HIV

loài virus gây suy giảm miễn dịch ở người thuộc họ Retrovirus

Virus gây suy giảm miễn dịch ở người hay HIV là hai loài Lentivirus (phân nhóm của retrovirus) xâm nhiễm cơ thể người. Qua thời gian, chúng gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS),[1][2] tình trạng mà hệ miễn dịch ngày càng suy yếu cho phép ung thư và các loại nhiễm trùng cơ hội phát triển.[3] Nếu không điều trị, thời gian sống sót trung bình của người nhiễm HIV ước tính từ 9 đến 11 năm, phụ thuộc vào loại virus.[4] Trong hầu hết trường hợp, HIV là lây nhiễm qua đường tình dục xảy ra bởi việc tiếp xúc hay truyền máu, dịch Cowper, tinh dịch, và dịch âm đạo. Nghiên cứu chỉ ra HIV không thể lây qua giao hợp không bao cao su nếu đối tác dương tính HIV có tải lượng virus duy trì ở mức không phát hiện được, cả tình dục đồng giới lẫn khác giới.[5][6] Con đường lây ngoài tình dục có thể là do người mẹ bị nhiễm truyền HIV cho con trong thai kỳ, do tiếp xúc với máu hoặc dịch âm đạo của mẹ trong lúc sinh nở và thông qua quá trình cho con bú.[7][8][9][10] Trong những dịch cơ thể này, HIV hiện hữu cả ở dạng các hạt virus tự do lẫn virus trong tế bào miễn dịch bị nhiễm.

Virus gây suy giảm miễn dịch ở người
Scanning electron micrograph of HIV-1 (in green) budding from cultured lymphocyte. Multiple round bumps on cell surface represent sites of assembly and budding of virions.
Ảnh hiển vi điện tử quét cho thấy HIV-1 (xanh lá) chui ra khỏi bạch huyết bào. Các vết lồi tròn trên bề mặt tế bào là địa điểm lắp ráp và giải phóng virion.
Phân loại sinh họcSửa phân loại này
(kph): Virus
Vực: incertae sedis
Giới: incertae sedis
Ngành: incertae sedis
Lớp: incertae sedis
Bộ: Ortervirales
Họ: Retroviridae
Phân họ: Orthoretrovirinae
Chi: Lentivirus
Bao gồm
Lentivirus khác

HIV nhiễm vào các tế bào trọng yếu trong hệ miễn dịch của con người như tế bào T hỗ trợ (đặc biệt là T CD4+), đại thực bào, và tế bào tua.[11] Nhiễm HIV khiến lượng tế bào T CD4+ giảm đi thông qua một số cơ chế, bao gồm tiêu vong (pyroptosis) các tế bào T bị nhiễm,[12] điêu vong (apoptosis) các tế bào không bị nhiễm,[13] virus trực tiếp tiêu diệt các tế bào bị nhiễm, và tế bào T CD8+ tiêu diệt tế bào T CD4+ bị cho là nhiễm.[14] Khi số lượng tế bào T CD4+ giảm xuống dưới mức nguy cấp, miễn dịch qua trung gian tế bào mất đi và cơ thể ngày một trở nên nhạy cảm với nhiễm trùng cơ hội, dẫn đến sự phát triển của AIDS.

Lịch sử và hiện trạng

sửa

Nguồn gốc

sửa

HIV xuất hiện trước nhất ở Kinshasa, nước Cộng hoà Dân chủ Congo, châu Phi vào niên đại 1920. Đối với nguồn gốc của virus suy giảm miễn dịch ở người, các nhà nghiên cứu cơ bản đã đạt tới nhận thức chung. Đây là một loài virus có nguồn gốc từ động vật, bắt nguồn từ Bộ Linh trưởng hoang dã ở miền trung tây châu Phi, về sau HIV từ chỗ đó bắt đầu lan rộng toàn cầu.[15][16][17]

Virus suy giảm miễn dịch ở người có thể chia làm hai loại: HIV-1 và HIV-2, trong đó HIV-1 xem ra có nguồn gốc ở miền nam Cameroon từ SIVcpz (en), HIV-1 hoàn toàn gần gũi với virus gây suy giảm miễn dịch ở hắc tinh tinh (HIV-1 là hậu duệ của SIVcpz đặc hữu ở phân loài Pan troglodytes troglodytes của hắc tinh tinh) về thành phần cấu tạo gen, rất có khả năng là loài lây nhiễm cho người thông qua quần cá thể.[18][19] Còn HIV-2 hoàn toàn gần gũi với virus suy giảm miễn dịch ở khỉ lông mày trắng đầu gối trắng (SIVsm) - một loài khỉ Cựu Thế giới sống ở duyên hải Tây Phi (từ miền nam Senegal đến miền tây Bờ Biển Ngà).[20] Các loại khỉ Tân Thế giới như khỉ đêm đề kháng nhiễm HIV-1, khả năng do sự dung hợp hai gen kháng virus.[21]

HIV-1 đã vượt qua lằn ranh loài ít nhất ba lần khác nhau dẫn tới sự xuất hiện của ba nhóm virus M, N, và O.[22]

 
Từ trái sang phải: Chlorocebus-nguồn SIV, khỉ xồm bồ hóng-nguồn HIV-2, và tinh tinh-nguồn HIV-1

Có bằng chứng chỉ ra những người dính líu đến thịt động vật hoang dã, cả thợ săn lẫn người bán, thường mang SIV. Song, SIV là virus yếu và thường bị hệ miễn dịch của người áp chế trong vài tuần.[23] Virus SIV cần truyền từ người này sang người khác nhanh chóng một vài lần mới đủ thời gian đột biến thành HIV.[24] Thêm nữa, do tỷ lệ truyền từ người sang người tương đối thấp, virus chỉ có thể lây lan trong bối cảnh tồn tại một hay nhiều hơn đường truyền nguy cơ cao, điều được xem là chưa xuất hiện ở châu Phi trước thế kỷ 20.

Các đường truyền nguy cơ cao cụ thể cho phép virus thích nghi với cơ thể người và lây lan trong xã hội tùy thuộc thời điểm chuyển giao từ động vật sang người được đề xuất. Công tác nghiên cứu virus về mặt di truyền gợi ý tổ tiên chung gần đây nhất của HIV-1 nhóm M có từ khoảng năm 1910.[25] Các tác giả đã liên hệ bệnh dịch HIV với sự nổi lên của chủ nghĩa thực dân và những thành phố thuộc địa lớn ở châu Phi dẫn tới những đổi thay trong xã hội, bao gồm các kiểu tiếp xúc tình dục khác (đặc biệt là đồng thời đa đối tác), nạn mại dâm lan tràn đi kèm tần suất các bệnh loét sinh dục cao (như giang mai) ở các thành phố thuộc địa mới mọc lên.[26] Tỷ lệ lây nhiễm HIV trong giao hợp âm đạo thường là thấp nhưng sẽ tăng nhiều lần nếu một trong những đối tác bị loét sinh dục hệ quả từ bệnh lây qua đường tình dục. Các thành phố thuộc địa đầu thập niên 1900 đáng lưu tâm do nạn mại dâm và loét sinh dục thịnh hành đến mức mà năm 1928: 45% nữ cư dân khu phía đông thành phố Leopoldville là gái mại dâm và năm 1933 khoảng 15% cư dân thành phố bị giang mai.[26]

Một quan điểm khác cho rằng công tác thực hành y khoa không an toàn ở châu Phi trong những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai như tái sử dụng bơm tiêm dùng một lần không vô trùng trong tiêm vắc-xin, kháng sinh, và các chiến dịch ngừa sốt rét quy mô, là điều kiện ban đầu cho phép virus thích nghi với cơ thể người và lây lan.[24][27][28]

Ca bệnh HIV/AIDS sớm nhất được ghi nhận ở người có thể truy nguyên vào năm 1959 ở Congo thuộc Bỉ.[29] Virus này có thể xuất hiện lần đầu ở Hoa Kỳ từ giữa đến cuối những năm 1960, lúc đó một nam sinh 16 tuổi tên là Robert Rayford xuất hiện triệu chứng vào năm 1966, và chết vào năm 1969.[30]

Một giả thuyết bổ sung khả dĩ khác chỉ ra, trong mấy năm sau Thế chiến II, phương pháp điều trị không an toàn được sử dụng rộng khắp ở châu Phi, ví dụ như việc tái sử dụng không vô trùng các ống tiêm dùng một lần trong các chiến dịch tiêm chủng đại trà, kháng sinh và điều trị chống sốt rét.[24][31][32] Các nghiên cứu về thời điểm xuất hiện tổ tiên chung gần đây nhất của các nhóm HIV-1 M và O và HIV-2 nhóm A và B cho thấy rằng SIV đã tạo ra các dòng HIV có khả năng lây truyền trong suốt thế kỉ XX.[33] Sự lây truyền HIV sang người phân tán theo thời gian này có nghĩa là không cần có yếu tố bên ngoài đơn lẻ nào để giải thích sự lây truyền HIV giữa các loài. Quan sát này nhất quán với hai quan điểm phổ biến về nguồn gốc của dịch HIV, đó là lây truyền SIV sang người trong quá trình giết mổ hoặc giết mổ các loài linh trưởng bị nhiễm bệnh và việc mở rộng thuộc địa của các thành phố ở châu Phi Hạ Sahara.[33]

Phát hiện

sửa
Françoise Barré-Sinoussi, Robert Gallo, và Luc Montagnier, những người đồng phát hiện ra HIV

Vào ngày 5 tháng 6 năm 1981, Báo cáo Hằng tuần về Tỉ lệ phát bệnh và tử vong (Morbidity and Mortality Weekly Report) của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Atlanta, Hoa Kì, lần đầu tiên báo cáo công khai về bệnh HIV/AIDS, nhưng bị chính phủ bảo thủ Reagan coi thường.[34] Dưới sự làm việc liên tục không ngừng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kì cùng rất nhiều bác sĩ và nhà khoa học, đã tích luỹ số liệu bệnh học lưu hành có đủ tính tin cậy và thuyết phục, cho thấy rằng bệnh HIV/AIDS có thuyết nguyên nhân (en) truyền nhiễm nhất định, hơn nữa lưu hành ở trong một số quần thể được xác định. Đồng thời, vì nguyên do dùng chung kim tiêm cùng với số ca bệnh do truyền máu mà truyền nhiễm dần dần tăng nhiều cho nên các nhà khoa học bắt đầu điều tra bệnh nguyên mang tính truyền nhiễm này.

Các ca bệnh ban đầu là những người hít ma tuýđồng tính nam mà khả năng miễn dịch suy giảm không rõ nguyên nhân. Họ biểu hiện những triệu chứng của viêm phổi do Pneumocystis (PCP), một loại nhiễm trùng cơ hội hiếm gặp xảy ra ở những người có hệ miễn dịch rất yếu.[35] Không lâu sau, những người đồng tính nam bộc lộ một dạng ung thư da mà trước kia không phổ biến gọi là Sacom Kaposi (KS).[36][37] Thêm nhiều ca PCP và KS xuất hiện dấy lên hồi chuông báo động cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và một đội đặc nhiệm CDC đã được thành lập để giám sát nguy cơ bùng phát.[38] Ca AIDS đầu tiên nhìn về quá khứ được mô tả là ở Na Uy bắt đầu năm 1966.[39]

Khởi đầu CDC không có tên chính thức cho căn bệnh và thường nhắc đến nó bằng tên những bệnh liên quan, ví dụ như bệnh hạch bạch huyết, ban đầu những người phát hiện ra HIV đã đặt tên virus theo tên bệnh này.[40][41] CDC còn dùng tên Sacom Kaposi và nhiễm trùng cơ hội,[42] trong khi báo chí nói chung dùng thuật ngữ GRID (viết tắt của gay-related immune deficiency, suy giảm miễn dịch liên hệ đồng tính nam).[43] Trong hành trình đi tìm một cái tên và nhìn vào cộng đồng người mắc bệnh, CDC đã sáng tạo ra tên "bệnh 4H" vì có vẻ nó chỉ xảy ra ở các nhóm đối tượng mà đều có chữ cái đầu là h (trong tiếng Anh) cụ thể là người đồng tính (homosexuals), người dùng heroin (heroin users), người bị máu khó đông (hemophiliacs), và người Haiti (Haitians).[44][45] Sau khi AIDS được xác định không chỉ có ở cộng đồng người đồng tính,[42] người ta nhận ra thuật ngữ GRID không còn đúng và AIDS được giới thiệu tại một cuộc họp vào tháng 7 năm 1982.[46] Từ tháng 9 năm 1982 CDC bắt đầu sử dụng tên AIDS.[47]

Năm 1983, Luc Montagnier - nhà virus học Pháp chuyên nghiên cứu mối quan hệ giữa virus phiên mã ngượcung thư tại Viện Nghiên cứu Pasteur, Paris, cùng nhóm nghiên cứu của ông lần đầu tiên phân lập được một loại virus phiên mã ngược mới từ trong mẫu máuhạch bạch huyết của một bệnh nhân HIV/AIDS trẻ tuổi mắc bệnh ung thư thịt Kaposi thời kì cuối. Qua chứng thực, đây là một loại virus vừa mới phát hiện, Viện Nghiên cứu Pasteur đem loại virus này gọi là Virus Liên quan đến Hạch bạch huyết (Lymphadenopathy-Associated Virus, LAV).

