Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ (tiếng Anh: Joint Chiefs of Staff, viết tắt là JCS) là một cơ quan có trách nhiệm tham mưu cho chính phủ dân sự Hoa Kỳ về các vấn đề quân sự và việc lãnh đạo Quân đội Hoa Kỳ. Cơ quan này gồm một Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (Chairman of the Joint Chiefs of Staff), một Phó Chủ tịch Hội đồng, hợp cùng sáu lãnh đạo cao nhất của năm nhánh quân chủng và Văn phòng Vệ binh Quốc gia[1]. Tất cả đều là tướng lĩnh quân sự cao cấp, do Tổng thống bổ nhiệm và được Thượng viện xác nhận[2].
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Joint Chiefs of Staff | |
---|---|
Nhiệm vụ | Ban cố vấn cung cấp các chiến lược quân sự cho Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng thống Hoa Kỳ |
Thành lập | 1942 |
Chứng thư thành lập | Đạo luật An ninh Quốc gia năm 1947 được hệ thống hóa tại 10 U.S.C. § 151 |
Tổ chức tiền nhiệm | Joint Board (1903–1942) |
Thành viên | |
Chủ tịch | Đại tướng Charles Q. Brown Jr., USAF |
Phó chủ tịch | Đô đốc Christopher W. Grady, USN |
Số thành viên | 8 |
Quản lý | |
Cơ quan chủ quản | Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ |
Tổ chức nhân sự | Các tham mưu trưởng |
Trụ sở | Lầu Năm Góc |
Trong Khối Thịnh vượng chung Anh cũng có một cơ quan có chức năng nhiệm vụ tương tự gọi là Ủy ban Tham mưu trưởng (Chiefs of Staff Committees - CSC). Hàn Quốc thì gọi cơ quan của mình là Bộ Tham mưu hiệp đồng (합동참모본부, Hapttong Chammo Bonbu)
Lịch sử
sửaKhi Quân đội Hoa Kỳ lớn mạnh về số lượng sau Nội chiến Hoa Kỳ, việc phối hợp các hoạt động quân sự giữa Lục quân Hoa Kỳ và Hải quân Hoa Kỳ càng ngày càng trở nên khó khăn. Việc phối hợp chiến đấu của Lục quân và Hải quân thiếu sự hỗ trợ ở cả mặt kế hoạch và tác chiến và bị giới hạn vì thiếu sự đồng thuận trong Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ tại các chiến dịch ở vùng Caribe.[3] Ban hiệp đồng Lục quân và Hải quân được Tổng thống Theodore Roosevelt thành lập vào năm 1903 gồm có các đại diện của các lãnh đạo quân sự và chỉ huy trưởng cao cấp của cả Tổng bộ Hải quân Hoa Kỳ và Tổng bộ Tham mưu Lục quân Hoa Kỳ. Ban hiệp đồng này đóng vai trò như một "ủy ban cố vấn" được thành lập để hoạch định các chiến dịch hỗn hợp và giải quyết các vấn đề hiềm khích thông thường giữa hai quân chủng.[3]
Tuy nhiên, Ban hiệp đồng này chỉ hoàn thành một ít nhiệm vụ vì hiến chương của Ban không cho phép Ban bắt buộc việc thi hành các quyết định của mình. Ban cũng thiếu khả năng đưa ra ý kiến của chính mình và vì thế bị giới hạn trong phạm vi chỉ phát biểu về các vấn đề được Bộ trưởng Chiến tranh và Bộ trưởng Hải quân đưa ra mà thôi. Kết quả là Ban hiệp đồng có từ ít đến không có ảnh hưởng về cách mà Hoa Kỳ tiến hành chiến tranh trong Thế chiến thứ nhất.
