Wilfred Owen
Wilfred Edward Salter Owen (18 tháng 3 năm 1893 – 4 tháng 11 năm 1918) là nhà thơ Anh Quốc có ảnh hưởng lớn đến thơ ca thập niên 1930, thế kỷ XX. Trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ông là một Sĩ quan Quân đội Anh, chiến đấu chống lại quân Đức, nên được gọi là nhà thơ - chiến sĩ thời Đại chiến.[1][2] Vào năm 1918, ông được tặng thưởng do công lao của ông trong một cuộc tiến công thắng lợi.[3] Ông được yêu mến vì những vầng thơ gay gắt lên án chiến tranh của mình, cùng với sự hy sinh bi tráng của ông trong một đợt giao chiến kịch liệt giữa quân Anh và quân Đức vào ngày 4 tháng 11 năm 1918, khi ông trợ giúp đồng đội vượt kênh Sambre (ở Pháp) dưới làn đạn pháo ác liệt của người Đức, chỉ không lâu trước khi cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất chấm dứt vào ngày 11 tháng 11 năm 1918.[1][4]
Wilfred Owen | |
---|---|
Quốc tịch | Anh Quốc |
Giai đoạn sáng tác | Chiến tranh thế giới thứ nhất |
Thể loại | Thơ chống chiến tranh |
Ảnh hưởng bởi |
Thơ ca phản chiến của ông đã nhấn mạnh sự cuồng bạo và phi nghĩa của chiến tranh cướp đi sinh mạng của bao thanh niên một cách vô lý. Cho đến nay, ông vẫn được xem là một trong những nhà thơ chiến tranh lớn nhất của nước Anh.[4] Khi bị thương và được điều trị tại Edinburg vào năm 1917, ông đã quen biết nhà thơ phản chiến Siegfried Sassoon - điều này ảnh hưởng lớn đến những vầng thơ của ông.[3] Ông còn là một nhà sáng tạo kỳ tài về nghệ thuật, và tuy chỉ có 25 tuổi đời nhưng gia tài thi ca của ông rất đồ sộ.[5]
Tiểu sử
sửaWilfred Owen sinh ở Oswestry xứ Shropshire, trong một gia đình trung lưu hạnh phúc. Ông là con của ông Tom Owen - một quản lý đường sắt[3] - và bà Susan Owen - người mẹ mà ông yêu mến trong suốt đời mình.[6] Ông biết làm thơ từ nhỏ; ông rất đam mê thơ của nhà thi hào John Keats và niềm đam mê thơ phú của ông càng sục sôi, gắn liền với sự húng thú của ông đối với tôn giáo[6]. Ông học trường Cao đẳng Reading (này là Đại học Reading) được mấy tháng thì bỏ học vì lý do sức khỏe. Vào năm 1913 Wilfred Owen đi sang Pháp làm nghề dạy học ở thành phố Bordeaux. Ông sống đời ổn định, vui thú, nhưng không may thay, vào ngày 4 tháng 8 năm 1914, Đế chế Đức tấn công Bỉ và cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Xem ra ban đầu Owen có mâu thuẫn trong cảm nghĩ của mình về cơn Đại chiến này, có lẽ ông đã chịu ảnh hưởng đến trong những cuộc trò chuyện với nhà thơ, nhà mỹ học, nhà hòa bình chủ nghĩa người Pháp là Laurent Tailhade (59 tuổi).[6] Vào năm 1915, tuy hãy còn chán ghét cuộc Đại chiến,[6] nghe những lời tuyên truyền về lòng yêu nước đã quay trở về nước Anh nhập ngũ. Sau khi dự lễ Giáng sinh tại Anh Quốc, vào ngày 29 tháng 12 năm 1915, ông cùng với đồng đội sang Pháp để chiến đấu[6]. Trong tuần thứ hai của tháng 1 năm 1917, ông dẫn dắt Trung đội của mình ồ ạt xông pha lao vào đánh quân Đức trong trận chiến ở sông Somme. Ông viết thư cho mẹ mình:[6]
“ | 50 tiếng đồng hồ ấy là thời khắc đau khổ của cuộc sống hạnh phúc của con. | ” |
— Wilfred Owen |
Cũng vào năm 1917, ông bị thương điều trị ở quân y viện Edinburgh. Ở đây Wilfred Owen làm quen với nhà thơ Siegfried Sassoon (1886 – 1967) là người có nhiều bài thơ chống chiến tranh đã nổi tiếng. Sự làm quen này đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tài năng thơ ca của Wilfred Owen. Sau khi rời quân y viện, ông vẫn luôn trao đổi thư từ với Sassoon.[3]
Vào tháng 6 năm 1918, Wilfred Owen được phép quay trở lại phụng sự Quân đội Anh, tiếp tục giữ chức Thiếu tá.[1] Vào tháng 10 năm ấy, nhà thơ anh dũng tấn công Phòng tuyến Fonsomme, tóm lấy được một khẩu súng máy của quân Đức cùng với nhiều tù binh địch. Nhờ có thắng lợi vẻ vang này, ông được tặng huân chương Thập tự (Military Cross). Đến ngày 4 tháng 11 năm 1918, trong trận huyết chiến tại kênh Sambre-Oise, các chiến sĩ Anh toan vượt kênh bị Pháo binh và tổ súng máy của quân Đức đánh bật ra. Wilfred Owen liền động viên đồng đội vượt qua kênh Sambre-Oise bằng bè, nhưng không thành. Quân đội Anh sau đó đành phải tìm cách vượt kênh bằng những tấm ván và cầu nhỏ, thế rồi ông hỗ trợ các chiến hữu làm nhiệm vụ này ở một bờ kênh gần ngôi làng Ors. Đúng lúc ấy, nhà thi hào lỗi lạc bị trúng ngay một viên đạn vào đầu, và ông đã hy sinh. Chỉ hai ngày sau khi ông qua đời, tại kinh thành Berlin, Hoàng đế Đức là Wilhelm II thoái vị.[1] Đúng vào ngày 11 tháng 11 năm ấy, liên quân Anh - Canada toàn thắng Chiến dịch Sambre,[1] và Thỏa ước chấm dứt chiến tranh được ký kết - đến khi ấy, gia quyến ông mới hay tin về cái chết của ông.[4]
