Bão và áp thấp nhiệt đới tại Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Á thường chịu sự tác động của bão và áp thấp nhiệt đới, có khoảng từ 11 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đi vào khu vực Biển Đông trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm.[1] Mỗi năm, có khoảng bốn đến sáu cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Theo quy luật khí hậu, mùa bão tại Việt Nam chậm dần từ Bắc vào Nam, với tần suất bão nhiều nhất ở các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa và thấp nhất ở khu vực từ Bình Thuận đến Cà Mau và Kiên Giang. Bão và áp thấp nhiệt đới hằng năm đều tác động mạnh và gây thiệt hại cả về kinh tế và đời sống đối với quốc gia này.
![](http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/2/2e/Ph%C3%A2n_v%C3%B9ng_B%C3%A3o_v%C3%A0_ATN%C4%90_Vi%E1%BB%87t_Nam.png/250px-Ph%C3%A2n_v%C3%B9ng_B%C3%A3o_v%C3%A0_ATN%C4%90_Vi%E1%BB%87t_Nam.png)
Bất kỳ cơn bão nhiệt đới nào khi đi vào biển Đông đều được theo dõi và phát tin bởi Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam (NCHMF),[2] ngoài tên quốc tế do Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA) đặt. Cơ quan nhà nước này cũng thường xuyên ban hành các bản tin thời tiết và khuyến cáo cho công chúng, đặc biệt là trong thời gian có bão. Công tác phòng chống bão, áp thấp nhiệt đới nói riêng và thiên tai nói chung cũng được chính quyền Việt Nam quan tâm. Quốc gia này đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia nhằm lên phương án và triển khai các kế hoạch ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới và các loại hình thiên tai. Một thang cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai gồm năm cấp, được ban hành theo Quyết định số 18/QĐ–TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, sẽ áp dụng cho toàn bộ hoặc một phần các tỉnh và địa phương bị ảnh hưởng bởi bão và áp thấp nhiệt đới khi chúng được dự báo có khả năng ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.
Bão và áp thấp nhiệt đới tại Việt Nam cũng có những ảnh hưởng trong văn hóa đại chúng và trong cộng đồng tại Việt Nam, trong đó từ "bão" cũng được dùng để chỉ cho việc xuống đường ăn mừng của người Việt khi đội tuyển bóng đá nước này giành chiến thắng tại các giải đấu lớn ở cấp quốc tế.
Khái quát chung
sửaTừ nguyên
sửaBão có nguồn gốc từ "暴" (bạo), theo Hán ngữ đại từ điển có nghĩa là "hung ác tàn khốc", "cấp tốc, mãnh liệt".[3] Theo Từ điển tiếng Việt, “Bão” có nghĩa chỉ “gió xoáy ở phạm vi rộng trong một vùng có áp suất không khí giảm xuống rất thấp, thường phát sinh từ biển khơi, có sức phá hoại dữ dội do gió lớn, mưa to”.[4]
Theo định nghĩa chung, xoáy thuận nhiệt đới là một vùng áp suất tương đối thấp trên tầng đối lưu, với sự xáo trộn áp suất lớn nhất diễn ra tại vị trí có độ cao thấp gần bề mặt.[5] Phụ thuộc vào vị trí và cường độ, xoáy thuận nhiệt đới được đề cập đến bằng các tên gọi khác nhau.[6] Tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và Việt Nam, thuật ngữ "typhoon" được sử dụng để gọi những cơn bão nhiệt đới có sức gió tối thiểu đạt 118 km/h (73 mph).[7][8]
Khí tượng
sửaPhân loại | Cường độ |
---|---|
Áp thấp nhiệt đới | 39–61 km/h (cấp 6–7) |
Bão (bão thường) | 62–88 km/h (cấp 8–9) |
Bão mạnh | 89–117 km/h (cấp 10–11) |
Bão rất mạnh | 118–183 km/h (cấp 12–15) |
Siêu bão | ≥184 km/h (từ cấp 16 trở lên) |
Tại Việt Nam, cũng như khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, bão và áp thấp nhiệt đới nói chung hoạt động quanh năm từ tháng 1 đến tháng 12.[9] Tuy nhiên, mùa bão ở Việt Nam thường được cho là tính từ tháng 6 đến tháng 11.[10] Trung bình nhiều năm trên biển Đông ghi nhận từ 11 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động,[11] và mùa bão trên biển Đông được đánh giá là chậm dần từ Bắc vào Nam.[12] Mùa bão ở biển Đông hoạt động mạnh nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10 với trung bình khoảng 2 xoáy thuận nhiệt đới hoạt động mỗi tháng.[13] Tuy nhiên, vẫn có những năm xuất hiện nhiều bão trên biển Đông với kỷ lục là 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới vào năm 2017,[14][15][16] Ngược lại, cũng có những năm ít bão, trong đó năm ít bão nhất trên biển Đông là năm 1969 với tổng cộng 5 xoáy thuận nhiệt đới.[17] Một nghiên cứu điều tra về mối tương quan giữa lượng mưa và xoáy thuận nhiệt đới khi xuất hiện các hiện tượng El Niño và La Niña, và cho thấy rằng có sự gia tăng lượng mưa và xoáy thuận nhiệt đới trong điều kiện La Niña.[18]
Việt Nam sử dụng thang sức gió Beaufort để đo cường độ bão. Trước năm 2006, thang đo gió bão ở Việt Nam chỉ sử dụng đến cấp 12 và trên cấp 12. Sau các cơn bão Chanchu và Xangsane năm 2006, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 245/2006/QĐ–TTg, quy định mở rộng thang sức gió ở Việt Nam lên cấp 17 (tối đa 220 km/h).[19] Hiện nay tại Việt Nam, theo Quyết định 18/2021/QĐ–TTg quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai do Thủ tướng Chính phủ ban hành, thang đo bão tại Việt Nam gồm 5 loại, bao gồm áp thấp nhiệt đới, bão (thường), bão mạnh, bão rất mạnh và siêu bão. Thang sức gió tại Việt Nam theo quy định này cũng chỉ dừng đến cấp 17 và trên cấp 17.[20]
Phân vùng bão
sửaVùng | Khu vực |
---|---|
I | Đông Bắc (9 tỉnh) |
II | Tây Bắc (3 tỉnh) |
III | Đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa (14 tỉnh) |
IV | Nghệ An đến Huế (5 tỉnh) |
V | Đà Nẵng đến Bình Định (4 tỉnh) |
VI | Phú Yên đến Ninh Thuận (3 tỉnh) |
VII | Tây Nguyên (5 tỉnh) |
VIII | Bình Thuận đến Cà Mau—Kiên Giang và Nam Bộ (22 tỉnh) |
Sau bão Haiyan năm 2013, Chính phủ Việt Nam bắt đầu triển khai xây dựng kịch bản ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Quyết định số 1857/QĐ–BTNMT ngày 29 tháng 8 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã chia vùng bão ở Việt Nam thành 5 vùng là từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng đến Bình Định, Phú Yên đến Khánh Hòa và Ninh Thuận đến Cà Mau.[21] Đến năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam tiếp tục phân chia Việt Nam thành 8 vùng ảnh hưởng bởi bão và áp thấp nhiệt đới.[22][23] 8 vùng này bao gồm: vùng Đông Bắc; vùng Tây Bắc; đồng bằng, trung du Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa; từ Nghệ An đến Huế; từ Đà Nẵng đến Bình Định; từ Phú Yên đến Ninh Thuận; Tây Nguyên và Nam Bộ (bao gồm cả Bình Thuận).[24]
Tuy nhiên, theo phân cấp quản lý khí tượng thủy văn Việt Nam từ năm 2023, 7 đài khí tượng thủy văn được sắp xếp theo 7 vùng là Miền núi phía Bắc, Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.[25] Trước đó, theo Quyết định 03/2018/QĐ–TTg, tại khu vực miền Bắc Việt Nam chia thành 4 đài khí tượng thủy văn gồm Tây Bắc, Đông Bắc, Việt Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ.[26] Trong việc dự báo và cảnh báo thời tiết, Việt Nam được chia thành 6 khu vực bao gồm Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Huế, Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ.[27] Ngoài ra, có nhiều nghiên cứu khác nhau cho các cách phân bổ vùng bão đổ bộ tại Việt Nam khác nhau.[28][29]
