tỉnh để ngăn chặn sự lây lan dịch hại và bảo vệ ngành công nghiệp dừa của Philippines do vài 3.5 triệu nông dân quản lý.[75]

Quả dừa cũng có thể bị ve dừa eriophyid (Eriophyes guerreronis) phá hỏng. Loài ve này phá hoại các đồn điền dừa. Chúng có thể phá hủy đến 90% sản lượng dừa. Quả còn non bị nhiễm và bong tróc bởi ấu trùng ở trong phần được bao phủ bởi bao hoa của quả non; sau đó quả rụng ra hoặc bị biến dạng. Phun thuốc với lưu huỳnh pha ướt 0,4% hoặc với thuốc trừ sâu chiết xuất sầu đâu có thể giúp giảm bớt một số dịch hại, nhưng tốn kém và tốn nhiều công sức.

Kerala, Ấn Độ, các loài gây hại chính trên dừa là ve dừa, bọ cánh cứng tê giác, đuông đỏsâu bướm lá dừa. Nghiên cứu biện pháp đối phó với sâu hại được thực hiện Tính đến năm 2009 không mang lại kết quả. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Nông nghiệp Kerala và Viện Nghiên cứu Cây trồng Trung ương, Kasaragode, tiếp tục nghiên cứu các biện pháp đối phó. Krishi Vigyan Kendra, Kannur thuộc Đại học Nông nghiệp Kerala đã phát triển một phương pháp khuyến nông đổi mới được gọi là cách tiếp cận nhóm diện tích nhỏ để chống ve dừa.

Sản xuất và trồng trọt

sửa
Sản lượng dừa, 2019
Quốc gia Sản xuất

(hàng triệu tấn )

  Indonesia 17.1
  Philippines 14,8
  Ấn Độ 14,7
  Sri Lanka 2,5
  Brasil 2.3
  México 1,3
Thế giới 62,5
Nguồn: FAOSTAT của Liên hợp quốc [76]

Năm 2019, sản lượng dừa thế giới là 62 triệu tấn, dẫn đầu là Indonesia, PhilippinesẤn Độ, với 75% tổng sản lượng (bảng).[76]

Trồng trọt

sửa

Dừa thường được trồng ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Chúng cần hơi ấm và độ ẩm quanh năm để phát triển tốt và kết trái. Cây dừa khó trồng ở vùng khí hậu khô và không thể phát triển ở đó nếu không được tưới thường xuyên. Trong điều kiện khô hạn, lá non không bung ra tốt còn lá già có thể bị khô; quả cũng có xu hướng bị rơi rụng.[59]

Mức độ canh tác ở vùng nhiệt đới đang đe dọa một số sinh cảnh, chẳng hạn như rừng ngập mặn; một ví dụ về thiệt hại như vậy đối với một vùng sinh thái là ở rừng ngập mặn Petenes của Yucatán.[77]

Gieo trồng

sửa

Dừa có một số lượng giống thương mại và truyền thống. Chúng có thể phân loại chủ yếu thành giống cao, giống lùn và giống lai (lai giữa cây cao và cây lùn). Vài giống cây lùn như 'dừa lùn Mã Lai' đã cho ra một số khả năng kháng bệnh ố vàng gây chết đầy hứa hẹn. Trong khi các giống khác như 'dừa cao Jamaica' lại bị ảnh hưởng nặng bởi cùng một loại dịch bệnh. Một số giống cây trồng có khả năng chịu hạn tốt hơn như 'dừa biển cao miền tây' (Ấn Độ) trong khi những giống khác như 'dừa cao Hải Nam' (Trung Quốc) chịu lạnh tốt hơn. Các khía cạnh khác như kích thước quả, hình dạng và trọng lượng, độ dày của cùi dừa cũng là những yếu tố quan trọng khi lựa chọn giống cây mới. Một số giống dừa như 'dừa lùn Fiji' tạo thành củ lớn ở thân dưới và những giống khác được trồng để cho nước dừa rất ngọt với vỏ xơ màu cam (dừa vua) được sử dụng hoàn toàn trong các quầy trái cây để uống (Sri Lanka, Ấn Độ).

Thu hoạch

sửa
Trái: Thu hoạch dừa ở Philippines được công nhân trèo lên cây hái bằng cách dựa vào các vết khía cắt vào thân cây;
Giữa: Công nhân thu hoạch dừa ở Veracruz, Mexico bằng dây thừng và ròng rọc;
Phải: Công nhân trồng dừa ở Maldives dùng một vòng vải quấn quanh mắt cá chân

Hai phương pháp thu hoạch phổ biến nhất là leo và sào. Leo là phổ biến nhất, nhưng cũng nguy hiểm hơn và đòi hỏi người hái có tay nghề cao.[78] Leo cây dừa theo cách thủ công là truyền thống ở hầu hết các quốc gia và đòi hỏi một tư thế cụ thể để tạo áp lực lên thân cây bằng bàn chân. Người leo cây làm việc trong các đồn điền dừa thường bị rối loạn cơ xương và có nguy cơ bị thương nặng hoặc tử vong do ngã.[79][80][81]

 
Công nhân ở Philippines sử dụng mạng lưới cầu tre để thu gom nhựa dừa ngọt từ cành hoa đã cắt để sản xuất lambanog, một loại đồ uống có cồn chưng cất

Để tránh điều này, công nhân trồng dừa ở PhilippinesGuam theo truyền thống sử dụng bolo buộc bằng dây vào eo để cắt các rãnh đều trên thân dừa. Điều này về cơ bản biến thân cây thành bậc thang, mặc dù như thế làm giảm giá trị của gỗ dừa thu hoạch từ cây và có thể là điểm xâm nhập để lây nhiễm trùng.[78][82][83] Các phương pháp thủ công khác giúp leo hái dễ dàng hơn bao gồm sử dụng hệ thống ròng rọc và dây thừng; dùng những đoạn dây nho, dây thừng hoặc vải buộc vào cả hai tay hoặc hai chân; sử dụng nhánh gắn vào bàn chân hoặc chân; hoặc gắn vỏ xơ dừa vào thân cây bằng dây thừng.[84] Phương pháp hiện đại sử dụng thang máy thủy lực gắn trên máy kéo hoặc thang bộ.[85] Các thiết bị leo dừa cơ học và thậm chí cả robot tự động cũng đã được phát triển gần đây ở các nước như Ấn Độ, Sri LankaMalaysia.[84][86][87][88]

Phương pháp sào sử dụng một sào dài với một thiết bị cắt ở cuối. Ở Philippines, công cụ truyền thống được gọi là hamburger và được làm từ một cột tre dài với một lưỡi giống như lưỡi liềm gắn ở đầu. Mặc dù an toàn và nhanh hơn so với phương pháp leo giàn, nhưng có nhược điểm chính là không cho phép công nhân kiểm tra và làm sạch ngọn dừa để tìm sâu bệnh.[89]

Việc xác định xem có thu hoạch hay không cũng rất quan trọng. Gatchalian và cộng sự 1994 đã phát triển một kỹ thuật sonometry để xác định chính xác giai đoạn chín của dừa non.[90]

Một hệ thống cầu tre và thang nối trực tiếp các tán cây cũng được sử dụng ở Philippines cho các đồn điền dừa để thu hoạch nhựa dừa (không phải trái) nhằm sản xuất giấm dừarượu dừa.[85][91] Ở các khu vực khác, như ở Papua New Guinea, dừa được thu gom đơn giản khi chúng rơi xuống đất.[78]

Một phương pháp gây tranh cãi hơn được số ít nông dân trồng dừa ở Thái LanMalaysia sử dụng là dùng khỉ đuôi lợn đã qua huấn luyện để thu hoạch dừa. Thái Lan đã nuôi và huấn luyện khỉ đuôi lợn hái dừa cho khoảng 400 năm.[92][93][94] Các trường huấn luyện khỉ vẫn còn tồn tại cả ở miền nam Thái Lan và ở Malaysia bang Kelantan.[95]

Hành vi sử dụng khỉ để thu hoạch dừa đã bị Tổ chức Đối xử Đạo đức với Động vật (PETA) vạch trần ở Thái Lan vào năm 2019, dẫn đến việc kêu gọi tẩy chay các sản phẩm từ dừa. PETA sau đó đã làm rõ rằng việc sử dụng khỉ không được thực hiện ở Philippines, Ấn Độ, Brazil, Colombia, Hawaii và những nơi sản xuất dừa lớn khác.[85]

Thay thế cho khí hậu mát

sửa

Ở những vùng khí hậu mát mẻ hơn (nhưng không dưới USDA Khu vực 9), một loại cọ tương tự, cọ nữ hoàng (Syagrus romanzoffiana), được sử dụng trong cảnh quan . Trái cây này tương tự như trái dừa, nhưng nhỏ hơn. Cọ nữ hoàng ban đầu được phân loại thuộc chi Cocos cùng với dừa, nhưng sau đó được phân loại lại thuộc chi Syagrus. Một loài cọ được phát hiện gần đây, Beccariophoenix alfredii từ Madagascar, gần giống với dừa, hơn cọ nữ hoàng và cũng có thể được trồng ở những vùng khí hậu mát hơn một chút so với dừa. Dừa chỉ trồng được ở nhiệt độ trên 18 °C (64 °F) và cần nhiệt độ hàng ngày trên 22 °C (72 °F) để ra quả.

Sản xuất theo quốc gia

sửa

Indonesia

sửa

Indonesia là nước sản xuất dừa lớn nhất thế giới, với tổng sản lượng là 15 triệu tấn.[96] Một quả dừa nảy mầm là biểu tượng của Gerakan Pramuka Indonesia, tổ chức hướng đạo Indonesia.[97]

Philippines

sửa
 
Nata de coco đỏ trong siro tại Philippines
 
Macapuno bảo quản được bán ở Hoa Kỳ

Philippines là quốc gia sản xuất dừa lớn thứ hai thế giới. Đây là nước sản xuất lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ cho đến khi sản lượng sụt giảm do cây già cỗi cũng như bão tàn phá. Indonesia đã vượt qua vào năm 2010. Nước này vẫn là nhà sản xuất dầu dừa và cùi dừa lớn nhất, chiếm 64% sản lượng toàn cầu. Sản xuất dừa đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với 25% diện tích đất canh tác (khoảng 3,56 triệu ha) được sử dụng để trồng dừa và khoảng 25 đến 33% dân số sống dựa vào dừa để kiếm sống.[98][99][100]

Hai sản phẩm dừa quan trọng lần đầu tiên được phát triển ở Philippines, macapunonata de coco. Macapuno là một loại dừa với phần cùi dừa giống như thạch. Thịt quả được làm ngọt, cắt thành sợi và được bán trong lọ thủy tinh như dây dừa, đôi khi được dán nhãn là "thể thao dừa". Nata de coco, còn được gọi là gel dừa, là một sản phẩm dừa giống thạch khác được làm từ nước dừa lên men.[101][102]