Sau Thế chiến thứ nhất, vào năm 1919, hai bộ trưởng đồng ý với nhau tái thành lập và làm tái sinh Ban hiệp đồng. Lần này, thành viên của Ban sẽ bao gồm các Tham mưu trưởng, Phó Tham mưu trưởng, tổng cục trưởng chiến lược của Lục quân Hoa Kỳ và tổng cục trưởng chiến lược của Hải quân Hoa Kỳ. Dưới Ban Liên quân sẽ là một bộ tham mưu được gọi là Ủy ban Kế hoạch Liên quân (Joint Planning Committee) phục vụ ban. Cùng với việc có thêm những thành viên mới, Ban Liên quân có thể đưa ra sáng kiến đề nghị của chính mình. Tuy nhiên, Ban Liên quân vẫn không có quyền hợp pháp để bắt buộc việc thi hành các quyết định của ban.
Năm 1942, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Vương quốc Anh Winston Churchill thành lập Bộ tổng tham mưu Kết hợp (Combined Chiefs of Staff) sau vụ tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng và Hoa Kỳ tham dự vào Chiến tranh thế giới thứ hai. Bộ tổng tham mưu Kết hợp phục vụ với vai trò của một bộ phận quân sự tối cao cho sự phối hợp chiến lược giữa Hoa Kỳ và các nước trong Khối Thịnh vượng chung Anh. Trong khi Vương quốc Anh có Ủy ban Tham mưu trưởng (Chiefs of Staff Committee) thì Hoa Kỳ không có một cơ quan quân sự nào tương ứng để cung ứng cho Bộ tổng tham mưu Kết hợp từ phía Hoa Kỳ.
Mặc dù Ban Liên quân tồn tại nhưng thẩm quyền của ban ít hữu dụng đối với Bộ tổng tham mưu Kết hợp. Mặc dù vào năm 1935, ban đã xuất bản "Hành động Phối hợp Lục quân và Hải quân", đề xuất một số hướng dẫn cho các chiến dịch phối hợp trong Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng Ban Liên quân chỉ giữ chút ảnh hưởng đối với cuộc chiến. Theo sau kết thúcChiến tranh thế giới thứ hai, Ban Liên quân chính thức bị giải thể vào năm 1947.
Để lấp đầy nhu cầu cho một nỗ lực phối hợp và cung ứng công việc tham mưu, Đô đốc William D. Leahy đề nghị một khái niệm về một "bộ tư lệnh tối cao thống nhất" (unified high command) mà sau này có tên là Bộ tổng tham mưu Liên quân (Joint Chiefs of Staff). Ngày 20 tháng 7 năm 1942, Đô đốc Leahy trở thành Tham mưu trưởng của Tổng tư lệnh Lục quân và Hải quân Hoa Kỳ ("Tổng tư lệnh Lục quân và Hải quân Hoa Kỳ" là chức danh quân sự của Tổng thống Hoa Kỳ theo Điều khoản II, § 2, Hiến pháp Hoa Kỳ). Ông lập ra một bộ tổng tham mưu để phục vụ dưới quyền của ông.
Các thành viên đầu tiên của Bộ tổng tham mưu mới thành lập là:
Tên | Phục vụ | Chức vị |
---|---|---|
Thủy sư đô đốc William D. Leahy | HQHK | Tham mưu trưởng của Tổng tư lệnh Lục quân và Hải quân Hoa Kỳ và Cố vấn Quân sự đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ |
Đại tướng Lục quân George C. Marshall | LQHK | Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ |
Thủy sư đô đốc Ernest J. King | HQHK | Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ và Tổng tư lệnh Hạm đội Hoa Kỳ |
Đại tướng Lục quân* Henry H. Arnold | KQHK | Tham mưu phó Lục quân đặc trách Không quân và Tư lệnh Không lực Lục quân Hoa Kỳ |
*Arnold sau đó được bổ nhiệm thành Đại tướng Không quân. Cấp bậc khi ông là Tư lệnh Không lực Lục quân là Đại tướng Lục quân.
KhiChiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Bộ tổng tham mưu Liên quân Hoa Kỳ được chính thức thành lập dưới Đạo luật An ninh Quốc gia 1947. Theo đó, cứ mỗi Đạo luật An ninh Quốc gia thì Bộ tổng tham mưu Liên quân sẽ gồm có một Tổng tham mưu trưởng, Tham mưu trưởng Lục quân, Tham mưu trưởng Không quân và Tham mưu trưởng Hải quân. Tham mưu trưởng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ phải được tham vấn về các vấn đề có liên quan đến lực lượng này, nhưng vị này không phải là thành viên thường trực. Đại tướng Lemuel C. Shepherd, Jr., Tham mưu trưởng Thủy quân Lục chiến năm 1952-55, là người đầu tiên có vai trò của một thành viên không thường trực trong hội đồng. Luật được tu chính trong nhiệm kỳ của Đại tướng Louis H. Wilson, Jr. (1975-79) cho phép Tham mưu trưởng Thủy quân Lục chiến làm thành viên thường trực của hội đồng để cân bằng với ba binh chủng khác trong Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Vị trí Tổng tham mưu phó Liên quân được Đạo luật Goldwater-Nichols năm 1986 tạo ra để giảm bớt trách nhiệm cho Tổng tham mưu trưởng Liên quân, đặc biệt các vấn đề liên quan đến trang bị.
Đại tướng Colin L. Powell (1989-93) là người Mỹ gốc châu Phi đầu tiên và duy nhất tính đến năm 2009 phục vụ trong Bộ tổng tham mưu Liên quân Hoa Kỳ. Đại tướng Peter Pace (Tổng tham mưu phó, 2001-05; Tổng tham mưu trưởng, 2005-07) là quân nhân Thủy quân Lục chiến đầu tiên phục vụ với cả hai vai trò Tổng tham mưu trưởng và Tổng tham mưu phó Liên quân. Chưa có một phụ nữ nào phục trong hội đồng.
Mặc dù Tuần duyên Hoa Kỳ là một trong năm quân chủng của Hoa Kỳ nhưng Tư lệnh Tuần duyên Hoa Kỳ không phải một thành viên của Bộ tổng tham mưu Liên quân Hoa Kỳ. Tuy nhiên vị này được hưởng lương phụ trội như các vị trong Bộ tổng tham mưu Liên quân theo Bộ luật Hoa Kỳ số 37, mục 414(a)(5) (4.000 đô la một năm, tính theo năm 2009), và được đặc quyền ưu tiên tại Thượng viện Hoa Kỳ theo Luật Thượng viện số XXIII(1) và được xem là thành viên de facto của Bộ tổng tham mưu Liên quân trong những buổi Tổng thống đọc diễn văn. Không như các Tham mưu trưởng Liên quân là những người không nắm quyền tư lệnh tác chiến quân sự, Tư lệnh Tuần duyên Hoa Kỳ chỉ huy lực lượng của mình. Các sĩ quan Tuần duyên có quyền chính thức được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng hay Tổng tham mưu phó theo Bộ luật Hoa Kỳ số 10 U.S.C. 152(a)(1) & 154(a)(1) theo thứ tự - vì luật chỉ nói chung thuật ngữ "lực lượng vũ trang" hơn là ghi rõ binh chủng nào được quyền - nhưng chưa có một vị sĩ quan nào trong binh chủng Tuần duyên được bổ nhiệm tính đến năm 2009.
Vai trò và trách nhiệm
sửaSau khi tái tổ chức quân đội vào năm 1986 theo Đạo luật Goldwater-Nichols, Bộ tổng tham mưu Liên quân Hoa Kỳ không hiện diện trong các bộ tư lệnh tác chiến thống nhất của Quân đội Hoa Kỳ. Trách nhiệm tiến hành các cuộc hành quân tác chiến bắt đầu từ Tổng thống Hoa Kỳ đến Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và trực tiếp đến các tư lệnh của các bộ tư lệnh tác chiến và vì thế hoàn toàn không thông qua Bộ tổng tham mưu Liên quân Hoa Kỳ.