Ở bên kia Đại Tây Dương, bạn hợp tác của Montagnier lúc đó là Robert Gallo (en) - nhà khoa học y học sinh vật Hoa Kì công tác tại Sở Nghiên cứu Ung thư Quốc gia Hoa Kì, cùng nhân viên cấp dưới của ông cũng phân lập được virus mới từ trong gốc tế bào (cell strain) và dòng tế bào (cell line), đồng thời đem nó đặt tên là Virus Bệnh bạch huyết Tế bào Lympho T4 ở người loại IIIB/H9 (Human T-cell Leukemia Virus-IIIB/H9, HTLV-IIIB/H9). Năm 1986, tên gọi của virus này được thống nhất là Virus Suy giảm miễn dịch ở Người, để phản ánh rõ hơn tính chất gây suy giảm miễn dịch của virus mà không phải là gây ung thư. Năm 1987, Uỷ ban Phân loại Virus Quốc tế đã xác nhận tên gọi này.

Còn một nhóm khác làm việc đồng thời với hai nhóm của Gallo và Montagnier là nhóm của bác sĩ Jay Levy tại Đại học California, San Francisco. Ông đã độc lập phát hiện ra virus gây AIDS vào năm 1983 và đặt tên nó là retrovirus liên hệ AIDS (ARV).[48] Virus này rất khác với virus mà hai nhóm Montagnier và Gallo báo cáo. Các chủng ARV đã lần đầu tiên chỉ ra tính không đồng nhất của HIV và một vài trong số chúng vẫn là ví dụ kinh điển về virus gây bệnh AIDS được tìm thấy ở Hoa Kỳ.[49]

Đại lưu hành toàn cầu

sửa

Căn cứ vào báo cáo thống kê HIV/AIDS của Tổ chức Y tế Thế giới, vào năm 2004,[50] ước tính có khoảng 40 triệu người trên toàn cầu (35,9 triệu đến 44,3 triệu người) sống chung với virus suy giảm miễn dịch ở người, trong đó có khoảng triệu người (2,8 đến 3,5 triệu người) chết vì bệnh HIV/AIDS. Những con số này đang gia tăng không ngừng, trong đó, các khu vực như Đông Á, Đông ÂuTrung Á có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Khu vực bị lây nhiễm nghiêm trọng nhất vẫn là châu Phi Hạ Sahara, đứng sau là Nam ÁĐông Nam Á.

Tháng 7 năm 2016, tuyên bố chung Không phát hiện = Không lây truyền (K=K)[51] do người bị lây nhiễm và chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đưa ra. Tuyên bố này được 760 tổ chức đến từ 100 quốc gia công nhận, nguồn tài liệu bằng chứng bao gồm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kì (CDC), Sở nghiên cứu Chứng dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kì (NIH, en), Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) và tạp chí The Lancet.

HIV 90-90-90

sửa

Năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới công bố mục tiêu phòng trị HIV 90-90-90, nghĩa là: Năm 2020, 90% người bị truyền nhiễm biết được tình trạng mắc bệnh HIV/AIDS của mình, 90% người biết tình trạng mắc bệnh HIV/AIDS uống thuốc, 90% người uống thuốc ức chế thành công lượng virus.[52]

Năm 2018, Amsterdam, Hà Lan đã đạt tới mục tiêu phòng trị này, số liệu là: 94-93-95.[53]

Tiến độ phòng trị của Đài Loan vào tháng 8 năm 2018 là: 79-87-90.

Thuyết âm mưu

sửa

Thời kì Chiến tranh Lạnh, Uỷ ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) vì mục đích bêu xấu Hoa Kì, mà dụng tâm sách động một phong trào tuyên truyền, vu cáo HIV là vũ khí sinh hoá do phòng thí nghiệm Hoa Kì chế tạo ra. Giả thuyết này do Jakob Segal (en) - nhà sinh học đồng thời cũng là đặc công KGB, đề xuất, nói rằng bệnh HIV/AIDS là do hai loại virus khác nhau kết hợp mà thành.[54]

Virus học

sửa

Phân loại

sửa
So sánh các loài HIV
Loài Độc lực Tính nhiễm Phạm vi Nguồn gốc
HIV-1 Cao Cao Toàn cầu Tinh tinh
HIV-2 Thấp hơn Thấp Tây Phi Khỉ xồm bồ hóng

HIV là thành viên của chi Lentivirus thuộc họ Retroviridae.[55][56] Các loài Lentivirus có nhiều điểm chung về hình thái và đặc tính sinh học. Lentivirus nhiễm vào nhiều loài động vật gây các bệnh kéo dài với thời kỳ ủ bệnh lâu đặc trưng.[57] Chúng là những virus RNAvỏ ngoài, liên dương, sợi đơn. Khi xâm nhập tế bào mục tiêu, bộ gen RNA virus biến đổi thành DNA sợi kép bởi một enzym mã hóa là transcriptase ngược (enzym phiên mã ngược) được vận chuyển cùng bộ gen virus trong hạt virus. Tiếp đó DNA virus nhập vào nhân tế bào và hợp nhất thành DNA tế bào bởi một enzym mã hóa là integrase (enzym hợp nhất) và các đồng nhân tố tế bào chủ.[58] Khi đã hợp nhất, virus có thể trở nên tiềm ẩn cho phép nó và tế bào chủ trốn tránh hệ miễn dịch trong một thời gian vô định.[59] HIV có thể duy trì bất hoạt trong cơ thể người lâu đến mười năm sau lần nhiễm đầu và không gây triệu chứng giai đoạn này. Song mặt khác DNA virus hợp nhất có thể được phiên mã, tận dụng tài nguyên tế bào chủ để tạo ra những protein virus và bộ gen RNA mới được đóng gói và giải phóng khỏi tế bào dưới dạng các hạt virus mới. Các hạt virus này sẽ tái khởi động chu kỳ nhân bản.

Có hai loại HIV đã được mô tả là HIV-1 và HIV-2. HIV-1 là virus ban đầu được phát hiện và đặt tên là virus liên hệ bệnh hạch bạch huyết (LAV) và virus hướng bạch huyết T ở người 3 (HTLV-III). Loại này có độc lực và khả năng lây nhiễm cao hơn HIV-2,[60] là nguyên nhân của đa số ca nhiễm HIV trên toàn cầu. Việc HIV-2 ít lây hơn so với HIV-1 dẫn đến tỷ lệ nhiễm do tiếp xúc HIV-2 thấp hơn. Vì khả năng lây nhiễm tương đối kém, HIV-2 đa phần bị hạn chế ở Tây Phi.[20]

Kết cấu và bộ gen

sửa

Kết cấu hình thái

sửa
 
Giản đồ HIV hoàn chỉnh (virion HIV)

Virus suy giảm miễn dịch ở người có đường kính khoảng 80 đến 140 nanômét, có hình khối 20 mặt.[61][62] Màng ngoài virus là màng bọc lipid, đến từ tế bào túc chủ, đồng thời lấp vào gp120 và gp41 - hai loại protein của virus, trong đó gp41 là gp41 là protein xuyên màng, gp120 là mặt ngoài, kết hợp với gp41 thông qua tác dụng không cộng hoá trị (en). Mặt bên trong là stroma hình cầu do protein p17 hình thành, cùng với vỏ bọc hình nửa nón do protein p24 hình thành,[63] vỏ bọc dưới kính kính hiển vi điện tử có mật độ electron cao. Bên trong vỏ bọc có chứa bộ gen RNA của virus, enzym (enzym phiên mã ngược, integrase, protease và ribonuclease) cùng với thành phần khác đến từ tế bào túc chủ (ví dụ như tRNA(Lys3), được coi là mồi dẫn của enzym phiên mã ngược).

Electron của màng bọc virus gây ra mật độ tăng cao, hơn nữa có thể thấy được hình dạng que nhô lên khỏi bề mặt. Hạt virion vỡ vụn và không hoàn chỉnh là thấy nhiều nhất, màng bọc đi sẽ mất đi tính toàn vẹn, virus vỡ vụn có hình dạng cắt khúc hoặc có dạng vặn xoắn phân tán ở trong hạt virion hoàn chỉnh tụ thành cụm.

Bao quanh chất nền là vỏ ngoài của virus có thành phần gồm hai lớp lipid lấy từ màng tế bào chủ người khi hạt virus mới hình thành nhô ra khỏi tế bào. Vỏ ngoài virus chứa những protein từ tế bào chủ và tương đối ít bản sao protein vỏ HIV,[63] trong đó có một mũ gồm ba phân tử gọi là glycoprotein (gp) 120, một thân gồm ba phân tử gp41 đính chặt cấu trúc vào vỏ ngoài virus.[64][65] Protein vỏ được gen env HIV mã hóa cho phép virus gắn vào tế bào mục tiêu và dung hợp vỏ ngoài virus với màng tế bào mục tiêu, giải phóng nội hàm virus vào tế bào và khởi động chu kỳ lây nhiễm.[64]

Do là protein duy nhất của virus trên bề mặt virus, protein vỏ là mục tiêu chính của những nỗ lực chế tạo vắc-xin HIV.[66] Hơn nửa khối lượng của gai vỏ tam phân là glycan liên kết N. Mật độ glycan cao vì chúng bảo vệ protein virus bên dưới khỏi bị kháng thể trung hòa. Đây là một trong những phân tử bị glycosyl hóa tập trung nhất được biết và mật độ là đủ lớn để ngăn quá trình phát triển thông thường của glycan trong bộ máy Golgilưới nội chất.[67][68] Vì thế, số lượng glycan đông đảo tồn tại như những glycan 'nhiều mannose' non (chưa trưởng thành) mà bình thường không có trên glycoprotein người, thứ được tiết ra hay hiện diện trên bề mặt tế bào.[69] Quá trình bất thường và mật độ cao dẫn đến việc gần như tất cả kháng thể trung hòa mà con người biết cho đến nay (từ nhóm bệnh nhân bị nhiễm nhiều tháng đến nhiều năm) đều bám vào hoặc thích nghi để đối phó với những glycan vỏ này.[70]

Gen soạn mã

sửa

Bộ gen của HIV là hai sợi RNA chuỗi dương tương đồng, có tổng chiều dài khoảng 9,7 kbp, bao bọc bên trong một vỏ protein của virus, ngoại vi của nucleocapsidlớp kép lipid bắt nguồn từ màng tế bào của túc chủ, cũng bao gồm protein màng do virus soạn mã.

Trình tự trùng lặp đoạn cuối dài ở hai đầu mút của bộ gen HIV đã phát huy tác dụng điều tiết chỉnh hợp gen, biểu hiện gen của virus và nhân đôi virus. Bộ gen HIV có chứa ba gen kết cấu (gag, polenv), 2 gen điều tiết (tat - nhân tử kích hoạt kiểu ngược, rev - nhân tử điều tiết sự biểu hiện protein của hạt virion) và 4 gen phụ trợ (nef - nhân tử điều tiết âm, vpr - protein R virus, vpu - protein U virus và vif - nhân tử truyền nhiễm virus). Trong đó trình tự gen gag soạn mã cho protein của nucleocapsid; trình tự gen env soạn mã cho hai loại glycoprotein cần thiết là gp120 và gp41 - glycoprotein của màng bọc virus, nơi virus truyền nhiễm tế bào; trình tự gen pol soạn mã cho enzym cần thiết là enzym phiên mã ngược, integrase và protease của virus, nơi virus nhân đôi.[71]

Do enzym phiên mã ngược không có chức năng sửa lỗi hiệu chính cho nên xuất hiện biến dị tuỳ tiện, tần suất nhân đôi virus cao, giữa DNA virus và DNA túc chủ tồn tại tái tổ hợp gen, sẽ xuất hiện tính kháng thuốc. Điều này khiến cho virus gây bệnh HIV/AIDS trở thành một loại virus có tính biến dị rất mạnh. Từng bộ phận của mỗi gen có cường độ biến dị khác nhau, trong đó gen env phát sinh biến dị dễ dàng nhất.

Trình tự acid nucleic của HIV-2 và HIV-1 có sự khác biệt khá lớn, chỉ có 40 - 50% là giống nhau. Tuy nhiên, kết cấu gen của hai loại cơ bản tương đồng, chỉ là HIV-2 không có gen vpu, nhưng mà tồn tại gen vpx.