Ấn Độ

sửa
 
Dừa được bán trên một con phố ở Delhi, Ấn Độ

Khu vực trồng dừa truyền thống ở Ấn Độ là các bang Kerala, Tamil Nadu, Karnataka, Puducherry, Andhra Pradesh, Goa, Maharashtra, Odisha, Tây BengalGujarat và các đảo Lakshadweep, Andaman và Nicobar . Theo số liệu thống kê 2014–15 từ Ban Phát triển Dừa của Chính phủ Ấn Độ, bốn bang miền nam cộng lại chiếm gần 90% tổng sản lượng của cả nước: Tamil Nadu (33,84%), Karnataka (25,15%), Kerala (23,96%), và Andhra Pradesh (7,16%).[103] Các bang khác, chẳng hạn như Goa, Maharashtra, Odisha, Tây Bengal và những bang ở phía đông bắc (TripuraAssam) chiếm các sản lượng còn lại. Mặc dù Kerala có số lượng cây dừa lớn nhất, nhưng xét về sản lượng trên 1 ha, Tamil Nadu dẫn đầu tất cả các bang khác. Các vùng Tamil Nadu, CoimbatoreTirupur đứng đầu danh sách sản xuất.[104]

Ở Goa, cây dừa đã được chính phủ phân loại lại thành cây cọ (giống như cỏ), cho phép nông dân và giới đầu tư bất động sản giải phóng mặt bằng với ít hạn chế hơn.[105] Với điều này, dừa sẽ không còn được xem là một cây nữa và sẽ không phải xin phép cơ quan kiểm lâm trước khi chặt một cây dừa.[106]

Trung Đông

sửa

Khu vực sản xuất dừa chính ở Trung Đông là vùng Dhofar của Oman, nhưng chúng có thể được trồng dọc theo các bờ biển vịnh Ba Tư, biển Ả Rậpbiển Đỏ, bởi vì những vùng biển này là vùng nhiệt đới và cung cấp đủ độ ẩm (thông qua sự bốc hơi nước biển) cho cây dừa phát triển. Cây dừa non cần được ươm và tưới bằng ống nhỏ giọt cho đến khi đủ tuổi (phát triển thân củ) thì mới tưới bằng nước lợ hoặc nước biển, sau đó có thể trồng lại trên các bãi biển. Đặc biệt, khu vực xung quanh Salalah vẫn duy trì những đồn điền dừa lớn tương tự như những đồn điền trên biển Ả Rập ở Kerala. Những lý do tại sao dừa chỉ trồng được tại Al MahrahHadramautYemen và Vương quốc Hồi giáo Oman, nhưng không phải trong vùng miền phù hợp khác trên bán đảo Ả Rập, có thể bắt nguồn từ thực tế là Oman và Hadramaut đã quan hệ thương mại bằng thuyền dhow dài với Myanmar, Malaysia, Indonesia, Đông Phi và Zanzibar, cũng như miền nam Ấn Độ và Trung Quốc. Người Oman cần dây thừng xơ dừa từ thớ sợi dừa để nối những chiếc thuyền dhow truyền thống của họ lại với nhau, trong đó móng tay không bao giờ sử dụng. Những người trở về từ những khu vực hải ngoại này đã tìm ra kiến thức về trồng dừa, cố định đất và tưới tiêu cần thiết đưa vào văn hóa Oman, Hadrami và Al-Mahra.

 
Hàng cây dừa trải dọc các bãi biển và tuyến đường ven biển của Oman

Giống dừa trồng ở Oman nói chung là giống 'dừa biển cao miền tây' của Ấn Độ có khả năng chịu hạn. Không giống như UAE, nơi chủ yếu trồng các giống dừa lai hoặc lùn phi bản địa được nhập khẩu từ Florida để làm cảnh. Giống dừa Oman cao và mảnh mai thích nghi tương đối tốt với mùa khô nóng của Trung Đông, nhưng cần nhiều thời gian hơn để đạt độ chín. Khí hậu khô, nóng của Trung Đông tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ve dừa, chúng khiến cây rụng quả chưa lớn và có thể làm biến đổi màu xám nâu trên lớp xơ xanh bên ngoài quả dừa.

Những rặng dừa cổ thụ của Dhofar đã được nhà du hành Maroc thời trung cổ Ibn Battuta đề cập đến trong các tác phẩm của ông, được biết đến với cái tên Al Rihla.[107] Mùa mưa hàng năm tại địa phương được gọi là khareef hoặc gió mùa khiến hoạt động trồng dừa trở nên dễ dàng trên bờ biển đông Ả Rập.

Cây dừa cũng ngày càng được trồng cho mục đích làm cảnh dọc theo các bờ biển của UAEẢ Rập Xê Út với sự trợ giúp của hệ thống tưới tiêu. Tuy nhiên, UAE đã áp đặt luật nghiêm ngặt đối với việc nhập khẩu cây dừa trưởng thành từ các quốc gia khác để giảm thiểu dịch hại lây lan sang cọ dừa bản địa khác. Do đó, sự hòa trộn giữa chà là và dừa gây ra rủi ro về sâu bệnh trên loài cọ lai tạp, chẳng hạn như bọ cánh cứng tê giácđuông đỏ.[108] Cảnh quan nhân tạo có thể là nguyên nhân gây ra bệnh ố vàng gây chết, một loại bệnh do virus dừa dẫn đến chết cây. Bệnh lây lan bởi côn trùng vật chủ, phát triển mạnh trên mảng cỏ rậm rạp. Do đó, môi trường cỏ rậm rạp (khu nghỉ mát bãi biểnsân gôn) cũng là mối đe dọa lớn đối với cây dừa địa phương. Theo truyền thống, chuối sa mạc và hệ thực vật hoang dã trên bãi biển địa phương như Scaevola taccadaIpomoea pes-caprae được sử dụng làm thảm xanh cung cấp độ ẩm cho dừa, hòa cùng bàng biểntra làm chiếu . Do lối sống ít vận động ngày càng gia tăng và cảnh quan nặng nề, đã dẫn đến sự suy giảm các kỹ thuật canh tác và cố định đất truyền thống.

Sri Lanka

sửa

Sri Lanka là nước sản xuất dừa lớn thứ tư thế giới và là nước sản xuất dầu dừa và cùi dừa lớn thứ hai, chiếm 15% sản lượng toàn cầu.[109] Sản xuất dừa là nguồn chính của nền kinh tế Sri Lanka, với 12% diện tích đất canh tác và 409.244 ha được sử dụng để trồng dừa (2017). Sri Lanka đã thành lập Cơ quan Phát triển Dừa và Ban Trồng Dừa và Viện Nghiên cứu Dừa vào đầu thời kỳ Ceylon thuộc Anh.[109]

Hoa Kỳ

sửa

Tại Hoa Kỳ, dừa có thể được trồng và sinh sản ngoài trời mà không cần tưới ở Hawaii, miền nam và trung Florida,[110] và các vùng lãnh thổ của Puerto Rico, Guam, Samoa thuộc Mỹ, quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ và quần đảo Bắc Mariana.Ở Florida, quần thể dừa hoang dã kéo dài đến Bờ biển Đông từ Key West đến Jupiter Inlet và lên Bờ biển Tây từ đảo Marco đến Sarasota. Nhiều đảo san hô nhỏ nhất ở Florida Keys được biết đến là nơi có nhiều rặng dừa mọc lên từ những trái dừa trôi dạt hoặc cuốn theo các dòng hải lưu. Dừa được trồng ở phía bắc của nam Florida đến gần bãi biển Cocoa ở Bờ biển Đông và Clearwater ở Bờ biển Tây.

Dừa thường được trồng xung quanh bờ biển bắc Úc và ở một số vùng ấm hơn của New South Wales. Tuy nhiên, chúng chủ yếu trồng dưới dạng làm cảnh. Ngành công nghiệp dừa của Úc còn nhỏ. Úc là nước nhập khẩu ròng sản phẩm dừa. Các thành phố của Úc đã nỗ lực rất nhiều khi tỉa bỏ quả dừa cảnh để đảm bảo rằng dừa trưởng thành không bị đổ và gây thương tích cho người dân.[111]

Sử dụng

sửa
 
Dừa xanh chưa chín được bán ở Bangladesh để lấy nước dừa và thịt mềm như thạch

Dừa được trồng khắp các vùng nhiệt đới để trang trí, cũng như dùng làm thực phẩm; hầu như mọi bộ phận của cây dừa đều có thể được con người sử dụng theo một cách nào đó và có giá trị kinh tế đáng kể. Tính đa dụng của dừa đôi khi được ghi nhận trong cách đặt tên. Trong tiếng Phạn, cây tên là kalpa vriksha ("cây cung cấp mọi nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống"). Trong tiếng Mã Lai, cây có tên là pokok seribu guna ("cây ngàn công dụng"). Ở Philippines, dừa thường được gọi là "cây sự sống".[112]

Đây là một trong những loài cây hữu ích nhất trên thế giới.[51]

Dùng trong ẩm thực

sửa

Dinh dưỡng

sửa
Cùi dừa, thô
Giá trị dinh dưỡng cho mỗi 100 g (3,5 oz)
Năng lượng1.480 kJ (350 kcal)
15.23 g
Đường6.23 g
Chất xơ9.0 g
33.49 g
Chất béo bão hòa29.698 g
Chất béo không bão hòa đơn1.425 g
Chất béo không bão hòa đa0.366 g
3.33 g
Tryptophan0.039 g
Threonine0.121 g
Isoleucine0.131 g
Leucine0.247 g
Lysine0.147 g
Methionine0.062 g
Cystine0.066 g
Phenylalanine0.169 g
Tyrosine0.103 g
Valine0.202 g
Arginine0.546 g
Histidine0.077 g
Alanine0.170 g
Acid aspartic0.325 g
Acid glutamic0.761 g
Glycine0.158 g
Proline0.138 g
Serine0.172 g
Vitamin và khoáng chất
VitaminLượng
%DV
Thiamine (B1)
6%
0.066 mg
Riboflavin (B2)
2%
0.020 mg
Niacin (B3)
3%
0.540 mg
Acid pantothenic (B5)
6%
0.300 mg
Vitamin B6
3%
0.054 mg
Folate (B9)
7%
26 μg
Vitamin C
4%
3.3 mg
Vitamin E
2%
0.24 mg
Vitamin K
0%
0.2 μg
Chất khoángLượng
%DV
Calci
1%
14 mg
Đồng
48%
0.435 mg
Sắt
14%
2.43 mg
Magiê
8%
32 mg
Mangan
65%
1.500 mg
Phốt pho
9%
113 mg
Kali
12%
356 mg
Selen
18%
10.1 μg
Natri
1%
20 mg
Kẽm
10%
1.10 mg
Thành phần khácLượng
Nước47 g

Tỷ lệ phần trăm được ước tính dựa trên khuyến nghị Hoa Kỳ dành cho người trưởng thành,[113] ngoại trừ kali, được ước tính dựa trên khuyến nghị của chuyên gia từ Học viện Quốc gia.[114]

