Đường Cái Quan hay đường Thiên lý, cũng có khi gọi là đường Quan lộ,[1] đường Quan báo hay đường xuyên Việt, là một con đường dài chạy từ miền Bắc Việt Nam đến miền Nam Việt Nam, chủ yếu đắp vào đầu thế kỷ 19.

Đường Cái Quan đoạn qua Đèo Cả năm 1898
Lộ trình đường Cái Quan (ghi là Mandarins' Road) năm 1893 từ Cửa Hàn lên kinh đô nhà Nguyễn, vượt đèo Hải Vân. Ký hiệu "T" là trạm xá.

Lịch sử trước thế kỷ 19

sửa

Hệ thống đường bộ ở Việt Nam sử ghi là có từ thời nhà Lý, chia thành từng "cung", có trạm xá với mục đích chạy công văn. Mỗi trạm cách nhau khoảng 15-20 km có phu trạm canh gác.

Thời nhà Hồ, vua Hồ Hán Thương sai đắp đường thiên lý năm 1402 từ Tây Đô vào đến vùng biên thùy Hóa Châu.[2]

Sang thời nhà Lê, năm 1471 triều đình đã cho đắp đường Thiên lý từ Thăng Long vào đến Bình Định.

Thời nhà Nguyễn

sửa
 
An Nam Đại quốc Họa đồ năm 1838 ghi rõ con đường Cái Quan từ Huế ra Hà Nội, rồi từ Hà Nội lên Lạng Sơn. Dọc đường có đánh dấu những trạm xá (cursorum publicorum statio)

Khi vua Gia Long thống nhất đất nước, lập ra nhà Nguyễn thì con đường giao thông Nam Bắc lại được triều đình quan tâm, sai đắp lại, chạy dài từ Ải Nam Quan đến Hà Tiên. Dọc đường cách khoảng 30 dặm thì đặt một trạm xá có viên chức địa phương trông coi. Tổng cộng vào giữa thế kỷ 19 có 133 trạm và 6.000 cai đội và phu trạm phục dịch.[3]

Với hệ thống trạm xá, tin tức do Ty Bưu chính và công văn do Ty Thông chính có thể truyền nhanh bằng ngựa. Việc quan hệ thì từ kinh thành Huế ra Hà Nội luật pháp quy định tối đa bốn, năm ngày. Quá hạn thì phu trạm bị phạt. Nhanh hơn thì phu trạm được thưởng. Ở những con ngòi nhỏ thì con đường có cầu bắc ngang để vượt qua. Chỗ gặp sông lớn có bến đò qua sông thì phu trạm được ưu tiên qua đò khi chạy tin.[3]

Quốc lộ 1 của thế kỷ 20 nhiều đoạn đã chạy theo con đường Thiên lý lịch sử này. Trên con đường này có những cây cầu bền chắc mà tên gọi còn tồn tại đến ngày nay như cầu Lim (Ninh Bình). Năm 1826, một số cầu gỗ được chạm trổ, trang trí, lợp ngói, có hàng quán nhỏ bán bên hành lang cầu như ở Sơn Tây, Hà Bắc, Ninh Bình. Đặc sắc là các cầu có mái: cầu Tây Đằng (Quảng Oai, Hà Nội), Gia Hòa (Thạch Thất, Hà Tây), Yên Lợi (Vĩnh Phú)... Đại Nam nhất thống chí có ghi chép về số lượng các cầu gạch đá ở một số tỉnh: Quảng Ngãi 59 cầu (trong đó có 3 cầu gồm 2 nhịp, 56 cầu 1 nhịp), Phú Yên 29 cầu, Bình Định 20 cầu...

Di tích

sửa

Di tích đường thiên lý nối giữa Ninh BìnhThanh Hóa đi qua ải Cửu Chân tức đèo Ba Dội, ranh giới giữa hai miền Bắc và miền Trung. Di tích đường Thiên Lý là tên một con đường cổ, nối hai thành phố cửa ngõ là Tam Điệp với Bỉm Sơn, thuộc quần thể Phòng tuyến Tam Điệp. Với chiều dài gần 4 Km, đi vòng cung như cánh võng từ đền Dâu tới đền Sòng là 2 di tích trên Quốc lộ 1, con đường Thiên Lý quanh co uốn lượn qua bãi lau lách, hai bên đường là dãy núi đá sừng sững thâm nghiêm, vượt qua ba ngọn núi đất du khách đến với Nhà bia Ba dội trên đỉnh Đèo.

Văn hóa

sửa

Con đường Cái Quan có giá trị văn hóa lớn đối với người Việt, nói lên sự thống nhất của mọi miền đất nước và lịch sử Nam tiến của dân tộc. Nhạc sĩ Phạm Duy có bản "Trường ca Con đường Cái Quan", dùng con đường làm lộ trình, "đi từ Ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mau, đi từ ngày lập quốc cho tới khi đã hoàn thành xứ sở, đi trong lịch sử và lòng dân, đi tới đâu cũng có tiếng dân chúng địa phương ca hát chúc tụng lữ khách đi nối liền được lòng người và đất nước"

Người phu trạm chạy tin cũng được coi là tiền thân của ngành bưu chính Việt Nam nên ngày 6 tháng 6 năm 1971, Tổng cục Bưu chính Việt Nam Cộng hòa đã cho phát hành con tem với hình người phu trạm phi ngựa để kỷ niệm 20 năm bưu hoa Việt Nam.[4]

Xem thêm

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ Hải Vân Quan[liên kết hỏng]
  2. ^ Nguyễn Đăng Thục. "Hai trào-lưu di-dân Nam-tiến". Việt Nam khảo-cổ tập-san Số 6. Sài Gòn, 1970. Tr 174.
  3. ^ a b Đường thiên lý dưới thời Nguyễn[liên kết hỏng]
  4. ^ Sinh nhật 59 năm con tem đầu tiên của Việt Nam

Liên kết ngoài

sửa