Chủng lưu hành chủ yếu của virus gây suy giảm miễn dịch ở người tại Trung QuốcĐông Nam Á là HIV-1, trước mắt đã phát hiện 10 loại phân tuýp, phân tuýp chủ yếu lưu hành trong cộng đồng là kiểu tái tổ hợp AE (CRF01-AE) và tái tổ hợp BC (CRF07-BC).[72]

Hướng tính

sửa

Thuật ngữ hướng tính virus nói đến loại tế bào mà virus xâm nhiễm. HIV có thể nhiễm vào nhiều loại tế bào miễn dịch như T CD4+, đại thực bào, và vi bào thần kinh đệm. HIV-1 nhập vào đại thực bào và tế bào T CD4+ trung gian qua sự tương tác của glycoprotein vỏ virion (gp120) với phân tử CD4 trên màng tế bào mục tiêu và với đồng thụ thể chemokine.[64][73]

Các chủng HIV-1 hướng đại thực bào (hướng M) hay chủng không gây hợp bào (NSI, nay gọi là virus R5[74]) dùng thụ thể β-chemokine CCR5 để xâm nhập và nhờ đó có thể nhân bản trong cả đại thực bào lẫn tế bào T CD4+.[75] Gần như tất cả HIV-1 phân lập ban đầu sử dụng đồng thụ thể CCR5 này bất kể loại con di truyền. Đại thực bào thực sự đóng vai trò then chốt trong một số khía cạnh quan trọng của quá trình nhiễm HIV. Chúng dường như là tế bào đầu tiên mà HIV nhiễm vào và có lẽ là nguồn sản sinh HIV khi tế bào CD4+ cạn kiệt ở bệnh nhân. Vi bào thần kinh đệm và đại thực bào là những mục tiêu của HIV ở hệ thần kinh trung ương. Ở amidanhạch hạnh nhân của bệnh nhân HIV, đại thực bào dung hợp thành những cự bào đa nhân là thứ sản sinh lượng virus khổng lồ.

Các chủng HIV-1 hướng T hay chủng gây hợp bào (SI, nay gọi là virus X4[74]) nhân bản trong tế bào T CD4+ và đại thực bào, sử dụng thụ thể α-chemokine CXCR4 để xâm nhập.[75][76][77]

Các chủng HIV-1 hướng kép được cho là chủng chuyển tiếp của HIV-1 và do đó có thể sử dụng cả đồng thụ thể CCR5 và CXCR4 để xâm nhập.

Alpha-chemokine SDF-1, một phối tử cho CXCR4, kìm hãm sự nhân bản của HIV-1 phân lập hướng T bằng việc điều chỉnh giảm biểu hiện của CXCR4 trên bề mặt tế bào mục tiêu của HIV. HIV-1 phân lập hướng M mà chỉ dùng thụ thể CCR5 được gọi là R5, chỉ dùng CXCR4 gọi là X4, dùng cả hai là X4R5. Tuy nhiên, việc chỉ áp dụng đồng thụ thể không lý giải hướng tính virus khi mà không phải tất cả virus R5 đều có thể sử dụng CCR5 trên đại thực bào để xâm nhiễm hàng loạt[75] và HIV còn có thể nhiễm vào một loại con của tế bào tua tủy.[78] Đó có thể cấu thành một nguồn duy trì tình trạng nhiễm virus khi số lượng tế bào T CD4+ đã giảm xuống mức cực thấp.

Một số người đề kháng những chủng HIV nhất định.[79] Ví dụ người có đột biến CCR5-Δ32 đề kháng virus R5 do đột biến khiến HIV không thể bám vào đồng thụ thể này, làm giảm khả năng xâm nhập tế bào mục tiêu của nó.

Quan hệ tình dục là phương thức lây truyền HIV chủ yếu. Cả HIV X4 và R5 đều có trong tinh dịch cho phép virus lây từ một người nam giới sang bạn tình của người đó. Tiếp theo các virion có thể nhiễm vào nhiều tế bào mục tiêu và lan truyền khắp cơ thể. Tuy vậy một quá trình chọn lọc đã khiến đây là con đường lây chính của virus R5.[80][81][82] Ở bệnh nhân nhiễm HIV-1 tiểu loại B thường có sự thế chỗ đồng thụ thể vào giai đoạn muộn và những biến thể hướng T có thể nhiễm vào nhiều loại tế bào T qua CXCR4.[83] Sau đó những biến thể này nhân bản tích cực hơn với độc lực tăng cường khiến tế bào T giảm nhanh, hệ miễn dịch suy sụp, và nhiễm trùng cơ hội xảy đến đánh dấu sự xuất hiện của AIDS.[84] Do đó trong quá trình nhiễm, việc virus thích ứng với sử dụng CXCR4 thay vì CCR5 có thể là một bước then chốt trên con đường tới AIDS. Một số nghiên cứu với bệnh nhân nhiễm HIV tiểu loại B đã xác định rằng 40 đến 50 phần trăm bệnh nhân AIDS có thể mang virus X4.[85][86]

Chu kỳ nhân bản

sửa
 
Chu kỳ nhân bản của HIV

Xâm nhập tế bào

sửa
 
Cơ chế xâm nhập của virus: 1. Tương tác khởi động giữa gp120 và CD4. 2. Gp120 biến đổi hình thể cho phép tương tác thứ hai với CCR5. 3. Các đỉnh xa của gp41 gài vào màng tế bào. 4. gp41 biến đổi hình thể đáng kể, gập làm đôi thành bó. Quá trình này kéo màng tế bào và màng virus lại gần nhau rồi dung hợp chúng.

Virion HIV xâm nhập đại thực bào và tế bào T CD4+ bằng cách đưa những glycoprotein trên bề mặt của nó hút bám vào thụ thể trên tế bào mục tiêu rồi dung hợp vỏ ngoài virus với màng tế bào mục tiêu và giải phóng capsid vào tế bào.[87][88]

Quá trình nhập bào bắt đầu với việc tổ hợp tam phân (gai gp160) trên vỏ ngoài virus tương tác với CD4 và một đồng thụ thể chemokine (nhìn chung là CCR5 hoặc CXCR4 nhưng còn loại khác đã được biết) trên bề mặt tế bào mục tiêu.[87][88] Gp120 gắn vào integrin α4β7 kích hoạt LFA-1, integrin trung tâm tham gia vào thiết lập synap virus, tạo điều kiện cho HIV-1 lây lan hiệu quả từ tế bào này sang tế bào khác.[89] Gai gp160 chứa một vùng gắn cho cả CD4 và những thụ thể chemokine.[87][88]

Bước đầu tiên trong khâu dung hợp là vùng gắn CD4 của gp120 gắn vào CD4 trong tương tác ái lực cao. Khi gp120 đã trói buộc với protein CD4, tổ hợp vỏ ngoài biến đổi cấu trúc làm lộ ra những vùng gắn thụ thể chemokine của gp120, cho phép chúng tương tác với thụ thể chemokine mục tiêu.[87][88] Tiếp theo gp120 gắn hai nhánh ổn định hơn, tạo điều kiện cho tận cùng N của gp41 thâm nhập màng tế bào.[87][88] Các chuỗi lặp ở gp41, HR1, và HR2 tương tác khiến phần ngoại bào của gp41 gập thành dạng cái kẹp tóc. Cấu trúc này đưa màng tế bào và màng virus lại gần nhau, cho phép hai màng dung hợp và capsid của virus nhập bào sau đó.[87][88]

Sau khi HIV đã gắn vào tế bào mục tiêu, RNA của virus cùng nhiều enzym bao gồm transcriptase ngược, integrase, ribonuclease, và protease được đẩy vào tế bào.[87] Trên hành trình đến nhân tế bào, bộ gen RNA sợi đơn của virus được phiên mã thành DNA sợi đôi. Sau đó DNA này hợp nhất vào nhiễm sắc thể người.

HIV có thể nhiễm vào tế bào tua bằng con đường CD4-CCR5 này nhưng còn một con đường khác là sử dụng các thụ thể lectin loại C đặc trưng mannose như DC-SIGN.[90] Tế bào tua là một trong những tế bào đầu tiên mà HIV gặp trong lây truyền tình dục. Hiện chúng được xem đóng một vai trò quan trọng bởi việc truyền HIV đến tế bào T khi chúng bắt giữ virus trong niêm mạc.[90] Sự hiện diện của FEZ-1 mà vốn có trong nơron được tin ngăn chặn HIV xâm nhiễm tế bào.[91]

Con người từ lâu đã tin rằng quá trình xâm nhập của HIV-1 cũng như của nhiều retrovirus khác chỉ xảy ra ở màng tế bào. Tuy nhiên gần đây hơn có báo cáo về việc HIV-1 xâm nhiễm hiệu quả bằng nhập bào qua trung gian clathrin độc lập pH và đó được gợi ý cấu thành con đường vào hữu hiệu duy nhất.[92][93][94][95][96]

Sao chép và phiên mã

sửa

Không lâu sau khi capsid của virus vào trong tế bào, một enzym gọi là transcriptase ngược (enzym phiên mã ngược) giải phóng bộ gen RNA sợi đơn dương khỏi những protein virus gắn liền và sao chép nó thành một phân tử DNA bổ sung (cDNA).[97] Quá trình phiên mã ngược cực kỳ dễ bị lỗi dẫn đến những đột biến có thể gây kháng thuốc hoặc cho phép virus né tránh hệ miễn dịch của cơ thể. Trong phiên mã ngược còn có hoạt động ribonuclease làm suy biến RNA virus trong tổng hợp cDNA và hoạt động polymerase DNA lệ thuộc DNA tạo ra một DNA liên dương từ cDNA liên âm.[98] cDNA cùng phần bù của nó tạo ra DNA virus sợi đôi được vận chuyển vào nhân tế bào. Một enzym khác của virus là integrase giúp tích hợp DNA virus vào bộ gen của tế bào chủ.[97]

DNA virus tích hợp có thể bất hoạt trong giai đoạn tiềm ẩn của nhiễm HIV.[97] Để virus được tích cực sản sinh thì những yếu tố phiên mã tế bào nhất định cần phải có mặt, quan trọng nhất là NF-κB được điều chỉnh tăng khi tế bào T trở nên hoạt hóa. Do vậy những tế bào dễ bị HIV nhắm đến, xâm nhập, rồi giết chết sau đó nhất là những tế bào tích cực chiến đấu chống nhiễm trùng.

Trong quá trình sao chép, tiền virus DNA tích hợp được phiên mã thành RNA và một số trải qua ghép RNA tạo ra RNA thông tin hoàn thiện (mRNA). Những mRNA này bị đẩy ra khỏi nhân vào tế bào chất, nơi chúng được dịch mã thành protein điều chỉnh Tat (khuyến khích sản sinh virus mới) và Rev. Sau khi được sản xuất protein Rev đi tới nhân, gắn vào những bản sao RNA virus không ghép, đúng chiều dài cho phép chúng rời khỏi nhân.[99] Một số RNA chuẩn độ dài này có chức năng làm bản sao mới của bộ gen virus, trong khi số khác đóng vai trò mRNA được dịch mã để tạo ra những protein cấu trúc Gag và Env. Protein Gag gắn vào bản sao của bộ gen RNA virus để đóng gói chúng thành những hạt virus mới.[100]

HIV-1 và HIV-2 dường như đóng gói RNA theo cách khác nhau.[101][102] HIV-1 sẽ gắn vào mọi RNA phù hợp trong khi HIV-2 ưu tiên gắn vào mRNA mà từng tạo ra protein Gag.[103][104]

Tái tổ hợp

sửa

Hai bộ gen RNA được đóng vỏ capsid ở mỗi hạt HIV-1. Tái tổ hợp giữa hai bộ gen có thể xảy ra mỗi khi xâm nhiễm và sao chép được xúc tác bởi transcriptase ngược[105][106] hay trong quá trình bộ gen RNA liên dương, sợi đơn được phiên mã ngược tạo ra DNA. Trong phiên mã ngược, DNA mới sinh có thể chuyển đổi nhiều lần giữa hai bản sao RNA virus. Hình thức tái tổ hợp này được gọi là lựa chọn bản sao. Những sự kiện tái tổ hợp có thể xảy ra thông qua bộ gen. Trong mỗi chu kỳ nhân bản có thể có hai đến 20 sự kiện tái tổ hợp và những sự kiện này có thể tráo đổi nhanh chóng thông tin di truyền được truyền từ bộ gen cha mẹ sang bộ gen con.[106]

Tái tổ hợp virus sinh ra biến dị di truyền mà khả năng góp phần vào sự tiến hóa đề kháng lại liệu pháp chống retrovirus.[107] Về nguyên tắc, tái tổ hợp còn có thể góp phần giúp virus vượt qua hàng rào miễn dịch của vật chủ. Tuy nhiên để vận dụng những lợi thế thích nghi của biến dị di truyền thì hai bộ gen virus được đóng gói trong các hạt virus cần sinh ra từ những virus cha mẹ riêng biệt có cấu tạo gen khác nhau. Chưa rõ sự đóng gói hỗn hợp này xảy ra ở mức độ thường xuyên như thế nào dưới những điều kiện tự nhiên.[108]

Bonhoeffer et al. gợi ý rằng việc chuyển khuôn bởi phiên mã ngược đóng vai trò như một quá trình sửa chữa những chỗ hỏng trong bộ gen RNA sợi đơn.[109] Tương tự Hu và Temin gợi ý tái tổ hợp là sự thích nghi để sửa chữa tổn thương trong bộ gen RNA.[105] Chuyển sợi (tái tổ hợp lựa chọn bản sao) bởi phiên mã ngược có thể tạo ra một bản sao DNA bộ gen lành lặn từ hai bản sao bộ gen RNA sợi đơn hư hỏng. Quan điểm lợi ích thích nghi của tái tổ hợp này ở HIV có thể lý giải nguyên nhân mà hạt virus chứa hai bộ gen hoàn thiện thay vì một. Hơn nữa, quan điểm tái tổ hợp là một quá trình sửa chữa ám chỉ rằng lợi ích của việc sữa chữa có thể xuất hiện tại mỗi chu kỳ nhân bản và điều đó có thể thu được bất kể hai bộ gen có khác về mặt di truyền hay không. Theo quan điểm này thì biến dị di truyền sinh ra sẽ là hệ quả chứ không phải nguyên nhân của tiến hóa chuyển khuôn.[109]

Nhiễm HIV-1 gây chứng viêm mạn tính và việc sản xuất các loại oxy phản ứng.[110] Do đó, bộ gen HIV có thể gặp nguy hiểm với những tổn thương oxy hóa bao gồm những điểm đứt trong RNA sợi đơn. Đối với HIV nói riêng và virus nói chung, để xâm nhiễm thành công đòi hỏi chúng phải vượt qua những chiến lược phòng thủ của vật chủ trong đó có việc sản xuất những loại oxy phản ứng phá hoại bộ gen. Vậy nên Michod et al. gợi ý rằng tái tổ hợp là một sự thích nghi để sữa chữa tổn thương bộ gen và biến dị tái tổ hợp là một sản phẩm phụ có thể mang đến lợi ích riêng.[111]

Lắp ráp và giải phóng

sửa
 
HIV bao quanh trên bề mặt đại thực bào bị nhiễm. Virion HIV được đánh dấu bằng huỳnh quang màu xanh lá cây và quan sát dưới kính hiển vi huỳnh quang.