Mỗi 100 g (3,5 oz) cùi dừa thô cung cấp 1.480 kJ (354 kcal) năng lượng thực phẩm và một lượng lớn tổng chất béo (33 g), đặc biệt là chất béo bão hòa (89% tổng chất béo), cùng với một lượng vừa phải carbohydrat (15 g) và protein (3 g). Vi chất dinh dưỡng có hàm lượng đáng kể (hơn 10% giá trị hàng ngày) bao gồm các khoáng chất trong chế độ ăn uống, mangan, đồng, sắt, phốt pho, selenkẽm (trong bảng). Các bộ phận khác nhau của dừa cũng có vài công dụng ẩm thực

Cùi dừa

sửa

Phần bùi béo, ăn được màu trắng của quả được gọi là "cơm dừa", "thịt dừa", "cùi dừa", hoặc "nhân dừa".[115] Trong ngành công nghiệp dừa, cùi dừa có thể được phân loại mơ hồ thành ba loại khác nhau tùy thuộc vào độ chín - đó là "Malauhog", "Malakanin" và "Malakatad". Các thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Tagalog. Malauhog (nghĩa đen là "giống như dịch nhầy") dùng để chỉ phần cùi dừa còn rất non (khoảng 6-7 tháng tuổi) có bề ngoài trong suốt và kết cấu dạng sệt, dễ phân hủy. Malakanin (nghĩa đen là "giống cơm") dùng để chỉ cùi dừa non (khoảng 7-8 tháng tuổi) có màu trắng đục hơn, kết cấu mềm tương tự như cơm đã nấu chín và vẫn có thể dễ dàng nạo ra khỏi vỏ gáo dừa. Malakatad (nghĩa đen là "giống da thuộc") dùng để chỉ cùi dừa đã trưởng thành hoàn toàn (khoảng 8-9 tháng tuổi) với bề ngoài màu trắng đục, kết cấu dai như da thuộc và rất khó tách khỏi vỏ gáo.[116][117]

 
Cùi dừa non mềm thường được ăn nguyên

Độ chín rất khó đánh giá trên một quả dừa chưa bổ tách và không có phương pháp kỹ thuật nào được chứng minh để xác định độ chín. Dựa trên màu sắc và kích thước, trái dừa non có xu hướng nhỏ hơn và có màu sắc tươi sáng hơn, còn trái dừa già hơn có màu nâu và to hơn.[118] Cũng có thể được xác định độ chín theo cách truyền thống bằng cách gõ vào trái dừa. Malauhog có âm thanh "đặc" khi gõ, trong khi Malakanin và Malakatad có ra âm thanh "rỗng".[116][117] Một phương pháp khác là lắc quả dừa. Dừa chưa chín tạo ra âm thanh óc ách khi lắc (âm thanh càng sắc nét nghĩa là dừa non), còn dừa trưởng thành thì không.[119][120] Cả cùi dừa Malauhog và Malakanin của quả chưa chín đều có thể được ăn nguyên hoặc được dùng trộn salad, đồ uống, tráng miệng và bánh ngọt như bánh buko piees kelapa muda. Do kết cấu mềm, chúng không thích hợp để nạo ra. Cùi dừa Malakatad trưởng thành có kết cấu dai và do đó được chế biến trước khi tiêu thụ hoặc làm thành cùi dừa khô. Cùi dừa chín tươi được bào nhỏ, được gọi là "dừa nạo", "dừa vụn", hoặc "mảnh dừa", được dùng để vắt nước cốt dừa. Chúng cũng dùng để trang trí cho các món ăn khác nhau, như món kleponputo bumbóng . Chúng cũng có thể được nấu chín với đường và ăn như một món tráng miệng ở Philippines được gọi là bukayo.[115][121][122][123][124]

Dừa nạo được khử nước bằng cách sấy khô hoặc nướng được gọi là "dừa nạo sấy khô". Chúng chứa ít hơn 3% độ ẩm ban đầu của cùi dừa. Chủ yếu được dùng trong tiệm bánh và công nghiệp mứt kẹo (đặc biệt ở các nước không sản xuất dừa) vì có tuổi thọ dài hơn so với dừa tươi nạo.[125][126][127] Dừa nạo khô được sử dụng trong mứt kẹo và tráng miệng như bánh hạnh nhân. Dừa khô cũng được dùng làm nhân cho nhiều thanh socola . Một số dừa khô hoàn toàn là dừa, nhưng số khác được sản xuất với các thành phần khác, chẳng hạn như đường, propylene glycol, muốinatri metabisulfite.

Cùi dừa cũng có thể được cắt thành miếng hoặc dải lớn hơn, sấy khô và ướp muối để làm "miếng dừa".[123] Chúng có thể được nướng hoặc nung để tạo thành các món ăn hoa lá giống thịt xông khói.[128]

Macapuno

sửa

Một giống dừa đặc biệt được gọi là macapuno cho ra lượng lớn cùi dừa giống như thạch. Cùi thịt lấp đầy toàn bộ phần bên trong vỏ gáo dừa, thay vì chỉ bề mặt bên trong. Lần đầu tiên cây được phát triển để trồng đại trà ở Philippines và được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực Philippines để làm món tráng miệng, đồ uống và bánh ngọt. Giống cây cũng phổ biến ở Indonesia (nơi chúng được gọi là kopyor) để làm đồ uống.[102]

Nước cốt dừa

sửa
 
Nước cốt dừa, một thành phần được sử dụng rộng rãi trong món ăn tại vùng miền có dừa bản địa

Nước cốt dừa, không nên nhầm lẫn với nước dừa, thu được bằng cách ép cùi dừa khô, thường được thêm nước nóng để chiết dầu dừa, protein và hợp chất thơm. Chúng dùng để nấu các món ăn khác nhau. Nước cốt dừa chứa 5% đến 20% chất béo, trong khi kem dừa chứa khoảng 20% đến 50% chất béo.[86][129] Phần lớn trong số đó (89%) là chất béo bão hòa, với axit lauric là một axit béo chính.[130] Nước cốt dừa có thể được pha loãng để tạo ra đồ uống cốt dừa. Chúng có hàm lượng chất béo thấp hơn nhiều và thích hợp làm chất thay thế sữa.[86][129]

Bột sữa dừa, một loại bột giàu protein có thể được chế biến từ nước cốt dừa sau quá trình ly tâm, táchsấy phun.[131]

Nước cốt dừa và kem dừa chiết xuất từ dừa nạo thường được thêm vào các món tráng miệng và món mặn khác nhau, cũng như trong món cà ri và món hầm.[132][133] Chúng cũng có thể được pha loãng thành đồ uống. Nhiều sản phẩm khác được làm từ nước cốt dừa đặc với đường và/hoặc trứng như mứt dừa và sữa trứng dừa cũng phổ biến ở Đông Nam Á.[134][135] Ở Philippines, nước cốt dừa giảm ngọt được bán trên thị trường dưới dạng siro dừa và được sử dụng cho nhiều món tráng miệng khác nhau.[136] Dầu dừa chiết xuất từ nước cốt dừa hoặc cùi dừa khô cũng được sử dụng để chiên, nấu ăn và làm bơ thực vật cùng vài ứng dụng khác.[132][137]

Nước dừa

sửa
 
Nước dừa uống

Nước dừa đóng vai trò như một chất huyền phù đối với nội nhũ của dừa trong giai đoạn pha hạt nhân. Sau đó, nội nhũ trưởng thành và lắng đọng trên thành vỏ trong pha tế bào.[48] Nước dừa được tiêu thụ khắp các vùng nhiệt đới ẩm và được đưa vào thị trường bán lẻ như một thức uống thể thao đã qua chế biến. Dừa chín có ít chất lỏng hơn hẳn so với dừa non, chưa lớn, không bị hư hỏng. Nước dừa có thể được lên men để sản xuất giấm dừa.

Mỗi phần 100 g, nước dừa chứa 19 calo và chứa lượng đáng kể chất dinh dưỡng thiết yếu.

Nước dừa có thể được uống tươi hoặc dùng để nấu ăn như trong món binakol.[138][139] Chúng cũng có thể được lên men để tạo nên món tráng miệng giống như thạch được gọi là thạch dừa.[101]

Bột dừa

sửa

Bột dừa cũng đã được phát triển để sử dụng trong làm bánh, để chống lại nạn suy dinh dưỡng.[132]

Mộng dừa

sửa
 
Mộng dừa

Dừa mới nảy mầm thành búp chồi có dạng khối hình cầu, ăn được, gọi là mộng dừa hoặc mầm dừa. Khối này có kết cấu mọng nước giòn và vị ngọt nhẹ. Mộng dừa dùng để ăn nguyên chất hoặc sử dụng như thành phần trong các món ăn khác nhau. Chúng được tạo ra khi nội nhũ nuôi dưỡng phôi thai đang phát triển. Đây là một giác mút, một mô xốp thấm nước được hình thành từ phần ngoại biên của phôi trong quá trình nảy mầm của dừa, tạo điều kiện hấp thụ chất dinh dưỡng cho chồi và rễ đang phát triển.[140]

Tim dừa

sửa
 
Ubod (tim dừa) tại Philippines

Chồi ngọn của cây dừa trưởng thành có thể ăn được, và được gọi là tim dừa. Chúng được xem là món ngon hiếm có, vì thu hoạch chồi sẽ giết chết cây. Tim dừa được ăn trong món salad, đôi khi được gọi là "salad triệu phú".

Rượu và nhựa dừa

sửa
 
Bahalina, một loại rượu dừa truyền thống (tubâ) từ Philippines được lên men từ nhựa dừa và chiết xuất từ vỏ cây đước

Nhựa dừa thu được bằng cách rạch cụm hoa dừa, được uống dưới dạng rượu pha nóng, còn gọi là tubâPhilippines (cả khi lên men và để tươi), tuak (Indonesia và Malaysia), karewe (tươi và không lên men, được thu hái hai lần một ngày, cho bữa sáng và bữa tối) ở Kiribati, neeraNam Á. Khi để tự lên men, nhựa sẽ trở thành rượu dừa. Rượu được chưng cất để sản xuất rượu arrack. Ở Philippines, thức uống có cồn này được gọi là lambanog hoặc "vodka dừa".[141]

Nhựa dừa có thể được khử bằng cách đun sôi để tạo nên siro hoặc kẹo ngọt như te kamamaiKiribati hoặc dhiyaa hakuruaddu bondi ở Maldives. Chúng có thể được gia giảm thêm để tạo ra đường dừa còn được gọi là đường cọ hoặc đường thô. Một cây non, được vun trồng tốt có thể sản xuất khoảng 300 L (79 gal Mỹ) mỗi năm, trong khi một cây 40 tuổi có thể cho năng suất khoảng 400 L (110 gal Mỹ).[142]

Nhựa dừa, thường được chiết xuất từ cuống cụm hoa cắt ra, có vị ngọt khi còn tươi và có thể uống được giống như trong tuba fresca của Mexico (có nguồn gốc từ tubâ Philippine).[143] Chúng cũng có thể được chế biến để chiết xuất đường cọ.[144] Nhựa khi lên men cũng có thể biến thành giấm dừa hoặc nhiều loại rượu dừa (có thể tiếp tục chưng cất để nấu rượu arrack).[145][146]

Giấm dừa

sửa

Giấm dừa, được làm từ nước dừa lên men hoặc nhựa cây, sử dụng rộng rãi trong ẩm thực Đông Nam Á (đặc biệt là Philippines, tại đây giấm dừa được gọi là sukang tuba), cũng như trong một số món ăn của Ấn ĐộSri Lanka, đặc biệt là ẩm thực bang Goa. Một chất lỏng màu trắng đục, có vị đặc biệt chua gắt với một mùi men nhẹ.[147]

Dầu dừa

sửa
 
Dầu dừa

Dầu dừa được sử dụng phổ biến trong nấu ăn, đặc biệt dùng để chiên. Có thể dùng ở dạng lỏng như các loại dầu thực vật khác, hoặc ở dạng rắn tương tự như hoặc mỡ lợn .