Thơ của Wilfred Owen chỉ nổi tiếng sau khi ông hy sinh. Lúc còn sống chỉ có 4 bài thơ được in.[7] Tập thơ đầu tiên được xuất bản năm 1920 (với sự hỗ trợ của Siegfried Sassoon[3]), sau đó được tái bản và bổ sung vào năm 1931. Thơ ông thể hiện thái độ căm ghét chiến tranh cùng lòng thương người và sự thông cảm với nghĩa vụ của những người lính. Trong Lời nói đầu cho quyển sách dự định xuất bản, Wilfred Owen viết: "Cuốn sách này không về những anh hùng. Thơ ca Anh không sẵn sàng cho việc này. Cuốn sách này không về những chiến công, những đất nước, những vinh quang, không về danh dự hay sức mạnh, không về sự thống trị hay chính quyền mà chỉ về Chiến tranh. Với tôi, trước hết là thơ ca. Đối tượng của tôi là Chiến tranh và Lòng thương do chiến tranh gây ra. Lòng thương là Thơ ca. Và những khúc bi ca này không thể an ủi thế hệ này. Có thể là thế hệ sau. Mọi nhà thơ hôm nay đều có thể cảnh báo. Bởi thế, nhà thơ chân chính là cần nói lên sự thật". Những lời này thể hiện đầy đủ chính kiến của Wilfred Owen. Nhiều trích đoạn thơ của ông được nhạc sĩ nổi tiếng Benjamin Britten sử dụng trong tác phẩm Khúc tưởng niệm chiến tranh (War Requiem). Sáng tác của Britten cùng với cao trào chống chiến tranh hồi thập niên 1960 đã khiến cho tiếng tăm của Owen ngày càng trở nên rạng rỡ.[4] Wilfred Owen cũng là tên của một giải thưởng thơ trao cho những nhà thơ tiếp tục truyền thống thơ ông. Các nhà thơ đoạt giải Nobel như Seamus Heaney, Harold Pinter từng được nhận giải thưởng này.
Tuy trận vong khi mới có 25 tuổi nhưng Wilfred Owen đã để lại một di sản thơ phú đồ sộ.[5] Ông được mai táng tại Nghĩa trang Tập thể Ors.[8] Người ta đã xây dựng các đài kỷ niệm Wilfred Owen tại Gailly,[9] Ors,[10] Oswestry,[11] Birkenhead (Central Library) và Shrewsbury.[12] Từ năm 1915, thơ của ông chuyển từ trữ tình sang nỗi chán ghét những trận càn quét kinh hoàng trong chiến hào thời Đại chiến. Cho đến nay, ông vẫn là một trong những nhà thơ chiến tranh tiêu biểu nhất của Anh Quốc.[4] Về nghệ thuật, ông là một nhà sáng tạo lỗi lạc, nhất là trong vần thơ[5]. Những vầng thơ của ông đã khắc họa nên sự phú phiếm, ngu tối và tàn ác của chiến tranh, đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng oan uổng của biết bao thanh niên trong cả hai bên tham chiến. Những bài thơ nổi tiếng nhất của Wilfred Owen là: "Dulce et Decorum Est", "Insensibility", "Anthem for Doomed Youth" (Lời Nguyện cầu cho những người chết trẻ), "Futility", "Strange Meeting". Những bài thơ nổi tiếng nhất đã được dịch ra tiếng Việt.
Một số bài thơ
sửa
|
|
Xem thêm
sửaChú thích
sửa- ^ a b c d e Priscilla Mary Roberts, World War I: A Student Encyclopedia, trang 1632
- ^ Zeitschrift für Anglistik und Amerikanistik, Tập 30, trang 169
- ^ a b c d e Simon Featherstone, War poetry: an introductory reader, trang 126
- ^ a b c d e Priscilla Mary Roberts, World War I: A Student Encyclopedia, trang 1374
- ^ a b c William Harmon, The Top 500 poems, trang 105
- ^ a b c d e f Wilfred Owen, Harold Bloom, Isaac Rosenberg, Poets of World War One, trang 11
- ^ “Wilfred Owen: Poet of the Trenches”. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 6 năm 2009. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2009.
- ^ Wilfred Owen's grave, www.1914–18.co.uk. Truy cập 5 December 2008
- ^ Memorial at Gailly, www.1914–18.co.uk. Truy cập 5 December 2008
- ^ Memorial at Ors, www.1914–18.co.uk. Truy cập 5 December 2008
- ^ Memorial at Oswestry, www.1914–18.co.uk. Truy cập 5 December 2008
- ^ Memorial at Shrewsbury, www.1914–18.co.uk. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2008
Liên kết ngoài
sửa- Các tác phẩm của Wilfred Owen tại Dự án Gutenberg
- The Wilfred Owen Collection Lưu trữ 2010-01-09 tại Wayback Machine, in The First World War Poetry Digital Archive Lưu trữ 2008-12-02 tại Wayback Machine by Oxford University
- The Wilfred Owen resource page at warpoetry.co.uk Lưu trữ 2011-04-08 tại Wayback Machine
- Selected Poems at Poetseers