Lắp ráp virion HIV-1 mới là bước cuối cùng của chu kỳ nhân bản, bắt đầu tại màng tế bào của tế bào chủ. Polyprotein Env (gp160) đi qua mạng lưới nội chất và được vận chuyển đến bộ máy Golgi. Tại đó nó nó bị furin chẻ đôi thành hai glycoprotein vỏ ngoài HIV là gp41gp 120.[112] Hai glycoprotein này được đưa đến màng tế bào, ở đó gp41 đính chặt gp120 vào màng. Các polyprotein Gag (p55) và Gag-Pol (p160) cũng liên kết với bề mặt trong của màng tế bào cùng với RNA bộ gen HIV khi virion đang hình thành bắt đầu chồi ra khỏi tế bào. Virion chui ra vẫn chưa hoàn thiện khi mà những polyprotein gag vẫn cần được bổ tách thành protein nucleocapsid, capsid, và chất nền thực sự. Sự phân cắt diễn ra gián tiếp qua protease virus đóng gói và có thể bị kìm hãm bởi những thuốc kháng retrovirus loại ức chế protease. Những thành phần cấu trúc khác nhau lắp ráp tạo ra virion HIV hoàn thiện.[113] Chỉ những virion hoàn thiện mới có thể tiếp tục nhiễm vào tế bào khác.

Lây lan trong cơ thể

sửa
 
Ảnh động mô tả HIV lây lan không tế bào.

Quá trình lây nhiễm tế bào thông thường của virion có thể được gọi là "lây không tế bào" để phân biệt với một quá trình mới được công nhận gần đây hơn là "lây từ tế bào sang tế bào".[114] Trong lây không tế bào, các hạt virus chồi ra khỏi tế bào T bị nhiễm, đi vào máu hoặc dịch ngoại bào rồi nhiễm vào tế bào T khác mà chúng tình cờ gặp mặt.[114] HIV còn có thể phân tán bằng cách lây trực tiếp từ tế bào này sang tế bào khác và có hai con đường để làm điều này. Thứ nhất, một tế bào T bị nhiễm có thể truyền virus trực tiếp sang tế bào T mục tiêu thông qua synap virus.[89][115] Thứ hai, một tế bào trình diện kháng nguyên (APC) như đại thực bào hoặc tế bào tua có thể truyền HIV đến tế bào T bằng quá trình bao hàm xâm nhiễm sinh sản (trường hợp đại thực bào) hoặc bắt giữ và đưa virion đi (trường hợp tế bào tua).[116] Cho dù là con đường nào thì nhiễm kiểu tế bào sang tế bào được cho hiệu quả hơn nhiều lây không tế bào.[117] Có một số yếu tố góp phần làm gia tăng sự hiệu quả như định hướng virus đến điểm tiếp xúc giữa hai tế bào, khoảng cách gần giữa các tế bào giúp virion giảm thiểu khuếch tán trong dịch cơ thể, và tập hợp thụ thể nhập bào của HIV về vùng tiếp xúc.[115] Lây tế bào sang tế bào được cho đặc biệt quan trọng trong mô bạch huyết nơi tế bào T CD4+ tập hợp dày đặc và khả năng tương tác thường xuyên.[114] Các nghiên cứu hình ảnh trong cơ thể sống ủng hộ khái niệm synap virus HIV trong sinh vật.[118] Việc có nhiều cơ chế lây lan góp phần giúp HIV nhân bản bất chấp những liệu pháp kháng retrovirus.[114][119]

Biến dị di truyền

sửa
 
Cây phả hệ của SIV và HIV

HIV khác nhiều virus ở chỗ nó có có tính biến dị di truyền rất cao. Sự đa dạng này đến từ việc HIV sinh sôi nhanh lên tới khoảng 1010 virion mỗi ngày cộng với tỷ lệ đột biến cao xấp xỉ 3 x 10−5 mỗi nucleobase một chu kỳ nhân bản và đặc tính tái tổ hợp di truyền của phiên mã ngược.[120][121][122]

Các yếu tố trên kết hợp tạo ra nhiều biến thể HIV ở một bệnh nhân trong thời gian một ngày.[120] Tính biến dị được pha trộn khi một tế bào bị hai hay nhiều chủng HIV khác nhau nhiễm đồng thời. Khi lây nhiễm đồng thời xảy ra, bộ gen của virion con có thể bao gồm những sợi RNA từ hai chủng khác nhau. Sau đó virion lai này nhiễm vào tế bào mới rồi trải qua quá trình nhân bản. Do nhảy qua lại giữa hai khuôn RNA khác nhau, phiên mã ngược sẽ tạo ra một chuỗi DNA tổng hợp mới là kết quả tái tổ hợp giữa hai bộ gen cha mẹ.[120] Điều này dễ thấy nhất khi nó xảy ra giữa những tiểu loại của virus.[120]

Virus gây suy giảm miễn dịch ở khỉ (SIV) có quan hệ gần gũi với HIV đã tiến hóa thành nhiều chủng được phân loại theo những loài vật chủ tự nhiên. Các chủng SIV ở khỉ xanh châu Phi (SIVagm) và khỉ xồm bồ hóng (SIVsmm) được cho có lịch sử tiến hóa lâu đời cùng vật chủ. Vật chủ thích nghi với sự hiện diện của virus.[123] Mặc dù virus có nhiều trong máu vật chủ nhưng chỉ khơi gợi phản ứng miễn dịch nhẹ,[124] không gây ra AIDS ở khỉ và không trải qua quá trình tái tổ hợp và đột biến sâu rộng như đặc thù của nhiễm HIV ở người.[125][126]

Tuy nhiên khi những chủng này nhiễm vào các loài không thích nghi với SIV (như khỉ rezut hay khỉ đuôi dài) thì AIDS phát triển ở động vật nhiễm và virus phát sinh sự đa dạng di truyền tương tự như thấy ở người.[127] SIV tinh tinh (SIVcpz), loại quan hệ gần nhất với HIV-1, có thể đã làm tăng tỷ lệ tử vong và triệu chứng giống AIDS ở vật chủ tự nhiên của nó.[128] SIVcpz dường như mới lây sang tinh tinh và người tương đối gần đây nên vật chủ của nó chưa thích nghi được.[123] Virus này còn mất một chức năng của gen nef có ở hầu hết SIV. Ở những biến thể SIV không gây bệnh, nef kìm hãm tế bào T hoạt hóa thông qua dấu chuẩn CD3. Chức năng của nef ở những dạng SIV không gây bệnh là điều chỉnh giảm biểu hiện của những cytokine gây viêm MHC-1 và tín hiệu ảnh hưởng đến lưu thông tế bào T. Ở HIV-1 và SIVcpz, nef không áp chế sự hoạt hóa tế bào T và nó mất đi chức năng này. Do đó khả năng cao tế bào T suy kiệt dẫn đến suy giảm miễn dịch.[128][129]

Con người đã nhận biết ba nhóm HIV-1 trên cơ sở sự khác biệt ở vùng vỏ ngoài là M, N, và O.[130] Nhóm M thịnh hành nhất và được chia thành tám tiểu loại (phân loại, hay nhánh) dựa vào bộ gen tổng thể. Các tiểu loại khác biệt về mặt địa lý,[131] phổ biến nhất là B (chủ yếu ở Bắc Mỹ và châu Âu), A và D (chủ yếu ở châu Phi), và C (chủ yếu ở châu Phi và châu Á). Chúng tạo ra các nhánh trong cây phả hệ đại diện cho dòng nhóm M của HIV-1. Tình huống đồng nhiễm các tiểu loại khác nhau dẫn đến những hình thái tái tổ hợp lưu thông (CRF). Vào năm 2000, năm cuối cùng con người tiến hành một phân tích mức độ phổ biến của các tiểu loại trên toàn cầu, thì 47,2% ca nhiễm trên thế giới là tiểu loại C, 26,7% là tiểu loại A/CRF02_AG, 12,3% là tiểu loại B, 5,3% là CRF_AE, và 5,3% còn lại là những tiểu loại và CRF khác.[132] Hầu hết nghiên cứu HIV-1 tập trung vào tiểu loại B và chỉ có ít phòng thí nghiệm quan tâm đến tiểu loại khác.[133] Sự tồn tại của một nhóm thứ tư là P đã được giả định dựa vào một virus phân lập năm 2009.[134] Chủng này xem ra có nguồn gốc từ SIV khỉ đột (SIVgor) được phân lập lần đầu từ khỉ đột vùng đất thấp miền tây vào năm 2006.[134]

Quan hệ gần nhất với HIV-2 là SIVsm, một chủng SIV tìm thấy ở khỉ xồm bồ hóng. Vì HIV-1 có nguồn gốc từ SIVcpz và HIV-2 từ SIVsm nên chuỗi di truyền của HIV-2 chỉ tương đồng một phần với HIV-1 và giống với SIVsm hơn.[135]

Chẩn đoán

sửa
 
Đồ thị tổng quát về quan hệ giữa tải lượng HIV và số đếm tế bào CD4 trong quá trình nhiễm HIV không điều trị, diễn biến bệnh có thể khác biệt đáng kể đối với từng người.
  Số đếm tế bào T CD4+ mỗi mm³ máu
  Số bản sao RNA HIV mỗi mL huyết tương

Nhiều người dương tính HIV mà không biết, đặc biệt tại những nước nghèo lạc hậu.[136] Ví dụ vào năm 2001 chưa đến 1% dân số đô thị hoạt động tình dục ở châu Phi được xét nghiệm và tỷ lệ này còn thấp hơn ở cư dân nông thôn.[136] Cũng trong năm 2001 chỉ 0,5% phụ nữ có thai đến các cơ sở y tế thành phố được khuyên bảo, xét nghiệm hoặc nhận kết quả xét nghiệm.[136] Tương tự tỷ lệ này thấp hơn tại những cơ sở y tế nông thôn.[136] Do người hiến có thể không biết bản thân bị nhiễm HIV nên máu và những sản phẩm máu hiến tặng dùng trong y tế và nghiên cứu y học thường xuyên được kiểm tra xem có HIV hay không.[137]

Xét nghiệm chất hấp phụ miễn dịch liên kết enzym (ELISA) để phát hiện kháng thể HIV-1 là phương pháp được thực hiện đầu tiên. Các mẫu từ ELISA mà có kết quả không phản ứng được xem là âm tính HIV trừ khi có tiếp xúc mới với đối tác bị nhiễm hoặc không rõ có nhiễm HIV hay không. Với các mẫu có kết quả ELISA phản ứng, người ta sẽ xét nghiệm lại hai lần.[138] Nếu kết quả của cả hai lần xét nghiệm đều phản ứng thì mẫu được báo cáo là phản ứng lặp lại và cần thêm một xét nghiệm bổ sung đặc hiệu hơn để xác nhận (ví dụ phản ứng chuỗi polymerase (PCR), phép thấm tách tây, hay ít phổ biến hơn là xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang (IFA)). Chỉ khi mẫu liên tục phản ứng với ELISA và dương tính với IFA hay PCR hoặc phản ứng với phép thấm tây thì mới được xem là dương tính HIV và chỉ định nhiễm HIV. Các mẫu phản ứng ELISA lặp lại thi thoảng có kết quả thấm tách tây không rõ ràng, điều này có thể là phản ứng kháng thể không đầy đủ với HIV ở người nhiễm hoặc phản ứng không đặc hiệu ở người không nhiễm.[139]

Mặc dù có thể áp dụng IFA để xác nhận tình trạng nhiễm HIV trong những trường hợp mơ hồ nhưng cách này không phổ biến. Nhìn chung mẫu thứ hai cần thu thập hơn một tháng sau và xét nghiệm lại cho người có kết quả thấm tách tây không rõ ràng. Xét nghiệm nucleic acid (ví dụ phương pháp khuếch đại DNA tiền virus hoặc RNA virus) cũng có thể giúp chẩn đoán trong những tình huống nhất định nhưng ít thấy hơn nhiều.[138] Ngoài ra, một vài mẫu xét nghiệm có thể không cho ra kết quả do chất lượng mẫu kém. Với trường hợp như vậy thì cần thực hiện lại việc thu thập và xét nghiệm mẫu để tìm HIV.