Ngày nay, trách nhiệm chính của Bộ tổng tham mưu Liên quân là làm thế nào để quân đội có thể luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, làm sao cho chắc chắn rằng chính sách, kế hoạch và huấn luyện các binh chủng của họ thật tốt cho các tư lệnh tác chiến của họ. Ngoài ra, Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ cũng đóng vai trò làm cố vấn cho Tổng thống Hoa Kỳ và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ. Trong vai trò chuyên về cố vấn, bộ tổng tham mưu liên quân hình thành nên bộ phận cao cấp thứ hai về chính sách quân sự sau Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ mà trong đó có Tổng thống và các viên chức khác ngoài Tổng tham mưu trưởng Liên quân.
Thành viên hiện tại
sửaVị trí | Ảnh | Tên | Quân chủng | Cờ |
---|---|---|---|---|
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân | Đại tướng Charles Q. Brown Jr. | Không quân Hoa Kỳ | ||
Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân | Đô đốc Christopher W. Grady | Hải quân Hoa Kỳ | ||
Tham mưu trưởng Lục quân | Đại tướng Randy A. George | Lục quân Hoa Kỳ | ||
Chỉ huy trưởng Thủy quân lục chiến | Đại tướng Eric M. Smith | Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ | ||
Chủ nhiệm tác chiến Hải quân | Đô đốc Lisa M. Franchetti | Hải quân Hoa Kỳ | ||
Tham mưu trưởng Không quân | Đại tướng David W. Allvin | Không quân Hoa Kỳ | ||
Chủ nhiệm tác chiến Không gian | Đại tướng B. Chance Saltzman | Lực lượng Không gian Hoa Kỳ | ||
Tham mưu trưởng Lực lượng Vệ binh Quốc gia | Đại tướng Daniel R. Hokanson | Không quân Hoa Kỳ |
Lãnh đạo
sửaTổng tham mưu trưởng Liên quân
sửaTheo luật, Tổng tham mưu trưởng Liên quân (Chairman of the Joint Chiefs of Staff) là sĩ quan quân sự cao cấp nhất của Quân đội Hoa Kỳ [4], và là cố vấn quân sự chính của Tổng thống Hoa Kỳ. Ông là người chủ tọa các cuộc họp và điều hợp các ý kiến của các tham mưu trưởng bao gồm tổng tham mưu trưởng, tổng tham mưu phó, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, Tham mưu trưởng Không quân Hoa Kỳ, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ, và Tham mưu trưởng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Bộ tổng tham mưu Liên quân có văn phòng nằm trong Ngũ Giác Đài. Tổng tham mưu trưởng Liên quân là sĩ quan cao cấp nhất so với các sĩ quan đứng đầu các binh chủng [5] nhưng không có quyền tư lệnh đối với họ, binh chủng của họ hay các bộ tư lệnh tác chiến thống nhất [5]. Tất cả các tư lệnh tác chiến đều nhận mệnh lệnh trực tiếp từ Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ [6].
Tổng tham mưu trưởng hiện tại là Đại tướng Charles Q. Brown Jr., Không quân Hoa Kỳ, bắt đầu nhiệm kỳ của mình vào ngày 01 tháng 10 năm 2023.
Ghi chú:
- Ngày 20 tháng 7 năm 1942, Thủy sư đô đốc William D. Leahy trở thành Tham mưu trưởng của Tổng tư lệnh Lục quân và Hải quân Hoa Kỳ (ngày 20/7/1942–21/3/1949). Thật sự ông không phải là Tổng tham mưu trưởng Liên quân. Chức vị của Leahy là tiền thân của Tổng tham mưu trưởng Liên quân. Chức Tổng tham mưu trưởng được lập và được Tướng Lục quân là Omar Bradley giữ lần đầu tiên vào năm 1949.
Tổng tham mưu phó Liên quân
sửaChức vụ Tổng tham mưu phó Liên quân Hoa Kỳ được lập theo Đạo luật Goldwater-Nichols năm 1986. Tổng tham mưu phó Liên quân là tướng bốn sao và theo luật là sĩ quan cao cấp đứng thứ hai trong Quân đội Hoa Kỳ (sau Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ). Nếu Tổng tham mưu trưởng vắng mặt, Tổng tham mưu phó Liên quân chủ trì các cuộc họp Bộ tổng tham mưu Liên quân. Ông cũng có thể đóng vai trò này nếu Tổng tham mưu trưởng ra lệnh. Vị trí này không phải là một vị trí thành viên có quyền biểu quyết đầy đủ trong Bộ tổng tham mưu Liên quân cho đến khi có Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (National Defense Authorization Act) năm 1992.[7]
Tổng tham mưu phó Liên quân là Đô đốc Christopher W. Grandy, Hải quân Hoa Kỳ bắt đầu nhiệm kỳ của mình vào ngày 10 tháng 12 năm 2021.