Bão đổ bộ vào Việt Nam
sửaTần suất, quỹ đạo và cường độ
sửaSTT | Bão | Năm | Trị số khí áp | Nguồn | |
---|---|---|---|---|---|
Giá trị | Tại | ||||
1 | Sarah (bão số 2) | 1977 | 950,6 hPa | Phù Liễn (Hải Phòng) | [30] |
2 | Yagi (bão số 3) | 2024 | 955,2 hPa | Bãi Cháy (Quảng Ninh) | [31] |
3 | Cecil (bão số 8) | 1985 | 959,9 hPa | Đông Hà (Quảng Trị) | [32][33] |
4 | Xangsane (bão số 6) | 2006 | 963,3 hPa | Đà Nẵng | [34] |
5 | Doksuri (bão số 10) | 2017 | 966,6 hPa | Ba Đồn (Quảng Bình) | [35] |
6 | Winnie (bão số 2) | 1964 | 966,7 hPa | Hòn Gai (Quảng Ninh)[b] | [30] |
7 | Wayne (bão số 5) | 1986 | 967,4 hPa | Nam Định | [36] |
8 | Vera (bão số 3) | 1983 | 968,3 hPa | Cửa Ông (Quảng Ninh) | [37] |
9 | Frankie (bão số 2) | 1996 | 969 hPa | Văn Lý (Nam Định) | [38] |
10 | Wutip (bão số 10) | 2013 | 969,2 hPa | Đồng Hới (Quảng Bình) | [39] |
Trung bình hằng năm Việt Nam chịu ảnh hưởng của 6–8 xoáy thuận nhiệt đới,[40] trong đó có từ 4 đến 6 cơn đổ bộ vào nước này.[41] Theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Thắng và cộng sự, trong giai đoạn 1961–2014, tháng 9 là tháng có số cơn bão đổ bộ Việt Nam nhiều nhất.[42] Tuy nhiên, có những năm không ghi nhận bão đổ bộ vào Việt Nam như năm 1976, 2002 và 2023.[43][44] Chuỗi ngày dài nhất không có bão đổ bộ vào bờ biển Việt Nam là từ ngày 16 tháng 10 năm 2022 đến ngày 22 tháng 7 năm 2024 (646 ngày).[45][46] Về năm có nhiều bão nhất đổ bộ Việt Nam, theo một nghiên cứu, là năm 1973 với 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới;[28] trong khi đó có một nghiên cứu khác đánh giá năm 1978 có đến 13 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.[47] Một số nghiên cứu cũng chỉ ra vào những năm xảy ra hiện tượng La Niña, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam trung bình lên tới 8,3 cơn/năm, nhiều hơn rõ rệt so với những năm có hiện tượng El Niño với mức 5,3 cơn/năm, và trong điều kiện La Niña thì tần suất bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến miền Trung Việt Nam cũng tăng lên.[48] Chẳng hạn, các cơn bão và áp thấp nhiệt đới liên tiếp đổ bộ vào miền Trung trong năm 2020 gây ra lũ lụt thảm khốc tại vùng này.[49][50] Theo tài liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, tần suất bão đổ bộ bình quân cao nhất là tại khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa với 2,0 đến 2,5 cơn mỗi năm.[24] Theo Nguyễn Xuân Chính và Nguyễn Đại Minh, vùng biển Bắc Bộ có mật độ bão (tính trên 100 km diện hứng của mặt bờ biển) cao nhất cả nước cũng như chiếm tới 43% số lượng các cơn bão mạnh.[29] Bên cạnh đó, các cơn bão đổ bộ vào phía Bắc Việt Nam cũng được đánh giá là gây ra gió mạnh hơn các cơn bão đổ bộ vào các tỉnh phía Nam.[51]
Ngoài ra, tài liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cũng đánh giá khu vực ven biển Bắc Bộ đã từng ghi nhận sức gió lớn nhất ở Việt Nam là cấp 15 giật cấp 17, tương ứng với sức gió ghi nhận trong cơn bão Wendy năm 1968 là 50m/s giật 57m/s tại đài khí tượng Phù Liễn, trên khả năng của máy đo.[24][52][53] Khi bão Sarah đổ bộ vào thành phố Hải Phòng ngày 21 tháng 7 năm 1977, gió giật mạnh nhất tại Phù Liễn ghi nhận được là 51m/s (cấp 16), kèm khí áp thấp nhất ghi nhận được là 950,6 hPa (28,07 inHg).[30][12][45][52] Cho đến nay, đây vẫn là khí áp thấp nhất ghi nhận được cho một cơn bão khi đổ bộ vào Việt Nam, mặc dù một tài liệu cho biết vào năm 1985, mức khí áp thấp nhất này thuộc về bão Cecil năm 1985 với 959,9 hPa (28,35 inHg) đo tại Đông Hà, Quảng Trị.[32] Vào năm 2024, một báo cáo của ngành khí tượng Việt Nam cho biết bão Yagi năm 2024 ghi nhận sức gió 50m/s giật 63m/s (tương đương cấp 15 giật trên cấp 17) tại Bãi Cháy, Quảng Ninh,[54][55] mặc dù một số báo cáo công khai trong nước cho biết sức gió tại Bãi Cháy là 45m/s giật 62m/s (cấp 14 giật cấp 17),[56][31] ngoài ra khí áp tại trạm này trong bão Yagi ghi nhận ở mức 955,2 hPa (28,21 inHg).[31] Yagi cũng được Chính phủ Việt Nam đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông, và là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào đất liền Việt Nam trong 70 năm qua.[57] Vận tốc gió bão trên 40 m/s (78 kn) đã nhiều lần được ghi nhận ở đồng bằng sông Hồng, và vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh.[53][58]
Đối với các tỉnh miền Trung Việt Nam, tần suất bão đổ bộ bình quân tại các khu vực từ Nghệ An đến Huế, từ Đà Nẵng đến Bình Định là 1,0 đến 1,5 cơn/vùng/năm, trong khi tại khu vực từ Phú Yên đến Ninh Thuận là 0,5 đến 1,0 cơn/năm.[24] Do yếu tố địa lý, bờ biển dài mà số lượng bão đổ bộ vào miền Trung là nhiều nhất.[59][60] Vùng bờ biển Bắc Trung Bộ được đánh giá có hướng Tây Bắc–Đông Nam, gần trùng với hướng di chuyển chủ đạo của bão.[29] Cao điểm của mùa bão tại các tỉnh miền Trung thường diễn ra vào giai đoạn cuối năm, từ tháng 9 đến tháng 11.[12][51] Cấp gió bão mạnh nhất đã từng xảy ra trên toàn miền là cấp 13–14, giật cấp 15–16, theo tài liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.[24] Một nghiên cứu chỉ ra, sức gió mạnh nhất quan trắc được trong bão tại Trung Bộ xảy ra vào năm 1964 khi bão Clara gây gió mạnh 48m/s (cấp 15) tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh.[12] Khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị giai đoạn từ 1956–1980 cũng nhiều lần ghi nhận gió mạnh lên đến trên 40m/s.[58] Tại các tỉnh phía Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận, mật độ bão và tỷ lệ bão mạnh thấp hơn vùng bờ biển Bắc Bộ và phía Bắc Trung Bộ.[29] Tuy nhiên cũng xuất hiện những trường hợp bão gây gió mạnh lên đến cấp 13 và trên cấp 13 tại khu vực. Vào năm 2006, bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng gây gió mạnh 38 m/s tại trạm này,[61] được một số trang báo đánh giá là "cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam từ năm 1986 đến năm 2006";[62][63] trước đó bão Kyle năm 1993 cũng đã gây gió mạnh 40 m/s tương đương cấp 13 (có tài liệu ghi nhận là 44 m/s, tương đương cấp 14) tại Tuy Hòa.[12][64] Đối với vùng Tây Nguyên, cường độ gió bão khi bão ảnh hưởng thường yếu hơn các tỉnh ven biển Trung Bộ, mạnh nhất chỉ ở cấp 9, giật cấp 10–11.[24][29]
Đối với khu vực Bình Thuận và các tỉnh Nam Bộ, tần suất bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ và ảnh hưởng ít hơn các khu vực còn lại, trung bình dưới 0,5 cơn mỗi năm,[24] một thống kê chỉ ra rằng trung bình khu vực này 5 năm mới xuất hiện một lần bão đổ bộ.[29] Tốc độ gió mạnh nhất trên đất liền tại khu vực phía Nam, theo một nghiên cứu, là 28 m/s ghi nhận trong cơn bão Linda đổ bộ vào Cà Mau năm 1997.[12][65] Tuy nhiên, trong các dự báo biến đổi khí hậu của Việt Nam, mùa bão tại Việt Nam có xu thế kết thúc muộn hơn và có nhiều cơn bão đổ bộ vào khu vực phía Nam hơn.[66][67]