Xét nghiệm HIV hiện đại cực kỳ chính xác khi giai đoạn cửa sổ được đưa vào đánh giá. Một xét nghiệm sàng lọc đơn chính xác tới hơn 99%.[140] Ước tính xác suất kết quả dương tính giả trong giao thức xét nghiệm hai bước tiêu chuẩn là khoảng 1 trên 250.000 ở nhóm dân nguy cơ thấp.[141] Xét nghiệm sau phơi nhiễm được khuyến cáo thực hiện ngay lập tức rồi tiếp đến là sau sáu tuần, ba tháng, và sáu tháng.[142]

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo xét nghiệm HIV phải bắt đầu bằng một xét nghiệm miễn dịch kết hợp tìm kháng thể HIV-1, HIV-2, và kháng nguyên p24. Kết quả âm tính sẽ loại bỏ khả năng nhiễm HIV còn nếu kết quả dương tính thì thực hiện một xét nghiệm miễn dịch phân biệt kháng thể HIV-1/2 để phát hiện kháng thể nào có mặt. Điều này dẫn đến bốn kịch bản có thể như sau:

  • 1. HIV-1 (+) & HIV-2 (−): phát hiện kháng thể HIV-1
  • 2. HIV-1 (−) & HIV-2 (+): phát hiện kháng thể HIV-2
  • 3. HIV-1 (+) & HIV-2 (+): phát hiện cả kháng thể HIV-1 và HIV-2
  • 4. HIV-1 (−) hoặc không rõ & HIV-2 (−): cần tiến hành xét nghiệm nucleic acid để xem có nhiễm HIV-1 cấp tính hay không.[143]

Chữa trị và lây truyền

sửa

Cách thông thường để kiểm soát HIV/AIDS là sử dụng nhiều loại thuốc kháng retrovirus. Ở nhiều nơi trên thế giới, HIV đã trở thành tình trạng mạn tính và ngày càng hiếm khi tiến triển thành AIDS.

Tính tiềm ẩn của HIV và ổ chứa virus trong tế bào T CD4+, tế bào tua, và đại thực bào là rào cản chính ngăn chặn nỗ lực diệt trừ virus.[59]

HIV chủ yếu lây qua đường tình dục, con đường khác có thể là truyền máu (trong điều trị y tế) và mẹ truyền sang con. Một điều quan trọng cần nói đến là mặc dù HIV có sự lây lan cao nhưng lây truyền qua đường tình dục sẽ không xảy ra nếu một người dương tính HIV có tải lượng virus duy trì ở mức không phát hiện được (số lượng virus ít hơn 50 mỗi ml máu) nhờ điều trị kháng retrovirus. Trước đây người ta nói rằng xác suất lây nhiễm là "rất thấp" hoặc "có thể bỏ qua".[144] Tuy nhiên, sau nhiều nghiên cứu thì hiện đã rõ ràng là khả năng mà một người dương tính HIV có tải lượng virus duy trì ở mức không phát hiện được truyền HIV qua đường tình dục là bằng không.[145][146]

Herpes sinh dục (HSV-2) tái hoạt hóa ở người nhiễm virus liên hệ với sự gia tăng tế bào T CD4+ dồi dào CCR-5 và tế bào tua kích thích dưới niêm mạc da sinh dục. Vì HIV hướng đến những tế bào có CCR-5 nên những người bị herpes sinh dục có nguy cơ lây nhiễm HIV cao gấp hai đến ba lần. Thuốc kháng virus thường ngày (như acyclovir) không làm giảm viêm hậu tái kích hoạt cận lâm sàng do đó không giúp giảm nguy cơ nhiễm HIV.[147][148]