Cố vấn cao cấp của Tổng tham mưu trưởng
sửaThượng sĩ William J. Gainey được chọn làm cố vấn cao cấp đầu tiên cho Tổng tham mưu trưởng Liên quân, bắt đầu từ 1 tháng 10 năm 2005. Đây là chức vụ mới nhất được thành lập để cố vấn Tổng tham mưu trưởng Liên quân về các vấn đề liên quan đến nhân sự binh sĩ trong môi trường liên quân.
Với vai trò Cố vấn cao cấp của Tổng tham mưu trưởng, Cố vấn cao cấp sẽ là một cố vấn cho Tổng tham mưu trưởng liên quân về tất cả các vấn đề có liên quan đến việc hợp nhất, sử dụng và pháp triển tổng lực lượng liên quân. Ngoài ra vị cố vấn này cũng sẽ giúp phát triển các hạ sĩ quan bằng việc huấn luyện nghiệp vụ có liên quan đến liên quân, tăng cường việc sử dụng các hạ sĩ quan cao cấp trong các bộ tham mưu tác chiến hỗn hợp và hỗ trợ Tổng tham mưu trưởng thực hiện các trách nhiệm của mình.
Cố vấn cao cấp của Tổng tham mưu trưởng Liên quân hiện tại là Troy E. Black, bắt đầu nhiệm kỳ của mình vào ngày 3 tháng 11 năm 2023.
Ghi chú
sửa- ^ “Top Guard officer joins Joint Chiefs of Staff”. Army Times. ngày 4 tháng 1 năm 1012.
- ^ [1] 10 USC 151. Joint Chiefs of Staff: composition; functions
- ^ a b Allan R. Millett, Semper Fidelis: The History of the United States Marine Corps, 1980;pg. 269, para. 2.
- ^ [2] 10 USC 152. Chairman: appointment; grade and rank
- ^ a b [3] 10 USC 152(c). Chairman: appointment; grade and rank - Grade and Rank.
- ^ [4] 10 USC 162. Combatant commands: assigned forces; chain of command
- ^ Vice Chairman of the Joint Chiefs of Staff Lưu trữ 2009-08-20 tại Wayback Machine: Vice Chairman Responsibilities
Xem thêm
sửaĐọc thêm tiếng Anh
sửa- Gillespie, Robert M. The Joint Chiefs of Staff and the Escalation of the Vietnam Conflict, 1964-1965. Masters Thesis, Clemson University, 1994.
- Joint Chiefs of Staff, Organizational Development of the Joint Chiefs of Staff, 1942-1987. Joint Secretariat, Joint Chiefs of Staff, 1988.
- McMaster, H.R. Dereliction of Duty: Lyndon Johnson, Robert McNamara, the Joint Chiefs of Staff, and the Lies that Led to Vietnam. New York: Harper Collins, 1997.
- Perry, Mark Four Stars: The Inside Story of the Forty-Year Battle Between the Joint Chiefs of Staff and America's Civilian Leaders. New Yotk: Houghton Mifflin, 1989, ISBN 0-395-42923-4.
- Rearden, Steven L. History of the Office of the Secretary of Defense. 2 vols. Washington DC: Historical Office, Office of the Secretary of Defense, 1984.
- Schnabel, James F. History of the Joint Chiefs of Staff. The Joint Chiefs of Staff and National Policy 1945-1947. Volume I.[liên kết hỏng] Washington DC: Joint History Office, The Joint Staff, 1996.
- Taylor, Maxwell D. The Uncertain Trumpet. New York: Harper & Row, 1959.