Tiêu thụ dầu dừa trong thời gian dài có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đến sức khỏe tương tự như khi tiêu thụ các nguồn chất béo bão hòa khác, bao gồm , mỡ bòdầu cọ.[148] Tiêu thụ thành thói quen có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do làm tăng tổng mức cholesterol trong máu thông qua việc tăng nồng độ cholesterol LDLaxit lauric trong máu.[149][150]

Bơ dừa

sửa

Bơ dừa thường được sử dụng để mô tả dầu dừa đặc sánh, nhưng cũng đã được thông qua như một cái tên thay thế cho kem dừa, một sản phẩm đặc sản làm từ nước cốt dừa đặc hoặc xay nhuyễn cùi dừa và dầu.[115]

Xơ dừa

sửa
 
Tách xơ dừa, thớ sợi từ vỏ xơ dừa, ở Sri Lanka

Xơ dừa (thớ sợi từ vỏ xơ dừa) được sử dụng làm dây thừng, chiếu, thảm cửa, bàn chải và bao tải, xảm cho tàu thuyền và nhồi sợi cho nệm.[151] Xơ dừa còn được dùng làm phân trộn trong chậu để trồng hoa quả, đặc biệt trong hỗn hợp trồng lan. Chúng còn dùng để làm chổi ở Campuchia.[152]

Cùi dừa khô

sửa

Cùi dừa khô là phần thịt sấy khô của quả và sau khi chế biến sẽ tạo ra dầu dừa và bột dừa xay thô. Dầu dừa, ngoài việc được sử dụng trong nấu ăn như một thành phần và để chiên, còn dùng để làm xà phòng, mỹ phẩm, dầu dưỡng tóc và dầu xoa bóp. Dầu dừa cũng là một thành phần chính trong dầu Ayurvedic. Ở Vanuatu, các cây dừa trồng để lấy cùi dừa khô thường bố trí cách nhau 9 m (30 ft), cho phép mật độ cây từ 100 đến 160/ha (40 đến 65/acre) .

Cần khoảng 6.000 trái dừa phát triển đầy đủ để sản xuất một tấn cùi dừa khô.[153]

Vỏ xơ và vỏ gáo

sửa

Vỏ xơ và vỏ gáo có thể dùng để làm chất đốt và là nguồn than củi.[154] Than hoạt tính sản xuất từ gáo dừa được đánh giá là cực kỳ hiệu quả khi loại bỏ tạp chất. Nguồn gốc mơ hồ của dừa ở đất hải ngoại đã dẫn đến quan niệm sử dụng cốc làm từ vỏ gáo để hóa giải đồ uống nhiễm độc. Những chiếc cốc thường được chạm khắc và trang trí bằng kim loại quý.[155]

 
"Khỉ dừa" tại México, một món đồ lưu niệm thông thường được chạm khắc từ vỏ gáo dừa
 
Nút dừa ở thị trấn Đông Tiêu, Hải Nam, Trung Quốc
 
Cà ri cá được phục vụ trong gáo dừa ở Thái Lan

Một nửa gáo dừa khô với vỏ xơ có thể dùng để đánh bóng sàn. Nó được gọi là bunot ở Philippines và đơn giản là "chổi dừa" ở Jamaica. Vỏ xơ tươi của dừa nâu có thể dùng làm miếng xốp rửa bát hoặc miếng xốp chà thân. Coco chocolatero là một chiếc cốc dùng để phục vụ một lượng nhỏ đồ uống (chẳng hạn socola uống) giữa thế kỷ 17 và 19 ở các nước như Mexico, Guatemala và Venezuela.

Ở châu Á, gáo dừa cũng được dùng làm chén bát và sản xuất nhiều đồ mỹ nghệ khác nhau, bao gồm các nút chạm khắc từ vỏ gáo khô. Nút dừa thường được dùng cài áo sơ mi aloha Hawaii. Tempurung, vỏ gáo trong tiếng Mã Lai, có thể dùng làm bát súp và — nếu được cố định bằng tay cầm — một cái muôi. Tại Thái Lan, vỏ xơ dừa được sử dụng như một chậu trung để trồng cây rừng non khỏe. Quy trình tách vỏ xơ bỏ qua công đoạn giầm, sử dụng máy bóc vỏ xơ dừa được chế tạo riêng do Trung tâm Giống cây lâm nghiệp ASEAN–Canada thiết kế vào năm 1986. Vỏ xơ tươi chứa nhiều tanin hơn vỏ già. Tanin gây ảnh hưởng tiêu cực lên sự phát triển của cây non.[156] Ở nhiều nơi miền nam Ấn Độ, vỏ gáo và vỏ xơ được đốt xông khói đuổi muỗi.

Nửa chiếc gáo dừa dùng để tạo hiệu ứng âm thanh Foley trong nhà hát, gõ vào nhau để tạo nên hiệu ứng âm thanh của tiếng vó ngựa. Nửa chiếc gáo khô dùng để làm bộ phận của nhạc cụ, gồm có da hồbản hồ của Trung Quốc, đàn gáo của Việt Nam, rebab của người Arabo-Turkic. Ở Philippines, nửa gáo khô còn dùng làm nhạc cụ trong điệu múa dân gian gọi là maglalatik.

Vỏ gáo, tách khỏi vỏ xơ và nung trên tro ấm, tiết ra chất dầu dùng để làm dịu cơn đau răng trong y học cổ truyền của Campuchia.[152]

Trong Thế chiến thứ hai, trinh sát viên tuần duyên Biuku Gasa là người đầu tiên trong số hai người từ quần đảo Solomon tiếp cận thủy thủ đoàn bị đắm và bị thương của Thuyền phóng ngư lôi PT-109 do tổng thống tương lai của Mỹ John F. Kennedy chỉ huy. Gasa đề nghị, vì thiếu giấy tờ, hãy chuyển bằng ca nô độc mộc một thông điệp được ghi trên vỏ gáo dừa, có nội dung "Chỉ huy Nauru Isl / người bản xứ biết vị trí / ông có thể lái / 11 người còn sống cần thuyền nhỏ / Kennedy." [157] Chiếc gáo dừa này về sau được lưu giữ trên bàn làm việc của tổng thống, và hiện nằm trong Thư viện John F. Kennedy.[158]

Lá dừa

sửa
 
Pusô, lá dừa đan kết chứa cơm với nhiều kiểu dáng khác nhau tại Philippines.

Phần gân giữa cứng của lá dừa được sử dụng để làm chổi ở Ấn Độ, Indonesia (sapu lidi), Malaysia, Maldives, Philippines (walis tingting) và Việt Nam (chổi chà). Màu xanh của lá (lamina) tước ra, để lại sợi gân (dài, mảnh, giống gỗ) gắn với nhau tạo thành cây chổi hoặc bàn chải. Có thể gắn một cán dài làm từ vài loại gỗ khác vào gốc bó và dùng làm chổi hai cán.

Lá cũng cung cấp nguyên liệu đan giỏ có thể hút nước tốt và lợp mái tranh. Chúng có thể dệt thành chiếu, xiên nấu ăn và tên bắn. Lá cũng được kết thành màng bọc nhỏ, đổ đầy với cơm và nấu chín để làm pusôketupat.[159]

Lá dừa khô có thể đốt thành tro, thu hoạch để lấy vôi. Tại Ấn Độ, lá dừa đan dùng để dựng rạp tiệc cưới, đặc biệt ở các bang Kerala, KarnatakaTamil Nadu .

Lá dùng để lợp nhà tranh hay trang trí giàn leo và phòng họp ở Campuchia, nơi cây được gọi là dôô:ng.[152]

Gỗ dừa

sửa
 
Thân dừa

Thân dừa dùng để xây cầu nhỏ và túp lều; chúng được ưa thích vì độ thẳng, độ bền và khả năng chống muối. Ở Kerala, thân dừa được dùng để làm nhà. Gỗ dừa lấy từ thân cây và ngày càng được sử dụng như một chất thay thế sinh thái tốt cho các loại gỗ cứng có nguy cơ tuyệt chủng. Gỗ dùng làm đồ nội thất và xây dựng chuyên dụng, như minh chứng đáng kể là Cung điện DừaManila.

Người Hawaii khoét rỗng thân cây để tạo thành thùng phuy, thùng chứa hoặc ca nô nhỏ. Các "cành" (cuống lá) đủ chắc khỏe và linh hoạt để dùng đánh gậy. Việc sử dụng cành dừa để trừng phạt thân thể đã được hồi sinh trong cộng đồng Gilbert trên Choiseul thuộc quần đảo Solomon vào năm 2005.[160]

Rễ dừa

sửa

Rễ dừa được dùng làm thuốc nhuộm, nước súc miệng và thuốc dân gian chữa tiêu chảy, kiết lỵ.[42] Một phần rễ cọ sờn cũng có thể dùng như bàn chải đánh răng . Ở Campuchia, rễ được dùng trong y học cổ truyền làm thuốc chữa kiết lỵ.[152]

Ứng dụng khác

sửa
 
Làm thảm từ xơ dừa

Phần xơ còn thừa khi sản xuất dầu dừa và nước cốt dừa, bột dừa, được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Đài hoa khô dùng làm chất đốt trong bếp lò. Nước dừa theo truyền thống được sử dụng như một chất bổ sung tăng trưởng trong nuôi cấy mô thực vậtvi nhân giống.[161] Mùi dừa xuất phát từ phân tử 6-pentyloxan-2-one, được gọi là δ-decalactone trong ngành công nghiệp thực phẩm và hương thơm.[162]

Dụng cụ và nơi trú ẩn của động vật

sửa

Giới nghiên cứu từ bảo tàng Melbourne ở Australia đã quan sát rằng loài bạch tuộc Amphioctopus marginatus sử dụng dụng cụ, đặc biệt là vỏ gáo dừa, để phòng thủ và trú ẩn. Phát hiện ra hành vi này đã quan sát được ở BaliBắc Sulawesi, Indonesia, từ năm 1998 đến năm 2008.[163][164][165] Amphioctopus marginatusđộng vật không xương sống đầu tiên được biết có thể sử dụng dụng cụ.[164][166]

Dừa có thể được khoét rỗng và được sử dụng làm nhà cho gặm nhấm hoặc chim nhỏ. Trái dừa đã cắt đôi, ráo nước cũng có thể treo lên làm máng ăn cho chim. Sau khi hết cùi, có thể chứa đầy mỡ vào mùa đông để thu hút chim.