Tham khảo

sửa
  1. ^ Weiss RA (tháng 5 năm 1993). “How does HIV cause AIDS?”. Science. 260 (5112): 1273–9. Bibcode:1993Sci...260.1273W. doi:10.1126/science.8493571. PMID 8493571.
  2. ^ Douek DC, Roederer M, Koup RA (2009). “Emerging Concepts in the Immunopathogenesis of AIDS”. Annual Review of Medicine. 60: 471–84. doi:10.1146/annurev.med.60.041807.123549. PMC 2716400. PMID 18947296.
  3. ^ Powell MK, Benková K, Selinger P, Dogoši M, Kinkorová Luňáčková I, Koutníková H, Laštíková J, Roubíčková A, Špůrková Z, Laclová L, Eis V, Šach J, Heneberg P (2016). “Opportunistic Infections in HIV-Infected Patients Differ Strongly in Frequencies and Spectra between Patients with Low CD4+ Cell Counts Examined Postmortem and Compensated Patients Examined Antemortem Irrespective of the HAART Era”. PLOS ONE. 11 (9): e0162704. Bibcode:2016PLoSO..1162704P. doi:10.1371/journal.pone.0162704. PMC 5017746. PMID 27611681.
  4. ^ UNAIDS; WHO (tháng 12 năm 2007). “2007 AIDS epidemic update” (PDF). tr. 10. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2008. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2008.
  5. ^ Rodger, Alison J.; Cambiano, Valentina; Bruun, Tina; Vernazza, Pietro; Collins, Simon; Degen, Olaf; và đồng nghiệp (2019). “Risk of HIV transmission through condomless sex in serodifferent gay couples with the HIV-positive partner taking suppressive antiretroviral therapy (PARTNER): final results of a multicentre, prospective, observational study”. The Lancet. 393 (10189): 2428–2438. doi:10.1016/S0140-6736(19)30418-0. PMC 6584382. PMID 31056293.
  6. ^ Eisinger, Robert W.; Dieffenbach, Carl W.; Fauci, Anthony S. (2019). “HIV viral load and transmissibility of HIV infection: Undetectable equals untransmittable”. JAMA. 321 (5): 451–452. doi:10.1001/jama.2018.21167. PMID 30629090.
  7. ^ Mabuka J, Nduati R, Odem-Davis K, Peterson D, Overbaugh J (2012). Desrosiers RC (biên tập). “HIV-Specific Antibodies Capable of ADCC Are Common in Breastmilk and Are Associated with Reduced Risk of Transmission in Women with High Viral Loads”. PLOS Pathogens. 8 (6): e1002739. doi:10.1371/journal.ppat.1002739. PMC 3375288. PMID 22719248.
  8. ^ Hahn, Robert A.; Inhorn, Marcia Claire biên tập (2009). Anthropology and public health : bridging differences in culture and society (ấn bản thứ 2). Oxford: Oxford University Press. tr. 449. ISBN 978-0-19-537464-3. OCLC 192042314.
  9. ^ Mead MN (2008). “Contaminants in human milk: weighing the risks against the benefits of breastfeeding”. Environmental Health Perspectives. 116 (10): A426–34. doi:10.1289/ehp.116-a426. PMC 2569122. PMID 18941560. Bản gốc lưu trữ 6 Tháng mười một năm 2008.
  10. ^ “Preventing Mother-to-Child Transmission of HIV”. HIV.gov. 15 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2017.  Bài viết này tích hợp văn bản từ nguồn này, vốn thuộc phạm vi công cộng.
  11. ^ Cunningham AL, Donaghy H, Harman AN, Kim M, Turville SG (2010). “Manipulation of dendritic cell function by viruses”. Current Opinion in Microbiology. 13 (4): 524–529. doi:10.1016/j.mib.2010.06.002. PMID 20598938.
  12. ^ Doitsh, Gilad; Galloway, Nicole L. K.; Geng, Xin; Yang, Zhiyuan; Monroe, Kathryn M.; Zepeda, Orlando; Hunt, Peter W.; Hatano, Hiroyu; Sowinski, Stefanie; Muñoz-Arias, Isa; Greene, Warner C. (2014). “Cell death by pyroptosis drives CD4 T-cell depletion in HIV-1 infection”. Nature. 505 (7484): 509–514. Bibcode:2014Natur.505..509D. doi:10.1038/nature12940. PMC 4047036. PMID 24356306.
  13. ^ Garg H, Mohl J, Joshi A (9 tháng 11 năm 2012). “HIV-1 induced bystander apoptosis”. Viruses. 4 (11): 3020–43. doi:10.3390/v4113020. PMC 3509682. PMID 23202514.
  14. ^ Kumar, Vinay (2012). Robbins Basic Pathology (ấn bản thứ 9). tr. 147. ISBN 978-1-4557-3787-1.
  15. ^ "Bệnh nhân số 0" của bệnh HIV/AIDS được gột rửa tiếng xấu chưa ? Các nhà khoa học xác định virus bắt nguồn ở Congo-Kinshasa”. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 27 tháng 10 năm 2023.
  16. ^ “Vạch trần nạn Đại lưu hành bệnh HIV/AIDS: Tiến hoá chưa đến 100 năm từ cùng một tổ tiên với loài người”. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 10 năm 2023.
  17. ^ “Nghiên cứu: HIV/AIDS bắt nguồn từ thủ đô Kinshasa, Cộng hoà Dân chủ Congo”. Báo Văn Hối. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 10 năm 2023.
  18. ^ Gao F, Bailes E, Robertson DL, Chen Y, Rodenburg CM, Michael SF, Cummins LB, Arthur LO, Peeters M, Shaw GM, Sharp PM, Hahn BH (1999). “Origin of HIV-1 in the chimpanzee Pan troglodytes troglodytes”. Nature. 397 (6718): 436–41. Bibcode:1999Natur.397..436G. doi:10.1038/17130. PMID 9989410.
  19. ^ Keele BF, Van Heuverswyn F, Li Y, Bailes E, Takehisa J, Santiago ML, Bibollet-Ruche F, Chen Y, Wain LV, Liegeois F, Loul S, Ngole EM, Bienvenue Y, Delaporte E, Brookfield JF, Sharp PM, Shaw GM, Peeters M, Hahn BH (2006). “Chimpanzee reservoirs of pandemic and nonpandemic HIV-1”. Science. 313 (5786): 523–6. Bibcode:2006Sci...313..523K. doi:10.1126/science.1126531. PMC 2442710. PMID 16728595.
  20. ^ a b Reeves JD, Doms RW (2002). “Human Immunodeficiency Virus Type 2”. Journal of General Virology. 83 (Pt 6): 1253–65. doi:10.1099/0022-1317-83-6-1253. PMID 12029140.
  21. ^ Goodier JL, Kazazian HH (2008). “Retrotransposons revisited: the restraint and rehabilitation of parasites”. Cell. 135 (1): 23–35. doi:10.1016/j.cell.2008.09.022. PMID 18854152.
  22. ^ Sharp PM, Bailes E, Chaudhuri RR, Rodenburg CM, Santiago MO, Hahn BH (2001). “The origins of acquired immune deficiency syndrome viruses: where and when?”. Philosophical Transactions of the Royal Society B. 356 (1410): 867–76. doi:10.1098/rstb.2001.0863. PMC 1088480. PMID 11405934.
  23. ^ Kalish ML, Wolfe ND, Ndongmo CB, McNicholl J, Robbins KE, Aidoo M, Fonjungo PN, Alemnji G, Zeh C, Djoko CF, Mpoudi-Ngole E, Burke DS, Folks TM (2005). “Central African hunters exposed to simian immunodeficiency virus”. Emerging Infectious Diseases. 11 (12): 1928–30. doi:10.3201/eid1112.050394. PMC 3367631. PMID 16485481.
  24. ^ a b c Marx PA, Alcabes PG, Drucker E (2001). “Serial human passage of simian immunodeficiency virus by unsterile injections and the emergence of epidemic human immunodeficiency virus in Africa”. Philosophical Transactions of the Royal Society B. 356 (1410): 911–20. doi:10.1098/rstb.2001.0867. PMC 1088484. PMID 11405938.
  25. ^ Worobey M, Gemmel M, Teuwen DE, Haselkorn T, Kunstman K, Bunce M, Muyembe JJ, Kabongo JM, Kalengayi RM, Van Marck E, Gilbert MT, Wolinsky SM (2008). “Direct evidence of extensive diversity of HIV-1 in Kinshasa by 1960”. Nature. 455 (7213): 661–4. Bibcode:2008Natur.455..661W. doi:10.1038/nature07390. PMC 3682493. PMID 18833279.
  26. ^ a b de Sousa JD, Müller V, Lemey P, Vandamme AM (2010). Martin DP (biên tập). “High GUD incidence in the early 20th century created a particularly permissive time window for the origin and initial spread of epidemic HIV strains”. PLOS One. 5 (4): e9936. Bibcode:2010PLoSO...5.9936S. doi:10.1371/journal.pone.0009936. PMC 2848574. PMID 20376191.
  27. ^ Chitnis A, Rawls D, Moore J (2000). “Origin of HIV type 1 in colonial French equatorial Africa?”. AIDS Research and Human Retroviruses. 16 (1): 5–8. doi:10.1089/088922200309548. PMID 10628811.
  28. ^ Donald McNeil, Jr. (16 tháng 9 năm 2010). “Precursor to H.I.V. was in monkeys for millennia”. The New York Times. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2010. Dr. Marx believes that the crucial event was the introduction into Africa of millions of inexpensive, mass-produced syringes in the 1950s. ... suspect that the growth of colonial cities is to blame. Before 1910, no Central African town had more than 10,000 people. But urban migration rose, increasing sexual contacts and leading to red-light districts.
  29. ^ Zhu T, Korber BT, Nahmias AJ, Hooper E, Sharp PM, Ho DD (1998). “An African HIV-1 Sequence from 1959 and Implications for the Origin of the epidemic”. Nature. 391 (6667): 594–7. Bibcode:1998Natur.391..594Z. doi:10.1038/35400. PMID 9468138. S2CID 4416837.
  30. ^ Kolata G (28 tháng 10 năm 1987). “Boy's 1969 death suggests AIDS invaded U.S. several times”. The New York Times. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2009.
  31. ^ Chitnis A, Rawls D, Moore J (tháng 1 năm 2000). “Origin of HIV type 1 in colonial French Equatorial Africa?”. AIDS Research and Human Retroviruses. 16 (1): 5–8. doi:10.1089/088922200309548. PMID 10628811. S2CID 17783758.
  32. ^ McNeil, Donald Jr. (16 tháng 9 năm 2010). “Precursor to H.I.V. was in monkeys for millennia”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2010. Dr. Marx believes that the crucial event was the introduction into Africa of millions of inexpensive, mass-produced syringes in the 1950s. ... suspect that the growth of colonial cities is to blame. Before 1910, no Central African town had more than 10,000 people. But urban migration rose, increasing sexual contacts and leading to red-light districts.
  33. ^ a b Wertheim JO, Worobey M (tháng 5 năm 2009). “Dating the age of the SIV lineages that gave rise to HIV-1 and HIV-2”. PLOS Computational Biology. 5 (5): e1000377. Bibcode:2009PLSCB...5E0377W. doi:10.1371/journal.pcbi.1000377. PMC 2669881. PMID 19412344.
  34. ^ Whiteside, Alan (2016). HIV & AIDS: A Very Short Introduction. Oxford: Oxford University Press. ISBN 9780198727491.
  35. ^ Gottlieb MS (2006). “Pneumocystis pneumonia—Los Angeles. 1981”. American Journal of Public Health. 96 (6): 980–1, discussion 982–3. doi:10.2105/AJPH.96.6.980. PMC 1470612. PMID 16714472. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 4 năm 2009.
  36. ^ Friedman-Kien AE (tháng 10 năm 1981). “Disseminated Kaposi's sarcoma syndrome in young homosexual men”. Journal of the American Academy of Dermatology. 5 (4): 468–71. doi:10.1016/S0190-9622(81)80010-2. PMID 7287964.
  37. ^ Hymes KB, Cheung T, Greene JB, Prose NS, Marcus A, Ballard H, William DC, Laubenstein LJ (tháng 9 năm 1981). “Kaposi's sarcoma in homosexual men — a report of eight cases”. The Lancet. 2 (8247): 598–600. doi:10.1016/S0140-6736(81)92740-9. PMID 6116083.
  38. ^ Basavapathruni A, Anderson KS (tháng 12 năm 2007). “Reverse transcription of the HIV-1 pandemic”. The FASEB Journal. 21 (14): 3795–3808. doi:10.1096/fj.07-8697rev. PMID 17639073.
  39. ^ Lederberg, Joshua biên tập (2000). Encyclopedia of Microbiology (ấn bản thứ 2). Burlington: Elsevier. tr. 106. ISBN 978-0-08-054848-7. Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2016.
  40. ^ Centers for Disease Control (1982). “Persistent, generalized lymphadenopathy among homosexual males”. Morbidity and Mortality Weekly Report. 31 (19): 249–251. PMID 6808340.
  41. ^ Barré-Sinoussi F, Chermann JC, Rey F, Nugeyre MT, Chamaret S, Gruest J, Dauguet C, Axler-Blin C, Vézinet-Brun F, Rouzioux C, Rozenbaum W, Montagnier L (1983). “Isolation of a T-lymphotropic retrovirus from a patient at risk for acquired immune deficiency syndrome (AIDS)”. Science. 220 (4599): 868–871. Bibcode:1983Sci...220..868B. doi:10.1126/science.6189183. PMID 6189183.
  42. ^ a b Centers for Disease Control (1982). “Opportunistic infections and Kaposi's sarcoma among Haitians in the United States”. Morbidity and Mortality Weekly Report. 31 (26): 353–354, 360–361. PMID 6811853.
  43. ^ Altman LK (11 tháng 5 năm 1982). “New homosexual disorder worries health officials”. The New York Times. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2011.
  44. ^ Gilman, Sander L (1987). Gilman, Sander L. (biên tập). “AIDS and Syphilis: The Iconography of Disease”. October. 43: 87–107. doi:10.2307/3397566. JSTOR 3397566.
  45. ^ “Making Headway Under Hellacious Circumstances” (PDF). American Association for the Advancement of Science. 28 tháng 7 năm 2006. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 24 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2008.
  46. ^ Kher U (27 tháng 7 năm 1982). “A Name for the Plague”. Time. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2008.
  47. ^ Centers for Disease Control (1982). “Update on acquired immune deficiency syndrome (AIDS)—United States”. Morbidity and Mortality Weekly Report. 31 (37): 507–508, 513–514. PMID 6815471.
  48. ^ Levy JA; và đồng nghiệp (1984). “Isolation of lymphocytopathic retroviruses from San Francisco patients with AIDS”. Science. 225 (4664): 840–842. Bibcode:1984Sci...225..840L. doi:10.1126/science.6206563. PMID 6206563.
  49. ^ Levy JA, Kaminsky LS, Morrow WJ, Steimer K, Luciw P, Dina D, Hoxie J, Oshiro L (1985). “Infection by the retrovirus associated with the acquired immunodeficiency syndrome”. Annals of Internal Medicine. 103 (5): 694–699. doi:10.7326/0003-4819-103-5-694. PMID 2996401.
  50. ^ “Báo cáo thống kê HIV/AIDS”. unaids.org/en. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2021.
  51. ^ “Prevention Access Compaign”. U=U, United States, Prevention Access Campaign. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2018.