Về quỹ đạo bão khi đổ bộ vào Việt Nam, hướng di chuyển chủ yếu là hướng Tây Tây Bắc với vận tốc trung bình từ 15 đến 20 km/h.[51][68] Vào giai đoạn cuối mùa mưa bão, do chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như áp cao cận nhiệt Tây Thái Bình Dương và không khí lạnh, quỹ đạo bão có thể chếch về phía Tây và Tây Tây Nam, hướng về khu vực Trung Bộ và Nam Bộ.[69][70] Tuy nhiên, cũng có những trường hợp quỹ đạo bão phức tạp, lắt léo, không theo quy luật, chẳng hạn như bão Wayne trước khi đổ bộ vào vùng Đồng bằng Bắc Bộ đã đi ra đi vào biển Đông 3 lần và quỹ đạo lòng vòng phức tạp,[71][72] hoặc đi dọc bờ biển từ miền Trung lên miền Bắc như bão Kai-tak năm 2005, bão Sơn Tinh năm 2012,[73][74] bên cạnh đó còn hình thành từ đất liền di chuyển ra bờ biển rồi đổ bộ đồng bằng Bắc Bộ như áp thấp nhiệt đới tháng 8 năm 1996 hay đi một vòng quanh đảo Hải Nam rồi đổ bộ Nghệ An, Hà Tĩnh như bão Willie cùng năm.[75]
Tác động và thiệt hại
sửaTT | Tên bão | Thiệt hại (nghìn tỷ đồng) |
Nguồn |
---|---|---|---|
1 | Yagi (bão số 3 năm 2024) | >83,746 | [76] |
2 | Damrey (bão số 12 năm 2017) | 22,680 | [77] |
3 | Doksuri (bão số 10 năm 2017) | 18,402 | [77] |
4 | Ketsana (bão số 9 năm 2009) | 16,078 | [78] |
5 | Wutip (bão số 10 năm 2013) | 13,605 | [79] |
6 | Molave (bão số 9 năm 2020) | 13,271 | [80] |
7 | Áp thấp nhiệt đới tháng 10 năm 2017 | 13,142 | [77] |
8 | Son-Tinh (bão số 8 năm 2012) | 11,170 | [81] |
9 | Xangsane (bão số 6 năm 2006) | 10,150 | [82] |
10 | Durian (bão số 9 năm 2006) | 7,234 | [83] |
Nguồn: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Tổng hợp |
Theo một thống kê, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia chịu ảnh hưởng của bão nhiều nhất trên thế giới.[84] Khi đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, bên cạnh gây ra gió mạnh, các cơn bão còn gây các đợt mưa lớn tại các vùng chịu ảnh hưởng.[51][85] Nhiều trường hợp bão và áp thấp nhiệt đới còn gây lũ, ngập lụt, sấm chớp, lốc xoáy, lũ ống, lũ quét tại Việt Nam.[29][86][87]
Nhiều cơn bão khi đổ bộ vào Việt Nam gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và kinh tế của nước này. Không chỉ gây thiệt hại về nhân mạng, bão và áp thấp nhiệt đới còn góp phần phá hoại mùa màng, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, nhiều nhà ở của người dân, đặc biệt tại các vùng nông thôn, cũng như các công trình xây dựng như trường học, trạm y tế, hạ tầng giao thông, cột điện cao thế, cũng chịu những tác động tiêu cực.[29][86][88] Bão khi đổ bộ vào các khu vực ven biển nhiều trường hợp còn gây ra hiện tượng nước dâng, gây thiệt hại đến hệ thống đê biển tại các vùng ảnh hưởng.[51] Tuy nhiên, một số cơn bão khi đổ bộ vào Việt Nam không gây thiệt hại lớn, trái lại mang mưa và giải hạn, chẳng hạn như cơn bão số 1 (Sarah) năm 1983 khi đổ bộ vào Quảng Trị, Huế đã chấm dứt hạn hán đối với 190 nghìn hecta lúa.[89]
Một báo cáo cho biết thiệt hại về kinh tế do bão tại Việt Nam trong giai đoạn 1993–2013 tương đương 2,4% GDP trung bình hàng năm của nước này.[90] Năm 2006, bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng gây thiệt hại nghiêm trọng, được đánh giá "làm chậm sự phát triển của thành phố này trong 10 năm".[91] Vào năm 2017, thiên tai tại Việt Nam đã gây thiệt hại lên đến gần 60 nghìn tỷ đồng, mà phần nhiều do hai cơn bão số 10 (Doksuri) và bão số 12 (Damrey) gây ra tại các tỉnh miền Trung.[92] Vào năm 2020, liên tiếp các trận bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Trung Bộ đã góp phần gây nên lũ lụt thảm khốc và kéo dài, gây thiệt hại lên đến trên 30 nghìn tỷ đồng.[93][94] Năm 2024, thiệt hại do thiên tai tại Việt Nam lên tới hơn 88 nghìn tỷ đồng, thì chỉ riêng bão Yagi lên đến 83,7 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 90% thiệt hại do thiên tai năm 2024 và cũng là lớn nhất từ trước đến nay do thiên tai gây ra.[95][96][97][98] Riêng đối với khu vực Nam Bộ, do ít khi chịu ảnh hưởng của bão, thái độ người dân bị đánh giá còn có phần chủ quan, một số cơn bão đổ bộ đã gây thiệt hại lên đến trên 7 nghìn tỷ đồng cùng hàng trăm đến hàng nghìn người thiệt mạng như Linda năm 1997 hay Durian năm 2006.[99][100]
Vấn đề dự báo và số liệu
sửaDự báo và phòng chống
sửaViệt Nam, nằm trong khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, thuộc khu vực quản lý của Trung tâm Khí tượng chuyên ngành khu vực (RSMC) thuộc Cục Khí tượng Nhật Bản, đây là đơn vị đặt tên quốc tế đối với các cơn bão trong khu vực.[101] Ngoài ra, một số cơ quan khác như Đài thiên văn Hồng Kông, Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp Hải quân Hoa Kỳ cũng tham gia dự báo cho các cơn bão ở biển Đông và Việt Nam.[102][103] Tại Việt Nam, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (NCHMF) theo dõi và dự báo cho một xoáy thuận nhiệt đới nếu nó đi vào phạm vi khu vực giám sát của cơ quan này. Theo Quyết định 18/2021/QĐ–TTg, việc phát tin cho một cơn bão nằm trong biển Đông được quy định đối với vùng biển phía tây 120°Đ và từ vĩ tuyến 5–23°N.[104][20]
Từ năm 2021, việc dự báo và truyền tin thiên tai đối với các xoáy thuận nhiệt đới ở khu vực biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam gồm các cấp độ: tin bão/áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông; tin bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, tin bão/áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin bão/áp thấp nhiệt đới trên đất liền và tin cuối cùng.[20] Trước đó, theo Quyết định 46/2014/QĐ–TTg, có thêm cấp độ "tin bão/áp thấp nhiệt đới gần bờ" đối với các cơn xoáy thuận có khả năng tác động Việt Nam trong 48 giờ tới,[105] tuy nhiên đến Quyết định 18/QĐ–TTg năm 2021 thì "Tin bão/áp thấp nhiệt đới gần bờ" bị bãi bỏ.[20] Ngoài ra, Luật Khí tượng thủy văn của nước này cũng quy định các cơ quan truyền thông như Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và báo chí cũng có trách nhiệm đưa tin, truyền phát các dự báo thiên tai.[106] Một thang cảnh báo rủi ro thiên tai gồm 5 cấp cũng đã được Việt Nam áp dụng đối với tất cả các loại hình thiên tai, trong đó có bão và áp thấp nhiệt đới.[20] Vào năm 2024, theo quy định tại Luật Phòng thủ dân sự 2023 do Quốc hội Việt Nam thông qua, trong công tác phòng chống bão lụt nói riêng và thiên tai nói chung, các tổ chức như Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai; Ủy ban ứng phó sự cố thiên tai – tìm kiếm cứu nạn được hợp nhất thành Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; ngoài ra cũng thành lập Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự tại các cấp trên cơ sở Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của cấp tương ứng.[107][108]
Đánh giá và bê bối
sửaTheo đánh giá của Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác dự báo và cảnh báo thiên tai, khí tượng ở Việt Nam, trong đó có bão và áp thấp nhiệt đới, đã "đạt nhiều kết quả", chất lượng "dần tiệm cận trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới".[109] Cơ quan dự báo của Việt Nam cũng đã phối hợp với nhiều cơ quan khí tượng của các nước trên thế giới trong việc dự báo thời tiết nguy hiểm, xoáy thuận nhiệt đới.[110] Vào năm 2018, Việt Nam được lựa chọn đặt trung tâm hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm, bao gồm bão, cho khu vực Đông Nam Á.[111]