Dị ứng

sửa

Dị ứng thực phẩm

sửa

Dầu dừa ngày càng được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp thực phẩm.[167] Protein từ dừa có thể gây dị ứng thực phẩm, bao gồm cả sốc phản vệ.[167]

Tại Hoa Kỳ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm tuyên bố rằng dừa phải được công bố thành phần trên nhãn bao bì là "quả cây cứng" có khả năng gây dị ứng.[168]

Dị ứng cục bộ

sửa

Cocamidopropyl betaine (CAPB) là chất hoạt động bề mặt sản xuất từ dầu dừa ngày càng được dùng phổ biến như một thành phần trong sản phẩm vệ sinh cá nhân và mỹ phẩm, như dầu gội, xà phòng lỏng, sữa rửa mặt và chất khử trùng, cùng nhiều loại khác.[169] CAPB có thể gây kích ứng da nhẹ,[169] nhưng phản ứng dị ứng với CAPB rất hiếm [170] và có thể liên quan đến các tạp chất tạo ra trong quá trình sản xuất (bao gồm amidoaminedimethylaminopropylamine) chứ không phải chính CAPB.[169]

Trong văn hóa

sửa
 
Palaspas, lá dừa dệt trong lễ kỷ niệm Chúa nhật Lễ LáPhilippines

Dừa là một mặt hàng lương thực quan trọng đối với người dân Polynesia và họ đã mang dừa theo khi di cư đến các đảo mới.[171] Trong khu vực Ilocos ở bắc Philippines, người Ilocano ghép hai vỏ dừa chia đôi với diket (gạo ngọt nấu chín) và đặt liningta nga itlog (nửa quả trứng luộc) trên đỉnh. Nghi lễ này, được gọi là niniyogan, là một lễ vật dành cho người đã khuất và tổ tiên của một người. Điều này đi kèm với palagip (cầu nguyện cho người chết).

 
Một canang, một lễ vật dâng hoa, gạo và hương bằng lá dừa dệt tại Bali, Indonesia

Một quả dừa (tiếng Phạn: narikela) là yếu tố cần thiết trong nghi lễ truyền thống Ấn Độ giáo.[172] Thường được trang trí bằng lá kim loại sáng và các biểu tượng điềm lành khác. Chúng được dâng lên khi thờ cúng thần linh Ấn Độ giáo. Narali Purnima được tổ chức vào ngày trăng tròn, thường là dấu hiệu kết thúc gió mùa ở Ấn Độ. Từ Narali có nguồn gốc từ naral ngụ ý "dừa" trong tiếng Marathi. Ngư dân dâng trái dừa ra biển để mừng đầu mùa đánh bắt mới.[173] Không phân biệt tôn giáo, ngư dân Ấn Độ thường thả dừa xuống sông và biển với hy vọng có được sản lượng dồi dào. Người Hindu thường bắt đầu bất kỳ hoạt động mới nào bằng cách bẻ một quả dừa để cầu thần linh phù hộ và mong hoạt động đó được hoàn thành tốt đẹp. Nữ thần hạnh phúc và giàu có trong đạo Hindu, Lakshmi, thường được thể hiển khi đang cầm một quả dừa.[174] Ở chân đồi của đền thờ thị trấn Palani, trước khi đến thờ thần Murugan cho Ganesha, dừa được bẻ rồi đặt đánh dấu cho mục đích nào đó. Mỗi ngày, hàng nghìn quả dừa được bẻ và một số tín đồ bẻ đến 108 quả dừa cùng một lúc theo lời cầu nguyện. Chúng cũng được sử dụng trong đám cưới của người Hindu như một biểu tượng thịnh vượng.[175] Đôi khi hoa dừa được sử dụng trong lễ cưới ở Campuchia.[152]

Câu lạc bộ Viện trợ Xã hội và Niềm vui Zulu của New Orleans theo truyền thống ném dừa trang trí bằng tay, một trong những món quà lưu niệm Mardi Gras có giá trị nhất, cho những người thích diễu hành. Truyền thống bắt đầu vào những năm 1910 và đã tiếp diễn kể từ đó. Năm 1987, một "luật dừa" được Thống đốc Edwin Edwards ký miễn trách nhiệm bảo hiểm cho bất kỳ quả dừa trang trí nào được "trao" từ một chiếc bè Zulu.[176] Quả dừa còn được dùng làm mục tiêu và giải thưởng trong trò chơi dừa thẹn ở hội chợ truyền thống của Anh. Người chơi mua một số quả bóng nhỏ sau đó ném mạnh nhất có thể vào quả dừa thăng bằng trên gậy. Mục đích là để đánh bật quả dừa khỏi giá đỡ và giành được nó.[177] Dừa là thức ăn chính của tín đồ Đạo Dừa Việt Nam nhưng nay đã ngưng hoạt động.[178]

Thần thoại và huyền thoại

sửa

Một số nền văn hóa Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương có thần thoại khởi nguồn, trong đó dừa đóng vai trò chính. Trong thần thoại HainuweleMaluku, một cô gái xuất hiện từ hoa dừa.[179] Trong văn hóa dân gian Maldives, một trong những thần thoại chính về nguồn gốc phản ánh sự phụ thuộc của người dân Maldives vào cây dừa.[180] Trong câu chuyện Sina và con lươn, nguồn gốc dừa có liên quan đến người phụ nữ xinh đẹp Sina chôn một con lươn, cuối cùng nó trở thành cây dừa đầu tiên.[181] Theo truyền thuyết đô thị thòi hiện đại cho rằng, hàng năm số người chết do dừa rơi xuống đầu nhiều hơn cả do cá mập tấn công.[182]