  52. ^ “Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS - Quỹ Ruy băng Đỏ Đài Loan, pháp nhân tài chính - Tư vấn sàng lọc”. www.taiwanaids.org.tw (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2023.
  53. ^ “AIDS 2018: Amsterdam làm thế nào sử dụng mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc để đạt được mục tiêu 90-90-90 trước dự kiến”. www.twhhf.org (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2023.
  54. ^ AFP. “Trump tức giận: Tin giả tồn tại từ lâu hàng thế kỉ” (bằng tiếng Trung). Đài phát thanh Quốc tế Đài Loan. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2018.
  55. ^ International Committee on Taxonomy of Viruses (2002). “61.0.6. Lentivirus”. National Institutes of Health. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2006.
  56. ^ International Committee on Taxonomy of Viruses (2002). “61. Retroviridae”. National Institutes of Health. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2006.
  57. ^ Levy JA (1993). “HIV pathogenesis and long-term survival”. AIDS. 7 (11): 1401–10. doi:10.1097/00002030-199311000-00001. PMID 8280406.
  58. ^ Smith JA, Daniel R (2006). “Following the path of the virus: the exploitation of host DNA repair mechanisms by retroviruses”. ACS Chemical Biology. 1 (4): 217–26. doi:10.1021/cb600131q. PMID 17163676.
  59. ^ a b Siliciano, R. F.; Greene, W. C. (2011). “HIV Latency”. Cold Spring Harbor Perspectives in Medicine. 1 (1): a007096. doi:10.1101/cshperspect.a007096. PMC 3234450. PMID 22229121.
  60. ^ Gilbert PB, McKeague IW, Eisen G, Mullins C, Guéye-NDiaye A, Mboup S, Kanki PJ (28 tháng 2 năm 2003). “Comparison of HIV-1 and HIV-2 infectivity from a prospective cohort study in Senegal”. Statistics in Medicine. 22 (4): 573–593. doi:10.1002/sim.1342. PMID 12590415.
  61. ^ McGovern SL, Caselli E, Grigorieff N, Shoichet BK (2002). “A common mechanism underlying promiscuous inhibitors from virtual and high-throughput screening”. Journal of Medicinal Chemistry. 45 (8): 1712–22. doi:10.1021/jm010533y. hdl:11380/977912. PMID 11931626.
  62. ^ Compared with overview in: Fisher, Bruce; Harvey, Richard P.; Champe, Pamela C. (2007). Lippincott's Illustrated Reviews: Microbiology. Lippincott's Illustrated Reviews. Hagerstown, MD: Lippincott Williams & Wilkins. tr. 3. ISBN 978-0-7817-8215-9.
  63. ^ a b Various (2008). HIV Sequence Compendium 2008 Introduction (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 24 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2009.
  64. ^ a b c Chan DC, Fass D, Berger JM, Kim PS (1997). “Core structure of gp41 from the HIV envelope glycoprotein” (PDF). Cell. 89 (2): 263–73. doi:10.1016/S0092-8674(00)80205-6. PMID 9108481. S2CID 4518241.
  65. ^ Klein, Joshua S.; Bjorkman, Pamela J.; Rall, Glenn F. (27 tháng 5 năm 2010). “Few and Far Between: How HIV May Be Evading Antibody Avidity”. PLOS Pathogens. 6 (5): e1000908. doi:10.1371/journal.ppat.1000908. PMC 2877745. PMID 20523901.
  66. ^ National Institute of Health (17 tháng 6 năm 1998). “Crystal structure of key HIV protein reveals new prevention, treatment targets” (Thông cáo báo chí). Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 2 năm 2006. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2006.
  67. ^ Behrens, Anna-Janina; Vasiljevic, Snezana; Pritchard, Laura K; Harvey, David J; Andev, Rajinder S; Krumm, Stefanie A; Struwe, Weston B; Cupo, Albert; Kumar, Abhinav; Zitzmann, Nicole; Seabright, Gemma E; Kramer, Holger B; Spencer, Daniel I.R; Royle, Louise; Lee, Jeong Hyun; Klasse, Per J; Burton, Dennis R; Wilson, Ian A; Ward, Andrew B; Sanders, Rogier W; Moore, John P; Doores, Katie J; Crispin, Max (2016). “Composition and Antigenic Effects of Individual Glycan Sites of a Trimeric HIV-1 Envelope Glycoprotein”. Cell Reports. 14 (11): 2695–706. doi:10.1016/j.celrep.2016.02.058. PMC 4805854. PMID 26972002.
  68. ^ Pritchard, Laura K; Spencer, Daniel I.R; Royle, Louise; Bonomelli, Camille; Seabright, Gemma E; Behrens, Anna-Janina; Kulp, Daniel W; Menis, Sergey; Krumm, Stefanie A; Dunlop, D. Cameron; Crispin, Daniel J; Bowden, Thomas A; Scanlan, Christopher N; Ward, Andrew B; Schief, William R; Doores, Katie J; Crispin, Max (2015). “Glycan clustering stabilizes the mannose patch of HIV-1 and preserves vulnerability to broadly neutralizing antibodies”. Nature Communications. 6: 7479. Bibcode:2015NatCo...6.7479P. doi:10.1038/ncomms8479. PMC 4500839. PMID 26105115.
  69. ^ Pritchard, Laura K; Harvey, David J; Bonomelli, Camille; Crispin, Max; Doores, Katie J (2015). “Cell- and Protein-Directed Glycosylation of Native Cleaved HIV-1 Envelope”. Journal of Virology. 89 (17): 8932–44. doi:10.1128/JVI.01190-15. PMC 4524065. PMID 26085151.
  70. ^ Crispin, Max; Doores, Katie J (2015). “Targeting host-derived glycans on enveloped viruses for antibody-based vaccine design”. Current Opinion in Virology. 11: 63–9. doi:10.1016/j.coviro.2015.02.002. PMC 4827424. PMID 25747313.
  71. ^ Huet, Thierry; Cheynier, Rémi; Meyerhans, Andreas (24 tháng 5 năm 1990). “Genetic organization of a chimpanzee lentivirus related to HIV-1”. www.nature.com. doi:10.1038/345356a0. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 11 năm 2023.
  72. ^ Hirsch, Vanessa M.; Olmsted, Robert A.; Murphey-Corb, Michael (1 tháng 6 năm 1989). “An African primate lentivirus (SIVsmclosely related to HIV-2”. www.nature.com. doi:10.1038/339389a0. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 11 năm 2023.
  73. ^ Arrildt, Kathryn Twigg; Joseph, Sarah Beth; Swanstrom, Ronald (tháng 3 năm 2012). “The HIV-1 Env Protein: A Coat of Many Colors”. Current HIV/AIDS Reports. 9 (Current HIV/AIDS Reports): 53–63. doi:10.1007/s11904-011-0107-3. PMC 3658113. PMID 22237899.
  74. ^ a b Berger EA, Doms RW, Fenyö EM, Korber BT, Littman DR, Moore JP, Sattentau QJ, Schuitemaker H, Sodroski J, Weiss RA (1998). “A new classification for HIV-1”. Nature. 391 (6664): 240. Bibcode:1998Natur.391..240B. doi:10.1038/34571. PMID 9440686. S2CID 2159146.
  75. ^ a b c Coakley E, Petropoulos CJ, Whitcomb JM (2005). “Assessing ch vbgemokine co-receptor usage in HIV”. Current Opinion in Infectious Diseases. 18 (1): 9–15. doi:10.1097/00001432-200502000-00003. PMID 15647694. S2CID 30923492.
  76. ^ Deng H, Liu R, Ellmeier W, Choe S, Unutmaz D, Burkhart M, Di Marzio P, Marmon S, Sutton RE, Hill CM, Davis CB, Peiper SC, Schall TJ, Littman DR, Landau NR (1996). “Identification of a major co-receptor for primary isolates of HIV-1”. Nature. 381 (6584): 661–6. Bibcode:1996Natur.381..661D. doi:10.1038/381661a0. PMID 8649511. S2CID 37973935.
  77. ^ Feng Y, Broder CC, Kennedy PE, Berger EA (1996). “HIV-1 entry cofactor: functional cDNA cloning of a seven-transmembrane, G protein-coupled receptor”. Science. 272 (5263): 872–7. Bibcode:1996Sci...272..872F. doi:10.1126/science.272.5263.872. PMID 8629022. S2CID 44455027.
  78. ^ Knight SC, Macatonia SE, Patterson S (1990). “HIV I infection of dendritic cells”. International Review of Immunology. 6 (2–3): 163–75. doi:10.3109/08830189009056627. PMID 2152500.
  79. ^ Tang J, Kaslow RA (2003). “The impact of host genetics on HIV infection and disease progression in the era of highly active antiretroviral therapy”. AIDS. 17 (Suppl 4): S51–S60. doi:10.1097/00002030-200317004-00006. PMID 15080180.
  80. ^ Zhu T, Mo H, Wang N, Nam DS, Cao Y, Koup RA, Ho DD (1993). “Genotypic and phenotypic characterization of HIV-1 patients with primary infection”. Science. 261 (5125): 1179–81. Bibcode:1993Sci...261.1179Z. doi:10.1126/science.8356453. PMID 8356453.
  81. ^ van't Wout AB, Kootstra NA, Mulder-Kampinga GA, Albrecht-van Lent N, Scherpbier HJ, Veenstra J, Boer K, Coutinho RA, Miedema F, Schuitemaker H (1994). “Macrophage-tropic variants initiate human immunodeficiency virus type 1 infection after sexual, parenteral, and vertical transmission”. Journal of Clinical Investigation. 94 (5): 2060–7. doi:10.1172/JCI117560. PMC 294642. PMID 7962552.
  82. ^ Zhu T, Wang N, Carr A, Nam DS, Moor-Jankowski R, Cooper DA, Ho DD (1996). “Genetic characterization of human immunodeficiency virus type 1 in blood and genital secretions: evidence for viral compartmentalization and selection during sexual transmission”. Journal of Virology. 70 (5): 3098–107. doi:10.1128/JVI.70.5.3098-3107.1996. PMC 190172. PMID 8627789.
  83. ^ Clevestig P, Maljkovic I, Casper C, Carlenor E, Lindgren S, Navér L, Bohlin AB, Fenyö EM, Leitner T, Ehrnst A (2005). “The X4 phenotype of HIV type 1 evolves from R5 in two children of mothers, carrying X4, and is not linked to transmission”. AIDS Research and Human Retroviruses. 21 (5): 371–8. doi:10.1089/aid.2005.21.371. PMID 15929699.
  84. ^ Moore JP (1997). “Coreceptors: implications for HIV pathogenesis and therapy”. Science. 276 (5309): 51–2. doi:10.1126/science.276.5309.51. PMID 9122710. S2CID 33262844.
  85. ^ Karlsson A, Parsmyr K, Aperia K, Sandström E, Fenyö EM, Albert J (1994). “MT-2 cell tropism of human immunodeficiency virus type 1 isolates as a marker for response to treatment and development of drug resistance”. The Journal of Infectious Diseases. 170 (6): 1367–75. doi:10.1093/infdis/170.6.1367. PMID 7995974.
  86. ^ Koot M, van 't Wout AB, Kootstra NA, de Goede RE, Tersmette M, Schuitemaker H (1996). “Relation between changes in cellular load, evolution of viral phenotype, and the clonal composition of virus populations in the course of human immunodeficiency virus type 1 infection”. The Journal of Infectious Diseases. 173 (2): 349–54. doi:10.1093/infdis/173.2.349. PMID 8568295.
  87. ^ a b c d e f g Chan DC, Kim PS (1998). “HIV entry and its inhibition”. Cell. 93 (5): 681–4. doi:10.1016/S0092-8674(00)81430-0. PMID 9630213. S2CID 10544941.
  88. ^ a b c d e f Wyatt R, Sodroski J (1998). “The HIV-1 envelope glycoproteins: fusogens, antigens, and immunogens”. Science. 280 (5371): 1884–8. Bibcode:1998Sci...280.1884W. doi:10.1126/science.280.5371.1884. PMID 9632381.
  89. ^ a b Arthos J, Cicala C, Martinelli E, Macleod K, Van Ryk D, Wei D, Xiao Z, Veenstra TD, Conrad TP, Lempicki RA, McLaughlin S, Pascuccio M, Gopaul R, McNally J, Cruz CC, Censoplano N, Chung E, Reitano KN, Kottilil S, Goode DJ, Fauci AS (2008). “HIV-1 envelope protein binds to and signals through integrin alpha(4)beta(7), the gut mucosal homing receptor for peripheral T cells”. Nature Immunology. 9 (3): 301–9. doi:10.1038/ni1566. PMID 18264102. S2CID 205361178.
  90. ^ a b Pope M, Haase AT (2003). “Transmission, acute HIV-1 infection and the quest for strategies to prevent infection”. Nature Medicine. 9 (7): 847–52. doi:10.1038/nm0703-847. PMID 12835704. S2CID 26570505.
  91. ^ Haedicke J, Brown C, Naghavi MH (tháng 8 năm 2009). “The brain-specific factor FEZ1 is a determinant of neuronal susceptibility to HIV-1 infection”. Proceedings of the National Academy of Sciences. 106 (33): 14040–14045. Bibcode:2009PNAS..10614040H. doi:10.1073/pnas.0900502106. PMC 2729016. PMID 19667186.
  92. ^ Daecke J, Fackler OT, Dittmar MT, Kräusslich HG (2005). “Involvement of clathrin-mediated endocytosis in human immunodeficiency virus type 1 entry”. Journal of Virology. 79 (3): 1581–1594. doi:10.1128/jvi.79.3.1581-1594.2005. PMC 544101. PMID 15650184.
  93. ^ Miyauchi K, Kim Y, Latinovic O, Morozov V, Melikyan GB (2009). “HIV Enters Cells via Endocytosis and Dynamin-Dependent Fusion with Endosomes”. Cell. 137 (3): 433–444. doi:10.1016/j.cell.2009.02.046. PMC 2696170. PMID 19410541.
  94. ^ Koch P, Lampe M, Godinez WJ, Müller B, Rohr K, Kräusslich HG, Lehmann MJ (2009). “Visualizing fusion of pseudotyped HIV-1 particles in real time by live cell microscopy”. Retrovirology. 6: 84. doi:10.1186/1742-4690-6-84. PMC 2762461. PMID 19765276.
  95. ^ Thorley JA, McKeating JA, Rappoport JZ (2010). “Mechanis ms of viral entry: sneaking in the front door”. Protoplasma. 244 (1–4): 15–24. doi:10.1007/s00709-010-0152-6. PMC 3038234. PMID 20446005.
  96. ^ Permanyer M, Ballana E, Esté JA (2010). “Endocytosis of HIV: anything goes”. Trends in Microbiology. 18 (12): 543–551. doi:10.1016/j.tim.2010.09.003. PMID 20965729.
  97. ^ a b c Zheng YH, Lovsin N, Peterlin BM (2005). “Newly identified host factors modulate HIV replication”. Immunology Letters. 97 (2): 225–34. doi:10.1016/j.imlet.2004.11.026. PMID 15752562.
  98. ^ “IV. Viruses> F. Animal Virus Life Cycles > 3. The Life Cycle of HIV”. Doc Kaiser's Microbiology Home Page. Community College of Baltimore County. tháng 1 năm 2008. Bản gốc lưu trữ 26 tháng Bảy năm 2010.
  99. ^ Pollard VW, Malim MH (1998). “The HIV-1 Rev protein”. Annual Review of Microbiology. 52: 491–532. doi:10.1146/annurev.micro.52.1.491. PMID 9891806.
  100. ^ Butsch, M.; Boris-Lawrie, K. (2002). “Destiny of Unspliced Retroviral RNA: Ribosome and/or Virion?”. Journal of Virology. 76 (7): 3089–94. doi:10.1128/JVI.76.7.3089-3094.2002. PMC 136024. PMID 11884533.
  101. ^ Hellmund, Chris; Lever, Andrew M. L. (14 tháng 7 năm 2016). “Coordination of Genomic RNA Packaging with Viral Assembly in HIV-1”. Viruses. 8 (7): 192. doi:10.3390/v8070192. ISSN 1999-4915. PMC 4974527. PMID 27428992.
