Đại Nam nhất thống chí

dư địa chí Việt Nam soạn vào thời Nguyễn

Đại Nam nhất thống chí (chữ Hán: 大南一統志) là bộ sách dư địa chí (địa lýlịch sử) Việt Nam, viết bằng chữ Hán do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thời vua Tự Đức. Có thể coi đây là bộ sách lớn nhất và quan trọng nhất về địa chí Việt Nam dưới thời phong kiến [1].

Nguồn gốc

sửa

Năm Kỷ Dậu (1849), vua Tự Đức đã có ý định biên soạn Đại Nam nhất thống chí theo lời kiến nghị của Bùi Quỹ[1]. Song mãi đến năm Ất Sửu (1865)[2], Quốc sử quán triều Nguyễn mới tổ chức biên soạn bộ sách dựa trên cơ sở của bộ Đại Nam nhất thống dư đồ (thảo xong vào năm Tân Dậu, 1861). Dự định sẽ hoàn thành sớm, nhưng vì một vài lý do nào đó, mãi đến năm 1882, bộ Đại Nam nhất thống chí mới hoàn thành.

Tuy nhiên, đến khi dâng lên vua Tự Đức xem và xin phép khắc in, thì nhà vua bắt sửa kỹ lại và làm thêm tập "Bổ biên". Năm 1883, vua Tự Đức mất. Sau đó, trong triều liên tiếp xảy ra nhiều việc bất ổn, và tiếp theo là Trận Kinh thành Huế 1885, khiến bản thảo chưa kịp dâng lên lần nữa, thì bị thất lạc nhiều tập trong cơn binh lửa (trong số đó có tập "Bổ biên" đến nay vẫn chưa tìm được)[1].

Năm 1906, vua Thành Thái ra lệnh làm lại Đại Nam nhất thống chí. Đến ngày 8 tháng 12 năm Canh Tuất (tức 18 tháng 1 năm 1910), thì bộ sách được vua Duy Tân cho phép khắc in. Song lúc bấy giờ bộ sách này chỉ chép hạn chế ở các tỉnh Trung Kỳ trực thuộc Nam triều mà thôi.

Các đề mục và nội dung (sơ lược)

sửa

Bản thảo thời vua Tự Đức

sửa
 
Đại Nam Nhất Thống Chí bản Duy Tân - bản đồ Hoàng thành Nội (Huế) - hướng Bắc ở trên

Nguyên bản bộ sách được biên soạn dưới triều Tự Đức, có 28 tập với 31 quyển, chép tay trên bản thường, khổ 28 x 16 cm.

Trong 30 quyển đầu tiên thì mỗi quyển chép một tỉnh, bao gồm: Kinh sư (Huế), phủ Thừa Thiên, Hà Nội, Hưng Yên, Sơn Tây, Hưng Hóa, Bắc Ninh, Quảng Yên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hải Dương, Nam Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Vĩnh Long, Gia Định, Biên Hòa, An Giang, Định Tường, Hà Tiên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên. Quyển thứ 31 là Phụ chép về các nước lân cận (Cao Miên, Tiêm La, Thủy Xá, Hỏa Xá, Miến Điện, Nam Chưởng,[3] Vạn Tượng).

Mỗi tỉnh được trình bày theo các mục:[4]

  1. Phân dã (giới hạn theo các vị sao trên bầu trời),
  2. Kiến trí diên cách (lịch sử thay đổi, tách nhập),
  3. Hình thế (vị trí địa dư),
  4. Khí hậu (thời tiết, mưa nắng),
  5. Phong tục (tục lệ, thói quen),
  6. Thành trì (thành, hào, có phụ bản các bản đồ),
  7.  
    Đại Nam Nhất Thống Chí bản Duy Tân - bản đồ Hoàng thành Nội (Huế) - hướng Nam ở trên
    Học hiệu (trường học),
  8. Hộ khẩu (dân số),
  9. Điền phú (thuế ruộng),
  10. Sơn xuyên (núi, sông, kênh, hồ, đầm),
  11. Cổ tích (di tích lịch sử văn hóa),
  12. Quan trấn (cửa ải và đồn biên),
  13. Thị tập (chợ),
  14. Tân lương (bến cầu),
  15. Đê uyển (đê điều),
  16. Lăng mộ (mộ vua, quan),
  17. Từ miếu (đền miếu),
  18. Tự quán (chùa quán),
  19. Nhân vật (tiểu truyện các danh nhân),
  20. Liệt nữ (phụ nữ tài giỏi, có công),
  21. Tiên thích (các bậc chân tu),
  22. Thổ sản (sản vật địa phương),
  23. Giang đạo (đường sông),
  24. Tân độ (bến đò).


Bản in thời vua Duy Tân

sửa

Như trên đã nói, năm 1910, Đại Nam nhất thống chí được vua Duy Tân cho phép khắc in, nhưng chỉ chép hạn chế ở các tỉnh Trung Kỳ, vì lúc đó dưới thể chế Liên bang Đông Dương thì triều đình Huế chỉ trực tiếp cai trị Trung Kỳ. Đơn vị đó bao gồm:

Nội dung từng tỉnh trong bộ sách này cũng tương tự như bộ sách trước, nhưng có điều chỉnh vài mục như: mục Lăng mộ được nhập vào mục Cổ tích, mục Nhân vật được bổ sung thêm truyện các hiếu tử (người con có hiếu). Ngoài ra, bộ này có thêm các mục mới là: Dịch trạm, Lý lộ, và mỗi tỉnh có thêm một bản đồ.

miền Nam Việt Nam, Đại Nam nhất thống chí đã được dịch ra tiếng Việt lần đầu bởi Á Nam Trần Tuấn KhảiTu Trai Nguyễn Tạo; và đã được Nha Văn hóa thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa ấn hành năm 1960. Ở miền Bắc, bộ sách đã được Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính; và được Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1970-1971. Năm 2012, một phần bộ sách này được in lại trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 2).

Xem thêm

sửa

Sách tham khảo

sửa
  • Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam. Nhà xuất bản Thanh Niên, 2012.
  • Bùi Văn Vượng, "Lời giới thiệu" bộ sách Đại Nam nhất thống chí, in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam đã dẫn.
  • Nhiều người soạn, Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 1, mục từ: "Đại Nam nhất thống chí"). Hà Nội, 1995.

Chú thích

sửa
  1. ^ a b c Theo "Lời giới thiệu" bộ sách Đại Nam nhất thống chí in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 2), tr. 603.
  2. ^ Năm khởi soạn ghi theo Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 1, tr. 718). Lời giới thiệu (sách đã dẫn, tr. 604) ghi là Giáp Tý (1864).
  3. ^ “Giải nghĩa từ "Nam Chưởng" trong bộ Từ điển bách khoa Việt Nam”. Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2021.[liên kết hỏng]
  4. ^ “Giải nghĩa từ "Đại Nam nhất thống chí" trong bộ Từ điển bách khoa Việt Nam”. Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2021.[liên kết hỏng]

Liên kết ngoài

sửa