Tuy nhiên, cũng theo Đảng Cộng sản Việt Nam, năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo tại Việt Nam "có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn"; các thông tin, dữ liệu "chưa được quản lý đồng bộ, thiếu cơ chế chia sẻ, sử dụng hiệu quả".[109] Công tác dự báo bão của Việt Nam vẫn để xảy ra nhiều bê bối. Vào năm 2006, bão Chanchu làm thiệt mạng nhiều ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển Đông, một số ý kiến cho rằng thảm họa này xảy ra do công tác dự báo khí tượng thủy văn của Việt Nam không tốt khi các dự báo của nước này đã có sự sai lệch so với dự báo của đài khí tượng khác trong khu vực.[112][113] Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Việt Nam phủ nhận khả năng dự báo sai, nhưng lại bị thay chức vài ngày sau đó.[114][115] Vào năm 2016, khi bão Mirinae đổ bộ vào Nam Định, bản tin dự báo của Việt Nam được cho là đã đánh giá quá thấp cơn bão vào thời điểm đó, đã tạo ra tranh cãi lớn về dự báo và nhận định về bão,[116] thậm chí có ý kiến cho rằng "dự báo là nhỏ nhưng lại ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với cơn bão số 8 [Sơn Tinh] năm 2012".[117] Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc đó cho rằng bão chỉ mạnh cấp 9-10 giật cấp 10-12, sau tăng lên cấp 10-13 và dự báo bão sát với thực tế và sát với dự báo quốc tế.[118] Dù vậy, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam "rút kinh nghiệm sâu sắc" do dự báo bão không chính xác.[119] Đầu năm 2017, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Việt Nam mới công bố lại bão Mirinae mạnh cấp 12 giật cấp 15.[120] Vào năm 2024, trong công tác dự báo và đánh giá bão Yagi tại Việt Nam, ngành khí tượng Việt Nam cũng vướng phải một số vấn đề, khi một báo cáo của ngành khí tượng nước này gửi lên Ủy ban Bão Châu Á–Thái Bình Dương ghi nhận sức gió tại Bãi Cháy là 50m/s (cấp 15) giật 63m/s (trên cấp 17) cùng với cường độ khi đổ bộ là cấp 14–15 giật cấp 17,[54][55] trong khi các báo cáo công khai trong nước chỉ đánh giá bão mạnh từ cấp 10–12, hoặc 12–14 khi đổ bộ cùng sức gió trạm Bãi Cháy là 45m/s giật 62m/s (cấp 14 giật cấp 17),[11][56] và nhận về những đánh giá "chưa tính toán, dự báo được gió giật mạnh trên cấp siêu bão (cấp 17) trên đất liền (chưa từng xảy ra trong lịch sử) và thời gian tồn lưu bão kéo dài hơn bình thường".[121] Thủ tướng Việt Nam khi đó là Phạm Minh Chính cũng khẳng định ngành khí tượng Việt Nam chưa dự báo được bão Yagi giật cấp 17 trên đất liền trong một phiên họp.[122]
Năm 2024, Nghị định 155/2024/NĐ–CP được Chính phủ Việt Nam ban hành nhằm xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn. Theo Nghị định này, việc truyền, phát sai lệch bản tin dự báo hoặc đưa tin sai lệch về hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có thể bị phạt tiền đến 40 triệu đồng. Hành vi che giấu hoặc không cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thuỷ văn cũng có thể bị phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng.[123][124]
Trong văn hóa đại chúng và cộng đồng
sửaVăn hóa
sửaDo là quốc gia chịu ảnh hưởng thường xuyên bởi bão và áp thấp nhiệt đới, người dân Việt Nam đã ghi chép lại, đúc kết thành nhiều câu tục ngữ nhằm truyền dạy các kinh nghiệm dân gian để dự đoán thiên tai bão lụt.[125] Chẳng hạn, trong việc dự đoán bão, người Việt đã có các câu tục ngữ "Cơn đằng Tây mưa dây bão giật", "Ráng mỡ gà có nhà thì giữ".[126][127] Nhiều người dân tại Việt Nam còn dựa vào những thay đổi và biến động của tự nhiên, như mặt trăng, các loại cây cối, các loài động vật, nhằm đoán biết khả năng có thể xảy ra thiên tai lớn như bão, lụt.[128] Trong việc quản trị phòng chống bão lũ tại Việt Nam những năm gần đây, kinh nghiệm dân gian đã được vận dụng và kết hợp với các phượng tiện dự báo thời tiết hiện đại để dự báo, nhận định thời tiết.[129][130] Ngoài ra, câu tục ngữ "Năm Thìn bão lụt" cũng ra đời để ám chỉ rằng những năm Thìn âm lịch là thường có bão to, lụt lớn, mà nguồn gốc được cho là bắt đầu từ một trận bão lớn tại Nam Kỳ vào năm Giáp Thìn (1904).[131][132][133][134]
Hình ảnh bão và áp thấp nhiệt đới tại Việt Nam cũng đã xuất hiện trong thơ ca, âm nhạc.[135] Trong bài thơ "Hạt gạo làng ta" của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nội dung "có bão tháng bảy" nằm trong một câu thơ.[136] Bài thơ "Mẹ vắng nhà ngày bão" của Đặng Hiển cũng đã lấy bối cảnh bão để làm chất liệu sáng tác và được đưa vào sách giáo khoa phổ thông của Việt Nam từ năm 1981.[137][138] Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã sáng tác bài hát nổi tiếng "Huế tình yêu của tôi" trong bối cảnh ngay sau khi cơn bão Cecil năm 1985 tàn phá Huế, được xem như bài hát thành công nhất của bà.[139][140]
Đi "bão"
sửaTrong cộng đồng Việt Nam, từ "bão" ám chỉ các cuộc xuống đường ăn mừng tự phát của người dân, chủ yếu là giới trẻ, tại các tuyến phố ở các đô thị lớn. Phần lớn các cuộc đi "bão" của người Việt Nam xuất phát từ những chiến thắng của các cấp độ đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam tại các giải đấu quốc tế, nhất là trong các trận chung kết. Phương tiện đi "bão" của người Việt rất đa dạng, từ các loại xe cơ giới đến kèn, cờ, hoa,...[141] Trong các cuộc bão đêm, nhiều người Việt còn gõ, đập cả các vật dụng như xoong, nồi, mâm, chảo để thể hiện sự ăn mừng chiến thắng.[142][143] Một số cầu thủ bóng đá Việt Nam rất phấn khích trước sự hâm mộ cuồng nhiệt của người dân Việt Nam qua các cuộc đi bão.[144] Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới Gianni Infantino cũng bày tỏ thái độ "ấn tượng", "tò mò" trước những cuộc xuống đường đi "bão" của người dân Việt Nam khi đội tuyển U-23 của nước này giành thành tích tốt tại Giải vô địch bóng đá U-23 châu Á 2018.[145]
Tuy nhiên, việc đi "bão" của người Việt cũng để lại nhiều ý kiến trái chiều, khi một số đêm đi "bão" đã xảy ra các vụ đua xe, nẹt pô, thậm chí là tai nạn, ẩu đả gây chết người, cũng như những vi phạm luật lệ giao thông và làm lực lượng cảnh sát giao thông khó có thể điều tiết.[141][146][147][148] Nhà báo Nguyễn Lưu từng chỉ trích hành vi đi bão trên đường phố, gọi đó là "văn hóa hâm mộ lệch lạc" và là dấu hiệu của "dân trí thấp".[149] Có ý kiến cho rằng những cuộc đi "bão" (bão "địa sinh") còn nguy hiểm hơn các cơn bão từ biển theo nghĩa đen (bão "hải sinh").[141] Tuy nhiên, khi đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng trước đội tuyển Thái Lan trong trận chung kết Giải vô địch bóng đá ASEAN 2024 vào đầu năm 2025, trùng với thời điểm Nghị định 168/2024/NĐ–CP của nước này có hiệu lực, người hâm mộ Việt Nam khi xuống đường đi "bão" đã chấp hành nghiêm và tuân thủ các luật lệ về giao thông, không vượt đèn đỏ, thể hiện tinh thần trách nhiệm ngày càng tăng giữa những người tham gia cuộc vui.[150][151]
Tham khảo
sửaChú thích
sửa- Ghi chú
- ^ Theo Thang sức gió Beaufort.