Xem thêm

sửa

Tham khảo

sửa
  1. ^ Royal Botanic Gardens, Kew. Cocos. World Checklist of Selected Plant Families.
  2. ^ a b Nayar, N Madhavan (2017). The Coconut: Phylogeny, Origins, and Spread. Academic Press. tr. 10–21. ISBN 978-0-12-809778-6.
  3. ^ a b c d e f Lew, Christopher. “Tracing the origin of the coconut (Cocos nucifera L.)” (PDF). Prized Writing 2018-2019. University of California, Davis: 143–157. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 23 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2021.
  4. ^ Michaels, Axel. (2006) [2004]. Hinduism : past and present. Orient Longman. ISBN 81-250-2776-9. OCLC 398164072.
  5. ^ Chambers, Geoff (2013). “Genetics and the Origins of the Polynesians”. eLS. John Wiley & Sons, Inc. doi:10.1002/9780470015902.a0020808.pub2. ISBN 978-0470016176.
  6. ^ Blench, Roger (2009). “Remapping the Austronesian expansion” (PDF). Trong Evans, Bethwyn (biên tập). Discovering History Through Language: Papers in Honour of Malcolm Ross. Pacific Linguistics. ISBN 9780858836051.
  7. ^ a b Perera, Lalith, Suriya A.C.N. Perera, Champa K. Bandaranayake and Hugh C. Harries. (2009). "Chapter 12 – Coconut". In Johann Vollmann and Istvan Rajcan (Eds.). Oil Crops. Springer. pp. 370–372. ISBN 978-0-387-77593-7.
  8. ^ a b Elevitch, C.R. biên tập (tháng 4 năm 2006). Cocos nucifera (coconut), version 2.1” (PDF). In: Species Profiles for Pacific Island Agroforestry. Permanent Agriculture Resources, Hōlualoa, Hawai‘i. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 20 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2016.
  9. ^ a b c d Baudouin, Luc; Lebrun, Patricia (26 tháng 7 năm 2008). “Coconut (Cocos nucifera L.) DNA studies support the hypothesis of an ancient Austronesian migration from Southeast Asia to America”. Genetic Resources and Crop Evolution. 56 (2): 257–262. doi:10.1007/s10722-008-9362-6.
  10. ^ a b c d e f g h i j k l m n o Gunn, Bee F.; Baudouin, Luc; Olsen, Kenneth M.; Ingvarsson, Pär K. (22 tháng 6 năm 2011). “Independent Origins of Cultivated Coconut (Cocos nucifera L.) in the Old World Tropics”. PLOS ONE. 6 (6): e21143. Bibcode:2011PLoSO...621143G. doi:10.1371/journal.pone.0021143. PMC 3120816. PMID 21731660.
  11. ^ a b Crowther, Alison; Lucas, Leilani; Helm, Richard; Horton, Mark; Shipton, Ceri; Wright, Henry T.; Walshaw, Sarah; Pawlowicz, Matthew; Radimilahy, Chantal (14 tháng 6 năm 2016). “Ancient crops provide first archaeological signature of the westward Austronesian expansion”. Proceedings of the National Academy of Sciences. 113 (24): 6635–6640. doi:10.1073/pnas.1522714113. PMC 4914162. PMID 27247383.
  12. ^ a b c Brouwers, Lucas (1 tháng 8 năm 2011). “Coconuts: not indigenous, but quite at home nevertheless”. Scientific American. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2019.
  13. ^ Ahuja, SC; Ahuja, Siddharta; Ahuja, Uma (2014). “Coconut – History, Uses, and Folklore” (PDF). Asian Agri-History. 18 (3): 223. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2017.
  14. ^ Elevitch, Craig R. biên tập (2006). Traditional trees of Pacific Islands : their culture, environment, and use. forewords by Isabella Aiona Abbott and Roger R.B. Leakey (ấn bản thứ 1). Hōlualoa, Hawaii: Permanent Agriculture Resources. ISBN 978-0970254450.
  15. ^ a b c d e Lutz, Diana (24 tháng 6 năm 2011). “Deep history of coconuts decoded”. The Source. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2019.
  16. ^ Mahdi, Waruno (1999). “The Dispersal of Austronesian boat forms in the Indian Ocean”. Trong Blench, Roger; Spriggs, Matthew (biên tập). Archaeology and Language III: Artefacts languages, and texts. One World Archaeology. 34. Routledge. tr. 144–179. ISBN 978-0415100540.
  17. ^ Doran, Edwin B. (1981). Wangka: Austronesian Canoe Origins. Texas A&M University Press. ISBN 9780890961070.
  18. ^ Johns, D. A.; Irwin, G. J.; Sung, Y. K. (29 tháng 9 năm 2014). “An early sophisticated East Polynesian voyaging canoe discovered on New Zealand's coast”. Proceedings of the National Academy of Sciences. 111 (41): 14728–14733. Bibcode:2014PNAS..11114728J. doi:10.1073/pnas.1408491111. PMC 4205625. PMID 25267657.
  19. ^ a b c d Ward, R. G.; Brookfield, M. (1992). “Special Paper: the dispersal of the coconut: did it float or was it carried to Panama?”. Journal of Biogeography. 19 (5): 467–480. doi:10.2307/2845766. JSTOR 2845766.
  20. ^ a b c Srivastava, Rashmi; Srivastava, Gaurav (2014). “Fossil fruit of Cocos L. (Arecaceae) from Maastrichtian-Danian sediments of central India and its phytogeographical significance”. Acta Palaeobotanica. 54 (1): 67–75. doi:10.2478/acpa-2014-0003.
  21. ^ a b c d e f Nayar, N. Madhavan (2016). The Coconut: Phylogeny, Origins, and Spread. Academic Press. tr. 51–66. ISBN 9780128097793.
  22. ^ a b Conran, John G.; Bannister, Jennifer M.; Lee, Daphne E.; Carpenter, Raymond J.; Kennedy, Elizabeth M.; Reichgelt, Tammo; Fordyce, R. Ewan (2015). “An update of monocot macrofossil data from New Zealand and Australia”. Botanical Journal of the Linnean Society. 178 (3): 394–420. doi:10.1111/boj.12284.
  23. ^ Endt, D.; Hayward, B. (1997). “Modern relatives of New Zealand's fossil coconuts from high altitude South America”. New Zealand Geological Society Newsletter. 113: 67–70.
  24. ^ Hayward, Bruce (2012). “Fossil Oligocene coconut from Northland”. Geocene. 7 (13).
  25. ^ Singh, Hukam; Shukla, Anumeha; Mehrotra, R.C. (2016). “A Fossil Coconut Fruit from the Early Eocene of Gujarat”. Journal of Geological Society of India. 87 (3): 268–270. doi:10.1007/s12594-016-0394-9. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2019.
  26. ^ Gomez-Navarro, Carolina; Jaramillo, Carlos; Herrera, Fabiany; Wing, Scott L.; Callejas, Ricardo (2009). “Palms (Arecaceae) from a Paleocene rainforest of northern Colombia”. American Journal of Botany. 96 (7): 1300–1312. doi:10.3732/ajb.0800378. PMID 21628279.
  27. ^ a b Harries, Hugh C.; Clement, Charles R. (2014). “Long-distance dispersal of the coconut palm by migration within the coral atoll ecosystem”. Annals of Botany (bằng tiếng Anh). 113 (4): 565–570. doi:10.1093/aob/mct293. PMC 3936586. PMID 24368197.
  28. ^ Roger Blench; Matthew Spriggs (1998). Archaeology and Language: Correlating archaeological and linguistic hypotheses. Routledge. tr. 396. ISBN 978-0-415-11761-6.
  29. ^ Rosengarten, Frederic Jr. (2004). The Book of Edible Nuts. Dover Publications. pp. 65–93. ISBN 978-0-486-43499-5.
  30. ^ “The Fifth Voyage of Sindbad the Seaman – The Arabian Nights – The Thousand and One Nights – Sir Richard Burton translator”. Classiclit.about.com. 2 tháng 11 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 12 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2012.
  31. ^ Antonio Pigafetta; translated by James Alexander Robertson (1906). Magellan's Voyage Around the World, Volume 1. Arthur H. Clark Company. tr. 64–100.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  32. ^ Pearsall, J. biên tập (1999). “Coconut”. Concise Oxford Dictionary (ấn bản thứ 10). Oxford: Clarendon Press. ISBN 0-19-860287-1.
  33. ^ Dalgado, Sebastião (1982). Glossário luso-asiático. 1. tr. 291. ISBN 9783871184796.[liên kết hỏng]
  34. ^ “coco | Origin and meaning of coco by Online Etymology Dictionary”. www.etymonline.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2020.
  35. ^ “coconut | Origin and meaning of coconut by Online Etymology Dictionary”. www.etymonline.com. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2020.
  36. ^ a b Losada, Fernando Díez. (2004). La tribuna del idioma. Editorial Tecnologica de CR. p. 481. ISBN 978-9977-66-161-2. (bằng tiếng Tây Ban Nha)
  37. ^ Figueiredo, Cândido. (1940). Pequeno Dicionário da Lingua Portuguesa. Livraria Bertrand. Lisboa. (bằng tiếng Bồ Đào Nha)
  38. ^ a b Elzebroek, A.T.G. and Koop Wind (Eds.). (2008). Guide to Cultivated Plants. CABI. pp. 186–192. ISBN 978-1-84593-356-2.
  39. ^ Grimwood & Ashman (1975), tr. 1.
  40. ^ “National Flower - Nelumbo nucifera” (PDF). ENVIS Resource Partner on Biodiversity. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2021.
  41. ^ T. Pradeepkumar, B. Sumajyothibhaskar, and K.N. Satheesan. (2008). Management of Horticultural Crops (Horticulture Science Series Vol.11, 2nd of 2 Parts). New India Publishing. pp. 539–587. ISBN 978-81-89422-49-3.
  42. ^ a b Grimwood & Ashman (1975), tr. 18.
  43. ^ Sarian, Zac B. (August 18, 2010). New coconut yields high Lưu trữ tháng 11 19, 2011 tại Wayback Machine. The Manila Bulletin. Retrieved April 21, 2011.
  44. ^ Ravi, Rajesh. (March 16, 2009). Rise in coconut yield, farming area put India on top Lưu trữ tháng 5 15, 2013 tại Wayback Machine. The Financial Express. Retrieved April 21, 2011.
  45. ^ “How Long Does It Take for a Coconut Tree to Get Coconuts?”. Home Guides – SF Gate. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2014.
  46. ^ a b c Lebrun, P.; Grivet, L.; Baudouin, L. (2013). “Use of RFLP markers to study the diversity of the coconut palm”. Trong Oropeza, C.; Verdeil, J.K.; Ashburner, G.R.; Cardeña, R.; Santamaria, J.M. (biên tập). Current Advances in Coconut Biotechnology. Springer Science & Business Media. tr. 83–85. ISBN 9789401592833.
  47. ^ “Coconut Varieties”. floridagardener.com. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2016.
  48. ^ a b “Coconut botany”. Agritech Portal, Tamil Nadu Agricultural University. tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2017.
  49. ^ a b Lédo, Ana da Silva; Passos, Edson Eduardo Melo; Fontes, Humberto Rolemberg; Ferreira, Joana Maria Santos; Talamini, Viviane; Vendrame, Wagner A.; Lédo, Ana da Silva; Passos, Edson Eduardo Melo; Fontes, Humberto Rolemberg (2019). “Advances in Coconut palm propagation”. Revista Brasileira de Fruticultura. 41 (2). doi:10.1590/0100-29452019159.
  50. ^ Armstrong, W.P. “Edible Palm Fruits”. Wayne's Word: An On-Line Textbook of Natural History. Palomar College. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2021.
  51. ^ a b Cocos nucifera L. (Source: James A. Duke. 1983. Handbook of Energy Crops; unpublished)”. Purdue University, NewCROP – New Crop Resource. 1983. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2015.
  52. ^ Sugimuma, Yukio; Murakami, Taka (1990). “Structure and Function of the Haustorim in Germinating Coconut Palm Seed” (PDF). JARQ. 24: 1–14.
  53. ^ a b c d e f Lebrun, P.; Seguin, M.; Grivet, L.; Baudouin, L. (1998). “Genetic diversity in coconut (Cocos nucifera L.) revealed by restriction fragment length polymorphism (RFLP) markers”. Euphytica. 101: 103–108. doi:10.1023/a:1018323721803.
  54. ^ a b c d Shukla, A.; Mehrotra, R. C.; Guleria, J. S. (2012). “Cocos sahnii Kaul: A Cocos nucifera L.-like fruit from the Early Eocene rainforest of Rajasthan, western India”. Journal of Biosciences. 37 (4): 769–776. doi:10.1007/s12038-012-9233-3. PMID 22922201.
  55. ^ a b Paull, Robert E.; Ketsa, Saichol (tháng 3 năm 2015). Coconut: Postharvest Quality-Maintenance Guidelines (PDF). College of Tropical Agriculture and Human Resources, University of Hawaiʻi at Mānoa.
  56. ^ a b Coconut: Postharvest Care and Market Preparation (PDF). Technical Bullet No. 27. Ministry of Fisheries, Crops and Livestock, New Guyana Marketing Corporation, National Agricultural Research Institute. tháng 5 năm 2004.
  57. ^ a b Thampan, P.K. (1989). Hand Book On Coconut Palm. Oxford & IBH Publishing Co.
  58. ^ Willmer, Pat. (2011). Pollination and Floral Ecology. Princeton University Press. p. 57. ISBN 978-0-691-12861-0.
  59. ^ a b c Chan, Edward & Craig R. Elevitch. (April 2006). Cocos nucifera (coconut) Lưu trữ tháng 10 20, 2013 tại Wayback Machine (version 2.1). In C. R. Elevitch (ed.). Species Profiles for Pacific Island Agroforestry. Hōlualoa, Hawai‘i: Permanent Agriculture Resources (PAR).
