Wikipedia:Tự truyện

(Đổi hướng từ Wikipedia:AUTO)

Viết tự truyện trên Wikipedia là một dạng xung đột lợi ích. Wikipedia rất không khuyến khích điều này. Việc sửa đổi chính bài viết về mình chỉ được chấp nhận nếu bạn xoá bỏ những nội dung phá hoại rõ ràng hoặc vi phạm quy định về tiểu sử người đang sống.

Đã nhiều lần, Wikipedia phải trải qua những cuộc tranh luận kéo dài về ý nghĩa, độ xác thực và tính trung lập của những bài viết như vậy.[1]

Wikipedia không khuyến khích người dùng viết tự truyện, vì gần như bạn sẽ không thể tự viết về mình một cách xác thực, trên quan điểm hoàn toàn trung lập được. Bạn sẽ rất dễ mắc sai lầm.

Nếu bạn đã từng là chủ đề của một nguồn đã xuất bản, Wikipedia luôn hoan nghênh bạn sử dụng những kiến thức chuyên môn về chủ để để cải thiện bài viết. Tuy nhiên, mọi bài bách khoa đều cần phải đề cập đến chủ thể một cách trung lập, chính đáng và bao quát, để cung cấp kiến thức toàn diện về chủ thể đó. Khi cùng hỗ trợ nhau làm giàu kiến thức cho tất cả mọi người sử dụng Wikipedia, xin hãy tự nhận thức và gạt bỏ những thiên kiến hoặc thành kiến của mình sang một bên. Những bài viết tồn tại chỉ vì mục đích của người viết có thể sẽ bị xoá.

Tự truyện và các vấn đề

sửa

Tự truyện có một vài vấn đề cơ bản sau:

  • Nội dung của chúng thường có thiên lệch, chủ yếu theo hướng tích cực. Người ta sẽ viết ra những ấn tượng tốt đẹp quá mức về bản thân mình, và coi những ý kiến này là dữ kiện thật đã xảy ra (fact). Nói chung, Wikipedia thường tránh trình bày ý kiến dưới dạng fact. (Quan điểm trung lập không có nghĩa là chỉ cần sử dụng văn phong của bên thứ ba.)
  • Những nội dung trong tự truyện rất khó hoặc không thể kiểm chứng được. Nếu nguồn chứng minh cho các fact về bạn là chính bản thân bạn, thì người đọc sẽ không thể kiểm chứng được. (Đặc biệt là hy vọng, ước mơ, suy tư, và những điều tương tự. Độc giả không có máy đọc tâm trí đâu.) Mọi thông tin trong bài viết bách khoa đều phải kiểm chứng được.
  • Nội dung tự truyện có thể bao gồm những nghiên cứu chưa công bố. Người ta thường thêm vào tự truyện những thông tin chưa từng được xuất bản, hoặc những hiểu biết chỉ mình người đó có. Để kiểm chứng, độc giả sẽ phải mất rất nhiều công sức. Các bài viết bách khoa trên Wikipedia không dùng loại thông tin này, vì đó là "nghiên cứu chưa công bố".

Trong ngữ cảnh này, "tự truyện" không chỉ có nghĩa là thứ bạn tự viết về mình, mà còn là khi bạn thuê (hoặc yêu cầu, hướng dẫn, đe doạ...) người khác để họ viết cho bạn.

Nguyên nhân

sửa

Dù bạn có tự tin mình trung lập đến đâu đi chăng nữa, bạn cũng không thực sự trung lập như bạn tưởng đâu. Các thiên kiến bên trong tiềm thức có tồn tại, và là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến các vấn đề có trong một bài tự truyện, ảnh hưởng đến cả tính trung lập và tính xác thực. Khi viết về chính mình, bạn sẽ rất dễ thêm vào những thông tin không thể kiểm chứng.