- ^ Nay thuộc trạm khí tượng Bãi Cháy (Quảng Ninh).
- Nguồn
- ^ “Typhoon and Tropical Cyclone Seasons in Vietnam”. U.S. Embassy & Consulate in Vietnam. 29 tháng 10 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2019.
- ^ “Typhoon Season in Vietnam: How to Prepare Your Business”. Vietnam Briefing. 15 tháng 9 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2025.
- ^ La Trúc Phong 1990, tr. 821–825
- ^ Hoàng Phê 2003, tr. 40
- ^ Symonds, Steve (ngày 17 tháng 11 năm 2003). “Highs and Lows”. Wild Weather. Australian Broadcasting Corporation. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2007.
- ^ “The only difference between a hurricane, a cyclone, and a typhoon is the location where the storm occurs”. noaa.gov. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2014.
- ^ “Typhoon”. Glossary of Meteorology. American Meteorological Society. 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2015.
- ^ Chris Landsea (1 tháng 6 năm 2010). “Subject: F1) What regions around the globe have tropical cyclones and who is responsible for forecasting there?”. Journal of Geophysical Research: Atmospheres: D06108. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 30 tháng 3 năm 2011.
- ^ Dương Đình Tuyển (5 tháng 2 năm 2022). “Tổng Kết Bão, Áp Thấp Nhiệt Đới Hoạt Động Trên Biển Đông Từ Năm 2012-2021”. Ủy ban thủy đạc Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Một số khái niệm khí tượng thủy văn”. Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b “Bản tin dự báo khí hậu thời hạn năm trên phạm vi toàn quốc (từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2025)” (PDF). Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Bản gốc (PDF) lưu trữ 18 tháng 1 năm 2025. Truy cập 21 tháng 1 năm 2025.
- ^ a b c d e f Nguyễn Xuân Hiển và đồng nghiệp 2017, tr. 36–44
- ^ Chính phủ Việt Nam 2023, tr. 16
- ^ T.Chí (3 tháng 1 năm 2018). “Năm 2017 Việt Nam hứng chịu kỷ lục số cơn bão, thiên tai khốc liệt, dị thường”. Báo Lao Động. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nhiều tác giả 2018, tr. 24
- ^ Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam 2022, tr. 130
- ^ Nguyễn Đức Ngữ & Nguyễn Trọng Hiệu 2013, tr. 206
- ^ Nguyen-Thi, Hoang Anh; Matsumoto, Jun; Ngo-Duc, Thanh; Endo, Nobuhiko (2012). “A Climatological Study of Tropical Cyclone Rainfall in Vietnam”. Sola. 8: 41–44. doi:10.2151/sola.2012-011. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Hiểu thế nào về sức gió mạnh trong cơn bão?”. Báo Nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b c d e “Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ. 22 tháng 4 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nguyễn Linh Ngọc (người ký) (29 tháng 8 năm 2014). “Quyết định số 1857/QĐ-BTNMT năm 2014 về phê duyệt và công bố kết quả phân vùng bão, xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão cho khu vực ven biển Việt Nam”. Bộ Tài nguyên và Môi trường (Việt Nam) (Thư viện pháp luật đăng lại toàn văn). Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2025.
- ^ Anh Thư (26 tháng 12 năm 2016). “Công bố Kết quả phân vùng bão”. BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2024.
- ^ “Công bố 8 vùng nguy cơ bão, nước biển dâng và vùng gió ở đất liền”. Vietnam+ (VietnamPlus). 26 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2024.
- ^ a b c d e f g Chu Phạm Ngọc Hiển (người ký) (16 tháng 12 năm 2016). “Quyết định số 2901 ngày 16 tháng 12 năm 2016 về công bố kết quả cập nhật phân vùng bão, xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão và phân vùng gió cho các vùng ở sâu trong đất liền khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ”. Bộ Tài nguyên và Môi trường (Việt Nam) (LuatVietNam đăng lại toàn văn). Truy cập 29 tháng 12 năm 2024.
- ^ Trần Hồng Hà (người ký) (24 tháng 4 năm 2023). “Quyết định số 10/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Khí tượng Thủy văn trực thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường” (PDF). Chính phủ Việt Nam. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 8 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nguyễn Xuân Phúc (người ký) (23 tháng 1 năm 2018). “Quyết định số 03/2018/QĐ-TTg ngày 23/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Khí tượng Thủy văn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường” (PDF). Chính phủ Việt Nam. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Phân khu vực dự báo thời tiết”. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b Nguyễn Văn Tuyên 1986, tr. 18
- ^ a b c d e f g h Nguyễn Xuân Chính; Nguyễn Đại Minh (2011). “Bão, tố và lốc ở Việt Nam” (PDF). Tạp chí Viện khoa học công nghệ xây dựng Việt Nam. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b c Nguyễn Đức Ngữ & Nguyễn Trọng Hiệu 2013, tr. 104
- ^ a b c Tổng cục KTTV Việt Nam (15 tháng 11 năm 2024). “MEMBER REPORT - SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM - ESCAP/WMO Typhoon Committee 19th Integrated Workshop” (PDF). Ủy ban Bão Châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP/WMO Typhoon Committee) - Phiên họp lần thứ 19 năm 2024. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 15 tháng 11 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2024. Website Hội thảo Lưu trữ 2024-11-14 tại Wayback Machine
- ^ a b Nguyễn Đức Ngữ 1998, tr. 53
- ^ Phạm Vũ Anh 1987, tr. 7-13
- ^ Nhiều tác giả 2007, tr. 20
- ^ Nhiều tác giả 2018, tr. 29
- ^ Nguyễn Hữu Lượng 1987, tr. 13
- ^ Lê Văn Thảo 1983, tr. 18
- ^ Lê Văn Thảo 1996, tr. 28
- ^ Nhiều tác giả 2014, tr. 25
- ^ “Viet Nam's National Communcation To The United Nations Framework Convention On Climate Change” (PDF). unfccc.int. 9 tháng 11 năm 2018. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 9 tháng 11 năm 2018. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2021.