  60. ^ Harries, H. C. (2012). “Germination rate is the significant characteristic determining coconut palm diversity”. Annals of Botany. 2012: pls045. doi:10.1093/aobpla/pls045. PMC 3532018. PMID 23275832.
  61. ^ “Deep history of coconuts decoded: Origins of cultivation, ancient trade routes, and colonization of the Americas”. ScienceDaily. Washington University in St. Louis. 24 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2021.
  62. ^ a b Harries, H. C. (1978). “The evolution, dissemination and classification of Cocos nucifera L.”. The Botanical Review. 44 (3): 265–319. doi:10.1007/bf02957852.
  63. ^ “Chapter 1: BOTANY OF THE COCONUT PALM”. www.bioversityinternational.org. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 12 năm 2013.
  64. ^ Huang, Y.-Y.; Matzke, A. J. M.; Matzke, M. (2013). “Complete sequence and comparative analysis of the chloroplast genome of coconut palm (Cocos nucifera)”. PLOS ONE. 8 (8): e74736. Bibcode:2013PLoSO...874736H. doi:10.1371/journal.pone.0074736. PMC 3758300. PMID 24023703.
  65. ^ a b c Rivera, R.; Edwards, K. J.; Barker, J. H.; Arnold, G. M.; Ayad, G.; Hodgkin, T.; Karp, A. (1999). “Isolation and characterization of polymorphic microsatellites in Cocos nucifera L”. Genome. 42 (4): 668–675. doi:10.1139/gen-42-4-668. PMID 10464790.
  66. ^ a b c Bourdeix, R.; Prades, A. (2017). A Global Strategy for the conservation and use of Coconut Genetic Resources 2018-2028. Bioversity International. ISBN 978-92-9043-984-4.
  67. ^ Foale, Mike. (2003). The Coconut Odyssey – the bounteous possibilities of the tree of life Lưu trữ tháng 3 30, 2011 tại Wayback Machine. Australian Centre for International Agricultural Research Lưu trữ tháng 3 18, 2009 tại Wayback Machine. Retrieved May 30, 2009.
  68. ^ Edmondson, C.H. (1941). “Viability of coconut seeds after floating in sea”. Bernice P. Bishop Museum Occasional Papers. 16: 293–304.
  69. ^ Heyerdahl, Thor. (1950) Kon-Tiki: Across the Pacific by Raft. Mattituck: Amereon House. 240 p.
  70. ^ Wales, State Library of New South. “William Bligh's Logbook”. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2016.
  71. ^ Ferguson, John. (1898). All about the "coconut palm" (Cocos nucifera) (2nd edition).
  72. ^ Harries, H.C.; Romney, D.H. (1974). “Maypan: an F1 hybrid coconut variety for commercial production in Jamaica”. World Crops. 26: 110–111.
  73. ^ Bourdeix, Ronald (9 tháng 12 năm 2016). “Clarion call for King Coconut”. www.atimes.com. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2016.
  74. ^ Yarro, J. G.; Otindo, B. L.; Gatehouse, A. G.; Lubega, M. C. (tháng 12 năm 1981). “Dwarf variety of coconut, Cocos nucifera (Palmae), a hostplant for the African armyworm, Spodoptera exempta (Wlk.) (Lepidoptera, Noctuidae)”. International Journal of Tropical Insect Science. 1 (4): 361–362. doi:10.1017/S1742758400000667.
  75. ^ “Report: 26 provinces quarantined for coconut pest”. GMA News Online. 28 tháng 9 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2016.
  76. ^ a b “Coconut production in 2019, Crops/Regions/World list/Production Quantity (pick lists)”. UN Food and Agriculture Organization, Corporate Statistical Database (FAOSTAT). 2020. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2021.
  77. ^ McGinley, Mark; Hogan, C Michael (19 tháng 4 năm 2011). “Petenes mangroves: types and severity of threats”. The Encyclopedia of Earth. World Wildlife Fund, Washington, DC. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2016.
  78. ^ a b c “Harvesting and Post-harvest Management”. Coconut Handbook. Tetra Pak. 28 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2021.
  79. ^ Piggott, C.J. (1964). Coconut Growing. Oxford University Press. tr. 61.
  80. ^ “Tropical Tree and Palm Crops”. Encyclopedia of Occupational Health & Safety. International Labour Organization. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2021.
  81. ^ George, Bincy M.; Rao, Muddanna S.; Kumar, Arunachalam; Suvarna, Niveditha; D'Souza, Jessica Sushima (2012). “Health of coconut tree climbers of rural southern India - medical emergencies, body mass index and occupational marks: A quantitative and survey study” (PDF). Journal of Clinical and Diagnostic Research. 6 (1): 57–60.
  82. ^ Coconut wood: Processing and Use (PDF). Food and Agriculture Organization of the United Nations. 1985. tr. 27. ISBN 92-5-102253-4.
  83. ^ Safford, William Edwin (8 tháng 4 năm 1905). “The Useful Plants of the Island of Guam”. Bulletin of the United States National Museum. 9: 243.
  84. ^ a b “Climbing the coconut palm”. COGENT. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2021.
  85. ^ a b c Loyola, James A. (23 tháng 7 năm 2020). “Philippine coconut industry: No monkey business here”. Manila Bulletin. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2021.
  86. ^ a b c Tetra Pak (2016). “The Chemistry of Coconut Milk and Cream”. Coconut Handbook. Tetra Pak International S.A. ISBN 9789177739487.
  87. ^ Kumar, V. Sajeev (20 tháng 3 năm 2011). “New mechanical coconut climbing device developed”. The Hindu Business Line. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2021.
  88. ^ Subramanian, Parvathi; Sankar, Tamil Selvi (7 tháng 4 năm 2021). “Development of a novel coconut-tree-climbing machine for harvesting”. Mechanics Based Design of Structures and Machines: 1–19. doi:10.1080/15397734.2021.1907756.
  89. ^ “Coconut Production Guide”. Business Diary PH. 30 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2021.
  90. ^ Yahia, Elhadi (2011). Postharvest Biology and Technology of Tropical and Subtropical Fruits. Cambridge: Woodhead. tr. 152. ISBN 978-0-85709-362-2. OCLC 828736900.
  91. ^ Bello, Rolando T.; Pantoja, Blanquita R.; Tan, Maria Francesca O.; Banalo, Roxanne A.; Alvarez, Jaonne V.; Rañeses, Florita P. (2020). “A study on skills for trade and economic diversification (STED) in the non-traditional coconut export sectors of the Philippines” (PDF). Employment Working Paper. Geneva: International Labor Organization: 18. ISSN 1999-2947.
  92. ^ What's Funny About The Business Of Monkeys Picking Coconuts?, NPR, October 19, 2015.
  93. ^ “The truth behind the "widespread" practice of monkeys harvesting coconuts in Thailand impacting on consumers & retailers”. Vegworld Magazine. 31 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2021.
  94. ^ Pratruangkrai, Petchanet (16 tháng 7 năm 2020). “FOCUS: Thai coconut farmers reject monkey abuse charges, suffer lost income”. Kyodo News. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2021.
  95. ^ Bertrand, Mireille. (January 27, 1967). Training without Reward: Traditional Training of Pig-tailed Macaques as Coconut Harvesters. Science 155 (3761): 484–486.
  96. ^ “FAOSTAT”. www.fao.org. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 11 năm 2008.
  97. ^ John S. Wilson (1959), Scouting Round the World. First edition, Blandford Press. p. 254
  98. ^ Tacio, Henrylito D. “Reviving the Coconut Industry of the Philippines”. Gaia Discovery. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2019.
  99. ^ Calderon, Justin (5 tháng 1 năm 2013). “Philippines counting on coconuts”. investvine. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2019.
  100. ^ McAloon, Catherine (25 tháng 8 năm 2017). “Coconut faces a looming global supply shortage, but could an Australian industry crack it?”. ABC News. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2019.
  101. ^ a b Tietze, Harald; Echano, Arthur (2006). Coconut: Rediscovered as Medicinal Food. Harald Tietze Publishing P/. tr. 37. ISBN 9781876173579.
  102. ^ a b Rillo, Erlinda P. (1999). “Coconut embryo culture”. Trong Oropeza, C.; Verdeil, J.L.; Ashburner, G.R.; Cardeña, R.; Santamaría, J.M. (biên tập). Current Advances in Coconut Biotechnology. Current Plant Science and Biotechnology in Agriculture. 35. Springer Netherlands. tr. 279–288. doi:10.1007/978-94-015-9283-3_20. ISBN 9789401592833.
  103. ^ Coconut Development Board; Government of India. (28 tháng 12 năm 2024). “Coconut Cultivation”. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2015.
  104. ^ Coconut Development Board; Government of India. (28 tháng 12 năm 2024). “Coconut Cultivation”. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2015.
  105. ^ “Indian state decides coconut trees are no longer trees but palms”. The Guardian. 20 tháng 1 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2016.
  106. ^ “Coconut tree loses tree status in Goa – Times of India”. The Times of India. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2017. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2017.
  107. ^ Halsall, Paul. (Ed). (21 tháng 2 năm 2001). “Medieval Sourcebook: Ibn Battuta: Travels in Asia and Africa 1325–1354”. Fordham University Center for Medieval Studies. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2011.
  108. ^ Kaakeh, Walid; El-Ezaby, Fouad; Aboul-Nour, Mahmoud M.; Khamis, Ahmed A. (2001). “Management of the red palm weevil, Rhynchophorus ferrugineus Oliv., by a pheromone/food-based trapping system” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 26 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2009.
  109. ^ a b “Coconut Industry in Sri Lanka- Sri Lanka Export Development Board”. www.srilankabusiness.com. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2021.
  110. ^ Cocos nucifera, Coconut palm”. FloridaGardener.com. Florida Gardener. 12 tháng 6 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2016.
  111. ^ “Australia has a lot of coconut palms — so why don't we have a coconut industry? - ABC News”. ABC.net.au. 29 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2020.
  112. ^ Margolis, Jason. (December 13, 2006). Coconut fuel Lưu trữ tháng 8 31, 2011 tại Wayback Machine. PRI's The World. Retrieved April 10, 2011.
  113. ^ United States Food and Drug Administration (2024). “Daily Value on the Nutrition and Supplement Facts Labels”. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
  114. ^ National Academies of Sciences, Engineering, and Medicine; Health and Medicine Division; Food and Nutrition Board; Committee to Review the Dietary Reference Intakes for Sodium and Potassium (2019). Oria, Maria; Harrison, Meghan; Stallings, Virginia A. (biên tập). Dietary Reference Intakes for Sodium and Potassium. The National Academies Collection: Reports funded by National Institutes of Health. Washington (DC): National Academies Press (US). ISBN 978-0-309-48834-1. PMID 30844154.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  115. ^ a b c Roehl, E. (1996). Whole Food Facts: The Complete Reference Guide. Inner Traditions/Bear. tr. 115. ISBN 978-0-89281-635-4.
  116. ^ a b Gatchalian, Miflora M.; De Leon, Sonia Y.; Yano, Toshimasa (tháng 1 năm 1994). “Measurement of young coconut (Cocos nucifera, L.) maturity by sound waves”. Journal of Food Engineering. 23 (3): 253–276. doi:10.1016/0260-8774(94)90053-1.
  117. ^ a b Javel, Irister M.; Bandala, Argel A.; Salvador, Rodolfo C.; Bedruz, Rhen Anjerome R.; Dadios, Elmer P.; Vicerra, Ryan Rhay P. (tháng 11 năm 2018). “Coconut Fruit Maturity Classification using Fuzzy Logic”. 2018 IEEE 10th International Conference on Humanoid, Nanotechnology, Information Technology,Communication and Control, Environment and Management (HNICEM): 1–6. doi:10.1109/HNICEM.2018.8666231. ISBN 978-1-5386-7767-4.
  118. ^ Marikkar, J.M.N.; Madarapperama, W.S. (2012). “Coconut”. Trong Siddiq, Muhammad; Ahmed, Jasim; Lobo, Maria Gloria; Ozadali, Ferhan (biên tập). Tropical and subtropical fruits: postharvest physiology, processing and packaging. Ames, Iowa: Wiley-Blackwell. tr. 164. ISBN 9781118324110.
  119. ^ Allonsy, Amelia (15 tháng 12 năm 2018). “How to Tell When Coconuts Are Ripe on the Tree”. SFGATE. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2021.