  102. ^ Soto-Rifo, R.; Limousin, T.; Rubilar, P. S.; Ricci, E. P.; Décimo, D.; Moncorgé, O.; Trabaud, M. A.; André, P.; Cimarelli, A.; Ohlmann, T. (2011). “Different effects of the TAR structure on HIV-1 and HIV-2 genomic RNA translation”. Nucleic Acids Research. 40 (6): 2653–2667. doi:10.1093/nar/gkr1093. PMC 3315320. PMID 22121214.
  103. ^ Saad, Jamil S.; Muriaux, Delphine M. (28 tháng 7 năm 2015). Role of Lipids in Virus Assembly (bằng tiếng Anh). Frontiers Media SA. ISBN 9782889195824.
  104. ^ Ricci, E. P.; Herbreteau, C. H.; Decimo, D.; Schaupp, A.; Datta, S. A. K.; Rein, A.; Darlix, J. -L.; Ohlmann, T. (2008). “In vitro expression of the HIV-2 genomic RNA is controlled by three distinct internal ribosome entry segments that are regulated by the HIV protease and the Gag polyprotein”. RNA. 14 (7): 1443–55. doi:10.1261/rna.813608. PMC 2441975. PMID 18495939.
  105. ^ a b Hu WS, Temin HM (1990). “Retroviral recombination and reverse transcription”. Science. 250 (4985): 1227–33. Bibcode:1990Sci...250.1227H. doi:10.1126/science.1700865. PMID 1700865.
  106. ^ a b Charpentier C, Nora T, Tenaillon O, Clavel F, Hance AJ (2006). “Extensive recombination among human immunodeficiency virus type 1 quasispecies makes an important contribution to viral diversity in individual patients”. Journal of Virology. 80 (5): 2472–82. doi:10.1128/JVI.80.5.2472-2482.2006. PMC 1395372. PMID 16474154.
  107. ^ Nora T, Charpentier C, Tenaillon O, Hoede C, Clavel F, Hance AJ (2007). “Contribution of recombination to the evolution of human immunodeficiency viruses expressing resistance to antiretroviral treatment”. Journal of Virology. 81 (14): 7620–8. doi:10.1128/JVI.00083-07. PMC 1933369. PMID 17494080.
  108. ^ Chen J, Powell D, Hu WS (2006). “High frequency of genetic recombination is a common feature of primate lentivirus replication”. Journal of Virology. 80 (19): 9651–8. doi:10.1128/JVI.00936-06. PMC 1617242. PMID 16973569.
  109. ^ a b Bonhoeffer S, Chappey C, Parkin NT, Whitcomb JM, Petropoulos CJ (2004). “Evidence for positive epistasis in HIV-1”. Science. 306 (5701): 1547–50. Bibcode:2004Sci...306.1547B. doi:10.1126/science.1101786. PMID 15567861. S2CID 45784964.
  110. ^ Israël N, Gougerot-Pocidalo MA (1997). “Oxidative stress in human immunodeficiency virus infection”. Cellular and Molecular Life Sciences. 53 (11–12): 864–70. doi:10.1007/s000180050106. PMID 9447238. S2CID 22663454.
  111. ^ Michod RE, Bernstein H, Nedelcu AM (tháng 5 năm 2008). “Adaptive value of sex in microbial pathogens” (PDF). Infection, Genetics and Evolution. 8 (3): 267–85. doi:10.1016/j.meegid.2008.01.002. PMID 18295550. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 30 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2021.
  112. ^ Hallenberger S, Bosch V, Angliker H, Shaw E, Klenk HD, Garten W (26 tháng 11 năm 1992). “Inhibition of furin-mediated cleavage activation of HIV-1 glycoprotein gp160”. Nature. 360 (6402): 358–61. Bibcode:1992Natur.360..358H. doi:10.1038/360358a0. PMID 1360148. S2CID 4306605.
  113. ^ Gelderblom HR (1997). “Fine structure of HIV and SIV” (PDF). Trong Los Alamos National Laboratory (biên tập). HIV sequence compendium. Los Alamos National Laboratory. tr. 31–44.
  114. ^ a b c d Zhang C, Zhou S, Groppelli E, Pellegrino P, Williams I, Borrow P, Chain BM, Jolly C (2015). “Hybrid Spreading Mechanisms and T Cell Activation Shape the Dynamics of HIV-1 Infection”. PLOS Computational Biology. 11 (4): e1004179. arXiv:1503.08992. Bibcode:2015PLSCB..11E4179Z. doi:10.1371/journal.pcbi.1004179. PMC 4383537. PMID 25837979.
  115. ^ a b Jolly C, Kashefi K, Hollinshead M, Sattentau QJ (2004). “HIV-1 cell to cell transfer across an Env-induced, actin-dependent synapse”. Journal of Experimental Medicine. 199 (2): 283–293. doi:10.1084/jem.20030648. PMC 2211771. PMID 14734528.
  116. ^ Sattentau Q (2008). “Avoiding the void: cell-to-cell spread of human viruses”. Nature Reviews Microbiology. 6 (11): 815–826. doi:10.1038/nrmicro1972. PMID 18923409. S2CID 20991705.
  117. ^ Duncan CJ, Russell RA, Sattentau QJ (2013). “High multiplicity HIV-1 cell-to-cell transmission from macrophages to CD4+ T cells limits antiretroviral efficacy”. AIDS. 27 (14): 2201–2206. doi:10.1097/QAD.0b013e3283632ec4. PMC 4714465. PMID 24005480.
  118. ^ Sewald X, Gonzalez DG, Haberman AM, Mothes W (2012). “In vivo imaging of virological synapses”. Nature Communications. 3: 1320. Bibcode:2012NatCo...3.1320S. doi:10.1038/ncomms2338. PMC 3784984. PMID 23271654.
  119. ^ Sigal A, Kim JT, Balazs AB, Dekel E, Mayo A, Milo R, Baltimore D (2011). “Cell-to-cell spread of HIV permits ongoing replication despite antiretroviral therapy”. Nature. 477 (7362): 95–98. Bibcode:2011Natur.477...95S. doi:10.1038/nature10347. PMID 21849975. S2CID 4409389.
  120. ^ a b c d Robertson DL, Hahn BH, Sharp PM (1995). “Recombination in AIDS viruses”. Journal of Molecular Evolution. 40 (3): 249–59. Bibcode:1995JMolE..40..249R. doi:10.1007/BF00163230. PMID 7723052. S2CID 19728830.
  121. ^ Rambaut A, Posada D, Crandall KA, Holmes EC (tháng 1 năm 2004). “The causes and consequences of HIV evolution”. Nature Reviews Genetics. 5 (52–61): 52–61. doi:10.1038/nrg1246. PMID 14708016. S2CID 5790569. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2021.
  122. ^ Perelson AS, Ribeiro RM (tháng 10 năm 2008). “Estimating drug efficacy and viral dynamic parameters: HIV and HCV”. Statistics in Medicine. 27 (23): 4647–57. doi:10.1002/sim.3116. PMID 17960579.
  123. ^ a b Sodora DL, Allan JS, Apetrei C, Brenchley JM, Douek DC, Else JG, Estes JD, Hahn BH, Hirsch VM, Kaur A, Kirchhoff F, Muller-Trutwin M, Pandrea I, Schmitz JE, Silvestri G (2009). “Toward an AIDS vaccine: lessons from natural simian immunodeficiency virus infections of African nonhuman primate hosts”. Nature Medicine. 15 (8): 861–865. doi:10.1038/nm.2013. PMC 2782707. PMID 19661993.
  124. ^ Holzammer S, Holznagel E, Kaul A, Kurth R, Norley S (2001). “High virus loads in naturally and experimentally SIVagm-infected African green monkeys”. Virology. 283 (2): 324–31. doi:10.1006/viro.2001.0870. PMID 11336557.
  125. ^ Kurth, R.; Norley, S. (1996). “Why don't the natural hosts of SIV develop simian AIDS?”. The Journal of NIH Research. 8: 33–37.
  126. ^ Baier M, Dittmar MT, Cichutek K, Kurth R (1991). “Development of vivo of genetic variability of simian immunodeficiency virus”. Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America. 88 (18): 8126–30. Bibcode:1991PNAS...88.8126B. doi:10.1073/pnas.88.18.8126. PMC 52459. PMID 1896460.
  127. ^ Daniel MD, King NW, Letvin NL, Hunt RD, Sehgal PK, Desrosiers RC (1984). “A new type D retrovirus isolated from macaques with an immunodeficiency syndrome”. Science. 223 (4636): 602–5. Bibcode:1984Sci...223..602D. doi:10.1126/science.6695172. PMID 6695172.
  128. ^ a b Keele BF, Jones JH, Terio KA, Estes JD, Rudicell RS, Wilson ML, Li Y, Learn GH, Beasley TM, Schumacher-Stankey J, Wroblewski E, Mosser A, Raphael J, Kamenya S, Lonsdorf EV, Travis DA, Mlengeya T, Kinsel MJ, Else JG, Silvestri G, Goodall J, Sharp PM, Shaw GM, Pusey AE, Hahn BH (2009). “Increased mortality and AIDS-like immunopathology in wild chimpanzees infected with SIVcpz”. Nature. 460 (7254): 515–519. Bibcode:2009Natur.460..515K. doi:10.1038/nature08200. PMC 2872475. PMID 19626114.
  129. ^ Schindler M, Münch J, Kutsch O, Li H, Santiago ML, Bibollet-Ruche F, Müller-Trutwin MC, Novembre FJ, Peeters M, Courgnaud V, Bailes E, Roques P, Sodora DL, Silvestri G, Sharp PM, Hahn BH, Kirchhoff F (2006). “Nef-mediated suppression of T cell activation was lost in a lentiviral lineage that gave rise to HIV-1”. Cell. 125 (6): 1055–67. doi:10.1016/j.cell.2006.04.033. PMID 16777597. S2CID 15132918.
  130. ^ Thomson MM, Pérez-Alvarez L, Nájera R (2002). “Molecular epidemiology of HIV-1 genetic forms and its significance for vaccine development and therapy”. The Lancet Infectious Diseases. 2 (8): 461–471. doi:10.1016/S1473-3099(02)00343-2. PMID 12150845.
  131. ^ Carr JK, Foley BT, Leitner T, Salminen M, Korber B, McCutchan F (1998). “Reference sequences representing the principal genetic diversity of HIV-1 in the pandemic” (PDF). Trong Los Alamos National Laboratory (biên tập). HIV sequence compendium. Los Alamos, New Mexico: Los Alamos National Laboratory. tr. 10–19.
  132. ^ Osmanov S, Pattou C, Walker N, Schwardländer B, Esparza J (2002). “Estimated global distribution and regional spread of HIV-1 genetic subtypes in the year 2000”. Journal of Acquired Immune Deficiency Syndromes. 29 (2): 184–190. doi:10.1097/00042560-200202010-00013. PMID 11832690. S2CID 12536801.
  133. ^ Perrin L, Kaiser L, Yerly S (2003). “Travel and the spread of HIV-1 genetic variants”. The Lancet Infectious Diseases. 3 (1): 22–27. doi:10.1016/S1473-3099(03)00484-5. PMID 12505029.
  134. ^ a b Plantier JC, Leoz M, Dickerson JE, De Oliveira F, Cordonnier F, Lemée V, Damond F, Robertson DL, Simon F (tháng 8 năm 2009). “A new human immunodeficiency virus derived from gorillas”. Nature Medicine. 15 (8): 871–2. doi:10.1038/nm.2016. PMID 19648927. S2CID 76837833. Tóm lược dễ hiểu.
  135. ^ Keele BF, Van Heuverswyn F, Li Y, Bailes E, Takehisa J, Santiago ML, Bibollet-Ruche F, Chen Y, Wain LV, Liegeois F, Loul S, Ngole EM, Bienvenue Y, Delaporte E, Brookfield JF, Sharp PM, Shaw GM, Peeters M, Hahn BH (28 tháng 7 năm 2006). “Chimpanzee reservoirs of pandemic and nonpandemic HIV-1”. Science. 313 (5786): 523–6. Bibcode:2006Sci...313..523K. doi:10.1126/science.1126531. PMC 2442710. PMID 16728595.
  136. ^ a b c d Kumaranayake, L.; Watts, C. (2001). “Resource allocation and priority setting of HIV/AIDS interventions: addressing the generalized epidemic in sub-Saharan Africa”. Journal of International Development. 13 (4): 451–466. doi:10.1002/jid.797.
  137. ^ Kleinman S (tháng 9 năm 2004). “Patient information: Blood donation and transfusion”. Uptodate. Bản gốc lưu trữ 12 Tháng tư năm 2008.
  138. ^ a b Centers for Disease Control and Prevention (2001). “Revised guidelines for HIV counseling, testing, and referral”. MMWR Recommendations and Reports. 50 (RR–19): 1–57. PMID 11718472.
  139. ^ Celum CL, Coombs RW, Lafferty W, Inui TS, Louie PH, Gates CA, McCreedy BJ, Egan R, Grove T, Alexander S (1991). “Indeterminate human immunodeficiency virus type 1 western blots: seroconversion risk, specificity of supplemental tests, and an algorithm for evaluation”. The Journal of Infectious Diseases. 164 (4): 656–664. doi:10.1093/infdis/164.4.656. PMID 1894929.
  140. ^ Chou, Roger; Selph, Shelley; Dana, Tracy; Bougatsos, Christina; Zakher, Bernadette; Blazina, Ian; Korthuis, P. Todd (20 tháng 11 năm 2012). “Screening for HIV: systematic review to update the 2005 U.S. Preventive Services Task Force recommendation”. Annals of Internal Medicine. 157 (10): 706–718. doi:10.7326/0003-4819-157-10-201211200-00007. ISSN 1539-3704. PMID 23165662. S2CID 27494096.
  141. ^ Chou R, Huffman LH, Fu R, Smits AK, Korthuis PT (tháng 7 năm 2005). “Screening for HIV: a review of the evidence for the U.S. Preventive Services Task Force”. Annals of Internal Medicine. 143 (1): 55–73. doi:10.7326/0003-4819-143-1-200507050-00010. PMID 15998755.
  142. ^ Tolle MA, Schwarzwald HL (15 tháng 7 năm 2010). “Postexposure prophylaxis against human immunodeficiency virus”. American Family Physician. 82 (2): 161–6. PMID 20642270.
  143. ^ “Quick Reference Guide—Laboratory Testing for the Diagnosis of HIV Infection: Updated Recommendations” (PDF). cdc.gov. New York State Department of Health. 27 tháng 6 năm 2014. tr. 1–2. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 2 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2017.
  144. ^ Swiss National AIDS Commission (15 tháng 10 năm 2016). “The Swiss statement”. HIV i-Base. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2019.
  145. ^ The Lancet HIV (tháng 11 năm 2017). “U=U taking off in 2017”. Editorial. The Lancet HIV. 44 (11): e475. doi:10.1016/S2352-3018(17)30183-2. PMID 29096785.
  146. ^ “Can't Pass It On”. Terrence Higgins Trust. 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2019. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2019.
  147. ^ Zhu, Jia; Hladik, Florian; Woodward, Amanda; Klock, Alexis; Peng, Tao; Johnston, Christine; Remington, Michael; Magaret, Amalia; Koelle, David M.; Wald, Anna; Corey, Lawrence (tháng 8 năm 2009). “Persistence of HIV-1 Receptor-Positive Cells after HSV-2 Reactivation: A Potential Mechanism for Increased HIV-1 Acquisition”. Nature Medicine. 15 (8): 886–892. doi:10.1038/nm.2006. ISSN 1078-8956. PMC 2723183. PMID 19648930.
  148. ^ Looker, Katharine J.; Elmes, Jocelyn A. R.; Gottlieb, Sami L.; Schiffer, Joshua T.; Vickerman, Peter; Turner, Katherine M. E.; Boily, Marie-Claude (tháng 12 năm 2017). “Effect of HSV-2 infection on subsequent HIV acquisition: an updated systematic review and meta-analysis”. The Lancet. Infectious Diseases. 17 (12): 1303–1316. doi:10.1016/S1473-3099(17)30405-X. ISSN 1474-4457. PMC 5700807. PMID 28843576.

Đọc thêm

sửa

Liên kết ngoài

sửa