Dù bạn có tin rằng mình có thể viết được một bài tự truyện chỉ dựa trên những nội dung kiểm chứng được, mà không thêm vào nghiên cứu chưa công bố, bạn vẫn có thể sẽ không thực sự trung lập. Ví dụ, nếu là một nhân vật nổi tiếng, được nhiều người biết đến, bạn có lẽ sẽ nhấn mạnh các dữ liệu khách quan, như số bản in những cuốn sách bạn từng viết, hay m nhà xuất bản đã từng mua bản quyền và dịch tác phẩm của bạn ra n thứ tiếng khác nhau... Những ví dụ về số lượng hay sự kiện như vậy có thể khiến văn phong không còn trung lập, và độc giả sẽ thấy rằng người viết, tức là bạn đấy, đã cố ý nói quá lên. Vậy nên, những chi tiết sâu kín về tiểu sử, như tín ngưỡng, nghề nghiệp những người họ hàng không nổi bật, hay những người bạn nổi tiếng của bạn có lẽ sẽ không liên quan hoặc không dễ kiểm chứng chút nào.

Nếu Wikipedia có một bài viết về bạn

sửa

Bạn gần như không thể tự viết về mình một cách khách quan và trung lập được (xem đoạn nói về thiên kiến trong tiềm thức), nên tốt nhất là hãy để những người khác làm điều đó.

Đóng góp nội dung hoặc viết gợi ý trên trang thảo luận của bài là hành vi hợp lý: hãy để những biên tập viên độc lập viết vào bài, hoặc họ sẽ chấp thuận sửa đổi nếu bạn vẫn muốn tự mình thực hiện.

Trong những trường hợp rõ ràng, bạn được phép sửa đổi những bài viết có liên quan đến bản thân bạn. Nghĩa là, bạn có thể lùi sửa phá hoại, nhưng nội dung bị lùi sửa phải đơn thuần là phá hoại hiển nhiên, và không phải thông tin gây tranh cãi. Bạn cũng có thể xoá bỏ những fact sai lầm về bản thân, như tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp hiện nay, nơi sinh, hay những thông tin tương tự (nhớ viết cả ở trang thảo luận của bài). Nếu một fact có nhiều cách diễn giải khác nhau, người khác sẽ thực hiện sửa đổi.

Vì là bách khoa toàn thư, Wikipedia được coi là một nguồn hạng ba: nó không được nêu ra những thông tin "mới" hoặc giả thuyết (Xem Wikipedia:Không đăng nghiên cứu chưa công bố) và hầu hết thông tin đều có trong những nguồn kiểm chứng được của bên thứ ba. Nếu muốn thêm fact, kể lại các sự kiện, hay làm rõ nội dung, bạn cũng phải dẫn các nguồn đáng tin cậy.

Bài viết bách khoa về bạn có vấn đề

sửa

Nếu Wikipedia có một bài viết về bạn, chúng tôi muốn nó phải chính xác, rõ ràng, cân bằng và trung lập, để phản ánh đúng các quan điểm dựa trên những nguồn đáng tin cậy được chú thích. Nếu tin rằng có thể cung cấp thêm nguồn đáng tin cậy cho bài viết, bạn cũng có thể giới thiệu chúng với người khác.

Bạn có thể sẽ muốn viết gợi ý lên trang thảo luận bài, hoặc tự sửa bài khi vấn đề quá rõ ràng và không gây tranh cãi. Nếu sửa đổi của bạn bị hiểu sai, bạn nên giải thích trên trang thảo luận. Nhớ rằng, nếu fact có nhiều cách hiểu khác nhau, những người khác sẽ thực hiện sửa đổi. Các sửa đổi của bạn sẽ dễ được chấp thuận hơn nếu thực sự trung lập và có kèm chú thích đến các nguồn của bên thứ ba.

Nếu những người khác không đồng tình, bạn có thể yêu cầu giải quyết mâu thuẫn.