  120. ^ Grant, Amy. “When Are Coconuts Ripe: Do Coconuts Ripen After They Are Picked”. Gardening Know How. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2021.
  121. ^ Edgie Polistico (2017). Philippine Food, Cooking, & Dining Dictionary. Anvil Publishing, Incorporated. ISBN 9786214200870.[liên kết hỏng]
  122. ^ Coconut: Pacific food leaflet № 4 (PDF). Secretariat of the Pacific Community. 2006. ISBN 978-982-00-0164-0.
  123. ^ a b El Bassam, N. (2010). Handbook of Bioenergy Crops: A Complete Reference to Species, Development, and Applications. Earthscan. tr. 159. ISBN 9781849774789.
  124. ^ Chu, Wai Hon; Lovatt, Connie (2009). The Dumpling: A Seasonal Guide. Harper Collins. tr. 8. ISBN 9780061959400.
  125. ^ “ICC Quality Standard: Desiccated Coconut”. International Coconut Community. United Nations Economic and Social Commission for Asia and the Pacific (UN-ESCAP). Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2021.
  126. ^ Ghosh, D.K. (2015). “Postharvest, Product Diversification and Value Addition in Coconut”. Trong Sharangi, Amit Baran; Datta, Suchand (biên tập). Value Addition of Horticultural Crops: Recent Trends and Future Directions. Springer. ISBN 9788132222620.
  127. ^ “Exporting desiccated coconuts to Europe”. CBI. Centrum tot Bevordering van de Import uit ontwikkelingslanden (CBI), Netherlands Ministry of Foreign Affairs. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2021.
  128. ^ Lyle, Katie Letcher (2010) [2004]. The Complete Guide to Edible Wild Plants, Mushrooms, Fruits, and Nuts: How to Find, Identify, and Cook Them (ấn bản thứ 2). Guilford, CN: FalconGuides. tr. 141. ISBN 978-1-59921-887-8. OCLC 560560606.
  129. ^ a b NIIR Board of Consultants and Engineers (2006). The Complete Book on Coconut & Coconut Products (Cultivation and Processing). Asia Pacific Business Press Inc. tr. 274. ISBN 9788178330075.
  130. ^ “Full Report (All Nutrients): 12117, Nuts, coconut milk, raw (liquid expressed from grated meat and water)”. US Department of Agriculture, National Nutrient Database, version SR-28. 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 12 năm 2016.
  131. ^ Naik A, Raghavendra SN, Raghavarao KS (2012). “Production of coconut protein powder from coconut wet processing waste and its characterization”. Appl Biochem Biotechnol. 167 (5): 1290–302. doi:10.1007/s12010-012-9632-9. PMID 22434355.
  132. ^ a b c Grimwood & Ashman (1975), tr. 183–187.
  133. ^ Philippine Coconut Authority (2014). Coconut Processing Technologies: Coconut Milk (PDF). FPDD Guide No. 2 - Series of 2014. Department of Agriculture, Republic of the Philippines. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 6 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2021.
  134. ^ Duruz, Jean; Khoo, Gaik Cheng (2014). Eating Together: Food, Space, and Identity in Malaysia and Singapore. Rowman & Littlefield. tr. 45. ISBN 9781442227415.
  135. ^ Alford, Jeffrey; Duguid, Naomi (2000). Hot Sour Salty Sweet: A Culinary Journey Through Southeast Asia. Artisan Books. tr. 302. ISBN 9781579655648.
  136. ^ Thampan, Palakasseril Kumaran (1981). Handbook on Coconut Palm. Oxford & IBH. tr. 199.
  137. ^ Kurian, Alice; Peter, K.V. (2007). Commercial Crops Technology. New India Publishing. tr. 202–203. ISBN 9788189422523.
  138. ^ Janick J, Paull RE (2008). Cocos in The Encyclopedia of Fruit and Nuts. tr. 109–113. ISBN 9780851996387. Truy cập ngày 11 tháng 5 năm 2015.
  139. ^ “Ginataang Manok (Chicken Stewed in Coconut Milk) Filipino Recipe!”. Savvy Nana's. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2019.
  140. ^ Manivannan, A; Bhardwaj, R; Padmanabhan, S; Suneja, P; Hebbar, K. B; Kanade, S. R (2018). “Biochemical and nutritional characterization of coconut (Cocos nucifera L.) haustorium”. Food Chemistry. 238: 153–159. doi:10.1016/j.foodchem.2016.10.127. PMID 28867086.
  141. ^ Porter, Jolene V. (2005). “Lambanog: A Philippine Drink”. Washington, D.C.: American University. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2011.
  142. ^ Grimwood & Ashman (1975), tr. 20.
  143. ^ “Culture of Colima”. Explorando Mexico. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2019.
  144. ^ “Palm Sugar in Germany” (PDF). Import Promotion Desk (IPD). CBI, Ministry of Foreign Affairs, The Netherlands. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 9 tháng 5 năm 2016. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2017.
  145. ^ Sanchez, Priscilla C. (2008). Philippine Fermented Foods: Principles and Technology. UP Press. tr. 151–153. ISBN 9789715425544.
  146. ^ Gibbs, H.D.; Holmes, W.C. (1912). “The Alcohol Industry of the Philippine Islands Part II: Distilled Liquors; their Consumption and Manufacture”. The Philippine Journal of Science: Section A. 7: 19–46.
  147. ^ Edgie Polistico (2017). Philippine Food, Cooking, & Dining Dictionary. Anvil Publishing, Incorporated. ISBN 9786214200870.[liên kết hỏng]
  148. ^ Sacks, Frank M.; Lichtenstein, Alice H.; Wu, Jason H.Y.; Appel, Lawrence J.; Creager, Mark A.; Kris-Etherton, Penny M.; Miller, Michael; Rimm, Eric B.; Rudel, Lawrence L. (2017). “Dietary Fats and Cardiovascular Disease: A Presidential Advisory from the American Heart Association”. Circulation. 136 (3): e1–e23. doi:10.1161/CIR.0000000000000510. PMID 28620111.
  149. ^ Neelakantan, Nithya; Seah, Jowy Yi Hoong; van Dam, Rob M. (2020). “The effect of coconut oil consumption on cardiovascular risk factors (Systematic review)”. Circulation. 141 (10): 803–814. doi:10.1161/circulationaha.119.043052. PMID 31928080.
  150. ^ Eyres, L; Eyres, MF; Chisholm, A; Brown, RC (tháng 4 năm 2016). “Coconut oil consumption and cardiovascular risk factors in humans”. Nutrition Reviews. 74 (4): 267–80. doi:10.1093/nutrit/nuw002. PMC 4892314. PMID 26946252.
  151. ^ Grimwood & Ashman (1975), tr. 22.
  152. ^ a b c d e Pauline Dy Phon (2000). Plants Utilised In Cambodia. Phnon Penh: Imprimerie Olympic. tr. 165–6.
  153. ^ Bourke, R. Michael and Tracy Harwood (Eds.). (2009). Food and Agriculture in Papua New Guinea. Australian National University. p. 327. ISBN 978-1-921536-60-1.
  154. ^ “Coconut Shell Lump Charcoal”. Supreme Carbon Indonesia. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 12 năm 2012.
  155. ^ “Hans van Amsterdam: Coconut Cup with Cover (17.190.622ab) – Heilbrunn Timeline of Art History – The Metropolitan Museum of Art”. metmuseum.org. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 10 năm 2013.
  156. ^ Somyos Kijkar. "Handbook: Coconut husk as a potting medium". ASEAN-Canada Forest Tree Seed Centre Project 1991, Muak-Lek, Saraburi, Thailand. ISBN 974-361-277-1 ISBN không hợp lệ.
  157. ^ Edwards, Owen. “Remembering PT-109: A carved walking stick evokes ship commander John F. Kennedy's dramatic rescue at sea”. Smithsonian.com. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2017.
  158. ^ “MO63.4852 Coconut shell paperweight with PT109 rescue message”. John F. Kennedy Presidential Library and Museum. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 2 năm 2017. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2017.
  159. ^ Grimwood & Ashman (1975), tr. 19.
  160. ^ Herming, George. (March 6, 2006). Wagina whips offenders Lưu trữ tháng 10 27, 2006 tại Wayback Machine. Solomon Star.
  161. ^ Yong, JW. Ge L. Ng YF. Tan SN. (2009). “The chemical composition and biological properties of coconut (Cocos nucifera L.) water”. Molecules. 14 (12): 5144–64. doi:10.3390/molecules14125144. PMC 6255029. PMID 20032881.
  162. ^ “Data sheet about delta-decalactone and its properties”. Thegoodscentscompany.com. 18 tháng 7 năm 2000. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2012.
  163. ^ Finn, Julian K.; Tregenza, Tom; Norman, Mark D. (2009). “Defensive tool use in a coconut-carrying octopus”. Curr. Biol. 19 (23): R1069–R1070. doi:10.1016/j.cub.2009.10.052. PMID 20064403.
  164. ^ a b Gelineau, Kristen (15 tháng 12 năm 2009). “Aussie scientists find coconut-carrying octopus”. Associated Press. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 12 năm 2009. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2009.
  165. ^ Harmon, Katherine (14 tháng 12 năm 2009). “A tool-wielding octopus? This invertebrate builds armor from coconut halves”. Scientific American. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2009.
  166. ^ Henderson, Mark (15 tháng 12 năm 2009). “Indonesia's veined octopus 'stilt walks' to collect coconut shells”. Times Online. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 8 năm 2011.
  167. ^ a b Michavila Gomez A, Amat Bou M, Gonzalez Cortés MV, Segura Navas L, Moreno Palanques MA, Bartolomé B (2015). “Coconut anaphylaxis: Case report and review” (PDF). Allergol Immunopathol (Madr) (Review. Letter. Case reports.). 43 (2): 219–20. doi:10.1016/j.aller.2013.09.004. PMID 24231149. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 25 tháng 6 năm 2016. Truy cập ngày 18 tháng 6 năm 2016.
  168. ^ “Guidance for Industry: A Food Labeling Guide (6. Ingredient Lists); Major Food Allergens (food source names and examples)”. Food Labeling and Nutrition. US Food and Drug Administration. tháng 1 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 5 năm 2016. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2016.
  169. ^ a b c Jacob SE, Amini S (2008). “Cocamidopropyl betaine”. Dermatitis (Review). 19 (3): 157–160. doi:10.2310/6620.2008.06043. PMID 18627690.
  170. ^ Schnuch A, Lessmann H, Geier J, Uter W (2011). “Is cocamidopropyl betaine a contact allergen? Analysis of network data and short review of the literature”. Contact Dermatitis (Review). 64 (4): 203–11. doi:10.1111/j.1600-0536.2010.01863.x. PMID 21392028.
  171. ^ “Polynesian culture - Gardening”. Encyclopedia Britannica (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2020.
  172. ^ Patil, Vimla (tháng 9 năm 2011). “Coconut – Fruit Of Lustre In Indian Culture”. eSamskriti. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 5 năm 2016. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2016.
  173. ^ “Narali Purnima”. Maharashtra Tourism. 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 7 năm 2016. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2016.
  174. ^ Dallapiccola, Anna L. (2004). Dictionary of Hindu Lore and Legend (bằng tiếng Anh). Thames & Hudson. ISBN 978-0-500-28402-5.
  175. ^ Bramen, Lisa (9 tháng 11 năm 2009). “Food Rituals in Hindu Weddings”. Smithsonian Magazine. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2020.
  176. ^ Scott, Mike (22 tháng 2 năm 2017). “How the Zulu coconut was saved from extinction”. NOLA.com (bằng tiếng Anh). The Times-Picayune. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2020.
  177. ^ Harries, Hugh C. (2004). “Fun Made The Fair Coconut Shy” (PDF). Palms. The International Palm Society. 48 (2): 77–82. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 23 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2012.
  178. ^ “Coconut religion”. Vinhthong. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2013.
  179. ^ Leeming, David (17 tháng 11 năm 2005). Hainuwele – Oxford Reference. oxfordreference.com. ISBN 978-0-19-515669-0. Bản gốc lưu trữ 28 tháng Chín năm 2013.
  180. ^ Romero-Frias, Xavier (2012) Folk tales of the Maldives, NIAS Press Lưu trữ tháng 5 28, 2013 tại Wayback Machine, ISBN 978-87-7694-104-8, ISBN 978-87-7694-105-5
  181. ^ “Living Heritage -Marcellin College - Sina and the Eel”. www.livingheritage.org.nz. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 10 năm 2012.
  182. ^ “International Shark Attack File”. Shark Research Institute. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2014.

Nguồn

sửa

Đọc thêm

sửa

Liên kết ngoài

sửa