- ^ Trần Thanh Xuân, Trần Thục & Hoàng Minh Tuyển 2011, tr. 107
- ^ Nguyễn Văn Thắng và đồng nghiệp 2016, tr. 211
- ^ Nguyễn Hoài (30 tháng 12 năm 2023). “Thời tiết ngày càng dị thường”. Báo Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Thời tiết năm 2023 phá vỡ nhiều quy luật”. Báo điện tử VTV. 30 tháng 12 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 7 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b Nguyễn Thu (11 tháng 7 năm 2024). “Đã hơn 600 ngày không có bão đổ bộ nước ta”. Báo điện tử VTV. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 11 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Thục Hân (23 tháng 7 năm 2024). “Những điểm trùng hợp của 3 chuỗi hơn 600 ngày không có bão ở nước ta”. Hoa Học Trò (chuyên trang Báo Tiền Phong). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nguyễn Văn Khánh 1981, tr. 3
- ^ Hải Đăng (23 tháng 7 năm 2024). “La Nina quay trở lại, tác động mạnh lên ngành thủy sản”. Cục Thủy sản Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nguyễn Dương (9 tháng 4 năm 2021). “Năm nay bão lũ có dồn dập đổ vào miền Trung như 2020?”. Báo Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Việt Khang (9 tháng 11 năm 2020). “Các nhà khí hậu học thế giới nghiên cứu về bão lũ nghiêm trọng ở Việt Nam”. Báo Tài nguyên và Môi trường. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b c d e “Bão trên Biển Đông”. Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. 22 tháng 4 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b Nguyễn Đăng Khoa 1993, tr. 22
- ^ a b Lê Đình Quang 1999, tr. 5
- ^ a b Tổng cục KTTV Việt Nam (bản báo cáo cũ) (tháng 10 năm 2024). “MEMBER REPORT SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM - ESCAP/WMO Typhoon Committee 19th Integrated Workshop - Shanghai, China - 19 - 22 November 2024” (PDF). Ủy ban Bão Châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP/WMO Typhoon Committee), Hội thảo tích hợp lần thứ 19 năm 2024. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 14 tháng 11 năm 2024. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2024.. Website Hội thảo Lưu trữ 2024-11-14 tại Wayback Machine
- ^ a b Hải Đăng (31 tháng 12 năm 2024). “Tổng kết 2024: Thời tiết - thủy văn Việt Nam khốc liệt và dị thường”. Báo Công Lý. Bản gốc lưu trữ 2 tháng 1 năm 2025. Truy cập 5 tháng 1 năm 2025.
- ^ a b Hoàng Phúc Lâm (15 tháng 9 năm 2024). “BẢN TIN DỰ BÁO, CẢNH BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN THỜI HẠN MÙA TRÊN PHẠM VI TOÀN QUỐC” (PDF). Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2024.
- ^ “Nghị quyết số 143/NQ-CP khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3”. Chính phủ Việt Nam. 18 tháng 9 năm 2024. Lưu trữ bản gốc 30 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2024.
- ^ a b Phạm Đình Thụy 1982, tr. 16–17
- ^ Yến Nhi (18 tháng 9 năm 2024). “Tại sao bão ở Việt Nam lại hay vào miền Trung?”. Báo Dân Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nguyễn Việt Huy; Nguyễn Minh Việt (9 tháng 1 năm 2024). “Ứng dụng công nghệ xây dựng khô trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại khu vực Duyên hải Miền Trung Việt Nam”. Tạp chí Kiến trúc. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nhiều tác giả 2007, tr. 20
- ^ “Sáu cơn bão dữ nhất Việt Nam 10 năm qua”. Báo Đà Nẵng. 23 tháng 10 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Siêu bão lớn nhất 20 năm qua đe dọa miền Trung”. Báo điện tử VTV. 25 tháng 9 năm 2022. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nhiều tác giả 1994, tr. 36
- ^ Nhiều tác giả 1998, tr. 9
- ^ Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam 2022, tr. 117
- ^ Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam 2021, tr. 53
- ^ Nguyễn Vũ Thi 1985, tr. 22–23
- ^ Trần Công Minh 2007, tr. 206
- ^ T.Tâm (22 tháng 11 năm 2021). “Quy luật chung của bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới Việt Nam”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nguyễn Hoài (6 tháng 9 năm 2024). “Những cơn bão từng gây thiệt hại khủng khiếp cho Việt Nam”. Báo Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Hồng Khánh (7 tháng 10 năm 2009). “Bão Parma có đường đi dị thường”. VnExpress. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Bão số 8 - Cơn bão kỳ dị nhất từ trước tới nay”. Báo Tiền Phong. 4 tháng 11 năm 2005. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ T.Phùng (29 tháng 10 năm 2012). “Lý giải cơn bão bất thường Sơn Tinh”. Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nhiều tác giả 1997, tr. 10
- ^ Nguyễn Thanh Sơn (23 tháng 12 năm 2024). “Diễn đàn kinh nghiệm phục hồi sau bão Yagi”. Báo Nhân dân. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2024.
- ^ a b c “TỔNG HỢP THIỆT HẠI DO THIÊN TAI NĂM 2017” (PDF). Cục Quản lí đê điều và Phòng chống thiên tai.
- ^ “TỔNG HỢP THIỆT HẠI NĂM 2009” (PDF). Cục Quản lí đê điều và Phòng chống Thiên tai.
- ^ “TỔNG HỢP THIỆT HẠI DO THIÊN TAI NĂM 2013” (PDF). Cục Quản lí đê điều và Phòng, chống thiên tai.
- ^ “Báo cáo thiệt hại tính tới tháng 11 năm 2020”. Cục Quản lí đê điều và Phòng, chống thiên tai. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2024.
- ^ “TỔNG THIỆT HẠI NĂM 2012” (PDF). Cục Quản lí đê điều và Phòng, chống thiên tai.
- ^ “Thiệt hại do bão Xangsane: Hơn nửa tỷ đô la”. Báo Tiền Phong. 6 tháng 10 năm 2006. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2024.
- ^ “THIỆT HẠI DO THIÊN TAI GÂY RA NĂM 2006” (PDF). Cục Quản lí đê điều và Phòng, chống Thiên tai.
- ^ Anh Minh (28 tháng 8 năm 2017). “Việt Nam trong top chịu ảnh hưởng của bão nhiều nhất thế giới”. VnExpress. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nguyễn Văn Tuyên 1986, tr. 20
- ^ a b VH (21 tháng 4 năm 2023). “Bão và một số hiểu biết về bão”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Minh Kháng (11 tháng 9 năm 2024). “Lũ quét là gì, lũ quét đáng sợ như thế nào mà có thể cướp đi tính mạng nhiều người?”. Báo Dân Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Một số thiên tai chủ yếu và biện pháp phòng, chống”. Báo Hà Giang. 19 tháng 9 năm 2017. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 5 năm 2020.
- ^ Phan Hữu Khánh 1984, tr. 22
- ^ Espagne E. và cộng sự 2021, tr. 15
- ^ Văn Thành Lê (23 tháng 10 năm 2016). “Xangsane hung bạo”. Báo Đà Nẵng. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ “2017 - Năm thiên tai nặng nề”. Báo Nhân Dân. 28 tháng 12 năm 2017. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Xuân Lam (2 tháng 12 năm 2020). “Thiên tai dị thường ở miền Trung gây thiệt hại kinh tế 30.000 tỷ đồng”. Tạp chí Đầu tư Tài chính. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Nhìn lại năm 2020: Một năm thiên tai khốc liệt và dị thường”. VietnamPlus. 18 tháng 12 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nguyễn Hải (22 tháng 10 năm 2024). “Bão Yagi đổ bộ, lần đầu tiên Việt Nam đo được gió giật cấp 17”. Báo Dân Trí. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 11 năm 2024. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2024.
- ^ “Thiên tai năm 2024: Tổn thương nghiêm trọng và những bài học lớn”. VietnamPlus. 4 tháng 1 năm 2025. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Bích Ngọc (29 tháng 12 năm 2024). “Thiên tai năm 2024 ở Việt Nam: Tăng về tần suất và cường độ”. Tạp chí Tài chính. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 12 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Thắng Trung (31 tháng 1 năm 2025). “Từ ứng phó đến hành động sớm trước thiên tai”. Báo Tin Tức. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nhật Linh (25 tháng 12 năm 2017). “Những cơn bão cấp thảm họa từng đổ bộ, tàn phá Nam Bộ dịp cuối năm”. Báo điện tử VTC. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Dương Tâm (2 tháng 11 năm 2017). “20 năm bão Linda - cơn bão thảm khốc trong lịch sử Việt Nam”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Typhoon Committee (2008). “Typhoon Committee Operational Manual” (PDF) (report). World Meteorological Organization. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 17 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2008.
- ^ “Classifications of Tropical cyclones” (PDF). Hong Kong Observatory. 18 tháng 3 năm 2009. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 30 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2009.