Nếu bạn cho rằng người khác không chú ý đến vấn đề trong bài viết về bạn, hãy ghé qua Wikipedia:Giúp sử dụng Wikipedia và nêu chi tiết vấn đề. Với những vấn đề pháp lý xoay quanh bài viết nói về bạn, hãy gửi thư điện tử đến info-vi@wikimedia.org. Tuy nhiên, đừng đe doạ can thiệp pháp lý trên Wikipedia: việc làm đó vi phạm nghiêm trọng quy định của chúng tôi (xem Wikipedia:Không đe dọa can thiệp pháp lý). Nếu bạn làm vậy, bạn sẽ bị cấm sửa đổi ngay lập tức; lệnh cấm sẽ được gỡ bỏ khi và chỉ khi bạn rút lại lời nói của mình.

Nếu bài viết về bạn không có ảnh, hoặc bạn có một bức tốt hơn, bạn có thể hiến tặng với giấy phép hợp lệ. Nếu bạn không tự sáng tạo bức ảnh, hãy tự đảm bảo bạn có đủ quyền phát tán ảnh với giấy phép đó về mặt pháp lý.

Viết bài về chính mình

sửa

Nếu cuộc đời và thành tựu của bạn được nhiều nguồn nhắc đến, và, nhìn chung là, đủ nổi bật, thì sớm muộn gì ai đó cũng sẽ tạo bài về bạn. Tuy nhiên, đừng tự viết bài về chính mình: Chúng tôi cần tiểu sử, không phải tự truyện.

  • Những sản phẩm độc lập khuyến khích những sự xác thực độc lập về cả ý nghĩa và độ kiểm chứng được; nói quá khi viết tự truyện cũng là điều thường thấy. Mọi sửa đổi đều phải tuân theo các quy định Không đăng nghiên cứu chưa công bố, Thái độ trung lập, và Thông tin kiểm chứng được.
  • Nếu chưa có bên thứ ba nào tạo bài về bạn, và bài viết bị phá hoại, thì rất có thể sẽ không có biên tập viên nào để ý tới, nên nội dung đó sẽ tồn tại rất lâu.
  • Những bài tự tạo thường sẽ bị đem ra biểu quyết xoá, và bình luận trong các cuộc thảo luận sau đó thường bị chỉ trích rất nặng nề. Nhiều biên tập viên sẽ nghĩ rằng người viết bài chỉ đang cố lợi dụng một dự án hoàn toàn tự nguyện để quảng bá hình ảnh cho bản thân.
  • Mọi nội dung bạn đưa vào sẽ bị sửa đổi không thương tiếc để đáp ứng yêu cầu về tính trung lập. Có thể bạn sẽ không muốn vậy, và yêu cầu xoá bài. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự đủ nổi bật, bài viết vẫn sẽ tồn tại: bạn không thể ép người khác xoá bài chỉ bởi vì bạn không hài lòng. Một ví dụ thực tế: Wikipedia:Biểu quyết xoá bài/Trần Vi Dân.

Nếu bạn thực sự cho rằng bạn có thể đáp ứng mọi tiêu chí về độ nổi bật, và nếu bạn chấp nhận rằng bài viết về bạn sẽ phải trung lập và không bao gồm nội dung quảng bá, thì hãy đề nghị khởi tạo bài, thay vì tự viết. Việc đề nghị khởi tạo sẽ cung cấp các quan điểm độc lập từ những người không phải đối mặt với thiên kiến tự đề cao, thứ mà bạn gần như không thể tự nhận thức được, và cho thấy bạn đề cao thời gian và công sức của những biên tập viên tình nguyện hơn cái tôi của chính mình. Để nhờ người khác viết bài, hãy vào Wikipedia:Bài thỉnh cầu.

Tham khảo

sửa
  1. ^ Rogers Cadenhead (19 tháng 12 năm 2005). “Wikipedia Founder Looks Out for Number 1”. cadenhead.org.