- ^ Joint Typhoon Warning Center (31 tháng 3 năm 2008). “What are the description labels used with tropical cyclones by JTWC?”. Joint Typhoon Warning Center – Frequently Asked Questions (FAQ). Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2008.
- ^ Đặng Quốc Khánh (người ký) (15 tháng 6 năm 2023). “Quyết định 1600/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn”. Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (Thư viện pháp luật đăng lại toàn văn). Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nguyễn Tấn Dũng (người ký) (15 tháng 8 năm 2014). “Quyết định 46/2014/QĐ–TTg về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai” (PDF). Chính phủ Việt Nam. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nguyễn Sinh Hùng (người ký) (23 tháng 11 năm 2015). “Luật Khí tượng thủy văn 2015” (PDF). Quốc hội Việt Nam. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Vương Đình Huệ (người ký) (20 tháng 6 năm 2023). “Luật số 18/2023/QH15 của Quốc hội: Luật Phòng thủ dân sự” (PDF). Quốc hội Việt Nam. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 8 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Luật Phòng thủ dân sự - Hợp nhất về một đầu mối, tạo hành lang pháp lý trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn”. Chính sách và cuộc sống - Thông tân xã Việt Nam. 17 tháng 7 năm 2024. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b Võ Văn Thưởng (người ký) (21 tháng 9 năm 2025). “Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (PDF). Đảng Cộng sản Việt Nam. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 9 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Hoàng Mai (6 tháng 1 năm 2025). “Ngành Khí tượng Thủy văn chủ động hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực dự báo”. Tạp chí điện tử Tài nguyên và Môi trường. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Xuân Long (19 tháng 3 năm 2018). “Đặt trung tâm hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm Đông Nam Á tại Việt Nam”. Báo Tuổi Trẻ. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Bão Chanchu đã được dự báo như thế nào?”. Tuổi Trẻ Online. 25 tháng 5 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Bá Kiên; Lê Anh Đạt (30 tháng 5 năm 2006). “Thảm họa bão Chanchu: Đủ cơ sở để khởi tố hình sự”. Báo Tiền Phong. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ “'Nếu dự báo bão sai, tôi chấp nhận bị cách chức'”. Báo Dân Trí. 25 tháng 5 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ “'Thay giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TW'”. VnExpress. 31 tháng 5 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nhóm phóng viên Vnexpress. “Tranh cãi về việc dự báo cấp độ gió của bão Mirinae”. Báo điện tử Vnexpress. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
- ^ Yên Trung (28 tháng 7 năm 2016). “Tin mới bão số 1 - Mirinae: Dự báo bão sai về cấp độ, hướng đi và tốc độ di chuyển?”. Báo điện tử VTC News. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
- ^ Thu Hà (28 tháng 7 năm 2016). “Cơn bão số 1: Theo dõi chặt chẽ, dự báo sát thực tế”. Báo Tài nguyên và Môi Trường. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
- ^ Trung Kiên; Lê Tuấn; Chí Thành (31 tháng 7 năm 2016). “Thủ tướng yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm do dự báo bão sai”. Báo điện tử VTV. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
- ^ Nhiều tác giả 2017, tr. 23
- ^ Thắng Trung (18 tháng 12 năm 2024). “Việt Nam có khả năng đối mặt với nắng nóng khốc liệt trong năm 2025”. Chính sách và cuộc sống - Thông tấn xã Việt Nam. Bản gốc lưu trữ 27 tháng 12 năm 2024. Truy cập 27 tháng 12 năm 2024.
- ^ Ngọc An (28 tháng 9 năm 2024). “Thủ tướng nói về sai số trong dự báo bão cấp 17 và phương án cho thủy điện Thác Bà”. Tuổi Trẻ. Bản gốc lưu trữ 1 tháng 10 năm 2024. Truy cập 27 tháng 12 năm 2024.
- ^ Trần Hồng Hà (người ký) (10 tháng 12 năm 2024). “Nghị định số 155/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn” (PDF). Chính phủ Việt Nam. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 9 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Việt An (10 tháng 12 năm 2024). “Vi phạm lĩnh vực khí tượng thủy văn bị phạt tới 100 triệu”. Báo Kinh Tế Đô Thị. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Kiến thức bản địa trong dự báo thời tiết”. Dự án Hệ thống thông tin nhiều bên tham gia - Trường Đại học Khoa học tự nhiên. 12 tháng 8 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025.
- ^ Trần Thị Tùng Lâm (16 tháng 9 năm 2022). “Giải thích ý nghĩa tục ngữ 'Ráng mỡ gà có nhà thì giữ' nói về kinh nghiệm gì?”. Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Phạm Văn Tình (12 tháng 8 năm 2020). “Chữ và nghĩa: Cơn đằng Đông vừa trông vừa chạy...”. Báo Thể Thao & Văn Hóa. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nguyễn Xuân Hồng; Lê Anh Tuấn (8 tháng 2 năm 2022). “Tri thức dân gian về thời tiết của cư dân vùng trong dự đoán và ứng phó với thiên tai”. Tạp chí Văn Nghệ Huế. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Hà Linh (27 tháng 11 năm 2022). “Cách dự báo thời tiết trong dân gian và trong thời hiện đại”. Báo điện tử VTV. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Tạ Minh Tuấn; Lê Minh Hồng (16 tháng 1 năm 2025). “Vận dụng kinh nghiệm cổ truyền và tư duy hiện đại trong quản trị phòng, chống bão lũ ở Việt Nam hiện nay”. Tạp chí Quản lý Nhà nước. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Hoàng Phương (8 tháng 3 năm 2024). “Tìm lại dấu xưa: 'Năm Thìn bão lụt' qua các tư liệu xưa”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ S.H (15 tháng 9 năm 2024). “Lời truyền bí ẩn "Năm Thìn bão lụt" có thật hay không?”. Báo Dân Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Công Hằng (19 tháng 9 năm 2024). “Sách xưa đã nói đến một năm Thìn bão lụt 1844”. Báo Công giáo và Dân tộc. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Đông Phương (12 tháng 2 năm 2024). “Chuyện từ… "hồi năm Thìn bão lụt!"”. Báo Vĩnh Long. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nguyễn Công Thành 1995, tr. 9–10
- ^ Trung Hiền (26 tháng 2 năm 2024). “Hạt gạo làng ta – Bài thơ rất hữu cơ của Trần Đăng Khoa”. Tạp chí Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Công Bắc (20 tháng 11 năm 2019). “Nhà thơ - NGƯT Đặng Hiển: 'Mẹ vắng nhà ngày bão' - 38 năm và mãi mãi”. Báo Thể Thao & Văn Hóa. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Thu Phương (18 tháng 3 năm 2020). “Tiễn biệt tác giả bài thơ "Mẹ vắng nhà ngày bão" - Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển”. Báo Dân Trí. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Nguyễn Hữu Quý (14 tháng 11 năm 2014). “Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai: Trò chuyện với bóng mình”. Báo Văn nghệ Công an nhân dân Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 9 năm 2015. Truy cập 8 tháng 9 năm 2015.
- ^ Báo Pháp luật xã hội. “Phía sau sự sáng tạo Trương Tuyết Mai và... những cơn bão”. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 9 năm 2015. Truy cập 4 tháng 9 năm 2015.
- ^ a b c Phạm Văn Tình (18 tháng 12 năm 2019). “Chữ và nghĩa: Đi bão - 'Bão' từ đâu thế?”. Báo Thể Thao & Văn Hóa. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Xoong nồi, mâm cơm lãnh đủ vì 'bão' cùng chủ mừng Việt Nam vô địch”. VnExpress. 15 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Phạm Chiểu; Tùng Lâm (20 tháng 1 năm 2019). “Người hâm mộ Thủ đô mang mâm, nồi, thùng đựng nước 'đi bão' mừng tuyển Việt Nam vào tứ kết Asian Cup”. Báo điện tử VTC. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Khương Xuân (6 tháng 12 năm 2018). “Xuống đường mừng đội tuyển chiến thắng: Không nên thái quá”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Khánh Nguyễn (8 tháng 2 năm 2018). “Chủ tịch FIFA Infantino tới Việt Nam vì hiệu ứng U23 Việt Nam”. Báo điện tử VTV. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Việt An (8 tháng 12 năm 2018). “'Đi bão' sau chiến thắng bóng đá gây hàng loạt tai nạn: Dừng lại đi, đừng biến niềm vui thành đau thương”. Báo điện tử VTC. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Bùi Tư (16 tháng 12 năm 2018). “Tai nạn khi đi "bão" mừng chiến thắng, nhiều người thương vong ở TP.HCM”. Báo điện tử VOV. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Đình Thảo (16 tháng 12 năm 2018). “Tạm giữ 115 phương tiện vi phạm trong đêm "đi bão" mừng cúp vô địch”. Báo Dân Trí. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Dương Phương Vinh (11 tháng 12 năm 2018). “'Văn hóa cổ vũ bóng đá đang lệch lạc'”. Báo Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Ấn tượng hình ảnh dòng người 'đi bão' nghiêm ngắn dừng chờ đèn đỏ ở Hà Nội”. VietNamNet. 3 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ Văn Huế; Thùy Linh (6 tháng 1 năm 2025). “"Đi bão" mừng chiến thắng của tuyển Việt Nam, hàng vạn người vẫn tuân thủ Luật giao thông”. Tạp chí Giao Thông. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
Đọc thêm
sửa- Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (2021), Kịch bản biến đổi khí hậu (PDF), Hà Nội: Nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam, ISBN 978-604-952-687-9, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2025
- Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (2022), Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia (PDF), Hà Nội, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2025
- Chính phủ Việt Nam (2023), Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 (PDF), Hà Nội, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2025
- Espagne E. và cộng sự (2021), Climate change in Viet Nam Impacts and adaptation (PDF), Báo cáo đánh giá phục vụ COP26 của dự án GEMMES Việt Nam, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 8 tháng 11 năm 2022
- Hoàng Phê (2003), Từ điển tiếng Việt, Đà Nẵng: Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng
- La Trúc Phong (1990), Hán ngữ đại từ điển (tập 5), Thượng Hải: Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã
- Lê Đình Quang (1999), ĐẶC ĐIỂM MƯA VÀ GIÓ DO BÃO Ở VÙNG BIỂN ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ (PDF), Tạp chí Khí tượng thủy văn số 461 (1999), Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 17 tháng 12 năm 2024
- Lê Văn Thảo (1983), Tình hình diễn biến bão số 3 (PDF), Hà Nội: Nội san Khí tượng thủy văn, số 274 (tháng 10 năm 1983), Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 25 tháng 8 năm 2023
- Lê Văn Thảo (1996), Diễn biến cơn bão số 2 năm 1996 và công tác dự báo phục vụ, Hà Nội: Tạp chí Khí tượng Thuỷ văn số 430 (1996)., Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 2 năm 2024
- Nguyễn Công Thành (1905), Phục vụ thời tiết cho quảng đại quần chúng là truyền thống và mục tiêu lâu dài của dự báo KTTV Việt Nam, Hà Nội: Tạp chí Khí tượng Thuỷ văn số 411 (1995), Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 2 năm 2024
- Nguyễn Đăng Khoa (1993), BÃO VỚI KHU VỰC HẢI PHÒNG VÀ VIỆC THEO DÕI BÃO CỦA ĐÀI KHÍ TƯỢNG PHÙ LIỄN (PDF), Hà Nội: Tạp chí Khí tượng thủy văn số 392 (1993), Bản gốc (PDF) lưu trữ 17 tháng 12 năm 2024
- Nguyễn Đức Ngữ (1998), Bão và phòng chống Bão (PDF), Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật, Bản gốc (PDF) lưu trữ 15 tháng 7 năm 2019
- Nguyễn Đức Ngữ; Nguyễn Trọng Hiệu (2013), Chuyên khảo Khí hậu Việt Nam (PDF), Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2025
- Nguyễn Hữu Lượng (1987), Cơn bão số 5 năm 1986 (Bão Wayne - 8614) (PDF), Hà Nội: Tạp chí Khí tượng Thuỷ văn, số 321 (1987), Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 25 tháng 8 năm 2023
- Nguyễn Văn Khánh (1981), Hoạt động hằng năm của bão ở Biển Đông và ở Việt Nam, Hà Nội: Tạp chí Khí tượng Thuỷ văn số 247 (1981), Bản gốc lưu trữ 12 tháng 2 năm 2024
- Nguyễn Văn Thắng; Mai Văn Khiêm; Nguyễn Trọng Hiệu; Vũ Văn Thăng; Nguyễn Đăng Mậu; Lã Thị Tuyết (2016), Ảnh hưởng của bão ở Việt Nam thời kỳ 1961-2014 (PDF), Hà Nội: Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Các Khoa học Trái đất và Môi trường, Tập 32, Số 3S (2016)
- Nguyễn Văn Tuyên (1986), Dự tính mưa bão bằng mô hình thống kê (PDF), Hà Nội: Tạp chí Khí tượng thủy văn số 304 (1986), Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2025
- Nguyễn Vũ Thi (1985), Đặc điểm của bão và áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông (PDF), Hà Nội: Tạp chí Khí tượng Thuỷ văn số 289 (1985), Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2025, truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025
- Nguyễn Xuân Hiển; Nguyễn Văn Thắng; Trần Thục; Nguyễn Văn Hiệp; Huỳnh Thị Lan Hương; Mai Văn Khiêm (2017), Nghiên cứu phân vùng bão, xác định nguy cơ bão và nước dâng do bão khi có bão mạnh đổ bộ – Tạp chí khoa học Biến đổi khí hậu số tháng 3 năm 2017 (PDF), Hà Nội: Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 6 tháng 4 năm 2024, truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2025
- Nhiều tác giả (1994), Đặc điểm khí tượng thủy văn Việt Nam 1993 (PDF), Hà Nội: Trung tâm Quốc gia dự báo khí tượng thủy văn Việt Nam, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 27 tháng 7 năm 2024, truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025
- Nhiều tác giả (1997), Đặc điểm khí tượng thủy văn Việt Nam 1996 (PDF), Hà Nội: Trung tâm Quốc gia dự báo khí tượng thủy văn Việt Nam, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 4 tháng 1 năm 2025, truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025
- Nhiều tác giả (1998), Đặc điểm khí tượng thủy văn Việt Nam 1997 (PDF), Hà Nội: Trung tâm Quốc gia dự báo khí tượng thủy văn Việt Nam, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 11 tháng 4 năm 2024, truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2025
- Nhiều tác giả (2007), Đặc điểm khí tượng thủy văn Việt Nam 2006 (PDF), Hà Nội: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 30 tháng 11 năm 2024, truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2025
- Nhiều tác giả (2014), Đặc điểm khí tượng thủy văn Việt Nam 2013, Hà Nội: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam
- Nhiều tác giả (2017), Đặc điểm khí tượng thủy văn Việt Nam 2016, Hà Nội: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam
- Nhiều tác giả (2018), Đặc điểm khí tượng thủy văn Việt Nam 2017, Hà Nội: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam
- Nhiều tác giả (2021), Đặc điểm khí tượng thủy văn Việt Nam 2020, Hà Nội: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam
- Phan Hữu Khánh (1984), Một vài nhận xét về ảnh hưởng của bão trong năm 1983, Hà Nội: Tạp chí Khí tượng thủy văn số 281 (1984), Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 2 năm 2024
- Phạm Đình Thụy (1982), Sơ bộ nhận xét về sức gió mạnh nhất trong các cơn bão đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc trong 20 năm (1956 - 1975), Hà Nội: Nội san Khí tượng thủy văn số 253 (1982), Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 2 năm 2024
- Phạm Vũ Anh (1987), Mùa bão 1985, Hà Nội: Tạp chí Khí tượng thủy văn số tháng 1/1987, Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 5 năm 2023
- Trần Công Minh (2007), Khí hậu và khí tượng đại cương (PDF), Hà Nội: Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội
- Trần Thanh Xuân; Trần Thục; Hoàng Minh Tuyển (2011), Tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước Việt Nam (PDF), Hà Nội: Cục Biến đổi khí hậu, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2025
- Vũ Như Hoán (2004), Thiên tai ven biển và cách phòng chống (PDF), Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 9 tháng 7 năm 2024, truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025